Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> HỒI KÝ SONG ĐÔI

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 27313 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

HỒI KÝ SONG ĐÔI
Huy Cận

TẬP 1

Trước hết tôi xin nói về quê hương nhỏ của tôi tức là xã Ân Phú, thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, nay thuộc huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh. Xã tôi là một xã bán sơn cước, nằm ở chân núi Mồng Gà, bên tả ngạn sông La, cảnh núi sông rất đẹp, nhưng trước cách mạng thì vắng vẻ và hắt hiu, mặc dù bên kia sông chợ Nướt, mỗi tháng họp chín kỳ (cứ ngày 3, ngày 6, ngày 9 âm lịch là phiên chợ) thu hút dân buôn bán và nông dân cả mấy huyện xung quanh thành một nơi tụ hội nổi tiếng. Anh Xuân Diệu khi nói về quê tôi đã viết “Cái làng nửa sơn cước, khuất nẻo bên sông vắng, có nhiều cây cọ - ở Hà Tĩnh gọi là cây tro - chao ôi, trước Cách mạng tháng Tám 1945 sao mà vắng vẻ hắt hiu đến thế! Nếu không thương bạn chưa chắc tôi đã về. Rất nhiều cá tính của đất đai, có thể nói mỗi mảnh đất đều tràn đầy xúc cảm, như tích tụ cái cổ sơ đâu từ hàng trăm năm trước. Làng quê hương đã cung cấp cho Huy Cận một cái vốn đất đai gì sâu thẳm như từ ruột của thời gian”. Sông núi đất đai ấy như đã làm ra xương thịt và tâm hồn tôi.
Tôi sinh ra ở miền sơn cước
Có núi làm xương cốt tháng ngày
Đất bãi tơi làm ra thịt mát
Gió sông như những mảng hồn bay.
(Tôi nằm nghe đất)
Tuổi nhỏ tôi trùm trong nhớ thương
Cách sông chợ Nướt, bến đò sương
Làng quê sơn cước chiều về sớm
Bóng núi dài lan mát ruộng nương

Ở dưới chân núi, chạy dọc bờ sông là một cánh đồng dài đất khá mầu mỡ, một phần nhỏ là ruộng nước, phần lớn là nương, tức là ruộng cạn, trồng lúc trỉa, hoặc là trồng mía. Đầu xuân, khi ngô mới nhú mầm, lá non mịn tơ như lông tuyết, xanh sáng như ngọc bích, cả cánh đồng ánh lên như một thảm nhung rất đẹp, mát mắt, tưởng như có thể xén từng mẩu đất mà nhai nuốt được. Buổi chiều về, gió sông thổi mát, bóng núi Mồng Ga lan dài trên cánh đồng như một cái chăn mỏng đắp lên làng xóm. Chính cái buổi chiều sớm ấy ở làng sơn cước đã gợi lên một nỗi buồn man mác. Ngày bị rút ngắn lại, sông núi ở ngay bên cạnh nhà mà được màu xa vắng. Chính trên cánh đồng chân núi ấy, lúc bốn tuổi, năm tôi đã theo cha mẹ, o tôi, chú tôi đi bừa, đi nhặt cỏ, đi gieo hạt. Thú nhất là đứng trên cái bừa đạp cho bò kéo đi như là đứng trên một chiếc xe, nghe từng cục đất vỡ tơi dưới chân bừa, xông lên mùi cỏ úa. Có khi còn lấy roi tre quất cho bò chạy nhanh, chiếc bừa xông lên như một cỗ xe thắng trận. Nhưng có một lần hứng thú như vậy tôi đã bị ngã, con bò cứ lướt tới, và tôi bị chẹt giữa cái bừa bị bò lôi đi, may mà không bị xây xát gì. Từ đó về sau cha mẹ tôi không cho tôi đi đứng bừa nữa. Tôi lại cưỡi trâu, trời cuối năm se lạnh, ngồi trên lưng trâu ấm lắm. Cầm dây thừng (ở Hà Tĩnh gọi là chạc mũi). Tôi điều khiển trâu như cầm cương ngực, và lấy hai chân thúc vào hông trâu chạy thật nhanh như ngựa phi. Có lần trâu chạy đến dốc vực Trộ đó, đột ngột trâu dừng lại, và tôi ngã phía trong vườn. May mà trâu dừng và tôi ngã, nếu không thì cả trâu lẫn người đã rơi tòm xuống vực sâu ở dưới có đá ong. Ở xã tôi hồi ấy, có tục lệ: cuối năm, hần teat, cả làng xóm cho trâu bò lên núi hàng mười ngày, nửa tháng. Các anh trai cày cho trâu lên núi, chặt cây rừng và lá cọ làm một cái lán gọi là chòi trâu. Có một lần tôi được đi theo các anh trai cày ấy, như tham gia một cuộc phiêu lưu, tạm xa nhà chừng ba bốn cây số mà tưởng là xa ngái lắm. Chiều cuối năm, gió trở lạnh, sườn núi hoang vắng, những cây sim, cây thanh hao (tức là cỏ trện) lắt lay trong gió càng tăng vẻ lạnh lẽo của sương chiều đã phủ mờ mờ trên lưng núi va 2trên cánh đồng sát chân núi. Các anh lớn bảo chúng tôi: “Ta hãy làm cái trống đất để tế trời”. Tôi không hiểu làm một cái trống đất là làm thế nào, lấy đất mà vắn thành trống, hay lấy một cục đất to mà đẽo thành hình trống chăng? Các anh ấy cầm dao tày, dao dựa, đào một lỗ xuống đất khoét thành đất cho tròn, sâu chừng ba bốn mươi phân và đường kính cũng chừng hai gang tay. Xong rồi các anh đi chặt một sợi rừng, loại sợi dẻo dai, vắt ngang cái hố đã đào, và hai đầu dây buộc chặt vào hai cái cọc đóng sâu bên miệng hố. Đoạn, các anh lấy một thanh cây gọt tròn như cái khăng đánh vào sợi dây rừng và tự nhiên vang lên một tiếng bịch bịch: đó là âm điệu rất cổ sơ của chiếc trống đất, và tang trống là cả bề dày của đất triền núi. Một anh cứ thế ngồi “đánh trống đất” và mấy anh khác đứng lên hướng về chóp núi vái trời. Đó là lễ tế trời của đám trai cày chăn trâu trên núi:
Chiếc trống vang lên điệu cổ sơ
Rung từ lòng đất - Đến bây giờ
Tôi còn nghe rõ trong chiều lặn
Tiếng dội như là đất thở ra.

Cứ như thế “Vang động hoàng hôn một sợi rừng”. Tiếng nhạc cổ sơ ấy, như là hơi thở của đất ấy cứ vang thầm mãi trong tôi.
Hồn thở nghe trong chiều vời vợi
Đất trời gần gũi tiếng nguyên sơ...
Trước Cách mạng tháng Tám, thời gian ở quê tôi như ngưng đọng lại, như không nghe thấy bước đi của các thế kỷ, một số phong tục, tập quán cổ xưa đâu từ các đời trước truyền lại còn nguyên vẹn. Chẳng hạn phong tục đón giao thừa. Cứ đến đêm ba mươi tết, một số trai làng tập hợp lại, bận áo quần teat, đầu chit khăn đỏ, khăn vải điều, và mang nhị, mang trống cơm, mang sanh tiền đi chúc teat khắp làng. Đến mỗi nhà các anh ấy tay vỗ vào trống cơm (cũng gọi là trống tầm vông) hát lên những bài hát điệu rất cổ sơ mà lời cũng rất cổ sơ, nói đến trời đất, nói đến “cây cỏ dương hoà” nói đến thần tài, thần mệnh, nói đến “con cháu đầy đàn”, nói đến âm dương, nói đến tạo hoá. Lời hát nửa đượm màu huyền bí, nửa rât hiện thực cuộc đời nằm trong một điệu nhạc trầm trầm, đều đều có một cai gì đó rất hấp dẫn, gợi lên bề sâu của sự sống ở nơi mảnh đất cổ xưa này. Cho đến hôm nay việt đoạn hồi ký này, tôi vẫn còn nghe trong tâm tưởng điệu nhạc ấy, giọng hát ấy, tiếng trống cơm ấy và còn thấy rõ những chiếc khăn điều tươi tắn hiện lên trong đêm như một tín hiệu thần tiên, hay nói đúng hơn như hé mở một thế giới nào vừa gần gũi vừa kỳ lạ mà tôi cảm thấy nhưng không nói rõ được ra lời.
Cũng nói về phong tục tập quán, xin ghi thêm việc rước thần ở làng tôi vào rằm tháng giêng và rằm tháng bảy. Khi kiệu thần đi qua xóm tôi, mọi người đổ xô ra xem. Đối với tôi, lúc đó khoảng sáu, bảy tuổi, là một sự khám phá kỳ diệu. Ông thần (tức là ông đồng) mặc áo quần toàn đỏ, khăn cũng đỏ, ngồi trên kiệu hai tay khoát khoát, có lúc kiệu gặp đường gập ghềng nghiêng hẳn đi mà thần vẫn ngồi thẳng không có gì xiêu lệch. Thần là ông Giao, ở xóm Boòng, một người có học chữ Nho, dáng người đẹp và nét mặt thì cũng có vẻ gì như là thần, vừa nghiêm mà lại vừa tươi tắn. Các bà trong xã, trong làng cũng trầm trồ khen ông, chắc là có mê ông.
Nhân nói việc rước thần, tôi lại nhớ những lần theo cha tôi lên đình Trung, trên một ngọn đồi thấp, sự những buổi tế thần Thành hoàng của xã. Đêm trước ngày lễ chính, những chức sắc trong làng tụ tập ở đình để làm lễ tiến thường. Nhân dịp này, xã lại cho trần thiết đình làng với những lư hương và những cây đèn bạch lạp bằng đồng thau sáng choáng, và nhất là cho treo bộ tranh dân gian gồm 24 bức, tranh cổ kính rất đẹp. Nghe nói bộ tranh này do một vị quan người của xã có dịp ra thăm Thăng Long mua về hồi dời nhà Lê. Tranh vẽ những voi, ngựa hạc, các vị tướng... Tôi còn nhớ rõ những con voi phủ bành nỉ điều có thêu rất đẹp, các vị tướng thì đội mũ chóp nhọn có ngù như các vị tướng đời Tây Sơn mà ta thấy biểu hiện qua chân dung Nguyễn Quang Hiền (giả danh là Nguyễn Huệ sang thăm triều Nhà Thanh). Năm 1955, về thăm quê, tôi hỏi thăm các vị bô lão trong làng thì mới hay bộ tranh đã mất dần, chỉ còn lại 4 bức do bác Cù Hoàng Thự (thầy học khai tâm của tôi) còn cất giữ. Tôi đã xin 4 bức tranh ấy đưa ra Hà nội biếu cho bảo tàng mỹ thuật: hai bức vẽ hai con ngựa hồng và trắng có lộng che, dáng ngựa rất nghịch ngợm: một bức tranh hạc và một bức tranh tướng. Tất cả 4 bức tranh đều tô màu với chất liệu màu lấy từ thảo mộc. Anh Nguyễn Đỗ Cung đã xem kỹ 4 bức tranh này (lúc đó anh là giám đốc bảo tàng mỹ thuật) và xác định là tranh đời nhà Lê, có thể là do một phường vẽ tranh ở Thăng Long sản xuất, in hàng loạt bằng bản gỗ.
Đêm tiền thường ở đình Trung khói hương nghi ngút, đèn nến “lấp lánh như sao”, nhiều chức sắc ngủ tại đình, không khí rất tôn nghiêm mà lại có cái gì rất dân dã. Tôi cũng theo chú tôi ngủ tại đình, giấc ngủ chập chờn, mỗi lúc thức dậy lại thấy các ngựa, voi trong tranh như đang như đang đi dồn dập trong một đám rước. Luôn luôn cái cảm giác nửa truyền thuyết, bửa cuộc đời cứ chờn vờn trong tâm trí tôi. Gần sáng thì có tiếng lợn kêu bên cạnh sân đình: đang mổ lợn để tế thần. Còn xôi và thịt gà thì do các gia đình làm lướt (đến phiên phải làm cỗ cúng thần) bong đến. Ngày lễ chính, có rước sắc thần (cuộc tròn cất trong một cái hòm sắt dài, sơn son thếp vàng) từ đình đi qua các xóm, vào tận chân núi rồi trở về. Đám rước có ông tiên chỉ đi trước, có hàng cờ đại và cờ đuôi nheo đi theo, có trống chiên rền vang từng hồi một. Đám rước đi ngoằn nghèo trên đường làng, có khi đi tắt qua những bờ ruộng, hiện lên rất đẹp mắt với màu cờ đỏ viền màu tím thẫm trên nền xanh của những ruộng lúa, ruộng ngô, trên những bờ tre xanh mượt. Tôi không kể chuyện ăn uống ở đình làng mà nhiều người đã biết. Tôi chỉ ghi cái ấn tượng: lễ tế thần hoàng của xã đượm một tinh thần nhờ tổ tiên, nhớ cha ông đã khai hoang, lập ấp. Đường dây liên hệ giữa các thế hệ trước, sau thật là tươi thắm, tưởng như sờ mó được. Nhân dịp này những cụ cao tuổi nhất tropng làng lại kể sự tích của thần hoàng, con cháu ngồi nghe cảm động; cứ như thế truyền cho nhau những nét lịch sử của làng xã rất thực, rất đời, mang tính tráng ca dân gian.
Người dân xã An Phú của tôi cũng như nhiều xã trong vùng rất mê hát ví dặm, rất hay kể chuyện cổ tích, rất thích hát chèo và xem chèo. Trong xã tôi không có phường hát bội (hát tuồng) nhưng bà con thường rủ nhau lên xã Cẩm Trang xem hát bội vào dịp tết hoặc vào lễ mừng lúa mới tháng 5 và tháng 10. Vốn văn nghệ dân gian rất giàu ở trong xã, được cất giữ trong những “bảo tàng sống” tức là những cụ già, cả những bậc trung niên. Tôi nhớ mãi ông bộ Căn (tên ông là cù Hoàng Trại) giỏi chữ nho, rất thuộc Kiều và ca dao. Những ngày nhàn rỗi ông cầm chiếc quạt mo đi chơi khắp làng và bình luận ca dao và truyện Kiều cho bà con nghe. Xóm tôi ở có một bãi cát khá rộng gọi là bãi Giang bên bờ sông La (đoạn sông của xã tôi gọi là sông Ngàn Su). Những đêm trăng tyhanh gió mát, nhiều bà con kéo nhau ra bãi Giang hát, hò, có khi suốt đêm. Trai gái hát đối đáp bằng ví dặm, ứng khẩu tại chỗ nhiều câu rất tài tình, có đôi khi vài cụ già đứng đằng sau gà hộ. Có lần đò dọc (gọi là đò Choèn), đi trên sông cũng hát ghé vào rất tình tứ. Chính trong những buổi hát đối đáp ví dặm trong cảnh trăng thanh gió mát như vậy đã có những mối tình nảy nở hoặc được củng cố giữa những lứa đôi. Có khi còn hát vọng từ bến bên này sang bến trước mặt kia thuộc xã khác (xã du Đồng) và những tình cảm bay qua dòng sông cũng không kém phần đằm thắm và bền chặt. Chính tôi đã có một người cô họ đi lấy chồng bên kia sông sau những buổi hát giao duyên thơ mộng ấy. Trong những dàn cảnh của đoàn nghệ thuật ca nyhạc Nghệ Tĩnh, tôi cũng đã thấy hiện lên những cảnh nên thơ (như cảnh hát ví dặm “giận nmà giận mà thương thì thương”), nhưng chưa bao giờ tôi thấy một ai dàn cảnh đẹp mà lại rất thực như cảnh hát ví dặm ở bãi Giang quê nhà. Đó có phải là sức huyền diệu của kỷ niệm, hay chính bà con làng xóm của tôi đã sống rất thực mà rất mộng, rất thơ?
Dòng mạch văn nghệ dân gian thật là chảy dào dạt trong đời sống nhân dân làng xóm. Tuyệt đại đa số bà con là thất học, nhưng ai nấy cũng đều thuộc truyện Kiều và thuộc lòng ít nhất là dăm ba đoạn trong truyện thơ của Nguyễn Du. Có khi bà con cũng chả biết ai đã làm ra truyện Kiều, chỉ biết là những câu thơ ấy hợp với cuộc đời, thấu hiểu cuộc đời và tâm tình của họ nữa, và giữa thơ Kiều với ca dao có khi bà con cũng không phân biệt. Và dòng mạch văn nghệ dân gian ấy không chỉ chở những vốn cũ như ca dao hay thơ lục bát của Nguyễn Du, mà còn tiếp tục sinh sôi nảy nở trong cộng đồng thôn xóm ngày ấy. Có lúc chúng ta như là bắt được quả tang sự ra đời của những bài thơ dân gian, của những ca dao nói chuyện ngày nay mà đậm đà hương vị truyền thống. Đó là trường hợp mộyt anh làm vè ở quê tôi, ở bên làng Thị (phía hữu ngạn sông Ngàn Su gần chợ Nướt). Lúc còn nhỏ ở nhàtôi đã được nghe bà con truyền miệng những bài vè của anh đầy chất thơ. Những chuyện xảy ra trong làng xóm, những chuyện thời sự như ta nói ngày nay, anh thường đặt thành vè rất kịp thời: chuyện tâm tình của một lứa đôi, chuyện thất tình của một gã si tình, chuyện hào lý kiệu nhau, chuyện anh em nhà kia yêu thương nhau, đùm bọc lấy nhau sau khi cha mẹ từ trần, chuyện anh lính khố đỏ đi Tây về thì mất vợ, chuyện đi săn hươu, săn nai, chuyện phường hát bội ở làng trên xóm dưới, chuyện vợ chê chồng, chuyện vợ già chồng trẻ, chuyện bà già mà muốn ghẹo trai tơ, và có cả chuyện ngày cưới, ngày hội, ngày teat. Anh Giái Thụng làm vè hay đến nỗi có những người đến đặt hàng cho anh làm vè hay làm ca dao. Hoặc là để nói giùm tâm tình của mình, hoặc là để nhờ anh châm biếm, phê phán một sự bất công hoặc một việc lố lăng trong xã hội. Rõ ràng là nhà thơ dân gian này đã sáng tác “theo sự đặt hàng của xã hội” thời đó. Mẹ tôi và em gái tôi còn thuộc nhiều câu thơ, câu vè của anh, và anh làm thơ như người nông dân đi cày, mà bản thân anh cũng là một dân cày. Anh:
Gieo vần như thể tay gieo hạt
Nhịp sống làm nên những nhịp thơ

Có phải vì tinh hoa phát tiết ra ngoài mà anh chết sớm (lúc 37 tuổi) ai cũng thương tiếc? Một người như anh nếu gặp điều kiện tốt (được đi học văn hoá cao, gặp môi trường thuận lợi..) có thể đã trở thành một tài ba lỗi lạc. Tôi nghĩ trong nhân dân ta có vô số trường hợp như vậy: một số tài ba đâu lại, nảy nở và biết bao nhiêu những mầm đầy nhựa tươi tốt đã phải mòn lụi đi vì chẳng gặp môi trường...
Trở lại bãi Giang quê nhà. Những đêm trăng mà bà con ra bến hát ví dặm thì tôi cũng đi theo (lúc đó 6, 7 tuổi) vừa nghe người lớn hát, vừa chơi trò làm cối xay trên bãi cát. Bọn trẻ chúng tôi hay lấy tay đào thật sâu một cái hầm dưới cát, trên mặt hầm vẫn để nguyên một lớp cát dày chừng mươi phân, và lấy que xoi một lỗ giữa cái cầu cát ấy. Rồi lấy tay vốc cát khô cho cát chảy qua lỗ đã xoi. Cát xuống dần dần như cái đồng hồ cát cổ đại, như vậy chúng tôi gọi là cối xay cát. Trò chơi có đánh cuộc: xem thử côi xay nào chịu cát đổ xuống được lâu nhất cho đến khi đầy cái hầm đã đào. Anh nào có cối xay bền nhất, chịu cát đổ lâu nhất là được cuộc.
Cũng trên bãi Giang ấy hồi nhỏ tôi đã đi thả diều với chú tôi. Hai chú cháu hàng ngày trời công phu vót tre làm diều, giã quả cậy để phất giấy bản vào thân diều. Chú tôi là người rất khéo tay, đẽo ba cái ba sáo (sáo diều) rất đẹp và rất kêu. Nhìn cái diều với ba sáo, sáo to ở giữa và hai sáo nhỏ ở hai bên, mường tượng như một chiếc máy bay nhiều động cơ ngày nay. Lại còn làm dây diều bằng tre vót, và luộc cho chín, dẻo thou tre. Công phu chuẩn bị chẳng khác nào các nhà du hàng vũ trụ ngày nay chuẩn bị đi chinh phục không gian. Mà thật vậy, cũntg là một dòng hoài bão làm chủ và điều khiển không gian. Khó nhất và thú nhất là lúc phóng diều lên. Một người phóng diều, người kia cầm dây chạy, khéo chạy, khéo giật đầu dây: như vậy gọi là nuôi gió. Lúc diều lên lại rất nhẹ nhàng. Tay cầm đầu dây mà cảm giác nghe được gió đầu tay, không gian trên cao trở nên rất cụ thể, rất sống, rất nhạy trong tay người thả diều. Tôi và chú tôi thả diều không chỉ ở trên bãi Giang mà còn thả ở trên cánh đồng dưới chân núi Mồng Ga. Có lần tôi mê mải thả diều quên cả về ăn cơm trưa, cha tôi ra bean bãi tìm thấy, bắt tôi về, tôi nói chưa thu diều về được, thì cha tôi cắt dây diều rơi tận bên kia sông, rồi cha tôi đanh tôi một trận. Tôi nói: “Cha đánh thì cứ đánh, nhưng phải trả diều lại cho con”. Có lần chú tôi và tôi mang cái diều to đi thả, diều lên rất cao, “cao quá mặt trăng”, diều được gió cứ lên cao mãi và tiếng sao diều kêu vo vo nghe khắp cả một vùng. Tối đến chú tôi buộc dây diều vào một cây dúôi và cứ thế diều ở mãi trên không suốt đêm. Chú tôi là một tài tử:
Tâm hồn tài tử lâng lâng gió
Làm chiếc diều to ba sáo kêu
Thả tự ban chiều lên quá núi
Sang đêm diều lẫn với trăng cao.

Ôi những trưa hè trời xanh ngắt, vắng bóng mây, hai chú cháu chạy giữa cánh đồng rộng hay trên bãi cát dài ven sông! Có phải đó là những cảm giác không gian đầu tiên, cảm giác bát ngát về sau nó nhập vào thờ tôi thành một thứ ám ảnh, thành một hơi thở tự nhiên trong các bài thơ, cái hơi thở của bát ngát, của mêng mông, của trời đất. Dù sao thì thả diều cũng là một say mê lớn của tuổi nhỏ của tôi. Hiện nay tôi còn giữ được cái miệng một sáo diều, mà chú tôi đã gọt, làm kỷ niệm. Miệng sáo ấy cha tôi đã cất trên giàn bếp, đen mồ hóng. Lúc tôi đậu tú tài, nghỉ hè về thăm nhà, thì cha tôi đưa cái miệng sáo diều ấy cho tôi và nói: “bây giờ anh có thả diều thì tôi cũng không đánh anh nữa. Nhưng chắc ngày nay anh thích làm thơ hơn là thả diều. Làm thơ cũng là thả diều đó thôi”. Cha tôi nói xong, hai cha con cười với nhau; chú tôi đứng cạnh đó cũng cười theo và nói “Còn chiếc diều to gác bên nhà chú, hay là ta lại ra cánh đồng Cây Tran thả diều!”.
Chú tôi mất đã lâu. Nay ngồi viết mấy dòng kỷ niệm này, tôi tưởng còn chạy dưới cái nắng trưa hè với chú, tai còn nghe tiếng sáo vi vu làm vang động cả bầu trời và sông nước quê nhà.
Tôi không chỉ theo chú tôi đi thả diều, mà còn nhiều lần theo chú đi trọi chim, nhất là trọi chim cu gáy. Chú làm một lồng chim rất đẹp, có cái bẫy lưới phía đằng trước. Chú quảy lồng chim trên một cái sáo dài. Đến nơi có nhiều chim về đậu thì chú lấy sào treo lồng chim lên một nhánh cây cao. Chim mái ở trong lồng gù mãi, như là ra tín hiệu cho chim trống ở xa bay về. Chàng chim trống bay sà xuống và nhảy vào cái bàn đạp phía trước lồng chim, thế là lưới sập, chim trống bị giữ lại trong đó. Thường khi bị vào bẫy như vậy thì cả chim trống lẫn chim mái hết gù hết gáy. Nhưng cũng có lần tôi thấy, tôi nghe thì đúng hơn, đôi chim có thể sau một phút bàng hoàng lại tiếp tục gáy với nhau. Quả thật là tình yêu bất chấp mọi sự nguy hiểm, chú tôi lại nói: “Về nhà tha hồ mà gáy!”. Tôi có lần hỏi chú tôi: “Tại sao cứ phải lấy chim mái làm mồi, mà không lấy chim trống cho vào lồng?”. Chú tôi trả lời: “Ờ, cũng chưa ai nghĩ ra điều đó. Có lẽ tại con trai hay tự mình đi ve con gái trước... Để rồi ta thử lấy chim trống làm mồi xem có ăn thua gì không”. Nói vậy, chứ cũng chẳng bao giờ chú tôi cho chim trống vào lồng để gọi chim mái. Những trưa hè đi trọi chim trong một không khí rất yên lắng, mây trên trời cũng ngừng bay, gió chỉ thổi hiu hiu, có khi cả hai chú cháu liu riu ngủ; đến lúc tỉnh dậy thì đã thấy một chim trống bị bẫy trên cao rồi.
Trò chơi tuổi nhỏ của tôi thật là phong phú. Tôi theo các bạn chăn trâu vào khe chân nuí lấy một thứ đất sét (tiếng Hà Tĩnh gọi là đất thó) rất dẻo, rất mịn để vắt thành hình con vịt, rỗng ở trong và miệng vịt có lưỡi gà, đến lúc vịt khô thì thổi thành một thứ sáu. Con vịt đất như thế gọi là con tu huýt. Mỗi lần vào khe nuí tôi vắy được dăm bảy con tu huýt mang về cho các em. Tiếng tu huýt cũng như tiếng trống đất tôi đã kể trên kia đúng là hơi thở của đất, là sự rung động của đất, là sự rung động của thớ đất quê nhà. Trò chơi đơn sơ, mộc mạc nhưng có gì gắn với cội rễ đất đai, ăn sâu vào tâm tưởng của đứa bé. Một trò chơi phổ biến ở nhiều vùng quê mà tôi cũng đã chơi mê say là đánh con quay (tiếng Hà Tĩnh gọi là đánh gụ). Gụ của tôi gọt bằng gỗ ổi, hoặc bằng gỗ cây duối vừa nặng vừa bền thớ. Đánh gụ cũng chọi nhau, cũng ăn thua, và nhiều lần tôi cũng được chuộc. Gụ ngủ lâu nhất.
Tuổi thơ chơi gụ mê say
Đến khi gụ ngủ là quay tuyệt vời...
Mê chi mê lạ mê lùng
Đến sờn dây cuốn chưa chùng lòng mê...

Trước khi nói đến phong trào cách mạng xã tôi (vì xã Ân Phú quê tôi là một xã xô-viết trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh) tôi xin kể thêm vài nét về cuộc sống cũ của quê nhà. Chợ búa hàng tuần, hàng tháng để mua thức ăn vật dùng, để bán ít thóc, ớt, đậu, con gà, con lợn, hay để đi cắt thang thuốc bắc thì đã có chợ Nướt. Nhưng đến gần tết thì cả làng xóm đi chợ Thượng (tức là chợ ở huyện lỵ huyện Đức Thọ) là chợ to nhất của Hà Tĩnh lúc bấy giờ. Sáng sớm bà con chung nhau thuê đò dọc đi chợ, và mãi đêm khuya đò mới trở về bãi Giang. Đó là thường phiên chợ 24 tháng chạp âm lịch. lúc nhỏ tôi chờ cha tôi, chú tôi, có khi cả bà nội tôi nữa đi chợ Thượng về, lòng háo hức. Chú mang về những bánh pháo “Điện Quang” nhãn rất đẹp, đốt lên rất kêu, bà mang về đôin chiếu hoa dệt rất mịn và rất thơm, bà còn mang về nhiều thứ sắm tết nữa: vải Tây cống (tức là vải trắng), the, lương đen để may áo dài, cái khăn xếp, tấm vải nhuộm nânu non, cái yếm nái nhuộm điều, cái dây lưng cũng bằng nái nhuộm màu xanh lá cây hay màu lá vàng... Chú tôi còn mua cả cái hộp đựng thuốc lào bằng sắt tây có gương ở trong và sơn vàng, lại có cả hộp dầu “côba” từ Sài gòn bán ra. Tóm lại chợ Thượng - đối với bà con và đối với tôi lúc đó là một thế giới “văn minh”. Ít người được đ đến Vinh, thành phố lớn của Ngệ An lúc đó, chỉ có thể đi chợ Thượng để mua sắm một ít hàng công nghiệp, để tiếp xúc với “cái mới” ở các thành thị đưa về. Những chuyến đi đò dọc về chợ Thượng, và từ chợ Thượng ngược về bãi Giang là những chuyến đi lý thú đối với chú tôi cũng như đối với bà con. Dọc sông các ả chèo đò lại hát vĩ dặm, có khi lời bâng quơ, nhưng cũng có khi là những lời hát nhắn gửi tình tứ rất cụ thể giữa những người sống trên bến nước. Sau này mỗi lúc về quê tôi thường ghé thăm các chợ Thượng, nhưng không tìm lại được cảm giác và ấn tượng say sưa của tuổi nhỏ. Điều đó cũng bình thường. Nhưng giờ đây tôi đang nhớ lại quá khứ, mà chợ Thượng đã là một quãng thời gian lẫn không gian của tuổi nhỏ xa xôi của tôi.
Xã Ân Phú, quê tôi là một xã xô viết trong phong trào Xô viết - Nghệ Tĩnh. Lúc xảy ra phong trào xô viết thì tôi đang học ở Huế (học lớp nhì tiểu học). Những sự kiện tôi kể sau đây là do bố mẹ, chú tôi và bà con trong họ, trong làng kể lại cho tôi nghe.
Dân xã An Phú từ xưa vẫn có tiếng là một dân cứng đầu, không dễ dàng tuân lệnh quan trên và thường hay bàn ngang những việc mà triều đình hay tỉnh, huyện đã quyết định. Thực dân Pháp sang, triều đình đầu hàng thì đã có một số người trong xã đi theo cụ Phan Đình Phùng lập căn cứ mười năm chống Pháp. Phong trào Cần Vương của cụ Phan kết thúc, mấy người đó người thì chết trận, người thì chết bệnh trong rừng, người thì mất tích, và có người đi biệt xứ. Trong làng vẫn kể lại sự tích của một vài ông “lính cụ Phan”, “môn sinh của cụ Đình Nguyên”. Tinh thần yêu nước sau đó lại được nuôi dưỡng bằng thơ văn cụ Phan Sào Nam (tức là Phan Bội Châu), thơ văn Á Nam Trần Tuấn Khải (Bút quan hoài, Duyên nợ phù sinh..) và thơ văn của nhiều nhà yêu nước khác. Tôi còn nhớ lúc tôi học lớp năm và lớp tư ở trường Tổng Dị Long, các thầy giáo đã đọc cho học sinh nhỏ tuổi của mình những bài của Á Nam như “Hai chữ nước nhà”, “Trưng nữ vương”. Tôi về nhà, các ông trong xóm bảo tôi đọc lại cho các ông nghe để các ông chép bằng chữ quốc ngữ, hoặc bằng chữ nôm, hoặc để các ông học thuộc ngay khi tôi đọc, rồi cứ thế các ông truyền cho nhau những vần thơ khêu gợi lòng yêu nước này. Bài hát “Anh Khoá” (theo điệu sa mạc) của Á Nam cũng được các cụ các ông trong làng rất thuộc và thường ngâm ngợi. Tôi còn nhớ rõ giọng khàn khàn, trầm trầm của ông phó Tiết ở đầu hồi nhà tôi cứ ngầm mãi một cách thống thiết những câu như:
Giọt máu nóng thấm quanh hồn nước,
Theo cha già lần bước dặm khơi
Từ đây đôi ngả đôi nơi
Con về hãy nhớ những lời cha khuyên:
Giống Hồng Lạc hoàng thiên đã định
Mấy nghìn năm suy thịnh đổi thay...
Và những câu sau đây:
Giở lịch sử gương kia còn đó
Mở dư đồ đất nọ chưa tan
Giang san này vẫn giang san
Mà nay xẻ nghé tan đàn vì ai...

Những ông thầy ở trường Tổng Dị Long đã truyền thơ văn yêu nước cho học sinh nhỏ tuổi, tôi đoán chắc đó là những đảng viên của đảng Tân Việt hồi đó, hay ít nhất cũng là những người cảm tình của tổ chức cách mạng này. Có một thầy tôi còn nhớ tên là thầy Kiên Giang, người nhỏ bé nhưng giọng đọc thơ thì sang sảng và đầy nhiệt huyết. Tôi cũng còn nhớ các thầy cô vận động phong trào dùng nội hoá, chẳng hạn có thể bận quần áo theo âu phục nhưng may bằng vải dệt ta, vải hơi thô nhưng mà mang nhãn hiệu Tiên Long (tên một hãng buôn của tư sản hồi ấy) gợi tinh thần dân tộc.
Thơ văn của cụ Phan Sào Nam cảng được phổ biến rộng rãi, nhất là trong đám các cụ ít nhiều suốt tháng cứ nghẫm ngợi những bài thơ thất ngôn bát cú của cụ Sào Nam mà ông cứ gọi tắt một cách đầy tôn kính là “cụ Phan”. Nhân đây cũng siêng ghi: ông ngoại tôi (“quê ở làng Tùng Ánh) cũng làm thơ, nhưng ít có bài hay. Sau khi tôi đậu Thành chung, ông biết tôi có làm thơ, và tỏ lòng quý tôi, ông có đọc cho ngh một số bài, tôi chỉ còn nhớ 4 câu:
Nhỏ đi đáy gọc là đồ Nghệ
Lớn bổ làm quan tựa cậu bồi...
Ông này già cả mèo khoanh bếp.
khuyên cháu nên voi đỡ nước nhà.

Chính vì nhớ ảnh hưởng của thơ Á Nam trong quê hương tôi như thế, nên tháng 5-1975, lúc vào tham gia tiếp quản Sài gòn, tôi và anh Xuân Diệu đã đến thăm ngay nhà thơ Trần Tuấn Khải. Lúc đó nhà thơ đã già yếu lắm, dọc đường tôi và anh Xuân Diệu đang nghĩ nên gọi nhà thơ như thế nào: cụ, hay là ông, hay là ngài... nhưng đến nhà, thấy nhà thơ đang nằm trên giường, dáng mệt lắm, mắt lờ đờ, tôi liền đến đầu giường hỏi: “Anh Khoá có khỏe không?”. Nghe được câu chào là anh khoá nhà thơ Á Nam ngồi hẳn dậy, mặt tươi tỉnh, mắt long lanh cảm động đưa tay bắt tay tôi nắm chặt hồi lâu...
Sau này tôi và anh Xuân Diệu đã bàn với nhà xuất bản Văn học ra tuyển tập thơ văn Á Nam Trần Tuấn Khải, và anh Diệu đã viết bài nghiên cứu in ở đầu sách. Âu đó cũng là một cách trả món nợ tinh thần, tình cảm đối với một nhà thơ yêu nước...
Tôi sinh năm 1919 tại xã nhà, lúc mẹ tôi 24 tuổi sau khi mẹ tôi đi Thanh Hoá về. Còn ngày 31 tháng 5 là do cậu Bùi Vân của tôi sáng tạo ra lúc làm giấy khai sinh cho tôi để vào học trường huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên), nơi cậu tôi làm hiệu trưởng. Họ Cù của tôi có nhiều nhánh, riêng ở trong xã thì có nhánh Cù Hoàng và Cù Huy, hai nhánh cùng chung một ông tổ hồi đời nhà Lê. Tôi có một ông can (trên bậc cố) đã làm thanh tra kho tiến của nhà vua, rất thanh liêm và đã được vua thưởng mấy quan tiền đồng gọi là “tiền dưỡng liêm”. Ông can đã chết dọc đường trong một chuyến đi kinh lý. Ông nội tôi là nông dân cày sâu cuốc bẫm, dần dần làm ăn khá lên, tu được ít ruộng và trở thành một nhà khá giả trong làng. Phân tích thàn phần như ta làm ngày nay thì ông cuối đời thuộc vào tầng lớp phú nông. Thật ra ông không giàu lắm, ruộng để lại cho các con chẳng bao nhiêu, nhưng cũng đủ sức để nuôi thầy học trong nhà (thầy chữ Hán) cho hai con trai ăn học là cha tôi và chú tôi. Ông tôi lâm bệnh mất sớm, mới ngoài 50 tuổi.
Ông tôi chết vào hồi tôi 5 tuổi thì phải. Ông đau chừng lâu lắm. Nằm liệt hai ba tháng. Giường ông nằm ở gian trong. Lúc mời danh y phải đem cáng đến đón, có mang cả cái gối tựa bọc lụa điều nữa, vì vị danh y cũng đã cao tuổi. Hồi đó nhà tôi đang thịnh vượng, ông tôi gây nên một cơ nghiệp bằng cả một cuộc đời làm lụng. Và than ôi, ngày ông tôi mất là ngày có dịp cho tôi thấy nhà tôi có một vẻ gì cao quý lắm. Ông tôi lúc sống, người mập mạp, nói tiếng thì tiếng to, ồ ồ. Nhưng ông chết đi dường như sự thân mến, thương yêu trong nhà tôi cũng theo ông mà mòn lụi. Ông còn sống ấy là cột trụ, ấy là trung tâm của tình gia đình. Ông chết thì do Duẩn (lúc ấy còn là o Thiu) chưa gả cho ai. Vì là con út nên o được cả nhà chăm chút, thương yêu, nhất là ông tôi. Lúc ông hấp hối, ông gọi thầy tôi, chú tôi, bà tôi bvà mẹ tôi mà dặn, có cả o Ngoéch nữa: “Bay thành thân cả rồi chỉ còn con Thiu đang dại. Thương lấy nó với... Ông tôi tắt thở. Mẹ tôi kể lại chuyện đó cứ khóc và bảo tôi: “Ông dặn sao tao làm vậy; thế mà người ta ăn ở với tao vẫn bạc bẽo như thường”. Mẹ tôi muốn nhắc chuyện em Chúc bị o Duẩn đuổi về (lúc đó em ở trọ nhà o để đi học) vì hay đái dầm. Em Chúc phải bỏ học cũng chỉ vì thế. Lúc đưa đám ông, tôi là cháu đích tôn, được người ta để ý nhất, tôi không hiểu lắm, chỉ mờ mờ thấy ông đã chết. Lòng thương ông của tôi lúc đó gần như một bản năng hơn là một tình cảm. Tôi buồn không rõ rệt, chỉ mênh mang. Người ta bận áo xô đại tang và đội mũ rơm cho tôi. Tôi phải chống một cái gậy bằng gỗ vông. Dường như tôi ngã, nên sau có ông chắt Nguyện đến dắt tôi đi theo sau linh cữu. Tôi chỉ nhớ rõ ràng trong lúc đưa đám có một điều ông chắt Nguyện dặn đi dặn lại tôi rằng: “Khi người ta bỏ hòm (áo quan) xuống đất thì con nhớ khóc và nói câu này “Ông đi đâu rồi ông ơi? Ông bỏ cháu lại đây!” Tôi không nhớ rõ có khóc và có nói câu ấy không. Nhưng lần đầu tiên chịu tang và buồn về cái chết, tôi chừng như đã cảm thấy nỗi buồn và sự lặng im vĩnh viễn rồi.
Chôn ông xong, người ta làm một cái nhà mồ trên mộ ông tôi. Trong ba đêm liên tiếp bà tôi và tôi ra ngủ ở nhà mồ “để cho ông khỏi buồn”. Bây giờ tôi nhớ lại vẫn còn ngửi thấy mùi đầt mới xới, hơi ẩm ướt, và nơi da tôi như còn rờn rợn những thanh nứa nhỏ, sắt đó là làm chiếu nằm cho bà cháu tôi nơi nhà mồ. Lúc ấu sao mà hồn tôi mông lung thế; lòng tôi như không phải là cảm nữa mà như bị dẫn theo những điều huyền bí lang thang trong nhà tôi. Ông tôi chết, bây giờ tôi chỉ nhớ mặt ông rất mơ hồ, chỉ nhớ là ông khỏe mạnh và dáng người phương phi. Tôi nằm ngủ nơi nhà mồ với bà thì bị kẻ trộm đến bẻ mất cái tói bạc (vòng bạc) đeo nơi cổ, đeo nơi cổ. Sáng mai dậy tôi vẫn không biết là mất tói. Về nhà bố tôi hỏi tôi mới biết là mất và khóc oà lên. Từ đó tôi không được ra nhà mồ ngủ nữa, nếu không thì cũng còn ngủ với “ông” nđến nửa tháng nữa. Bà ra ngủ một mình, bà sợ, rồi cũng thôi. Nhà mồ lúc cúng năm mươi ngày cũng phá. Mộ ông tôi lúc ấy vẫn còn ướt và cỏ chưa mọc được nhiều.
Bà chắt Nguyện kể lại với tôi rằng: Lúc ông sắp chết ông có gọi chắt Nguyện sang dặn dò về mẹ tôi: “Thôi ta chết thì chú thay ta bày vẽ cho con Cháu (tức là mẹ tôi), khi thằng Cháu (tức là bố tôi) có dại thì chú khuyên răn cho ta. Và những đêm khuya chú ở bên nhà thì nhớ coi nhà cho cháu với. Nhất là thương lấy con Cháu (mẹ tôi), tội nghiệp!”. Vì thế sau này mẹ tôi mỗi khi buồn chán về cảnh nhà, về chuyện thầy bỏ nhà đi chơi, bán ruộng, vẫn thỉnh thoàng nhắc lại lời dặn dò của ông là một lời an ủi. Ông quý mẹ tôi lắm. Bà tôi không phải ác nghiệt với nàng dâu mà ghét mẹ tôi, nhưng tính bà hơi trẻ nhỏ, hay riêng tây yêu hai o nhiều quá nên bà và mẹ ít khi thuận hoà. Chỉ có nàng dâu và ông gia biết quý nhau, an ủi cuối cùng của mẹ tơi là ở đó. Ông tôi lúc chết buồn lắm, ông chắt Nguyện nói lại với tôi như vậy. Có những giờ chỉ có hai người với nhau, ông tôi than thở: “Suốt đời ta mong lo sự nghiệp cho con thế mà không ra sao cả. Cháu thì còn nhỏ quá, ta chưa biết được”. Ông cần cù làm ruộng mà trở nên giàu có; ông hiền từ, cư xử rất tử tế quảng đại với mọi người. Thời ông sống ông rước thầy dạy học về dạy bố tôi và chú tôi. Hy vọng khoa cử. Cha tôi chỉ thi được vào tam trường; còn đến khi chú tôi lớn thì khoa cử theo lối xưa đã bỏ. Nhưng may, lúc ông chết ông chỉ buồn về chuyện bố tôi không đạt được ước nguyện khoa cử mà thôi. Nếu ông thấy được sau này bố tôi làm sa sút gia sản thì chắc ông cũng sầu mà chết. Ngày ông tôi chết là một ngày rất quan hệ trong gia đình tôi. Sự điêu tàn bắt đầu từ đó; sự suy vong chầm chậm đến và nhất là quang cảnh bình lạc khi xưa không còn nữa. Chỉ còn những cuộc cãi cọ, những điều xích mích và than ôi có cả những lần định đi kiện nhhau nữa (o Ngoéch và mẹ tôi định kéo nhau lên cửa quan). Tôi chưa hề thấy một lần nào có sự yên vui thật thà, sự thương mến nhàu nồng đậm trong nhà tôi từ khi ông tôi mất. Cảnh tâm lý trong nhà tôi khi nào cũng âm u, chỉ nắng héo với sương mù, chỉ có hắt hiu, chỉ có lạnh tẻ. Có lẽ vì sống trong cảnh ấy ngày nhỏ nên sau này vào tuổi thiếu nhiên, thanh niên tôi mới hay buồn, hay sầu não về cuộc đời đó chăng?
Ông tôi chết, cái nhà ông làm ra cũng dần dần đổ nát: mọi ăn ván thưng, mối đùn lên từng đám, ăn thủng cột trụ và dần dà mái đã dột. Rồi đến lúc cả từng tấm cửa rã, từng xà nhà xiêu. Nhà hư, và tình gia đình cũng bạc nhựôc dần với gỗ, với tranh, với nền đầt càng ngày càng lũm xuống.
Ông tôi chết năm nay đã hơn 60 năm. Bố tôi có tâm hồn yếu đuối, ham bỏ nhà đi chơi, có khi sa vào sòng bạc không đủ sức tinh thần để chủ trì gia đạo. Mẹ tôi, chỉ có mẹ tôi giữ bánh lái cho gia đình tôi. Nhưng sóng gió như thế, chỉ có lòng mẹ tôi làm sao màgiữ nổi! Bây giờ mộ ông tôi đã dời lên núi Mồng Ga cùng với mộ bà tôi, mộ bố tôi, mộ chú tôi, mợ tôi, mộ các em Chúc, em Dục của tôi. Mỗi lần về thăm quê, đi thăm mộ gia đình trên núi, lòng tôi không khỏi bùi ngùi thương ông, thương bà, thương bố, thương chú, thương các em. Tôi sinh trong một quê hương đẹp mà nghèo, trong một gia đình nghèo và buồn. Hồi nhỏ có người nói với tôi đó là số mệnh. Cũng có người an ủi tôi và nói rằng con ngọc trai không bị vết thương thì không kết thành ngọc! Nếu phải trả cái giá ấy để có một chút tài năng thì trả giá đắt quá! Giờ này không phải giờ triết lý, tôi chỉ ngồi nhớ lại những mẩu đời đã vùi trong quá khứ, và thương những người đã khuất...

Tập 1- B >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 567

Return to top