Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Sài Gòn Tạp Pín Lù

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 60588 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Sài Gòn Tạp Pín Lù
Vương Hồng Sển

31.

Cái ông Tây quan ba thầy thuốc tôi không nhớ! Cho đến nay, tôi gặp không biết bao nhiêu mà đếm, nhưng anh Toàn, tôi còn nhớ mãi không quên. Một buổi chiều nọ, xe Phan Thiết về, từ Hoà Hừng đã kéo còi vang rân, cho bạn hàng chợ Bến Thành biết mà đón xe lãnh hàng.
Như thường lệ, trong bộ áo bà ba “vải san đầm” đen, vắn gọn cắt khéo, may khéo và vừa vặn, - giàu thì mớ bảy mớ ba, - tôi chỉ có duy nhứt bộ áo bà ba nầy, áo quần bó sát căng thẳng vóc mình như con chim óc cau mùa lúa trổ - mông von von, vú tròn tròn, đùi dài, cẳng son, gói ghém như cô học trò trưởng áo tím chưa nếm mùi đời, nào ai thấu hiểu năm mười bốn tuổi đã bị Tây đè - mặt trái xoan, má hồng môi đỏ, mũi dọc dừa, chang mày đều đặn, lông mi dài luôn luôn ướt và cặp mắt ngây thơ của con chim bồ câu khát tình, vóc mình không béo có hơi gầy, không cao cũng không thấp, đi đứng khoan thai, tôi đâu có dè: như vậy là đẹp! Đẹp là vậy đó sao? Trời ôi! Nghèo rách mùng tơi, sát giường sát chiếu, nghe rao bột khoai, tàu hủ, thèm chảy nước miếng mà trong mình không có một đồng xu, bổ dưỡng ngày ngày toàn tương chao rau muống, bữa nảo có dưa leo là thịnh soạn trên đời, như vậy mà đỏ da thắm thịt.., trên toa xe cũng như ở sân ga, đâu đâu củng dừng lại nhìn ngắm, trâm trồ: nào Tây Thi xuất thế, nào nhan sắc phi thường! Cơ khổ! Hôm ấy tôi mãi lo đề phòng bọn lăn dưa, sợ bọn chúng chọt mất một món là củi tre lên đầu, tôi quên đề phòng cặp mắt thèm muốn của một thanh niên con cháu họ Bùi, đã theo tôi từ chút! Toàn, mối tình đầu, con cháu khách, cha Tàu mẹ người Qui Nhơn, sanh bốn con, Toàn là con cưng nhứt. Cha của Toàn là tỷ phú xứ Phan Rang, Toàn vô ra Sài Gòn như ăn cơm bữa, nhưng anh Toàn hôm ấy thần tình mê mẩn đã bị tôi thu hồn sanh cho vào túi áo ngắn từ lúc xe dừng bánh! Toàn là tay ăn chơi, biết mùi gái từ tuổi dậy thì, hôm ấy Toàn gặp chị Mười Ên (Anh) hất hàm hỏi:
- Con nhà ai đó, chị Mười?
- Ba Trà, con của chị Tám ở đằng kia kìa, chớ con ai mà hỏi?
- Chị làm mai nó cho tôi đi, tôi cho chị tiền. Chị o nó cho tôi mau mau đi!
- Trời đất! Thì ít ra cậu cũng phải bắt tình với nó trước đã chớ? Cậu viết thơ tỏ tình cho thật muồi, tôi lãnh đưa cho.
Năm đó tôi đã được mười lăm tuổi mà còn khờ ịch. Bao nhiêu thơ dài thơ vắn tôi đều đem về cho má tôi không sót thơ nào.
Nhưng quả là duyên nợ, vì má tôi không giận, có lẽ bả đã hỏi thăm gia thế của Toàn rồi, cho nên chấp nhận cho anh bước tới! Và mười lăm hôm sau, là có cha mẹ Toàn, chiều ý con, dẫn Toàn vô Sài gòn làm lễ cưới. Với mười lăm tuổi đầu, tôi theo chồng ra Phan Rang, vào làm dâu cho một gia đình Tàu, ăn ở theo phong tục Tàu. Cha chồng tôi là người Hải Nam, đã có vợ chánh để lại bên Tàu, và qua đây lập nghiệp, có đến ba bà vợ lẻ, má của Toàn, kể như chánh, ở Phan Rang, hai bà kia gìn giữ mỗi người một hiệu buôn lớn, không ai đầu phục ai, và chuyên mua bán hải vật: vi cá, khô cá mặn, bào ngư, tôm hùm ổ yến, và chi nhánh lớn đặt tại Chợ Lớn cho nên Toàn ra vô hoài hoài là vì vậy. Tôi chỉ làm dâu cho bà ở Phan Rang, và mẹ chồng tôi là người nhơn đức, đối xử với tôi rất biết điều, duy bắt buộc tôi phải ăn vận theo Tàu, - chiếc áo xẩm bó ngực lòi cánh tay càng tăng thêm vẻ đẹp: cái đẹp lộng lẫy của một phụ nữ Việt mặc áo Tàu, một nhánh hoa với nước biển thanh nhẹ hay nhờ phong thổ miền nầy có núi xanh tía, bãi cát phau phau hoà với nước biển xanh biếc, mà về đây nhan sắc tôi càng thêm mặn mòi, nước da càng tươi thắm, bộ đồ xẩm khi tôi ra đứng trước ngõ là mẹ chồng tôi kêu trở vô, vì khách ngoài đường đều dừng chân xì xồ: hoa lạ nào đây, gái Tàu hay Việt?
Tội nghiệp cho thân tôi, ngây thơ dường ấy và lộng lẫy dường ấy mà kềm không nổi Toàn. Toàn được cha mẹ cưng, cho sống theo phong tục Tàu: vợ nhà, vợ bé, mèo chuột liền liền, khi tôi khởi sự biết ghen thì Toàn càng buông lung. Một hôm tôi nổi cơn sùng, làm trận gấu ó với một nữ phạm nhe (điều dưỡng, y tá) giữa chợ đông, Toàn đã không binh vực tôi lại tỏ ra lạnh lùng vô trách nhiệm. Toàn quả là một con ong ham hoa mới, một con bướm chuộng bông lạ bông thơm, vợ nhà cũ kỹ phải chiều ý chồng, không thì chồng cũng cứ đường trường cho ngựa chạy Cái thí nghiệm của tôi với mụ y tá bòng chanh đã làm cho tôi quá thất vọng và bực quá tôi lén trốn lên xe lửa toan về với má tôi ở Sài Gòn, nhưng nhà bên chồng hay kịp, bắt về, tuy không quở phạt đánh đập, nhưng “cấm cung” không cho tôi nơi ra khỏi cửa.
Được hai năm đầu âu yếm, đeo khít bên đít không rời nửa tấc, và khi chán chê rồi, cái thứ đàn ông bọn anh mười người như một, đều như vậy hết.
Khi ấy tôi hết muốn sống trong cảnh giam cầm như vầy, dầu không thiếu món ngon vật lạ đổi thay, khi ấy tôi lén anh Toàn, viết thơ về cho má tôi, và má tôi hay tin tôi như vầy sốt ruột gởi thơ ra than nhớ con và quả anh Toàn trúng kế đưa tôi về Sài Gòn.
Chuyến về, tôi cho ảnh về không, tôi ở lại với má tôi, tưởng làm sao, té ra nhẹ nhàng chỉ chưa được nửa tháng, và sau đó tuy tôi đã có chồng, vẫn bổn cũ soạn lại, má tôi cho tôi hưởng nhiều trận đòn đau điếng. Và như vầy, thôi thì trở lại với anh Toàn mà còn hơn, và nhờ một chị bạn xót tình mua cho tôi một vé hạng ba, và chuyến “vinh qui” nầy tôi nếm được mùi ngon ngọt không bao giờ nếm lại là năm đồng xu dưa leo ăn nhín với đường táng “ăn trừ cơm” mà sau tôi nếm lại không bao giờ ngon ngọt như thuở ấy. Nay tôi đã trải xiết bao cảnh ngộ, tôi có chút triết lý là hạnh phúc không phải ngồi trên đống vàng, hạnh phúc là năm đồng xu dưa leo khi nhớ chồng bụng đói?
Vinh qui mà không chồng đi theo, tôi lừng khừng thấy xe ngừng lật đật xuống xe tưởng đã tới nhà, chừng xe chạy tôi chạy theo không kịp, đành bơ vơ nơi ga Mường Mán, may thời gặp lại người mai mối hai năm trước là chị Mười Anh, mừng quá, tôi được chị nầy đưa tôi trở lại Phan Thiết, nơi nhà một người tài phú Tàu coi chi nhánh hãng của cha chồng. Hôm sau tin đồn tôi té giếng sau nhà hoặc tôi tự tử..., sự thật tôi ra sau xách nước và trật chân xuýt bỏ mạng chốn nầy.
Bỗng anh Toàn lù lù ra kiếm tôi, bốn mắt nhìn nhau, tám hàng lệ thảm: mừng của chàng trai ăn năn vì thấy vợ tiều tuỵ làm sao đổi được cái mừng của tôi khỏi ăn củi đòn của người mẹ oán đàn ông ở đoản, mà nhè đầu tôi cho nếm củi nguyên cây? Hồn mẹ có linh? Con nói làm vầy, có đúng hay không, mẹ biết!
Những công việc tôi làm buổi ấy, nay nhớ lại, đều “trật chìa” tưởng vô Sài Gòn cho mẹ khuyên can cho chồng bớt bỏ bê gia đình, té ra mẹ tôi thẳng tay phân ly cặp oan ương không cho nối cánh, Toàn, anh Toàn về Phan Rang định ra lấy nữ trang cho tôi rồi sẽ trở vô rước vợ. Trước khi ra đi, ảnh dắt tôi ra chợ cho ăn mì, ngon quá rồi để tỏ vẻ ăn năn chuộc tội, ảnh mua cho tôi một lần đó đến mười cây lãnh đen, mặc sức cho tôi may! Và có lẽ từ đó bất ngờ tôi đã lăng xê cái mốt (lancer la mode) y phục ngắn quần áo lãnh cắt cùng một thứ hàng, vì với nước da trắng trẻo, vóc dáng thanh lại, bộ quần lãnh áo lãnh cắt cho vừa vặn, làm tăng vẻ đẹp người phụ nữ son trẻ Việt, không mốt nào dám bì, dẫu cắt trong hàng gì quý gia cách mấy cũng thế!
Trời đất ôi! Đất bằng sóng dậy! Hai tôi vô nhà lạy mẹ xin lỗi, nhưng má tôi nhứt quyết không cho tôi trở lại với anh Toàn: “Mầy còn trở lại với nó, tao giết mầy!”. Không phải má tôi nhẫn tâm hay ác tâm đến thế, nhưng tình mẹ thương con của má tôi biểu rằng bọn đàn ông đều vậy, và cho con trở về với chồng là để con đi trên con đường lầm lạc của mình buổi trước hay sao? Hại cho chưa khi mẹ thương con nhưng thiếu học! Báo hại nhứt cho tôi là ngày ngày ngóng trông anh Toàn trở vô, năn nỉ mẹ lại nữa, mong bả hồi tâm cho vợ chồng tôi sum hiệp, nhưng ngày qua ngày hết sớm rồi lại tối, bặt âm vô tín người thương.
Đã mười bảy tuổi đầu mà mọi việc đều trái ý, và để tránh điều cay nghiệt củi đòn củi chẻ, chỉ còn một nước bỏ nhà mẹ ra đi: “Thử xem con tạo xoay vần đến đâu”.
Trong mình tôi lúc ấy có sẵn nữ trang của anh Toàn để lại gồm một đôi bông tai vàng có nhẫn hột xoàn trị giá lúc đỏ chừng bốn trăm đồng, vì với 400$ lúc đó có thể mua sáu bảy lượng vàng như chơi (vàng 60$ mỗi lượng). Còn thêm mớ áo quần mới may, vi kiếng bao nhiêu ấy, chưa bay nhảy còn đợi chừng nào?
Con chim sổ lồng tập bay sập sận tự cánh mình, tôi trốn mẹ tôi hôm ấy sau khi khóc hết nước mắt, và chỗ tôi tạm trốn lả nhà chị Sáu Mão, từng quen biết, trong một hẻm nhỏ đường Paul Blanchy.
Quên nói chị Mão có chồng hút, chuyên nấu cơm tháng nuôi mấy thầy chưa vợ, cảnh nhà chật hẹp ồn ào còn hơn nhà chay bội, đình đám to. Mỗi đêm đều có tổ chức một cái đám cưới “chồng giờ vợ buổi”, không đám cưới thì cũng mai mối cột anh nầy với chị kia căn rứt cấu xé nhau sáng đêm Tôi gởi thân vào khốn nầy, không khác con nai tơ trong một hang hùm đầy hổ đói!
Khốn nạn nhứt là nhè lúc nầy tôi lại đau mắt. Cũng vì nhớ và khóc nhớ ảnh Toàn và khóc chồng bặt vô âm tín. Ba xôi nhồi một chõ: Ngoài việc bếp núc, phụ lực chị Mão xách nước rửa chén, ngô đâu bụng dạ đàn bà không độ được, chị Mão a ý với chồng, thấy tôi nhặm mắt, bày cách để cho anh Sáu Mão lấy lưỡi rà nụ mắt cho hết nhặm, và một đêm khuya, anh Mão không rà lưỡi lại nhè má tôi mà hôn. Tôi la lên mét cô ấy, chủ tỉnh bơ: “Anh Sáu mầy đã nói với tao rồi! Chịu đại cho êm!”
Thiệt là hết chỗ nói? Một lần thứ nhứt, tôi mới thấy một người đàn bà thương chồng kiểu nầy! Mà gẫm lại cũng không lạ. Phần đông gái sa ngã cũng vì lỡ bị anh nuôi đè với sự cho phép của chị nuôi.
Bây giờ để thoát nạn rà lưỡi, vả lại mắt tôi đã bớt, chỉ còn cách sấn thân cất bước ra đi một phen nữa, tức là trốn vợ chồng chị Mão. Nghiệt nỗi, bao nhiêu vốn liếng hồi sanh tôi đều gởi cho chỉ giữ nay hỏi, chỉ lại hăm he, doạ mét với má tôi. Hỏi nữa chị Sáu đâm liều lĩnh, rằng đồ đạc đã câm cố mới có tiền nuôi tôi hổm rày.
Ức lòng quá tôi chạy qua khai thiệt hết tự sự cho chị Ba là người quen ở cách chị Sáu vài căn nhà. Chị Ba mới chỉ vẽ tôi về nói lại với chị Sáu rằng Trà đã gặp mẹ và mẹ dạy nếu chị không trả mây món đồ gởi, má tôi sẽ xuống bót thưa. Nấn ná được vài hôm kế xảy ra vụ “chồng hôn em nuôi mà vợ bằng lòng”, - đến đây “kế cùng lực tận” qua học với chị Ba, chị nầy bàn nên bỏ hết vàng xoàn, và hãy qua ở với chị Ba cho yên thân, tôi lại còn dụ dự, hỏi “Rồi chị Sáu ganh, thì chị mới làm sao đây?”. Nhưng hễ con người ngay thì lời nói cũng thật, chị Ba đáp tỉnh bơ: “Còn đồ còn đạc thì chị ta mới ganh, hết đồ hết đạc, còn ganh chỗ nào?”.
Nghe có lý, tôi tức thì trở về nhà chị Sáu, tứ giã hết thảy, ra đi mình không qua ở tạm trú nhà chị Ba nghĩa hiệp. Nay việc đã qua lâu rồi, gẫm lại đầu dây mối nhợ tôi hư thân, cũng vì đôi bông xoàn và lòng nham hiểm của chị Sáu Mão, muốn nuốt cho trôi đôi bông và nuốt cho trơn số tiền anh Toàn cho, mà làm cho thân tôi ra cớ đỗi, lìa mẹ, xa chồng, và dấn thân vào đường truỵ lạc, cũng vì tiền.
Trớ trêu nhứt là buổi sáng tôi từ giã nhà chị Sáu Mão qua ở nhà chỉ Ba, thì đúng buổi chiều hôm ấy, anh Toàn lót tót từ Phan vào Sài Gòn tìm vợ. Phải là trời đất sắp đặt làm cho tôi hư chồng. Số là tôi có gởi thơ cho anh Toàn cho hay hiện tôi ở nhà chi Mão, nên hôm ấy anh Toàn đi ngay lại nhà chị ấy để tìm tôi.
Vừa thấy Toàn, rằng vào nhà nầy tìm vợ, chị Mão đóng tuồng thật khéo, và bụm mặt khóc oà:
- Trời đất quỉ thần ơi! Dượng Ba (nghe ngọt quá?) dượng vào đây đã trễ rồi! Cô Ba đau mắt tưởng đã không xong! May nhờ người khuất mặt che chở, nên nay đã bớt. Dượng tính coi vợ chồng tôi thì nghèo, thấy cổ đau, làm ngơ không đành, nên chạy thuốc chạy thầy, công lao khổ cực không kể, nay đổ nợ vợ chồng tôi phải lo cho đủ tiền ngày tiền góp, tiền đứng tiền ngồi, tính ra trên bảy trăm đồng, không biết phải làm sao đây? Thiệt là khổ quá chừng!
Cái khổ của vợ chồng chị Mão, làm cho anh Toàn phải lòi ra năm trăm đồng mới êm tạm tạm, nhưng Toàn nóng nảy vụt hỏi:
- Mà bây giờ vợ tôi ở đâu?
- Tôi đã đem cô ấy giấu trên kia kìa, vì sợ chị Tám bắt về đang đau thêm khốn!
- Giấu ở đâu, chỉ cho tôi biết đặng tôi rước về Nha Trang.
- Uý! Không nên! Chưa đặng đâu! Chỗ đó khó vô lắm! Để tôi nhắn cho cô Ba đến đây cho vợ chồng gặp mặt.
Cho hay, sự đời éo le, không ai biết được. Trông vợ, nhớ chồng, vợ chồng cách nhau trong gang tấc, cách nhau vài căn nhà, mà chỉ vì vàng xoàn và mở áo quần chị Mão muốn nuốt cho trọn mà đành ngăn cách vợ chồng nầy bằng muôn dặm quan san. Dám khuyên các cô nhỏ sau nầy, trước khi bỏ nhà chồng ra đi để tìm tự do, nên suy nghĩ lại cho chín chắn trước đã!
Bây giờ mọi sự đều trễ tràng. Mối tơ mãnh mành giữa Toàn và Trà đã dứt, muốn nối lại làm sao được. Trái đất cứ lăn, bánh xe cứ chạy, con chim một lòng với mẹ, hiếu đễ nhịn nhục vẹn bề, con chim ấy cũng một lòng với bạn, chung tình trinh thục có đủ, nhưng dịp tốt đã qua, con chim ấy bỗng bị gió thổi lọt ra khỏi ổ và cặp cánh tự nhiên biết dùng, “tung bay như cánh hồng cánh hộc”, chỉ có ông trời mà cản! Cản làm sao được khi nước vỡ bờ! Nói theo nhả Phật, cái “căn” cái “quả” đã gieo, “thì gieo đưa hái dưa, gieo đậu hái đậu”.
Sau hơn hai tháng đùm đậu nhà chị Mão, ngày cô lìa nơi nầy, cô Ba Trà không khác một nạn nhơn bị đắm thuyền, của cải sạch sành sanh, còn lại chăng là nhan sắc trời dành, nhưng với mớ nhan sắc có một không hồi ấy, số vốn ai nào dám gánh?
Năm 1923, tôi ra trường, chân ướt chân ráo tập ăn chơi, thì cô Ba đã là một nàng tiên trên dương thế. Từ 1923 đến 1928, tôi đổi về toà bố Sa Đéc, cô Ba lên như diều gặp gió, chiều chiều ngồi một mình trên chiếc ô tô mui trần lộng lẫy, xe êm nệm tốt, áo nệm trắng toanh, trước có hai người tài xế ăn vận lộng lẫy, cổ áo một màu với y phục cô Ba mặc, trắng toàn trắng, tím nâu toàn tím nâu một tài xế chánh để lái xe, một tài xế phụ để mở cửa xe, Ba Trà sang trọng sánh không thua thống đốc Nam kỳ vì chỉ có ông cầm đầu xứ nầy dùng hai tài xế cho chiếc xe chánh phủ mang số hiệu đặc biệt “C.20” (buổi ấy toàn vùng Sài Gòn công xa chỉ có một trăm chiếc, và chiếc xe của ông Nam trường máy Rosel là số 33, hiệu Ioraine - Dietrich, trong khi xe thống đốc hiệu Delage six cylindres và cô Ba ngồi “độc chiếc” trên xe có hai chauffeurs, ai nào dám ngó cô cho chán chường, chỉ vì sợ bà móc nhãn!
32. Gặp ông Diên Hương.
Con người ta lúc nhục lúc vinh không mấy hồi, và suốt một đời thi đậu có vợ sanh con nên nhà, nên cửa rồi “hoàn cốt khỉ” phủi tay sạch không, chỉ trong giấc mộng, gọi là mộng cháo kê cháo ngô gì cũng được. Xét cho cô Ba Trà: 9 tuổi chưa đi học, 14 tuổi bán cho Tây y sĩ mua làm vật tiêu khiển nhục dục, 15 tuổi lấy thằng chồng ích kỷ, lận đận lao đao đến năm 17 tuổi sống tạm bợ giữa hai chữ “hiếu với mẹ”, “trung trinh với chồng”, bỗng bước sang tuổi mười tám, tung hoành một cõi, “vảy may” ấy nhờ ai?
Nhờ một ông lương y giàu, trước học trường thuốc Hà nội, bổ làm lương y phụ tá (médecin aưxiliaire) ở nhà thương cấp cứu đô thành Pháp gọi là Clinique Hui Bon Hoa (vì ông nầy ra tiền xây cất và xưa chức bác sĩ chỉ dành cho thầy thuốc Lang sa mà thôi). Lương y nầy giầu tiền, lại giàu tình, và khi gặp được cô Ba, ông cưng chỉ thiếu đúc nhà vàng để chứa. Lương y vừa là thi sĩ, bút hiệu là Diên Lương, tôi không hài tên mà nhiều người vẫn biết. Ông đã mất năm 1963 (còn cô Ba mất năm nào, tôi hỏi chưa ra), nhà ông trước khi dời về Đà Lạt, ở ngay góc đường Nguyễn Du và Thủ Khoa Huân và người đàn bà ông ký thác giữ chừng cô Ba là bà Tư Lê, bà nầy tốt lòng thì có thật mà có tật ưa chơi me, và cũng vì ở chung bà nầy mà cô Ba lây tật chơi me, chơi cho đổ quán xiêu đình, chơi cho ngả luôn gia tài công tử và cho sập thần vì chính phủ đô hộ Pháp!
33. Nhớ bác Diên Hương
Nhớ bác hôm nay là quá muộn màng, nhưng lòng thành kính của cháu đối với bác luôn luôn không đổi. Sở dĩ xưng hô làm vậy, tuy về tuổi bác lớn hơn độ mươi ngoài hai mươi, là vì bác là người đã chứng kiến sự chào đời tại nhà thương Sốc Trăng của Tuyết người bạn mười chín năm chung sống và nay đã đường ai nấy đi, tuy dầu sao tơ lòng còn vưởng vít chưa quên. Năm cháu còn mãi ở tận Paris để học hỏi về khoa khảo cổ, hay tin bác mất trên giường bịnh dưỡng đường Grall, thi hài (ngày từ trần 10 Mai, 1963) chở lên an táng trên cao nguyên Đà Lạt là nơi bác lựa, nhưng mỗi người mỗi số kiếp, vừa hương bát nước ai lo, và người dưỡng nữ duy nhứt của hai bác đã bay về Pháp địa, ai ở bên nầy coi sóc hai nấm mồ, có lẽ lạnh lắm trên đất xa lạ và nay ít người lên tới: Đà Lạt. Nếu bác sống đến giờ nầy mới lâm chung, thì bác cũng khổ với phong tục mới: hoả táng để tay gói tay xách dễ mang theo ra nước ngoài. Trừ cái việc nằm lẻ loi trên xứ lạnh, bác là người hưởng đầy đủ nhứt trên đời nầy. Trẻ tuổi thi đậu sớm, bác là người sớm được học khoá nhứt nhì trường thuốc Hà nội, bác coi sóc sanh cô Tư Tuyết năm 1912 thì cháu còn học lớp tư lớp ba trường tỉnh, còn nhớ một buổi trưa chúa nhựt, cháu cùng chúng bạn, hái xoài chua sân toà và uống nước lạnh trong lu bố thí ngoài đường, bị bác lúc ấy đổi về dưỡng đường Sốc Trăng ngồi xe kéo đi ngang bắt gặp dạy rằng không nên uống nước ấy, vì nước không tinh khiết, chứa nhiều vi trùng bịnh thổ tả. Chúng cháu sợ, bỏ chạy và nhớ danh bác từ ấy là “thầy thuốc Trần Ngọc Án”. Lớn lên, có đôi bạn, đổi về Sài Gòn lối 1942-43, phố ở ngang nhà bác đường Aviateur Garros, nào dám nhắc chuyện xưa uống nước lu ngoài đường mà chưa chết và ăn toàn xoài sống mà không sao? Sau nầy trở vô lâm ăn tiền ngay nơi viện bảo tàng trong vườn bách thảo, thỉnh thoảng vẫn được bác không quên và mời cùng bạn mới, Năm Sa Đéc, dự nhiều bữa tiệc, khi ăn lục tuần bác gái (bà Song Thanh), khi khác ăn thất tuần của bác, lúc ấy hai bác vẫn hồng hào tươi tắn, nào hay đâu ăn sung mặc sướng như vậy mà phút chốc đều ra người thiên cổ, té ra phải ăn cực sống khổ mới là sống dai như hai đứa nầy hay sao? Cái gì bác cũng hưởng nước nhứt? Ba Trà, nói ra cho đúng một phần nào nhờ bác lăng xê. Trong mấy trang trước cháu viết Ba Trà ngồi độc chiếc trên xe hơi có hai tài xế mặc đồng phục, ấy là cháu nói hở, lấy đuôi làm đầu, kỳ trung lúc ngồi xe có tài xế phụ là sau nầy khi Trà trúng me, chọn Thìn làm chồng, còn lúc chiều chiều Trà ngồi xe “nhạn” trên đường phố Sài Gòn là ngồi xe của bác, khi cu ky khi có bác ngồi song song, và cháu dám trách bác, có của quí không giấu trong nhà lại lộ liễu đem khoe trước mắt cả trăm ngàn người, thảo nào hai dê một non một xờm, Tư Phước, Ba Huy, chẳng cuỗm của bác, thì ai vô đây mà cấm cản.
Hay là nhà đã sẵn người ngọc, bác gái của cháu hèn hỏi gì, thêm giỏi thi thơ giỏi tề gia nội trợ, bác đành gởi Trà cho cô Tư Ăng lê giữ than ôi? “Gởi trứng cho ác” thì làm sao trứng khỏi bị ăn xén ăn xớt phần nào, hai bợm bãi Phước và Huy, chúng trút lọp quyết phỗng tay trên, chúng trẻ tuổi hơn, sức lực đều là của trâu tơ dậy mẩy, chúng giàu tiền và phóng túng hơn, một đứa bán gia tài ông cha để lại lấy tiền nuôi gái, một đứa ăn cắp lúa bồ và lúa đong từng ghe chài một, hai thằng phá sản, bác làm sao lại chúng? Cô Tư Ăng lê, vì trước có chồng là người Hồng mao tóc đỏ, báo Tiếng Dội để tránh phiền phức, gọi cô là Tư Lê và bỏ dấu sai, đọc là Tu Lê, thì cháu biết đường đâu mà rờ! Mấy hàng nầy nếu lọt dưới mắt bác lúc còn sanh tiền, ắt cháu không trông gì trở lại góc đường Nguyễn Du và Thủ Khoa Huân, mỗi lần bác tổ chức tiệc và yến.
Nhưng nay bác đã nằm yên một giấc ngàn thu, Trà cũng đã ra người thiên cổ, bác giận cháu làm chi và hãy để cho cháu viết, không phải để cười bác đâu, ai dám, sự thật là để cho nhiều người biết tấm lòng của bác, đáng làm gương cho những ai đã có hiền thê tại nhà mà còn chưa chừa tánh tham muốn “kim ốc trữ chi”? Nhà cô Tư Ăng lê lúc đó ở có lẽ đường Richaud, sao “động ô” bác dọn riêng cho Trà một căn phố trệt góc Richaud và Lareynière, còn cô Tư Ăng lê dọn về đường Trương Định (nay) và vẫn chứa bài cóc ken, nên Tuyết, khi chúng cháu dọn về đường Taberd, Tuyết thường đến nhà cô Tư Lê xạc bài cào hoặc đổ con mèo, mà bây giờ cháu mới truy ra manh mối, cái tật ăn không ngồi rồi, đàn bà chị nào như chị nấy, không cầm lá bài, không lấy tiền chồng nuôi me ngồi me đứng thì đâu có ra nông nỗi bác bị cắm sừng mà cháu cũng mọc sừng!
Bác gái luôn luôn nói nói cười cười và Trà, vẫn yêu vì kính nể kiêng dè bác trai bác gái như hai lượng cả thường được che chở bao dung và có lẽ vì thấy chặt chịa quá khó nuốt trôi, nên Trà mới nửa đường thay gánh! Cháu há dám bàn mô ranh với bác, chớ gái như Trà, họ muốn đổi làm vai đàn ông để có chồng bé chồng xơ cua, chớ đâu khứng phu xưởng phụ tuỳ, bỏ tiền nuôi chúng chỉ mất tiền thêm đeo sầu thảm. Cháu muốn học gương bác mà không học được. Cháu cũng vì tỵ hiềm mình đi trễ tàu, và Trà cơm đen nặng quá, nếu không thì cháu đã lỗi với bác nhiều nhiều. Cháu mới nghe có người vừa rỉ tai với cháu rằng Trà thất thân để cho “cây cột cháy” Amadou nó xúc phạm, nhưng cháu đã cải chính tin vịt và bịa đặt nầy vì cháu biết dư thằng hắc quảy ấy, lúc cháu ở đường d’Espagne, mỗi tháng đến ngày lính sơn đá xuất thành, thằng đen nầy đi tìm gái thì bao nhiêu em nuôi của động Giác đôn hẻm d’Espagne đều bỏ ổ tìm đường chạy trốn vì thằng dịch vật này tay dài như tay vượn nên đã từng cho đo ván võ sĩ Ba lan Pzysko tại võ đài Charner năm nọ, cặp giò dài fến yên xe đạp tháp cao thêm hai ba tấc mà chơn nó còn phết đất sà sà. Đã biết như vậy, tôi quả quyết, một người mình hạc xương mai như Trà, lại nữa là chủ mướn “cột nhà cháy” làm “gác cửa” nơi nguyệt tiên cũng sẽ nói sau nầy, dại gì thử lửa cho phỏng tay và hết xài trọn kiếp!
Thuở ấy, lối 1925, bọn võ sĩ ngoài việc lên vô đài kiếm tiền xúp, đều sính tài làm hộ vệ vai vế cho các cậu công tử để kiếm chác thêm: như Antoine Cường cho cô Ba Pho, Puncher manh lai Tàu, Kid Demsey cho cậu Tư Phước (Georges) và Batandier, lính Tây thành Ilè R.I.C. làm bộ hạ cho Ba Qui, v.v...
Bác tôi, phong lưu rất mực, trước khi chịu phép vì quá già đành viết sách (thành ngữ điển tích, sách dạy làm thi, v.v...) lúc thanh xuân ngày chúa nhật cũng như ngày lễ, không cho xe lửa đụng nhau (chơi bài chemin de fer), thì cũng tứ sắc và chơi có điều lệ đành rành, hoặc thiên cửu (thín cẩu) hoặc xì phè và me (vì me mà quen Tư Ăng lê, Ba Trà, Ba Huy, Sáu Nhiều, Sáu Ngọ, v.v... Các bác sĩ lục tỉnh, cỡ thầy thuốc Ngỡi, trường tiền Mỹ, vân vân đều có ký quĩ không bao giờ lãnh nơi nhà bác tôi bộn bộn).
Ăn nói có duyên, mặt hồng hào, cử chỉ hoà hoãn, chết không tai tiếng, ở với Trà như bát nước đầy, khi chia tay không một lời nặng nhẹ, Trà luôn luôn nể đôi vợ chồng nầy, vào ngạch bác sĩ ngang hàng với Pháp đầu tiên, mề đay điều, mà không nhập tịch Pháp, kể là mọt nhơn vật là trong Nam cũng xứng. Hiềm vì không con nối hậu, khi nằm xuống, tủ sách toàn sách xưa sách quí, cũng không còn, đáng tiếc vậy thay! Chỗ nhà cũ sau dinh Tổng thống nay đã xây lầu, đi ngang vẫn ngùi ngùi nbở cuộc biến thiên mau quá!

<< 30. | 32. >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 226

Return to top