Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> HỒI KÝ SONG ĐÔI

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 27340 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

HỒI KÝ SONG ĐÔI
Huy Cận

Tập 2-K

Thế Lữ và Xuân Diệu
Anh Xuân Diệu bắt đầu làm quen với Thế Lữ khi anh còn học tú tài phần thứ nhất ở trường Bưởi. Làm quen, nghĩa là gởi những bài thơ của mình đến cho Thế Lữ xem, và nhờ Thế Lữ nhận xét, cho ý kiến. Lúc bấy giờ anh Diệu vừa tự tin, vừa rụt rè, không tìm đến toà soạn Ngày nay để gặp Thế Lữ, mà chỉ viết thư và gởi thơ... Thế Lữ nhận liên tiếp bài thơ này đến bài thơ khác của Xuân Diệu, đọc kỹ, nhưng không có thư trả lời Thế rồi một hôm trên báo Ngày nay đăng bài Với bàn tay ấy của Xuân Diệu, đó là bài thơ đầu tiên Xuân Diệu ra mắt với độc giả báo Ngày nay. Bài này rất hay và đã in trong tập Thơ thơ. Sau đó đăng liền mấy bài khác như bài Vì sao (Làm sao cắt nghĩa được tình yêu, Có nghĩa gì đâu một buổi chiều, Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt, Bàng mây nhẹ nhẹ, gió hiu hiu... ). Đến Tết năm 1987, lúc đó anh Diệu đang học tú tài phần hai tại trường Khải Định, ở Huế, trên số Tết báo Ngày nay có một bài của Thế Lữ rất trân trọng giới thiệu Xuân Diệu: Một nhà thơ mới: Xuân Diệu. Lời giới thiệu không những trân trọng, mà còn đầm ấm, sâu sắc. Đúng là lời giới thiệu của một người tri kỷ đối với một tài năng thơ đang độ nở, đối với một tâm hồn đang rộng mở trước cuộc đời. Đến lúc tập Thơ thơ ra đời, thì Thế Lữ lại đề tựa, một bài tựa xúc tích và xúc động. Sau này nhà xuất bản Văn học cho in tuyển tập của Thế Lữ thì Xuân Diệu viết lời bạt (gọi là: Đọc thơ Thế Lữ), trong đó anh phân tích đầy đủ thơ Thế Lữ, và cũng là một cách uốn nắn những chỗ không thoả đáng của bài giới thiệu do Lê Đình Ky viết. Hai nhà thơ chí tình với nhau là như vậy.

Xuân Diệu đấu tranh chống bọn phản động Quốc dân Đảng
Cuối năm 1945, khoảng tháng 11 và tháng 12 bọn Quốc dân Đảng kết hợp với bọn Nguyễn Hải Thần, được bọn quân đội Tưởng Giới Thạch đỡ đầu và ủng hộ, đã có những hoạt động ráo riết chống chính quyền cách mạng, khi thì ngấm ngầm phá hoại (như bắt cóc và thủ tiêu cán bộ, đặt mìn vào các công sở hoặc ở đường xe lửa như chúng đã đặt mìn trên đường Hải Phòng - Hà Nội lúc chúng ta đón Hồ Chủ tịch từ Hải Phòng về Thủ đô, sau chuyến đi Pháp về), khi thì hoạt động công khai, dán truyền đơn, tổ chức những cuộc biểu tình, hô khẩu hiệu đả đảo chính phủ. Những cuộc biểu tình của chúng chỉ lèo tèo mấy chục người, nhiều lắm là hơn 100 người bà con lúc đó gọi là biểu tình pháo tép, pháo xì pháo xịt ngòi... Một buổi sáng tháng 12, anh Diệu đi ra đường gặp lũ côn đồ này đang kéo nhau đi lê thê lếch thếch, gọi là biểu tình để đả đảo tổng tuyển cử (tổng tuyển cử đầu tiên cử hành vào ngày 6-1-1945) anh Diệu liền dừng lại, dắt xe đạp hô “đả đảo biểu tình” và anh lại tập hợp bà con ở khu phố làm một cuộc biểu tình chống lại cuộc biểu tình phản cách mạng. Bà con bắt đầu tập hợp và cũng hô khẩu hiệu như anh “đả đảo biểu tình phản cách mạng”, thì bọn đầu trâu mặt ngựa bất đầu tan rã, nhưng cũng có mấy đứa đuổi rượt theo anh, định bắt cóc anh đem về hắc điếm. Anh đành phải bỏ xe đạp giữa đường và đi vào đám đông đồng bào. Đồng bào bảo vệ anh và đem anh về trụ sở Văn hoá cứu quốc. Vài giờ sau lại có người mang xe đạp của anh giả lại cho anh.
Câu chuyện Xuân Diệu hăng hái, sôi nổi đấu tranh chống bọn Quốc dân Đảng phản động, ai cũng biết và đồn đi các tỉnh. Anh Thép Mới trong bài viết về Xuân Diệu sau khi nhà thơ mất, cũng đã nhắc lại sự kiện trên. Sau buổi biểu tình ấy anh Diệu viết ngay bài thơ châm biếm Một cuộc biểu tình và cho đăng vào báo Độc lập số ngày 24-12-1945. Xin trích sau đây vài đoạn trong bài thơ đả kích ấy:
Bữa kia trong vài phố Hà Nội
Có cuộc biểu tình (nghĩ cũng tội)
Vẻn vẹn đếm được những ba mươi
Linh bảy thằng người đi quấy rối...
Khuyển ưng một lũ sắp mưu gian
Cai quản ít nhiều tên bỉ ổi,
Di qua mấy phố diễn trò hề,
Khiến cả quốc dân đều... bịt mũi!
Biểu tình chi đó? Biểu tình ai
Ai biểu tình, mà lạ nhỉ!
Họ đều như thể... đũa so le,
Bước mạnh như là... người thất chí.
- Bà ơi! Dắt cháu ngó kỳ quan!
- Mợ nó ngừng tay, ra ngắm tí!
Một đoàn nhơ nhuốc mang trên trán
Uể oải há mồm rao bánh rán:
“Tẩy chay tuyển cử” với... nhân dân!
“liên hiệp quốc gia” cùng... “nước bạn”
Vài ông mặc lính bước xa xa,
Hộ vệ đám người đem nước bán.
(Lính nào ăn mặc giả trang kia,
Không phải Việt Nam, thưa các bạn.)
Tẩy chay tuyển cử - Cứ tẩy chay!
Dân Việt Nam tôi cứ tuyển cử!
Quốc gia Liên hiệp... Quốc gia liên...
Những hiệp với ai, ông nói thử?
- Những quân liếm gót sạch bong rồi,
Mới dám anh hùng như thế chứ!
Ai đem máy ảnh chụp giùm tôi!
Nghĩ đến biểu tình mà xấu hổ
Đi như phu bắt phải khiêng đồn,
Kêu tựa làm công cho các chú.
Mấy anh mang súng kèm hai bên
Thỉnh thoảng nhắc vào: - Hô đi chứ!
Chen nhau đông tựa chùa Bà Đanh!
Hăng hái như người đang ngái ngủ!
Thuê người - hỏi thật - mấy quan kim
Gớm! Cứ lòe nhau chi thế, cụ!
(cụ đây là chỉ tên Nguyễn Hải Thần)

Đến tháng 2-1946 bọn phản động Quốc dân Đảng lại có cuộc “vận động” “tổng đình công”, anh Diệu lại có bài thơ châm biếm đả kích chúng. Bài Tổng... bất đình công này đã đăng ở báo Sự thật số ngày 20-2-1946. Xin trích một số đoạn dưới đây:
Tổng đình công hỡi! Tổng đình công
Tướng có, ai ngờ lại hoá không!
Trời hỡi, đất ơi, xin chứng giám
Lấy mo mà bịt mặt cho xong!
Tổng đình công ấy, nghĩ mà thương,
Phố đóng sao mà cửa mờ toang
Tàu điện long cong ra vẫn chạy,
Đồng Xuân ầm ĩ họp như thường!
Tổng đình công hỡi! Tổng đình công!
Dân chúng sao mà xỏ chúng ông
Tưởng chắc được dân nên mới tổng:
Mà dân không được, thế là... tong!
Tổng đình công hỡi! Tổng đình công!
Họ chẳng đình cho, lại họp đông
Tiu nghỉu như mèo tai bị cắt,
Nước bày đem bán, bán không xong.
Một lần tuyển cử phá không xong,
Nay khối nhân dân vẫn một lòng.
Biết trước thôi đành câm miệng hến,
Tổng đình công hỡi! Tống đình công!
Xuân Diệu đối với các nhà thơ trẻ
Suốt đời anh, nhất là từ năm 1954, sau ngày giải phóng miền Bắc, Xuân Diệu luôn luôn theo dõi sự nẩy nở của những tài năng trẻ trong thơ ca, và anh đã tận tình giúp đỡ, hướng dẫn các bạn trẻ làm thơ bằng những nhận xét tỉ mỉ, chính xác về cả nội dung lẫn hình thức sau khi xem kỹ thơ của họ. Những nhận xét của anh rất có lý, rất có tình được các người đồng nghiệp trẻ tiếp nhận một cách sâu sắc mà thoải mái vì đó không phải chỉ là vấn đề tu từ học, mà là câu chuyện đời, câu chuyện sống, câu chuyện tâm thành trong cảm xúc, cùng là câu chuyện chính xác trong ngôn từ dân tộc. Và anh rất công phu sưu tầm cả những bài thơ bích báo của quần chúng đem ra giới thiệu trên các báo và bình luận làm cho nồi bật cái hay, cái nhuần nhị của giọng thơ quần chúng, nghĩa là thơ dân gian mới. Ngay trong kháng chiến chống Pháp anh cũng đã đi hết cơ quan này đến cơ quan khác tiếp xúc với đơn vị bộ đội này và đơn vị khác, và đi vào thôn xã để sưu tầm những bài bích báo, những bài ca dao của quần chúng cơ sở, và anh giới thiệu các bài ấy một cách rất trân trọng trên báo Cứu quốc, và trên tạp chí Độc lập. Có lần anh Xuân Thuỷ đã nói: “Xuân Diệu nhà thơ đa tình, cũng rất chí tình với văn nghệ quần chúng. Xuân Diệu là tri kỷ của nhân dân làm thơ”. Tôi nghĩ không có lời khen nào thấm thía và chính xác hơn sự đánh giá trên đây của anh Xuân Thuỷ. Chính anh Xuân Diệu và Xuân Thuỷ đã cùng chủ trì một cuộc chấm thơ do báo Cứu quốc hồi đó tổ chức (1948). Hai người công phu đọc hàng ngàn bài thơ, bài ca dao, và cũng chọn ra được mấy chục bài để tặng giải và để đăng báo. Chính anh Xuân Diệu cũng tâm sự: “Mình vừa chấm thi, nhưng cũng vừa học được nhiều cái hay trong cách quần chúng làm thơ”. Đó là một thu hoạch rất chân thực của anh hồi đầu kháng chiến. Rất nhiều bạn trẻ (như Vũ Quần Phương, như Nguyễn Bùi Vợi, như Phạm Tiến Duật, như Nguyễn Duy...) đã viết những kỷ niệm về sự tiếp xúc với Xuân Diệu, về việc nâng cao những bài thơ và nghề thơ của mình. Riêng đối với hai nhà thơ thiếu nhi Trần Đăng Khoa và Khánh Chi thì anh Xuân Diệu lại càng chăm sóc tỉ mỉ, gần như một người làm vườn tưới bón cho những cây non mới trồng, cho những mầm mới nhú.
Trần Đăng Khoa, mỗi năm rất nhiều lần đến gặp “chú Diệu” để được nghe chú phân tích cái hay và cái chưa hay trong những bài thơ của mình. Trước hết anh Xuân Diệu tấm tắc phục cái tài làm thơ tưởng như hồn nhiên mà thật ra rất chín về nghệ thuật của Trần Đăng Khoa. Anh và tôi rất quí cậu bé Trần Đăng Khoa, cậu bé nông thôn ở Nam Sách có cái cảm thụ, rất mới, rất lạ, rất tươi về cuộc sống, về thiên nhiên, về quê hương, về con người. Và cũng thấy rõ Trần Đăng Khoa mặc dù còn rất nhỏ tuổi đã biết học vốn cha ông, và biết học những người làm thơ vào tuổi cha chú của mình, và chúng tôi cũng khuyến khích Trần Đăng Khoa đi vào hướng đúng ấy. Còn lúc phân tích cái chất cảm xúc, nội dung tình ý, nội dung cảm giác nữa của những bài thơ, câu thơ. Và anh đã viết nhiều bài giới thiệu thơ Trần Đăng Khoa trên các báo. Nhà điện ảnh nổi tiếng của Pháp là Gérard Guillaume có dựng một phim về Khoa mà thuyết minh là của anh Diệu. Lúc anh Diệu mất đi, Trần Đăng Khoa cũng như nhiều bạn thơ trẻ khác đã khóc nức nở, đau như thắt ruột lại theo lời của các bạn. Chính anh Tố Hữu cũng đã có nhận xét: “Xuân Diệu là người chí tình với giới nhà thơ trẻ, có tấm lòng cưu mang với những mầm non, đó là một cái gương sáng”.
Đới với cô bé Khánh Chi (bây giờ thì đã lớn lắm rồi, và đang học đại học Tổng hợp văn tại Liên Xô) anh Diệu ít có dịp tiếp xúc như với Trần Đăng Khoa nhưng anh cũng đã theo dõi sát sự hình thành của tài thơ Khánh Chi, và anh đã trân trọng viết bài tựa cho tập thơ Gởi gió về cho nội của Khánh Chi do nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản. Khánh Chi và Trần Đăng Khoa đều là hai nhà thơ thiếu nhi có tài nhưng tính cách thơ rất khác nhau. Anh Diệu đã từng nói: “Trần Đăng Khoa là hương hoa nông thôn, còn Khánh Chi là cái lấp lánh của ánh đèn thành thị. Thơ Trần Đăng Khoa sát gần cảm giác, gần cảm xúc, cũng có phần khái quát, nhưng không khái quát cao. Còn Khánh Chi thì cảm xúc đã tổng hợp, và đã khái quát vào trí tuệ”. Đó là nhận xét của “chú X.D”.
Những tháng ngày tôi đi thâm nhập thực tế ở vùng mỏ Hòn Gai - Cẩm Phả
Tháng 8 năm 1958, sau cuộc tổng kết đấu tranh chống bọn Nhân văn giai phẩm, có chủ trương văn nghệ sĩ đi thâm nhập thực tế cuộc sống sâu hơn và bền hơn. Tôi xin đi về vùng mỏ than Hòn Gai - Cẩm Phả vừa là để chỉ đạo phong trào văn hoá văn nghệ tại tỉnh Quảng Ninh, và vùng mỏ, vừa là để tìm hiểu sâu hơn cuộc sống của công nhân mỏ. Giữa tháng 8, sau khi tiếp xúc với Tỉnh uỷ, Uỷ ban tỉnh, với Ty văn hoá, với ban giám đốc và công nhân ở thị xã Cẩm Phả, tôi về nhà bác Dậu. Bác Dậu đã có tuổi nhưng cũng còn làm việc ở trong một Xường của mỏ, còn hai người con trai của anh Hưng và anh Hợp đang tuổi trai tráng làm công nhân cuốc than vào loại có năng suất cao, và em gái tên là Gái thì làm công nhân xúc than ở trong nhà sàng than. Còn người anh cả thì làm công tác bảo vệ mỏ Đèo Nai, vợ anh cũng là công nhân ở trong nhà sàng than. Tôi ăn ở nhà bác Dậu, hoàn toàn như người trong gia đình, cùng ăn cơm với gia đình, không có gì là thức ăn làm riêng cho tôi, và ngủ thì tôi ngủ chung giường với anh Hợp. Tắm rửa, thì nhà có một cái giếng rất trong bên cạnh mấy bụi mía và một cây chanh, tha hồ tắm giặt một ngày mấy bận cũng được. Mà thật ra phải tắm rửa nhiều, ít nhất là một ngày hai lần, vì mỗi lần lên tầng mỏ về áo quần đầy bụi than và bụi đường.
Tôi được bố trí làm công nhân cuốc than cùng một tổ với anh Hợp, cứ mỗi buổi sáng hai anh em lại ăn sáng thật sớm rồi ra bến xe ở gần xưởng cơ khí để xe cam nhông chở chúng tôi lên tầng than Đèo Nai. Xe thì cao tôi thì thấp, leo lên thành xe cũng khá vất vả nhưng mấy ngày là quen dần. Đứng trên xe khá chật, nên dù xe lên đèo có lúc lắc nhiều, nhưng cũng không phải chao đảo lắm, và cũng không chóng mặt. Tôi lại còn cái thú là đứng trên xe nhìn xuống thị xã Cẩm Phả rất đẹp với những mái ngói đỏ chêm giữa những lùm cây xanh tốt, và xa xa ngoài kia là vịnh Bái Tử Long. Con đường đi lên đèo hơi dốc, nhìn ra cảnh mấy phía đều ngoạn mục, nhất là lúc đó đã vào mùa thu, nắng hanh vàng rất đẹp. Lên đến tầng than của chúng tôi, tôi được phân công xúc than cho vào những chiếc goòng phải xúc luôn tay vì các xe goòng nối tiếp nhau chuyển than ra máng than. Những anh công nhân đào than (gọi là khao than) thì đứng trên cao vỉa than đào xuống bằng những cái choàng to và nặng, các anh rất khéo cho choàng vào những điểm thích hợp làm cho mỗi lần choàng đào vào là từng mảng than lớn đổ xuống, có khi có những khối than to bằng cái chum lăn xuống.
Mấy ngày đầu tôi xúc than chưa quen, cứ lấy hết sức hai tay mà nâng cái xẻng to đầy than cho than lên goòng, khá mệt. Nhưng sau đó tôi đã bắt chước các anh chị công nhân lấy bắp đùi làm điểm tựa mà hất cái xẻng than vào goòng thì vừa nhẹ, vừa nhanh, năng suất khá cao. Tất nhiên là vẫn còn mệt, và mặc dù mùa thu đã se lạnh, mà vẫn toát mồ hôi. Nhưng chỉ hơn một tuần là tôi đã thạo công việc xúc than, có thể nói là cái nghề xúc than của tôi. Và cuối tháng, họp trong tổ công nhân, mặc dù tôi không ăn lương của mỏ, nhưng cũng được xếp hạng vào loại công nhân có năng suất trung bình, nghĩa là ăn lương tháng 70 đồng (loại kém chỉ được 40-50 đồng, loại giỏi thì có thể được 90-100 đồng). Buổi trưa, cũng như anh Hợp tôi mang cà mèn cơm và thức ăn đi theo, ăn trưa tại mỏ, trong một cái lán che lá hoặc che vải bạt cùng với tất cả anh chị em công nhân cùng tầng. Cơm trưa có chút cá kho, đôi khi có cả tầu xì (là một thứ đậu muối mặn và hơi chua, là thức ăn quen thuộc của người Hoa kiểu sống ở mỏ).
Hoạ hoằn lắm, mẹ anh Hợp mới cho vào cà mèn của anh và của tôi vài miếng thịt kho. Nhưng không biết có phải vì đói không mà tôi ăn những bữa cơm trưa trên Đèo Nai rất ngon, và uống nước gạo rang trong cái thùng ở lán cũng rất ngon. Ăn trưa xong chúng tôi nghỉ một lát, không đủ thì giờ để ngủ trưa (nhưng thường ở nhà tôi vẫn ngủ 15-20 phút chỉ ngồi dựa vào cái cột tre của lán thiu thiu một chốc. Đến 1 giờ chiều, chúng tôi lại tiếp tục ra vỉa than, người thì khao, người thì xúc. Cũng có lúc tôi đổi việc, đi đẩy xe goòng chở than đến máng than, công việc tường nhẹ, nhưng cũng phải cật lực mới đẩy xe chạy nhanh theo nhịp độ cần thiết được. Khoảng 4 giờ chiều, chúng tôi lại lên xe tải để về dưới phố Cẩm Phả. Lại một dịp cho tôi ngắm toàn cảnh mỏ Đèo Nai, và thị xã Cẩm Phả, cùng vịnh Bái Tử Long trong nắng chiều vàng, cái cảnh tôi được ngắm hàng ngày đó được thể hiện trong nhiều bức tranh (sơn mài có, sơn dầu có) của các hoạ sĩ đã về thâm nhập vùng mỏ. Hàng ngày, sau bữa cơm chiều cùng với gia đình bác Dậu, tôi đi thăm các gia đình công nhân, tìm hiểu đời sống vật chất của họ, và nhất là quá trình làm thợ mỏ của mỗi người. Có khi tôi còn được các bác, các anh chị công nhân tâm sự cho tôi nghe cả chuyện nhà cả chuyện riêng tư từ lịch sử gia đình cho đến lịch sử của mỗi lứa đôi. Chính trong những buổi tiếp xúc thân mật, thân tình ấy, mà tôi đã được hiểu cặn kẽ cuộc đời của anh Tài Lạc, của anh Phòng, của bác Sự, của bác Xướng, của chị Bồi, của chị Tâm, của anh Hợp và của rất nhiều người nữa. Tôi cũng được tiếp xúc với nhiều công nhân đã từng tham gia đấu tranh trong thời kỳ Pháp còn tạm chiếm vùng mỏ, như bác Phở Cầu, như gia đình của 5 người con gái anh hùng Cẩm Phả. Tôi cũng được tiếp xúc với những người thân thuộc của anh Điều mù... Có lúc tôi ngồi nói chuyện đã hơi khuya (khoảng 10 giờ tối) muốn xin phép về, thì bà con giữ lại nói chuyện và tâm sự thêm. Bà con cũng biết tôi làm công tác gì, và nghe mang máng là tôi làm thơ, nhưng dần dà bà con thấy tôi thân tình và gần gũi như người nhà nên có khi còn nhắn tôi đến nói chuyện, nhất là những ngày chủ nhật mà bà con được nghỉ. Cũng một số lần, các bác, các anh chị còn mời tôi ăn cơm với gia đình, cũng có khi tôi từ chối được, nhưng cũng có trường hợp không thể nào không dự bữa cơm thân tình đó.
Anh Hợp rất nhanh chóng trở thành người anh em của tôi thật sự anh xem tôi như anh em ruột thịt, nhắc tôi đi làm như bạn cùng nghề, chia với tôi cái chăn bông như anh em ruột. Công nhân ở mỏ có người đã hai ba đời là công nhân, nhưng cũng khá đông là mới ở các tỉnh về bổ sung vào đội ngũ. Số khá đông là người từ Thái Bình, Nam Định ra đây, kể cả công nhân mấy đời hoặc công nhân mới vào vùng mỏ.
Cũng có nhiều công nhân Hoa kiều, ở đây đã lâu đời và họ làm việc rất chăm chỉ, rất có năng suất, có người đã được tuyên dương anh hùng lao động (anh Hồ Xây Dậu). Tôi cũng đã đến thăm mấy gia đình công nhân Hoa kiều, bà con cùng nói chuyện tâm sự với tôi, kể cả chuyện lo dựng vợ gả chồng cho con. Bà con Hoa kiều sống khá hoà nhập vào cộng đồng người Việt Nam tại mỏ. Trong thời kỳ tôi đi xâm nhập vào thực tế cuộc sống ở vùng mỏ, báo Nhân dân có đưa tin, và có đăng một cái ảnh của tôi đang xúc than ở Đèo Nai. Thế là có mấy tờ báo của bọn nguỵ ở Sài Gòn đưa tin xuyên tạc, và bảo rằng “nhà thơ Huy Cận chắc là không được lòng lãnh đạo cộng sản nên đã bị đày ải đi làm phu mỏ ở Hòn Gai....
Tất nhiên là tôi không cần cải chính, mà báo Nhân dân thì cải chính gián tiếp bằng cách đăng nhiều bài thơ của tôi viết về vùng mỏ lúc đó... Sau mấy tháng đi lao động ở vùng mỏ về, tôi có được gặp Bác Hồ trong một cuộc Bác gặp chung nhiều văn nghệ sĩ khác đi thực tế các nơi về. Bác bảo “chú đưa tay tôi xem!” Và Bác sờ thấy có chai khá dày ở trong bàn tay thì Bác cười: “Có lao động thật đó, chú xúc được nhiều than, và làm được nhiều thơ, thế là tốt”. Đến lúc bài thơ của tôi nhan đề là Năm người con gái anh hùng Cẩm Phả đăng lên báo Nhân dân, được Bác xem, thì Bác gởi ngay 5 huy hiệu của Bác về cho Uỷ ban thị xã Cẩm Phả để tặng 5 gia đình đã có 5 người con gái hy sinh oanh liệt tại mỏ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Cùng đi về mỏ trong một chuyến với tôi có các nhà thơ Khương Hữu Dụng, anh Huy Thành đạo diễn điện ảnh, anh Lê Thọ Vụ trưởng Vụ đào tạo của Bộ Văn hoá có cả anh Phạm Chính trưởng ty văn hoá Quảng Ninh và mấy anh em khác trong Ty. Chúng tôi hội ý đều với nhau về công tác văn hoá văn nghệ quần chúng tại mỏ cùng anh Đặng Trần Nhân phụ trách công tác văn hoá trong công đoàn mỏ. Còn anh Khương Hữu Dụng thì không phải hội ý, mà là “hội thơ”, vì mỗi lúc làm được bài thơ mới, chúng tôi lại đọc cho nhau nghe, và góp ý góp từ cho bài thơ... Trong mấy tháng (gần 4 tháng) tôi ở mỏ, có tranh thủ đi thuyền ra Vịnh Hạ Long, và ra mấy hòn đảo ở trong vịnh. Những ngày tháng tôi sống ở mỏ Hòn Gai - Cẩm Phả là những ngày tháng đẹp trong đời tôi. Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với giai cấp công nhân của ta, không những bằng những câu chuyện thăm hỏi, mà bằng cả lao động hàng ngày với họ. Những tình cảm mà tôi nhận được là như tình cảm bà con ruột thịt và những tình cảm mà tôi có được trong lòng cũng là những tình cảm ruột rà thân thích đối với những người mà thật tình tôi thấy như là anh em máu mủ của tôi. Tôi sống và lao động ở mỏ với tất cả cái hào hứng của một nhà thơ, của một cán bộ muốn đi sâu vào phong trào quần chúng, của một con người vốn ham giao thân với nhiều người khác, ham kết bạn với những con người chân thực, với những tấm lòng bè bạn. Đối với tôi việc lao động ở mỏ, việc làm thợ mỏ trong mấy tháng không có gì là khó khăn, không có gì là phải cố gắng, một phần có lẽ nhờ tôi có sức khỏe, nhưng một phần chính là nhờ cái lòng hào hứng, lý thú vừa nói trên kia.
Mấy tháng đó tôi đã có một đợt sáng tác mới, rất mới đối với tôi. Tôi đã viết được mấy chục bài thơ về cuộc đời của công nhân mỏ, về lao động ở mỏ, về cái không khí, có thể nói là hào khí bắt đầy xây dựng chủ nghĩa xã hội ở vùng công nhân tập trung này. Những bài thơ ấy đã in trong tập thơ Trời mỗi ngày lại sáng (15 bài về mỏ in ở đầu sách) (xuất bản cuối năm 1958), và còn in tràn sang tập thơ sau Đất nở hoa (xuất bản năm 1960).
Những bài Anh Tài Lạc, Năm người con gái anh hùng Cẩm Phả, Bác Phờ Cầu, Chuyện anh Phòng đấu tranh, Vệt lá trên than, Thu về trên Đèo Nai, Đoàn thuyền đánh cá, Sập lò cái đá, Tiếng sào anh Điều mù, Mưa xuân trên biển, Một đêm thức trong mưa bão,... đều được viết tại nhà bác Dậu, có khi viết trên tầng than Đèo Nai... Khi tôi ở vùng mỏ về, anh Tố Hữu và các bạn thơ đều mừng cho tôi “được mùa thơ mới”, anh Tố Hữu còn nói thêm “Thơ xã hội chủ nghĩa là đây đây. Tôi rất biết ơn vùng mỏ, anh chị em công nhân mỏ đã gieo cho tôi và giúp tôi gặt mùa thơ mới mẩy hạt ấy”.

Tôi đi nghe hát chèo ở Hoài Đức
Cuối năm 1940 trời đã lạnh, một hôm Khái Hưng rủ tôi và Tú Mỡ, Thế Lữ đi nghe hát chèo tại phủ đường của phủ Hoài Đức, nơi mà Trần Tự, em ruột của Khái Hưng, làm tri phủ hồi đó. Tôi ra Hà Nội đã xem hát chèo một vài lần ở rạp chèo của ông Nguyễn Đình Nghị ở phố Hàng Quạt, nhưng xem chèo ở nông thôn Bắc Bộ thì chưa bao giờ.
Tối hôm đó, tại phủ đường, một gánh chèo ở nông thôn được Trần Tự mời đến cũng chỉ diễn những trích đoạn của mấy vở chèo truyền thống: Suý Vân giả dại, Quan âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, cốt là để chúng tôi nghe các làn điệu thưởng thức cái giọng nghe nói là đặc sắc của mấy đào, kép quanh vùng. Tất nhiên là ông phủ và chúng tôi cùng xem kỹ, xem tận mắt và tận mặt những trò độc đáo của đào kép, những “miếng” chèo độc đáo của gánh chèo này. Sân khấu diễn cũng là mấy chiếc chiếu cạp điều trải trên nền phủ đường, nơi quan phủ Trần Tự thường ngồi xử kiện. Khái Hưng giải thích cho tôi biết đó là cốt phục hiện đúng cung cách diễn chèo truyền thống ở các đình làng xưa. Và Khái Hưng cũng dẫn giải cho tôi hiểu sâu thêm các làn điệu chèo và cái hay trong cách diễn xuất của mỗi đào, kép, đặc biệt là anh đã bình luận kỹ cho tôi nghe về các vai hề, và về tiếng trống đế trong chèo. Buổi biểu diễn kéo dài đến khuya và ông phủ Trần Tự mời cả gánh chèo ở lại ăn cháo gà, và “thường” cho gánh một số tiền tôi không biết là bao nhiêu. Chúng tôi cũng được ăn cháo gà, và còn ngồi nói chuyện thơ văn một lúc rồi mới lên xe về Hà Nội. Về sau tôi xem cái truyện ngắn Dọc đường gió bụi của Khái Hưng, tôi rất thích thú, vì anh tả cái say mê nghệ thuật của đào Mơ và của tất cả gánh chèo một cách rất thấm thía, rất sâu đầy cảm tình với môn nghệ thuật dân gian truyền thống của cha ông. Cô đào Mơ là một hình ảnh đẹp còn lưu lại trong trí nhớ của tôi, nói lên một sự gắn bó với cái gì là vốn cổ của cha ông, với cái gì là cảm xúc mộc mạc mà đằm thắm của đồng bào ta ở nông thôn trong xã hội cũ. Sau này, trong nhiều năm làm công tác chỉ đạo nghệ thuật, cùng anh em chăm lo phục hồi và nâng cao luôn nghệ thuật chèo, tôi vẫn không quên ấn tượng về cô đào Mơ.

Viết thêm về tập hồi ký Đi hoang của Tịnh Hà
Một đoạn trên tôi đã kể về nỗi thương tâm lớn của anh Diệu là số phận long đong của Tịnh Hà, em cùng cha cùng mẹ của anh, và tôi cũng đã nói qua về tập hồi ký Gió cuốn bụi đời (Đi hoang) của Tịnh Hà.
Nay tôi xin chép vào đây lời tựa của chính anh Tịnh Hà viết cho tập hồi ký của mình, tựa viết tại Sài Gòn ngày 15-7-1942:
“Không hiểu vì sao, hễ cứ chiều đến, và mỗi một cơn gió bắc hay làn gió nam, thì tôi lại thấy lòng tôi buồn thấm thía, cái buồn ăn sâu vào tâm khảm.
Nhưng cũng có một chỗ trống trải, một chỗ đáng để cho tôi ghi nhớ suốt đời, vì tôi là một kẻ không có gia đình, đời sống lẻ loi, cô độc.
Thượng đế đã làm cho tôi như thế. Từ vật chất đến tinh thần tôi hoàn toàn là một nạn nhân của đau khổ. Tôi đã nhiều phen nuốt lệ, để gượng cười mà cảm ơn Thượng đế, Thượng đế đã thương tôi và đã đào tạo một hột cát nhỏ bay từ chỗ này sang chỗ khác, mỗi khi gặp một trận bão lòng lôi cuốn.
Nhưng tôi đã hiểu đời tôi như thế tôi cũng gắng mà đi theo ngày giờ vàng ngọc mà tôi đã phí bỏ trong 7 năm trường. Tôi sẽ thuật lại đời gió bụi của tôi, lăn lóc trong 7 năm qua, tôi sống cực, sống tủi để xem đời và hiểu đời. Than ôi! Đến nay vẫn còn nửa cuộc đời tôi còn lại dài lắm, và càng khổ nhiều hơn nữa, nhưng tôi phải ngượng tiến bước, và tiến lên nữa, tuy rằng, đến đây tôi thấy thân hình tôi đã tiều tuỵ và yếu đuối lắm rồi.
Các bạn đời của tôi ơi! Các bạn hãy đọc cho thật kỹ và phải có hiếu để tránh những lỗi sai lầm, lỡ bước như tôi”.
Đó là lời tựa. Tôi sẽ cùng Tịnh Hà xem kỹ lại tập hồi ký Đi hoang, giúp Tịnh Hà sửa sang lại chút ít chủ yếu không phải là trau chuốt câu văn, và sắp xếp lại các sự kiện cho có mạch lạc, và chính xác hơn nếu có đôi chỗ còn chưa rõ. Còn sự chân thực của hồi ký thì phải giữ nguyên.

<< Tập 2- J | Tập 2- L >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 572

Return to top