Tôi gặp em tôi ở đường Dayot trong lúc nó đang vác một bao quần áo lính thuỷ tàu Astrolabe về tiệm giặt của bà Tư Sáng. Nó thấy tôi mừng quá, vứt bao đồ ở vệ đường, chạy tới ôm chầm lấy tôi.
Tôi thương em, và thấy ngực mình tắc nghẹn. Câu hỏi đầu tiên của tôi: “Em làm gì?”. Nó nói nó làm thợ giặt, vừa giao đồ dưới tàu về, bao này là đồ dơ họ gửi giặt.
Nó mới 14 tuổi thì làm sao mà làm thợ giặt được? Tôi khẽ cúi đầu xuống, không dám nhìn cảnh cực nhọc của em.
- Em giỏi lắm. Ăn cơm có no không?
Nó cười hồn nhiên:
- Dạ, no hung.
Tôi nói cho nó biết rằng, tôi có nhận một thư của nó. Trong thư nó có nói, đã nhận được một gói quần áo, thấy túi áo lót veston để tên Huy Cậu, nó hỏi tôi Huy Cận là ai, tôi đáp là bạn thiết cốt của anh.
Tôi móc túi cho nó bốn đồng bạc. Nó nói bốn đồng ăn được một tháng cơm. Lúc đó tôi thấy một người đàn bà trạc tứ tuần, dáng phúc hậu chạy ra nhận bao đồ và chào tôi. Bà là chủ tiệm giặt, đồng thời là bà bán cơm bình dân. Cơm bình dân chủ yếu cho phu xe kéo. Bà nói: “Hiện giờ nó làm công cho tôi, cơm no áo ấm, ông yên tâm. Trước kia tôi thấy nó đi kéo xe, sức yếu, thương quá, tôi bảo nó bỏ nghề xe kéo vàlàm việc cho tôi”.
Tôi bèn lấy bốn đồng bạc cho em tôi trao cho bà giữ giùm, và dặn khi nào cần thiết lắm thì bà giao lại cho nó chút ít để nó tiêu dần. Tôi không quên cảm ơn bà chủ khi giã từ. Bà hỏi tôi: “Cậu có phải con ông Tú Thọ, anh ruột nó không?”.
Hôm tôi sắp ra Hà nội, tôi có đi tìm gặp em tôi. Tôi cho nó một chiếc áo sơ mi hai da, ngoài hột mè, trong nỉ trắng, để mặc ấm, tôi dặn nó để dành mặc làm kỷ niệm, vì chiếc áo này của anh Huy Cận cho anh, anh thương em nên nhường lại cho em. Nó cầm áo hít hít cái mùi long não, thẫn thờ: Anh nói với anh Huy Cận là em xin cảm ơn anh Huy Cận nhiều lắm. Nó mặc áo vào: Áo rộng lùng thùng. Nó vén hai tay áo lên đến khuỷu tay và cười. Anh ăn với em một bát chè ngọt nghe. Tôi sờ túi sơ mi rồi nói: “Anh không mang tiền theo”.
- Không sao. Rồi nó chạy vào quán bưng ra một bát chè ngọt, nếp nấu với đậu đen. Thêm một cái muỗng. Hai anh em ngồi dưới trụ điện, cùng ăn với nhau. Tôi thương em và thấy ấm cúng quá! Tôi dặn nó: “Đừng bỏ việc. Dù sao có cơm ăn áo mặc vẫn hơn”. Nó đưa tôi đi dọc bờ sông, về tới chùa Bà, nó dừng lại đưa cho tôi một đồng bạc. Tôi từ chối. Nó nói:
- “Đây là lương tháng của em vừa lãnh. Anh cho những bốn đồng, còn y nguyên, chưa tiêu gì mà...
Tôi nắm tay em tôi một hồi lâu không biết nói gì. Tôi rất mừng, hiện tại em tôi không đói rách.
Chú thích: Người em trai nói đến trong đoạn hồi ký trên, phải bỏ học, và đã đi hoang một thời chính là anh Tịnh Hà (tức Ngô Xuân Sanh, em cùng mẹ cùng cha của anh Xuân Diệu), người đã ghi chép mấy trang hồi ký trên theo lời anh Diệu kể).