Lụt tháng tưNăm đó (năm 1925 hay 1926) tôi còn ở nhà. Tháng tư nước lụt lên cao lút cả nhà. Bố đi vắng, chỉ nheo nhóc mấy mẹ con ở nhà. Nước lên mau, không kịp dọn đồ đạc; nước lấp xấp thềm nhà vào lỡ buổi xế chiều nước lút nửa cột. Mẹ ẵm các con lên chạn, nấu nướng ở trên ấy, rồi ló đầu ra đầu hồi gọi với ông chắt Nguyện, hỏi dò chừng nước nông sâu. Quanh xóm ngập cả, nhà này qua nhà kia chỉ có thuyền đi lại, bè chuối không dám dùng, sợ nước xoáy xiết đi. Mẹ nói: “Thôi mấy mẹ con ôm nhau ở đây, nước mà lên nữa thì ôm nhau mà chết”. Đã sắp phải bò lên mái nhà, nước xấp xỉ đến chạn, không còn liên lạc với ai được nữa. Nguy nan đến cổ, mẹ ấp lấy con như gà ấp trứng. Gọi với láng giềng lời mẹ dặn:
“Có chi, cứu giúp lấy con tôi!
Tiếng dờn giữa nước mênh mông trắng
Đáp lại từ xa một tiếng ời”Trong lúc gian nan chỉ có ông chắt Nguyện là dò thăm đến mẹ con tôi, ơn ấy mẹ không khi nào quên. Sau này ông Chắt đau, thầy phải hết lòng thuôc thang trông nom như bậc cha chú. Mẹ có những câu nói hoà vào lòng tôi nhỏ máu: và đời mẹ bíu vào đời con, chỉ có sự liên quan ấy cứu sống lấy mẹ. “Ôm nhau mà chết”, nước lụt và đau khổ cũng thế. Mẹ tôi như bị nước lụt suốt kiếp, đau khổ dồn dập từng ngày, chầm chậm mà đều đều, rồi cũng có lúc lụt đến cổ. Nhưng giữa chiều nước xoáy, chân mẹ bấu vững vào đất nhờ mang con trong lòng. Nước lụt tháng tư: trái thời như mẹ tôi sái kiếp.
“Con cá ngựa”Có phải năm ấy là năm bố tôi suýt bị vào tù vì liên quan với các vị chức sắc trong xã về việc khai sắc thần đo không? (xin triều đình phong sắc cho thần làng). Lúc ấy mẹ tôi có thai em Thước, mà phải đi về, chạy ngược chạy xuôi để lo cho thầy tôi trắng án. Thầy được quan xét là “bắt oan” về nhà thẹn quá, không chịu xuống ông bà ngoại; mẹ bảo thế nào thầy cũng không đi, mẹ giận và cho thầy là người không biết điều. Cùng cực mẹ khóc, mẹ bận một cái áo lương rách, đội một cái nón cời về thăm bà ngoại ở dưới Hạ (làng Tùng Anh, gần đồn Linh Cảm).
Mẹ ở Hạ về thì đau đẻ, mẹ đau quặn, vì lo nghĩ quá, người mẹ đã gầy sẵn lại gần thêm. Người mẹ vốn đã mảnh khảnh lần này lại như khô tàn hẳn đi. Mẹ đau thai, báo bố đi mời ông lang. Bố đi lấy thuốc về nhưng thuốc không uống được. Nhưng điều đó chưa can chi, đằng này thầy lại còn bỏ nhà đi suốt mấy ngày. Trời ơi bố lại theo ông Quản Tốn xuống đò đánh bài. Mẹ uất người lên, nhưng mẹ không cho người đi gọi bố như mấy lần trước. Trong tủ ở nhà (cái tủ quang dầu, màu vàng vàng để giữa nhà) có một cái hộp quý lắm, trong hộp cất một con cá ngựa. Sao lại là cá ngựa? Tôi làm biết được! Nhưng lúc đó tôi nghe chuyện con cá ngựa như chuyện nửa ma quỷ tà thuật, nửa hoang đường thần tiên. Con cá ngựa! Nó làm bằng chất gì sáp ong, nhẹ, có nhiều vân rỗng và xốp ở trong; nó vàng vàng chói chói như từng ong; hình là con cá, thon thon dài. Con cá ngựa của mẹ tôi cũ lắm, đã sứt từng miếng, vảy nó đã loang lổ rơi gãy. Và chừng như nó đã gãy rơi một lần, phải lấy sáp ong gắn xít lại. Nhưng con cá ngựa còn linh thiêng lắm. Khi nào ai đau thai lâu mà không đẻ được thì chỉ cần để nó lên bụng vài giây đồng hồ là chuyển thai ngay. Và người nào muốn phà thai chỉ việc cầm lấy con cá ngựa trong tay một chặp, thế là xong! Còn thai chưa đã đủ tháng mà cũng cầm con cá ngựa trong tay, thế là thai chuyển mạnh, quá mạnh, và xong đời đứa bé trong bụng! Mẹ không thèm gọi bố nữa. Mẹ muốn trả thù bố bằng cách (trời ơi! Mẹ tôi đau khổ đến nỗi có ý tưởng ấy kia ư?) bằng cách... cầm con cá ngựa. Mặt mẹ quặn lại, mẹ mở tủ, mẹ sờ, mẹ mở hộp. Mẹ đi nằm, mẹ không nói gì nữa. Mẹ mở hộp: con cá ngựa nằm dài ở trong! Mẹ giơ tay, mẹ sắp ấn ngón xuống... mẹ ngừng lại. Thôi! Em tôi được sống rồi, mẹ đầy cái hộp ra rồi nmẹ khóc; mẹ khóc không thành tiếng được, mẹ chỉ ức nước mắt tràn trề mà thôi. Khi mẹ kể lại chuyện này thì tôi thấy mẹ hối hận rõ rệt. Bây giờ trong tình mẹ thương em Thước, có chút ngậm ngùi vì thế phải chăng? Đẻ em Thước xong mẹ vứt con cá ngựa đi thì phải... Đã lâu lắm mẹ không nhắc đến chuyện đau thai. Nhưng sau khi tôi đậu tú tài, không biết vì duyên cớ gì mẹ lại khóc và nhắc tới chuyện con cá ngựa. Mẹ đẻ em Thước khó khăn quá. Sau này em cứ yếu luôn, em ốm mấy trận tưởng chết, tội lắm! Sao miệng em Thước khi nào cũng như mếu, như khóc vậy? Em tôi sao lại mang buồn não trên môi trên miệng? Cả đến lúc em cười nữa cũng có cái gì đau đớn trong nét mặt của em và nụ cười của em không thật tươi mà hơi héo. Hay là con cá ngựa còn quanh quẩn đâu đó? Bố ơi, lỗi của bố đối với mẹ, đối với em con bố có thấy hết không?
Tôi còn nhớ khi mẹ mới đẻ em Chúc, ở bên nhà riêng thì tôi mới 5, 6 tuổi gì đó. Bố ham đi chơi năm sáu đêm suốt không về, nhắc năm bảy lần cũng không thấy tăm hơi. Mà mẹ thì đau, mẹ yếu quá, mẹ thổ huyết. Tôi nhớ mẹ đứng sau nương nhà, cạnh nhà bếp, bên cây mít cà. Mẹ cắn răng lại cho vững mình kẻo sợ ngã. Môi của mẹ thì mỏng, mà răng mẹ thì nhỏ và sắc, mẹ cắn lên môi có ngấn một đường. Mẹ rơm rớm nước mắt nhưng mẹ không khóc, mẹ nìn con, thấy con đứng bên cái vại sau bếp mẹ mới oà khóc lên, nức nở một hồi lâu. Sao mẹ phải khổ đến thế? Mẹ thổ huyết mà không một ai chăm sóc, không một ai hỏi han. Mẹ ngã khuỵu xuống bên cây mít cà, mẹ giơ tay với cái nồi đất vỡ để đi tiểu vào trong. Mẹ thấy máu ra, mẹ khóc, mặt mẹ quặn từng thớ thịt một. Mẹ mới đẻ em Chúc được mươi hôm thôi, mẹ nằm lửa chưa kỹ, người nhợt nhạt, gầ so, mà ở bên nhà riêng mẹ ở thì lạnh teo không ai bếp núc, lửa, củi cho. Có o Biên (con nuôi ông bà) nhưng o còn phải ra đồng làm lụng. Mẹ đau nhắn bố về, bố cứ liền nín mãi. Sau cùng mẹ phải nói” không về thì đi mời cho tôi một ông thầy thuốc, kẻo tôi chết đây!”.
Mẹ yếu hai ba tháng phải không? Mẹ giận bố, mẹ oán trách bà. Mẹ muốn tự tử, mẹ muốn bỏ nhà mà đi. Sau này tôi mới biết mẹ cắn răng chịu khổ ở lai là vì mẹ thương tôi và các em tôi. Mẹ nói: “Tao về nhà mi, vì ông cháu ngày trước. Ông thương tao, biết trọng và nể người. Ông Chau chết rồi, còn ai hiểu gì nữa đâu! Cứ kể bà mi với bố mi thì tao bỏ nhà đi đã lâu rồi”, rồi mẹ khóc và mẹ nói luôn: “Thương con nên phải đi theo với chồng”. Mẹ chua chát với bố nhiều lần lắm, mẹ mếu máo, mẹ khóc và ngồi nhặt rau nấu canh mẹ cũng hát:
“Chót rằng tay đã nhúng chàm
Dại rồi còn biết khôn làm sao đây...Tiếng mẹ đau xé cả lòng tôi. Tôi còn nghe rõ tiếng khàn khàn (vì mẹ khóc nhiều qua) của mẹ lẫn với tiếng giã gạo sau hồi nhà. Mẹ đau mà bố như thường, đi chơi hàng ngày với ông Quản Tốn. Tội nghiệp, sau có chú Cu đi lấy thang thuốc và về sắc thuốc cho mẹ. Trong gia đình mẹ chỉ phục có chú Cu về cách cư xử. Và dường như những cực khổ của mẹ, mẹ còn tâm sự với chú mợ nhiều hơn là với bố.
Mẹ đau lần ấy dậy mẹ yếu hẳn đi và từ đó, vai mẹ gánh nặng thì đau, và dông trời mẹ hay nhức xương. Tội của bố đối với mẹ tôi không kể xiết. Trời đã cho tôi nhiều nước mắt trong tuổi nhỏ cũng phải.
Tóc ngứa của mẹMẹ có một hàng tóc ngứa, chính giữa đường ngôi trên trán. Hàng tóc ngứa bạc hẳn đi, ngắc và cứng. Nhổ rồi lại mọc, mà càng nhổ càng ngứa. Thường khi nhàn rỗi mạ bảo em Trà hoặc nhờ người hàng xóm lấy hai hạt thóc kẹp từng sợi mà dứt, cứ được một sợi mạ lại đưa lên mắt xem và lạ lùng như trẻ nhỏ. Tôi thường nhìn mặt mẹ thì tôi nghe đau chích trong lòng. Tôi đau nơi từng nét mặt của mẹ. Hai mắt mẹ cạn, nhỏ mà nhanh. Tôi nhìn mặt mẹ mà không biết nghĩ gì, chỉ băn khoăn đau xót, và chỉ biết có một điều, thấy có một chuyện: mẹ khóc!
Có người trả miếng mẹ (vì sao?) nói rằng: “Kiếp còn nặng nợ, nên tóc ngứa còn dài”. Những lời nọc rắn ấy mẹ tôi chết từng mảnh hồn, từng chùm tin tưởng. Mẹ tôi đau khổ một cách đầy đủ quá, hết lòng hết dạ quá nên không kịp nghĩ đến đôi chút an lạc trong đời. Những lời an ủi mẹ nghe mát lòng, nhưng mà quên ngay, còn những câu châm biếm, trêu chọc thì để dạ mà tự nung nấu, thối gan thối ruột.
Mỗi bận tôi về nhà, nhìn mặt mẹ tôi đã biết trong khoảng tôi xa nhà bao nhiêu sự đau khổ đã đến với mẹ tôi, và những nếp nhăn không phải là nếp già; ấy là dấu số kiếp vồ lên mặt mẹ tôi.
Hầu đẻLúc ấy mẹ tôi chưa sinh tôi; mẹ mới về làm dâu và bố tôi thì đang học thi cử. Ông tôi còn sống, cảnh nhà có vẻ “thế gia” và cao quý. Hai o tôi chưa lấy chồng. O Thiu còn đang nhỏ chưa biết gì, nhưng o Ngoéch đã lớn và đã biết đóng vai em chồng rất khéo léo. Bà tôi thì vô tâm nhưng có một lối cư xử tưởng là mực thước mà lại thành ra rất cay nghiệt. Mợ Giáo tôi đẻ, mẹ tôi về Hạ một tháng lo chăm sóc, khuya sớm thuốc thang cho mợ. Chỉ chăm sóc theo tình chị em mà thôi, chứ phải đâu là hầu hạ! Thế mà khi mẹ rửa bát đũa, không cho sờ đến mâm nồi, viện cớ rằng người đi hầu đẻ về không sạch sẽ. Phải chờ ba tháng mười ngày cho hết “phạm long” đã mới được mó tay vào đồ đạc ăn uống.
Mẹ tủi cực lắm nhưng cắn răng mà chịu. Vả lại mẹ cũng liều, cũng gan ruột lắm. Được thể mẹ càng bỏ bừa công việc, không chăm chỉ như trước nữa. Bà tuy gay gắt mà nhát gan không dám trị nàng dâu; các o chỉ nheo nhéo trêu tức chứ cũng không có gan chống cự với mẹ tôi. “Gái kẻ Hạ” chứ vừa đâu! Bà ngoai tôi biết chuyện, giận bà nội tôi mãi, nhưng không hề tỏ ra. Bà ngoại lượng rộng hải hà biết tha thứ và cho bà nội tôi là vô tâm mà làm khổ con dâu. Bà ngoại tôi; mặt trời vui tươi, ấm áp trong cái cảnh người u ám đó.