Xong cuộc rồi, thầy Sáu mới nói tôi rằng: “Cô có biết làm sao vợ thầy hay mà lên làm hùm hổ như vậy không? Ấu là mưu độc của má Tư Hớn. Thầy biết chắc như vậy, vì lúc hai đàng ấu đả, có Má Tư đứng ngoài xa thị thiềng nhưng không lọt qua mắt thầy.
Còn năm con chết bằm vào ăn xía đánh tôi là năm con ở lậu em út của Má, chớ không ai xa lạ. Đây chắc là Má dò biết thày cai lên với tôi lại sẵn biết thầy có tánh thờ bà sợ vợ nên Má tuốt xuống Trà Vinh trục vợ thầy cai lên đánh tôi bỏ ghét, và trả thù luôn thể. Thầy Sáu tiếp:
- Chẳng phải tôi dám xúi cô chia uyên rẽ thuý, thôi lấy thầy cai, song cô suy nghĩ lại coi, cô chọn người như vậy mà trao thân gởi phận, thì sao yên? Phận cô thì mảnh mai bồ liễu, thêm tứ cố vô thân. Chuyến nầy con mẹ cai giữ chặt thì trông mong gì thẩy thoát được mà lên trên nầy, vả lại chàng va bị bắt tại trận, phen nầy ắt thề bán mạng không tới lui với cô nữa, thì không bỏ mà cũng như bỏ, thêm nữa ở đây con yêu già kia còn, không biết nó sẽ bày mưu thiết kế gì nữa để hại cô. Đã biết cái sự binh vực cô, thì tôi đây sẵn lòng luôn luôn, dầu cho sẽ bị hại khốn khổ cách mấy, tôi cũng chẳng từ nan, ngặt một điều, tôi với cô bất quá là người hàng xóm, anh em với nhau mà thôi, nhưng ở đởi có nhiều khi gặp cơn hoạn nạn, anh em cũng phải cua tay không phép gì cứu đặng. Vậy cô nên suy nghĩ kỹ mà sớm liệu chọn đôi bạn khác thì mới tiện cho.
Thầy nói cũng có lý, mà hiện nay tôi biết ai đâu mà chọn lựa bây giờ? Lại nữa ơn thầy hổm rày che chở, tôi biết lấy chi mà trả? Xem chửng coi bộ thầy ta thương tôi lắm, song thầy lấy lòng quân tử ngay thẳng, chẳng muốn thừa cái sự tôi mang ơn mà ép tôi vầy duyên nhưng tôi coi bộ không có cái chi làm cho thầy có phước và vui lòng bằng được lấy tôi làm vợ.
Suy xét kỹ càng rồi, tôi mới vừa cười vừa nói với thầy như vầy:
- Thầy nói nghe rất phải, nhưng tôi có thấy ai thương tôi thiệt tình đâu mà hòng trao tơ kết tóc. Ngay bây giờ tôi thấy có một mình thầy hết lòng giúp đỡ tôi. Vậy nếu thầy không chê, tôi xin gá nghĩa cùng thầy, trước đền ơn che chở, sau có chỗ dựa nương.
Tôi nói chưa dứt lời, thầy mừng thôi quýnh quýn, chạy a lại hôn tôi và ôm tôi vào lòng, mà nước mắt chảy đầy má không hay.
Từ đó vợ chồng tôi ở với nhau hết sức thuận hoà vui vẻ. Thầy Sáu đối xử theo cách Tây, nên dịu ngọt với tôi lắm. Đi chơi chỗ nào, hai đứa nắm tay nhau không rời. Nhờ vậy tôi mới biết mấy cuộc vui nhã thú ở Sài Gòn nầy, chớ từ lên trên nầy hết cô chủ sự thì lọt vào tay Má Tư, tôi chỉ biết ăn chơi đàn đúm, vày vò xác thịt cũng chỉ vì ba đồng tiền hôi hám. Nhờ thầy Sáu tôi mới làm quen được với các tay văn vật phong lưu, mà toàn là các tay viết báo hay chủ bút đang thời, như: các ông Nguyên Tử Thức, chủ bút tờ Nam Trung tuần báo, Lê Sum tự là Trường Mậu, bỉnh bút Công luận báo, Lão Ngạc Nguyễn viên Kiều, cựu hội đồng địa hạt ở Trà Vinh, Dủ Thúc Lương Khắc Ninh, cựu hội quản hạt, chủ bút tờ Nông cổ Mín đàm, dịch giả Tam Quốc Chí, từ 1904, trước Phan Kế Bính những bốn năm (bản Phan Kế Bính Hà nội xuất bản năm 1909), thêm làm chủ bầu gánh hát bội ở Cầu Muối (chỗ rạp Rex đường Hồ Văn Ngà cũ) (nhờ xem hát và đọc truyện Tàu mà tôi biết quẹt quẹt ba chữ quốc ngữ và viết lách chút đỉnh như hôm nay). Thầy Sáu lại dắt tôi đến khách sạn nào Nam Đồng Hương, Lục tỉnh khách lầu, Đỗ văn Bính Hôtel Confortable ở đường Carabelli của thầy Bảy Phương vừa yến ẩm nhậu nhẹt, vừa nghe ca lúc hát cải lương còn chập chúm “ca ra bộ” bản Tứ đại (Bùi Kiệm ngộ Nguyệt Nga), bản Bình bán (Bùi Kiệm thi rớt). Tôi cũng quen gần đủ mặt các kỳ cựu như Nguyễn Chánh Sắt (Tân Châu) bố vợ ông Trọng Bổn, Trần Thái Nguyên, làm bút toán cho nhà sách Nguyễn văn Của, tuổi nay trên chín chục mà còn mạnh khoẻ và hiện ngụ gần nhà ông, ở Gia Định, đường Bạch Đằng, từng xuất bản bộ truyện “Càn Long hạ Giang nam” từ 1900; ông Hội đồng kiêm Phó tổng Nguyễn Thành Phương, cha chị Nguyệt Hồng, tức ông ngoại tướng Nguyễn Khánh râu Charlot, chụp giựt một lúc rồi chạy qua bên nầy nhưng tôi không gặp; báo Đông Pháp thời báo, tôi biết ông Diệp văn Kỳ, báo Nữ giới chung, khi tôi biết thì bà Sương Nguyệt Anh (con gái ông Đồ Chiểu), đã nhường bút cho ông Thiệu Huy (Nguyễn Thành Út), tính lý lắt, viết bài xã luận thì không ra gì, nhưng làm thơ có hạng lắm. Quên nói, thầy Sáu làm nơi phòng luật sư Jacquemart (chết xin đốt xác, lấy tro chôn sông Sài Gòn, vì ông nói sự nghiệp ở đây và xin chôn ở đây để nhớ đất đai thuỷ thổ): Cái nghề làm việc thầy kiện, mà lương bổng có là bao, không đủ cho tôi mua son phấn, nhưng tôi trọng là tình nồng nghĩa mặn, cách đối đãi cư xử của anh Sáu tôi, nay nhớ tới còn sa nước mắt. Vợ chồng thương nhau hết tình, lúc ươn yếu lòng lo lắng cho nhau, đến quên ăn quên ngủ. Thầy Sáu dắt tôi về lạy cha mẹ thầy ở Rạch ông Hổ, thì ổng bả cũng bằng lòng. Tôi cũng đưa thầy về Rạch Gầm lạy tía má tôi, mở tiệc vật bò vật heo đãi đằng bà con làng xóm, rồi hai đứa tôi làm hôn thơ tử tế.
Thiệt thầy Sáu vẽ mặt vẽ mày cho tôi và làm rỡ ràng cho tía má tôi quá đỗi. Nay nhắc lại khôn cầm giọt luỵ, và thầy Sáu ôi, biết ngày nào đôi ta lại gặp nhau?
Lúc đó tôi lấy làm có phước quá chừng, tưởng đâu kiếp đoạ đày của mình đến đây là mãn hạn. Nào ngờ đâu số Đạm Tiên chưa hết. Qua năm sau, tía tôi mất vì rầu buồn mấy năm khía thất mùa, ruộng tuy không bao nhiêu nhưng đủ nuôi gia đình bỗng về tay người khác, tía thất tình mà chết. Vợ chồng tôi khi ấy, đem má tôi về ở chung chưa đầy bốn tháng má tôi đụng giặc trời mà chết theo tía tôi. Vừa chôn má chưa kịp mở cửa mả, chồng tôi bị truyền nhiễm ỉa mửa tưng bừng. Thôi. Một ngày đó, tôi chạy khắp phương, nào rước thầy, nào vái ông làng ông Địa, nhưng tôi còn tức buổi ấy nghề y dược chưa giỏi, hay là để an ủi, tôi cho người ta vẫn có số mạng, và kiếp phong trần khó tránh. Qua bữa sau, anh Sáu tôi khuất. Trời ôi! Lúc đó tôi không còn muốn sống trong giây phút nào, ngặt số chưa phải chết, thì chết cũng không rồi!
Tống táng xong xuôi, tôi mới về dưới nhà ông già bà già chồng tôi mà ở. Tội nghiệp! Thấy hai ông bà thiếu trước hụt sau, tôi cầm lòng không đậu bèn bán phứt hai cái hột xoàn, lấy tiền sửa nhà cửa lại chắc chắn, lại mua được một miếng đất đem cốt chồng tôi về nằm đó, chừa chỗ nữa hai ông bà về nằm chung với con, làm mồ mả xong thì trong mình còn được ít trăm. Tôi tính cho tiền lúa rồi lấy lời đó mà xài, ngờ đâu vận kiến thời quai, cho đâu mất đó, mấy năm ấy thất mùa, mấy ông tá điền ở “nhà đá” (là đá một cái mạnh, nhà sập tuốt họ hỏi bạc lúa rồi trốn mất, khiến vốn tôi thâm thủng hao mòn còn hơn nước đá để trong mùa nóng. Vừa đúng một năm, làm tuần cho chồng rồi trong túi chỉ còn độ trăm ngoài. Không đợi xả tang, trong lưng còn có hai mươi tám đồng bạc, nhắm ở nữa không tiện, phần yếu đuối, phần khung vốn, tính làm ruộng làm nương gì cũng không đủ sức, tôi bèn lạy cha mẹ chồng xin để lại phân nửa, còn bao nhiêu tôi lên xe một mất một còn với Sài Gòn cho biết mặt.