Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> HỒI KÝ SONG ĐÔI

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 27346 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

HỒI KÝ SONG ĐÔI
Huy Cận

Tập 2- E

Hồ Tịnh Tâm
Những năm tôi học lớp nhì, lớp nhất, tôi hay vào trong thành Huế chơi với bạn học cùng lớp. Nhiều lần tôi đã đến nhà anh Đặng Huệ gần cửa Đông Ba, nhà anh ở chân thành, có nhiều cây roi (ở Huế gọi là cây đào tiên), cả vườn xanh mắt. Cha anh làm việc ở một cơ quan Nam triều ở trong thành, tôi không biết rõ là cơ quan gì. Chỉ nhớ là ông rất niềm nở đón bạn của con và vào lúc roi chín, ông cho tha hồ chọc hoặc hái quả Gần nhà anh Huệ có một ông thợ khắc dấu gỗ và cái thú của tôi là đến thuê ông khắc một cái dấu tủ sách gia đình hình bầu dục, cái dấu này còn in rõ trong một số sách mà tôi còn giữ được từ trước cách mạng. Một nhà bạn nữa mà tôi thường đến chơi là nhà anh Đặng Ngọc Khuê (nay là bác sĩ về hưu) ở gần miếu “âm hồn”. Anh Khuê người gầy, da cứ sủi vẩy như da của kỳ đà, nhưng miệng cười rất tươi, mà giọng nói thì ỏn ẻn như giọng con gái. Đến nhà anh Khuê bao giờ chúng tôi cũng được bà anh ấy cho ăn bánh nậm, hoặc bánh ướt, hoặc bánh canh, các thứ bánh này bà mua ở một hàng cạnh nhà. Ở nhà anh Khuê có một hòn non bộ rất đẹp trong một cái bể cạn to và sâu ở giữa vườn. Trên hòn non bộ có đủ cảnh chùa, cảnh tiều phu gánh củi, cảnh Lã Vọng câu cá cảnh ông quan đi sứ có lọng vàng che, và dưới chân núi non bộ có cảnh thuyền bè, chợ búa... Bà anh Khuê mộ đạo Phật, đã đi cầu Phật ở nhiều chùa, nên mỗi lần trở về bà lại bảo anh Khuê làm thế nào chắp thêm vào hòn non bộ cảnh chùa bà vừa đến thăm.
Anh Khuê cũng có khiếu tạo hình, lại lấy đất vắt chùa, vắt bụt cho vào bếp nướng (nung) rồi gắn lên hòn non bộ. Bên cạnh nhà anh là miếu âm hồn. Miếu này được nhân dân lập ra sau ngày kinh đô thất thủ (1885), để thờ những người lính và những người dân đã chết trong những trận cuối cùng chống giặc Pháp của ông Tôn Thất Thuyết và những sĩ phu khác. Người ta bảo miếu được lập trên một ngôi mộ chung chôn nhiều người tử trận. Thường cứ rằm tháng bảy âm lịch là có giỗ cúng âm hồn, không ai bảo ai mà nhiều nhà đem cơm và trứng luộc và xôi đến cúng. Trên mỗi bát cơm có cắm một chiếc đũa mà phía trên có vót ngược lên thành một cái ngù, tượng trưng cho vũ khí của những người từ trận, theo lời dân gian kể.
Mọi người đều bảo miếu âm hồn thiêng lắm. Thực dân Pháp biết đó là miếu thờ những người tử trận chống Pháp nhưng làm ngơ, không dám đụng chạm đến. Có vài vị quan, không biết vì lòng yêu nước, hay vì muốn lấy lòng dân mà đến ngày rằm tháng bảy cũng cho vợ con đem cơm xôi đến cúng miếu âm hồn. Và cụ Ngáo là người đao phủ của triều đình, và của chính quyền Pháp nữa, mỗi lúc được lệnh thi hành một án chém thì cụ cũng đến miếu âm hồn khấn vái xin âm hồn xá tội cho cụ và phụ trợ cụ. Tôi chưa thấy mặt cụ Ngáo bao giờ, nhưng người ta tả cho tôi thì rùng rợn lắm: hai chân cụ đi khập khiễng, trên mặt cụ nổi lên những cục, những u sần sùi mốc mốc như da cóc (người ta truyền nhau rằng mỗi u là biểu hiện một cái đầu cụ đã chém); mỗi lần phải đi chém cụ uống rượu thật say và múa thử chiếc gươm trong hàng tiếng đồng hồ, và cũng có khi cụ thử chiếc gươm bằng cách chém chó. Vả lại cụ Ngáo cũng thường ăn thịt chó hoặc mua ở chợ, hoặc do cụ tự tay làm lấy. Các bà mẹ ở Huế muốn doạ con trẻ thì cứ nói: “Im ngay không thì tao mời cụ Ngáo đến!”. Trẻ con chẳng biết gì, nhưng cứ nghe tên cụ Ngáo thì sợ. Nhưng cụ Ngáo lại rất sợ miếu âm hồn.
Từ “miếu âm hồn” đi vào chơi hồ Tịnh Tâm, nói là chơi nhưng nhiều lần tôi vào đó học ôn bài thi học kỳ hoặc thi bằng tiểu học. Trước hồ Tịnh Tâm có một cái hồ để hoang vu, và ở giữa có một ngôi nhà đã gần đổ nát là Quốc sử quán. Hồ Tịnh Tâm là một cái hồ nhân tạo khá rộng, một bề khoảng nửa cây số, và bề dài khoảng non cây số. Hồ được xây dựng từ đời Minh Mạng; nhà vua muốn tạo nên một cảnh yên tĩnh để nghỉ ngơi thư thái, lúc đi câu, lúc đi săn, lúc ngồi thuyền hái sen, lúc lên gò ngâm thơ, hóng gió... Ở giữa hồ có hai hòn đảo nhỏ, hòn bên tay phải để như cảnh hoang vu, hòn bên tay trái có xếp đá xây thành cảnh núi non thanh tú có trồng trúc, trồng hoa và nhiều cây cổ thụ. Từ ở ngoài vào đi qua một cái cầu dài, rồi lại qua một chiếc cầu nữa mới đến hòn đảo có cảnh núi đá, hai cầu đều bằng gỗ sơn son. Ở trên hòn đảo núi đá có một cái nhà bát giác, mái lợp ngói men nhìn ra tám phía hồ rất đẹp. Trong nhà bát giác có nhiều ghế dài, đó là nơi chúng tôi học bài rất yên tĩnh, rất mát mẻ. Mùa hè hoa sen thơm ngào ngạt một mùi hương thơm mát tăng thêm vẻ vắng lặng, xa xôi của cảnh hồ vốn đã cổ xưa, yên ắng. Cậu mợ tôi đã có lần dẫn hai cháu là anh Cục và tôi vào chụp ảnh ở hồ Tịnh Tâm. Triều đình nhà Nguyễn có tái tạo sửa sang phong cảnh, gây mối quan hệ hài hoà giữa người và cảnh. Nhưng tái tạo cảnh này thành công nhiều hơn ở các lăng vua, đặc biệt là ở lăng Minh Mạng và lăng Tự Đức, một phần nào ở lăng Gia Long, chứ ở hồ Tịnh Tâm thì cái nhân tạo còn lộ rõ qua những nét chắp nối giữa nhân tạo và thiên nhiên chưa liền, không gây được cái thú vui “nhập cảnh”. Cho nên chơi dạo trong hồ Tịnh Tâm vẫn cho ta cái cảm giác đi chơi trên một hòn non bộ lớn.
Tôi cùng bạn học trong nhà một vài lần vào xem bảo tàng thủ công và mỹ nghệ, ở gần “tam toà” trong thành. Bảo tàng này do Pháp xây dựng lên để tập hợp các ngành nghề của dân ta trong xứ Trung kỳ hồi đó cùng nhằm phát triển thủ công, và nhất là mỹ nghệ để xuất cảng sang Pháp, và một phần nào sang các thuộc địa khác. Bảo tàng trình bày khá công phu và khá đẹp các hàng thủ công mỹ nghệ, tôi nhớ nhất là những hàng gỗ chạm, hàng ngà, hàng mây đan hàng mộc (có những bộ bàn ghế khảm xà cừ rất đẹp những cái giường bằng gỗ trắc cũng khảm xà cừ hình hoa lá tinh vi). Tôi còn nhớ trong bảo tàng này còn trình bày cả mô hình của những chiếc xe đạp nước, và cái guồng nước hình tròn thường ta thấy trên các con sông của Quảng Nam, Bình Định... Nhưng chúng tôi vào xem bảo tàng tam toà không phải chỉ bị thu hút bởi những mô hình thủ công, mỹ nghệ, mà còn bị thu hút trước mắt bởi những tấm đá ác-đoa (ardoise) còn chất đống ở một góc vườn, dưới chân cây muỗm hoặc cây nhãn. Đống ác-đoa này là số thừa hoặc phế phẩm của ác-đoa đã dùng để lợp cái bảo tàng trên kia và một số nhà khác trong khu vực tam toà. Ác-đoa chở từ bên Pháp sang. Chúng tôi lượm những mảnh ác-đoa ấy về làm bảng học sinh rất tốt, phấn viết lên ác-đoa rất rõ và lại dễ lau sạch, bóng đen...
Hội đồng hương quyên tiền ở nhà cậu tôi, thỉnh thoảng có những ông người Nghệ Tĩnh, khăn đen áo dài đến thăm và nói chuyện thủ thỉ với cậu tôi. Các ông tự xưng là người của hội đồng hương đến quyên tiền để giúp dân Nghệ Tĩnh khi bị lũ lụt, khi bị bão... Tôi thấy cậu tôi hơi e dè nhưng cuối cùng thì cũng cúng một số tiền nhỏ nhưng xin các ông đồng hương đừng ghi tên vào sổ, vào danh sách quyên góp, và cậu tôi cũng không đòi một giấy biên nhận gì. Các ông hội đồng hương làm đúng theo yêu cầu của cậu tôi và ra về có nói một câu, nói vừa đủ cậu tôi nghe: “Đây là việc nghĩa cả, chúng tôi sẽ dùng đồng tiền cho có ích nhất, không phụ lòng hào hiệp của ông”. Các ông chào ra về, cậu tôi lễ phép chào nhưng không tiễn ra tận đường. Về sau tôi đoán hiểu những ông đồng hương này là người của một tổ chức cách mạng, không hiểu là của đoàn thể nào, đến gặp cậu tôi với mục tiêu tối cao là mời cậu gia nhập đoàn thể, và mục tiêu tối thiểu cũng là quyên góp tiền ủng hộ “nghĩa cả”, ủng hộ phong trào. Tôi có hỏi những đồng chí lão thành cách mạng có phải lúc ấy ở Huế có những người đi vận động như vậy không, thì các đồng chí cho biết là đúng như thế, lúc bấy giờ sau phong trào Xô Viết, các đồng chí ta phải dùng nhiều hình thức vận động để củng cố phong trào mà hình thức hội đồng hương là một hình thức tiếp cận với những người trí thức ít nhiều có lòng yêu nước. Cậu tôi mất rồi (năm 1946) tôi không hỏi được cậu sự thật trên điểm này, trên đây tôi chỉ ghi sự đoán hiểu của tôi. Dầu sao thì những ông hội đồng hương khăn đen áo dài này cũng đã để lại cho tôi một ấn tượng sâu sắc, nhất là cái giọng Nghệ Tĩnh quê nhà của các ông cái giọng mà suốt đời đi đâu thì tôi vẫn giữ được nguyên vẹn. Cứ về đầu làng là tôi nói giọng Hà Tĩnh một trăm phần trăm, hơn thế nữa tôi nói đúng giọng của làng tôi, xóm tôi, không quên giọng đã đành mà cũng không quên những từ quen thuộc của địa phương nữa, cái giọng và những từ trong đó tôi đã sinh ra và được mẹ tôi ru hồi tấm bé.

Tuổi dậy thì
Có nên ghi vào hồi ký những năm tháng phức tạp này không? Nhưng tôi nghĩ cứ nên ghi, cứ nên kể vì đây là đời của mình, đời xương thịt nó chứa đựng cả đời tâm hồn và làm nền cho đời tâm hồn. Vả lại ai cũng chỉ sống có một đời, tôi không kể đời tôi trọn vẹn thì ai sẽ kể thay cho tôi trong thăm thẳm của thời gian. Người ta thường bảo “Nữ thập tam, nam thập lục”. Nhưng tôi chưa đến thập lục, chỉ mới thập nhị thập tam cũng đã đến cái tuổi biến chuyển sinh lý, cái tuổi dậy thì. Tuổi đầy mơ mộng, mà đối tượng mơ mộng thật chưa rõ ràng, những tình cảm tả trong sách làm cho mình cảm nhiều hơn là những đụng chạm trong đời. Nhưng các giác quan đã thức dậy, có khi sắc nhạy, kể cả giác quan của dậy thì. Thế rồi chàng thiếu niên đang lớn lên cứ âm thầm tưởng tượng những tình duyên, những gặp gỡ, những cảm giác và những say sưa trong tình cảm. Tâm hồn và máu thịt đang cùng nảy nở một lần, đang làm giàu cho nhau trong cái buổi “khai thiên lập địa” của một con người. Chính những năm tháng này, cũng là những năm tháng bắt đầu nảy nở hồn thơ trong tôi, bắt đầu xao động cái khiếu thơ bấy lâu đang còn ấp ủ, như một cái mầm bắt đầu nhú lên, mở những cánh lá đầu tiên đón gió.

Lần đầu tiên đi gặp biển
Trên kia tôi đã kể lúc đi theo mợ Vân vào Thừa Thiên, tôi đã tiếp xúc với biển ở đèo Ngang. Nhưng lúc ấy chỉ thoáng thấy biển ở chân đèo, mặc dù cảm giác rất mới lạ, nhưng chưa phải là một sự chấn động sâu xa trong cảm giác và tình cảm của tôi. Thật sự tiếp xúc với biển lần đầu tiên là buổi đi chơi Thuận An với bạn Đồng Sĩ Hiền lúc chúng tôi học lớp nhì như tôi đã nhắc ở một đoạn trên. Lúc bấy giờ tôi 11 tuổi Hiền và tôi đi từ sáng sớm. Dọc đường từ Đập Đá qua Nam Phổ đã tiếp xúc với biển qua gió biển.
Quê tôi ở vùng sơn cước, ở chân núi Mồng Ga, chưa bao giờ tôi nghe thổi một ngọn gió mát và nhẹ như thế, một ngọn gió mà tưởng là hơi thở hiền hoà của đất của trời. Tuổi nhỏ, tôi cứ tưởng là gió dính liền với cây lá, với rừng, nơi nào không có cây thì không có gió. Tôi quen thấy gió từ cây từ cành lá rung rinh hoặc bạt theo một chiều. Đi dần về biển, tôi mới có cảm giác rõ rệt gió có thể rời cây, gió có thể riêng với cây gió là hơi thở của bầu trời rộng lớn. Cứ đi, cứ nghe gió, tắm mình trong gió. Rồi khoảng 8, 9 giờ sáng, nghe tiếng ào ào như mưa qua rặng phi lao: cảm giác như đến gần chợ Nước ở quê tôi. Cũng thấy lạo xạo, dào dạt mỗi lúc một to. Thỉnh thoảng lắng đi một tí. Rồi bừng lên trước mắt tôi cái mênh mông xanh của biển, thoạt nhìn thấy hơi cứng. Gió biển vù vù làm rợn cả người tôi. Tôi thấy mát cả nơi khóe mắt tưởng như mắt tôi mở to gấp mấy lần. Biển phồng lên, tôi thấy như một cái ngực hồi hộp. Khối xanh bát ngát ấy không cứng nữa như cảm giác ban đầu. Khối xanh ấy bây giờ cho tôi một cảm giác đùn lên đùn lên vô tận. Hơi ngợp. Tôi đứng nhìn say sưa. Biến và sông đều là khối nước, mà sao cho tôi cảm giác khác nhau quá? Biển hút tôi, biển đặt tôi vào một trạng thái tâm hồn dạt dào, rộng mở, mà lại lắng sâu. Tôi nhìn biển không chán cho đến trưa lúc mặt trời chói nắng. Đó là tình yêu đầu tiên của tôi với biển. Từ đó đến nay tôi mê biển như một nỗi mềm. Cứ có dịp là tôi về với biển. Có điều lạ là biển bát ngát, rộng mở lại làm tôi lắng về bên trong tâm hồn. Biển là khối lớn dào dạt, như chiếc võng lớn đưa cao làm tôi say mà lại yên tâm vô cùng. Trong đời làm thơ của mình tôi đã viết hàng chục bài thơ về biển, vì biển (có thể gần đến trăm bài), xin kể ra đây vài đoạn vào những năm khởi đầu của thơ tôi.
Trời thắm duyên rằm, vừng nhạc mờ
Chuông sao rung nhớ tiếng vàng bay
Lượng vui muôn kiếp cân đầu sóng
Biển rủ rê lòng nhập cuộc say.
(Lượng vui, 1941)
Ta, biển sinh đôi tự thuở nào
Sóng lùng bao đợt nhói lòng đau
Cái vui đầu sóng buồn chân sóng
Cùng lặn chiều hôm nét đỏ au.
(Ta viết bài thơ gọi biển về)
Trăng ru sóng vui tràn vũ trụ
Hồn ta ơi chớ ngủ nghe em!
Trăng cao gọi thúc nỗi niềm
Biển bằng phơi dậy bờ đêm trùng trùng...
(Triều nhạc, 1940)
Bãi biển cuối hè dần vắng lặng
Vô tâm biển vẫn đẹp tưng bừng
Mai đây ta vắng, đời không vắng
Vũ trụ điềm nhiên đẹp dửng dưng
Sóng trắng bờm phi hí gió mai
Mây bay tới tấp ngợp chân trời
Phải chăng vũ trụ thừa dư sức
Thỉnh thoảng chồm lên như trẻ chơi.
(Bãi biển cuối hè, 1974)
Rồi một ngày kia hết ở đời
Cho ta theo biển khoả chân trời
Điều chi chưa nói xin trao sóng
Lấp lánh hồn ta mặn gió khơi...
(1982)
Nếu bạn đọc hồi ký của tôi muốn hiểu thêm mối bình của tôi với biển, xin tìm đọc các tập thơ của tôi trong tập nào cũng có một số bài về mối tình dai dẳng ấy.

Tủ sách của cậu tôi
Cũng trong nhà cậu một điều vui lớn, ít nhất là đối với tôi là tủ sách của cậu tôi. Cậu tôi khá giỏi tiếng Pháp, nhưng rất hâm mộ văn thơ dân tộc, từ Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm cho đến những bài vè nổi tiếng lúc bấy giờ, ở Bình Định, Quảng Nam hay là Huế. Những ngày tháng ở Quảng Điền, là những ngày tôi bắt đầu ham mê đọc sách nhờ cái tủ sách của cậu tôi cái tủ sách kỳ diệu nó đã mở ra cho tôi thế giới thần kỳ của văn thơ đông, tây, kim, cổ. Tủ sách không to lắm, nhưng lúc đó tôi thấy nó sao mà bát ngát.
Sách tiếng Việt có các truyện Nôm (Thạch Sanh, Phan Trần, Tống Trân Cúc Hoa, Hoàng Trừu, Nữ tú tài, Trê Cóc, và Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc...) và cả những bài vè của địa phương miền Trung mà cậu tôi đã công phu chép vào một quyển sổ đẹp: vè Thông Tầm, vè Thất thủ kinh dô... Trong quyển sổ đẹp ấy cậu còn chép cả những bài thơ nổi tiếng như Khuê Phụ Thán 10 bài (và bài Tục Khuê Phụ Thán nữa), thơ của Bà Huyện Thanh Quan, thơ Tú Xương, thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, thơ Nguyễn Khuyến, thơ Hồ Xuân Hương và những câu đối hay những danh ngôn, những tục ngữ... Quá một nửa tủ là sách tiếng Pháp, tôi nhớ loại nhiều nhất là các truyện cổ tích của Pháp và của thế giới nhưng đã được soạn gọn lại cho thiếu nhi đọc, và các sách này đều có minh hoạ. Có truyện cổ tích của Perrault, nhiều tập truyện của Andersen (sau này tôi mới biết đó là sách của Andersen, vì sách mất bìa) có cả một tập truyện của Ấn Độ, và tập truyện Ba Tư (rút từ Nghìn lẻ một đêm) thuật lại bằng tiếng Pháp. Tôi nhớ mãi câu chuyện ông vua ở trần truồng ngự giá đi ngoài phố mà ai cũng ca ngợi là vua mặc quần áo đẹp quá (truyện của Andersen). Cậu tôi đọc và dịch các truyện và giải thích cho chúng tôi nghe. Thỉnh thoảng cậu tôi cũng thêm lời bình luận, có khi theo sát bình luận trong sách, nhưng thường là theo cảm nghĩ của ông. Ví như truyện ông vua vừa rồi thì cậu tôi nói “đó là vua phương Tây, chứ vua ở nước ta thì không dám liều thế đâu mặc dù có anh thợ may xảo quyệt lừa vua”. Cậu tôi còn xem Những người khốn khổ của Victo Huygô sách mượn của hội Trí Tri ở Huế, rồi kể hết tuần này sang tuần khác cho cả nhà nghe, như người ta kể truyện Tam quốc hay Thuyết dường diễn nghĩa vậy.
Tôi còn nhớ cái không khí náo nức, hào hứng mà bọn tôi chờ nghe tiếp hồi này qua hồi khác câu chuyện của Giăng Van giăng, chúng tôi hồi hộp theo dõi những bước đường của nhân vật anh hùng này, chúng tôi cũng ham mê theo dõi cuộc tình duyên của Côdét và Mariuýt. Cậu tôi kể sát truyện Victo Huygô, nhưng cách kể của cậu lại có phần kết hợp với truyền thống truyện nôm của ta nên rất hấp dẫn. Hết Những người khốn khổ cậu tôi lại kể tiếp sang Ba người ngự lâm pháo thủ của Dumas, cách kể cũng từng hồi từng đoạn hấp dẫn và mê ly như thế. Về sau học ở ban thành chung tôi đọc những tập truyện này trong nguyên bản tiếng Pháp thì như là đọc lại, và như là gặp lại những người quen thuộc từ thuở nhỏ. Trong tủ sách của cậu tôi còn có nhiều tập thơ Pháp, tôi nhớ có một tuyển tập thơ Victo Huygô, một tuyển tập Lamáctin, và một tuyển tập thơ Pháp từ đầu cho đến cuối thế kỷ 19. Lại còn sách của Khổng Tử (dịch ra tiếng Pháp, trong đó có một tập Đại học, tập Trung dung...), quyển sách của Khổng Tử bìa đen này để trong một góc tủ cậu tôi không hề mó tới; sau này cậu tôi cho tôi quyển sách đen ấy, tôi cũng để một góc tủ không hề mó tới cho đến năm tôi đậu tú tài toàn phần tôi đem cho một người bạn ham nghiên cứu triết học Trung Quốc.
Trong tủ sách của cậu tôi còn có một số “tập san của Những người bạn của Huế cổ kính” trong đó có nhiều tranh in màu vẽ lăng miếu, cung điện ở Huế. Thỉnh thoảng cậu tôi lại trích trong tập san ấy những đoạn văn ngắn để đọc chính tả tiếng Pháp cho chúng tôi viết Tôi còn nhớ có cả quyển Bình yên của Dufresne.
Tủ sách của cậu tôi là trường học văn thơ đầu tiên của tôi. Tôi say sưa đọc văn thơ tiếng Việt, chẳng mấy lúc mà đọc hết; đọc hết lại đọc lại. Có những lúc tôi đọc cho mợ tôi nghe, nhất là đọc vè Thông Tằm, vè Kinh đô thất thủ, đọc truyện Thạch Sanh và các truyện Nôm khác. Rồi tôi tập đọc dần sách tiếng Pháp, tất nhiên là không hiểu hết; tôi hỏi cậu tôi, đề nghị cậu nói tóm tắt từng truyện rồi tôi mò tìm hiểu dần từng trang. Rõ ràng cái tủ sách của cậu tôi đã hé mở cho tôi cái thế giới kỳ diệu của văn chương, nghệ thuật. Cái thói quen hay mua sách, hay gom sách, hay tích luỹ sách hay của tôi cũng bắt nguồn từ đó. Tủ sách, và chính cậu nữa đã gây cho tôi cái thú ham đọc sách, cái thú tìm niềm vui thanh khiết trong sự đọc sách, trong sự tiếp xúc với những tâm hồn Đông, Tây kim, cổ. Cậu tôi chết sớm năm 1946 tại Thanh Hoá lúc đó cậu mới 47 tuổi. Tủ sách thân yêu của cậu và của tôi về sau bị phân tán, mất mát dần qua những lần cậu tôi đổi nơi làm việc, và cũng bị người này lấy đi một ít, người kia lấy đi một ít. Nhưng tủ sách ấy vẫn còn, còn ở trong tâm trí tôi; còn ở chỗ thân yêu nhất trong kỷ niệm của tôi. Nếu bác Cù Hoàng Thự đã khai tâm cho tôi về chữ quốc ngữ, thì cậu tôi và tủ sách của cậu đã khai tâm cho tôi về khiếu thẩm mĩ về nhận thức cái đẹp và cái hay trong sách và trong đời Vừa rồi tôi gặp mợ tôi, tôi nhắc đến tủ sách, mợ tôi cũng còn nhớ rõ các truyện, các vè mà tôi đã đọc cho mợ nghe. Mợ tôi nói: “Anh làm thơ hay, nhớ đến tủ sách, thì cũng thoả lòng cậu”. Khi quyển thơ đầu tiên của tôi, là tập Lửa thiêng ra đời năm 1940, tôi có gửi tặng cậu, mợ một bản đẹp, nghe nói cậu cũng cho vào tủ sách và đọc đi đọc lại nhiều lần. Nếu tập thơ đầu của tôi đã phần nào làm cậu hài lòng, làm cậu hứng chí trong những giờ rảnh rỗi thì nó cũng là mong muốn một tôi đáp lại cái công ơn đào tạo và khơi nguồn của cậu. Nhân nói tủ sách, tôi còn nhớ cậu có quyển tự vị Larousse khá mới, và chúng tôi hay mở từng trang xem các minh hoạ trong đó, nhân đó học thêm tiếng, học dễ nhớ nhờ có hình.

Hai tủ sách và hòm sách của tôi bị trôi sông và bị cháy trong kháng chiến
Như một đoạn trên tôi đã kể, trước ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19-12-1946) tôi và anh Xuân Diệu đã chở cái tủ sách của chúng tôi về gởi nhà ông Trương Đăng ở Kim Bài (huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông) gần phía Vân Đình. Những ngày đầu kháng chiến chúng tôi còn ở lại Kim Bài vài tuần, và vẫn đọc sách với nhưng vốn văn học cổ kim đông tây mà chúng tôi đã mua góp được vào tủ sách quý của mình.
Trong tủ sách có nhiều tác phẩm văn học cổ điển của ta như Truyện Kiều (nhiều bản khác nhau), Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, Tần cung oán Bái Công văn, 3 tập Văn đàn bảo giám, Đại nam Quốc sử diễn ca, Nam hải dị nhân, có cả Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, Hán Việt văn khảo của Phan Kế Bính, nhiều sách của Tự lực văn đoàn... Đặc biệt có những truyện nôm dân gian mà tôi đã cóp nhặt mua ở phố Hàng Gai (như Thạch Sanh, Trương Viên, Trê cóc, Bích câu kỳ ngộ, Nữ tú tài, Trinh thử, Thoại Khanh Châu Tuấn, Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa, Trương Chi, Bần nữ thán, Nhị độ mai...) và tôi đã cho đóng thành 1 quyển dày bằng quyển tự vị Larousse, với gáy da đề dòng chữ vàng “Hồn cổ Việt”.
Trong tủ sách ấy còn cả báo Ngày nay đóng thành 3 tập trong đó có đăng thơ của anh Xuân Diệu và của tôi lại còn tập hồ sơ xây dựng chính quyền nhân dân mà anh Nguyễn Thượng Đạt và tôi đã cất giữ sau khi giúp Bộ Nội vụ của ta xây dựng sắc lệnh 68 là sắc lệnh tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp (người chủ trì việc soạn thảo sắc lệnh này là anh Võ Nguyên Giáp, lúc đó là bộ trường Bộ Nội vụ kiêm thứ trưởng Bộ Quốc phòng và kiêm tổng chỉ huy vệ quốc đoàn). Đến sau Tết, chúng tôi lên Việt Bắc, thì tủ sách vẫn gởi lại nhà ông Trương Đăng, chúng tôi chỉ mang theo mình dăm ba quyển mà thường hay đọc lại. Thế rồi quân đội Pháp đánh rộng ra, chiếm đóng cả tỉnh Hà Đông, và từ các đồn bốt đóng ở các huyện ly, ở các ngã ba đường xung yếu chúng đi lùng sục các làng, nhất là các làng ven đường cái ven các trục giao thông quan trọng. Làng Kim Bài ở sát bên một trục giao thông ấy đi từ thị xã Hà Đông đến Vân Đình, và đi xuống khu Ba. Gia đình ông Trương Đăng hơi hãi, bèn nghĩ cách tẩu tán tủ sách của chúng tôi, vì bọn lính Pháp hay tay sai của chúng mà phát hiện được tủ sách thì chủ nhà sẽ bị vạ lây.
Tẩu tán bằng cách gì? Gia đình đã nghĩ cách đem sách ra đốt, nhưng đốt cũng lâu và khói um lên dễ bị bọn Việt gian nghi ngờ... Nhưng người nhà đang tính tới tính lui như vậy thì bọn lính Pháp và lũ tay sai ở huyện đã kéo đến đầu làng. Người nhà vội vàng khiêng cả tủ sách vứt xuống ao to phía đằng sau nhà. Từ nhà ra bờ ao cũng khá xa, nhưng cả nhà hì hà hì hục gánh tủ sách đông tây kim cổ và hồn cổ Việt của chúng tôi cho xuống đáy ao. Đó là về sau lúc kháng chiến thành công trở về Hà Nội, chúng tôi được nghe kể chuyện lại như vậy, chứ lúc tủ sách chìm nghỉm xuống đáy ao thì chúng tôi đã ở Việt Bắc rồi, đâu có biết? Những nhà văn, những nhà thơ đông tây kim cổ yêu mến của chúng tôi, những Nguyễn Du, những Victo Huygô, những nhà thơ Đường, những tác giả truyện nôm... Có biết cái nông nỗi bị dìm xuống ao vì cuộc xâm lăng của thực dân không? Còn cái hòm sách quý của anh Diệu và tôi toàn đựng tác phẩm của Huy Xuân (nhiều bản của Thơ thơ in lần thứ nhất và thứ hai, của Phấn thông vàng, mười mấy bản in giấy đẹp của Lửa thiêng, và một số bản thảo của chúng tôi), và đây chính là cái rương bằng gỗ thông mà tôi đã dùng trong suốt 7 năm học ở trường quốc học ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) và đã bị cháy theo cả cái trại nơi chúng tôi gởi không cứu được một chút gì. Về sau này anh Diệu và tôi phải công phu đi sưu tầm các tác phẩm đầu tay của mình, qua bạn bè và qua các hiệu sách cũ. May mà gia đình tôi ở Ân Phú còn giữ được một bản Lửa thiêng giấy đẹp và một bản Phấn thông vàng. Anh Lương Xuân Nhị thì đã tặng lại anh Xuân Diệu tập Thơ thơ mà anh Diệu đã tặng anh ấy lúc sách mới ra đời (chính Lương Xuân Nhị đã trình bày tập Thơ thơ). Khi mới giải phóng Sài Gòn, tôi vào công tác trong đó thì ông Nghiêm Thẩm, một người bạn yêu thơ, đã tặng lại tôi bản Lửa thiêng in trên giấy rất đẹp. Và sách của chúng tôi cũng được các nhà xuất bản trong Sài Gòn tái bản thời kỳ Mỹ nguỵ (dưới cái nhãn hiệu là sách tham khảo cho các trường đại học văn khoa trong đó) cho nên chúng tôi cũng thu lượm được một số bản in lại trong hoàn cảnh ấy. Một tủ sách bị dìm xuống sông, một rương sách bị lửa đất cháy, đó là số phận của sách, của văn thơ trong một trường hợp nhỏ là hai anh em làm thơ chúng tôi qua một chặng đường khói lửa của dân tộc. Từ đó chúng tôi ngẫm ra: qua bao nhiêu thời đại, bao nhiêu thế kỷ qua bao nhiêu biến cố lịch sử, qua bao nhiêu binh lửa trên nước nhà, thì ông cha ta đã mất mát biết bao nhiêu vốn sách vở, vốn văn hoá, văn nghệ. Ngày nay chúng ta có nhà in in sách ra nhiều bản, mà tìm lại những sách đã mất còn khó thay, huống hồ cha ông ngày xưa chỉ chép tay hay chỉ in được một số ít bản bằng mộc bản! Tôi cứ tiếc ngẩn tiếc ngơ bản Lửa thiêng giấy Arches dày, đẹp và có kèm theo 12 bức minh hoạ của anh Tô Ngọc Vân vẽ bằng thuốc nước rất đẹp (anh Tô Ngọc Vân là hoạ sĩ đã trình bày bìa rất đẹp cho tập thơ Lửa thiêng của tôi). Bây giờ có Cục lưu trữ quốc gia là một nhiệm vụ là lưu trữ cả các tài liệu văn học, nghệ thuật. Với sự khuyến khích thúc giục của đồng chí Hoan, tổng cục trưởng lưu trữ tôi đã gởi một số tác phẩm in thành sách của anh Xuân Diệu và của tôi vào kho lưu trữ.

<< Tập 2- D | Tập 2- F >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 616

Return to top