Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Sài Gòn Tạp Pín Lù

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 63738 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Sài Gòn Tạp Pín Lù
Vương Hồng Sển

41. & 42.
Kể lại ông Bảy Phương nầy cũng ác? Ba Trà muốn ông Thìn, cậy Bảy Phương dọ đường đất giùm, ông lại lần khân hỏi trước hỏi sau:
Cậy chàng mua lụa Đồng Nai,
Chàng sao lại hỏi vắn dài làm chi?
Đã từng ăn cận ngồi kề,
Vóc nầy bao nả, chàng thì nhớ cho.
Thì chàng liệu lấy mà mua!
Ba Trà có tiền trong tay, muốn sắm cho mình một người chồng theo ý muốn. Lại phải hỏi vắn dài, vừa vặn làm chi. Cần là cần áo khít khao, cho lòi cái co là đủ khéo. Đến đây tôi tạm để cho thầy Bảy suy nghĩ và lựa...
42. Trở lại chuyện cô Ba Trà
Nếu kể về tài, ắt cô không bằng một góc cô ả đào hồng nhan bạc phận nầy. Kể về tánh nết, gái xứ Bắc, thất chí vào chùa, còn gái xứ Nam như Ba Trà, có tiền muốn sắm chồng như sắm áo Le Mur không khác. Ba Trà muốn đổi giống cái ra giống đực, muốn có chồng cho vừa con mắt lại thêm muốn có chồng hờ chồng phụ, như đàn ông sung sức sẵn tiền, sắm V.1, V.2 cho phỉ chí bình sanh. Thìn là con trai có đầu óc ban đầu từ chối, cự nự nhưng cự làm sao lại mắt liếc như dao, mũi đo đỏ như muốn khóc. Hai người kể cũng gay cấn lắm, hạnh phúc dầu có cũng chẳng được bao lâu, một trở ngại là mẹ cô Ba không thích Thìn vì chê nghèo, và sau hồi tâm cho Toàn chịu tang của mình, vì Toàn là con nhà tỷ phú. Cô Ba lập tâm “bắt sống” Thìn bằng mọi cách. Sơ khởi, cô ỷ có quen với lục sự Đỗ Hữu Bửu là chủ sở của Thìn, nên giả chước vô toà xin sao lục khai sanh, nói với ông Bửu xin cậy Thìn làm thủ tục giúp cô, nhưng Thìn không vì Bửu mà vâng lời Trà..., Trà thất trận phen nầy bày ra trận khác, cậy Nguyễn Hữu Phương đường Testard là tay làm cái hốt me chứa bài còn trước hơn Sáu Ngọ, Búa Lồ, Sáu Nhiều, Huyện Đước nữa và Phương là tay lịch duyệt, nhà Phương, Thìn năng lui tới, Phương ban đầu ngăn khuyên Trà nên chọn nơi khác, chớ Thìn, lương tám chục đồng mỗi tháng, làm sao đủ gánh một gia đình mà người nội trợ không biết luộc một cái hột gà la cót (beaf à la coque) cho nên thân, trái lại quen tật đánh bài đánh me như cơm bữa lại còn đèo tật hút lớn, mỗi ngày lúc đó một hộp một đồng bạc (10 grammes) mà nay trở nên triệu nầy triệu kia, Thìn gánh sao kham. Thìn đau trĩ, vào nhà thương Gia định nằm điều trị, cô kéo thầy Bảy Phương cùng ngồi xe vào rước cho được Thìn vào Chợ Lớn xơi cơm Tàu “hối thèn”, mà trời đất ơi, trốn lòi con trê, ngồi xe nệm êm mà còn nhảy nhổm mỗi lần xe xóc đá, mà ăn uống sao vô? Nhưng mê hồn trận của đàn bà, lỳ lợm như Từ Hải, “xô chẳng rúng”, chết tức nên đứng sững như trời trồng, thế mà “Kiều than mà ngả”, đủ biết ma lực của giống cái mạnh đến bực nào. Những ai đứng ngoài vòng, đứng đánh phách, hãy vào vòng thì biết. Tôi bữa đó nghe cô Ba kể đến đoạn nầy, tôi đang nằm nơi động Khang trong khu xóm Đất Thánh Chà, bất ngờ tôi cũng ngồi nhổm dậy và mừng lòng vì năm 1952, cô “tha Năm và tôi” chớ cô ừ một tiếng, có lẽ tôi cũng vào mê hồn trận mặc dầu năm 1952 cô đã trên bốn mươi còn tôi đã tròm trèm ngũ thập. Bây giờ tôi nhớ lại, sở dĩ tôi với Thìn không quen biết nhau, là vì Thìn làm việc ở toà Sải gòn nhưng thuộc bên grefe, Đào Duy Anh dịch là “ký lục phòng”, nôm na nói theo Nam là phòng lục sự, chuyên về sao lục án toà và hộ tịch, còn lúc đó tôi vẫn năng lên toà để “chầu hầu” ông bô tôi là ông Kính, và làm nơi phòng phiên dịch (bureau de traduction) là nơi bạn quen gồm Siêu Đức, Khai, Trường, Giàu, Xứ, và một người tôi mang ơn lớn không quên nhưng đã từ trần là anh Bùi văn Khá.
Thìn sánh đôi với Trà, vô phúc hay là hữu phúc. Thiếu chi người thèm muốn địa vị của Thìn. Con ngựa trời bắt cặp được với cái rồi để cho cái làm thịt xơi ngon lành, nhưng cho đến tận thế, ngựa trời vẫn tìm ngựa trời cái để bắt cặp. Chớ chi Thìn và Trà khi bắt tay nhau thì xin đổi ra Hà nội, xa sòng me, hoặc lên Lào lên Nam vang, tốt hơn hết là lên vùng cao nguyên ở chung với đồng bào sơn cước hoạ may bền bỉ.
Sau một tháng nhà thương Gia định, lành mạnh về, Thìn dọn về ở chung với Trà, và đưa Trà về ra mắt cha mẹ, thì thảy đều vui vẻ, tuy song thân không thích chưng dọn bông hoa trong nhà, nhưng có bao giờ ai lại chối từ khi có người biếu một nhánh mai ngày tết hay một giò lan hún hín mấy ngày xuân. Nhưng như đã nói, một hoen ố trên gương trong là khi ra mắt mẹ của Trà thì bà không vui, bà lui về Cần Đước, không chịu ở Sài Gòn, và một thời gian sau, bà lâm bịnh, vợ chồng Trà về làng thăm, thì hôm ấy mẹ đã bớt và năm giờ chiều vợ chồng Trà quay xe về nhà, đêm ấy vào lúc mười hai giờ khuya ít giờ sau có người nhà ở Cần Đước lên cho hay thân mẫu của Trà đã tắt thở vào giờ tý.
Việc ma chay quàn lâu đến mười sáu ngày thay vì một tháng chẳng qua là để cho giới me bài có thì giờ điếu tang, việc ấy vừa tỏ lòng Trà trước sau vẫn là con có hiếu, việc ấy chưa đáng kể bằng nhà họ Trần là nhà có huông, ngày trước cha trối không nhìn Trà, bây giờ mẹ Trà trối gọi dây thép ra Nha trang cho Toàn hay vào thọ tang, làm bỉ mặt Thìn, một cách không cần thiết lắm.
Một câu nhớ trong văn Pháp: “Sống là đau khổ. Kẻ nào đau khổ nhiều, kẻ ấy sống nhiều”. Sống đây là có kinh nghiệm già giặn. Thìn lấy Trà, đau khổ nhiều hơn là vui sướng.
Trà tính sai một con toán khi lấy Thìn làm chồng. Muốn thủ phận làm một vợ tòng nhứt nhi chung, nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, khi tiền bạc hết, thì sự chung thuỷ trở thành bọt nước! Đánh me thua thâm thủng lần hồi hết sạch tiền ăn năm nọ. Xin nghỉ việc vợ chồng dắt nhau qua Xiêm, Thìn tìm không ra sở làm, cũng may không gặp con sâu họ Đỗ, còn rắp tâm tìm ông hoàng năm trước, định nhớ nhói, thì: “Sư đà hái thuốc phương xa, mây bay hạc cánh biết là tìm đâu (Kiều). Lại đành trở về Sài Gòn nợ đẻ thêm nợ, bối rối không vừa.
Và câu sáo phải dùng là “hoạ vô đơn chí”, bỗng có một ông toà, trước có vợ Pháp, nay đã mặc áo đỏ, đáng lẽ nghiền ngẫm luật pháp, có chơi trống thì đánh trống chầu mới phải, nhưng đến tuổi đàn bà “hồi xuân” (retour dage), ông bắt chước hồi xuân theo, và không thích cầm chầu nẻ mặc lại tập chơi trống bỏi. Tuổi của ông, gái tơ thiếu gì, nhưng ông lại ham thứ nạ dòng, gái từng xông pha trận mạc!
Cay nghiệt thay, lúc làm bạn với Thìn, Trà muốn làm sao Thìn hiểu nỗi lòng, Trà chưa hư, chưa thất thân cùng bất cứ ai, ý nghĩ ngoại tình chưa đến cùng Trà, nhưng tỷ có ai muốn đánh dây thép bắt tình, chưa phải là “tư thông”, Trà vẫn đánh đưa trả lời, không khác trái banh nhỏ chuyền qua lại trên vợt tơ nít, vợt nào mòn, trái banh nào hầy hấn, mà lợi cả đôi đàng. Trong câu chuyện “chén me Đại Thế Giới” của cầu thủ Koln đã kể trong tích “một cô lưu lạc” trước đây, có nói đến một a múi phá hoả cho sòng me, nhan sắc lộng lạc nhứt thời, cô ta trên tay đeo ba chiếc nhẫn kim cương, tự xưng mình là Võ Tắc Thiên, lấy một lượt ba chồng là ba công tử triệu phú Chợ Lớn, mới đủ cung cấp cho cô ta “tình” và “tiền”.
Trà vẫn không từ chối, tuy không biết a múi Võ Tắc Thiên, nhưng vẫn cùng tư tưởng, “lấy con sóng sắc đong đưa thuyền tình”, nào có hao mất có mảy may nào cái kia đâu mà sợ, nhưng Trà quên làm như vậy, trái tim của Thìn nát ngớu như tương còn gì? Trà muốn một mặt giữ dạ chung tình với Thìn, nhưng mặt khác hãy để Trà cọ dĩa với khách bự cỡ quan toà như vầy để giải cơn nguy khốn.
Quan toà không lo xử kiện, lại giả làm khách thương nhiều bạc ở Bạc Liêu lên đây bán mấy ghe muối, và cậy lục sự Bửu làm người giới thiệu, nhưng làm sao qua mắt hoa khôi Ba Trà? Chỉ làm khổ cho Thìn, là người có khí tiết, đâu chịu cảnh giã chày đôi? Bọn đàn ông chúng tôi cũng lắm kẻ hèn đốn, tướng tá tỉnh trưởng, khi mất ghế, vẫn ăn bám những đàn bà nạ dòng lên cỡn, nhưng cũng không thiếu người như Thìn, bình phong tuy rách, cốt cách vẫn còn, Thìn ở trong giới nho phong lễ giáo xuất thân, đâu khứng làm ma cô, ma cạo, maquereau, hạng hư thúi.
Tử ngày ở Xiêm về, Thìn trở lại nghề thông ngôn toà án, nhưng nợ càng níu áo, Trà bán đồ đã có trưởng toà niêm phong, tội sang đoạt về phần Thìn chịu, và trong khi bối rối, quan toà kia có dịp tuyên án tha bổng Thìn, gây cái ơn khó trả. Quan toà bắt bén, mượn cớ đến thăm Trà, đã mấy phen đụng đầu Thìn, Thìn chịu mãi cảnh nhục nhã để cho vợ nói chuyện với “mèo” trong nhà, Thìn bỏ nhà ra đi, Thìn chịu thua người quyền thế, nhưng máu hiên ngang vẫn sôi nóng, Thìn thề quyết sang Pháp học thêm, sẽ trở về nhưng từ ấy bặt tin, còn mất chẳng ai hay.
Khi Thìn lánh mặt, quả Trà có bỏ công lặn lội đi tìm, như vậy dây tơ tình chưa dứt, nhưng khi gặp nhau giữa đường Catinat, Thìn giả lơ không thấy, Trà cố chường mặt mà Thìn không ngó ngàng, Trà nhiều tự ái mà Thìn tự ái không kém, thành thử dây tơ tình bị căng thẳng quá, đứt luôn, cuộc đổ vỡ bắt đầu từ đây, trách ai bây giờ.
Nhắc lại thuở Âu châu chiến tranh kỳ nhứt (giặc 1914-1918), miền Nam có sản xuất một mớ công chức cao cấp, sơ khởi là công chức hạ cấp tình nguyện sang Pháp cho biết hơi đàn bà mẫu quốc với chức thông ngôn đạo binh lính thợ, lính làm công việc cực nhọc sau trận tuyến, khi Pháp thắng trận, các viên thông ngôn ấy được cho vào trưởng đào tạo công chức cao cấp miễn tú tài, trong số kể sơ:
- Dương Văn Giáo, học trường chánh trị, đậu tấn sĩ luật, bổ làm trạng sư ở Sài Gòn.
- Nguyễn Xuân Giác, Nguyễn Xuân Quang, đều về làm quan toà.
- Dương Văn Mai, về làm chưởng toà ở Sài Gòn rồi xuống ở Long Xuyên.
- Phạm Văn Còn, trước học trường Sư phạm Hà nội, qua Pháp, trở về làm nơi phòng kiểm duyệt báo chí rồi làm hiệu trưởng trường trung học Trương Vĩnh Ký, sống đến gần chín mươi và mới mất cách nay vài tháng, đạo hạnh hiền lành.
- và Trần Văn Tỷ, trước làm thơ ký toà bố Bạc Liêu, qua Pháp, cùng học một trưởng chánh trị với Dương Văn Giáo, và làm toà áo đỏ nhiều năm ở Sài Gòn.
Ông kể là người khá, giúp ích cũng nhiều, duy hiếu sắc và ăn ở quá theo Tây, trước có vợ đầm, sau lấy cô Ba Trà, rồi lấy cô Bảy Trà Ôn, thảy đều vợ của người khác! Đạo đức bỏ trôi sông biển, chơi cho phỉ sức người nắm quyền trong tay nhưng phải tật hiếu sắc và cướp đoạt hoa có chủ, không sợ gai đâm! Ngoài ra, phận sự nơi toà, ông lo tròn, thêm có khả năng, các quan Tây mến phục nên nhắm mắt việc đời tư, ông về hưu với tiếng tốt.
Vào khoảng năm 1927 hay lối đó, kẻ viết bài nầy nhiều hôm gặp ông, khi mặc áo ngủ pyjama, khi khác theo dõi cô Ba leo thang lầu cao lâu tửu điếm Chợ Lớn trong khi kẻ nầy đi với bồ trên lầu đi xuống, gặp nhau chào, ngỡ ngàng ngượng nghịu tôi kính ông vào bậc thúc bá, quen nhau vì thường gặp ông nơi nhà ông Kính, sau nầy là nhạc phụ nhiều năm, ông gặp tôi vẫn hít hạt cười như tuồng tha thứ, với ý nghĩ không nói: “Tao làm gì thây kệ tao, và mi còn nhỏ lắm, không nên bắt chước gương nầy?”
Riêng nói về Trà, từ thôi nhau với Thìn, là nàng xuống dốc, tuy còn mấy năm sung sướng trên nhung lụa với ông toà nầy và kế đó là một lục sự toà, con nhà danh giá sẽ nói nơi đoạn sau, nhưng từ khi lựa chọn Thìn mà không được nối tóc đến răng long đầu bạc, từ ấy Trà phú cho hoa trôi nước chảy, “mặc người mưa Sở mây Tần, những mình nào biết có xuân là gì?” (Kiều).
Ông toà đem Trà về sống chung nơi nhà riêng, đường Testard, Trà vẫn bài bạc, lên xuống các sòng me Sáu Ngọ, Búa Lồ, báo hại quan toà phải theo làm hộ vệ trong lúc còn mê nhan sắc nàng, và vẫn xuất tiền nhà trả nợ thua thiển. Chung cuộc được vài năm kế tan vỡ, mạnh đường ai nấy đi.

<< 40. | 43. >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 948

Return to top