Thăm lại Nguyễn Gia TríTrên kia tôi đã kể liền sau ngày giải phóng Sài Gòn, tôi và anh Diệu đã đến thăm hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí ở một phố hẻm đối diện với chùa Vĩnh Nghiêm.
Ngày 2-9-1987 vừa rồi, tôi trở lại thăm Nguyễn Gia Trí, tôi rủ anh Diệp Minh Châu cùng đi với tôi. Nguyễn Gia Trí từ trong cửa hỏi kỹ tên người đến thăm rồi mới chịu mở cửa. “Huy Cận đây mà?”. Nghe tiếng tôi, anh mở cửa ngay. Anh đã yếu lắm rồi, nhưng đôi mắt vẫn tinh anh, và hàm răng anh vẫn còn biểu hiện một ý chí mạnh mẽ như ngày nào. Tôi hỏi anh có còn tiếp tục vẽ không, thì anh cho biết cách đấy hơn một năm anh bị ngã gãy chân trong lúc ngắm xem một miếng gỗ đẹp nhằm làm sơn mài. Sau khi bó bột lành chân anh không đứng vẽ được nữa. Tôi đọc anh nghe đoạn hồi ký kể anh vẽ chân dung Xuân Diệu theo trí nhớ thì anh nói: “Tôi có tài đến thế kia à”... Tôi hỏi anh: “Sống có vất vả lắm không?” thì anh mỉm cười trả lời: “Nhà thơ hỏi câu ấy làm gì!”. Câu trả lời hóm hỉnh đầy lòng tự trọng của anh làm tôi càng ái ngại cho cảnh sống của anh..
Anh Như Phong đến thăm chúng tôi ở 61 Hàng BôngTôi nhớ khoảng sau Tết 1944, anh Như Phong một hôm chủ nhật đến thăm anh Xuân Diệu và tôi trên gác 61 Hàng Bông. Ngồi nói chuyện lân la một lúc, tôi mới hiểu ý anh muốn rủ chúng tôi vào một đoàn thể văn hoá, mục đích là bảo vệ văn hoá dân tộc và phấn đấu cho độc lập của đất nước. Ý anh nói xa nói gần, nhưng sau này tôi hiểu là vận động chúng tôi vào Hội văn hoá cứu quốc lúc đó mới thành lập. Về phía tôi, tôi cũng nói cho anh ngầm hiểu rằng tôi cũng đã tham gia một tổ chức yêu nước, và đang hoạt động trong đám anh em sinh viên và trí thức ở Hà Nội. Nghĩa là tôi cũng muốn vận động anh cùng hoạt động Việt Minh với tôi nhất là trong đám trí thức đang cần có những người trí thức giác ngộ bắt mối, xâu chuỗi. Hai người hiểu nhau như vậy, cùng cười và nói chuyện văn chương tôi có đọc cho anh nghe bài Giọt lệ Hoàng Mai (có in trong tập Hồi ký này), một bài văn nói lên tâm trạng yêu nước đau xót của tôi khoảng năm 1941-1942. Anh Như Phong cũng nói chuyện với chúng tôi về những dự định văn chương của anh, nhất là những bút ký anh định viết về văn hoá văn nghệ dân tộc, về đất nước quê hương. Vài năm trước anh đã cho xuất bản một tập bút ký, nay có lẽ anh viết tiếp theo cái mạch ấy và mở rộng vấn đề ra. Về sau, có lẽ vì anh bận việc, nên tôi không thấy anh hoàn thành tập bút ký mà anh nói chuyện với tôi hôm ấy. Trong buổi gặp nhau trên gác phố Hàng Bông, anh Diệu và tôi cũng có nói nhiều với anh Như Phong về sự cần thiết phải bảo vệ văn hoá dân tộc, cổ vũ thanh niên trí thức trau dồi tiếng Việt phát huy vai trò của tiếng Việt trong mọi mặt đời sống xã hội, vì lúc đó chúng tôi đã thấy một bọn người sau khi xu nịnh thực dân Pháp, đã lại chạy theo xu nịnh phát xít Nhật và om xòm ca ngợi văn hoá, văn nghệ Nhật. Sau này anh Như Phong mấy năm làm giám đốc Nhà xuất bản Văn hoá, tôi lại có dịp tiếp tục bàn với anh vấn đề khai thác và phát huy vốn văn nghệ tốt đẹp của cha ông. Cũng trên tinh thần ấy, mà nhà xuất bản đã liên tiếp cho tái bản những tác phẩm của Nguyễn Du và các nhà thơ cổ điển khác.
Lần đầu tiên thăm làng Bát TràngCuối năm 1940, một hôm chủ nhật, trời rét ngọt một nhóm sinh viên chúng tôi rủ nhau đi thăm làng Bát Tràng, làng làm gạch và làm đồ gốm nổi tiếng nằm bên kia sông Hồng. Trong số đi thăm hôm ấy có cả sinh viên luật học, y học, canh nông, người Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ đủ cả. Cùng đi với chúng tôi có chị Phùng Thị Duy Cúc, lúc đó học nha khoa, bây giờ là nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị khá nổi tiếng ở Paris. Tất cả chúng tôi ai cũng thuộc mấy câu ca dao:
Trên trời có đám mây xanh,
Ở giữa mây trắng xung quanh mây vàng.
Ước gì anh lấy được nàng,
Thì anh mua gạch Bát Tràng về xây.
Xây dọc rồi lại xây ngang,
Xây hổ Bán nguyệt cho nàng rửa chân,
Có rửa thì rửa chân tay,
Chớ rửa lông mày, chết cá ao anh.
Buổi sáng hôm ấy không những trời rét, là lại hơi âm u, gió sông thổi vào làng từng đợt gió lạnh buốt. Sau khi đi xem các lò gạch và gốm, chúng tôi có tập hợp nhau lại ở đình làng để nói chuyện. Anh chị em biết tôi là nhà thơ bảo tôi nên nói một mẩu chuyện gì về văn chương, văn hoá đất nước. Tôi không được chuẩn bị nhưng cũng nói vo câu chuyện về sự tiến hoá của tính tình người Việt Nam trong quá trình mở mang đất nước trong quá trình Nam tiến. Câu chuyện của tôi xoáy cái ý chính sau đây: dân tộc ta cũng như một người đi đường xa, lúc ra đi trên vai mang một tay nải nặng, dần dần bỏ bớt vài thứ cho nhẹ gánh, nhưng dọc đường lại gặp nhiều của quý lại cho vào tay nải, vốn lại giàu thêm, cứ thế cho đến cuối đường đã trở thành một người giàu có mà cái vốn ban đầu mang đi vẫn còn gần như nguyên.
Những đức tính, những tính tình của dân tộc ta trên đường Nam tiến, cũng được bổ sung dần, nhiều đức tính mới, tốt đẹp làm giầu thêm những đức tính cố hữu. Cuộc sống mấy mươi thế kỷ của dân tộc ta là một sự phát triển hài hoà, thêm mà cũng củng cố thêm cái vốn tinh thần cố hữu của dân tộc. Ý này về sau tôi đã viết lại kỹ hơn trong tập bút ký Tao phùng (1942).
Tôi bị ngã ngựa ở Việt Bắc
Tháng 6-1954, một buổi tối tôi đi họp Hội đồng Chính phủ về, thì cách nhà lán khoảng 300 thước tôi đã lên tiếng gọi em Kiên, người phục vụ tôi, ra đón.
Tôi cưỡi một con ngựa trắng, cao hơn con ngựa xích thố mà tôi đã kể trong một đoạn trên. Con ngựa này cũng tương đối hiền, đi qua đèo qua suối theo nhịp độ mà tôi muốn, chứ không chạy ào hay là phi theo ý muốn của nó có khi rất nguy hiểm nhất là khi đi qua rừng nứa. Như thường lệ hôm ấy ở Hội đồng Chính phủ về trên vai tôi mang một chiếc ba lô chất đầy tài liệu và vài quyển sách tôi mang theo đọc, lại kèm mấy củ sắn tươi mà bà con gần nơi họp biếu tôi. Con ngựa thủng thẳng đi về phía nhà lán tôi ở thì em Kiên mang chiếc đèn bão ra đón. Thế là ngựa gặp đèn đưa ngang lên tầm mắt nó, bị choáng váng và nó nhảy lồng lên, hất tôi lên cao cả người và ba lô rồi tôi rơi bịch xuống đất, rơi trong tư thế ngồi, ba lô vẫn dính trên lưng. Tôi đau điếng, tưởng như có thể ngất đi được, và kêu to một tiếng “Chết anh rồi Kiên ơi!”.
Con ngựa sau khi hất tôi lên, cũng đứng yên tại chỗ ngoảnh về phía tôi. Còn em Kiên thì hoảng sợ và gọi người ra cứu tôi. Mấy anh em văn phòng hội đồng Chính phủ ra nhấc tôi dậy, tôi đau buốt quá, như là trụn xương sống, anh em phải lấy tấm ván đặt tôi nằm lên và khiêng tôi vào nhà lán. Tôi vẫn tỉnh táo nhưng hết sức đau nhức, và phải nằm yên, cựa bên trái hay bên phải đều đau nhói. Thế là tôi phải nằm dính ván hơn một tuần, ăn uống thì đã có em Kiên chăm sóc, bữa ăn cơm, ăn cháo. Đồng chí y tá của cơ quan có cho mọi thứ thuốc bóp và tiêm thuốc giảm đau cho tôi. Anh em có báo cáo với Bác Hồ là tôi bị ngã ngựa đau, Bác liền bảo anh Trường (hoặc anh Kháng, tôi không nhớ rõ) đem cho tôi một mẩu mật gấu để hoà tan trong rượu vừa uống vừa xoa bóp chỗ đau. Nhờ thế mà sau mấy hôm tôi đỡ đau hẳn, và bác sĩ Chánh khám cho tôi thì cũng thấy không có vết thương, chỉ là một dây thần kinh bị chèn do xương sống dồn mạnh lúc tôi ngã từ cao xuống. Lúc bấy giờ phái đoàn chính phủ ta đi dự hội nghị Giơ-ne-vơ về vấn đề chiến tranh Đông Dương, về vấn đề lập lại hoà bình ở Việt Nam, sắp lên đường. Tôi đỡ đau, cũng đi rất thong thả, đến chào anh Tô (tức là Thủ tướng Phạm Văn Đồng) và cũng để nghe anh dặn dò công việc ở nhà (vì lúc đó tôi là thứ trưởng Tổng thư ký Hội đồng Chính phủ). Anh Tô cũng cho tôi một mẩu cao hổ cốt để uống cho lành hẳn chỗ đau... Từ đó cho đến lúc về Hà Nội, tôi thấy không có biến chứng hay dị tật gì do ngã ngựa cả. Nhưng đến mùa thu 1956, tôi thấy hơi đau nhức trở lại, tôi gặp bác sĩ Tôn Thất Tùng; sau khi khám xét và chiếu X quang, anh cho tôi nằm bệnh viện Phủ Doãn (tức là bệnh viện Việt Đức) tiêm các thứ thuốc cần thiết, nhất là thứ thuốc bồi lại dây thần kinh trước đây bị chèn. Với đợt nằm bệnh viện hơn 2 tuần này, tôi khỏi đau hẳn, và lại được lãi mười mấy bài thơ mà thi hứng đến với tôi trong những đêm nằm một mình tại bệnh viện. Những bài thơ này tôi đã chọn lọc lại và cho in một số vào tập thơ Trời mỗi ngày lại sáng (xuất bán cuối năm 1958). Cùng nằm bệnh viện với tôi lúc đó có anh Tôn Thất Phùng và chị Thoa thường hay đàm đạo văn thơ với tôi vào những buổi chiều, sau giờ ăn cơm. Câu chuyện với những người tri kỷ, tri âm cũng khuyến khích tôi làm thơ, trong cái đà tôi trở lại sáng tác dồi dào, hào hứng trước cuộc sống mới. Cũng xin nói thêm, là sau lần ngã ngựa ấy, tôi vẫn đi công tác tại Việt Bắc bằng ngựa, chỉ có điều là đi càng cẩn thận và dặn em Kiên ra đón tôi lúc trở về thì đừng cầm đèn. Con ngựa trắng của tôi, hình như nó cũng hiểu là tôi đã bị ngã đau, nên nó đi càng chậm rãi, và những lúc lên dốc nó không chạy còn tôi thì tôi bám thật chặt vào bờm ngựa và hai chân kẹp chặt bụng ngựa. Đến đầu tháng 10-1954, tôi cùng một số anh em trong Chính phủ ra bến đò Bình Ca để xuôi thuyền về Sơn Tây (trước khi về Hà Nội), thì tôi giao lại con ngựa trắng cho anh em văn phòng còn ở lại thu xếp công việc, về sau. Tôi còn nhớ rõ lúc tôi rời cái nhà lá ra đi, và chào con ngựa của tôi thì nó dẫm hai chân xuống đất một lúc rồi hý lên: không biết đó là một phản xạ ngẫu nhiên của nó hay là thứ tình cảm “khuyển mã chi tình” mà nó thể hiện bằng ngôn ngữ riêng biệt của nó. Dầu sao tôi bước ra đi, từ giã Việt Bắc để về Thủ đô với hình ảnh lưu luyến của con ngựa trắng đã bao năm tháng cùng tôi băng rừng, leo đèo, lội suối trong lòng thấy ngùi ngùi, xúc động.
Tôi bị xuất huyết nặng ở đáy mũi cuối năm 1974
Đầu tháng 11-1974, có “đoàn văn công giải phóng” ở bưng biền miền Nam ra Hà Nội tập huấn, để chuẩn bị đi biểu diên ở các nước anh em. Đoàn do anh Mười Đờn phụ trách và do anh Lưu Hữu Phước lãnh đạo về chính trị và nghệ thuật. Tôi phải làm việc trực tiếp với đoàn trong vài tuần, đêm nào cũng họp cũng bàn tỉ mỉ từng tiết mục, có khi rất căng thẳng vì những sự tinh tế của nghệ thuật đã đành, mà cũng một phần do những sự xung khắc tinh tế giữa những người chỉ đạo nghệ thuật nữa. Tóm lại sự căng thẳng ấy kéo dài hàng đêm, làm tôi mất ngủ và huyết áp đột ngột lên cao mà tôi không biết, và một buổi chiều tôi thấy máu chảy ộc ra ở mũi thì tôi tưởng là máu cam, lấy bông dịt lại. Qua đêm máu vẫn ri rỉ chảy, và sáng hôm sau tôi vẫn cố gắng ra nhà hát thành phố nói chuyện với anh em trong đoàn về cách tu chỉnh, nâng cao các tiết mục trước khi đoàn đi.
Tôi đang nói thì máu lại ộc ra ở mũi, tôi lấy mu xoa lau thì ướt thấm cả mu xoa. Anh em phải đem tôi vào bệnh viện Việt Xô ngay. Vào bệnh viện tôi vẫn chủ quan, cho là một sự chảy máu thường, tiêm thuốc cầm máu là khỏi. Nhưng đến khi bác sĩ Phúc xem xét kỹ, mới thấy đây là một sự xuất huyết khá nặng do đứt một mạch máu ở đáy mũi bên phải, mà sự đứt mạch máu là do huyết áp lên cao quá đột ngột. Bác sĩ Phúc còn nói: “May lớn cho anh. Nếu không đứt mạch máu ở đáy mũi mà đứt một mạch máu não thì không còn nhà thơ Huy Cận!”. Tôi nghe vậy, hơi chờn, nhưng cũng tin vài ngày sẽ khỏi. Bác sĩ Phúc cho bông thấp thuốc cầm máu vào mũi tôi, rồi nhét một sợi gạc dài gần 3 tấc; bông và gạc nhét vào căng và tức trong mũi, gây đau nhức lên đầu.
Thế là tôi phải nằm yên và thở bằng miệng. Hai mươi bốn giờ sau, bác sĩ kéo nhẹ sợi gạc ra thì thấy máu vẫn chưa cầm, nhưng tôi vẫn bình tĩnh, cho là vài ngày sẽ đâu vào đấy Anh Diệu và vợ tôi vào thăm tôi hàng ngày, vợ tôi có ngày vào hai lần mang một ít thức ăn bổ sung, và nhất là ngồi trông nom tôi hàng giờ để cho tôi ngủ yên, có tối đến 9, 10 giờ vợ tôi mới ra về. Chính trong những ngày nằm bệnh viện này tôi đã viết được “Chùm thơ làm trong bệnh viện” mà anh Diệu rất thích (những bài thơ này đã in một số vào trong tập Ngày hằng sống, ngày hằng thơ và tập Ngôi nhà giữa nắng.
Sau một tuần, máu vẫn không cầm, tôi bắt đầu hoang mang; lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy hơi chờn trước cái chết có thể đến. Những năm tôi đi vào khu 4 khói lửa, suýt bị chết rất nhiều lần ở Vĩnh Linh, ở Quảng Bình, ở cầu Hàm Rồng mà chưa bao giờ tôi có cảm giác hoảng sợ trước cái chết lướt bên cạnh mình. Nhưng lần này thì khác. Một đêm, đã khuya tôi bừng tỉnh dậy, thì thấy cả cái gối ướt đẫm máu, và tôi bắt đầu sợ. Nhưng tính nào tật ấy, tôi gọi bác sĩ đến dịt bông và băng cho tôi tiêm thuốc cầm máu nữa, nhưng trong đầu lại thảo một bài thơ. Đó là bài Hạt lại gieo, xin nhắc đây mấy câu nói lên cái tâm trạng đêm hôm ấy:
Anh nghỉ làm thơ để máu cầm
Máu ơi, ở lại chớ ra dầm
Máu là thế giới trong ta đó
Chớ để ta nằm với lặng câm
Yêu nữa yêu rồi đâu hết yêu
Cuộc đời như miếng đất phì nhiêu
Trồng bao nhiêu vụ còn tươi tốt
Hạt gặt xong rồi, hạt lại gieo
Rồi một ngày kia giã cõi này
Xin cho gieo hết hạt trong tay
Chứ tay còn nắm, chưa vơi hạt
Mà phải ra về, cực lắm thay!
Nỗi tiếc nuối còn dào dạt suốt cả chùm thơ bệnh viện, tôi xin kể thêm một hồi sau...
Hai lần thăm Kim Tự ThápTháng 2-1962, tôi dự Đại hội nhà văn Á Phi tại Cairo, thủ đô Ai Cập; vào tháng 7 năm ấy tôi lại sang Cairo để dự lễ quốc khánh Ai Cập. Cả hai lần tôi đều tranh thủ đi xem những Kim Tự Tháp nổi tiếng, thành phố Memphis và thành phố Alexandrie, hai thành phố cổ nổi tiếng, tiêu biểu cho nền văn minh cổ Ai Cập Đặc biệt tôi đã thăm kỹ Kim tự tháp Khéops và đã chui vào lòng, trung tâm điểm của Kim tự tháp.
Cảm giác kỳ vĩ, có phần nào choáng ngợp mà tôi cảm nhận trước công trình kiến trúc đồ sộ và độc đáo thì cũng trùng hợp với cảm giác của các nhà văn nhà thơ đã đến trước tôi. Nhưng cái điều mà tôi băn khoăn là bấy nhiêu sự chăm lo, săn sóc cho cái vĩnh viễn của con người lại bị lở lói mất, bị xói mòn bởi những trận gió cát của sa mạc, và của thời gian.
Cát!
Tuổi nhỏ tôi đã rất quen thân với cát của bãi Giang quê nhà, tôi đã chạy trên bãi cát để thá diều những buổi trưa hè, tôi đã lấy tay đào sâu xuống cát để chơi trò cối xay... Cát đối với tuổi thơ bé của tôi là một cái gì êm ả, gần gũi, thân thương. Lớn lên đi khắp miến đất nước cát gắn liền trong tâm trí tôi với phù sa, cát và phù sa sông Hồng, sông Luộc, cát với phù sa của sông Cứu Long trên đất Nam Bộ phì nhiêu. Cát mịn, cát tơi, cát mát... Cát xây nhà, những đống cát là chỗ mà các trẻ con, con tôi, bây giờ là cháu nội của tôi thích vọc, thích đắp để làm trò xây nhà. Lại còn cát trên bãi biển những chiều sóng lên trẻ con cũng như người lớn xây những lâu đài, xây chưa xong sóng đã cuốn đi. Và cát trong câu thơ của Lưu Trọng Lư:
Trên cát vô tình vạch chữ Vân
Chữ viết vừa xong, sóng xoá dần.Nhưng lần này tôi mới biết thế nào là cát, là cát sa mạc, là cát với tư cách là một sức mạnh của trời đất nổi tung lên đe doạ và phá hoại những công trình những sự nghiệp của con người... Ở rìa sa mạc Ai Cập cũng như ở rìa sa mạc Angiêri tôi đã thấy cát là một nhân vật, một nhân vật dữ dội, một hung thần có những cơn giận dữ đúng là long trời lở đất. Cho nên đứng ở chân Kim tự tháp, hình ảnh cát hung thần đã ám ảnh tôi:
Chỉ có trời xanh thay cỏ cây
Mênh mông sa mạc cát làm ngày;
Cát làm đêm nữa. Trăng phơi cát
Sao sáng đằng xa hay cát bay
Vua chúa không yên chịu cát vùi
Trăm kim tự tháp đá chen trời
Năm nghìn năm đứng cười sa mạc
Nắm chắc trong tay vĩnh viễn rồi...
Nhưng đó là chưa tính đến sức mạnh của cát và của thời gian. Cho nên cái vĩnh viễn vua xây dựng bị cát của sa mạc và nước của thời gian xói mòn, không một sức gì cưỡng được...
Nhưng rồi sao, Kim tự tháp ngàn năm
Trong lòng tôi một xác ép vua nằm;
Dời chân tôi vạn thần dân chết lụi.
Vua muốn thắng thời gian vòi vọi
Nằm yên trong giấc đá, kín bưng.
Suốt đời vua lo chỗ ngủ cuối cùng,
Ôm cái chết mong thắng dần cái chết.
Thời gian thổi, hồn vua không sợ rét,
Mặt trời quay, trục tháp chẳng mòn xoay.
Vua ngủ yên nhưng tôi thức đêm ngày;
Cát, cát cát nổi từng cơn dữ dội,
Cát thổi đập vào mình tôi nhức nhối.
Tôi thức vua cho vua biết:giữa trăng sao
Hạn nằm trong vĩnh viễn chẳng còn bao
“Dậy vua ơi! Cái chết chẳng thể rào
Được cái chết”. Vua ngủ mê giấc đá
Lở chân trời nhiều bạn tôi tàn tạ,
Hắt ra ngoài vĩnh viễn xác vua phơi...
Tôi thấy thời gian rúng lạnh bốn chân tôi...
Hai chuyến đi thăm Ai Cập có để lại cho tôi nhiều ấn tượng nữa, chứ không chỉ cảm nghĩ về Kim tự tháp. Nền văn minh cổ Ai Cập mà dấu vết còn đầy rẫy trên đất nước sông Nin này, tôi sẽ xin ghi những cảm tưởng Ai Cập một lần khác. Nhưng cũng xin ghi ngay ở đây cái cảm giác mát mẻ, xanh tươi của những mảng sa mạc đang biến thành vườn, thành đất trồng trọt màu mỡ nhờ nước của đập Átxuăng mà Liên Xô đã giúp Ai Cập xây dựng, một công trình thuỷ lợi khổng lồ trên đất châu Phi, một sự lấn đất quyết liệt của con người chống lại sa mạc.
Chính cũng trong hơi gió mát của vườn mới, đất mới ấy mà tôi đã viết bài thơ Trò chuyện với Kim tự tháp mà câu cuối cùng là:
Bóng Kim tự tháp trải lên bờ sông mátThăm di tích BabilonTôi lại có cái may mắn được thăm đất nước Irắc hai lần: lần đầu tháng 7-1962 để dự quốc khánh Irắc và lần thứ hai năm 1980 để dự hội nghị các nước không liên kết về công tác văn hoá, thông tin, truyền thông. Đất nước Irắc rất đẹp, đẹp một phần vì phong cảnh và các công trình xây dựng ngày nay, đẹp một phần lớn nữa là do quá khứ văn minh của cái đất nước “Nghìn lẻ một đêm” này. Tôi đã say sưa đi dạo giữa các phố của thành phố Bát-đa cũ, với cuộc sống nhộn nhịp như rào rào sinh khí của nhân dân, làm tôi tưởng như mình đang đi trong một dòng truyền thuyết và có cảm giác như ở bất cứ ngõ hẻm nào của phố xá cổ sơ này cũng sắp hiện ra một ánh đèn Alađanh.
Phụ nữ Irắc rất đẹp, da trắng mịn, má ửng hồng tự nhiên, mắt đen láy, tóc đen mượt, mũi cao dọc dừa nghĩa là một cái đẹp Âu Á kiêm toàn. Chỉ tiếc là lúc tôi sang thăm, đa số các chị còn theo phong tục xưa mang khăn quàng kín mặt, chỉ để hở vừng trán và đôi mắt, nhưng dường như thế cái đẹp của các chị có bề hấp dẫn hơn...
Mỗi lần tôi đều tranh thủ đi thăm di tích kinh đô ngày xưa là Babilon. Dọc đường những rặng cây chà là cũng mang dáng dấp những công trình kiến trúc với thân cây vững chãi, với ngọn cây túa đẹp như những ngọn tháp, như những cột nhà Hi Lạp ngày xưa. Lý thú nhất là xem lại những đường phố của Babilon còn nguyên vẹn với những gạch hoa, những mảng tường lớn trang trí bằng những hình sư tử lớn và hình ngựa cao to, tất cả đều bằng gốm men màu chủ yếu là màu xanh lá cây và màu nâu. Màu men gốm vẫn tươi ánh như mới ra lò. Giữa những đường phố có tường trang trí lộng lẫy này, vua quan, công hầu bá tước, và những nàng công chúa đẹp như truyền thuyết đã dạo qua trong những ngày lễ lớn, trong những ngày hội của triều đình, trong những ngày đăng quang của các vị hoàng đế. Bên cạnh cái lộng lẫy của đời sống vua chúa tôi còn được thấy những vết tích của công trình thuỷ lợi, những hệ thống cống rãnh của một thành phố lớn xưa kia. Ở Babỉlon đối với khách phương xa đến còn hai di tích nổi tiếng là con sư tử bằng đá cao to, chưa sứt mẻ chút nào, và cái vườn treo Babilon. Cũng như khách thập phương khác tôi đã có cái thú trèo cưỡi lên con sư tử để chụp ảnh cùng một đồng chí Anbani đi vãn cảnh hôm đó. Anh này tôi còn giữ, với lời đề tặng của đồng chí Anbani: “Mong rằng chúng ta - những con người - sẽ còn đứng vững bền hơn con sư tử này”. Nếu là loài người nói chung thì câu đề tặng ấy chắc chắn là đúng. Còn riêng đồng chí Anbani và tôi đã thăm Babilon hôm ấy thì chắc rằng đứng trên trái đất này chẳng còn bao năm. Còn cái vườn treo của Babilon thì đã xơ xác đi nhiều, tất nhiên còn cái dáng của vườn và đã có một ít cây cối cằn cỗi trên mảnh đất treo ấy. Câu chuyện thì ai cũng biết: Có một ông vua thời đó cưới hoàng hậu rất đẹp quê quán ở một làng hẻo lánh xa xôi cách kinh đô Babilon hơn trăm dặm. Hoàng hậu rất mực yêu vua, chiều chuộng vua không phải với nghi lễ của một chánh cung, mà với tất cả cử chỉ âu yếm đắm say của một người yêu, của một người tình, mà tình yêu của cái xứ “Nghìn lẻ một đêm” này thì đắm say, đam mê như thế nào chúng ta cũng có thể tưởng tượng. Nhưng hoàng hậu vẫn nhớ nhà, vẫn nhớ cha mẹ, nhất là nhớ mẹ. Chiều chiều hoàng hậu cứ ra cửa sau của hoàng cung để nhìn về phía quê mẹ mà ứa nước mắt. Vua thấy vậy càng yêu hoàng hậu và càng thương. Vua bèn cho xây một cái vườn treo khá cao trên vườn treo trồng các thứ cây, hoa của quê nhà hoàng hậu, để chiều chiều hoàng hậu lên đó dạo chơi tiêu khiển, nhưng, hoàng hậu đứng trên vườn treo vẫn nhìn về quê mẹ, mà một câu thơ của Babilon hồi ấy cũng nói là hoàng hậu nhìn về quê mẹ lòng đau đớn không nguôi. Thật đúng như câu ca dao của ta:
Chiều chiều ra đứng cửa sau
Nhìn về quê mẹ ruột đau chín chiều.Xem tế Nam GiaoBảo Đại về nước năm 1934, học sinh trường Quốc học, trường Đồng Khánh và các trường tiểu học ở Huế, cùng với đội ngũ giáo viên đều được huy động đi rước “Hoàng đế hồi loan”. Chúng tôi lúc đó mỗi đứa phải cầm một tờ giấy màu vàng (màu của nhà vua) và khi xe của Bảo Đại đi ngang thì phất cờ và hô “Hoàng đế vạn tuế”. Xe của Bảo Đại đi ngang đám học sinh cũng chạy tương đối nhanh, chúng tôi liếc vào thấy Bảo Đại bận áo vàng, chít khăn vàng, ngồi im không nhúc nhích như phỗng đá, không hề giơ tay vẫy chào đám người đi đón ông ta. Vả lại cửa kính của xe cũng đóng kín, chắc ông ta cũng không nghe thấy tiếng hô “vạn tuế” rời rạc của đám học sinh.
Mùa xuân năm 1935, một năm sau khi Bảo Đại về nước, triều đình Huế tổ chức lễ tế Giao (nghĩa là nhà vua làm lễ cúng trời ở đàn Nam Giao, cách trường Quốc học 3, 4 cây số về phía núi Ngự Bình). Lễ tế giao này đã được quy định từ thời Gia Long, với cái ý nghĩa là nhà vua cầm quyền cai trị dân, cai trị đất nước là do mệnh trời, cho nên cứ 3 năm một lần nhà vua làm lễ tế giao để trình lại với trời công việc trị dân, trị nước, và cũng để cảm nhận ý trời trong sứ mệnh cao cả của nhà vua. Theo thuyết của Khổng Tử và truyền thống của các triều đại Trung Quốc thì vua là Thiên tử (con trời), nhưng các nhà vua triều Nguyễn không dám tự xưng là thiên tử với nhân dân, chỉ dám nói qua quít là trị dân, trị nước theo ý trời mà thôi.
Đó cũng là một sự mặc cảm của một triều đại mà trong tiềm thức cũng tự cảm thấy cái vị trí con trời đã bị lung lay, cái mệnh trời cũng không còn là một “chân lý” vững chãi nữa, dù cho là “chân lý” tượng trưng, hình thức. Bảo Đại theo nghi lễ của triều đình làm lễ tế giao này cũng là làm chiếu lệ, cho qua chuyện chứ không với một lòng tin như các ông vua ở các triều đại trước.
Đến ngày lễ tế giao, triều đình rước Bảo Đại ra cửa chính Ngọ Môn, đi qua cầu Tràng Tiền, đi thẳng con đường lớn dọc sông Hương (lúc đó là đường Jules Ferry, đi qua trước trường Đồng Khánh và trường Quốc học), rồi đi thẳng lên đàn Nam Giao. Chúng tôi tập trung trước cửa trường Quốc học, gọi là chào vua, mà thật ra là tò mò xem ông vua đi tế trời như thế nào. Bảo Đại ngồi trong một cái kiệu 4 mặt đều che bằng những tấm kính lớn trong suốt, kiệu do tám người lính gánh, lính của Hoàng thành đội nón dầu, mặc quần áo vải điều và quấn xà cạp bằng vải điều có viền nỉ xanh tím. Còn Bảo Đại thì ngồi nghiêm nghị trong bộ áo quần hoàng bào, đầu chít khăn vàng, chân đi giày cườm. Nhà vua cũng ngồi im như pho tượng, không nhúc nhích, mắt cố gắng nhìn thẳng phía trước. Các quan đại thần đi theo sau cũng ngồi trong những chiếc xe hòm đen, những chiếc xe kiểu năm 1900, các quan bận lễ phục hoặc bận áo dài đen, chít khăn chữ nhất, rồi lên đến đàn Nam Giao mới mặc áo đại lễ. Trước kiệu của nhà vua có hàng lính Nam triều mang cờ đi trước, tôi nhớ có cờ đại và nhiều cờ đuôi nheo bằng nỉ đỏ viền tím xanh. Tiếp theo hàng cờ là đội lễ nhạc, nghĩa là một phường bát âm của triều đình, vừa đi vừa tấu bài nhạc “Đăng đằng cung”. Cuộc rước nhà vua từ Ngọ Môn lên đến đàn Nam Giao diễn ra trong nửa buổi sáng cũng không lấy gì lâm rực rỡ lắm, mà cũng không gây được cái gì gọi là náo nức trong lòng dân chúng. Đó là một cuộc rước không đến nỗi âm thầm, nhưng cũng không có gì là “khí phách thiên tử”. Đêm hôm ấy Bảo Đại phải ăn chay tắm rửa bằng các thứ nước cho nhiều hoa lá xông vào để nhà vua được thật “thanh khiết” trước khi tiếp xúc với trời. Ăn uống và tắm rửa như vậy, người ta gọi là lễ trai giới của hoàng đế. Đến khoảng 4 giờ sáng thì nhà vua và triều đình làm lề tế trời, trong bầu không khí mát mẻ và yên tĩnh của ban mai, trước khi mặt trời mọc.
Đàn Nam Giao là một cái nền hình tròn (tượng trưng cho trời), có ba bậc tam cấp cao vừa vừa, có bốn cửa đi lên theo hướng đông, tây, nam, bắc. Ngày tế giao thì triều đình cho dựng lên trên nền đàn Nam Giao một cái nhà tế với những cột gỗ cắm vòng quanh nền tròn và lợp trên những cột gỗ là một thứ tăng bằng vải màu xanh lơ (cũng là tượng trưng màu xanh của trời). Bọn tôi tò mò, ngủ dậy sớm, rủ nhau trèo tường ra khỏi trường và lên Nam Giao để xem tế.
Trong ngọn gió mai rì rào qua những cây thông chúng tôi nghe lễ nhạc thoát qua cái tăng màu xanh và những lời xướng lễ của các quan như vọng từ một quá khứ cổ sơ. Cảnh tượng ấy cũng gây cho chúng tôi một cảm tưởng hay hay, hiu hiu. Nhưng tất cả cảnh vật và nghi lễ ấy, ngay lúc bấy giờ, cũng không còn đủ cái vẻ thiêng liêng, không còn cái nội dung quân thần của các thời đại lịch sứ xa xưa nữa, cho nên không thể làm rung động lòng thanh niên chúng tôi, dù là một thứ rung động hoài cổ. Thật ra ngay bản thân nhà vua cũng cảm thấy đây là một cái trò một nghi lễ giả tạo, cái hồn của nghi lễ không còn nữa, chỉ còn cái xác của nghi lễ, cũng như ông vua bù nhìn chỉ còn cái xác vua chứ quyền trị vì, trị dân, trị nước đâu còn có nắm trong tay. Cảm giác giả tạo cảm giác trò sân khấu ấy làm chúng tôi không còn hứng thú xem hết lễ tế giao còn kéo dài mấy tiếng đồng hồ, và chúng tôi cũng không màng xem lễ rước vua hồi cung. Thế mà nhà văn Nguyễn Tiến Lãng đã viết trong tạp chí Nam phong hồi đó một bài tường thuật bằng tiếng Pháp hết lời tán tụng lễ tế giao tán tụng nhà vua, cố gắng tạo ra cái không khí thiêng liêng gần như một thứ không khí tôn giáo trong việc nhà vua tiếp xúc với trời để nhận những ý trời trong bầu không khí tinh khiết và trầm mặc của buổi rạng đông. Giả tạo lại được giả tạo ca ngợi là vậy.
Đồng Minh thắng hay Trục thắng?Lúc xảy ra cuộc tiến công của phát xít Hít le vào Liên Xô (1941), thì tôi ở Pôpốt cùng một số anh em sinh viên các ngành tại số nhà 198 phố Lò Đúc, trước cây đa Nhà bò. Trong số anh em sinh viên ở chung ăn chung, khoảng 10 người, tự nhiên chia làm hai phe, và mỗi phe cũng khoảng 5 người, một bên thì đánh cuộc và mong rằng Liên Xô và đồng minh thắng, phe kia thì mong và tin chắc rằng Trục (tức là liên minh Đức - Ý- Nhật) sẽ thắng. Ngày nào tôi cũng ghé qua bưu điện để xem tin của hãng ARIP đưa tin về diễn biến chiến sự trên chiến trường châu Âu, châu Á, và xem đều báo tiếng Pháp “Ý chí Đông Dương” (La volonté Indochinoise). Tờ báo này là của chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương, đăng tin có vẻ khách quan nhưng thực ra cũng ngầm mong là Đồng minh sẽ thắng song những bài bình luận thì nói lấp lửng, vì lúc đó bọn phát xít Nhật đã vào Đông Dương và chúng cũng theo dõi sát các cơ quan ngôn luận của người Việt và người Pháp. Trong đám chúng tôi đã ít nhiều giác ngộ, thì không những mong ước, mà cũng có chút ít lập luận để tin rằng Liên Xô sẽ thắng, mặc dầu cuối năm 1941, đầu năm 1942 Liên Xô bị tấn công ào ạt, và bị tổn thất lớn. Nhưng đầu năm 1942 đã thấy sự cầm cự của Liên Xô rất ngoan cường nhất là trong những trận ở Koursk và Orel... Thế rồi trong những buổi ăn trưa và ăn tối trong cái phòng ở tầng dưới, hai phe đều đưa tin, với những chi tiết để thuyết minh rằng Liên Xô thắng hay là Trục thắng... Từ chỗ đưa tin đến chỗ bàn cãi, từ chỗ bàn cãi đến chỗ đập bàn, từ chỗ đập bàn đến chỗ thụi nhau, đánh nhau, có lần vỡ cả bát đĩa. Tính tôi thường là điềm đạm, mà cũng có lần hăng máu tham gia cuộc “chiến đấu” trong buồng ăn, nó là hình ảnh thu gọn của cuộc chiến tranh đang diễn ra trên chiến trường châu Âu, châu Á. Tôi nhớ có một anh học ngành dược, mắt cận thị nặng, đeo kính cận thị dày, đầu lại húi ngắn, giống y như một tên lính Nhật, và anh cũng đứng về phía bênh vực bọn phát xít. Trong lúc cãi nhau hăng máu chúng tôi đã gọi anh là “thằng phát xít trà trộn vào chúng ta”. Anh tức uất lên, nhưng không cãi gì được, chỉ doạ “rồi chúng mày sẽ biết!”. Anh ta rất thân với một anh học trường luật quê ở Quảng Nam có xu hướng thân Nhật và thỉnh thoảng anh bạn cận thị lại mời anh sinh viên trường luật đến thuyết trình về chủ nghĩa Đại đông Á cho chúng tôi nghe. Nhưng anh bắt đầu nói thì phe chúng tôi đứng dậy bỏ đi, không gây sự nhưng cũng không giữ lễ độ, khinh khỉnh ra mặt. Thành ra anh sinh viên trường luật thân Nhật lại thuyết trình cho những người đồng điệu mà thôi. Thế rồi anh sinh viên trường luật này được Nhật mời sang học và nghiên cứu tại Tôkyo, thực chất là để đào tạo thành một nòng cốt của bọn Nhật sau này khi chúng nắm quyền lực ở Đông Dương, điều mà chúng tin chắc sẽ thực hiện. Phe Trục trong pôpốt chúng tôi làm một bừa tiệc linh đình để tiễn anh T.H. lên đường đi Nhật. Cuộc tiễn đưa diễn ra ở sân ga Hàng Cỏ. Tất nhiên là bọn chúng tôi tẩy chay, nhưng chúng tôi cũng không gây sự, để mặc cho bọn họ bù khú với nhau, vì lúc đó hie~l binh Nhật đã sục sạo nhiều trong các tổ chức xã hội, trong các trường học. Tôi lại còn nhớ, về sau khi tôi đã chuyển sang ở ngõ Tân Hưng (nay là ngõ Tức Mạc), thì bọn lính Nhật thỉnh thoảng tự nhiên vô cớ sục vào pôpôt của chúng tôi, mặt đỏ gay, gươm dài kéo lết đất, lúc đầu nói sừng sộ, rồi sau ra hiệu mượn một cái bát, và rút trong túi lấy ra một quả trứng gà. Chúng tôi không hiểu nó làm trò gì. Thằng lính Nhật hình như là hạ sĩ quan, liền đập quả trứng nhẹ nhàng bỏ vào cái bát và chỉ cho chúng tôi thấy lòng đỏ ở giữa, bao quanh là lòng trắng. Rồi nó lấy giấy vẽ cái cờ Nhật ở giữa là mặt trời đỏ và xung quanh toàn trắng, nghĩa là mặt trời lên lúc rạng đông. Đó là nước Nhật. Xong rồi nó lại lấy ngón tay đánh tan lòng đỏ hoà vào với lòng trắng thành một màu tuyền vàng, ý nói là người châu Á cùng da vàng đoàn kết với nhau, hoà với nhau thành một khối trong khối thịnh vượng chung Đại đông Á. Đó là cách tuyên truyền bằng hình tượng của quân đội Nhật. Nó bước ra, vẫn kéo lê lết chiếc gươm dài, hơi cười một chút nhưng cái cười của bọn lính Nhật thì dễ sợ không kém lưỡi gươm nhọn sắc của chúng. Chúng lại thỉnh thoảng vứt vào nhà chúng tôi những tập sách mỏng in đẹp, tuyên truyền cho nền văn minh Nhật, có những hình ảnh về nghi lễ trà đạo, về lễ thưởng thức hoa anh đào, về núi Phu-di, về võ sĩ đạo, và luôn luôn có hình ảnh phụ nữ Nhật bận bộ kimônô màu sắc rất đẹp. Cuộc tranh luận, cãi cọ trong pôpốt phố Lò Đúc của chúng tôi cứ kéo dài và diễn biến sôi nổi theo nhịp độ của chiến trường châu Âu, châu Á, nhất là theo cuộc chiến đấu dữ đội của quân đội Xô Viết ở mặt trận phía bắc và phía nam. Những ngày tháng Lêningrát bị bao vây là những ngày tháng hồi hộp tường như chúng tôi cũng là những người dân của thành phố anh hùng đang bị giam hãm trong gọng kìm của quân đội phát xít Đức. Chúng tôi hồi hộp theo dõi tin hàng ngày trên báo, trên bản tin ARIP. Lúc đó Hít le lại huênh hoang đã in sẵn thiếp mời dự tiệc chiến thắng ở trung tâm thành phố Lêningrát vào ngày lễ Nôen 1942. Tất nhiên đó là một sự huênh hoang ngông cuồng của tên trùm phát xít, cốt cổ vũ tinh thần của quân lính nó, nhưng tin đưa ra cũng làm cho một số anh em bàng hoàng...
Thế rồi quân đội phát xít Đức bị bẻ gãy gọng kìm, và phe Trục trong pôpốt Lò Đúc của chúng tôi cũng co vòi, tiu nghỉu cụp tai...