Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> HỒI KÝ SONG ĐÔI

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 27326 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

HỒI KÝ SONG ĐÔI
Huy Cận

Tập 2-B

Ông huyện Q.
Ông huyện Q. là bà con xa với cậu tôi. Làm tri huyện ở huyện Phong Điền hay là Hương Thuỷ, tôi không nhớ rõ. Thỉnh thoảng ông có việc đái qua ghé thăm cậu mợ tôi. Ông đậu cử nhân Hán học, bận quần áo ta, áo lương đen, đội khăn xếp và đi giày Gáia Định.
Ông ăn nói nhẹ nhàng, nho nhã, giọng rất thân tình nghe ông cứ thấy tình bà con ruột thịt trong mối quan hệ giữa ông với người trò chuyện với ông. Tôi cứ tưởng tượng ông là một ông quan liêm khiết, hiền từ, xứng đáng là bậc “dân chi phụ mẫu”. Thế nhưng, qua câu chuyện của cậu mợ tôi nói lại, bọn tôi mới biết ông là một tay bóp hầu, bóp cổ những người dân dưới quyền cai trị của ông. Một vụ làm tiền của ông đã suýt làm ông bay mất chức tri huyện nếu không có Chúa cứu. Số là ông tra khảo một bà bị kiện trước cửa quan, vì một vụ tranh chấp gia tài thế nào đó. Tra khảo mấy lần người đàn bà kia khăng khăng không chịu khai theo lời mớm cung của nha lại nơi huyện đường. Thế là quan huyện nhà ta có một sáng kiến: cho lấy kim châm vào hai núm vú của người đàn bà, lấy chỉ xâu kim và mỗi kim buộc một chiếc lông gà, và quan cho lính lệ thay phiên nhau “quạt mát” người đàn bà xấu số. Gió làm xoay hai chiếc kim và người đàn bà đau buốt kêu thét lên, có lúc ngất đi. Quan cho nghỉ một lúc, rồi lại trực tiếp hỏi cung người phụ nữ, cố rứt cho ra lời khai mà quan đòi hỏi. Người đàn bà xấu số van lạy xin quan tha cho, nhưng không thể nào khai như lời mớm cung được.
Lại quạt. Lại đau buốt. Lại kêu thét. Lại ngất đi. Và lại tiếp tục khảo cung với giọng ngọt ngào của quan huyện nhưng với nét mặt nham hiểm và như muốn vồ vào người ta như hổ đói vồ mồi. Cuộc tra khảo ghê rợn này tiến hành trong một phòng kín của huyện đường, nhưng tiếng kêu thét của người phụ nữ cũng lọt ra ngoài phố huyện, và gia đình người nạn nhân đã phát đơn kiện lên thừa phủ (cơ quan hành chính đầu tỉnh của Nam triều). Câu chuyện vỡ lở ra, khó lòng mà tỉnh dẹp yên đi được mặc dù vợ chồng quan huyện cũng đã long tóc gáy chạy chọt các cửa sau, cửa trước. Không những quan huyện có thể bị cách chức (điều ấy gần như chắc chắn), mà còn có thể bị ngồi tù nữa... Bà huyện bèn bàn với quan huyện một phương cứu chữa: Bà huyện và con gái sẽ cấp tốc đến nhà thờ xứ ở địa phận gần huyện và xin cha xứ rủ lòng thương, lấy phép Chúa cứu vớt gia đình. Bà huyện và con gái xin nguyện làm con chiên của Chúa ngay tức khắc, và xin cha làm phép rửa tội cho hai mẹ con được sớm trở về với Chúa. “Phép lạ” của bà huyện có hiệu quả gần như tức khắc. Cha xứ rủ lòng thương quan ông, quan bà, và quan cô, chạy lên gặp bề trên, và xin bề trên lấy lượng hải hà mà cứu vớt quan trong cơn nguy khốn. Thế rồi vụ án được dẹp ỉm đi; bà huyện, cô huyện, và quan huyện nữa đều đặn mỗi chủ nhật đi nhà thờ ăn bánh thánh, và riêng bà huyện thì gần như ngày nào cũng đi xưng tội với cha và được rửa tội. Còn người đàn bà xấu số kia mà hai vú đã sưng cứng lại thì được trả về gia đình, và được trám miệng bằng một số tiền... Tôi nghe nói về sau bà huyện đã chết, hay là nói cho đúng nghĩa, đã “có một cái chết rất đạo”... Bọn tôi nghe câu chuyện mà rùng mình.
Trong tâm hồn trẻ con của tôi, thấy hiện lên những ma quỉ những quỉ sứ mà tôi đã thấy trong địa ngục ở chùa Bổn trên rú Trùa. Cảm giác ghê lạnh về cái ác ở đời qua câu chuyện ông huyện Q. cứ làm tôi bàng hoàng mãi. Mãi về sau, tôi lại thấy ông huyện đến thăm cậu tôi ở Huế, ông vẫn giọng ngọt ngào ấy, vẫn dáng nho nhã ấy, nhưng tôi nhìn vào mắt ông thấy sâu hoắm và đen như mắt cú vọ, và tự nhiên tôi thấy hoảng sợ, tôi bỏ chạy không dám nhìn ông nữa. Có lẽ ông đã biến thành quỉ sa tăng. Câu chuyện “quan huyện quạt vú” được người ta kể lại mãi ở vùng Thừa Thiên, và cho mãi gần đây, khi tôi trở lại thăm Quảng Điền vẫn còn có người nhắc đến như một câu chuyện ma quỉ. Bà huyện chết “rất đạo”, không có con trai, lúc chết người gầy guộc hẳn đi, chỉ còn da bọc xương, như “đã bị quỉ sứ róc thịt”.
Nuôi dế
Lúc ở nhà cậu tôi ở Quảng Điền, ngoài việc say mê đọc sách, tôi còn một cái mê say khác là nuôi dế. Anh Hùng, cháu họ cậu tôi lúc đó học lớp nhì, thỉnh thoảng về Huế xin được của mẹ và của chị những hộp phấn (đã hết phấn) hình chữ nhật có một mặt kính, rất đẹp.
Anh Hùng bày cho tôi nuôi dế trong các hộp ấy, mỗi hộp vừa nuôi một con bằng lá rau muống hoặc lá khoai lang. Rồi chiều chiều, sau buổi học anh Hùng và tôi cho những con dế vào một hộp giấy to và xem chúng đá nhau, chọi nhau. Mỗi con dế trước khi xông ra trận đều phát ra một tiếng kêu the thé và chân run rẩy, chúng tôi gọi tiếng kêu thé ấy là hồi còi, hoặc là hồi kèn ra trận của hai địch thủ. Tôi chăm sóc cho dế ăn no không quên để một ít nước trong cái nắp chai để trong hộp dế. Dế đực đánh nhau với dế đực, dế cái đánh nhau với dế cái, và có khi đực cái đánh nhau. Tôi lấy làm lạ là thường dế cái thắng trận, chứ không phải dế đực. Cùng ở với tôi có cậu Cục, cháu gọi mợ Vân bằng cô học kém, mà cũng kém sáng kiến trong các trò chơi. Thấy anh Hùng và tôi thích thú trong việc nuôi dế và chọi dế cậu có vẻ ghen, rồi một hôm tôi đi học về không thấy các hộp dế của tôi đâu nữa... Tôi tiếc mãi, nhưng cũng không dám mách với cậu mợ, còn anh Hùng thì an ủi tôi: “Anh sẽ xin cho em những hộp phấn to hơn, để nuôi những con dế to hơn, cho nó đánh những trận to hơn.... Nói vậy, chứ về sau tôi cũng không có hộp phấn nào to hơn, không thấy con dế nào to hơn. Năm 1975, vào Sài Gòn giải phóng, nghe tin anh Hùng ở lại chứ không di tản mặc dù anh đã giữ một chức quan trọng trong ngân hàng của chính quyền nguỵ. Tôi có ý muốn tìm thăm anh, trước là để thăm một người bà con, sau là để nhắc lại câu chuyện nuôi dế và chọi dế, và để hỏi anh đã thấy con dế nào to hơn những con dế hồi nhỏ của chúng tôi chưa. Nhưng mãi đến nay tôi vẫn chưa Um ra địa chỉ của anh. Mỗi lúc tôi thấy các em bé chơi trò chọi dế, tôi lại nhớ những hộp xinh xẻo thơm phức của tuổi nhỏ của tôi.

Anh Đông
Anh Đông là loong toong của cậu tôi ở trường Quảng Điền. Tôi gọi là anh, nhưng lúc đó anh cũng vào trạc tuổi chú tôi. Anh người cao, không vạm vỡ nhưng khỏe mạnh, tóc chải ngược có cái lược nhôm cài phía sau gáy. Mắt anh sáng, giọng nói sang sảng và bước đi rất nhanh.
Anh làm mọi việc của một người loong toong rất mẫn cán: chạy giấy, đi ga Văn Xá gởi những bưu kiện của nhà trường hay của cậu tôi, quét dọn lớp, nhất là lớp cậu tôi trực tiếp làm giáo viên, đánh trống nhà trường. Nhưng cái việc anh Đông làm tôi khâm phục nhất là giặt là áo quần và là (ủi) áo quần tây cho cậu tôi. Chả biết anh làm thế nào mà áo quần anh giặt rất trắng, còn là thì anh đem sơ mi láng qua trong một chậu nước khuấy bột trắng (không biết là bột gạo hay là bột nếp, hay là bột gì tôi không biết), anh để cho sơ mi hơi se se rồi lấy bàn là nóng là mạnh lên áo, đặc biệt là là kĩ tấm pờ-lat-tơ-rông trước ngực và cái cổ, là thành cứng như một tấm bìa, có thể lấy ngón tay búng vào nghe kêu boong boong.
Còn bàn là thì phía trên là rỗng nhừ cái hộp sắt trong đó bỏ than hồng, quạt cho thật nóng rồi đậy nắp lại. Tô: cứ trầm trồ mãi trước cái tài là áo quần của anh Đông.
Có lẽ do anh khéo tay giặt là cho nên cậu tôi cũng năng thay áo sơ mi; đối với một ông giáo ở nông thôn như vậy là quá tươm tất, rất chuẩn. Các thầy giáo ở các lớp khác thấy ông đốc (tức là hiệu trưởng) chỉnh tề thường xuyên thì cũng theo nếp đó mà ăn bận rất ngay ngắn, tử tế.
Khi cậu tôi đổi về Huế, muốn đem anh Đông đi theo nhưng hoàn cảnh gia đình không cho phép anh đổi nơi làm việc. Thỉnh thoảng có dịp đi Huế, anh vẫn ghé thăm cậu mợ tôi. Anh Đông rất tốt đối với bọn học trò chúng tôi trong nhà, luôn luôn vui cười, và riêng đối với tôi hình như anh biết cảnh nhà tôi nghèo nên anh có thương hơn. Có lần anh nói với tôi “Đem áo quần tao giặt luôn cho một thể”, nhưng tôi không dám, áo quần tôi tôi chỉ nhờ dì Em giặt mà thôi.

Đi xem máy dẫn thuỷ nhập điền
Gần nghỉ hè 1928 thì thầy Lưu Thành Công dẫn lớp chúng tôi đi xem máy “dẫn thuỷ nhập điền” ở gần ga Văn Xá. Lúc đó có một người, không hiểu là tung tích thế nào, ở xa về, mua được một cái máy bơm nước khá to, muốn làm công việc dẫn nước vào ruộng, chống hạn. Đây là một việc làm hoàn toàn tư nhân, một sáng kiến cá nhân, cũng không bị chính quyền thực dân và phong kiến cản trở. Tôi nhớ mường tượng cái máy bơm khá phức tạp, gần như cái máy để quay bánh lái của các ca nô lớn ngày nay. Cuộc đi tham quan kỹ thuật này đối với chúng tôi lúc đó là một kỳ quan. Người chủ của máy, cũng là nhà kỹ thuật, đứng cắt nghĩa tỉ mỉ cho chúng tôi cách hoạt động của máy cách máy bơm nước vào ruộng. Tôi không nhớ rõ những chi tiết của sự giải thích kỹ thuật này, nhưng còn nhớ rõ cái ấn tượng “thường dân” của người chủ máy, cái ấn tượng “văn minh” mà máy móc in vào tâm trí non nớt của chúng tôi. Thầy Lưu Thành Công của tôi cũng rất hào hứng trong chuyến đi tham quan kỹ thuật này, dường như các thầy giáo lúc đó cũng đều náo nức mong mỏi có một sự tiến bộ trong cách làm ăn nghìn đời không đổi mới của dân quê ta. Về sau tôi không nghe cái máy dẫn thuỷ nhập điền này có hoạt động được hay không. Hay đó cũng chỉ là một thí nghiệm của lòng thương nước thương dân của một người trí thức tiến bộ, một sự thí nghiệm bị chết yểu...
Cùng ở nhà cậu tôi có một anh học trò lớp nhất vẽ rất giỏi, và rất thuộc thơ văn của các cụ ngày trước. Ngày nghỉ, chủ nhật anh thường đem hộp màu vẽ và cái bút lông ra minh hoạ những bài thơ. Tôi còn nhớ anh minh hoạ rất đẹp bằng nhiều cảnh bài thơ Cảnh chiều của Bà Huyện Thanh Quan:
Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn
Tiếng ốc xa đưa vẳng trống đốn.

<< Tập 2 | Tập 2- C >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 600

Return to top