Gói bánh và xâu tiền kẽm:Thầy tôi đang chấm bài và quát tháo tôi về những lỗi nặng trong bài luận Pháp văn. Tôi ngó ra bụi tre trước nhà thấy bóng một người đàn bà thấp thoáng dòm vào. Đúng rồi. Má tôi. Má bận chiếc áo dài xuyến đen, đội nón Gò đăng, đang cầm một gói nhật trình buộc chỉ xanh toòng teng trên tay má. Má tôi xớ rớ chỗ hàng rào dâm bụt, đi lại gần giếng nước, rồi kêu:
- Bàng ơi!
Tôi thấy thằng em tôi đang xách nước bên bờ giếng lộp bộp vòng dây vào chiếc gàu thiếc, rồi nó la lên:
- Má! Má đi đâu vậy má?
- Má đi đòi nợ cho bà ngoại. Trên Kiến Hàng.
Dứt lời, má tôi đút vào kẽ rào một gói bánh, nói:
- Dì Đồng Hoà dưới Qui Nhơn gởi cho các con. Thằng Bàng đâu?
- Ảnh đương bị thầy đánh vì làm bài... Sao đó.
Lúc em tôi đưa tay vẹt hàng rào dâm bụt để lấy bánh, má tôi giữ tay nó lại, nắn nhè nhẹ và hỏi:
- Các con ăn cơm có no không?
Thằng em tôi không đáp lời má, nó thả gói bánh cạnh thềm giếng rồi vào chỗ tôi ngồi, ngang nhiên nói: “Có má...
Thầy tôi nghe nói “có má”, ông đặt bút xuống bàn, nét mặt vẫn cau có: “Cho nghỉ một lát”.
Tôi không đứng ở kẽ rào mà chạy ra đường để gặp má; thấy má, tôi chạy đến ôm má, hôn vào vai áo má, má tôi thương con rưng rưng nước mắt...
Má tôi mở cái khăn gói trầu trao cho tôi một xâu tiền kẽm:
- Cho hai con. Lúc nào muốn ăn bánh, hai anh em mua mà ăn chung với nhau.
Thằng em tôi cứ loay hoay phía trong hàng rào dâm bụt, hai chân nó dậm trên mặt đất, mắt nó đỏ hoe...
Má tôi quay mặt, không dám nhìn hai đứa tôi, má thở dài: Thôi má đi, kẻo chiều hung rồi. Má sợ về trễ bà rầy”.
Tôi cầm xâu tiền kẽm, nhìn theo má, tôi chỉ muốn chạy theo má...
Bạn CúcTrong xóm Đạo này chỉ có nhà cha con ông Cúc là nghèo nhất. Cúc nằm trên chiếc võng ngắn củn rách bươm, quanh nó ruồi bay từng đàn, tay nó cầm một nhánh lá xua ruồi. Tội nghiệp. Nó tên là thằng Cúc... Tám tuổi mà bé loắt choắt gầy ốm như đứa trẻ lên năm.
Ba nó làm nghề đốt than. Không mấy lúc thấy ông ở nhà. Nhìn thấy bếp lạnh tanh dường như lâu ngày không nấu nướng gì, tôi hỏi nó:
- Bạn ăn cơm chưa?
Nó nín thinh không nói gì, cố gắng ngồi dậy kéo tấm áo rách che cái chân sâu quảng vì ruồi vây nhiều quá.
Tóc nó phủ tai, da xanh khô, nhăn nhíu như trẻ con bị lãi (sán) cắn. Đôi mắt sâu hỏm buồn rầu nhìn tôi. Nhưng thực tế nó không nhìn gì cả. Tôi hỏi lại:
- Cúc, bạn có nghe tôi hỏi gì không?
Vừa lúc đó. Thằng em tôi chạy vào. Nó khoe vừa tìm được một cái dái mít bự. Nó nhớn nhác nhìn vào bếp thằng Cúc để tìm muối hột. Úi chui cha! Dái mít mà ăn với muối hột, nhai rào rạo, vừa chát vừa mặn thì còn gì ngon bằng!
Bạn Cúc bỗng chìa tay về phía em tôi: “Cho tôi xin một miếng tôi ăn, tôi đói quá”.
Em tôi nhìn tôi, rồi đưa cả dái mít bằng nắm tay cho nó. Tôi kéo em tôi ra ngoài, rỉ tai nói thầm với nó. Nó gật đầu, rồi vùng chạy...
Một lát sau, em tôi trở lại với hai túi áo bà ba đầy hạt gạo. Tôi hỏi:
- Nội nhà có ai thấy không?
Nó nhe răng cười: “- Ngủ trưa hết mà!”
Tôi cười vui vỗ nhẹ vào đầu em tôi, tôi thầm nghĩ thằng này giỏi... Vậy là bạn Cúc đã có gạo để nấu cơm ăn tạm để đợi cha nó về. Bạn Cúc chỉ cười, không biết nói cảm ơn. Ra về, tôi dặn Cúc:
- Bạn đừng nói gạo của tôi cho nghe không. Nói... là tôi bị đòn nứt đít.
Chị PhươngLúc tôi còn nhỏ ở nhà học với thầy tôi, chị Phương đã lớn và học lớp ba trường nữ Qui Nhơn, trường nữ duy nhất ở Thành phố biển này.
Học xong lớp ba, lên lớp nhì I, nhì II, lớp nhất, ba lớp này học chung với con trai Collège Qui Nhơn, mỗi lớp lèo tèo vài chị. Gia đình nào muốn cho con gái học thêm thì gửi ra trường Đồng Khánh ở Huế. Học xong lớp ba, chị Phương về nhà giúp chú Mền trong việc làm ăn buôn bán.
Thỉnh thoảng đi tắm sông trưa, tôi gặp chị đi giặt quần áo... Chị xài tiếng Pháp hỏi tôi khi nào xuống Qui Nhơn học, và phần chị ở nhà buồn quá, ông bố nghiêm khắc, mẹ ghẻ ác nghiệt, chị muốn đi học trở lại mà không làm sao được...
Ông bố chị người Tàu tên là chú Mến. Ông làm nghề buôn gạo, cân gạo của những người làm hàng xáo miệt Luật Bình, Tùng Giản, Kim Trì rồi chở xuống Qui Nhơn bán lại cho những ông chủ lớn như Thoại Phát, Thái Hưng...
Chị Phương thường ca hát một mình trên bờ sông vắng để nhẹ lòng, vơi bớt nỗi buồn... Khi nào đò cập bến, chị chăm chú nhìn người qua lại, lên xuống đò... như muốn gửi gắm một niềm tâm sự gì...
Bến sông mà chúng tôi thường gặp nhau là bến đò trên, chợ Gò Bồi là bến dưới, làng Tùng Giản có hai bến đò. Chị cho tôi biết rằng, để trốn mợ Thanh, mẹ ghẻ, chị sẽ đi theo một đoàn cải lương ở Gò Bồi.
Tôi còn nhỏ, nhưng biết chị đẹp, dễ làm đào hát cải lương lắm. Mà chị đi thật. Chị ôm quần áo đi lên Kiến Hàng, vì gánh hát đang hát trên đó.
Hôm chị về hát Gò Bồi, tôi có đi xem chị hát. Mở màn dưới ánh sáng trong xanh các ngọn đèn măng-sông chị đẹp lộng lẫy trong bộ quần áo dài màu hồng, cùng những người khác hát bài ca Hành Vân, chào khán giả như sau:
“Hội ca cầm, hội ca cầm
Chúc cậu mợ giàu sang
Giàu sang, giàu sang, phú quý
Phú quý, vinh hoa
Sống bá niên trường thọ
Nhà đông con đông cháu
Trên ô tô, dưới lại ca nô
Nằm giường lèo đắp trên nệm gấm
Mang đôi giày ma mị (ba bi)
Ngồi dựa phòng loan
Bịt ba cái răng vàng
Giống mình quan ba, quan tư
Ngồi nhà lầu ngó xanh xung quanh
Ngó vô trong túi
Bốp phơi (porte-feuille) đầy những giấy cent (trăm)”Tiếp theo đoàn hát diễn vở: Thoại Khanh - Châu Tuấn. Chị đóng vai Thoại Khanh, anh Cụ con bà Thơ đóng vai Châu Tuấn. Phải nói là hay theo cái nhìn của tuổi thơ của tôi. Đến đoạn Thoại Khanh cõng mẹ đi tìm chồng thì tôi nghe quanh rạp có tiếng khóc sụt sịt của các má, các chị. Tôi ngồi cạnh má tôi, má tôi cũng lấy vạt áo lau nước mắt, khi chị cất tiếng ca sầu thảm:
Tới Trường An tìm người Châu Lang,
Biết bao giờ gặp mặt chàng.
Vai thì cõng mẹ, mẹ ngồi trên lưng
Xin mẹ an lòng,
Con liều cắt thịt cho mẹ ăn, mẹ ăn
(Vọng cổ nhịp 4)Rồi bẵng đi một dạo tôi không gặp chị. Nghe người ta nói mợ Thanh lên tận phủ An Nhơn (Bình Định) lôi chị về. Chị bị chú Mến bắt thằng em rể (con riêng mợ Thanh) đánh cho một trận nhừ tử. Xong, ông cạo đầu chị rồi đuổi đi... Tội nghiệp, sau khi đi học Qui Nhơn về nghỉ hè, tôi có gặp chị Phương nhưng chị mau già, ốm tong teo. Chị thế ông lão Thiệt già yếu, chống đò trên bến sông qua ngày. Tôi tắm bờ sông bên này làng Tùng Giản, nhưng không muốn về, nấn ná đợi chị chở chuyến đò qua để tôi chào chị, vì ngày mai tôi sẽ đi Qui Nhơn học lại...
Mợ ThôngMợ Thông là dâu út của ngoại tôi. Cậu Thông tôi, chồng mợ, làm công chức Sở Lục lộ, nên có khá tiền, mợ ăn mặc rất sang trọng, quần áo toàn hàng lãnh bưởi và lụa lèo. Mợ xài tiền rộng rãi, bà con bên ngoại tôi, ai nghèo thì mợ giúp đỡ với lời nói khéo léo, để người được giúp vui lòng nhận. Mợ Thông nói với má tôi:
- Ồ chị không lấy, em cho chị mượn vậy.
Đó là lúc thấy tôi đã lớn, học tới lớp nhì 2, sắp thi lên lớp nhất mà quần áo lôi thôi cũ mèm, mấy áo dài đen, trắng đã rách cùi chỏ (khuỷu tay), quần vải trắng vàng khè ngắn trên mắt cá, mợ Thông tôi muốn may sắm cho tôi ít bộ quần áo, thì má tôi có vẻ chạnh lòng không muốn nhận. Má tôi nói: “Tôi còn mười lăm thùng lúa cho họ mượn ăn tạm, mùa sau lấy về, tôi sẽ may mặc cho cháu đàng hoàng”.
Tuy mợ nghỉ ngơi sang trọng lúc ở với chồng trong Tuy Hoà, chớ về nhà bà, tôi thấy mợ cùng má tôi và chị Bốn Nhữ đều vén áo vào lưng quần, múc nước mắm từ nhà bếp chuyển lên đến trại chính đổ vào thùng mẹ, và mợ còn xung phong bốc mắm xác vác ra sông đổ vào những đêm nước lớn. Bữa cơm, lấy tư cách con dâu, mợ ngồi cạnh nồi cơm, xới cho cả nhà, có món gì ngon, mợ gắp bỏ vào bát cho bà: “Thưa mẹ, cá chép tươi nấu ngót đó mẹ; thưa mẹ tôm thẻ lăn bột còn nóng, mời mẹ.... Bữa cơm lúc nào mợ cũng là người lên sau cùng, bưng lên nồi canh hoặc những thức ăn dư hâm lại. Bà ngoại tôi rất hài lòng về mợ...
Một hôm tối trời, mợ đi sông một mình, không biết loay hoay thế nào mà lọt tùm xuống nước, mợ không biết bơi, giãy dụa, chới với, càng lúc càng xa bờ, lúc bấy giờ mợ la lên kêu cứu, anh Bốn Tán, người đầy tớ trong nhà ông Cửu Thản nghe tiếng la, chạy ra nhảy xuống sông bơi nắm tay mợ kéo vô bờ... Mợ vừa thẹn, vừa trách mình vô ý... rồi mợ về giấu không nói cho bà hay. Nhưng rồi cả nhà cũng biết rõ là hồi hôm mợ bị té sông. Bà rầy không cho mợ đi sông một mình nữa, bắt chị Bốn Nhữ đi theo.
Đêm mợ nằm suy nghĩ thế nào mà trưa hôm sau, mợ đi tìm nhà anh Bốn Tán cám ơn, và đưa biếu vợ anh Bốn Tán một chiếc cà rá (nhẫn) vàng y một chỉ. Mợ nói:
- Được sống là quý. Vàng không có nghĩa. Cố gắng làm ăn, dành dụm, lâu năm sẽ có lại.
Chị Bốn Tán nghèo, nhà tranh vách đất, thấy chiếc nhẫn vàng thì không dám cầm. Mợ tôi năn nỉ mãi, chị Bốn Tán vẫn không chịu lấy. Sau cùng mợ Thông mới đưa cho đứa con gái chị chừng sáu, bảy tuổi, rách rưới, lem luốc, đang nách em một đồng bạc(1). Đứa bé cũng không dám lấy tiền, mợ nhét vào túi áo cụt đen của nó, rồi mợ bước nhanh ra khỏi nhà, mợ chạy...
Chú thích:
(1) Một đồng bạc lúc bấy giờ lớn lắm, đổi ra 100 xu, một xu 14 đồng tiền điếu, một đồng điếu mua được một miếng kẹo nia bằng hai lóng tay