Mà sướng thật? Bây giờ mới là chinh chông, không nhà không chỗ ở; Thầy cai đưa tôi về khách lầu Nam Việt, đầu đường Sạt-ne (Charner, nay là đường Nguyễn Huệ) tận bờ sông Sài Gòn nên mát mẻ lắm. Ở đặng hai tuần thì thầy cai tính về Trà Vinh, vì đã mãn phép. Thầy mời tôi về theo, bụng tôi cũng muốn như vậy lắm, nhưng Má Tư làm kỳ đà, cản rằng thầy có vợ lớn, có tiếng là dữ, về dưới như “nhục huyền hổ khẩu”. Trong làng vợ thầy cai Phó, không khác trên nầy là bà Nguyên soái, bà Phó soái chớ không chơi, và bộ hạ của chúng, tôi làm sao lại. Nghe vậy hồn vía tôi lên mây nên đòi ở lại, túng thế thầy phải dọn phố cho tôi hẹn đến lễ Chánh chung (chánh trung) cách-to ru-dết (14 juillet) sẽ lên thăm.
Lúc ở khách sạn với thầy cai, bụng tôi đang bấn loạn lo việc anh Hạch dầu sao cũng là mối tình đầu, tôi rầu rĩ cả ngày, bỏ hết mọi việc, việc âu yếm với thầy cai tôi cũng bơ phờ, mặc cho duyên mới mảng sầu tình xưa, tóc biếng chai gương biếng soi, nghĩ mình đoản hậu quá, nhưng giữa cơn cụp lạc, thầy cai khen nét tôi ủ dột bằng mười điếm trang. Trong trí nhớ hai cái hột kia còn gởi Má Tư mà tôi cũng không lo đòi. Thầy cai dỗ tôi cách nầy cách nọ đủ thứ, tôi được trớn lại càng nhõng nhẽo. Giá thử má tôi lên gặp tôi lúc nầy thì xấu hổ cho con biết mấy. Ai tập tành mà tám nghề bảy ngón như vầy? Nay thầy cai về dưới rồi, tôi rảnh tay rảnh chân, sực nhớ hai hột kim cương tôi qua đòi má thì hỡi ôi, má nói đã cầm rồi, chờ vài tháng có tiền sẽ chuộc. Cha chả? Nghe mà tức ói máu! Té ra nào là vàng chuỗi neo kiến gì của tôi, má đã lấy một bận rồi, cái tấm trinh của tôi má cũng bán đứng ăn rồi, nay đến lượt hai hột xoàn nầy, má cũng toan giựt nữa. Của người ta cho tôi bao nhiêu, một mình má ăn hết ráo trọi. Vừa vừa vậy chớ. Công má tôi mang nặng đẻ đau, công tía tôi dạy dỗ nên người, sanh ra tôi nuôi cho lớn khôn nên vai nên vế rồi để cho má một mình lợi dụng. Càng nghĩ càng thấm mật, tức tối vô cùng, nhưng thân phận đàn bà vô thân, nhè đưa cán cho má cầm, lưỡi dao bàn về mình nắm, biết làm sao đây.
Một bữa nọ tôi ngồi chơi trước phố đang rầu buồn, bỗng thấy đàng xa đi lại là thầy thông ở căn bên cạnh. Vừa thấy tôi, thầy đã dở nón cúi đầu chào lễ phép. Mà tôi đã có ý xem, từ hôm tôi dọn về đây cho đến nay, mỗi lần thầy gặp tôi là khúm núm ké né xem tôi như là một bà thần sống. Mà coi bộ người nầy thật là nết na đằm thắm, mặt mày thêm hiền hậu không láo nhao như mấy cậu trai lơ kia. Tôi nghĩ trong bụng để mình làm quen và hỏi thăm thầy nầy xem có thể chi kiện má ra toà đòi hai hột xoàn kia được chăng. Người nầy xem bộ đàng hoàng phúc hậu không ba que xỏ lá, ắt tin cậy được. Chờ cho thầy vừa đi ngang nhà, tôi cung kính mời: “Xin lỗi, em mời thầy vào nhà chơi cho em hỏi chút việc”.
Thầy lật đật bước vào, nỗi mừng hai đứa đứa nào hơn? Thầy tươi cười bắt chuyện: “Có việc chi cần dùng đến tôi, xin cô cứ nói, chớ ngại”. Tôi mới thuật nửa úp nửa mở rằng tôi có gởi hột xoàn cho một người, nay họ muốn giựt vậy mình có thể kiện đòi lại được hay không? Thầy hỏi tôi khi gởi có biên lai gì hay chăng. Tôi trả lời rằng không. Tôi thấy mặt thầy có vẻ buồn lo. Thầy hỏi tiếp: “Lúc gởi có ai ngó thấy hay không?”. Tôi lắc đầu. Thầy cũng lắc đầu theo và chắt lưỡi: “Chà! Vậy lấy chứng cớ đâu mà kiện!”. Rồi thầy hỏi dồn: “Mà người ấy có bà con thân thích chi với cô mà cô tin người ta như vậy?”. Tôi đáp cũng mới quen có ít tháng nảy mà thôi. Thầy ngó tôi và chậm rãi nói: “Thưa cô, chuyện nầy thiệt khó hiểu. Nói thiệt, nếu cô muốn cậy tôi thì tôi rất sẵn lòng vừa giúp cô dầu khó nhọc cách mấy tôi cũng không câu nệ, vì thấy cô coi bộ ít quen biết với ai ở đây. Song cô phải tin tôi, mà đọc lại cho rõ ràng mọi sự, thì hoạ may tôi có thế toan tính gỡ rối cho ra, nếu thưa kiện không xong, thì có thế khác. Chớ cô nói không cặn kẽ thì tôi biết mối đâu mà gỡ”. Thấy tôi do dự, thầy lại tiếp: “Có lẽ cô mới biết tôi lần thứ nhứt mà đem tâm sự giải bày thì cũng ngỡ ngàng cho cô đó chút. Cô cho tôi hỏi: Vậy chớ cái người cô gởi hột xoàn đó, cái thế họ còn ở đây lâu dài, hay họ là người trôi nổi bình bồng, nghĩa là cô có sợ nó bỏ đất Sài Gòn mà đi mất biệt hay không?”. Tôi cười liếc mắt tình tứ mà rằng: “Không, dạ thưa thầy không. Người ấy ở đây hoài hoài, hổng có đi đâu hết. Cái sự người ấy trốn, thiệt tôi không sợ”. Thầy mừng mà rằng: “Như vậy thiệt là may. Việc đâu còn có đó. Cô với tôi nay ở gần nhà, thủng thẳng đây sẽ biết thêm nhiều và quen lớn thêm nhiều. Ngày nào cô đủ sức tin tôi thì cô sẽ nói, cung chẳng muộn chi!”.
Chẳng biết sao nghe lời thầy nói một cách hiền từ thành thiệt quá, làm cho tôi hết e lệ hổ ngươi, lúc ấy tôi coi thầy thư là người anh ruột hay là một người thân thích đã quen biết từ chín mười năm rồi vậy, nên tôi bèn thuật lại đâu đuôi gốc ngọn, các sự việc ra sao, không sót một điều, một mảy may. Tôi lại ráng đem hết cái tài văn hoa ăn nói của cái xứ Kim sơn, Xoài hột ra mà dùng, không câu người nầy bang bằng sắc nàng Thuyền, mà phải câu bằng đầu môi chót lưỡi của nàng Điêu trong Tam quốc chí. Duy khi nghe tôi dùng chữ “diếm” thay vì nói “dám”, thầy cười mà hỏi tôi có phải người gốc gác Sầm giang Rạch ông Hổ chăng. Tôi hỏi tại sao thầy biết. Thầy cười nói tiếp: “Thưa cô, vì cô không dám phạm huý chữ “dám” trùng âm với “giám, thái giám” đụng chạm đến cái tiêu tật hay ấn tật của ngài Tả quan Lê. Tôi cũng là người Chợ Giữa, vì sinh nhai trôi nổi lên đây, như đã nói, càng biết càng thân ấy mà!”. Thầy cười lỏn lẻn nói: “Chuyện nghe đã rõ, thôi cô cứ yên tâm, để tôi về tôi lo kế”.
Cách ba bữa sau, thấy trở lại, dặn tôi: “Con mẹ Tư Hớn đó không phải vừa. Nếu chẳng làm cho nó trúng kế thì dẫu trời đánh nó cung không nhả hai cái hột xoàn kia ra đâu.”. Chừng, thầy kê sát tai tôi nói nhỏ rằng phải làm như vầy, như vầy, và căn dặn tôi đây tới đó phải giấu nhẹm, người khác biết được thì hư chè hư xôi hết.