Vừa dọn về nhà mới trong Chợ Lớn đâu được vài ngày, kế má Tư tọt tét vô thăm. Má căn dặn một hai chớ có tin mà mắc điếm thằng ba da trời đánh nầy. Nghe vậy hay vậy, tội nghiệp nói có trời làm chứng, tôi ở cửa giữa, nắng bề nào che bề nấy, biết làm sao bây giờ. Má, tôi cũng thương; mà ảnh, ảnh muốn gì, tôi cũng chịu. Chưa đầy một tháng, chồng tôi sắm lại cho tôi chuỗi và vàng tay đủ hết, con người làm sao mà rộng rãi với vợ con quá, chỉ tiếc không phải một màu da.
Bữa nọ, không có anh ấy ở nhà, má Tư vô, biếu tôi lấy cho mượn năm trăm đồng, vì má có chuyện cần kíp lắm. Tôi than năm trăm không có, tiền chồng cho để xài vặt, tôi tiện cặn vừa hơn tám chục, chớ một trăm cũng không có đú, má tạm đỡ về mà xài. Má mới biểu thôi thì cho má mượn đỡ vàng đem về cầm, rồi nội trong hai ngày, má chuộc lại liền, thẳng không hay đâu mà sợ. Tôi nghĩ đầu dây môi nhợ cũng nhỏ người ta mà mình nay được no cơm ấm áo như vầy, không lẽ mình nói không cho thì cũng ngặt. Tiếng má Tư ở Sài Gòn phải vừa või gì, nếu chọc cho bả giận và mếch lòng thì dễ gì sống trên đất nầy với bả hay sao? Nghĩ vầy rồi, tôi tuôn hết vòng vàng của cái cho má mượn, chỉ chừa mấy nhón thường đeo hàng ngày mà thôi. Bả về rồi, tôi ăn ngủ không được, lo lắng trông mau đúng hai ngày, kẻo phen nầy, chồng tôi hay đặng việc nầy, thì có nước chết. Té ra đúng hai ngày mà trông hoài không thấy tăm dạng, qua ngày thứ ba, anh vừa bước ra, tôi vội khoá cửa, tuột ra nhà má. Tới nơi thấy má nằm xuôi xị. Vừa thấy mặt, má nói cho một hơi: “Ác nghiệt hôn. Làm cho con tôi phải ra đến đây làm vậy! Con ơi! Thiệt là rui cho má quá? Hôm má mượn đồ của con, là má tính còn hai kỳ góp nữa thì hết thiếu thằng Annamalê. Cho nên má định mình làm tốt đem góp tất cho nó một lần để rút giây nợ cho nó có cảm giác là mình là người tốt rồi vài hôm sau mình giả bộ dắt con Bảy ra hỏi, rồi mình ký tên xa-nhe (signer) bảo lãnh, vay lại năm ngàn đồng bạc mới mà xài. Mình nghĩ bề thế con Bảy chị con như vậy và mình lại vừa mới trả hai ngàn đồng cũ rất tử tế chưa đợi đúng kỳ, đã vậy thằng Annamalê nó có dặn má coi chỗ nào chắc chắn chỉ cho nó để nó cho vay bạc, như vậy đó lẽ nào phen nầy nó từ chối. Ai dè xui quá là xui? Rủi ôi là rủi! Đồ đạc của con đem về, má cầm chưa đầy ba trăm. Má phải mót thêm đồ nhà nhập vô cầm được một trăm ngoài nữa. Rồi lại mượn thêm năm chục đồng của cô Sáu Sửu, nhập vào mới đủ hai tháng tiền cho nó. Ra lấy giấy nợ cũ xong xuôi, hôm qua nầy dợm ra nói chuyện với nó về vụ hỏi năm ngàn đồng mới, ngờ đâu có tin nó đau. Hồi sớm mai nầy, má mới ra ngoài, thì nó chưa mạnh. Con nghĩ mà coi má sai lời với con, có chết được không? Làm má buồn quá. Đi mới về, mới liệng cái khăn, vừa nghỉ lưng kế con ra đây làm vầy. Tội quá!”
Thôi? Má đã nói như vậy, phép mình nói sao bây giờ? Ra về tay không, chỉ xin má một điều phải lo phải chạy làm sao, kẻo để lâu, chồng hay đang phen nầy việc tác tệ dường nầy, ảnh đánh cho ắt là nhứt sanh nhứt tử.
Được hai bữa tôi ra, thì má kêu trời cho hay Annamalê vừa đem đi chôn. Và má bây giờ quả tận lương vô kế. Tôi nghe vậy thì hai hàng nước mắt chảy ròng ròng. Cô bác phải ai gặp tôi lúc đó, chắc là tưởng thằng Annamalê nầy là tình nhơn của tôi nên nghe tin chết tôi mủi lòng như vậy. Kỳ thật tôi khóc mấy lượng vàng của tôi không cánh mà bay. Tôi khóc cho bản thân tôi, phen nầy làm sao biết đào đất mà trốn, mà trốn sao được với anh hạch nhà tôi dẫu xương đồng da sắt cũng phải mềm? Tôi ngồi khóc nỉ non nỉ nọt. Má an ủi: “Tuy vậy mặc lòng, con chớ có rầu buồn làm chi cho hao tốn nhan sắc. Má còn tính toán. Con chớ tưởng tiếng Tư Hớn đất Sài Gòn nầy, đành khoanh tay ngồi coi con mang hại hay sao? Còn nước còn tát mà. Trời sanh voi, phải sanh có chớ?”
Tôi lau nước mắt ra về, lòng nặng trĩu.
Ngày sau, lối ba giờ chiều, má ngồi xe kéo tay vô... Má bệu bạo: “Con ôi! Cứu má phen nầy, không thì mẹ con mình chết chùm với nhau đó. Mấy ngày rày má chạy đã cùng phương, mà lo không ra kế. Má lại e phen nầy chồng con nó hay đồ đạc mất nữa thì nó không dung, mà chẳng lẽ má để cho vợ chồng con rời rã vì má hay sao? Đã biết, với thằng điếm ba da đó thì có kế chi tình nghĩa vợ chồng. Tuy vậy, đây cũng là chỗ nhờ cậy của con, tưởng mất rồi khó kiếm. Chớ má biết rõ bụng nó không quyết chí lâu dài với con đâu. Thứ quân...” Má nói đến đó rồi thở ra không nói dứt câu... Tôi hỏi: “Vậy bây giờ má tính sao?”. Má Tư tiếp: “Có một chước nầy là vẹn toàn, ngặt nỗi con bây giờ, đâu có nghe lời má”. Tôi hỏi phăng tới: “Chước gì má cứ nói, con nào dám chẳng nghe lời má hay sao”. Má đáp nho nhỏ: “Nề! Có một thầy cai ở Trà Vinh, người giàu có lớn lắm, thêm dám ăn xài. Thầy lên đây bán lúa mà má biết tánh thầy, hễ thấy con ắt quít đít liền. Vậy chiều mai con hãy bắc kế cho thật bảnh, lối gần năm giờ con ngồi xe tay cho kéo ngang nhà má mà đừng ghé. Má có chào hỏi, con cứ trả lời cầm chừng rồi chạy luôn; còn chi nữa, mọi việc để đây cho má lo liệu. Vái trời cho con lọt mắt thầy thì không khác chuột vào thúng nếp. Ở đời phải biết phòng xa. Nói cho cùng, rủi thằng ba da nầy có sa thải con ra, thì sẵn còn thầy cai đó. Chớ bằng không, thì một mai rồi trở tay không kịp. Mà con phải nhớ cái thằng điếm chó ở nhà đây nó buông con nầy bắt con kia, xưa nay ai cũng biết trừ có mình con. Ngây thơ quá thì lầm to. Đừng chắc con ăn đời ở kiếp mãi mãi với thằng hạch nầy. Nó thuở nay, hễ con nào còn mới thì nó tâng tiu, chớ ít ngày xài đã, nó đạp đầu ra cửa, lại còn kiếm cách lột đồ sạch bách. Hôm nọ vì thấy con bơ vơ nên má gả đỡ chớ xong xảy gì đâu! Má ỷ có má đây, ắt nó không làm gì con đặng nên má gả phứt cho con tạm an thân, nay nếu con chẳng biết nghe lời thì sau nầy dừng trách. Ý cái con, sao mà khờ quá!”
Ban đầu tôi còn bần dùng, còn chút lương tâm nên không nhứt quyết e làm vậy khó coi. Thà chừng nào chồng bỏ sẽ hay, chớ nay chồng đang âu yếm không tỏ chút gì lầm lỗi cho mình đành bạc bẽo, huống chi vòng vàng người ta cho không tiếc, mình ăn ở vô nghì, trời đất nào dung. Nhưng sau rốt má Tư òn ỉ êm tai, rồi tôi ưng chịu hết. Má ra về hẹn đi mướn đồ bắc kế, sẽ cho chị Sáu cần vô phải chưng diện làm sao cho thầy cai bị thâu hồn thâu vía.