Đến xứ Phật, miệng phải niệm Di Đà, lòng thành thật cùng chăng, có trời Phật chứng giám. Tây Ninh và núi Điện Bà, tôi đã biết từ năm mười hai tuổi, khi theo chưn bà nội tôi hành hương năm ấy: Nay cũng còn nhớ mài mại đường đi và cách thức lên đến Điện Bà. Đầu tiên, tôi theo mấy bà đi chùa, nhưng tôi phải mấy lần dừng bước đợi mấy lão phụ nầy. Tội nghiệp mấy bà nầy, kẻ thì nằm võng lần chuỗi bồ đề, người thì ngồi xe đôi ba người cho bò nó kéo, võng thì hai người khiêng kẽo kẹt xốc lên xốc xuống muốn lộn mề gà, nhưng chưa đáng tội bằng ngồi xe, đường núi gập ghềnh toàn gốc cây hố đá, xe lại không nhíp, mỗi khi bánh xe trèo lên gốc cây rồi rớt kẹt đá, tiếng nghe “cà rịch” rồi “cà tang” đến thành thành ngữ “cà rịch cà tang” của người Tây Ninh để ám chỉ đường lên núi cam go khúc mắc, và điệu đờn sơn dã nầy nghe thét quen tai lại thấy như ru hồn người phải dày lòng nhẫn nại bất cứ ở đâu không phải đợi đăng sơn mới biết. Riêng tôi, tôi đã tiên liệu. Khi xuống xe đò, đi bộ đến quán dưới chơn núi, tôi đã ních một bụng cơm chay lại mua thêm một ổ bánh mì lớn và một gói đường cát trắng. Đến chùa gọi chùa ông Trưởng tử, tôi vào bạch cùng ông giữ chùa rằng tôi là bổn đạo ở phương xa, nay lên cúng Điện Bà, ghé lễ chùa ít đồng bạc nhang đèn và xin một chỗ nghỉ lưng đêm nay. Qua bữa sau, trời vừa rực sáng, tôi đã có mặt theo tốp thứ nhứt leo núi, noi theo đường đá sắp sẵn, nhưng mặc dầu hăng hái và sức thanh xuân mà cũng phải trưa trờ trưa trật mới đến Chùa Trung, cũng gọi là Điện Bà hay Chùa Lớn, vì còn một chùa nửa ở tận gần chót núi, nhưng ít ai đến vì ông hổ và gấu ngựa gấu heo, nếu gặp thì khỏi lạy chầu Bà. Nơi Điện tôi gặp nào xẩm già, vợ mấy ông Bang nào mấy ỷ, vợ mấy ông chủ chành (vựa) mua bán ở Chợ lớn, nào vợ mấy ông mấy thầy đất Sài Gòn có lòng mộ đạo đến đây từ hôm trước, vì nhớ đâu năm tôi trốn lên đây là lối ngày rằm tháng giêng thì phải.
Tới điện, tôi chờ thiện bà, tín nữ hành lễ rồi về bớt, khi ấy tôi mới vào lạy ông hoà thượng, bạch rằng tôi có lời nguyện, xin hoà thượng mai nầy cúng cho tôi một ngọ và cho phép tôi để tóc, chụp mủ ni, ăn chay niệm Phật, tu tại đây và tôi đặt tiên cúng là năm trăm đồng bạc, xin hoà thượng nhận dùng vào hương khói cho Bà, cho tôi qui y, ở đây, quyết làm tôi Phật cho tới răng long tóc bạc.
Hoà thượng chấp tay nhậm lời, tôi mừng lòng một đỗi. Thiệt khen ai đầu tiên khéo chọn cánh trí nầy mà lập nơi thờ Phật Bà và đặt tên là Điện. Nguyên cốt Bà là một tượng đá cổ, nhỏ thôi, vừa cao bằng hai gang tay, Bà ngồi tham thiền và tượng đặt trong một hóc đá thật sâu, lúc tôi lên chùa, vẫn còn thấy hiện hiện, nhưng sau nầy nghe lại thì bọn tu sĩ chùa Bà Đen đường Trương Định Sài Gòn, vì muốn dụ thiện nam tín nữ qui tụ nơi chùa Chà nầy, nên đã lén lấy mất tượng Bà ở chùa Tây Ninh, việc ấy chưa biết ắt chất ra thể nào, tôi cứ thuật lại đây, riêng ông tác giả “Sài Gòn năm xưa”, ông ở tại chỗ, tưởng nên điều tra và ghi lại vào sách cho người sau được rõ, cũng là một sự hữu ích. Điện không phải chùa nhơn tạo xây cất bằng gạch, đây là một hang đá khá rộng, khá sâu, có một mái thiên nhiên gie ra tựa như cái nóc nhà đồ sộ, và công của tay người chỉ là tiếp xây một bức vách có chửa cửa là biến thành một ngôi chùa hùng tráng tôn nghiêm đứng trên núi cao, ngó mặt ra một cảnh rộng bao la bát ngát, cây cối trùng trùng điệp điệp đêm nghe tiếng cọp gầm ngoài xa, ngày nghe tiếng chim cao cát hồng hoàng hót tan bầu trời tịch mịch, và chiều chiều, lúc trong Điện tụng kinh lại có tiếng khua lộp cộp ngoài vách, xem lại ấy là những con qui, có con lớn bằng thúng giạ, ngày ẩn gốc cây kẹt đá, về chiều nghe tiếng chuông tiếng mõ thì bò lần về để đợi nắm cơm cửa Phật. Người sơ khởi lựa chỗ nầy để lập chùa có lẽ cũng là tay chọc trời khuấy nước thấy xa hiểu rộng vả có lẽ đã nếm đủ mùi khổ hạnh trần ai trên thế, khi đáo đầu đã chán ngán việc đời nên mới tìm đến chốn nầy mà tu tâm dưỡng tánh.