Vi kiếng không bao lăm, tánh kiêu không bỏ, không muốn nương dựa vào ai cho phải mang ơn, vả lại giới ăn chơi khách yên hùng rất hiếm, hồ dễ gì gặp người hảo tâm hào hiệp, tôi bèn cầm hai tay chuỗi vàng, nhưng năm thất mùa vàng còn hai mươi ngoài một lượng, cầm được năm mươi lăm đồng bạc cũng đã khá khủm, lấy đó sắm ít món cần thiết, mà cũng may, tôi kiếm được một căn phố rất gần chợ, tuy trong hẻm, đó là phố của họ Huỳnh tay giàu lớn ở Gò công, ở ném về khu Trưởng tiền, đường Pellerin, giao cho ông Huỳnh Đình Điển làm quản lý. Mấy người ở lầu trên Sài Gòn đều biết ông già kỳ khôi nầy, dám chứa làm ma chay cho Phan Chu Trinh, và ông chuyên môn nghề thuộc da nhồi thú rừng, nơi sa long ông trải một chiếc chiếu để cho bốn con khỉ ngồi đánh tứ sắc có hai con mèo ngồi ngay rổ lấy xâu, con mang kiếng cận thị, con liếc coi bài con kia, trong giống hệt ngoài đời không sai một mảy. Định bụng chim bằng nghỉ cánh, mình tạm như vầy một đôi tháng cho nguôi cơn buồn mất chồng đang yêu đương rồi sẽ kiến cơ nhi tác!
Ngày chí tối, tôi thơ thẩn ra vào, không lo đánh áo đánh quần, cũng không cần phấn son trang điểm, một mình một bóng, thậm chí mỗi chiều thứ tư cữ nhạc Tây đến thổi ở Bồn kèn, trước hãng Sạt ne (Charner), hơi kèn lồng lộng bên tai mà tôi cũng không màng đến và không bước ra khỏi nhà. Ba hột cơm dằn bụng, ăn quấy quá cho xong, rồi thì leo võng đánh đòng đưa, hồi tưởng từ lúc trốn tía má cất bước ra đi, cuộc an nhàn sung sướng nào có mấy phút, còn bể lận đận lao đao nó ê chề làm sao, đắng cay chua xót đã từng, vui với anh Sáu chưa dập bã trầu thì đã keo tan hồ rã. Ông cao xanh ở trên kia, bởi sao có người kêu là “con Tạo”, cũng vừa! Tôi nghĩ tới anh Sáu của tôi mà cầm lòng không đậu, nước mắt từ đâu tới chan hoà trên đôi má, mà mềm lòng như vậy làm sao cự lại bọn đàn ông.
Một bữa nọ, mắc chứng gì lại thèm ăn sò huyết quá, nên tôi xách rổ đi chợ. Tôi rảo khắp trong ngoài mà gặp toàn sò huyết lớn con là sò ở Ô cấp đem về, tuy lớn mà thịt dai và không ngon. Đến một chỗ nọ tôi gặp thứ sò nhỏ con mà đó là sò biển Bạc Liêu, thịt ngọt, nếu nấu cháo thì là tuyệt. Tôi mừng quá mua cho một rổ đầy xong rồi tôi bưng rổ trở về nhà, nhưng vừa đến đầu đường, ngã tư Mặc Má Hồng - Đỗ Hữu Vị, bỗng có một người trai lối ngoài ba mươi, mình mặc áo Tây bố Shanghai sáu nút, vận quần nhiểu trắng, chắn đi giày escarpin da láng đen, thứ giày nầy người Pháp chỉ dùng đi Ban (bai) yến tiệc hay đại lễ, và nếu ngày nay thì tôi biết người nầy ăn vận nữa xạc làm vầy, nếu không phải dọn bàn hay nấu bếp cho quan thì ắt lính mật thám hay lính kiểm tục, nôm na là lính bắt con gái, thì tôi nào dám động tới, đàng nầy nhơn ướt nhơn ráo vừa lên Sài Gòn còn quê trân mà bụng lại muốn làm tàng, tôi liếc thấy người ấy đi theo sau lưng tôi mỗi lúc mỗi gần, trong bụng tôi tưởng có khi cậu nầy lầm tôi là tình nhân của va cho nên mới dong ruổi theo tôi như sam làm vầy, khi ấy tôi mới giả đò ngó ngoái lại cho cậu ta nhìn mặt và biết mình lầm, kẻo thất công theo mãi, có ngờ đâu tôi vừa đay lại, thì người ấy cũng vừa đi chờm tới lại cả gan nắm cánh tay tôi, làm cho tôi hồn bất phụ thể, tôi hoảng kinh buông rổ, đồ ăn đổ hết, nào sò nào rau văng tứ tung đầy đất. Cậu ta thấy vậy, không tỏ dấu gì ăn năn, chịu lỗi, lại nhả nhớn và trây trưa cười lớn lên mà rằng: “Cô bỏ đi, bao nhiêu tôi thưởng cho”. Vừa nói vừa lắm tay biểu tôi lên xe kéo cùng đi với va. Tôi thấy người gì mà mất dạy quá, vừa lỗ mãng võ phu vừa ngang tàng thiếu lễ độ với đàn bà, tôi nhịn không được và quên rằng mình đang hồi vận thời đen tối, sẵn vừa lượm cái rổ, tôi bèn vụt đại lên đầu chú chàng, làm cho cái nón Fléchet mới tinh hảo văng xuống lề đường lấm lem. Thiên hạ lối đó cười rộ, trẻ nít bu lại càng đông. Con người khiếm nhã ấy, chăng lành mà chớ, lật đật lượm nón, nhảy lên xe kéo, xe vừa cất bước, va day đầu lại ngó mặt tôi nói cho đỡ mất cỡ: “Để rồi sẽ biết! Tao biết ổ mầy rồi!”
Tôi về nhà, ăn không biết mùi vị chi cả, suy tới xét lui, có lẽ người nầy biết mình cô thế nên mới hành động như vậy, lại càng quyết tâm tìm một người nào biết thương tưởng đến phần lạc loài của tôi mà ra tay đùm bọc chớ che, thì tôi ưng liền, dầu cực nhọc thế mấy cũng chẳng phiền, miễn sao tránh khỏi gặp chuyện trở trêu tức tưới như ngày hôm nay làm vầy. Đây là một ngày xui xẻo, nghĩ tới đó rồi ngủ một giấc thẳng ống, không dè chuyện chẳng phải đến đó rồi thôi.
Ngày lụn tháng qua, đến bữa chủ phố lại thâu tiền, tôi xin hẹn hôm sau. Ngồi than dài thở vắn, đây phải đem một chiếc vàng cho vô tiệm cầm đồ mới có tiền trả cho người ta. Đương buồn nghiến, bỗng cố một đứa nhỏ bước vào tay cầm một phong thơ và hỏi tôi trước có phải vợ thầy Sáu không, tôi gật đầu, nó liền trao thơ cho tôi rồi bước ra cửa thoát chạy mất. Lạ quá, tôi cầm cái thơ mà ngẫm nghĩ không ra, làm sao người nầy biết tôi ở đây và rõ cặn kẽ việc nhà tôi làm vầy? Trong thơ thì lời nói thân mật lắm, xưng rằng trước có thọ ơn của tôi, ngặt vì nghèo nên không báo đáp được nay có chồng sang và giàu, duy ghen lắm không đi đâu được, nên yêu cầu tôi nội tôi nay, lối mười một giờ chịu khó lại ngồi nơi băng cây gần nhà hát Tây đường Catinat, phía bên hông nhà hàng Continental, hễ vãng nơi rạp chớp bóng Eden thì người nầy đi với chồng sẽ đón tôi về nhà, sẽ cùng biết nhau thêm và cho y được thoả tình hoài vọng. Dưới thơ, ký tên ngoằn ngoèo: Cô Năm ký.
Đọc thơ rồi, trọn buổi tối tôi ngồi suy nghĩ, đầu óc không biết Cô Năm nào kỳ lạ làm vậy, bí mật quá, và có lòng tốt với tôi như vậy? Xưa nay tôi có quen nhiều, hay là vì lâu ngày tôi quên cô nầy chăng? Trông cho mau tới giờ hẹn đặng coi thử là ai cho hắn. Đồng hồ vừa gõ mười giờ, tôi lật đật khoá cửa, đi bộ từ nhà lại tìm băng xanh bên hông nhà hát Tây mà ngồi đợi. Thấy xe hơi xe song mã còn đậu đông đầy trước nhà hát, đèn đuốc ngoài đường sáng trưng, thì tôi biết chắc hát chưa vãn. Ngồi đợi hơi lâu lâu, vì mình nóng biết nên đi sớm quá, gió hiu hiu thổi, nó bắt buồn ngủ quá chừng.
Tôi mơ màng hồi tưởng thân phận hôm nay sao mà linh chinh quá và hối tiếc cảnh an nhàn lúc ở nhà tía má và lúc hạnh phúc không bao lâu. Tới thầy Sáu mà cho đến nay tôi vẫn chưa quên.
Rồi xét qua mấy lời trong thơ, lại có ý mừng thầm: Có lẽ trời đạt đoái thương đến chút phận nổi trôi dày dạn, nay xui khiến quái nhân nào đây muốn độ mình khỏi bước lạc loài? Lại nhớ lời thầy số Vi Kỉnh Trang năm trước rằng mình số có kẻ hầu người hạ, không nghèo khổ như vầy mãi đâu mảng suy nghĩ dông dài bỗng giựt mình như từ trên mây rớt xuống và rùng mình rởn ốc, vì có một người đàn ông lạ mặt ngồi sát bên tôi, lại lấy tay choàng qua cổ tôi. Tôi đứng phắt dậy, muốn mắng người nầy một trận cho bỏ thói sỗ sàng, song tôi ngó thấy tư bề vắng hoe, sự mình xỉ mạ, gặp đứa không biết điều, nó hành hung lại thì mình mang khổ, vì nghĩ vầy nên tôi bèn dằn lòng bỏ đi một nước và không thốt một lời.
Ông ta vẫn theo kế bên tôi òn ỉ nào ông tơ xui khiến, nào tri âm tri kỷ gì đủ thứ... Tôi vội bước hăng nhắm hẻm Trưởng tiền lầm lủi phăng phăng mà trống ngực đổi ra trống chiến, tim nhảy thình thịch gần lọt ra ngoài. Lúc nầy trời đã khuya, đường phố vắng teo, không có một cái xe lên xuống. Thời may nơi đàng trước thấy một chị đàn bà sồn sồn đàng kia đi tới và khi đi ngang tôi thì dừng lại hỏi tôi có phải ở hẻm Trường tiền? Tôi gật đầu đáp phải, còn cái anh Bùi Kiệm nãy giờ thì đã cút từ hồi nào mất dạng.
Đêm khuya thân gái dặm trưởng, tôi gặp chị nầy như thằng chết trôi vở được bặp chuối thúi, tôi mừng quá, mạnh dạn thêm lên và quên hết chuyện nãy giờ, tôi vội hỏi lẹ “Sao chị biết tôi?”, thì người ấy nói tỉnh bơ: “Dạ, cô Năm nhờ tôi đón mời cô tới trước kia, không xa, để cùng nhau nói chuyện”. Vừa nói vừa nắm tay tôi hối đi cho mau. Tôi lúc ấy như xác không hồn, hay là có cái gì ám ảnh, không kịp suy nghĩ, tôi vội bước theo bén gót người nầy.
Quí vị đọc lần tới sẽ biết đây là ma dắt lối hay quỉ đem đường, chớ thuở nay tôi không ngu dại gì đến nghe lời một người lạ mặt như vầy, hai là làm ác gặp ác, ông trời cảnh cáo tôi đây. Người đàn bà nầy dắt tôi đi vòng vo Tam quốc gần hai mươi phút đồng hồ mới dừng lại lối đầu đường Bồ-rệt (Boresse) là đường xóm điếm, có mấy nhà số công khai mà nào tôi có biết. Người ấy bỗng nói:
- Lạ dữ chưa? Cô Năm dặn đến chốn nầy mà nay cổ biến đâu mất?
Tôi thấy chuyện trớ trêu như vậy cũng đố quạu, quảy quả trở về nhà, không cần hỏi và biết đến con mẹ nầy nữa. Nhưng trời đất ôi! Đất bằng song dậy! Tôi bước chưa được hai mươi bước, thì trong bóng tối có một ông Tây cao lớn và một người An-nam mặc đồ lính kaki, gọi mụ đó và tôi dừng bước lại. Hai người nầy hỏi giấy tờ chi không biết mà mụ ấy móc túi đưa ra trình, xong xả rồi te te đi mất. Đến phiên tôi đang đứng sửng sốt không hiểu chuyện chi, tôi vừa bước đi, kế hai người nầy biểu tôi đi theo về bót. Tía má ôi? Nghe hai chữ “về bót” mà hồn vía lên mây, chừng ấy tôi mới hiểu đây là ai vu oan giá hoạ cho mình! Tôi khóc lớn và năn nỉ xin tha, quả quyết mình vô tội. Ông Tây xem tuồng giận dữ, giơ tay giơ chân, trăm bốp bốp tiếng tây bốp bốp, tôi không hiểu ất giáp là gì nhưng người mặc đồ kaki thông ngôn lại tôi mới ro: “Mầy làm ở lậu, đã bị xên (signaler) ba lần rồi. Mấy có nhà riêng, rước mối lậu, lại không có giấy tờ cho phép thì bị bắt như vầy, tại trận như vầy, là đành rồi, còn oan ức nỗi gì mà la và khóc”. Tôi nghe bao nhiêu ấy mà nghẹn ngào, bây giờ hiểu lại cũng vì rổ sò đánh lên đầu tên nọ mà ra cớ đỗi. Nó là lính kiểm tục, chọc mình không được bèn lập kế gài bầy, toa rập một phe với nhau mà buộc tội mình hành nghề mãi dâm vi pháp, lại dựng chứng cớ mình đã bà phen rước khách, thêm tội đi khuya cùng một con điếm có giấy, tang tích ràng ràng, dẫu ông Bao Công tái sanh cũng không cứu gỡ được. Lối 1925, cò bót làm việc tắc trách như vậy đó, gái quê lở quơ đều ở trong tay bọn lính vô lương tâm, muốn khỏi bị quở trách bèn khuấy bột nên hồ, bày điều bịa chuyện, chuyện không có nói có chuyện có nói không, thông dịch nói bừa mà cò cẩm vẫn tin bằng lời, vì chúng cũng là quân hung tợn mới chọn nghề nầy, chuyên đánh đập cho nạn nhơn khai bửa rồi làm vi bằng dối trá mà qua mặt kẻ bề trên, nay mình đã lọt vào vòng, thì dẫu có ba đầu sáu tay, cũng không thoát khỏi. Tới bót, họ tống tôi vô phòng giam sau khi hỏi danh tánh qua loa lấy lệ sáng ngày sẽ hay. Phòng giam lúc ấy vắng hoe, chỉ có tôi là tân chủ với một chiếc chiếu dơ và rách trải trên nền gạch chưa từng lau rửa lần nào. Trọn một đêm đó, tôi mới biết đêm là dài, khi một mình với một lương tâm, nhớ lại tuy mình không làm ác nhưng đã giúp người khác làm điều không thiện, trong tay mụ chủ sự, mình bị bán đứng cho Má Tư Hớn, gạt mới anh Hạch Ả-rập cướp ngon vòng vàng chuỗi hột, ăn trên đầu thầy Cai hai hột xoàn, lấy thầy Sáu chưa nát một chiếc chiếu, v.v... nay sa vào cảnh ngộ éo le này, nhục nhã thật - một địa ngục giữa trần gian không khác, nhưng cũng may, trời sanh ra tôi phú cho một can đảm phi thường, đêm ấy tôi khóc hết nước mắt mà bao nhiêu nỗi buồn cũng theo nước mắt trôi đi đâu mất. Tôi suy nghĩ nếu nay tôi cắn lưỡi chết lại càng thêm nhục, khi bằng đạp gai bất công nầy thì mới phải là người. Trông mau sáng để mình bày tỏ trần tình, may nhớ lượng trên minh xét tha về bằng không đi nữa, nói ví dầu có xảy ra chuyện gì oan ức cách mấy cũng rán chịu, và làm cho lại gan mới nghe, chớ chết lúc này là dại dột.
Trời sáng trắng, mặt trời đã chói vào lỗ cửa có song trên cao, lính mới vào phòng giam đưa tôi ra. Cha chả là xấu hổ! Xấu hổ biết chừng nào và biết rửa mấy sông mới sạch? Tuy không phải nhành vàng lá ngọc, nhưng dầu sao cũng con nhà lương thiện, đến nước nầy nhớ đến nhà ở Rạch Gầm, đến tía má tôi mà ê chề ngổn ngang trăm mối. Những người có mặt nơi bót ra, vô cửa nầy, thấy tôi đều xầm xì, tôi không nghe được nhưng đoán cũng biết họ nói gì về mình, nhục ôi là nhục!
Lính dẫn tôi đến ông cò chánh, sau nầy rõ lại, ông tên chi không biết duy biết bọn du đãng lọt vào đây, khi bị hành hạ đau quá, gọi ông là Tử Hải, thì ông nới tay cho liền, Từ Hải là gì, đố ông ấy biết, duy khi nghe thây thông ngôn cắt nghĩa Từ Hải là bậc anh hùng, tế khốn phò nguy, hay làm việc nghĩa hiệp, thì cò ta khoái mà nhận mình là Từ Hải tái sanh và nới tay với du côn du đảng cũng nhờ danh Từ Hải. Tôi ngó ngay mặt ông tỏ sự oan khúc, nhưng mặt ông lạnh như đồng tiền Vạn Lịch. Thầy thông ngôn, một phán già hút á phiện, nói gì với ông nho nhỏ, ông nạt tôi:
- Đừng có già hàm nói láo! Theo rap-bo (tờ phúc trình) mấy mướn phố riêng, không làm nghề gì cả, ở một mình... Lính xên đã bắt gặp đàn ông ra vô nhà mầy ba lần, đêm rồi mầy cặp kè với gái có giấy, nếu mầy là con nhà tử tế sao lại đi khuya?
Tôi tức nghẹn, té ra Tử Hải nầy chỉ biết đọc theo giấy tờ bọn bộ hạ rồi chúng muốn gì, làm theo nấy như cái máy không khác, vì chúng đã xỏ mũi cho ăn ngập mặt rồi. Lính kéo tay tôi ra, dạy bắt cặp với mấy cô bị bắt cũ, đặng đi “lục-xì” (khám bịnh). Lục-xì, nghe chữa “lục xì” tuy chưa biết là gì, nhưng mình mẩy mọc ốc, nổi da gà, ước đất nẻ ra hai cho mình trốn cho đỡ xấu. Đương lúc khốn đốn như vậy, bỗng thấy bên lề có tiếng cười lớn, coi lại, đó là thằng ăn rổ sò hôm trước, nó hư cái nón Fiéchet mới, mình hự cả một đời mình. Thiệt là ghê gớm cho cái mưu sâu chước quỉ của thằng nầy, xã hội có bao nhiêu thằng như nó, thì càng mau sụp đổ bấy nhiêu.
Đất Sài Gòn có bao nhiêu bót, trọn Đông dương có bao nhiêu gái hàm oan như mình? Khổ hải, bất công, oan tình, lầm than, cũng vì bày ra có thám tử, lính rờ-sẹt (agent de recherche), lính bắt con gái, lính kiểm tục (agent de moeurs) và bao nhiêu cò chánh ưa xưng mình là Từ Hải! Từ Hải ngày xưa hiên ngang một cõi biên thuỳ, có đâu làm việc chiếu lệ, không kiểm tra. Tôi bắt cặp với một ả ăn sương chưa đầy hai mươi tuổi nhưng trơ trẽn lì lợm không ai bằng. Chị ta thản nhiên vì bị như vầy đã nhiều lần nên quen. Chị dạy tôi trước lát nữa phải làm sao và làm sao, nghe mà mất cỡ lên tận chưn tóc và mỏ ác. Chị ra mặt thành thạo, cho biết trước đây khám bịnh là một bác sĩ Pháp, nhưng từ ngày hết trận đệ nhứt chiến tranh bên Pháp, có một ông An-nam con nhà thế tộc sang Pháp học nghề y, nhờ đánh giặc có công, được vô Pháp tịch, cho đậu bác sĩ, và bổ về đây, nhưng tuy lên đến thiếu tá bác sĩ bốn lon, tên là ông L.Q.T., nhưng nghề còn non nớt. Thầy thuốc gì mà giác hơi làm phỏng cháy lưng bịnh nhơn không biết đã mấy lần, chỉ giỏi tài thức khuya đánh phè và đào mỏ, vợ là Cô Bảy Trà Ôn, con nhà giàu gộc xứ ấy, về đây Sở Y tế giao trọng trách đều làm hư, nên nay bổ qua Sở khám bịnh gái điếm. Đến phiên tôi, bác sĩ cho tôi nếm mỏ vịt, chàng hãng dang bẹt ra, nhưng ông nói tôi không có bịnh. Tôi ngỡ như vậy là vô tội, được phép ra về. Nào ngờ tôi còn trăm nỗi đắng cay nhuốc hổ. Chị Kiều ngày xưa có sông Tiền Đường, ấy tôi ngày nay có Tiền giang, sông Tiền, quả là số kiếp, không hẹn mà nên Nhà thương Chợ Mới Bến Thành vừa mở hoạt cửa, cho phép thân nhơn vào thăm kẻ có bịnh, tôi thấy một tốp đàn bà phấn son lòe loẹt bưng xách đồ ăn vô, người nào người nấy chen lấn nói chuyện ồn ào, mắt kiếm người quen để gặp. Tôi nào có ai đoái tưởng lúc nầy? Bỗng có một cô xem bộ người cũng phải thế đến, bước lại ngồi gần bên tôi, ôn tồn hỏi thăm duyên cớ vì sao phải chuyện rủi làm vậy? Tôi bèn thuật hết tự sự, thổ lộ hết tâm tình. Cô ấy vừa nghe vua chắt lưỡi, kêu trời, nguyền rủa quân độc ác, quân khốn nạn, nhẫn tâm hại người hiền lương tâm tốt. Đoạn cô lấy khăn sạch nhúng nước lau mặt cho tôi, lấy cái lạp xường cho tôi ăn lót dạ, ép tôi ăn hết một ổ bánh ngon và rót trà nóng cho tôi uống, đối xử thật là trọng hậu. Trong cơn hoạn nạn, gặp người như vầy, cũng an ủi phần nào. Lúc ấy tôi thấy bọn bị bắt như tôi lần lượt ra về, thì tôi đứng dậy cám ơn cô đã đãi đằng tôi nãy giờ, và tôi tỏ ý muốn về ngay nhà mình kẻo bỏ hoang đã mấy bữa nay không biết ra sao. Nhưng cô ấy nghe vậy chúm chím ngó tôi cười mà rằng: “Bộ em chưa biết sao? Hễ lọt vào vòng khốn nạn nầy rồi, muốn về trơn sao đặng”. Nghe vậy tôi cũng chưa hiểu chi cho lắm, khi ấy cô mới cắt nghĩa, phải có người bảo lãnh nhận làm vợ thì cho về, lấy giấy riêng, bằng không ai bảo lãnh, thì chỉ còn nước lãnh giấy ở nhà số, tùng quyền tàu kê, má nuôi, má cho ăn mặc, nhưng mình phải trải thân rước khách, nếu đắt hàng, má trọng đãi, cho ăn tiền đầu, và đối xử tử tế, bằng hết thời lâm bịnh hay vắng khách thì xuống hàng làm đày tớ, “sớm khuya quét tước con hầu, phận làm đày tớ con hầu dám sai” (nhại K.). Nghe vậy tôi nhào lăn khóc than chẳng ngớt. Cô ấy lấy khăn lau nước mắt cho tôi và dỗ dành tôi đủ mọi lẽ. Rằng chớ nên buồn rầu mà sanh bịnh, vì may phước lắm tôi mới gặp cô đây là người từng chung cảnh ngộ và biết phải chăng lắm. Cô hay thương người hoạn nạn như tôi, nếu chịu về với cô, cô sẽ trọng đãi lừa dịp kiếm thế xé giấy sớm cho tôi nhờ. Song việc xé giấy ấy cũng phải đợi một ít lâu cho hết hạn, chớ không lý lãnh giấy nay rồi mai xé giấy thì đâu còn là trả nợ với luật lệ xưa nay.
Vả chăng đức Phật còn mang tám nạn, người đời sao khỏi ba tai, ấy mà? Nay thời vận bất tề, biết đâu ngày mai lại sáng? Phải cắn răng mà chịu chớ! Can đảm lên em? Đừng ngã lòng. Phải sắt đá chanh chua thêm lên, mới làm lại với bọn đã hại em, bọn đàn ông chó má cỡ thằng lính kiểm tục. Thiệt cô này có tài, nhè gãi ngay chỗ ngứa của mình, cô đờn bản gì nghe hay quá, trúng phong phóc vào những gì mình suy nghĩ đêm hôm, và giọng kèn tiếng quyển của cô làm cho tôi nguôi ngoai đôi phần, chí quyết ẩn nhẫn để sau nầy trả thù càng mạnh lên. Chừng tôi vui lòng chịu làm thủ tục và bước lên xe tay cùng cô nọ về nhà của cổ. Nói cho phải, cổ cũng chịu khó với tôi đủ điều. Mấy ngày đầu, tôi bỏ cơm bỏ cháo, năm khóc mãi, khóc thét đến sưng vù hai mắt, nhưng tôi có cái tật đã nói, hễ khóc được thì nỗi buồn cũng theo nước mắt trôi đi mau lắm. Cổ dụ ngon tôi, ép tôi ăn món nầy món nọ gánh nào gánh ngang cổ cũng mới tôi không sót, lại khéo đưa tiền biểu tôi đánh bài cho giải khuây. Như vậy mới biết trong nghề nầy, ngón dụ dỗ thì họ là số một. Họ làm sao không rõ, mà nay một chút, mai một chút, cái gọi là “thành sầu” chỉ sáu bảy ngày mà đã tiêu tan mất tích! Và sáu bảy ngày gì đó, tôi đã hết nói đến chuyện huỷ mình liều mạng. Nhưng vậy, con người chớ phải chó trâu gì mà không biết rầu buồn. Thỉnh thoảng, đôi ba bữa tôi khóc cho một trận, và làm cho cổ thất công dỗ mãi.