Em bé bán lạc rang và bán báoNăm tôi học đệ tam niên thành chung, một sáng chủ nhật, ở trường xa, tôi ngồi chơi ở vườn hoa bên bờ sông Hương, gần hãng buôn Morin, tôi gặp một em bé bán lạc rang và bán báo, mặt khôi ngô, lanh lợi. Tôi hỏi em: “Chủ nhật em bán báo và đậu phụng, thế ngày thường em đi học ở trường nào?”. Thấy tôi hỏi em bé có vẻ ngượng nghịu, xấu hổ. Tôi lặp lại câu hỏi thì em nói: “Thưa anh, em không được đi học, em chưa biết đọc biết viết.... Tôi hỏi: “Thế làm sao em bán báo được, biết tờ nào là báo gì mà đưa cho khách?” - “Em thuộc mặt các tờ báo, chỉ có ba bốn tờ thôi, cả báo ở Huế, cả báo Hà Nội, làm gì là em không thuộc...
Rồi em kể cho tôi nghe: Bố mẹ em đã chết bệnh, vì nghèo quá không đủ thuốc thang. Và em được một người cô nuôi, người cô cũng nghèo, buôn thúng bán mẹt ở Gia Hội, chỉ có thể cưu mang nuôi cháu ngày hai bữa cơm cháo, không đủ sức nuôi cháu ăn học. Em đành phải đi bán đậu phụng rang và bán báo, kiếm được đồng nào thì về đưa cô, và cô cũng cho lại em mỗi tuần một hào để ăn quà sáng. Em rất thương cô thấy cô nghèo quá, có tuần em không nỡ lấy hào bạc cô cho... Em ứa nước mắt, chào tôi định đi. Tôi gọi em trở lại, và bảo em: “Thế em có muốn học chữ quốc ngữ không?”. Em hỏi: “Muốn lắm, nhưng bằng cách nào?” - “Anh sẽ dạy em, mỗi sáng chủ nhật, đúng 8 giờ, em cứ đến đây, ở ghế vườn hoa này, anh ở trường ra, anh sẽ dạy cho em một tiếng đồng hồ, cứ đều đặn như thế thì mấy tháng là em biết đọc, biết viết được. Anh sẽ mua chữ quốc ngữ cho em và cho em cả vở và bút....
Thế rồi, mỗi sáng chủ nhật, ở trường ra tôi đến chỗ hẹn chờ em bé, có lúc em đến chậm một chút, nhưng thường là em đến trước tôi, chờ tôi. Cũng có lần tôi ra chậm, và em vẫn chờ. Em thông minh, tôi dạy em cũng tỉ mỉ nên chỉ sau mấy chủ nhật là em đọc được đọc ngay hẳn vào chữ in. Chỉ có bày cho em viết tập là hơi khó, vì không có bàn, chỉ có bút chì viết trên vở, kê vào đầu gối mà viết. Tuy nhiên, về nhà em kiên nhẫn đồ theo những trang tôi viết bút chì rồi em cũng thuộc mặt chữ và viết được. Lúc đầu còn nguệch ngoạc, sau chữ cũng đứng nét dần, và viết đều đặn.
Tôi nhớ gần nghỉ hè, khoảng tháng 3 hoặc tháng 4-1935, thì em đã biết đọc biết viết hẳn hòi, và có hôm chủ nhật tôi ở trường ra thì đã thấy em ngồi trên ghế đá vườn hoa, cầm tờ báo Phong hoá đang đọc. Tôi mừng thầm đã thành công trong việc giúp em, đem lại chữ quốc ngữ cho em. Tôi định nói với em là từ tuần sau tôi không còn phải dạy em nữa, và tôi cũng bận thi học kỳ, và chào tạm biệt em. Tôi thấy em lúng túng, như muốn nói điều gì đó với tôi... Sau cùng em rút ở trong tờ báo ra một mẩu giấy, thì đó là bức thư em viết cho tôi, tỏ lòng biết ơn tôi đã dạy em biết chữ. “Cô em nói với em: “Cháu đã gặp bụt bày chữ cho cháu đó”. Em nói với cô: Anh học trò ấy còn trẻ lắm thì cô em nói: bụt thương cháu nên xui anh ấy bày cháu học. Thưa anh, em biết ơn anh, hứa làm ăn thật tử tế khỏi phụ lòng anh.... Tôi quên không nhớ rõ tên em bé, không biết có phải là Quang, hay là Trang...
Lúc gần nghỉ hè, một sáng chủ nhật, tôi lại gặp em rao bán báo và đậu phụng; hai anh em gặp nhau, cảm động em đưa tôi một gói đậu phụng, tôi lấy tiền giả em nhất định không lấy, tôi phải cầm gói đậu phụng bỏ túi cho em vui lòng, và anh em từ giã nhau, hai đứa đều rơm rớm nước mắt. Đó là lần cuối cùng tôi gặp em bé bán báo và đậu phụng rang, người học trò nhỏ của tôi. Sau này, tiếp xúc với phong trào truyền bá quốc ngữ ở Hà Nội, tôi lại nhớ đến cậu học sinh vườn hoa. Và bây giờ, thỉnh thoảng bàn vấn đề xoá nạn mù chữ trên thế giới trong hội đồng chấp hành UNESCO tôi lại nhớ những sáng chủ nhật ở vườn hoa bên bờ sông Hương kiên nhẫn dạy đứa em của tôi...
Diễn kịch tại nhàHè 1936, sau khi đậu bằng thành chung, các anh Nguyễn Xuân Tám, Nguyễn Xuân Sanh và tôi lại cùng nhau ở lại Huế, mấy tuần đầu ở trọ tại một nhà ở xóm An Cựu, gần cầu và chợ An Cựu. Nhà ngói trệt có vườn xanh mát, có sân gạch, có bể cạn chứa nước mưa bên gốc mấy cây cau. Nhà chỉ có hai vợ chồng không có trẻ con, ông chồng làm một chức gì trong hàng nho lại trong thành Huế, bà vợ trạc gần 40 tuổi ở nhà, cũng không hẳn làm nội trợ, mà rảnh rỗi thời gian, khi đi đánh bài, đánh chắn hay đánh tứ sắc, khi thì ra chợ kề cà chuyện trò hết buổi. Chúng tôi không thấy bà lo cơm nước, nhưng đến bữa vẫn có được bữa cơm tươm tất, thì ra bà nhờ một người ở của nhà láng giềng giúp bà việc bếp núc. Thế rồi một hôm, không biết hai vợ chồng cãi cọ nhau thế nào, mà sáng hôm sau chúng tôi thấy bà đã cạo trọc đầu như một bà vãi ở chùa. Chúng tôi thấy ái ngại, không dám hỏi chuyện sợ chạm vào một tâm sự cay đắng, não nùng... Bà chủ động nói trước: “Tôi có chuyện buồn riêng nhưng các anh cứ tự nhiên, ở lại nhà tôi cho đến hết nghỉ hè cho vui, đến tựu trường các anh muốn ở lại nữa cũng được”. Nói xong, bà ngồi yên, mặt hơi cúi xuống, như trầm ngâm lắng suy nghĩ vào bên trong. Rồi bà lấy sách ra đọc lấy báo thì đúng hơn, đó là vài tập Tiểu thuyết thứ bảy, vài quyển truyện của Lê Văn Trương, và một số tiểu thuyết của nhà xuất bản Tân Dân. Hình như có cả vài tập truyện Tàu nữa, và mấy tập truyện trinh thám của Phạm Cao Củng. Là một tâm hồn bị dày vò bởi những ham muốn không thoả mãn được hay là một nỗi lòng bất đắc chí của một người có hoài bão nấu nung? Ba chúng tôi cứ ngồi đoán hiểu tâm hồn uẩn khúc của bà chủ nhà.
Có một tối ba chúng tôi cao hứng muốn diễn kịch, mà không có kịch bản tiếng Việt Nam trong tay. Chúng tôi bèn vạch qua vài nét trong câu chuyện, rồi cứ thế sáng tạo tại chỗ những lời đối đáp sáng tạo cả nội tâm nhân vật nữa, như ta nói ngày nay là diễn một vở kịch cương. Anh Tám đóng vai một ông chủ nhà, anh Xuân Sanh đóng vai bà chủ nhà, còn tôi đóng vai một người khách lạ đến chơi. Ông chủ nhà (là anh Tám) rất sợ vợ, mà lại hay ghen, lại có lối suy nghĩ của một người trí thức hay phân tích tâm lý, ông khách lạ (là tôi) thì tính hay bông đùa, dễ bắt chuyện, nhưng cũng che dưới tính bông đùa một trái tim dễ xúc động, tha thiết, nhạy cảm... Bà vợ (là anh Sanh) thì tâm hồn lãng mạn không hẳn là chê chồng nhưng cũng thấy lòng mình không được thoả mãn trong đời sống vợ chồng hàng ngày. Tính cách nhân vật là như vậy, nhưng làm thế nào cho có câu chuyện dẫn dắt, hấp dẫn... Sáng tạo lời đối với chúng tôi không khó lắm, nhưng sáng tạo hoàn cảnh thì mặc dù đã học bao nhiêu vở kịch cổ điển và lãng mạn của văn học Pháp, chúng tôi vẫn loay hoay không bày ra được tình huống. Chúng tôi đang diễn, đang sáng tạo thì đột nhiên bà chủ nhà ở trong buồng đi thẳng ra giữa phòng lớn, nơi chúng tôi đang biến thành sân khấu: “Các anh cho tôi chơi kịch với cho vui. Anh Sanh không phải đàn bà, làm sao mà diễn vai bà chủ nhà được, đó là vai của tôi”. Rồi bà chủ tự đặt ra lời, diễn rất hoạt bát, rất nội tâm vai bà chủ mơ mộng, trách chồng mà không hắt hủi chồng có khía cạnh thương hại chồng, và niềm nớ tiếp người khách lạ, nói với người khách lạ những câu đầy ý tứ mà vẫn nghiêm trang, lịch sự... Tôi đứng nghe lấy làm thích thú, bị thu hút bởi tài diễn kịch, tài ứng khẩu của bà chủ nhà, quên bẵng rằng mình đang đóng vai người khách lạ... Bà chủ nhìn tôi nói: “Ô ông khách! Ông nói đi chứ? ông có cần tôi nhắc lại những điều tôi vừa nói với ông để ông trả lời?”. Tôi luống cuống không biết trả lời bà chủ, hay trả lời nhân vật... thì bà nói: “Ông cứ nói đi, trả lời tôi là bà chủ nhà, hay là bà chủ trong kịch bản cũng được... Tôi nhập cả hai vai”. Cả ba chúng tôi ngừng vở kịch ở đó, và ngồi nói chuyện với bà chủ có nhiều tâm sự, đầu đã cạo trọc như người đi tu, mà lòng đời còn lắm nỗi xao xuyến.
Sau đó một tuần chúng tôi dọn đi một nhà trọ khác gần trường Providence. Thỉnh thoảng, tôi và anh Sanh có trở lại thăm bà chủ nhà An Cựu; tóc bà đã mọc dài trở lại, chải rất mượt, thơm mát mùi dầu dừa...: “Các anh có diễn kịch nữa không, cho tôi chơi kịch với”.
Tiếc rằng, cả anh Tám, anh Sanh và tôi không người nào đi vào con đường sáng tác kịch bản, hoạt động sân khấu, nếu không thì chúng tôi đã mời bà chủ nhà An Cựu tham gia đóng vai, ít nhất là đóng vai bà chủ nhà mơ mộng và có nỗi lòng xao xuyến...
Thầy Dương và thư viện của trường Quốc học
Nhớ những ngày ở trường Quốc học, không thể không nhắc đến thầy T.X. Dương. Lúc tôi vào học năm thứ nhất, thầy đã khoảng 40 tuổi, không có vợ, ở luôn trong trường, trong một căn phòng dành riêng cho thầy ở trên gác. Thầy người thấp, trán cao, một mắt hơi mài mại, lưng hơi còng, dáng đi thong thả. Thầy được trường giao nhiều việc: làm phụ tá cho những giáo sư dạy hoá học, trông phòng thí nghiệm hoá học của nhà trường; quản lý thư viện khá lớn gồm hàng mấy vạn quyển sách của trường. Và còn một trách nhiệm nặng nề nữa của thầy là: quản lý đám học sinh Tây lai học ở trường tiểu học ghép vào trường Quốc học (gọi là trường trung học nhỏ). Đám trẻ Tây lai này là con của các lính Tây, mà các bà mẹ ở xóm Mang Cá.
Bố của chúng mãn hạn lính ở Đông Dương về Pháp, để lại chúng với mẹ. Chính quyền thực dân tự cho mình có trách nhiệm nuôi dưỡng đám trẻ Tây lai này và cho chúng học bổng toàn phần để được ở ký túc xá học tiểu học. Thầy Dương quản lý chúng, chăm sóc chúng... Người hiệu trưởng Pháp của trường Quốc học gọi thầy Dương là người cha nuôi của đám học sinh Tây lai, hàng tuần, chiều chủ nhật, những bà mẹ của đám trẻ này lại vào trường thăm cha nuôi của chúng có khi lại vào hẳn trong phòng của cha nuôi để tâm sự.
Mọi người ở trong trường thấy việc ấy cũng bình thường không ai xì xào gì. Thầy Dương được mọi người kính trọng, hiệu trưởng và giám thị người Pháp rất nể, và bọn trẻ Tây lai thì sợ thầy một phép. Thầy Dương rất có ơn đối với chúng tôi vì thầy quản lý thư viện của nhà trường rất tốt, luôn luôn xin mua được sách mới và mỗi tuần chiều thứ tư cho chúng tôi vào phòng thư viện tha hồ chọn sách mà xem, và đổi sách mượn. Tôi đã đọc được hầu hết các tác phẩm tiêu biểu của văn học cổ điển và hiện đại của Pháp tại trường, là nhờ công của thầy Dương. Cũng xin nói rõ là tất nhiên những sách trong thư viện này đều là sách Pháp, từ điển bách khoa toàn thư, cho đến những quyển tiểu thuyết nổi tiếng của đầu thế kỷ 20. Khỏi phải nói, chúng tôi muốn đọc sách văn học Việt Nam thì phải tìm mua ở hiệu sách Hương Giang, hay mượn của nhau trong những thư viện gia đình. Thầy Dương phụ đạo các giáo sư hoá học thuộc quy trình các bài thí nghiệm đến nỗi mỗi lần thầy không cần mở sách xem, trong khi một vài giáo sư còn lúng túng. Thầy rất nghiêm trong khi hướng dẫn học sinh làm thí nghiệm, cậu nào láu cá muốn đi đến kết quả mà làm tắt thí nghiệm thì thầy cũng bắt được và phê bình hẳn hoi, bắt làm lại thí nghiệm nhưng không cho thêm chất hoá học. Tuy vậy thầy được học sinh chúng tôi rất mến và kính trọng vì thầy thẳng thắn, không nịnh Tây. Suốt đời thầy không lấy vợ, lấy trường làm nhà, lấy việc chăm sóc lũ trẻ Tây lai làm vui, lấy việc thí nghiệm hoá học làm thú tiêu khiển.
Thăm một ông cậu của tôi bị giam ở nhà lao Thừa Phủ.
Năm tôi học đệ nhị niên thành chung (1934), một người bà con về bên ngoại báo cho tôi biết là cậu A. ở Nga về đã bị bắt tại Hàm Rồng, bị giải về Trung Kỳ, bị giam ở Lao Bảo hơn 2 năm và nay bị giam ở nhà lao Thừa Phủ. Cậu A., em mẹ tôi, là cậu thứ tư của tôi. Lúc nhỏ ở nhà cậu không được bố thương bằng các anh. Đậu tiểu học, cậu được bố cho vào học trường học nghề của Nam triều. Cậu bỏ trường học nghề này thi đậu vào Quốc học cùng một khoá với cậu học trung học tại trường Quốc học ở Huế, cùng một lớp với ông Đào Duy Anh đậu thành chung, rồi ra Hà Nội học trường cao đẳng y khoa đào tạo ra những y sĩ Đông Dương. Ở Hà Nội, cậu giác ngộ cách mạng, sau đó năm 1926, tìm cách đi sang Pháp để học thêm và để tham gia hoạt động cách mạng tại Pháp. Ở Pháp được vài năm, cậu lại bí mật sang Liên Xô và học một lớp chính trị tại Mátxcơva rồi tình nguyện gia nhập Hồng quân Liên Xô. Ở trong Hồng quân được gần ba năm, cậu A. lại xin về Việt Nam hoạt động. Từ Liên Xô cậu đi về qua Trung Quốc, theo đường dây của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Lúc về đến Việt Nam, cậu đi thuyền về đến mỏ Hòn Gay, từ Hòn Gay đi thuyền về Hải Phòng, từ Hải Phòng đi xe lửa về Thanh Hoá, xuống ga Thanh Hoá, cậu vác cái thang cho một người thợ nề đến Hàm Rồng thì cậu bị bắt và bị tù ở Lao Bảo hơn 2 năm sau đó giải về Huế và ngồi tù ở lao Thừa Phủ. Cậu A. có tinh thần chống Pháp từ hồi nhỏ, thường hay có những ý kiến xung khắc với bố (là ông ngoại tôi), nhưng rất thương mẹ (bà ngoại tôi), và thương chị (là mẹ tôi).
Với anh em khác, cậu ít gặp gỡ, vì cậu cho là không hợp tính tình. Tôi nhớ hồi tôi còn nhỏ, mẹ tôi xin được của bà ngoại một cái ảnh của cậu A. và để trên cái mâm cỗ bồng, trên bàn thờ nhà tôi. Trong ảnh, nét mặt cậu rắn chắc và có vẻ gì như ương ngạnh. Lúc tôi vào thăm ở nhà lao, người bà con cùng đi giới thiệu với cậu tôi là con chị Cháu Ngạn thì cậu tỏ ngay cảm tình, vì cậu rất thương mẹ tôi. Cậu hỏi tôi việc tôi đi thăm như thế này có ảnh hưởng gì đến việc học của tôi không, ý nói mật thám có thể theo dõi. Người bà con và tôi đều nói: “Tình gia đình thì vào thăm, còn họ có theo dõi hay không thì cũng chịu”. Sau đó vài ba tháng một lần tôi lại vào thăm cậu tôi cũng ham nghe những câu chuyện của cậu mặc dầu cậu không nói được nhiều, càng không nói được cụ thể cuộc đời hoạt động của cậu, nhưng câu chuyện ngắn gọn trong phòng tiếp khách nhà lao, vẫn hé mở cho tôi thấy một cuộc đời sôi nổi, với những chân trời xa xôi, nửa rạt rào hào khí, nửa đượm màu phiêu lưu. Cậu khuyên tôi chăm học, muốn làm gì thì cũng phải có trình độ văn hoá cao, hiểu biết rộng. Mỗi lần thăm, nhà lao chỉ cho phép tiếp xúc lâu nhất là nửa tiếng đồng hồ, nhưng người đội gác có vẻ nể cậu tôi, nên cũng có lần cho kéo dài buổi thăm thêm 15 phút. Ở nhà lao ra, cậu tôi làm thuê cho nhà in Đắc Lập, làm kế toán viên, và một phần nào vào xường in giúp sắp xếp công việc của thợ in, công việc “lên trang” của tờ báo và của những quyển sách, vì cậu tôi qua những năm hoạt động ở Hà Nội và ở Pháp cũng đã thạo công việc ấn loát. Sau đó, cậu tôi còn tham gia viết báo Tờ báo Huế, (báo bằng tiếng Pháp) nhưng không viết (chắc là không được viết) những bài có tính chất chính trị. Cậu chỉ viết những bài thời đàm có tính văn hoá, xã hội, không trực tiếp liên quan đến chính trị đương thời. Tuy vậy, cậu cũng cho đăng được mấy kỳ một thiên hồi ký về những bước đường hoạt động của mình, nhưng dưới cái dạng một thiên phóng sự, mà anh Xuân Sanh và tôi xem rất thích vì thiên phóng sự khá hấp dẫn, với nhiều tình tiết như rút từ một quyển tiểu thuyết phiêu lưu.
Cậu A. học rộng, có trình độ hiểu biết mác-xít cao và cũng hiểu văn hoá chung khá nhiều và khá sâu. Ưu điểm của cậu là có tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng khá lớn và kiên trì đi theo con đường đấu tranh chống thực dân Pháp, nhưng một nhược điểm khá rõ của cậu là hay bàn ngang, mà không chỉ bàn ngang, có thể là cậu tự khép mình vào kỷ luật cách mạng một cách khó khăn. Khó khăn, nhưng rồi cũng theo kỷ luật vì lý tưởng. Cậu A. cũng là người đa tình, người ta bảo mắt cậu nhìn đắm lắm, và cậu đã có một vài mối tình đẹp ở Huế, những mối tình khá lãng mạn giữa cảnh sông Hương núi Ngự, những người cậu yêu là những phụ nữ trí thức, những bậc nữ lưu, như ta nói hồi đó. Một nữ lưu ấy đã trở thành vợ của cậu. Còn những bậc nữ lưu khác, thì tôi nhường cho hồi ký của cậu kể, vì hình như ông cậu cũng có viết hồi ký. Dầu sao tôi cũng phải thêm: một bậc nữ lưu kia dai dẳng yêu cậu mãi, và người ấy đã kể cho tôi những năm dan díu với cậu tôi “những năm tháng say nhất, đẹp nhất, bàng hoàng nhất” của đời bà. Lúc tôi ra học cao đẳng canh nông ở Hà Nội, cậu đã gởi cho tôi rất nhiều bộ áo quần cũ của cậu, cũ nhưng còn tốt, tôi bận rất vừa. Tôi đã cho một anh bạn hai bộ, một mùa đông và một mùa hè. Tập Lửa thiêng của tôi ra đời cuối năm 1940, tôi không kịp gởi tặng, thì cậu đã mua và đọc ở Sài Gòn, và đọc xong cậu có viết thư cho tôi nói là rất tán thưởng tập thơ và khuyên tôi cứ tiếp tục sự nghiệp văn chương đã khởi đầu tốt. Trong kháng chiến chống Pháp, cậu tôi đã làm việc trong một cơ quan kinh tế của Khu 4, và có những đóng góp đáng kể. Nhưng cũng vì tính hay nói ngang và nói thẳng, mà cậu không được lòng mọi người. Nhưng điều an ủi cho cậu A. là ông giám đốc cơ quan rất quí cậu biết cậu là người có khả năng, có tài năng, có nhiều ý kiến hay về tổ chức. Hiện nay cậu đã già, hơn 80 tuổi nhưng óc còn minh mẫn, vẫn đọc sách và thỉnh thoảng có làm vài bài thơ... tình. Những bài thơ tình này là những hoài niệm, nhắc lại những mối tình xưa, nhất là những mối tình say và bàng hoàng ở Huế, sau khi ở nhà lao ra.
Ngủ chung những đêm rét ở trường Quốc họcTôi sống mấy năm liền trong ký túc xá của trường Quốc học, và cái tuổi mới lớn lên (14, 15 tuổi), trong không khí rất mơ mộng của trường và của cả xứ Huế.
Sau tựu trường tháng 9 thường ở Huế mưa rả rích suốt hàng tháng, có những tuần không một giờ nào ngớt mưa. Về cuối năm vừa mưa vừa lạnh. Học sinh ở ký túc xá như sống trong một tổ ấm, mặc dù có người con nhà nghèo, có người con nhà giầu, và có cả những công tử con quan nữa. Nhưng những sự phân biệt xã hội ấy ở trong ký túc xá cũng có phần mờ đi. Một thứ dân chủ của nhà trường, phần nào dựa trên tài năng (tài năng đây là học giỏi) cũng an ủi những anh học trò nghèo như bọn tôi lúc đó. Những đêm trời mưa rét, một cái thú của chúng tôi là kết bạn ngủ chung với nhau. Chờ cho thầy giám thị (mỗi phòng có một thầy) đi kiểm tra một vòng rồi đi ngủ trong phòng con của thầy, chúng tôi nhẹ nhàng đi tìm bạn ngủ chung. Ít nhất là một phần ba học sinh ngủ chung với nhau như thế; thầy giám thị sáng mai dậy sớm có biết thì cũng lờ đi. Trong một bài thơ của tôi, đoạn mở đầu đã nhắc đến cảnh ngủ chung thắm thiết này:
Ôi rét đêm nay mấy học trò
Ngủ chung giường hẹp trốn bơ vơ
Cô hổn vạn thuở buồn đơn chiếc
Có lẽ đêm nay cũng ngủ nhờ...Những đêm ngủ chung như thế “tay choàng làm gối ấm”, những đôi bạn thường nói chuyện thủ thỉ đến khuya, chuyện tâm tình, chuyện văn chương, chuyện đời. Còn chuyện học, thì đã có những đêm ai nấy cùng lo học thi, nằm trong giường riêng của mình mỗi người với một ngọn đèn tí hon, mà bóng đèn là những lọ thuốc tây đã cưa cái đáy, đèn để trong một cái hộp kín, chỉ để hở vài phân vuông ánh sáng chiếu vào trang sách học. Nhân nói giấc ngủ trong ký túc xá tôi lại nhớ cứ 5 giờ rưỡi sáng là có kèn “la vầy” của trại lính khố xanh đóng cách trường mấy trăm thước vang lên, thức chúng tôi dậy. Nhưng trước tiếng kèn “la vầy”, đã có tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân vang. Tiếng chuông rất trầm mà ngân nga hồi lâu, có đến mấy phút đồng hồ, nhất là trong bầu không khí trong trẻo của những sáng mai hè. Người ta bảo trong cái chuông chùa Thiên Mụ có nhiều vàng nên tiếng chuông trong và ngân lâu, và trong số vàng đúc vào chuông có vàng của nhiều thiếu nữ thất tình, bỏ nhà đi tu. Không biết có phải vậy không, nhưng trong tiếng chuông mà tôi nghe ngân nga mỗi sáng, tôi không nghe thấy âm hưởng của lòng não nuột, của cay đắng mùi đời. Trong tiếng chuông Thiên Mụ, dường như tôi chỉ nghe tiếng vang vọng của những tâm hồn thanh thản, có lẽ đã phần nào thoát tục, gần như tiếng chuông chùa trong bài thơ của Thế Lữ. Tôi đã nhiều lần đến thăm chùa Thiên Mụ, cảnh chùa đẹp soi bóng xuống dòng sông Hương Giang, nhất là cảnh vườn sau của chùa xanh mát, êm ả, đẹp cái đẹp của thiên nhiên và của tay người sắp xếp. Nhưng tôi vẫn thấy cảnh chùa không đẹp bằng tiếng chuông chùa cái ngân nga vô tận của tiếng chuông nói với tôi nhiều hơn là mười mấy tầng tháp trên gò đất cao. Tôi cũng đã nghe tiếng chuông của nhà thờ Phủ Cam đổ hồi những ngày lễ trọng. Nhà thờ Phủ Cam cũng ở gần trường Quốc học, nên ở trong trường nghe chuông rất rõ. Hai tiếng chuông khác nhau quá? Cũng là đạo nhưng tiếng chuông nhà thờ dường như vẫn náo nức lòng đời, vẫn mang trong âm thanh những xao xuyến của trái tim đời, còn tiếng chuông chùa thì như hoà tan chút lòng đời còn lại vào cõi mênh mông bát ngát, vào nơi “không gian thanh tịnh”. Những chiều thứ năm các thầy giám thị dẫn học sinh đi dạo chơi thăm những danh lam, thắng cảnh ở ngoại thành thành phố Huế. Thường chúng tôi được đi chơi ở chùa Bảo Quốc, chùa Từ Đàm, nơi mà cụ Lê Đình Thám hội trưởng hội Phật giáo Trung Kỳ thỉnh thoảng đến thuyết pháp về đạo Phật. Cũng có lần chúng tôi được dẫn đi thăm một lăng vua, lăng Tự Đức hoặc lăng Minh Mạng mãi tối mới về đến trường. Riêng thầy Lê. Đ. P. thì bao giờ đến phiên thầy, thầy cũng dẫn chúng tôi đến Tân lăng, tức là lăng của vua Dục Đức (?). Lăng nhỏ nhưng cây cối xung quanh họp thành một cảnh đẹp có nhiều cây đại làm cho cảnh lăng hơi giống. cảnh chùa. Thầy Lê. Đ. P. dẫn chúng tôi đến đó, giao chúng tôi cho cảnh lăng, còn thầy thì vào một ngôi nhà cổ kính ở trong một khu vườn bên cạnh lăng để đánh chắn hoặc đánh tài bàn với mệ S. Mệ S. là một người của hoàng gia, một công chúa dòng Duy Tân, lúc bấy giờ còn trẻ khoảng hơn 30 tuổi. Mệ S. đẹp, cái đẹp quí phái, nhưng không phải là cái đẹp ẻo lả. Trái lại người mệ rất nở nang, đường nét cân đối, không thướt tha mà rất hài hoà trong bộ áo quần hoàng phái của mệ. Tôi nghe nói sau này, trong thời Mỹ nguỵ, lúc bấy giờ mệ đã có tuổi, mệ còn bận áo quần thể thao, lái ô tô vượt đèo Hải Vân đi vào Đà Nẵng, Qui Nhơn. Thầy Lê. Đ. P. đánh chắn với mệ đều đặn mỗi chiều thứ năm, còn hai người có ván bài nào khác không, thì anh em trong trường cũng xì xào nhiều, còn chúng tôi thì chỉ chờ lúc thầy ra về, mệ S. tiễn ra cổng là chúng tôi được ngắm cái vẻ đẹp vừa cổ kính vừa có chút gì tân thời, hiện đại của mệ. Hoàng gia suy tàn, hoàng gia dưới chế độ bảo hộ của thực dân Pháp, sinh ra một mẫu nàng công chúa như mệ S., vẫn giữ tư thế tự trọng, mà ôm ủ trong người một vẻ gì chán chường sống cuộc đời như nửa đùa nửa thật. Thấy mệ S. đi đôi giày cườm với cái áo dài màu cánh sen, tôi cứ nghĩ đến những cây đại trước Tân lăng. Không hiểu sao lại có sự liên tương này, có phải vì cái khung cảnh suy tàn của cây cỏ, của gạch đá xanh màu rêu phong nó nói lên cái bùi ngùi của cảnh lẫn người, cho dù một sắc đẹp hấp dẫn như sắc đẹp mệ S. cũng không làm cho tươi tắn lại được.