Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> HỒI KÝ SONG ĐÔI

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 27338 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

HỒI KÝ SONG ĐÔI
Huy Cận

Tập 2- M

Những buổi chiều ở trường Quốc học
Khi anh Diệu và tôi mới kết bạn với nhau, thường buổi chiều sau giờ học, và trước giờ ăn cơm tối, rủ nhau ra sân cỏ rộng phía sau trường, bãi cỏ này cũng là bãi cỏ đá bóng của học sinh, thường đi dạo chơi với chúng tôi có anh Nguyễn Định lúc đó học dưới tôi một lớp, và cũng rất mê thơ văn. Ba chúng tôi đọc cho nhau nghe những bài thơ mới làm, có khi đọc cả những bài đang làm dở dang. Thật ra tôi với anh Định cố khêu gợi cho anh Diệu đọc những bài chưa đăng báo của anh. Sân bãi rộng, cỏ xanh mượt, gió hiu hiu se lạnh rất phù hợp với những buổi “liên hoan thơ” giữa ba chúng tôi. Tôi còn nhớ một chiều, anh Diệu nhìn mấy cây trinh nữ (tức là cây cỏ thẹn, trong Nam gọi là cây hổ ngươi), rồi khe khẽ ngâm:
Đỡ mấy đài xiêu, nâng mấy nhị,
Hồn ơi, phong cảnh cũng là ngươi.

Hai câu thơ này ở trong một bài về sau đã in trong tập “Gửi hương cho gió”. Sở dĩ tôi nhắc hai câu trên là vì nó gợi lên cái không khí man mác, cái chất thơ tiềm ẩn trong những buổi chiều Quốc học của chúng tôi, cái bâng khuâng khó tả trong sự hoà nhập giữa tâm hồn của chúng tôi với cái hồn mênh mang của cảnh vật. Anh Diệu không đàm luận nhiều về cách làm thơ, nhưng mỗi lần anh đọc xong một bài thơ thì anh Nguyễn Định lại như rút ra những kinh nghiệm về bố cục, về câu chữ, còn tôi thì nói lên tâm đắc của mình về tứ thơ và ý thơ. Thật ra cả anh Định và tôi cũng không bình luận gì nhiều, chủ ý là cốt nghe thơ sáng tác như ở trong lò mới ra. Cũng trong một buổi chiều anh Diệu đã nhẩm đi nhẩm lại với chúng tôi mấy câu trong bài “ý thư”:
“Những chút hồn buồn trong lá rụng,
Bị nhàu ai tưởng dưới trăm chân.
Trăm hoa giã cánh rơi không tiếng
Chẳng hái mà hoa cũng hết dần..


Anh Diệu ra đảo Cát Bà suýt bị chết đuối ngoài biển
Liền sau Cách mạng tháng Tám, Tổng giám đốc thương chính là anh Trịnh Văn Bính cử một đoàn viên chức thương chính ra đảo Cát Bà để nắm tình hình về công việc thuế quan ngoài ấy. Đoàn gồm 4-5 người, trong đó có anh Xuân Diệu (mặc dù lúc đó anh Diệu không còn là nhân viên thương chính nữa). Lúc trở về bị một cơn bão nhỏ ập đến bất thường, thuyền tròng trành giữa biển có lúc tưởng đắm đến nơi, nhưng rồi anh em chở thuyền khéo lèo lái cho nên cũng cập được đến bờ Hòn Gai, nhưng vào đến gần bãi thì một cơn sóng to hất mấy người xuống nước ướt như chuột lột. Cùng đi với anh Diệu có đồng chí tham tá nhà Đoan (là anh Uyên, hiện nay còn sống) về kể chuyện lại rất tỉ mỉ chuyến đi đảo Cát Bà nguy hiểm ấy. Sở thương chính đã uỷ lạo đoàn cán bộ bằng một bữa cơm... Đó là lần cuối cùng mà anh Xuân Diệu làm nhiệm vụ “tây đoan” trong đời anh. Suýt nữa thì chết đuối mất một nhà thơ.

Anh Diệu ngã xe đạp gãy tay
Mùa hè 1943, sau khi đã từ Mỹ Tho về Hà Nội ở với tôi, ở số nhà 61 Hàng Bông, một hôm tôi đang ngồi theo dõi sự sinh nở của mấy con bọ ăn hại lá dâu tại Sở nghiên cứu tằm tang, thì được anh giúp việc nhà là anh Hạp đến báo cho biết là anh Diệu đã ngã xe đạp ở phố Tràng Thi, gãy tay trái, và đã phải vào bệnh viện để bó bột. Tôi cấp tốc chạy về nhà và vào bệnh viện thì được biết qua chiếu X quang cả hai xương ở cổ tay đều bị gãy. Bó bột được ba tuần mở ra xem thử thì xương vẫn chưa liền. Lại phải tháo ra nắn lại và bó bột lại, rất đau. Lần sau này Bác sĩ Lê Khắc Quyền tự tay bó bột cho anh Diệu, không những hết sức cẩn thận mà với một lòng trìu mến nhà thơ.
Anh Diệu cứ phải mang cái tay trái bó bột hơn một tháng, và đã đi vào Sài Gòn với tôi với cái tay bó bột ấy, và ra tiễn tôi ở bờ sông Sài Gòn lúc tôi đáp ca nô đi lên Phnông-pênh để nghiên cứu việc trồng dâu nuôi tằm dọc hai bờ sông Mê Công trên đất Campuchia. Anh Diệu về sau nhớ mãi ơn bác sĩ Quyền và ra tập thơ nào cũng tặng bác sĩ.

Cuộc đời đau khổ của em gái tôi (O Điểu)
Em gái thứ nhất là o Trà, tôi đã có dịp nói đến trong phần kể về tuổi nhỏ của tôi; em gái thứ hai là o Điểu cũng có một cuộc đời lận đận, đau khổ. O thông minh, được học ít nhưng học đến đâu nhớ đến đó. Và o cũng chăm làm như o Trà, đầu tắt mặt tối suốt ngày, đi cày đi bừa, gặt hái, gánh nước, nấu cơm... Tất cả công việc gia đình là do hai o gánh vác cùng mẹ tôi, không một lời than van, không một phút uể oải hoặc chán nản.
O Điểu sọi người, trong làng ngoài xóm nhiều người muốn hỏi làm vợ, muốn xin làm dâu. Cân nhắc mãi sau cùng bố mẹ tôi gả o cho con ông T.C ở xóm giữa.
Nhà ông T.C. khá giả, bản thân ông T.C. lại kiêm nghề thuốc bắc, cho nên gia đình cũng có vẻ “sang trọng”. Anh D. chồng o Điểu cũng có học chút ít, lúc đầu cũng thương yêu vợ, nhưng không hiểu về sau chuyển biến trong gia đình thế nào mà anh ta nghe bố mẹ đâm ra hắt hủi vợ. Ông T.C. thì đặc biệt tàn tệ, đòi đuổi o về nhà, mà giữ lại con là cháu ruột của ông. O Điểu về nhà than thở với bố mẹ tôi, mẹ tôi dặn o cứ kiên trì, mong anh D. hồi tâm, và cũng mong ông bà T.C. sẽ biết điều mà không hành hạ con dâu nữa. Nhưng sự kiên nhẫn của o Điểu chỉ mang lại những trận đòn của ông gia, những lời chửi mắng của chồng. Sau cùng o phải làm đơn ly dị (sau Cách mạng tháng Tám). Toà đã xử cho o được nuôi con, đứa con gái đầu tên là Kh. nay đã lấy chồng và đã có con. O Điểu từ đó “bôi vôi” vào gia đình ông T.C. không bao giờ thèm đi qua ngõ nữa. Sau khi giải phóng miền Bắc, tôi về đón mẹ, o Điểu ra Hà Nội ở với tôi, và tôi đã tạo điều kiện cho o đi học làm y tá. O làm y tá ở công trường được 3 năm thì được cơ quan cho đi học y sĩ. Tốt nghiệp y sĩ o về phục vụ một trường cao đắng và có đời chồng thứ hai với một đồng chí người Nam bộ, quê ở Bến Tre, cán bộ quản lý một khách sạn. Đời chồng sau có ba con một trai hai gái. Anh Th., chồng o lại chết sớm, o phải chịu thương chịu khó nuôi ba con trong sự túng thiếu.

Kỷ niệm về Nguyễn Nhược Pháp
Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp là con nhà báo và nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh, mẹ anh là một đồng bào dân tộc Tày. Anh là bạn thân của nhà thơ Phạm Huy Thông từ lúc hai người còn học ở trường Trung học An be Sa rô. Phạm Huy Thông thì viết những bài thơ có tính chất hùng tráng (Tiếng địch sông Ô, Con voi già, Tần hồng châu...) và một số bài thơ trữ tình như Anh Nga và tập Tần Ngọc... Nhưng những bài đạt nhất của Huy Thông là những bài mang hơi tráng ca.
Còn Nguyễn Nhược Pháp thì khác hẳn Huy Thông viết những bài thơ vừa trữ tình nhẹ nhàng, vừa mang tính hu-mua, tính hóm hỉnh kín đáo, biểu hiện rõ rệt ở tập Ngày xưa mà anh cho xuất bản năm 1934, lúc tôi còn học năm thứ hai ban thành chung. Tập Ngày xưa gồm có mười mấy bài, sách in mỏng với một cái bìa tím nhạt, trông rất cảm tình, quyển sách cũng nhẹ nhàng, kín đáo như một bóng người xưa hiện về trong phòng học của một thư sinh. Sách về đến Huế tôi mua ngay một quyển, đọc liền một mạch và rất quyến luyến với một số bài mà tứ thơ cũng như nghệ thuật câu thơ hấp dẫn tôi ngay: Sơn Tinh Thuỷ Tinh, Chùa Hương, Đi sứ, Tay ngà... Tôi nhập tâm ngay từng đoạn thơ của bài Sơn Tinh Thuỷ Tinh:
Thuở ấy trời mây còn u ám
Sông núi còn vang um tiếng thần
Con Vua Hùng Vương thứ mười tám
Mỵ Nương, đẹp như tiên trên trần
Hay đâu thần tiên đi lấy vợ
Sơn tinh, Thuỷ Tinh lòng tơ vương
Hai thần trước cửa thành thi lễ
Mỵ Nương chớp mắt, lòng hơi kiêu
Nhưng có một nàng mà hai rể
Vua cho rằng thế cũng hơi nhiều
Mấy câu thơ của bài thơ vừa buồn cười vừa bâng khuâng:
Mỗi năm Thuỷ Tinh dâng nước bể
Dục núi hò reo, đòi Mỵ Nương
Trần gian đâu có người dai thế
Cũng bởi thần yêu nên khác thường...

Tôi có cảm tình ngay với thơ Nguyễn Nhược Pháp và tôi đã viết một bài bình luận về tập Ngày xưa mà anh Hoài Thanh đã cho đăng ngay ở trang văn nghệ của báo Tràng An. Đến lúc anh Diệu ở Hà Nội về học năm thứ ba ban tú tài ở Huế, và lúc đó tôi học năm thứ nhất, thì gần hè Nguyễn Nhược Pháp vào thăm Huế, đi xem các lăng tẩm và có tìm gặp cho được Xuân Diệu mà anh đã đọc những bài thơ đăng trên báo Phong hoá và báo Ngày nay. Tiếc rằng lần ấy hai người không kịp gặp nhau, và Nguyễn Nhược Pháp có nhờ anh Hoài Thanh nhắn lại với Xuân Diệu những lời thăm hỏi thân thiết nó là mối duyên văn tự chắp nối giữa những người bạn văn thuở đó, càng nung nấu một hoài bão đối với tiếng nước nhà. Nguyễn Nhược Pháp cũng khá giỏi tiếng Pháp và cũng có viết một vài bài báo bằng tiếng Pháp, nhưng anh chuyên tâm trau dồi tiếng Việt; ngoài một số ít bài thơ, anh đã viết một số truyện ngắn ý nhị đăng trong báo Tinh hoa và một vài vở kịch trong đó có vở Người học vẽ. Văn xuôi của Nguyễn Nhược Pháp cũng mang nhiều chất thơ nhẹ nhàng kín đáo, hóm hỉnh mà thật ra thầm cảm động. Lúc anh Xuân Diệu trở ra Hà Nội học luật và dạy văn ở trường Thăng Long thì hai người gặp nhau nhiều lần, đàm luận rất tâm đắc về văn thơ và tiền đồ văn học nước nhà. Nguyễn Nhược Pháp lúc đó đã nhiễm bệnh lao, và anh cũng đã nói với anh Diệu rằng anh biết anh sống không còn bao năm, cho nên một vài mối tình của anh anh chủ động để dang dở. Mắt Nhược Pháp có lẽ vì thế luôn luôn đượm một vẻ buồn xa vắng mặc dầu rất sáng, rất tinh anh. Nhà anh ở gần trường Bưởi, lộng gió hồ Tây càng làm vẻ xa vắng của đôi mắt anh xa thẳm thêm. Anh mất năm 1938, vừa tròn 24 tuổi, “lòng trong trắng như hồi còn thơ”, theo lời bình luận của Hoài Thanh khi nhắc đến thơ anh...

Kỷ niệm về Mạnh Phú Tư
Anh Xuân Diệu và tôi bắt đầu quen anh Mạnh Phú Tư khi anh được giải thưởng văn chương của Tự lực văn đoàn về quyển tiểu thuyết Sống nhờ. Lúc đó chúng tôi ở phố Hàng Bông (số nhà 61); thỉnh thoảng Mạnh Phú Tư đến chơi, và có ngủ đêm lại; có những đêm ba chúng tôi rủ nhau đi xem chiếu bóng ở rạp Êđen ở phố Tràng Tiền, ở rạp Magiettic ở phố Đồng Khánh (Hàng Bài ngày nay); khuya về chúng tôi leo cột điện để vào phòng không muốn phiền người nhà dưới phải mở cửa. Mắt Mạnh Phú Tư hơi hiếng, nên lúc nói chuyện anh cứ nhìn nghiêng nghiêng, như người hơi nặng tai. Mạnh Phú Tư và hai chúng tôi lại cũng có một người bạn chung là Bằng Vân. Anh Bằng Vân dạo ấy bắt đầu viết văn, đang rèn văn bình luận văn học theo kiểu Thánh Thán bình các sách tài tử của văn học cổ điển Trung Quốc. Văn bình luận của Bằng Vân cũng có giọng hào phóng, sảng khoái phóng túng và cũng hơi “nói trạng” như giọng văn Thánh Thán. Anh đã dùng lối văn bình luận ấy bình gần nửa Truyện Kiều; tiếc rằng anh đã mất sớm trong những ngày đầu cách mạng, do một sự rủi ro. Bà cụ mẹ vợ anh Bằng Vân rất thương Mạnh Phú Tư, rất quí cái anh chàng nhà văn ăn nói thủ thỉ, khiêm nhường mà rất lịch lãm chuyện đời, bà cụ cũng có ý muốn gả con gái út cho anh Mạnh Phú Tư, hoặc làm mối cho một người cháu.
Nhưng câu chuyện bắt mối chưa khởi đầu thì anh Mạnh Phú Tư đã có một cuộc tình duyên “rất tiểu thuyết”. Số là anh đã yêu một người con gái cùng quê, lúc đó mới 17 tuổi người xinh đẹp, vẻ mặt thuỳ mị, nhưng mang một tấm lòng rất sôi nổi, rất lãng mạn và có một quan niệm tự do luyến ái rất mô đéc. Ông cụ bà cụ cô người yêu của Mạnh Phú Tư không bằng lòng về mối tình duyên của hai anh chị. Cảm thấy hạnh phúc của mình có thể bị đe doạ, hai người đã có ý định bỏ nhà trốn đi, tất nhiên là không cho hai gia đình biết. Thế rồi bố mẹ cô gả cô cho một người trong làng. Đúng ngày cưới thì anh Mạnh Phú Tư và người yêu trốn biệt, đi ẩn dấu tại nhà quen ở Hà Nội. Hai nhà (ở huyện Thanh Hà) sùng sục đi tìm, nhưng làm sao mà tìm được đôi chim uyên ương giữa trời Hà Nội mênh mông nhất là khi đôi tình nhân này lại được nhà văn Vũ Ngọc Phan và chị Phan là nhà thơ Hằng Phương che giấu rất kín trong nhà hàng tháng trời. Âu đó cũng là một cách Mạnh Phú Tư và người yêu “sống nhờ”. Và hai người không có giấy giá thú đã nghiễm nhiên trở thành vợ chồng dưới sự che chở của tác giả Nhà văn hiện đại. Anh Mạnh Phú Tư chết đi lúc còn rất trẻ, mới 46 tuổi, sau khi giải phóng Hà Nội mấy năm.
Anh chị có nhiều con và tất cả đều đã trưởng thành, mỗi lần dựng vợ gả chồng cho con (tôi cũng không còn nhớ là mấy lần), chị đều mời anh Diệu và tôi đến dự. Anh mất một cách nhẹ nhàng, không phải quằn quại bởi một bệnh kéo dài. Sau một đêm, anh ngủ khuya, sáng dậy người ta đã thấy anh nằm bất tỉnh trên giường, chắc là đứt mạch máu não mà không ai biết. Mấy năm sau khi anh mất, có một đêm tôi nằm chiêm bao thấy Mạnh Phú Tư, trong chiêm bao tôi vẫn thấy anh mắt hiêng hiếng nói giọng thủ thỉ và đang kể lại những mẩu chuyện của đời mình. Tôi có ghi giấc chiêm bao ấy bằng mấy vần lục bát sau đây:
Chiêm bao thấy bạn Phú Tư
Tay cầm một quyển “Sống nhờ” nằm xem
Tôi nhìn bảo bạn: “Cố lên!
Thứ ơi viết nốt những thiên sau này”
“Tao còn đâu nữa hỡi mày!
Chết rồi khôn sống lại ngày trần gian”
Thứ (1) nhìn khóe mắt chứa chan,
Yêu đời như thuở lầm than vào đời
Mắt nghiêng, héo nửa nụ cười
Vẫn nguyên cu Thứ cách mười mấy năm
Bây giờ Thứ chết Thứ nằm
Trong chiêm bao cũng không nhầm âm dương
Chết rồi, còn nuối, còn thương,
Chiêm bao đọc lại từng chương “Sống nhờ”.
Quen nhau mười mấy năm xưa
Chưa xong quyển sách, bây giờ Thứ đâu.
2 giờ - 2 giờ 25. Sáng ngày 1-9-1959, Huy Cận
Chú thích:
(1) Tên khai sinh của Mạnh Phú Tứ là Phạm Văn Thứ

Một sự thua lỗ của nhà xuất bản Huy Xuân
Hồi đó, cuối năm 1939, anh Diệu và tôi ở trên gác 40 Hàng Than. Bỗng một hôm có người ăn bận quần áo ta nhưng chân đi giày Tây gõ cửa, muốn gặp chúng tôi người đó tự giới thiệu là Nhượng Tống, ở Hà Nam lên. Chúng tôi có nghe thấy tên Nhượng Tống một vài lần trên vài tờ báo, và biết anh ta là một người khá thâm nho và đã từng dịch hay nhiều bài thơ Đường nhất là thơ Đỗ Phủ. Lúc đó chúng tôi chưa biết quá trình hoạt động chính trị của anh.
Sau này chúng tôi mới rõ Nhượng Tống đã từng tham gia hoạt động Quốc dân Đảng hồi đầu (Quốc dân Đảng của Nguyễn Thái Học), và về sau con đường chính trị của anh đã thoái hoá, và dẫn anh đi vào hoạt động chính trị phản động, trái với quyền lợi của dân tộc.
Nhưng lúc anh đến gặp chúng tôi thì chỉ là chuyện văn chương. Anh nghe nói chúng tôi có nhà xuất bản Huy Xuân, nên anh muốn chúng tôi xuất bản bản dịch Tây sương ký của anh, mà anh mang theo hôm đó. Ngồi nói chuyện một lúc và nghe anh đọc vài đoạn bản dịch Mái tây thì chúng tôi thấy quả thật là một bản dịch hay đặc biệt là những đoạn dịch thơ trong tác phẩm của Vương Thực Phủ - Rồi anh cao hứng ghi vào quyển vở nháp thơ của anh Xuân Diệu bài Nguyệt vịnh trích ở Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần.
Nguyên văn chữ Hán như sau:
NGUYỆT VỊNH
Thanh huy dục yểm liệu ưng nan
Ánh tử quyên quyên phách tự hàn
Nhất phiến châm xao thiên lý bạch
Bán luân kê xướng ngũ canh tàn
Lục xoa giang thượng thu văn địch
Hồn tú lâu đầu giả ỷ lan
Bác đắc trường nga ưng tự vấn
Như hà bất xử vĩnh đoản loan...
Bản chữ Hán anh viết chữ rất đẹp, đúng là nét bút của một nhà nho lão luyện. Bản dịch của anh như sau:
Khó mà dấu được vẻ thanh thanh
Ngấn lạnh lùng thay, bóng khéo xinh
Nghìn dặm chày khua đều một sắc
Nửa vừng gà gáy nhạt năm canh
Tơi xanh mặt sóng thu nghe sáo
Vạt thắm trên lầu đêm tựa mành
Sao chẳng để cho tròn trặn mãi
A Hằng đâu cũng khó làm thinh.
Quả thật là một bài dịch hay, rất nhuần nhuyễn có những câu như câu 3 câu 4 tưởng như là nguyên văn bằng tiếng Việt... Thế rồi ba chúng tôi bàn việc xuất bản tập Tây sương ký do Nhượng Tống dịch. Anh cũng không đặt điều kiện gì phức tạp, chỉ cần một số tiền để tiêu, vì lúc đó anh đang túng. Trao đổi vài lời, anh Diệu đưa cho Nhượng Tống 90 đồng bạc Đông Dương, xem như là mua bản thảo dịch. Chín mươi đồng bạc Đông Dương là số tiền khá lớn lúc ấy, giá trị bằng mười một tạ gạo, vì mỗi tạ gạo trị giá có 8 đồng. Anh Diệu và tôi cũng nói thêm: Nếu xuất bản mà có lãi khá thì cũng sẽ đưa anh thêm, không để cho anh thiệt thòi đâu... Anh Nhượng Tống nhận tiền vui vẻ ra về, có lẽ cũng vì cảm kích trước cách xứ sự có lý có tình của hai nhà thơ, chủ “nhà xuất bản Huy Xuân”.
Câu chuyện không dừng ở đó. Ít lâu sau, đầu năm 1940, sau khi anh Xuân Diệu đã vào Mỹ Tho làm tham tá nhà đoan, một hôm anh Lê Văn Vang, chủ nhà xuất bản Tân Việt (ở phố Nhà Chung) đến gặp tôi và nói: “Nghe anh và anh Diệu có mua được bản dịch Tây sương ký của Nhượng Tống. Tôi cũng có một bản dịch tương tự, nếu có thể anh cho tôi mượn bản của Nhượng Tống để tra cứu thêm vài chỗ cho chính xác Hai anh giúp tôi thì rất cám ơn”. Tôi với anh Diệu đều có quen anh Lê Văn Vang ở Mỹ Tho. Tôi cũng không nghĩ quanh co gì và đưa ngay bản dịch của Nhượng Tống cho nhà xuất bản Tân Việt mượn. Thế rồi, mấy tháng sau thấy Tân Việt cho phát hành bản Mái tây do Nhượng Tống dịch, đúng như bản mà Nhượng Tống đã bán cho chúng tôi. Thế là nhà xuất bản Huy Xuân bị mất không chín mươi đồng bạc Đông Dương. An ủi là một bản dịch hay được ra đời.

Mấy tháng làm thầy phù đạo ở phố Quan Thánh, Hà Nội
Tháng 10 năm 1939 tôi ra học trường Cao đẳng Nông lâm, cùng ở pô pốt với anh Diệu ở gác 40 Hàng Than. Mặc dù được học bổng mỗi tháng 25 đồng Đông Dương, tôi vẫn nhờ người ta giới thiệu làm thầy phụ đạo cho học sinh trung cấp của một gia đình ở phố Quan Thánh. Đây là gia đình một ông quan huyện ở Sơn Tây, nhưng có nhà biệt thự khá sang trọng ở phố Quan Thánh, đằng sau đường xe điện chạy. Học sinh của tôi là hai cô gái học trường Sainte-marie và cậu con trai út học ở trường Bưởi. Hai chị em học cùng một lớp. Mỗi tuần cứ chiều thứ năm là tôi đến giảng thêm những bài Pháp văn mà hai cô đã học ở trường, và chiều thứ bẩy thì tôi đến phụ đạo cho cậu con trai út cũng về môn Pháp văn và thỉnh thoảng bày cho cậu ta làm những bài toán khó. Hai cô con gái không phải là người đẹp, nhưng cũng có duyên, nhất là cô em có đôi má lúm đồng tiền khi mỉm cười thì rất tươi và nói chuyện rất tế nhị, có khi là ý nhị nữa. Thường tôi đến giảng bài thì hai cô gái ngồi cùng một phía đối diện với tôi, và tôi giảng đến đâu tôi bảo hai cô ghi chép những ý chính đến đó. Chương trình mấy tháng đó đang học về văn thơ lãng mạn Pháp ở thế kỷ thứ 19. Tôi phải giảng lại những bài thơ nổi tiếng của Lamartine, của Victor Huygo, Musset, Vigny (như các bài: Cái hồ, Đêm trên biển, Đêm tháng năm, Chiếc tù và). Tôi giảng các bài thơ này theo cách cảm thụ của tôi, diễn tả cảm xúc của tác giả qua sự cảm xúc của tôi, chứ không theo sát sự hướng dẫn giảng bài của sách giáo khoa Pháp... Có lẽ vì vậy mà những giờ giảng bài của tôi có một sức hấp dẫn riêng, làm cho hai cô học trò nghe rất chăm chú, có lúc mắt hai cô như dán vào miệng giảng bài của tôi, quên cả ghi chép, tôi lại phải nhắc cần ghi lời thầy giảng. Bà Huyện mẹ hai cô, thường ở nhà những buổi tôi đến giảng, và thỉnh thoảng lại pha nước trà ra mời thầy.
Chắc là bà Huyện cũng biết rõ tôi không chỉ là sinh viên trường cao đẳng Nông lâm mà còn là một nhà thơ đã bắt đầu nổi tiếng. Bà tiếp tôi rất lịch sự, rất quý nể và có lần bà mời tôi chủ nhật đến dùng cơm với gia đình, nhưng tôi thoái thác một phần vì tôi bận, nhưng một lẽ nữa là tôi không muốn đi sâu vào những mối quan hệ xã hội phức tạp với những người giàu, với những ông quan... Cậu con trai út thì rất quý thầy, mỗi lần tôi đến giảng là cậu đã đón ngay từ ngoài ngõ và kể chuyện học hành ở lớp cho tôi nghe với thái độ trìu mến như đối với một người anh... Thế rồi có một buổi chiều thứ năm, như thường lệ tôi đến để giảng bài cho hai cô thì thấy cả nhà đi vắng, chỉ một mình cô em gái ra đón tôi vào phòng học, không thấy bà huyện, cũng không thấy cậu em út. Tôi ngồi vào chỗ thường ngồi của tôi, lưng ngoảnh ra cửa sổ đối diện với phía tường là chỗ hai cô thường ngồi nhìn ra phía tôi cũng tức là nhìn ra cửa sổ. Cô em gái rất tự nhiên đến ngồi bên cạnh tôi để nghe thầy giảng bài. Tôi luống cuống một vài phút, rồi tôi nói: “Cô về ngồi chỗ cũ, để tôi giảng và như vậy cô dễ nghe và dễ ghi chép”. Cô cứ ngồi yên, một lúc sau cô nói: “Em ngồi thế này, nghe gần hơn, hiểu mau hơn”. Tôi đành phải tiếp tục giảng bài, nhưng trong người thấy hơi bối rối. Tôi nhớ chiều hôm đó, tôi giảng bài Thung lũng quê hương của Lamartine. Tôi vẫn phân tích sâu sắc và say sưa ý thơ và hình tượng thơ của tác giả, nhưng dường như có chút rung động hơn lần trước, và cô học trò của tôi cứ ngoảnh mặt nhìn chằm chặp vào miệng tôi, làm tôi ngượng và đỏ mặt, hai tai nóng bừng. Lúc bấy giờ chưa hết giờ dạy, nhưng tôi đứng phắt dậy, nói là cần về sớm vì có chút việc bận đã hẹn trước, vả lại bài thơ tôi cũng đã giảng xong mọi điều cần giảng. Vừa lúc tôi đứng dậy thì bà huyện ở trong nhà đẩy cửa đi ra, chào tôi niềm nở và nói: “Sao thầy về vội quá?” rồi nhìn cô con gái bà nói: “Sao con chẳng ý tứ gì, ngồi cạnh thầy như thế có phải làm phiền thầy không mà thầy phải rút ngắn giờ giảng!”. Nói xong bà tủm tỉm cười, cái cười vừa lịch sự, vừa khó hiểu... Như thế nghĩa là lúc cô con gái đến ngồi sát bên tôi, và trong suốt giờ tôi giảng bài mà cô con gái chăm chăm nhìn tôi thì bà mẹ từ buồng trong đã ghé mắt quan sát... May là tôi “vững vàng” không có một sự sa ngã, đắm say nào cả trong giờ phút giảng thơ lãng mạn, nếu không thì bà huyện đã có thể có cớ gán ghép tôi với cô con gái khá có duyên của bà... Chiều thứ bảy tuần đó tôi đến không phải là để giảng bài cho cậu con út, là để nói với bà huyện là tôi bận học quá không thể đến giảng bài phụ đạo cho các con của bà được. Chiều hôm đó hai cô con cùng ở nhà, nghe tôi nói vậy thì sửng sốt, cố nài tôi tiếp tục đến dạy cho hai cô, riêng cô em thì đôi mắt long lanh chớp nhiều và khóe mắt hơi ướt. Tất nhiên là bà huyện cũng có lời luyến tiếc và trả cho tôi một số tiền khá hậu, gấp hai gấp ba số tiền đã thoả thuận trước... Đến lúc tôi đậu kỹ sư, 1942, tôi có trở lại thăm gia đình bà huyện, thì được biết cô chị đã lấy chồng, lấy một ông tri huyện trẻ, còn cô em còn tiếp tục học, và còn chờ... Cô gặp lại tôi có vẻ ngượng nghịu, tôi thăm hỏi qua rồi chào ra đi...

<< Tập 2- L | Tập 2 - N >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 600

Return to top