Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> HỒI KÝ SONG ĐÔI

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 27315 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

HỒI KÝ SONG ĐÔI
Huy Cận

Tập 2-O

Một kỷ niệm về Nazim Hikmet
Tôi bắt đầu quen Nazim Hikmet, nhà thơ cộng sản lớn của dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ tại Lêningrát trong chuyến đầu tiên tôi đi thăm Liên Xô. Lúc bấy giờ tại nhà hát Opêra - Ba lê của thành phố đang diễn vở ba lê Một truyền thuyết tình yêu theo kịch bản của Nazim. Tôi đến chào anh, vì tôi đã đọc thơ anh, nhất là đã đọc tập Thật là đau khổ cái nghề đi đày. Anh nói chuyện ngay, bằng tiếng Pháp, giọng rất thân tình, rất anh em như quen biết đã từ lâu. Mùa hè 1959, tôi gặp lại Nazim Hikmet tại Lai xích (Cộng hoà dân chủ Đức), nhân dịp tôi đi dự hội nghị xuất bản các nước xã hội chủ nghĩa tại đó. Nazim Hikmet đang mệt; bệnh đau tim của anh đã nặng thêm, thường đau nhói nơi tim. Qua mấy lần nói chuyện, tôi biết anh cảm thấy mình không còn sống lâu nữa. Nhưng anh không tuyệt vọng, không buồn, nhất là không hốt hoảng. Anh đã tự luyện cho mình một sự bình tâm trước mọi chuyện có thể xảy ra, trước cái chết đang rình anh “như con rắn độc nó chực cắn vào tim anh”.
Anh nói chuyện với tôi với thái độ rất anh em, với tình đồng chí cộng sản. Giọng anh ấm áp lạ thường.
Tức khắc anh trở thành người bạn thân, như đã thân nhau từ hàng chục năm trước. Tình người toả từ mắt anh, từ tay anh, từ tiếng nói bè bạn của anh.
Quen anh tôi tường làm quen
Nghìn năm nhân loại thành tên một người

Anh đang mệt, nhưng nghe tôi nói có chiếu phim tài liệu Việt Nam là anh đòi đến xem để biết thêm về dân tộc Việt Nam mà “anh rất cảm phục, rất yêu mến”, để biết thêm về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà anh “yêu mến vô hạn” với tấm lòng cách mạng, tấm lòng cộng sản của anh. Sau buổi chiếu phim anh hỏi nhiều về đất nước, về con người, về cuộc sống chiến đấu của Việt Nam. Anh mong một ngày kia sức khỏe cho phép anh được sang thăm đất nước “anh hùng, đau khổ và tất thắng”. Buổi tối trước hôm tôi về nước, tôi đến thăm anh lần nữa tại khách sạn Astoria. Nazim Hikmet đang cơn mệt, tim đau nhói, tay phải anh luôn luôn áp vào phía trái tim, áp một thứ giấy có tẩm thuốc trợ tim, như một lá cao. Tôi đến bên giường anh nói khẽ. Anh muốn vui với tôi, nhưng giọng anh nói tôi cảm nghe như ướt nước mắt, thứ nước mắt cầm lại chảy vào trong lòng. Mắt anh, nhìn thương lắm. Anh bảo tôi đọc cho anh nghe, đọc nguyên bản tiếng Việt Nam, vài bài thơ của tôi cho anh nghe, đọc nguyên bản tiếng Việt để anh được “hưởng sự ngọt ngào, sâu lắng của tiếng nói phong phú của con người”. Tôi đọc và giải thích cho anh nghe về điệu thơ lục bát Việt Nam. Anh tỏ ý rất thích và rất tin ở sự nảy nở mới của các nền văn hoá, của các văn học nghệ thuật phương Đông. “Phương Đông đã đóng góp lớn cho văn minh nhân loại và sẽ còn đóng góp lớn hơn nữa. Chúng ta là Phương Đông, đồng thời chúng ta hiểu cả phương Tây, chúng ta rất giàu”. Anh nói những lời trên giọng trầm trầm, với một sức tin tưởng như ấn nặng xuống cuộc đời. Đã hơi khuya, tôi còn muốn nói chuyện, ý anh cũng lưu luyến, nhưng tôi nài anh cứ nằm. Tôi không nỡ rời anh trong lúc anh đang cơn đau. Tôi không sao ngoảnh lưng mà ra về được. Tôi đi giật lùi từng bước. Anh chào tôi, giọng rơm rơm nước mắt: “Đồng chí Huy Cận ơi, chắc tôi không còn sống lâu không còn sống đến ngày nước Thổ Nhĩ Kỳ, dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ thân yêu của tôi được giải phóng. Ý nghĩ ấy làm tôi chết điếng trong đáy tâm hồn. Anh còn sống lâu sau tôi, anh nhớ đến thăm đất nước và nhân dân của tôi thay tôi. Đó là một yêu cầu bè bạn, anh em, anh nhớ cho. Thôi anh về kẻo khuya; mai anh còn phải về Việt Nam chiến đấu với nhân dân anh dũng của anh. Cho tôi gởi lời chào. Tạm biệt, tạm biệt”.
Câu cuối cùng anh nói trong nước mắt! Tôi kể cho anh nghe nội dung bài thơ sân khấu Người thợ ảnh của tôi. Sau đó gặp lại ở Mát-xcơ-va, tôi đưa anh xem bản dịch bài thơ ấy ra tiếng Nga do nhà thơ lớn Pavel Antakolski dịch. Anh rất thích và hứa sẽ dịch ra tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.

Kỷ niệm về nhà thơ Nicôla Ghiden
Lần đầu tiên tôi được gặp Nicôla Ghiden là tại Đại hội nhà văn Á - Phi họp ở Cai rô, thủ đô Ai Cập hồi tháng 2-1962. Tôi đã được đọc thơ anh từ trước trong một tuyển tập của anh do nhà xuất bản Pháp Seghers xuất bản tại Paris. Tứ thơ và nhịp điệu thơ của anh (dầu là qua bản dịch) rất độc đáo, có một cái gì trần trụi trực tiếp, vừa êm ái vừa sâu xoáy làm cho tôi nhớ ngay, và có những bài thơ như cứ vương vấn trong tâm trí tôi, như tiếng nói của một người bạn quen đã lâu ngày. Anh là một trong hai nhà thơ da đen của châu Mỹ mà tôi biết trước hết, đó là Langston Hughes (nhà thơ da đen Mỹ) và anh. Sau này tôi biết và quen thân thêm Keng Depestre, người Haiti. Nicôla Ghiden thật ra không phải là hoàn toàn da đen, mà anh là người lai giữa da trắng và da đen, bố anh là người Cuba da đen, mẹ anh là người da trắng gốc Tây Ban Nha. Những người lai như anh ở Cuba gọi là người da nâu (mulâtre). Gặp nhau ở hội nghị, qua vài câu chuyện, là chúng tôi trở nên thân thiết, như đã quen biết nhau từ lâu, anh hơn tôi 17 tuổi, nhưng tình thơ tình cách mạng tạo ngay được mối tình anh em, dù cách nhau nửa vòng trái đất. Thế rồi ngoài giờ hội nghị trong những lúc đi tham quan, hoặc đi dạo phố chúng tôi lại cặp kè đi với nhau nói chuyện thơ, chuyện đời, chuyện đất nước và cách mạng Cuba, Việt Nam châu Mỹ la tinh. Chúng tôi dùng tiếng Pháp để nói chuyện với nhau, nhưng đôi khi trong một câu tiếng Pháp, anh chen tiếng Tây Ban Nha vào mà tôi cũng đoán hiểu, và như thế tôi bắt đầu học tiếng Tây Ban Nha nhờ anh. Sau này đi công tác hai lần ở Cuba tôi học thêm và có tiến bộ về tiếng Tây Ban Nha, ít nhất là để khỏi lạc đường giữa các phố La Havana. Nicôla Ghiden rất nổi tiếng ở Cuba đã đành, mà trong toàn châu Mỹ la tinh nữa, các giới văn học thế giới cũng biết đến anh nhờ những bản dịch qua tiếng Pháp tiếng Anh và tiếng Nga. Anh làm thơ cách mạng nhiều năm trước khi cách mạng Cuba thành công. Những bài thơ đầu của anh in những năm 30, với tình cảm xót xa, uất hờn trước cảnh đất nước Cuba bị đế quốc Mỹ và bọn tư bản bản xứ bóc lột thậm tệ, trước thân phận những người công nhân, những người nông dân Cuba sống như những người nô lệ, những em bé cả da trắng và da đen đi ăn xin như “những con chó ghẻ” tìm ăn đáy đĩa dưới các bàn tiệc. Tôi nhớ mãi bài thơ của anh Đất nước tôi bên ngoài dịu ngọt, bên trong cay đắng, và bài thơ Cái tên tôi. Trong bài thơ này anh nói cái tên châu Phi của tổ tiên da đen của anh không còn nữa, cái tên ấy bị đánh chìm trong đêm tối của thời gian, trong cái kiếp nô lệ của cha ông bị bán làm sức lao động từ châu Phi sang châu Mỹ hơn 2 thế kỷ trước. Bây giờ anh phải mang tên một vị thánh (Nicôla) và tên Ghiden là tên Tây Ban Nha ghép vào trong sổ của người công chứng (Notaire). Đoạn cuối bài thơ anh Xuân Diệu dịch ra như sau:
Như thế, vậy thì sẽ có gì quan trọng
Vậy bây giờ còn quan trọng cái gì.
cái tên bé nhỏ của tôi
và mười bốn chữ trên trang giấy trắng
Và cái tên Phi châu xứ Đahômây,
xứ Tô gô, xứ Mali hoặc là xứ khác
của ông tổ đáng buồn
bị chết chìm trong mộc của một tên công chứng,
các bạn thuần khiết của tôi ơi, có quan trọng gì
đâu
Ồ! Vâng, các bạn thuần khiết của tôi ơi,
Vâng, hãy đến nhìn cái tên của tôi!
Cái tên tôi dài dằng dặc
và kết thành bằng những tên dài dằng dặc
cái tên tôi: tên của tôi, tên của người khác,
cái tên tự do của tôi, của anh, của bao người khác,
của bao người khác, cái tên tôi tự do như khí trời...
Còn bài thơ Tổ quốc tôi bên ngoài dịu ngọt thì mở đầu như sau:
Tổ quốc tôi bên ngoài dịu ngọt...
Nhưng biết bao cay đắng bên trong;
Tổ quốc tôi bên ngoài dịu ngọt
Với mùa xuân xanh thắm
Với mùa xuân xanh thắm
Nhưng mặt trời mật đắng ở trong tim.
Trời xanh trầm lặng im lìm
Thản nhiên ngắm nhìn cay đắng
Trời xanh im lìm trắm lặng
Ôi Cuba! Tuy Thượng đế cho Người
Ôi Cuba! Tuy Thượng đế cho Người
Xanh xanh đây một mảnh trời...
Một con chim gỗ
Mỏ mang lại lời ca,
Một con chim gỗ
Mỏ mang lại lời ca...
Ôi Cuba! Tôi muốn cùng Người nói
Tôi hiểu Người sâu sắc xiết bao
Rừng cọ Người nhuộm những máu đào
Rừng cọ Người nhuộm những máu đào
Biển Người đó chỉ toàn nước mắt!
Tôi biết Người xiết bao sâu sắc
Sau nụ cười hiền dịu của Người
Tôi trông thấy máu tươi và nước mắt
Sau hiền dịu nụ cười
Máu tươi và nước mắt
Sau hiền dịu nụ cười
Máu tươi và nước mắt.
Những bài thơ có tinh thần và tình cảm cách mạng của anh viết bằng điệu “Xông” được những người hát dạo lang thang ở những bến tàu hát lên một cách buồn bã và cay đắng cho những khách du lịch tìm nghe những điệu hát “Bản xứ”. Nhưng cuốn sách của anh gồm những khúc “Xông” ấy thì lại được ra đời ở Mêhicô, bởi vì ở Cuba lúc bấy giờ là chế độ độc tài quân sự cai trị, việc phổ biến những bài thơ như thế bị cấm. Song le - như Nicôla Ghiden đã nói - thơ đến với nhân dân bằng những đường tinh vi nhất và khác nhau nhất.
Nicôla Ghiden đã sang thăm Việt Nam trong những ngày chúng ta chống Mỹ cứu nước, tôi và anh Xuân Diệu đã hướng dẫn anh đi thăm Hà Nội, các vùng lân cận, và vịnh Hạ Long, khu mỏ Hòn Gai. Anh thích được nghe các điệu dân ca của ta, và thích được xem các kiến trúc cổ như đền chùa. Đối với anh, cũng như đối với các nhà thơ chân chính khác, cái gì là bản sắc dân tộc đều có sức hấp dẫn, đều khơi dậy những vang động sâu xa trong tâm hồn. Trước khi anh sang thăm Việt Nam, tôi đã có dịp gặp lại anh hai lần ở Cuba: năm 1965, lúc tôi dẫn đầu đoàn nghệ thuật sang biếu diễn bên đó, và tháng giêng năm 1968 lúc tôi sang dự Đại hội văn hoá toàn thế giới họp tại La Havana. Mỗi lần, gặp nhau thân thiết anh đều ao ước được sang thăm đất nước Việt Nam anh hùng, nước Việt Nam thân thiết đối với anh cũng như đất nước Cuba” như lời anh nói.
Nhà xuất bản Văn học của ta có yêu cầu anh Xuân Diệu, tôi và một số nhà thơ khác dịch và giới thiệu thơ Nicôla Ghiden. Anh Xuân Diệu đã viết bài giới thiệu dài hơn 60 trang, và tôi đã viết lời nói đầu như sau:
“Thơ của Nicôla Ghiden là một dòng thơ cách mạng cỡ lớn. Cái giá trị trước tiên mà mọi người công nhận ở ông, chính là ông đã cho thơ của mình một nội dung rất cách mạng: những đắng cay và nhung căm giận của một dân tộc, một lòng yêu tổ quốc nồng nàn, sự thúc giục và kêu gọi bất tuân chính quyền phản động.
Và tất cả nội dung ấy đã được nói lên, được truyền đi một cách giản dị, không chút kiểu cách. Đây là một thứ thơ trực tiếp, một ngôn ngữ trực tiếp, không văn hoa, chẳng bày bố thông thái.
Mỗi bài thơ của Ghiden là một chấn động tâm hồn. Tại sao như vậy. Cái bi tráng qua đởi sống quần chúng được nói với những tiếng, chữ của nhân dân, với những cách nói của nhân dân, với cách diễn tả ngắn gọn của những tục ngữ ca dao của dan tộc.
Và nhạc điệu của thơ ấy nữa! Dù qua các bản dịch, người đọc cũng xúc cảm và vương vấn bồi hồi vì nhạc thơ ấy; có lẽ vì trước hết đây là một nhạc điệu nội tâm, một nhạc điệu của tâm hồn. Nhưng tâm hồn và thể xác, làm sao tách đôi ra được.
Một giá trị lớn khác của Nicôla Ghiden chắc hẳn đã gia nhập được yếu tố da đen - ảnh hưởng gốc rễ sâu xa của xúc cảm và tính nhạc điệu cao ca của các cử chỉ của ngôn ngữ - và đã thực hiện được cuộc hôn nhân đẹp đẽ giữa sự xúc cảm da đen với sự xúc cảm Tây Ban Nha. Nói chung, Ghiden đã sáng tạo ra cái nên thơ “lai giống” lai da đen và Tây Ban Nha, như chính ông cũng thích nói như thế. Sự độc đáo lớn lao của ông nằm ở điểm này, sự đóng góp vô giá của ông vào ngôn ngữ nhân loại cũng ở điểm này.
Ai một ngày kia sẽ định nghĩa được cho chúng ta cái diệu kỳ, cái phép lạ và sức quyến rũ của thơ chân chất và chân chính? Chúng ta đọc thơ Nicôla Ghiden luôn luôn với một giọt lệ rưng rưng, nước mắt căm giận, nước mắt mừng vui, những giọt lệ thiên cảm và chung hoà của tình nhân loại”.
(Hà Nội, 23-10-1974)
Năm 1982, chính phủ và nhân dân Cuba đã làm lễ trọng thể mừng Nicôla Ghiden 80 tuổi. Trong số báo tạp chí thì đúng hơn, Bôhemia số đặc biệt về Nicôla Ghiden đã có cho in tấm ảnh chụp Nicôla và tôi đứng ở trên bờ Địa Trung Hải, lúc dự Đại hội nhà văn Á- Phi 1962. Chính phủ ta đã cử anh Xuân Diệu sang dự lễ mừng thọ Nicôla Ghiden, và mang sang cho anh tuyển tập thơ anh bằng tiếng Việt Nam. Anh lấy làm hứng thú và nói với anh Diệu: “Thơ tôi có cay đắng và có dịu ngọt, chắc rằng qua tiếng Việt Nam phần dịu ngọt sẽ dịu ngọt hơn, phần cay đắng đã cay đắng hơn lên”, đó là một cách anh ca ngợi tiếng Việt Nam của chúng ta, tiềm năng thơ trong tiếng Việt. Hiện nay Nicôla Ghiden đã 85 tuổi, vẫn khỏe, chắc mạch như “một con trâu cày”, chắc sự so sánh này không làm phiền lòng anh. Nicôla Ghiden! Một nhà thơ lớn của Cuba của châu Mỹ la tinh, của đội ngũ nhà thơ cộng sản ở thế kỷ 20 này. Chúc anh sống lâu để thấy Tổ quốc anh và thế giới của chúng ta thêm nhiều dịu ngọt, không còn cay đắng.

Kỷ niệm về nhà thơ Thanh Tịnh
Mùa hè năm 1937, lúc gần mùa thi, anh Xuân Diệu và tôi được anh Thanh Tịnh rủ đi thăm các lăng tẩm ở Huế. Anh hướng dẫn chúng tôi đi thăm lăng thì không còn ai hơn, vì anh rất hiểu sự tích các lăng, và có thể nói là rất thạo trong công tác du lịch, trong cái nghề hướng dẫn khách thập phương vãn cảnh. Anh lúc đó đang làm việc trong hội những người bạn của cố đô Huế” (Les amis du Vieux Huế). Hội này có cho ra đều một tập san lấy tên của hội, mỗi số của tập san dày hàng 400-500 trang, có nhiều bản minh hoạ bằng ảnh, bằng tranh màu, và những bản đồ hoạ kiến trúc rất tỉ mỉ. Những kiến trúc lăng tẩm, cung điện lại còn kèm thêm những hoạ tiết được vẽ lại rất công phu, những hình chạm những mẫu áo quần, những mũ mão đều được khắc ghi lại rất chính xác như là những bản vẽ kỹ thuật để sau này ai muốn phục hiện lại những thứ đó có thể căn cứ theo mà phục hiện. Anh Thanh Tịnh là nhà thơ, nhà văn nhưng anh lại có trí nhớ rất chính xác, rất tỉ mi về những câu chuyện lịch sử, về những mẩu chuyện dân gian liên quan đến Huế, đến triều đình nhà Nguyễn, đến phong tục tập quán của vua quan và của nhân dân xứ Huế. Anh biết tôi và anh Xuân Diệu đã kết thân với nhau tại trường Quốc học, anh rất quí hai chúng tôi và anh muốn “chiêu đãi” chúng tôi bằng một bữa đi thăm lăng.
Chúng tôi đi xe đạp lên đến bến Tuần rồi qua đò từ bến Tuần sang thăm lăng Minh Mạng và lăng Tự Đức.
Ở bến Tuần thấy cảnh nước sông Hương êm lắng chảy về xuôi, anh Xuân Diệu sực nhớ hai câu thơ Trung Quốc, và đọc lên như là tức cảnh:
Thiếp tâm chính tự trường giang thuỷ
Trú dạ tuỳ lang đáo Phúc Châu
Thế Lữ dịch là:
Lòng em như nước Trường Giang ấy
Sớm tối theo chàng đến Phúc Châu.
Thanh Tịnh cũng đọc liền câu ca dao:
Thuyền đi cát cũng rung rinh
Lòng em trờ lại bập bềnh trôi theo
Không biết đây là câu ca dao của dân gian hay là câu ứng khẩu của anh Thanh Tịnh, tôi cứ ngờ ngợ là câu của anh, vì Thanh Tịnh có tài làm ca dao, và thỉnh thoảng cứ tưng tửng đọc lên nói là của dân gian để lừa thiên hạ, cho vui... Ngày hôm ấy (một chủ nhật), trời trong xanh, chưa nóng lắm, chúng tôi ngoạn cảnh lăng tẩm, lòng hoài cổ thì ít mà thú thưởng thức thiên nhiên thì nhiều, và nhiều hơn nữa là sự hào hứng nói về văn thơ, sự hào hứng của ba anh em đã bước vào phong trào Thơ mới, của ba lính xung trận của một cuộc cách tân thơ văn... Sau cuộc đi thăm lăng tẩm đó, chúng tôi nhất là tôi còn gặp anh Thanh Tịnh nhiều lần, còn tâm sự nhiều với nhau về chuyện đời, chuyện thơ. Năm 1938, anh Thanh Tịnh cho xuất bản tập thơ Hận chiến trường, trong đó có rất nhiều bài nói về sự chết chóc ở các chiến trường xưa nay, và cũng đượm ít nhiều lòng hoài cổ, hay nói đúng hơn là lòng nhớ quá khứ oanh liệt của cha ông. Nhưng ít nhiều cái thời thượng lúc đó làm cho tập thơ của anh có pha màu ma quái (ma cabre), và nhấn mạnh vào điểm ấy là anh đã cho làm hàng trăm cái đầu lâu bằng bột giấy ép lại, màu trắng hếu như sọ dừa thật. Hàng trăm cái đầu lâu ấy là anh tặng cho những độc giả đã đặt tiền trước mua cả thơ và đầu lâu. Thỉnh thoảng gặp anh Thanh Tịnh, tôi có nhắc lại giai thoại Hận chiến trường và hận đầu lâu này thì anh cũng cười xoà, như nhớ lại những ngày tháng ngông cuồng của tuổi trẻ lãng mạn.
Anh Xuân Diệu và anh Thanh Tịnh đã lần đầu tiên gặp nhau trên báo Phong hoá trong một số báo đăng bài thơ Tơ lòng và tơ trời của Thanh Tịnh, và bài thơ Với bàn tay ấy của Xuân Diệu. Hai người ra mắt với độc giả cùng một lúc, khi mà báo Ngày nay đang ở lúc thịnh thời. Anh Thanh Tịnh còn đăng một số truyện ngắn trên báo Ngày nay, và vài báo khác các truyện này về sau đã tập hợp lại in thành quyển Quê mẹ. Gần đây, Nhà xuất bản Văn học đã cho tái bản tập Quê mẹ, đây là một tập truyện ngắn có giá trị, đậm đà hương vị quê hương, thôn dã. Ở đầu truyện Quê mẹ, anh đã để câu ca dao vùng Bình Trị Thiên làm tiêu đề?
Chiều chiều ra đứng cửa sau
Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều.
Ở một truyện khác, anh cũng lấy một câu ca dao để đầu:
Rồi mùa, toóc rạ rơm khô
Bạn về xứ bạn, biết nơi mô mà tìm.

Đầu kháng chiến chống Pháp, anh Thanh Tịnh đã sáng tạo ra một thể loại thơ truyền khẩu là “độc tấu”.
Tôi còn nhớ trong trận Việt Bắc, cuối 1947 anh đã viết và trình diễn bài độc tấu Ở cây số 7 (cây số 7 trên đường Tuyên Quang đi Chiêm Hoá là nơi mà giặc Pháp đã thua một trận đau). Trong suốt cuộc kháng chiến anh còn trình diễn nhiều độc tấu nữa tiếc rằng những độc tấu ấy lúc nghe thì rất thích nhưng qua câu chuyện rồi người ta quên, vả lại giá trị văn học bị hạn chế, không định hình được.
Riêng tôi nghĩ, bên cạnh một số bài thơ đạt của anh, có in vào các tuyển tập, một cái mạnh của Thanh Tịnh là viết truyện ngắn về thôn quê, về tình quê hương, một tình cảm đằm thắm mang nhiều chất thơ và đậm tình người. Nếu anh cứ tiếp tục sáng tạo theo hưởng này thì chắc anh đã để lại một sự nghiệp văn xuôi dày dặn, chứ không phải chỉ có tập Quê mẹ, tập Ngậm ngải tìm trầm. Nhưng chuyện đời nói sau thì vô cùng. Anh Thanh Tịnh đã để rất nhiều thì giờ để tham gia quản lý văn nghệ trong quân đội, để làm chủ nhiệm chủ bút tạp chí Văn nghệ quân đội, cống hiến của anh về mặt này không phải nhỏ, và được nhiều anh trân trọng ghi nhớ. Về số phận riêng của anh thì có nhiều đau đớn, do kháng chiến mà gia đình phải ly tán. Khổ cho anh là người vợ yêu quý của anh (chị Bích Đào) trong lúc ở Nam đã được báo tin sai là anh đã mất, và sau nhiều năm chờ đợi chị đã buộc lòng “đi bước nữa”. Đến lúc Sài Gòn giải phóng anh về Nam thăm, hai người gặp lại nhau, khóc nức nở nhưng số phận không quay lại được bánh xe...

Kỷ niệm về Khái Hưng và Nhất Linh
Khái Hưng và Nhất Linh về cuối đời, hay nói cho đúng hơn là từ năm 1940, sau khi quân đội phát xít Nhật vào Đông Dương đã đi vào con đường hoạt động chính trị sai lầm, và hơn thế nữa, sau cùng đã đi vào con đường chính trị phản động. Sau khi nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã làm Cách mạng tháng Tám thành công, Nhất Linh (tức là Nguyễn Tường Tam) đã cùng Việt Nam cách mệnh đồng minh hội dựa vào quân đội Tàu (quân đội Tưởng Giới Thạch) ráo riết hoạt động chống đối với Việt Minh, chống chính quyền cách mạng. Nguyễn Tường Tam lúc đó là một trong những lãnh tụ (cùng với Vũ Hồng Khanh) của Đại Việt quốc dân Đảng tập hợp các lực lượng phản động để đương đầu với Việt Minh và chính phủ lâm thời do Hồ Chủ tịch lãnh đạo. Xu hướng thân Nhật của Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh) và của Khái Hưng đã nảy nở từ khi Nhật vào, và do hoạt động có xu hướng thân Nhật đó nên Nhất Linh, Khái Hưng và những người cùng chí hướng đã bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam tại Hà Nội năm 1941 và sau giam tại Vụ Bản thuộc châu Lạc Sơn tỉnh Hoà Bình nhưng Nhất Linh trốn thoát kịp sang Nhật. Lúc Cách mạng tháng Tám nổ ra, Khái Hưng và đồng bọn đã cho ra tờ báo Việt Nam để tuyên truyền, cổ động cho Đại Việt quốc dân đảng và cho Việt Nam cách mệnh đồng minh hội của Nguyễn Hải Thần, làm hậu thuẫn cho hoạt động chính trị và mưu đồ cướp chính quyền (hay ít nhất là chia xẻ chính quyền) của Nguyễn Tường Tam và của Đại Việt quốc dân đảng. Tờ báo Việt Nam đã có một loạt bài rất sâu độc công kích Việt Minh nói xấu, vu cáo một vài lãnh tụ của Việt Minh, tìm cách chia rẽ nhân dân với mặt trận Việt Minh, với Đảng Cộng sản. Những hoạt động chính trị phản động đi đến phản nước, hại dân của nhóm Đại Việt quốc dân đảng mà một lãnh tụ chủ yếu là Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), mà một cây bút cổ động hô hào sắc bén là Khái Hưng, thì mọi người đã biết, mà một số tài liệu lịch sử cũng đã ghi và lên án, tôi không kể rườm rà lại đây. Đoạn hồi ký tôi viết sau đây là muốn ghi lại một số kỷ niệm, một số ấn tượng về hai nhà văn Nhất Linh và Khái Hưng là hai trụ cột của Tự lực văn đoàn trong giai đoạn thịnh thời của nó. Những thành tựu những đóng góp quan trọng và những hạn chế của Tự lực văn đoàn trong nền văn học Việt Nam hiện đại thì các nhà văn học sử sẽ bình luận, phân tích và đánh giá sau. Ở đây tôi chỉ ghi lại một số nét kỷ niệm về hai nhân vật sáng lập và tiêu biểu cho trào lưu văn học ấy.
Lần đầu tiên tôi gặp Nhất Linh là vào dịp Tết Mậu Dần (1938), lúc bài thơ Chiều xưa của tôi được đăng trên báo Ngày nay số Tết; và Tết đó tôi từ Huế ra chơi Hà Nội cùng anh Xuân Diệu.
Anh Xuân Diệu giới thiệu tôi với Nhất Linh. Nhất Linh đọc ngay câu thơ đầu của bài Chiều xưa “Buồn gieo theo gió veo hổ - Đèo cao quán chật, bến đò lau thưa”. Thì ra Nhất Linh đã chú ý bài thơ của tôi đăng số Tết vừa phát hành. Rồi anh nói: “Hồn xưa trong một câu thơ lục bát rất mới! Chắc anh đã làm nhiều thơ? Về Huế anh nhớ gửi đều thơ ra báo chúng tôi”.
Xong rồi Nhất Linh nói sang chuyện khác, chuyện chợ Tết, chuyện đi mua hoa, chuyện làng quê còn giữ được không khí Tết ngày xưa như hồi anh ấy còn đi học. Anh có mời tôi trở lại nhà báo chơi trước khi tôi trở về Huế tiếp tục học Ban tú tài. Tôi đã trở lại toà báo Ngày nay ở số 80 đường Quan Thánh Hà Nội thăm Nhất Linh và Khái Hưng trước khi đáp tàu hoả về Huế. Câu chuyện thân mật, thân tình, không có gì là khách sáo, không có gì là “hàn lâm”. Tôi có nhắc qua những truyện tôi đã được đọc của các anh, tôi có nói qua phong trào Thơ mới, nói sự hâm mộ của thanh niên học sinh ở Huế, ở trường quốc học đối với báo Ngày nay và sách của nhà xuất bản Đời nay. Nhất Linh và Khái Hưng không nhấn mạnh vào sự hâm mộ và hoan nghênh ấy của công chúng độc giả. Hai người nói nhiều với tôi về truyền thống nghìn năm văn vật của đất Thăng Long, của thành Hà Nội. Qua câu chuyện tôi cảm thấy những tình cảm của quê hương đất nước mà các anh đã diễn tả một cách kín đáo trong các truyện, các bài văn là một tình cảm sâu sắc, nung nấu trong lòng qua nhiều năm tháng. Trong câu chuyện cả Nhất Linh và Khái Hưng đều xen những câu hóm hỉnh, một thứ hu-mua rất Việt Nam, nhưng ở Nhất Linh thì kín đáo và đượm chút trữ tình, còn ở Khái Hưng thì bộc lộ thoải mái và điểm những tiếng cười y như các cụ ta ngày xưa khi bàn chuyện tâm đắc với nhau. Về sau lúc tôi ra Hà Nội học trường Cao đẳng Nông lâm, tôi còn thường gặp Nhất Linh ở toà soạn báo Ngày nay. Có khi anh còn rủ tôi về chơi nhà anh ở thị xã Hà Đông vào một dịp Tết. Lúc đó Nhất Linh đang viết truyện dài Bướm trắng, anh có khoe với tôi là đã viết được gần nửa truyện rồi. Nhất Linh viết truyện trên những quyển vở gạch ca rô, và viết bằng bút chì vót thật nhọn, chữ viết đều đặn và chữ nhỏ.
Trên trang bản thảo ít có chỗ chữa, thoảng hoặc có thêm câu nào thì móc ra ở ngoài lề như kiểu ta chừa bản mo-rát của nhà in đem tới. Anh khoe với tôi là viết tiểu thuyết như vậy, anh không hề có đề cương trước, có dàn bài trước, hay nói cho đúng hơn là anh có một thứ dàn bài mơ hồ trong tâm trí, một thứ khung của câu chuyện. Rồi thì anh xông vào viết truyện, mặc cho các nhân vật lôi cuốn anh đi. Anh cũng cho biết có những khi anh chủ động dẫn nhân vật qua các ngõ ngách của cuộc đời, nhưng cũng lắm khi nhân vật mà anh đã tạo ra lại cưỡng lại anh và sống theo cái đời tự lập của chúng. Sự vật lộn giữa tác giả và nhân vật có lẽ khá sâu sắc trong truyện Bướm trắng này, là một tiểu thuyết không có luận để xã hội bộc lộ như những truyện Đoạn tuyệt hay Lạnh lùng ở hai quyển tiểu thuyết này tác giả đã phân công cho nhân vật sống những điều cần sống, và nói những điều cần nói, tất nhiên là có xúc cảm, nhưng số phận của nhân vật đã được tiền định trong tâm trí của tác giả. Có một thời vài ba năm, Nhất Linh như đã có “xu hướng xã hội” với tập truyện Tối tăm, mà anh đã lấy một câu của André Gide làm tiêu đề “Anh hãy tin chắc rằng cuộc đời có thể tốt đẹp hơn, cuộc đời của bân thân anh và cuộc đời của những người khác”. Thật ra đó là xu hướng “Duy dân” (populiste) của Nguyễn Tường Tam, thể hiện trong các truyện của anh cũng như trong phong trào làm nhà “ánh sáng” mà anh cổ động, mà kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện đã hào hứng tham gia, vận động nông dân và người nghèo thành thị làm những nhà mái gianh, vách toóc-si bốn phía có mái hiên rộng và mở nhiều cửa sổ để cho “nắng gió ùa vào cái đời tăm tối nơi bùn lầy nước đọng”. Nhất Linh đã chủ trì phong trào nhà “ánh sáng” một cách thực lòng, hào hứng và tin tưởng là mình làm một việc xã hội có ích. Cái sức hấp dẫn của Nhất Linh, cái sức tập hợp của anh với tư cách là giám đốc Tự lực văn đoàn chính là cái lòng tin đó chính là cái lòng hoài bão của anh đối với tiền đồ văn học nước nhà, tất nhiên là theo quan niệm của anh.
Nhất Linh đã đi học Pháp gần 5 năm, cùng một lứa du học với anh Nguyễn Mạnh Tường, nhưng anh Tường thì học về văn chương, mà Nhất Linh thì học khoa học; anh đã đậu cử nhân khoa học về thiên nhiên học, đặc biệt là về sinh vật học. Nhất Linh vẽ rất khéo, đặc biệt là vẽ những côn trùng, những con vật để minh hoạ những câu chuyện nửa văn chương, nửa khoa học của anh đăng trên báo Phong hoá. Anh cũng đã minh hoạ tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng bằng những nét vẽ rất gợi cảm; những tháng anh đã học ở trường mỹ thuật trước kia không phải là vô ích. Học khoa học nhưng về nước thì anh cùng Khái Hưng lo xây dựng sự nghiệp văn chương, hơn là đi dạy học như đa số những bạn đã du học như anh.
Nhất Linh lại có một hồi mê học nhạc, đặc biệt là mê thổi kèn clarinét; thường tôi đến toà soạn báo Ngày nay hay gặp anh thổi những bài nhạc theo những điệu hát trong các phim nổi tiếng hồi bấy giờ là bài Horsay, Nàng Bạch Tuyết và bảy chàng lùn... Thỉnh thoảng anh cũng thổi một vài bản nhạc cổ điển Âu Tây ngắn như bài Sêrênát của Sube, bài Ánh trăng của Bitôven... Lúc Nhất Linh chúm môi thổi clarinet thì vẻ mặt anh trầm lắng, hai mắt say sưa, thật dễ gây cảm tình.
Có người đã nói với tôi là có một bà lần đầu tiên gặp Nhất Linh trong lúc anh đang thổi kèn như vậy là đắm say ngay và về sau mối tình dai dẳng mãi, mỗi một lần bà ta định cắt đứt thì lại gặp tiếng kèn đầy tình cảm kia níu lại. Cũng có người về sau bảo với tôi rằng Nhất Linh thổi kèn clarinét là để che mắt bọn mật thám đấy thôi. Anh vờ say âm nhạc để đánh lạc hướng bọn phòng nhì, và lấy cớ liên hoan kèn hát để tập hợp những người cùng chí hướng tại Đầm Vạc (Vĩnh Yên), hay tại một đồn điền của người bạn quen ở Vĩnh Yên. Dầu sao thì tiếng kèn clarinét của Nhất Linh cũng để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc cũng như tiếng đàn tam thập lục của Thạch Lam. Trong ánh mắt của Nhất Linh tôi cảm thấy vừa có một sự tin yêu đằm thắm, một sự say mê nung nấu, lại vừa có chút gì như là điên, như là ánh sáng thỉnh thoảng chớp lên một niềm điên. Về sau, lúc cuối đời, người ta bảo Nhất Linh có một phần điên trong tâm tưởng.
Nếu qua có thế, thì cái hạt nhân điên đã thoảng hiện trong những năm minh mẫn của anh và có lẽ đó cũng là một yếu tố làm nên cái tâm hồn say mê của nhà văn và làm nên sức hấp dẫn của người thu lĩnh của Tự lực văn đoàn. Thích nhạc, Nhất Linh rất thích nghe hát và trong những buổi gặp nhau, anh hay cù rù anh Xuân Diệu hát những bài hát dân tộc của 3 miền mà anh Xuân Diệu rất thuộc như: Nam ai, Nam bình, hò Huế, vọng cổ, Trường tương tư, Xàng sứ líu (cải lương Nam bộ), bống mạc sa mạc (nhạc Bắc), và những bài hát mới lúc đó như Con thuyền không bến, Đêm đông, Cánh buồm trắng và một số bài hát bằng tiếng Pháp trích trong các phim nổi tiếng lúc bấy giờ, những bài hát mà Tino Rossi đã hát và được lưu truyền khắp thế giới những năm ấy... Có khi Xuân Diệu hát thì Nhất Linh thổi kèn clarinet điệp theo. Có một Tết, Nhất Linh và Thạch Lam đã rủ anh Xuân Diệu và tôi về ăn Tết ở Cẩm Giàng (Hải Dương), nơi bà cụ của hai anh vẫn ở và sinh sống từ ngày ông cụ thân sinh của các anh còn làm quan ở huyện. Đêm giao thừa chúng tôi thức để đi bẻ lộc trong vườn, và sau khi ăn bát chè đậu xanh giữa phút giao thừa thì chúng tôi trải chiếu ngủ trên ổ rơm rất ấm và thỉnh thoảng ngâm thơ Thế Lữ Thuở ấy đượm màu sóng gió biếc - Trời mây huyền ảo đắm hồn thơ - Cây im vin bóng um ùm lá - Sông thẳm nguồn sâu nước đợi chờ... Ấn tượng tổng quát mà Nhất Linh để lại trong tôi ở giai đoạn ấy là một tâm hồn nghệ sĩ say mê, một người đứng đầu một trường phái văn học có hoài bão, một người bạn văn chương có con mắt sành biết khám phá và biết ủng hộ những tài năng. Đó là giai đoạn đẹp trong đời Nhất Linh. Nhất Linh có nhiều con. Nhất Linh đã cưới vợ theo đúng nghi lễ của một gia đình “gia giáo ít nhiều thế phiệt” buôn cau ở phố Hàng Cau. Bà là một người vợ đảm đang, lo mọi việc gia đình, để chồng mình có thể để toàn tâm lực làm việc xã hội, làm báo, làm văn. Có lần Nhất Linh tâm sự với tôi: “Chắc anh sẽ hỏi tại sao tôi có nhiều con. Có gì đâu? Bà vợ tôi thích đẻ con, vì bà ta cho biết mỗi lần mang thai thì sức khỏe của bà tốt lên thấy yên ổn trong người. Thụ thai và mang thai đối với vợ tôi là một hạnh phúc. Đó là một hạnh phúc cụ thể, vừa cơ thể vừa tâm hồn, đó là kinh nghiệm của tôi, hay đúng hơn là kinh nghiệm của bà vợ tôi”. Nhất Linh nói mấy câu đó với một nụ cười không phải là hóm hỉnh, mà như là một nụ cười tình cảm, tỏ lòng biết ơn đối với người vợ đoan trang và đảm đang của mình. Có lần Nhất Linh cũng nói với tôi: “Làm vợ một nhà văn nhiều khi cũng phiền, và cũng thiệt phải hy sinh nhiều. Cứ xem vợ cũng Tú Xương thì rõ:
Quanh năm buôn bán ở mom sông - Nuôi đủ năm con với một chồng - Lặn lội thân cò khi quãng vắng – Eo sèo mặt nước lúc đò đông” (thơ Tú Xương mà Nhất Linh đọc thuộc lòng, với một giọng như là mượn lời thơ trên đây để tỏ lòng biết ơn vợ, mặc dù bà Nhất Linh không đến nỗi vất vả, tần tảo như bà Tú Xương).
Nhất Linh đông con mà Khái Hưng lại không có con. Bà Khái Hưng là con gái một gia đình quan lại, nề nếp nho phong, sống giữa xã hội Hà Nội những năm 30 mà cứ như là một phụ nữ khuê các ngày xưa, dáng dấp e lệ, kín đáo. Khái Hưng và Nhất Linh là hai người bạn rất thân mặc dầu tình bạn đó đã được xây dựng lúc hai người đã lớn tuổi, sau khi Nhất Linh đi học ở Pháp về, khi hai người gặp nhau cùng dạy học ở trường Thăng Long, lúc đó Nhất Linh khoảng 26 tuổi và Khái Hưng 36 tuổi. Vì tình bạn đó mà Nhất Linh đã cho đứa con trai của mình tên là Triệu làm con nuôi của vợ chồng Khái Hưng, và em Triệu này lấy họ bố nuôi, thành Trần Triệu. Một kỷ niệm vui nữa của Nhất Linh đối với tôi là khi tập Lửa thiêng của tôi sắp đem in thì tôi hỏi Nhất Linh muốn tôi tặng bài thơ nào. Nhất Linh lật qua các trang thơ đã đánh máy, dừng lại ở bài Áo trắng: “Anh cho tôi bài thơ này”. Tôi hỏi: “Chắc anh có một kỷ niệm gì liên quan đến tình cảm của bài thơ?” - “Đúng thế, trong đời tôi cũng có một cô áo trắng”. Sau khi đề tặng Nhất Linh bài này, thì có một người khác trong Tự lực văn đoàn cũng muốn tôi tặng bài đó. Thì ra trong đời hầu như ai cũng có một cô áo trắng! Về sau đọc tiểu thuyết của Nhất Linh, tôi có chú ý rằng Nhất Linh đã một vài lần tả chiếc áo trắng của người trong truyện, đặc biệt là trong một đoạn của cuốn Bướm trắng tác giả đã tả chiếc áo cánh trắng phơi trên dây còn bay ra mùi hương da thịt làm đắm đuối một nhân vật đứng ngắm chiếc áo. Chắc hẳn tác giả đã vận dụng kỷ niệm, đã sống lại kỷ niệm say sưa của mình để viết đoạn văn trên.
Nhân nhắc đến bài Áo trắng, tôi xin ghi thêm kỷ niệm sau đây. Lúc đó là mùa đông 1940, anh Xuân Diệu đã vào Mỹ Tho làm tham tá nhà đoan, tôi vẫn ở gác Hàng Than ngày ngày đi học ở trường cao đẳng, áo quần mùa đông vừa đủ mặc, có chiếc áo len mỏng nhưng không có áo bành tô. Một chiều rét như vậy tôi ghé toà báo để lấy báo thì gặp Nhất Lình sắp bước ra về. Anh thấy tôi ăn mặc có vẻ sơ sài liền hỏi: “Anh không có bađơxuy à?” Tôi đáp: “Làm gì có. Nhưng cũng không rét lắm”. Anh liền cởi cái bađơxuy anh đang bận, mặc vào cho tôi. Đó là một chiếc bađơxuy đã cũ, nhưng còn rất lành lặn, chưa đến nỗi bạc màu và may bằng một thứ dạ màu tím than rất nhẹ. Tôi cứ thế ra về với bađơxuy đầu tiên tôi có trong đời. Chiếc áo này tôi đã dùng 3 năm, lúc đã sờn vai tôi mang về quê cho đứa em giai lúc đó đã bỏ học về nhà đi cày. Chiếc áo cũ của một nhà văn và của một nhà thơ cũng làm anh trai cày có vẻ hãnh diện với bà con trong xóm và trong những buổi chợ làng quê.
Về Khái Hưng tôi cũng ghi sau đây một vài kỷ niệm. Lần đầu tiên tôi gặp Khái Hưng cũng là những ngày Tết Mậu Dần (đầu năm 1938). Khái Hưng hơn Nhất Linh 10 tuổi, người mảnh khảnh, nước da mai mái, mắt hơi mài mại. Dáng dấp của Khái Hưng rất nhẹ nhõm chân đi không nghe tiếng, người ta bảo đó là tướng mèo, có thể là biểu hiện một sự thư thái, thoải mái trong tâm hồn, mà cũng có thể là biểu hiện một sự rụt rè, thiếu tự tin. Đó là cách nói của các thầy tướng còn tôi thì tôi thấy Khái Hưng rất hoạt bát, rất cởi mở, gần như có lúc bộp chộp nữa. Khái Hưng cũng có cái cười hồn nhiên, chào đón, môi cười mà dường như mắt cũng cười theo. Khái Hưng ngồi làm việc, nghĩa là ngồi viết suốt ngày ở cái bàn to của phòng họp toà báo giữa một đống báo ngổn ngang, bên cạnh luôn luôn có một cái kính lúp để thỉnh thoảng anh lại dùng để đọc những chữ quá nhỏ hoặc quá khó đọc trên một trang báo hay trong một quyển tự vị. Khái Hưng viết truyện dài đăng trên báo Ngày nay, thường là viết hàng tuần một, theo nhịp độ in tờ báo. Đó cũng là cách làm anh phải viết nhanh, viết kịp thời nhưng điều đó cũng ảnh hưởng đến sự trau chuốt câu văn, và ít nhiều cũng anh hương đến sự bố cục tình huống. Nói vậy thôi, chứ Khái Hưng viết truyện đã có dàn bài trước, tính cách nhân vật đã được nghiên cứu tương đối kỹ khi đặt bút viết, tất nhiên nhiều tình tiết sẽ được sáng tạo trong quá trình viết, trong quá trình văn đưa in lên trang báo. Còn văn của Khái Hưng thì thường trong sáng, trong trẻo nữa, và có những đoạn mang tính chất thơ như trong Hồn bướm mơ tiên, trong một số truyện ngắn của tập Dọc đường gió bụi. Văn của Khái Hưng còn một ưu điểm nữa là rất Việt Nam, một thứ văn Việt Nam mới, hiện đại nhưng tính dân tộc trong câu văn rất rõ. Khái Hưng đọc nhiều tiểu thuyết của phương Tây, và theo tôi biết thì anh đặc biệt thích đọc các tiểu thuyết của Somerset Maugham và của Dickens. Anh cũng đọc Stendhal, Flaubert và Balzac. Điều mà tôi quí nơi anh là anh còn ham đọc những sách chữ Hán, chữ Nôm của cha ông để lại (Khái Hưng hồi nhỏ đã học chữ Hán đến 12 tuổi rồi mới học chữ quốc ngữ và chữ Pháp). Khái Hưng trong lúc làm việc thích uống cà phê và nhờ bà vợ hoặc người nhà ra mua cà phê ở quán Joseph ở bên kia đường Quan Thánh, trước mặt toà báo. Cũng có mấy lần anh mời tôi đi uống cà phê ỏ quán này, và tất nhiên là ăn bánh ngọt nữa. Ông chủ quán quen thân với nhà văn, biết tính nhà văn uống cà phê đậm nên bao giờ cũng cho lượng bột cà phê gấp rưỡi hoặc gấp đôi vào cái phin. Đối với các bài thơ của tôi đăng đều trên báo Ngày nay anh đều xem kỹ và mau thuộc. Rất nhiều lần tôi đến toà báo gặp anh thì anh lại đọc một loạt mấy câu thơ trong những bài đã đăng trước đây, tỏ ra thích thú và có khi bình luận lý thú. Anh cứ ngạc nhiên tại sao tôi là một người học mới, không biết chữ nho, mà hồn nhiều bài thơ của tôi lại có phong cách dân tộc đậm đà như vậy và cũng có những bài phảng phất hồn thơ Đường mặc dù không phải là bắt chước thơ Đường, và cấu trúc bài thơ, cũng như cấu tứ bài thơ lại hiện đại. Đến lúc tập thơ Lửa thiêng của tôi sắp in anh tha thiết muốn tôi đề tặng bài Buồn đêm mưa, sau đó lại tiếc bài Tràng giang và lại đề nghị tôi cho anh bài thơ đó..
Thành thứ một bài đề tặng Khái Hưng và một bài đề tặng Trần Khánh Giư là tên khai sinh của anh. Để đáp lại tình cảm, duyên văn tự ấy, anh đã tặng tôi bản thảo viết tay bằng mực tàu đen nhánh một truyện vừa anh đã biết lúc mới vào đời văn. Bản thảo này tôi để trong một cái rương đã bị cháy ở Hương Khê lúc đầu kháng chiến chống Pháp, cháy cùng một số bản thảo và mấy bản Lửa thiêng giấy đẹp của tôi. Khái Hưng những ngày chủ nhật và những dịp lễ dài ngày thường rủ bạn bè đi thăm danh lam thắng cảnh, đặc biệt anh thích đi vãn cảnh chùa vùng Bắc Ninh, Bắc Giang, là nơi có nhiều chùa chiền đẹp xây dựng từ đời Lý đời Trần. Cũng trong một chuyến đi thăm chùa Tiêu Sơn ở Bắc Ninh mà anh đã nẩy ra cái ý viết quyển tiểu thuyết Tiêu Sơn tráng sĩ. Cảnh chùa Tiêu Sơn gợi cảm, đã thúc giục anh viết nhanh, viết hào hứng quyển truyện gọi là lịch sử, nhưng có tính chất kiếm hiệp này. Anh cũng thường giao du với một số vị sư mà anh quen biết trong cuộc đời nay đây mai đó trước đây của anh, lúc anh còn là một nhà buôn tài tử, trước khi về sống ổn định ở Hà Nội đi dạy học ở trường Thăng Long. Chính anh và Nhất Linh đã mời tôi đi xem chùa Thầy và cảnh núi Sài Sơn ở huyện Quốc Oai, Sơn Tây vào một ngày hè năm 1940. Anh rất thạo về đạo Phật và thuyết minh cặn kẽ cho tôi hiểu về ngôi chùa, về Từ Đạo Hạnh, về các vị La hán thờ trong hậu tự, về kiến trúc cổ kính của ngôi chùa.
Lên thăm cảnh chợ trời trên núi Sài Sơn, chúng tôi lại cùng nhau ngâm lại những câu thơ phóng khoáng đầy gợi cảm của Hồ Xuân Hương:
Buổi sớm gió đưa, trưa nắng đứng
Ban chiều mây họp, tối trăng chơi...

Khái Hưng mang cốt cách một người tài tử, thích ngao du nay đây mai đó, du sơn du thuỷ như một cụ nhà nho ngày xưa. Những cảnh vật vùng trung du mà anh thường hay tả trong các truyện của anh (vùng Phú Thọ, vùng Bắc Ninh Bắc Giang, vùng Sơn Tây Hoà Bình...) chính là những cảnh anh đã sống, đã thân thuộc, đã yêu mến với tấm lòng “lãng tử” của anh. Chính vì vậy mà thứ tình quê hương nhẹ nhàng nhưng thấm thía mà anh đã gợi lên trong văn của anh có sức hấp dẫn, có sức thuyết phục. Lần đầu tiên trong văn học Việt Nam, cảnh đồng quê, cả ở vùng trung du và vùng đồng bằng được gợi lên một cách đẹp đẽ và dễ cảm tình như vậy, khác hẳn với những cái cảnh “cổ điển” được ghép lại bằng những hình tượng vay mượn trong sách xưa của ta hay của Tàu. Nhưng thôi, lúc khác tôi sẽ bình luận về văn và truyện của Khái Hưng.
Trong Tự lực văn đoàn, Nhất Linh là người chỉ đạo, nhưng Khái Hưng là lực lượng có thể nói là nền móng. Sức sáng tác dồi dào của anh, sự hoan nghênh của công chúng lúc bấy giờ đối với những tác phẩm của anh là chỗ dựa chính cho sự tồn tại của tờ báo Ngày nay và của Nhà xuất bản Đời nay. Đối với hai chúng tôi - Xuân Diệu và Huy Cận - thì Khái Hưng cũng như những người khác trong Tự lực văn đoàn đều một lòng yêu nể, rất quí đôi bạn thơ này. Khái Hưng dịch thơ rất hay. Bài Sonne d’ arvers, dịch rất đạt đã in trong tập truyện ngắn Anh phải sống mà tôi đâu có nhắc lại trong một đoạn trên kia:
Lòng ta chôn một khối tình
Tình trong giây phút mà thành thiên thâu...

Bài Oceano-nox của Victor Hugo anh cũng dịch rất sát nghĩa mà rất hay, đã đăng trên báo Phong hoá năm 1932:
Biết bao thuỷ thủ, bao thuyền chủ
Thuận gió xuôi buồm đi viễn xứ...
Bài này anh Gia Ninh và tôi đã chép ngay vào quyển vở sưu tầm thơ liền sau khi xem báo, và cho đến bây giờ vẫn thuộc. Sau này có người dịch lại bài này, nhưng không hay bằng. Khái Hưng ít dịch thơ Đường, nhưng rất thưởng thức những bài dịch thơ Đường của Tản Đà, đặc biệt là bài dịch Hoàng Hạc lâu. Có hồi báo Phong hoá riễu Tản Đà, nhất là về mặt uống rượu, nghiện rượu của nhà thơ, và đôi khi cũng lấy những câu chuyện mộng mị của Tản Đà ra làm câu chuyện hài hước. Nhưng trong thâm tâm Khái Hưng, Nhất Linh cũng như Tú Mỡ, Thế Lữ đều quí trọng Tản Đà, đều quí sự đóng góp của Tản Đà vào nền thơ Việt Nam. Theo tôi biết, có lúc tờ báo Ngày nay có giục Tản Đà gửi những bài thơ dịch đến đăng báo để nhà thơ có tiền tiêu. Tản Đà lại có lúc phải đăng quảng cáo trên báo về việc mình lấy số bói toán, với giá tiền “nhiều năm, ít có ba”, mà cũng có kỳ báo đăng giùm quảng cáo, không lấy tiền. Những bài thơ vui trao đổi giữa Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu và Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu trên báo Ngày nay là một kỷ niệm tốt đẹp giữa nhà thơ trữ tình và nhà thơ trào phúng. Nhất Linh cuối đời có viết một quyển tiểu thuyết lấy tên là Xóm cầu Ghênh (Xóm cầu Mới) với cái nhan đề phụ là Bèo dạt và lấy câu thơ của tôi trong bài Tràng giang, Bèo dạt về đâu hàng nối hàng làm tiêu đề cho quyển sách. Trong quyển tiểu thuyết này, Nhất Linh muốn tả nhiều số phận người đời bị trôi dạt về tập trung ở một xóm (Xóm cầu Ghênh) nhưng quyển sách đang viết dở dang thì Nhất Linh đã tự tử giữa năm 1963.
Trong Tự lực văn đoàn, người quản lý kinh doanh kinh doanh nhà xuất bản Đời nay, tờ báo Ngày nay, và nhà in Ngày nay là Hoàng Đạo, cũng gọi là Tứ ly tức là Nguyễn Tường Long, em Nguyễn Tường Tam và anh của Nguyễn Tường Lân (Thạch Lam), Hoàng Đạo thường viết những bài xã luận, cũng có viết một vài truyện ngắn và một quyển tiểu thuyết Con đường sáng Hoàng Đạo vừa làm báo vừa làm tham tá trong ngạch toà án của Bắc kỳ. Vợ Hoàng Đạo là con một nhà tư sản giàu, nên trong số anh em Nguyễn Tường và trong nhóm Tự lực văn đoàn, Hoàng Đạo là sống tương đối sung túc hơn cả. Về sự nghiệp văn chương Hoàng Đạo không để lại một tác phần nào gọi là có giá trị. Hoàng Đạo viết văn, chẳng qua là theo cái đà của anh em trong nhóm, sóng cao thì thuyền lớn, thuyền bé cũng theo lên. Về mặt quản lý kinh doanh thì Hoàng Đạo rất chặt chẽ, chi ly. Mức độ trả nhuận bút cho các bài đăng báo đều do Hoàng Đạo quy định mặc dầu mỗi người trong toà soạn thay phiên nhau phụ trách từng số báo. Anh Xuân Diệu đã có lần phải phàn nàn (trong một trang nhật ký của anh) về mức trả quyền tác giả quyển Thơ thơ quá thấp, vì có nhiều món trừ đầu trừ đuôi không hợp lý gì cả: ví như trừ số tiền những quyển sách “không bán được” (mà thực ra không còn dư một quyển nào cả, không ế một quyển nào cả); ví như tiền quảng cáo (trên báo Ngày nay) cho tập thơ tính quá cao... Về sau cách tính bản quyền tác giả cho tập thơ Lửa thiêng của tôi cũng có những điều không hợp lý như vậy... Thật ra xén đầu, xén đuôi tiền nhuận bút tập thơ chẳng còn bao nhiêu mặc dầu sách được hoan nghênh, không ế một quyển nào. Sự quản lý chặt chẽ ấy ta có thể hiểu được vì phải thu va thu vén thì tờ báo và nhà xuất bản mới có thể sống lâu bền được. Nhưng có điều mà anh Thế Lữ bực là việc Hoàng Đạo “nguýt” Thế Lữ về việc Thế Lữ cộng tác mật thiết với báo Tinh hoa của Đoàn Phú Tứ. Hoàng Đạo cho rằng Thế Lữ là người của Tự lực văn đoàn, lại là một người chủ chốt trong ban biên tập báo Ngày nay, thì không thể ở trong bộ biên tập của tờ Tinh hoa được. Và Hoàng Đạo đã nói thẳng điều ấy với Thế Lữ, và kèm theo một câu bằng tiếng Pháp, ý là “ai thính tai thì hãy nghe lấy”. Cái ấn tượng mà nhà quản lý Hoàng Đạo để lại trong anh em không lấy gì làm tốt đẹp lắm.
Trong sự hoạt động chính trị sai lầm rồi đi đến phản động, Hoàng Đạo cũng nhất nhất theo anh là Nhất Linh. Trong chính phủ liên hiệp kháng chiến đầu năm 1946 có lúc Hoàng Đạo đã được cử làm thứ trường Bộ Kinh tế. Tôi nhớ Hồ Chủ tịch có bảo tôi đến gặp Hoàng Đạo (vì tôi có quen biết trong báo Ngày nay trước đây) để đề nghị anh ta bàn với những người trong Đại Việt quốc dân đang thật lòng hợp tác giúp ổn định tình hình trong nước, đặng tập trung sức chống lại kẻ thù thực dân Pháp đang lăm le trở lại. Sáng hôm ấy tôi đến gặp Hoàng Đạo ở phố Lý Thái Tổ, bên cạnh trụ sở Bộ Canh nông lúc đó (bây giờ là trụ sở Viện văn học). Hoàng Đạo mấy hôm cáo ốm không đến họp hội đồng chính phủ, cũng vì vậy mà Hồ Chủ tịch phái tôi đến gặp để hiểu ý tứ ra sao.
Hoàng Đạo bận một cái áo ta, áo đoạn màu tím huyền từ trên gác đi xuống, ra dáng mệt mỏi và nói luôn: “Cảm ơn Cụ Hồ phái anh đến thăm tôi. Nhưng cung cách làm ăn như bây giờ thì khó lòng mà hợp tác lâu bền được”. Tôi có trình bày ý kiến của Hồ Chủ tịch thì Hoàng Đạo nói tiếp: “Tôi cũng đã hết sức bàn nhưng khó quá. Nếu Cụ Hồ trực tiếp nói chuyện với anh em, may ra nhờ uy tín của Cụ mà người ta còn nghe ra được chăng.... Tóm lại nhóm Đại Việt quốc dân Đảng vẫn ngoan cố nêu những yêu sách quá đáng của mình. Về sau, mấy tháng trước toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Hoàng Đạo và cả nhóm đã chạy sang Tàu, theo gót quân đội Tường Giới Thạch rời khỏi Việt Nam. Hoàng Đạo đã chết trên tàu hoả từ Nam Ninh đi Quảng Châu, gục đầu chết (chắc vì xuất huyết não), theo lời kể lại của Nguyễn Tường Bách khi về thăm Hà Nội có gặp tôi và Thế Lữ.

<< Tập 2 - N | Tập 2-P >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 562

Return to top