Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> HỒI KÝ SONG ĐÔI

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 27339 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

HỒI KÝ SONG ĐÔI
Huy Cận

Tập 2- F

Cậu tôi lúc ở Quảng Điền phải chép bài luân lưu cầu nguyện cho thế giới khỏi tận thế
Đầu năm 1928 lúc cậu Vân tôi đang còn làm hiệu trường trường tiểu học huyện Quảng Điền, và lúc đó tôi còn học lớp tư, một hôm cậu tôi nhận được một bức thư khá dài khoảng 3 trang viết tay. Thư không ký tên, còn nội dung thì đại khái nói là thế giới sắp đến ngày tận thế, và hễ ai nhận được bức thư này thì phải chép ra 20 bản gởi đi cho những người quen thân, như vậy là một cách cầu nguyện Chúa để cho Chúa cứu lấy cuộc đời này khỏi tận thế. Hễ ai nhận được thư mà không chép gửi đi, thì người đó thế nào cũng bị Chúa phạt, sẽ mắc nạn sớm hay muộn. Cậu tôi nhận được thư đọc cho học trò trong nhà nghe giọng như đầy màu sắc tôn giáo và mê tín, và không ai dám cười, mặc dù cả thầy trò đều không ai theo đạo. Những lời cầu nguyện trong thư, tôi không nhớ hết, nhưng có những ý nằm trong kinh thánh mà về sau đến lúc đọc kinh thánh thì tôi gặp lại và mới biết là bức thư luân lưu đã trích dẫn kinh thánh rất nhiều nhất là trích những ý ở đoạn Apôkalíp (tận thế) cậu tôi ngẫm nghĩ một buổi rồi cũng quyết định chép bức thư dài 3 trang ra 20 bản, may mà lúc ấy giấy cũng không đắt lắm, vả lại cậu tôi cứ lấy giấy của văn phòng trường mà chép. Cậu tôi nói: “Chép cũng mất công một chút, nhưng như thế cho nó yên tâm, nhỡ mình không chép mà gặp tai nạn rồi lại hối không kịp!”. Cậu chia cho học trò chép, và bản thân cậu cũng chép 3 bản, tôi cũng có chép 3 bản. Chép xong phải nhớ địa chỉ của người quen thân mà gửi đi. Tội nghiệp cho những người nhận được thư luân lưu này lại phải nằm bò ra mà chép mỗi người 20 bản. Về sau tôi nghĩ không biết đây là một điều mê tín của những người cuồng đạo, 10 sợ thế giới tận thế, hay là mưu mẹo của một hãng buôn giấy nó bày ra cái trò chơi tốn giấy này? Dù sao thì sau khi gởi 20 bản thư cầu nguyện cho cuộc đời khỏi tận thế, cậu tôi cũng yên lòng và cũng không thấy tai nạn gì xảy đến với mình.
Gần đây tôi đi họp ở Pháp một số lần, lại có một số người Pháp nói là nên cầu nguyện Chúa trời cứu cho loài người khỏi tận thế vì sắp đến năm 2000, và vì chiến tranh nguyên tử chắc khó tránh khỏi! Câu chuyện lo lắng này lại nhắc tôi nhớ tới bức thư luân lưu năm 1928 mà cậu tôi phải nhân ra bằng chép tay. Nếu bây giờ có vị nào có sáng kiến gửi thư luân lưu để cầu nguyện cho số mệnh của loài người thì chắc là sẽ nhân lên vạn bản và bằng máy tính điện tử!

Thầy Ngôn dạy lớp nhất
Ghi những năm tháng tôi học ở trường Queignec tôi không thể không nhớ đến thầy Trương Cảnh Ngôn đã dạy tôi ở lớp nhất, vì thầy không chỉ dạy bài vở để đi thi, mà thầy còn làm cho chúng tôi cảm thấy được cái hay, cái đẹp trong văn chương. Tôi đặc biệt nhớ thầy đã dạy chúng tôi bài học thuộc lòng bằng tiếng Pháp Kỷ niệm ngày tựu trường của Anatole France. “Tôi sẽ kể cho các bạn nghe mỗi năm trời thu xao xuyến, những bữa cơm chiều đầu tiên ăn dưới ánh đèn, và những lá bắt đầu úa vàng trong những hàng cây run rẩy gió, tất cả những cái đó đã xui tôi nhớ đến những gì.... Đoạn văn rất nội tâm và đầy âm nhạc, và đầy chất thơ của Anatole France đã được thầy Ngôn diễn đạt rất xúc động, làm cho chúng tôi thấy rung cảm thấm thía cái không khí tựu trường và nỗi niềm kỷ niệm của tác giả. Thầy Ngôn cũng nói lúc giảng cho chúng tôi bài này, thầy cũng cảm động nhớ lại những buổi tựu trường trong tuổi nhỏ của thầy. Rồi thầy đọc đi đọc lại bài văn, có thể nói là ngâm ngợi, cho chúng tôi nghe, như thế gọi là đọc diễn cảm. Mà giảng bài này đối với thầy tôi cũng là sống lại nhưng kỷ niệm vấn vương, đẹp đẽ. Đoạn văn của A. F. học năm 1931, cách đây 55 năm, quá nửa thế kỷ mà tôi vẫn thuộc lòng, không quên một chữ. Năm 1938, tôi cũng xúc động về cái không khí xôn xao của buổi tựu trường, tôi đã viết bài thơ Tựu trường mà nhiều bạn đọc nhớ và thích. Bài thơ của tôi không có điểm nào giống đoạn văn của A. F., nhưng cái đẹp của kỷ niệm tựu trường mà A. F. đã diễn đạt đầy xúc cảm đã gợi cho tôi tứ thơ, tôi biết ơn cả thầy Ngôn và Anatole France.

Đọc truyện Tàu cho bà mợ nghe
Mợ Vân tôi ham xem truyện Tàu, bảo tôi đi thuê các truyện ở một quán sách rồi về đọc cho mợ nghe, những giờ nghỉ hoặc chiều chủ nhật. Thôi thì đọc đủ thứ: Thuyết Đường diễn nghĩa, Anh hùng náo, Tiết Nhân Quí, Tiết Đình San, Chinh đông chinh tây, La Thông tảo bắc, Tam quốc chí, Tái sinh duyên, Tục Tái sinh duyên, Song phượng kỳ duyên... Khi đầu tôi đọc cho mợ nghe là vì nhiệm vụ phải làm chưa thấy thích, nhưng cứ ề à đọc mãi về sau tôi cũng thấy thinh thích. Tôi đặc biệt nhớ pho truyện Thuyết Đường diễn nghĩa, với cái chuỳ nặng nghìn cân của Lý Nguyên Bá, với cái cười rồi chết của Trịnh Giảo Kim... Tôi còn nhớ trong truyện này hoặc một truyện khác, có ông vua cầm cái trâm cắm mặt trời lại, giữ mặt trời ở mãi buổi trưa, để ông vua đủ ánh sáng tìm một vật quí gì đánh rơi mất. Không biết tình tiết này có trong truyện không, nhưng tôi cứ nhớ là có, và điều đó gây ấn tượng kỳ lạ, thần tiên, huyền bí trong tâm trí tôi. Người và trời đất có một mối quan hệ gì mật thiết lắm, cảm quan ấy tôi đã nghe từ tuổi nhỏ, gắn với những truyện cổ kim đông tây tôi được đọc trong tủ sách của cậu tôi. Tam quốc chí lại cho tôi một cảm giác khác, cảm giác về sự giao thiệp giữa người và người trước hết là cảm giác về tình bạn giữa Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi. Ở đây tôi không bình luận, không đánh giá Tam quốc chí cũng như các truyện Tàu khác, tôi chỉ ghi ấn tượng mà các truyện ấy đã để lại trong tâm hồn thơ bé của tôi. Cảm giác các truyện ấy gậy ra thì khá lộn xộn, dường như tâm trí đứa bé chỉ giữ lại những cái đẹp, cái huyền diệu, cái rung cảm về tình người... Trong bài thơ Tựu trường đã nhắc đến trên kia, có mấy câu:
Buổi chiều đầu họ tìm bạn kết duyên
Trong sân trường tưởng dạo giữa Đào viên
Lòng hé mở giữa tay đời ấm áp...

Đào viên là vườn đào nơi kết nghĩa của Lưu Bị Quan Công và Trương Phi. Lại còn nàng Phàn Lê Huê mê Tiết Đình San, tung hồ lô lên trời. Nàng đẹp quá và tình nàng nồng nhiệt, phép tiên của nàng tuy kỳ ảo nhưng không đủ để bắt được người yêu. Rút cục lại cũng phải tấm lòng mới chinh phục được tấm lòng...
Lớn lên tôi ít đọc truyện Tàu, mà cũng không thích đọc trừ những quyển gọi là truyện nhưng thực sự lại là sử như: Đông Chu liệt quốc, và Sử ký của Tư Mã Thiên. Tây du về sau này tôi mới đọc, và cái thú đọc Tây du lúc đã đứng tuổi lại có một màu sắc khác, không như cái thú mê truyện hồi còn bé. Dầu sao thì cái việc là “thì đọc” cho mợ tôi cũng đã cho tôi một số cảm giác, một số ấn tượng mặc dù lộn xộn, nhưng không phải là thừa đối với đứa bé đang lớn lên, vì theo tôi, phải cần tất cả để nhào nặn nên tâm hồn của một con người.
Tôi không chỉ đọc truyện Tàu cho mợ tôi nghe mà còn đọc một số truyện của ta xuất bản hồi đó, truyện dã sử gợi lên lòng yêu nước. Tôi không nhớ những sách ấy do nhà xuất bản nào xuất bản, nhưng khổ sách cũng như khổ các truyện Tàu, và sách xuất bản vào những năm 1925, 1926, 1927... Tôi đặc biệt nhớ hai truyện: Tiếng sấm đêm đông nói về cuộc khởi nghĩa của Ngô Quyền (tác giả là ai tôi quên mất), và Vị quốc vong thân của Nguyễn Trậm Dự. Truyện sau này kể lại cuộc chiến đấu của những sĩ phu và nhân dân yêu nước chống quân nhà Minh, chống Trương Phụ. Truyện viết rất xúc động, lúc tả mấy sĩ phu yêu nước bị Trương Phụ bắt và hành hình thì mợ cháu tôi và những người nghe xung quanh đều khóc nức nở.
Sau này vào thư viện Hà Nội tôi cứ tìm mãi quyển Vị quốc vong thân để đọc lại mà không tìm thấy, không biết có phải chính quyền Pháp đã loại cuốn sách yêu nước này đi, hay là do sự quản lý không chặt chẽ của thư viện đã để mất sách. Lại còn truyện Sóng hồ Ba Bể cũng rất hấp dẫn (hình như tác giả là Tam lang Vũ Đình Chí).
Chúng tôi còn đọc tiểu thuyết của Nguyễn Chánh Sắt trong sách quảng cáo dầu Nhị Thiên Đường như truyện Gương vỡ lại lành mà mợ tôi nghe cũng lấy làm lý thú và xúc động. Chúng tôi còn đọc Ánh trăng thu của Bửu Đình, Giọt lệ sông Hương của Tam lang Vũ Đình Chí, Tuyết Hồng lệ sử của Từ Trẩm Á (tác giả Trung Quốc dịch ra quốc văn) và nhiều truyện nữa. Tủ sách của ông cậu, những giờ đọc sách với bà mợ cũng đã góp phần khêu gợi cái thú văn chương cho tôi.

Lụt vào nhà, vẫn ngồi học
Năm đó tôi học lớp nhất. Vài tháng sau kỳ tựu trường thì phải, có trận lụt to nước vào nhà đến gần đầu gối. Mọi thứ trong nhà dọn lên giường: gạo, thức ăn, hòm rương, sách vở... ở giữa phòng ngoài, có một cái giường to của mấy anh em học sinh người Quảng Nam và tôi thường ngủ. Bên cạnh giường có cái bàn vuông để ngồi học. Các bạn học sinh đều nhân nước lụt mà bỏ đi chơi, bì bõm ngoài đường. Chỉ có tôi ngồi trên giường, chân ngâm trong nước lụt, chăm chỉ chép bài, học ôn bài cho thi học kỳ. Tôi còn nhớ lúc đó tôi cố chép cho xong những bài toán yếu về sử, địa, lý nhất là khoa học thường thức để kịp trả quyển vở cho bạn Lương Văn Chí. Mợ tôi và dì Em thấy tôi chăm học thì khen và cho tôi ăn trước mọi người bát cơm nếp lạc. Dì Em bảo: “Mai sau mi làm nên, đừng có quên bát cơm nếp lạc nghe không!”. Mỗi lần đến thăm dì tôi vẫn nhắc mẩu chuyện này thì dì bảo: “Bây giờ anh có cho tôi ăn xôi lạc thì tôi cũng chẳng còn răng mà ăn!”. Sau trận lụt ấy, không hiểu vì sao mà anh Cúc (cháu gọi mợ bằng cô) và tôi bị ghẻ ruồi khắp lưng, khắp bụng, và cả ở chân tay nữa. Mợ Vân nấu nước lá (tôi nhớ là có lá sầu đông, tức là lá xoan) tắm cho hai chúng tôi, rồi bôi thuốc ghẻ, thứ thuốc vàng vàng mà tôi quên tên, chờ cho thuốc khô mới cho chúng tôi bận áo quần. Phải mấy lần tắm nước lá và bôi thuốc như vậy mới khỏi ghẻ.
Ở nhà cậu tôi, chiều chủ nhật thường các bạn của cậu đến đánh tổ tôm. Tôi phải chia bài, nhiều khi bực mình, tôi lớp bài cho mọi người cầm bài lên đều thấy bài mình tốt, ông thì chạm chờ tôm, ông thì bài bạch định mà cũng chạm chờ, ông thì thập hồng... Người cái đánh một con, mọi người hồi hộp. Bốc lên một con là có người ù, và mấy người kia đều đập giường tiếc cho ván bài của mình quá đẹp mà bị ù tay trên...
Tôi đứng thấy buồn cười, mà không dám cười. Về sau cậu tôi biết được trò nghịch ngợm của tôi, lấy thước thẻ vào mấy ngón tay tôi, cấm về sau không được lớp bài như thế nữa. Nhưng từ đó về sau cậu tôi cũng ít bắt tôi chia bài tổ tôm, có phải vì cậu sợ tôi lại lớp bài chăng.
Ông cậu dạy tôi học Tôi có trực tiếp học cậu tôi ở trường Queignec suốt năm lớp nhì đệ nhất niên (1929-1930) nhưng cậu tôi còn dạy tôi ở nhà những ngày chủ nhật và những ngày nghỉ. Cậu tôi thu nhặt những tờ giấy mà học trò các khoá trước đã làm bài thi, còn một mặt trắng đóng lại thành quyển vở như vở chữ Hán cho tôi làm bài. Mỗi sáng chủ nhật, cậu đọc cho tôi một bài chính tả tiếng Pháp, và bắt tôi làm một bài luận tiếng Pháp. Chưa hết, ông còn bắt tôi làm mười bài toán mà đề toán lấy ở quyển sách toán của Brachet, nếu làm buổi sáng chưa xong toán và luận, thì chiều chủ nhật không được đi chơi, phải ở nhà làm cho xong bài. Nhưng không những trong buổi sáng tôi làm xong luận, mười bài toán cậu ra mà tôi còn làm thêm mười bài nữa tôi tự chọn lấy. Ông cậu cuối buổi sáng chấm xong bài thấy làm tốt cả, chỉ nói: “Chiều nay cho đi chơi”. Và cậu tôi tự tay mình chép lại bài chính tả vào một quyển vở cho tôi và ghi ở dưới bài những tiếng một mà tôi cần học, cả những điểm lắt léo về văn phạm nữa. Cứ thế tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, tôi tiến bộ nhanh trong học tập nhờ sự dìu dắt hết lòng và rất có phương pháp sư phạm của cậu tôi. Quyển vở chép bài học thuộc lòng nói trên tôi đã giữ mãi cho đến ngày kháng chiến chống Pháp thì bị cháy trong một cái rương cùng một số bản thảo và mấy bản Lửa thiêng in đẹp của tôi rương sách và bản thảo này lúc đó gởi gia đình anh Xuân Diệu dời về Hương Khê (Hà Tĩnh).

Nẩy nở hồn thơ
Trong phần tuổi nhỏ trên kia, tôi đã kể sự tiếp xúc đầu tiên của tôi với Truyện Kiều, với thơ như thế nào. Vào học ở Huế, trong khung cảnh đẹp của sông Hương núi Ngự, trong môi trường đằm thắm văn nghệ dân gian, ở phố Đông Ba, với cái tủ sách kỳ diệu của cậu tôi khiếu thơ của tôi đã gặp điều kiện thuận tiện để nẩy nở. Bạn học của tôi lúc đó là anh Đồng Sĩ Hiền cũng mê thơ văn, và hai đứa một ngày chủ nhật rủ nhau đi chơi cửa biển Thuận An thì mang theo Chinh phụ ngâm và Cung oán ngâm khúc. Buổi trưa hè, dưới bóng những cây phi lao rào rào gió biền hai chúng tôi ngâm ngợi một cách say sưa thơ của Đoàn Thị Điểm và của Nguyễn Gia Thiều, đặc biệt là mấy đoạn sau đây:
Ngòi đầu cầu nước trong như lọc,
Đường bên cầu cỏ mọc còn non
Đưa chàng lòng dặc dặc buồn
Bộ khôn bằng ngựa, thuỷ khôn bằng thuyền...
Giã nhà đeo bức chiến bào
Thét roi cầu Vị ào ào gió thu
(Chinh phụ ngâm)
Cầu thệ thuỷ nằm trơ cổ độ
Quán thu phong đứng rũ tà huy
Phong trần đến cả sơn khê,
Tang thương đến cả hoa kia cỏ này...
(Cung oán)
Hiền và tôi ngâm lên thấy réo rắt trong lòng, và cũng buồn man mác. “Quán thu phong đứng rũ tà huy”, lúc bấy giờ trời đã ngả chiều, mặc dù không phải mùa thu, mà chúng tôi cũng buồn rười rượi...
Chúng tôi lại còn đi chơi núi Ngự Bình, dưới bóng những cây thông, trong nắng chiều vàng, chúng tôi lại cùng nhau đọc Giọt lệ thu của bà Tương Phố...
Nhưng không chỉ có thơ gợi ý thơ, mà cảnh trời, cảnh đồi xung quanh tôi cũng cho tôi những rung động thơ đầu tiên. Cây bàng lá rụng, ngọn gió sông hiu hắt, cây bồ hòn đứng lặng trong chiều đông, rồi tiếng đàn của ông Cả Soạn, của anh Cháu đờn, ông xẩm chợ kể vè rồi tình bạn trẻ thơ, tiếng gió biển trong rừng phi lao, ánh nắng thu trên mái rừng thông, tiếng chuông chùa Diệu Đế, tiếng hò mái nhì, mái đẩy trên sông Hương... Tất cả đã làm xao động trong tôi cái cảm giác thơ:
Nhớ buổi đầu tiên rung động thơ
Sân trường tiểu học tuổi mười ba
Cây bàng lá rụng mình trần trụi
Gió rít ngoài sông, thuyền nép bờ.
Dãy phố Đông Ba dài xứ Huế
Cây bồ hòn lặng đứng chiều đông
Xa nhà theo cậu lo ăn học
Phận học trò nghèo đâu dám ngông.
Nhưng có niềm chi nửa lặng im
Nửa như ai đốt cháy trong tim
Sân trường những buổi ra chơi ấy
Có phải hồn non đã tự tìm
Thơ đến tìm ta tự lối nào
Từ cành tái vỏ cây bàng cao
Hay từ mặt nước se theo gió
Từ những bàn tay bạn kết giao
Rạo rực nghe thơ kề má lửa
Giữa chiều đông tím một sân trường
Câu thơ thứ nhất không còn nhớ
Nhưng nhớ còn rành nỗi mến thương.
Chỉ nhớ trời thơ rất bạn bè
Duyên thơ mời bén đã say mê
Yêu đời tập sự bằng yêu bạn
Nghe đất trời cùng tự lắng nghe
(1972)

<< Tập 2- E | Tập 2- G >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 581

Return to top