Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> HỒI KÝ SONG ĐÔI

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 27341 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

HỒI KÝ SONG ĐÔI
Huy Cận

Tập 2- D

Lò sát sinh
Trường học Queignec của tôi ở sát cạnh lò sát sinh của thành phố Huế, và lò sát sinh cách nhà cậu tôi ở cũng chỉ hơn 200 thước. Lò sát sinh ở trên một khoảng đất rộng, có trồng cỏ xanh như bãi để bóng.
Lò sát sinh là một cái nhà rộng, dài kiểu như một nhà máy cơ khí, chỉ khác một điếu là trong nhà máy gắn với nền xi măng là những cỗ máy to bự; còn ở đây gắn với nền xi măng là những vòng kiềng sắt to, buộc vào xiềng là những sợi xích dài, những xiêng xích ấy là để buộc những con bò dể người ta giết. Lần đầu tiên, lúc đó tôi học lớp ba, 1929, tôi cùng mấy bạn học trong nhà vào xem lò sát sinh, và xem người ta giết bò, mổ lợn. Hồi nhỏ, lúc tôi 5, 6 tuổi, tôi đã thấy người ta giết bò, giết bê làm thịt vào dịp Tết hàng ngày rằm tháng 7, nhưng cách giết bò là buộc bốn chân bò và bê rồi lấy dao đâm thọc vào cổ con vật cho máu ộc ra, và máu chảy hết thì bò bê cũng tắt thở. Đối với tuổi nhỏ việc nhìn thấy giết con vật thân quen như thế cũng đã là một điều ghê rợn. Nhưng ở lò sát sinh thì cách giết lại khác. Tôi thấy người ta dắt những con bò vào và lấy xích buộc nó chặt vào các cái xiềng gắn ở nền xi măng. Không biết các con bò có linh tính gì không, nhưng tôi thấy chúng bước vào lò sát sinh đi từng bước nặng trĩu, đầu cúi rạp xuống, và hai con mắt của chúng buồn không thể tả được. Mà thực sự tôi đã thấy chúng khóc, khóc những giọt nước mắt không tràn trề, nhưng rõ ràng là những giọt nước mắt của những con vật cảm thấy giờ tận kiếp sắp đến. Những giọt nước mắt bò, than ôi, cũng đau đớn, cũng xé gan xé ruột như những giọt nước mắt người. Thế rồi, những con bò đã bị xiềng xích đứng im, như yên phận chờ số mệnh của chúng. Và một người vạm vỡ, bận quần đùi, áo cộc, cả quần áo đều màu cháo lòng, bước vào, tôi sợ quá! Gọi người này bằng tên gì? Trong cảm giác thơ bé của tôi, anh ta là một đao phủ, đao phủ của những con bò tội nghiệp đứng chờ kia. Tôi không dám nhìn, nhưng rồi tôi cũng nhìn cho biết việc hạ thủ những con vật kia sẽ xảy ra như thế nào. Anh vạm vỡ kia đi tới trước con bò, dừng lại chừng nửa phút, dường như để ngắm dáng đứng của con bò đã khớp với tư thế đứng của anh chưa và trong nháy mắt anh giơ cái búa to, nặng cần không dài lắm, giáng mạnh vào gáy con bò. Tôi nhắm mắt không dám nhìn nữa. Bỗng nghe một tiếng xoạc đổ, rầm một cái: tôi mở mắt ra, con bò đã ngã khuỵu bốn chân xoài ra, hai mắt nó không còn nhìn nữa, cũng không khóc nữa, nó đã chết tức khắc sau nhát búa giáng mạnh vào gáy nó. Mỗi ngày, hoặc là mỗi tuần vài ba ngày, ở trong lò sát sinh ấy giết đến mấy con bò như vậy. Nhưng tôi chỉ xem phút hạ thủ bò chỉ một lần ấy mà thôi... Sau đó, tôi cũng tò mò xem người ta mổ bò, lột da bò và treo con bò đã lột da, đã lấy hết huyết, lên những đòn tay có xích kéo cao lên, để nhờ ông bác sĩ thú y đến khám xét xem thịt bò lành hay bị nhiễm bệnh. Sau này tôi có dịp xem bức tranh của Rembrand “Con bò đã lột da”, thì tôi thấy nó giống những con bò treo ở nhà sát sinh quá. Ông T. y sĩ thú y của thành phố khoảng 9 giờ đi xe kéo nhà đến, vào thẳng lò, cầm một con dao mổ “Scalpel” rất sắc và nhọn đi rạch vào từng mảng thịt của những con bò, để xem có sán hoặc có các ký sinh trùng nào khác ẩn trong cơ bắp của bò không. Dao ông sắc lém đến nỗi ông chỉ rạch qua mà đôi khi văng cả cục thịt ra ngoài, nhưng những người đi theo không ai dám nhặt, vì mắt ông còn sắc lém hơn. Có một lần ông N. cậu ruột của một người bạn học tôi, xớ rớ thế nào mà ông tưởng là nhặt cắp thịt văng ra ông liền phóng con dao theo ông N., may mà dao trượt qua lưng chỉ trầy da một chút thôi. Cái anh vạm vỡ đao phủ trên kia và cái ông thú y sắc lém này làm tôi khiếp đảm, từ đó mặc dầu trường tôi ở sát nách lò sát sinh tôi cũng không dám vào xem công việc mổ bò, mổ lợn nữa. Huyết bò đổ vào những cái chậu to bằng tôn, và huyết cũng lai láng trên nền xi măng. Các bà buôn huyết bò (như thím Lạng đã nói trên kia), vội vàng gánh thùng vào cho huyết đầy thùng và gánh đi thoăn thoắt, vì trễ giờ thì lò sát sinh sẽ đóng cửa, và mọi người đều sợ gặp ông thú y như sợ cọp.
Ông thú y này có một lần bị kiện vì hành động tàn bạo đối với người lao động trong lò sát sinh, nhưng được quan trên che chở nên ông cũng trắng án. Trong kháng chiến chống Pháp, tình cờ tôi có dịp gặp lại ông, tôi không nhắc lại chuyện cũ ở lò sát sinh, ông cũng không nhắc, nhưng cả hai người đều khêu gợi những kỷ niệm ở Huế. Thú vị cho tôi là nghe ông nhắc nhiều đến chùa Thiên Mụ, tả tiếng chuông chùa ngân vang mỗi sáng mỗi chiều, tiếng chuông Thiên Mụ mà tôi cũng rất mê nghe ngày tôi học ở trường Quốc học. Ông nói rất tự nhiên, như là bộc lộ một suy nghĩ thấm sâu, dai dắng của mình: “Thật ra ai cũng có Phật tâm, chỉ có lúc này lúc kia bị chuyện đời che lấp làm cho mờ ám cái Phật tâm kia.... Trong bụng tôi tự nghĩ: “Chắc hẳn rằng lúc ông phóng con dao vào thắt lưng ông N. là lúc Phật tâm kia của ông bị che lấp, tối mờ đi...
Từ lò sát sinh, xung quanh lò sát sinh, nầy nở nhiều nghề phụ: nghề buôn da và thuộc da, nghề buôn xương (để làm cúc, vạch...), nghề buôn huyết và chế biến huyết, nghề buôn lông lợn và chế biến lông lợn (làm bàn chải, làm những cái thông bóng đèn,...).
Người ta bảo với tôi là còn nghề buôn sừng trâu, sừng bò, móng trâu móng bò cũng được tiền lắm. Tôi ngây thơ tưởng rằng những người làm ở lò sát sinh mục kích hàng ngày việc giết trâu giết bò như vậy thì dễ sinh tính hung tợn, tàn bạo, và tôi cứ phàn nàn tại sao trường tôi lại xấu số ở sát cạnh lò sát sinh. Lại có người nhắc mẹ thầy Mạnh Tứ không muốn cho con ở gần chợ... Nhưng cuộc đời nó không theo cái lập luận ngây thơ của tôi. Vợ ông N. mà tôi đã nhắc đến trên kia là một người rất hiền, rất thương người, rất thương cháu, đặc biệt là thương người cháu nghèo bạn học của tôi cùng lớp. Thậm chí bà nói nhỏ nhẹ, và không muốn người khác nói to tiếng trong nhà mình. Và người ta còn kể cho tôi nghe cái anh vạm vỡ đao phủ của những con bò, về nhà lại rất hiền, rất êm ái với vợ con và láng giềng, hàng xóm. Và biết bao nhiêu người hiền lành tôi đã được gặp, tôi đã được chung đụng trong cái xã hội nhỏ sống gần lò sát sinh như những người tôi đã nhắc đến trên kia: anh Cháu đờn ông Lạng, chú Kình, chú Xối, ông cả Soạn, mụ Lợn mệ Chiếu, v.v... Lò sát sinh: một chi tiết dữ dội trong kỷ niệm tuổi nhỏ ở phố Đông Ba.
Trường Queignec
Trường tiểu học Queignec của tôi có 6 lớp: lớp năm, lớp tư, lớp ba, lớp nhì nhất niên, lớp nhì nhị niên và lớp nhất. Đằng sau trường có một sân khá rộng để học trò tập thể dục buổi chiều theo sự hướng dẫn của một ông cai lính khố áo xanh. Mỗi lớp của trường tương đối rộng, chứa được trên dưới 40 học sinh, bàn ghế của học sinh làm bằng gỗ lim, đã hàng chục năm, vẫn vững chắc. Bàn của thầy giáo là lối bàn ở các giảng đường, nghĩa là có che kín xung quanh và để trên một cái bục cao. Từ bàn đó, thầy nhìn xuống lớp thấy rất rõ từng bàn của học sinh, bàn cuối lớp cũng không lọt được con mắt kiểm soát của thầy. Áp vào tường là một cái bảng đen to tướng, mầu đen rất bền, viết phấn trắng lên, phấn rất cắn và rất nổi chữ... Năm tôi học lớp ba và lớp nhì thì cậu tôi là hiệu trưởng có sáng kiến giao cho thầy trò mỗi lớp trồng mấy cây bàng phía cửa sổ của lớp nhìn sang cái vườn của sở trứng (nhà máy làm bột trứng) mà chủ là một người Pháp. Những cây bàng mà chúng tôi trồng lớn khá nhanh và sau hơn một năm đã cho bóng mát vào lớp Năm 1975 sau khi giải phóng Huế, tôi về thăm trường, thì việc trước tiên là tôi thăm mấy cây bàng. Các cây bàng này không to lên bao nhiêu, có lẽ trồng trên đất sỏi gạch, nhưng lá vẫn mượt, và cây không bị sâu. Người cai trường, lúc tôi học ở đó, là ông Tộ, hơi nặng tai, nên ông nói với ai cũng nói thật to Cũng theo lẽ ấy, khi ông đánh trống trường ông cũng nện dùi trống thật mạnh và tất nhiên là tiếng trống vang to và vang xa, nhưng tội một cái là trống của trường mau thủng mặt trống, và ông hiệu trưởng là cậu tôi lại phải xin tiền ty học chánh Thừa Thiên để thay mặt trống. Sau này cậu tôi không giao ông Tộ đánh trống nữa, mà giao cho học sinh lớp nhất luân phiên nhau đánh trống. Ông Tộ rất tốt, đến giờ đóng cửa trường mà gặp học sinh đến chậm, ông vẫn mở cửa cho vào, có khi ông bày cho học sinh leo qua cửa sổ nhà ông mà vào lớp. Cả năm, ông không đi đâu nghỉ hè cũng vậy: trường thật sự là nhà của ông...
Thầy Phan Tiên Nhắc đến những năm học ở trường Queignec, trước hết tôi nhớ và hết sức biết ơn thầy Phan Tiên. Thầy người quê ở Quảng Ngãi học ở trường đạo Pellerin (Huế), đậu bằng thành chung mùa hè 1928 và được bổ nhiệm về trường tôi vào kỳ tựu trường năm ấy, là lúc tôi học lớp ba. Thầy là người học giỏi, đọc rộng, tính tình rất sôi nổi, phong cách hào phóng. Tuy thầy không qua môn sư phạm, nhưng thầy dạy học trò mau tiến bộ dường như thầy rất tin ở sự thông minh của đám trẻ học với thầy, và một phần nào thầy giao cho lớp tự quản. Đặc biệt, thầy hay gợi ý cho học sinh đọc sách sách giáo khoa hoặc những sách tập đọc ngoại khoá.
Thầy chú ý khêu gọi lòng ham đọc sách, hứng thú tìm cái hay cái đẹp trong sách cho học sinh. Hàng tháng thầy dành một vài tiết học cho học sinh kể lại những bài mình đã đọc, những truyện lý thú mà mình đã khám phá trong các sách đọc ngoài giờ học. Thầy cũng hay gợi ý cho học sinh trau dồi tình bạn với nhau, và thầy kể hồi nhỏ ở lứa tuổi của chúng tôi, nghĩa là 9, 10 tuổi, thầy đã kết bạn như thế nào với một bạn học con trai và một bạn học con gái. Thầy kể tình bạn tuổi nhỏ ấy với một giọng đầy xúc động, làm cho chúng tôi rất yêu thầy, và cũng làm cho chúng tôi thấy tình bạn đẹp quá Tôi và vài anh nữa, vào loại “đắc ý môn sinh” của thầy, vì chúng tôi học giỏi, và cũng giúp thầy chấm bài cho cả lớp: chấm toán chẳng hạn, thì thầy chấm bài chúng tôi trước, thầy phê đúng và cho điểm. Sau đó thầy giao số bài còn lại cho chúng tôi kiểm tra đúng thì đề đúng, sai thì đề sai còn điểm thì chúng tôi ghi bằng bút chì thường theo sự đánh giá chủ quan của chúng tôi, sau đó thầy xem lại và phê điểm bằng bút mực đỏ, thường là thầy đồng tình với những điểm chúng tôi đề nghị; tất nhiên cũng có trường hợp thầy gia giảm. Anh em học sinh cùng lớp cũng biết cách chấm này của thầy, nhưng không thắc mắc, một là vì sợ thầy, hai là thấy điểm cho cũng công bằng, không có gì là thiên vị hay trù úm. Thầy hay dẫn học trò đi chơi thăm những cảnh đẹp trong thành phố hay ngoài thành phố như đàn Nam Giao, chùa Từ Đàm, chùa Diệu Đế.
Thầy Tiên rất thương học trò, cuối mỗi năm học, thầy đòi mỗi học sinh cho thầy một ảnh nhỏ để thầy dán vào quyển sổ lưu niệm của thầy. Năm 1975, sau khi miền Nam được giải phóng, từ Sài Gòn đi ra bằng xe hơi, tôi ghé Quảng Ngãi tìm thăm thầy và tôi đã gặp thầy ở thị xã Quảng Ngãi (huyện Tư Nghĩa). Thầy đã già nhưng còn quắc thước, giọng nói vẫn sang sảng.
Gặp tôi thầy nhớ ra ngay, và thầy cho tôi ăn kẹo lạc và đường phổi Quảng Ngãi, như hồi bé tôi vẫn được thầy cho sau khi thầy về quê ăn tết ở quê ra. Thầy đi vào phòng trong đưa ra một quyển vở dày và mở ra cho tôi xem ở trang có dán ảnh học sinh lớp ba của thầy ở trường Queignec năm 1929. Thầy chỉ vào ảnh tôi (cái ảnh mà tôi còn giữ được trong căn cước đi thi tiểu học yếu lược) và đọc lại tôi nghe lời nhận xét của thầy về tôi “Cậu bé này có tương lai rực rỡ”. Lời nhận xét khích lệ của thầy, thầy lấy làm tâm đắc. Năm tôi lên lớp nhì đệ nhị niên lại gặp thầy Tiên. Tình nghĩa thầy trò từ bấy nay không hề phai nhạt, mỗi lần có cơ hội là tôi thăm thầy, và điều làm thầy sung sướng là mỗi lần tôi lại tặng thầy một tập thơ mới của tôi...
Tôi ốm thương hàn
Năm tôi học lớp ba, tôi bị ốm một trận thập tử nhất sinh, sốt liên miên nhiều ngày mà cậu mợ tôi không hiểu rõ là bệnh gì. Cậu mợ rất lo, một mặt đánh dây thép mời thầy (cha) tôi vào, mặt khác cậu tôi mời một ông ngự y quen biết đến bắt mạch cho tôi và cho toa thuốc. Uống thuốc của ông ngự y (thầy thuốc của nhà vua) được ba bốn hôm thì bệnh thuyên giảm, và lúc đó cũng vừa lúc thầy tôi ở Hà Tĩnh đi xe lửa vào. Thành ra thầy tôi được một dịp đi thăm kinh đô Huế, mà thầy vẫn ao ước, và ngồi đánh tài bàn tổ tôm với cậu tôi và mấy người quen nửa tháng rồi về.
Sau này tôi mới hiểu rõ lần ấy tôi bị bệnh thương hàn, và ông ngự y cũng đã cho tôi uống bài thuốc kinh điển về bệnh này, hình như có nhiều phụ tử. Lúc tôi gần khỏi, đầu cứ choáng váng, nằm thấy trần nhà cứ xoay tròn, và cố gắng đứng dậy đi lại thì người cứ nhẹ lâng, như không còn sức hút của đất. Lúc tôi ốm, cả mợ Vân, cả dì Em đều chăm nom tôi hết lòng như mẹ chăm nom cho con. Có lúc mợ và dì tưởng tôi có thể chết thì đã hối hận “đem nó vào làm gì để cho cha mẹ nó sẽ oán hận.... Lúc đó tôi không hề có cảm giác là có thể chết, ý nghĩ về cái chết có lẽ không bao giờ lởn vởn trong đầu một đứa trẻ con. Tôi chưa làm một cuộc điều tra về điều này, nhưng tôi đoán chắc như thế. Trẻ con là mầm đang lên, chưa có cái cụp héo của tuổi già để mà lo sợ cái chết. Tôi khỏi bệnh rồi ăn cháo mấy ngày, cháo thịt bò, rồi ăn cơm bình thường mà cậu tôi vẫn nhờ ông ngự y làm cho một thẩu thuốc bổ, thuốc tễ (từng viên vuông như viên đường kính, mầu nâu) để ăn dần. Ăn hết thẩu thuốc tễ này thì tôi khỏe hẳn, và từ đó về sau tôi không ốm nữa. Qua trận ốm này, và một lần ốm nhẹ nữa năm 1936 (sau khi tôi đậu thành chung), tôi càng tin thuốc bắc, đặc biệt là các phương thuốc bổ nó ngấm lâu dài vào cơ thể của ta, và cho ta một cái vốn đề kháng rất lớn.
Cũng vì vậy tôi rất tin tưởng ở phương châm kết hợp y học phương Tây với y học dân tộc. Cũng là một sự ngẫu nhiên đẹp đẽ ở đời là thầy tôi và thầy anh Xuân Diệu, sau khi hai con của mình thoát chết vì bệnh thương hàn thì đều nghiên cứu đông y và trở thành những thầy thuốc “mát tay” chữa bệnh cho bà con họ hàng, làng xóm.
Xóm Mang Cá
Từ trường học Queignec của tôi đi xuôi về Sình, qua cầu Thanh Long, là đến xóm Mang Cá, ở gần đồn Mang Cá Đồn Mang Cá lúc đó là do lính Pháp và lính khố đỏ đóng, vì đây là một vị trí quân sự quan trọng, chính quyền thực dân không muốn giao cho lính khố xanh đóng, mà họ gọi là đội lính bản xứ (garde indigène). Đồn Mang Cá xưa kia, lúc Pháp mới sang, là nơi đã xảy ra cuộc chiến đấu ác liệt của nhà yêu nước Tôn Thất Thuyết chống cự (một cách tuyệt vọng nhưng rất anh hùng) bọn giặc Pháp lúc đó muốn củng cố nền đô hộ chưa ổn định của chúng. Xóm Mang Cá những năm 30 của thế kỷ là xóm của những người vợ lính Tây, cả Tây trắng và Tây đen (từ “tây đen” là chỉ những người lính châu Phi da đen ở trong quân đội Pháp). Một vài người bạn học cùng lớp với tôi (như bạn Côn, bạn Bảo) nhà ở dưới đó, có rủ tôi đi chơi ở xóm Mang Cá. Đó là những ngôi nhà tranh vách toócsi (đất nhồi rơm, có khi cả với phân trâu khô) sạch sẽ, trong mỗi nhà là gia đình của một anh lính. Các chị vợ Tây này có người có con, nhiều nhất là vài đứa, có người không có con. Lính Tây chỉ được sống với vợ con tối thứ bẩy và ngày chủ nhật trừ những anh cai hay đội thì thỉnh thoảng cũng được về nhà vài đêm “bổ sung”.
Các chị vợ lính Tây thường nhàn rỗi, vì đã có tiền của anh chồng bao, chỉ đi chợ mua thức ăn, lo bếp núc, nhất là thứ bẩy và chủ nhật: Còn ngày giờ rỗi thì các chị đánh tứ sắc, hay là đánh chắn.
Tôi còn nhỏ (10 tuổi), nhưng tại sao tôi có cảm giác các chị sống một cuộc đời dường như ngơ ngác, như giả tạo, và trên nét mặt của các chị tôi thấy một nỗi buồn phảng phất, kể cả những khi các chị vui đùa. Có những anh lính Tây cũng thương vợ thật, đằm thắm nữa là khác, và lúc về Tây, không đem vợ theo được, thì để lại cho vợ một số tiền khá lớn, và sắm sửa cho vợ đủ thứ bàn ghế, giường màn, rương tủ, cả chậu cảnh nữa, về đến Pháp hay châu Phi còn gởi thư sang, giọng đầy tình nghĩa. Nhưng cũng có những chị bị chồng Tây hành hạ, đánh đập như một người nô lệ, mà nó đánh thì không ai dám đến can. Số phận con người “me Tây” tuỳ may, tuỳ rủi. Nói số phận “me Tây”, tôi lại nhớ đến mẹ anh Hường cùng học lớp với tôi. Mẹ anh hai đời lấy Tây, chồng trước là một anh Tây trắng đối xừ với bà rất tàn tệ, thậm chí có lúc giam đói bà cả ngày chủ nhật vì cách chiều chuộng mơn trớn của bà không vừa ý nó. Đến lúc về Tây, nó chỉ thí cho bà được vài chục đồng bạc, và chẳng có thư từ hỏi han gì. Nhưng đời sau là một anh Tây đen, người Xênêgan, “đen như cột nhà cháy”, cao lêu nghêu nhưng rất hiền. Anh chồng này chiều chuộng bà đủ cách, muốn may áo là may áo muốn sắm giường là có giường, và không khi nào anh to tiếng với bà. Người cao to như ông hộ pháp mà giọng nói lại nhỏ nhẹ, tiếng Pháp bồi, đủ để trao đổi ý kiến về sinh hoạt hàng ngày, và để trao đổi những tình cảm cơ bản... Đến lúc anh này về nước, anh để lại không những một số tiền to, mà còn cả những thứ anh sắm mấy năm trời khi anh đóng ở trại Mang Cá. Ra về anh khóc sướt mướt, hai vợ chồng tiễn nhau đến Cửa Hàn tức là Đà Nẵng ngày nay, và còn cái đồng hồ nơi tay anh cũng cho vợ nốt. Anh Hường là con đời chồng Việt Nam của bà, đã chết trước khi bà lấy Tây. Bà rất thương anh Hường, và anh Hường cũng rất thương dượng Tây đen của anh. Hai đời chồng Tây không cho bà một đứa con nào, trắng cũng không mà đen cũng không.
Năm 1975 sau khi Huế giải phóng, tôi về thăm Huế, và đạp xe đạp xuống thăm xóm Mang Cá. Cảnh đã khác xưa, có nhiều nhà ngói xây thời Mỹ nguỵ, thay những nhà tranh vách toócsi xưa kia. Những bà vợ “me Tây” đã phiêu bạt đi đâu và cái cảnh ngơ ngác của các bà cũng không còn nữa. “Vang bóng một thời” Tây, tôi xin ghi vài nét trên đây làm chứng liệu. Tôi sẽ trở lại các chị “me Tây”, khi nói đến cái lớp học tiểu học dành cho bọn trẻ Tây lai trong trường trung học quốc học...
Các thầy thợ in của báo Tiếng dân
Báo Tiếng dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng ở trên phố Đông Ba, cách nhà cậu tôi chừng nửa cây số.
Một ông cậu khác của tôi lúc đó học trường quốc học ham đọc báo Tiếng dân, và thỉnh thoảng viết một cái tin vặt (nhưng có ý nghĩa về đời sống của dân chúng) gởi đăng báo, và khi tin được đăng lên, cậu tôi rất sung sướng, có phần nào hãnh diện với những người xung quanh rằng ta có “bài đăng báo”. Báo Tiếng dân của cụ Huỳnh dùng toàn thợ in ở Hà Nội, ở ngoài Bắc vào. Các anh em thợ in này, ít người bận âu phục thường là bận áo quần ta, áo dài đen hoặc áo dài trắng, và đi giày vải trắng, đội mũ “cát” trắng. Bà con gọi anh em thợ in này là thầy, và cũng nể các thầy, vì anh em giữ tư cách đứng đắn, ăn nói lịch thiệp dường như anh em cũng giữ danh dự cho cả nhà in báo Tiếng dân của cụ Huỳnh nữa. Có mấy thầy quen nhà cậu tôi, chủ nhật thỉnh thoảng đến đánh tổ tôm, tài bàn với cậu tôi. Đánh bài thì có thua có được có thầy nướng hết vốn, phải vay, nhưng sau đó trả nợ đàng hoàng. Tôi không biết các thầy này có vợ không hay là có vợ mà để vợ ở quê. Duy có thầy Yên thì tôi biết đích xác là chưa có vợ và rất si tình. Thầy thường bận một áo lương đen, đội khăn xếp lượt, tay cầm một chiếc ô “lục soạn”, dáng đi nho nhã như một ông đồ nho. Thầy bắt tình với một chị làm công ở hiệu buôn Đức Thuận, ở phố Pônbe (Paul Bert). Chị cũng đẹp, tóc bỏ đuôi gà, nước da trắng mịn và đôi mắt rất tình tứ. Hai người dan díu đã lâu và rồi chị có thai với anh. Anh em đồng nghiệp thương thầy Yên, không những không chê cười thầy mà còn tìm cách giúp đỡ và nếu thầy và người yêu muốn nên vợ nên chồng thì anh em cũng sẵn sàng giúp tổ chức đám cưới. Thầy Yên cũng tâm sự với cậu mợ tôi, và còn mượn nhà cậu mợ tôi làm nơi gặp gỡ người yêu. Ai cũng tường đám cưới sẽ thành, chị rất thương anh không dấu giếm gì cả và anh cũng quyết tâm lấy chị, anh săn sóc chị săn sóc cái thai trong bụng chị như là một người chồng săn sóc vợ đã cưới... Thế mà, đám cưới không thành vì bà chủ của chị kiên quyết phản đối, kiên quyết bắt thầy Yên phải bỏ chị lấy cớ rằng chị là “người nhà” của bà, bà phải giữ chị làm ăn với bà rồi bà sẽ “kiếm tấm chồng cho”. Cuộc tình duyên phải chấm dứt, nhưng chị đẻ con ra thì thầy Yên nuôi với tất cả tấm lòng của một người cha.

<< Tập 2- C | Tập 2- E >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 552

Return to top