Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> HỒI KÝ SONG ĐÔI

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 27319 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

HỒI KÝ SONG ĐÔI
Huy Cận

Tập 2- L

Hai tháng tôi dạy học trường tư ở Vinh
Sau khi đậu tú tài toàn phần, tôi có ý định ra Hà Nội đi dạy học tư, và viết văn, làm thơ, làm báo mặc dù tôi vẫn đâm đơn xin học bổng đi học triết lý và văn khoa bên Pháp. Như một đoạn trên tôi đã kể, ngày 1-9-1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ thì tôi quyết định ở lại nhà, vì cảm thấy sẽ có những biến cố lớn lao xảy ra với đất nước. Trong lúc chờ đợi, được lời mời của ông Hà Thúc Chính, tôi nhận lời dạy văn ở trường “Chính hoá” tại Vinh.
Ông Hà Thúc Chính và người anh của ông là Hà Thúc Kính (và vợ ông là bà Kiệm) được tôi nhận lời dạy thì rất mừng, rất hoan hỉ vì lúc đó tôi đã bắt đầu nổi tiếng về mặt thơ văn, mà học sinh dạo ấy rất “mê tín” các nhà thơ mới dạy văn chương. Tôi dạy môn văn cho cả 3 lớp đệ nhất, đệ nhị, đệ tam (ban thành chung). Trong số học sinh học năm thứ nhất với tôi lúc đó có anh Chính Hữu, anh Đào Văn Lan (hiện là đại tá) và một số khác nữa mà về sau tôi thường gặp lại trong kháng chiến chống Pháp.
Anh Chính Hữu trong một bài hồi ký đăng ở tạp chí văn học Hà Nội có nhắc đến “thầy Huy Cận” khi anh học ở trường Chính Hoá. Tôi dạy văn đương nhiên là dựa theo chương trình, nhưng cách chọn bài để giảng, và cách giảng thì cũng khá tài tử.
Tôi đã để cả hai buổi liền để giảng một đoạn ngắn trong Truyện Kiều. Đó là đoạn nói Kim Trọng trở lại thăm vườn Thuý sau khi chịu tang chú ở Liêu Dương trở về:
Từ ngày muôn dặm phù tang
Nửa năm ở đất Liêu Dương lại nhà.
Vội sang vườn Thuý dò la,
Nhìn xem phong cảnh nay đà khác xưa.
Đầy vườn cỏ mọc lau thưa
Song giăng quạnh quẽ, vách mưa rã rời...
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.
Sập sè én liệng lầu không
Cỏ lan mặt đất, rêu phong dấu giày.
Cuối tường gai góc mọc đầy
Đi về này những lối này năm xưa...

Riêng hai câu cuối của đoạn thơ trích trên đây, tôi đã để cả tiếng đồng hồ để phân tích cái hay, cái bề sâu của tình cảm của Nguyễn Du đối với nhân vật.
Cái câu Đi về này những lối này năm xưa, tôi hỏi học sinh rằng đó là lời của ai? Tất nhiên là các bạn học trò của tôi đều trả lời là lời của tác giả dẫn truyện. Tôi lại hỏi có thể là lời của ai nữa không, thì có một cô học sinh (nếu tôi nhớ không sai là chị Đính, con của bà Kiệm) đứng lên nói ngập ngừng: “Cũng có thể là lời nói thầm của Kim Trọng... Vì trong bản Kiều ngày xưa cũng như ngày nay không có dấu ngoặc kép trên câu thơ này nên có thể hiểu là lời của tác giả hay lời của nhân vật cũng được.... Cô Đính nói xong, mà như chưa tin ở sự phân tích của mình cho nên có vẻ ngượng ngùng và xin lỗi thầy và các bạn học là đã mạo muội đưa ra một ý nghĩ ngớ ngẩn. Tôi nói: “Chị Đính được 20 điểm, vì chị đã hiểu sâu tâm lý của câu thơ”. Tôi lại hỏi có thể là lời của ai nữa không thì cả lớp ngồi im. Tôi nói với các em: “đó còn có thể là lời của cảnh vật, của tạo hoá thông cảm với nỗi nhớ nhung bùi ngùi của Kim Trọng mà thốt lên, mà nói to lên cái điều mà Kim Trọng đang cảm nghĩ thầm. Khác nào như ta thấy cảnh vật của vườn Thuý đang nhìn vào Kim Trọng, đang chỉ tay vào Kim Trọng mà nói anh trở lại thăm vườn, những bước chân anh đang đi trên con đường ngày trước đó, những lối đường mà anh và chị Thuý Kiều đã cùng dạo ban đêm....
Các học sinh của tôi đều thiết tha cho rằng sự phân tích của thầy là đi vào tận cùng tình cảm của tác giả, của nhân vật, và thấu được cả ý thầm của tạo hoá thông cảm với con người. Cho đến nay tôi vẫn nghĩ rằng lời giảng văn trên đây của “thầy Huy Cận” là chấp nhận được, là chính xác. Tôi lại yêu cầu học sinh của tôi sưu tầm ca dao, đặc biệt là ca dao Nghệ Tĩnh, mỗi học sinh phải nộp cho tôi ít nhất là 100 câu ca dao, hễ trò nào chép được nhiều câu hay thì được điểm cao. Tôi lại nhớ chính cô Đính đã cung cấp nhiều câu hay nhất và được 18 điểm. Tôi hỏi cô làm sao sưu tầm được nhiều câu hay như thế, thì cô thưa là mẹ cô (bà Kiệm) đọc cho cô chép mà cũng chưa đọc hết kho của bà.
Đầu tháng 10-1939, tôi nhận được điện của anh Diệu gọi ra đi học trường cao đẳng Nông lâm, vì tôi đã trúng tuyển. Thầy trò trường “Chính hoá” làm một bữa cơm tiễn tôi với tình cảm hết sức lưu luyến. Bà Kiệm cũng có mặt trong bữa cơm, và ra về, và nói nhỏ với tôi: “Nhà thơ còn bay nhảy nhiều, còn rong ruổi trên con đường danh vọng chứ đâu thiết gì đến cái đất Vinh và trường “Chính hoá” nhỏ bé này... Ở đây chắc chẳng có gì đáng níu chân nhà thơ lại....
Tôi cũng không hiểu hết ý “ngôn ngoại” của bà, tôi chỉ biết bà rất đẹp với hàm răng đen nháy như hạt na, với đôi mắt nhìn rất quyến rũ. Bà hơn tôi 10 tuổi và tôi cũng đã nghe nói qua về những mối tình lãng mạn rất đẹp của bà... Hôm tôi đáp tầu hoả ra Hà Nội, học sinh ra tiễn rất đông, và bà Kiệm cũng có ra ga chào tôi, cùng đi với cô con gái... Hai tháng ở trường “Chính hoá” là đoạn đời đi dạy học duy nhất của tôi cộng thêm với 1 năm làm gia sư ở nhà bác sĩ B.D. Hồi tôi còn học ở ban thành chung, tại trường Quốc học, tôi vẫn mơ ước một ngày kia làm giáo sư dạy trường trung học để được giảng văn thơ Việt Nam và văn thơ Pháp cho học sinh, thủ thỉ với họ truyền cảm cho họ cái hay mà tôi thu nhận được vào tâm trí mình, vào lòng mình nữa. Nhưng cuộc đời đã không chiều mơ ước tuổi nhỏ của tôi, cho nên nếu tôi kể hơi dài dòng về mấy tuần dạy tư ở Vinh thì bạn đọc cũng phải thông cảm cho chút nuối tiếc của tôi đối với hoài bão muốn làm giáo sư dạy văn của “chàng thơ” thuở ấy.

Anh Xuân Diệu viết bài giới thiệu thơ tôi trên báo Ngày nay
Bài thơ đầu tiên của tôi đăng ở báo Ngày nay (số Tết năm Mậu Dần, 1938) là bài Chiều xưa. Bài ấy tôi gởi cho anh Diệu xem (lúc đó tôi học năm thứ hai tú tài ở Huế), anh Diệu bèn gởi đến báo Ngày nay bằng thư qua bưu điện, như một bài thơ lai cảo. Thế Lữ đọc bài thơ thấy thích quá cho đăng vào số Tết cùng trong một khung với bài Cảm xúc của Xuân Diệu. Thế Lữ khoe với Xuân Diệu là đã phát hiện được bài Chiều xưa rất thích, và hỏi Xuân Diệu có biết Huy Cận là ai không. Tất nhiên là anh Diệu giả lời: “Chính tôi gởi bài thơ của Huy Cận đến báo đấy vì Huy Cận là bạn thân của tôi, tôi không muốn tự tay mang đến, để cho khách quan”. Thế Lữ gật gù trước cái thận trọng và tế nhị của Xuân Diệu đối với bạn của mình và đối với toà soạn nữa... Về sau Thế Lữ gặp tôi cứ hay nhắc lại câu chuyện gởi thơ đăng báo này, nhất là khi gặp dịp Tết về...
Sau bài thơ ấy, báo Ngày nay đăng khá đều đặn thơ tôi liên tiếp suốt cả năm 1938 và 1939. Đến ngày 17-6-1939 trên số 166 báo Ngày nay, anh Diệu lại viết bài giới thiệu thơ tôi với đầu đề: Thơ Huy Cận (Xuân Diệu phê bình). Đoạn mở đầu như sau:
“Đã giáp một năm nay, Huy Cận đã tới giữa chúng ta với những bài thơ đặc biệt, với một tâm hồn có nhiều hương vị; một kho tàng tuy đương hỗn tạp nhưng thực là giầu. Bổn phận của chúng ta đối với văn chương Nam Việt, chẳng phải và ráng thấu hiểu để yêu mến những văn tài mới lên hay sao.... Và bài phê bình - giới thiệu ấy kết thúc bằng đoạn sau đây: “Huy Cận! Một tâm hồn đặc biệt quá, nồng cháy bên trong, e lệ bên ngoài, hay nói nhớ và hay làm thinh, để cho men lòng càng rạo rực hơn nữa; một tâm hồn hay lặng yên để nước mắt chảy, không biết khóc vì cái gì; vừa mạnh, vừa yếu, rất mới và rất xưa, rất Âu tây và rất Á đông: nghĩa là cả con người, con người phức tạp của muôn thuở.
Thơ Huy Cận không phải là một lời hứa hẹn nữa. Thơ ông chỉ chờ một ít thời gian để trút hẳn cái vỏ còn sót lại, và lộ ra bao nhiêu nụ hộc xanh tốt, mạnh cứng, cho ta hưởng một hương sống rất lạ lùng.
Đến cuối năm 1940 tập Lửa thiêng của tôi ra đời thì anh Diệu lại đề tựa, một bài tựa khá nổi tiếng trong giới văn thơ hồi bấy giờ (tựa viết tháng 6-1940 tại Mỹ Tho). Lúc tập thơ Hai bàn tay em của tôi xuất bản (năm 1967) anh Diệu lại viết tiểu luận in ở đầu sách, và than ôi một tháng trước khi anh mất, anh vừa viết xong tiểu luận giới thiệu tuyển tập của tôi (Thế giới thơ của H.C). Tội nghiệp cho bạn tôi! Anh đã để ra hơn 1 năm trời để viết bài giới thiệu tuyển tập của tôi. Anh công phu đọc đi, đọc lại không biết bao nhiêu lần 16 tập thơ đã xuất bản của tôi đến lúc đó và gần 500 bài chưa đăng báo, chưa in sách. Anh tỉ mỉ ghi chép những câu thơ, những đoạn thơ mà anh thấy là cần sẽ trích dẫn vào bài bình luận của anh. Anh nói đùa với tôi: “Tôi sống với ông cả một đời, mà tôi vẫn chưa ôm được hết cái khối thơ, cái khối cảm xúc của ông! Huy Cận ơi, chưa bao giờ Xuân Diệu viết tiểu luận về thơ vất vả như lần này! Đời thơ giàu có của Huy Cận quần mình mệt quá.... Anh nói xong, hai chúng tôi cùng cười xoà với nhau. Hôm 5-12-1985, anh Diệu tiễn tôi đi họp ở Sênêgan, tiễn tôi đến chân máy bay (đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối tiễn nhau đến tận máy bay như vậy), và anh còn dặn tôi:
“Cận nhớ mua kẹo ngon cho Diệu, thứ kẹo đặc biệt ở Paris ấy, có đắt một chút cũng chịu khó mua, biết còn sống được bao nhiêu năm nữa mà cứ phải nhịn thèm thì phí quá! Với lại Cận cũng phải thưởng cho bài giới thiệu tuyển tập viết cả một năm trời chứ.... Lúc ghé qua Paris trên đường di Sênêgan tôi đã mua một gói kẹo ngon cho bạn, có ngờ đâu lúc đem kẹo về Hà Nội là để cúng bạn...
Nhân câu anh Diệu nói “Đời thơ giàu có” của tôi tôi lại nhớ đến hồi dầu kháng chiến chống Pháp ở tại đồn điền Tuyên Quang, một đêm trăng anh Diệu và tôi đã tâm sự với nhau về bước đường làm thơ... Lúc đó tôi thấy làm thơ sao khó quá, mặc dù rất muốn làm, và tôi đã hơi bi quan, thầm nghĩ không biết mình có còn tiếp tục được sự nghiệp văn thơ không. Nay tuyển tập của tôi đã ra, với bài giới thiệu công phu của bạn, tôi nhớ đến câu chuyện đêm trăng ở đồn điền Tuyên Quang nửa phấn chấn, nửa bùi ngùi... Cuộc đời đi qua mau quá...

Tưởng nhớ hai nhà phê bình văn học: Trần Thanh Mại và Thiếu Sơn
Tôi nhắc tới tên hai anh, là vì khi tôi bước vào con đường văn thơ, với lòng yêu tha thiết và da diết tiếng nước nhà, thì tôi đã được đọc hai quyển sách của hai anh cùng chứa chan một hoài bão ấy. Quyển Trông giòng sông Vị của anh Trần Thanh Mại xuất bản năm 1938, phát hành ở Huế, mà tôi vội vàng mua ở hiệu sách Hương Giang của anh Hải Triều. Tôi đọc một mạch cuốn sách, nó làm cho tôi yêu mến Tú Xương thêm, yêu mến cái đất Vị Xuyên, quê hương của nhà thơ, và càng nung nấu trong tôi cái lòng yêu tiếng Việt, cái chí trau dồi tiếng Việt vốn đã có sẵn từ khi tôi học lớp nhất tiểu học. Cái cách anh Trần Thanh Mại kể lại cuộc đời của Tú Xương (có tiểu thuyết hoá một chút) gợi lên cho tôi một sự mê say đi theo con đường văn chương, cho dù phải gặp cảnh nghèo túng như nhà thơ đất Vị Hoàng. Quyển sách của anh Mại là sách nghiên cứu, phê bình nhưng cũng toát lên một cảm xúc thơ, một không khí thơ, có lẽ vì sự cảm thụ thơ của anh có bề sâu và sự đồng cảm của anh với nỗi lòng của tác giả cũng thống thiết. Mấy câu thơ của Tú Xương để lên đầu sách dưới bức vẽ nhỏ minh hoạ ngôi nhà năm gian lợp lá gồi càng tăng thêm ý vị thơ của cuốn sách:
Nhà gỗ năm gian lợp lá gồi,
Trông giòng sông Vị tựa non Côi,
Đầu nhà khanh khách vào làm tổ
Ngồi thấy chim con nó há mồi.

Sau khi đọc quyển sách của anh, trong lòng tôi đầy một sự cảm tình đối với anh Trần Thanh Mại. Lúc đó anh làm thư ký ở kho bạc Huế, cùng với anh Phan Văn Dật (nhà thơ). Tôi có tìm đến gặp anh ở kho bạc và nói chuyện với anh, tỏ lòng hoan nghênh quyển sách của anh. Sau đó tôi còn gặp anh nhiều lần ở ngoài phố, ở trường tư Hộ Đắc Hàm mà hình như anh có đến dạy văn mỗi tuần vài giờ ở đó. Anh thường mang trong tay quyển Trông giòng sông Vị của anh, điều ấy không làm cho tôi buồn cười, mà trái lại còn gợi lên cho tôi cái thú làm văn chương... Vả lại Trông giòng sông Vị là cuốn sách của anh Mại, ai mà chẳng muốn khoe đứa con đầu lòng của mình. Tiếp theo quyển sách của anh Mại là quyển Phê bình và Cảo luận của Thiếu Sơn ra đời. Tôi cũng đã mua ngay quyển ấy và cũng đọc một mạch, rất say sưa. Trong cuốn này Thiếu Sơn có những bài phê bình nhân vật (như Huỳnh Thúc Kháng, Trần Tuấn Khải, Nguyễn Khắc Hiếu, Trần Trọng Kim, Hồ Biểu Chánh, Tương Phố nữ sĩ, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phan Khôi), và phê bình ba quyển sách: Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật và Người vợ hiền của Nguyễn Thời Xuân. Cuối sách là mấy bài Cảo luận: Nói chuyện quốc học, Nói chuyện tiểu thuyết, Báo giời và văn học quốc ngữ.
Văn của anh Thiếu Sơn chưa thật mới, còn pha biền ngẫu nhiều, nhưng tôi đọc vẫn rung động vì lối văn nửa cổ nửa kim ấy vẫn chứa đựng được những cảm thụ tinh tế, sâu sắc của anh, có thể nói là cảm xúc rung động của mình trước những tác phẩm, hay trước những con người mà anh cảm mến. Hãy kể một ví dụ: kết thúc bài phê bình Huỳnh Thúc Kháng, anh viết: “Nhà chí sĩ cũng như khách đa tình bao giờ cũng có cái tâm lý thiên lệch: khách đa tình thì thiên lệch về tình, nhà chí sĩ thì thiên lệch về nước”. Lại một ví dụ khác: viết về Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu), anh có đoạn: “Trong cõi lòng đó (cõi lòng nhân loại), từ thượng cổ đến nay, những sự bi thương oán cảm, những điều khoái lạc ham vui, không bao giờ là không có, mà cũng không bao giờ là không sanh. Thương ai mà ngậm ngùi? Nhớ ai mà thơ thẩn? Mất ai mà đau lòng? Cùng ai mà vui sướng? Ta không có văn tài mà tả diễn được ra, thì nhà thi sĩ chính là để giúp ta mà cho ta coi được tới cái cõi lòng của ta vậy...
Cuốn sách của anh Thiếu Sơn cũng chứa chan một tinh thần yêu trọng quốc văn, cùng một hoài bão xây dựng nền văn học, nền văn hoá dân tộc cho có bản sắc. Tất nhiên tôi không đồng ý hết những điều nhận xét của anh về nhân vật hay về tác phẩm được anh phân tích, nhưng cái điều tôi quí ở anh là tấm lòng đối với tiếng nước nhà. Sau này tôi muốn tìm gặp anh để nói chuyện văn thơ, nhưng không có dịp gặp vì anh làm sở bưu điện ở trong Nam. Mãi năm 1974, lúc anh ra Hà Nội dự Hội nghị MTTQ, anh em mới gặp nhau sau bao nhiêu năm biết nhau qua tác phẩm. Anh đề tặng tôi và anh Xuân Diệu quyển Phê bình và cảo luận mà tôi đã mua được ở một hiệu sách cũ.

Xuân Sanh và tôi gởi tập thơ cho Nhà xuất bản Mai Lĩnh ở Hải Phòng
Hè năm 1935, Xuân Sanh, tôi và bạn Nguyễn Xuân Tám cùng ở lại Huế như tôi đã kể ở một đoạn trên.
Xuân Sanh và tôi thấy đăng trên các báo có Nhà xuất bản Mai Lĩnh ở Hải Phòng xuất bản thơ và tiểu thuyết bèn nảy ra cái ý là gởi thơ cho nhà này. Hai anh em tập hợp được một tập thơ chung khoảng 50 bài, lấy nhan đề gì tôi cũng quên mất, chép rất cẩn thận và ra bưu điện gởi tập thơ theo lối bưu kiện bảo đảm. Kèm tập thơ chúng tôi có thư dặn nhà xuất bản là tiếp được tác phẩm của chúng tôi có định xuất bản hay không, thì cũng trả lời cho chúng tôi biết. Chúng tôi chờ cho đến hết hè cũng không thấy thư trả lời, rồi tựu trường vào vẫn mong ngóng chờ thư từ Hải Phòng gởi đến... Vậy là nhà xuất bản Mai Lĩnh không xuất bản tập thơ của hai chúng tôi, mà cũng không thèm trả lời. Nhưng không phải vì vậy mà chúng tôi nản làm thơ. Sau này, nhà xuất bản Mai Lĩnh phải đóng cửa, vì thua lỗ, nhưng chắc chắn Xuân Sanh và tôi không chịu một chút nào trách nhiệm trong sự thua lỗ ấy. Biết đâu, nếu xuất bản tập thơ của chúng tôi thì nhà xuất bản còn có thể kéo dài tuổi thọ thêm vài tháng!... Có một người ở Hải Phòng, có biết nhà xuất bản này, về sau gặp tôi có cho tôi biết là quảng cáo thì trưng cái tên nhà xuất bản cho nó oai, chứ sự thực thì cũng chả in được bao nhiêu sách, và chủ yếu là ông chủ làm nghề khác, buôn bán hàng xuất khẩu là chính. Nhưng dạo ấy cũng có cái mốt là một số nhà buôn cứ muốn kiêm cái tên giám đốc nhà xuất bản này nọ...

Những tháng tôi thực tập kỹ sư ở đồn điền Canh nông
Cuối năm 1941, tôi được cử lên thực tập kỹ sư ở đồn điền thí nghiệm Canh nông Tuyên Quang (đồn điền của nhà nước) cùng với anh Hoàng Văn Đức, bạn cùng lớp với tôi ở trường cao đẳng nông lâm. Tôi đã xin làm việc ở sở nghiên cứu tằm tang trong Viện nghiên cứu nông lâm toàn Đông Dương, tại Hà Nội. Và do đó, trong năm học cuối cùng, tôi đi sâu vào môn học về sâu bọ, và chuyên khoa là nghiên cứu về tằm và ong. Yêu cầu của tôi được giám đốc nhà trường và Viện nghiên cứu nông lâm chấp nhận dễ dàng, là vì không ai trong lớp tôi và cả những lớp trước đâm đơn vào Viện nghiên cứu. Còn tôi, sở dĩ xin vào Sở nghiên cứu tầm tang, là cốt có một chân làm tịnh tại Hà Nội, để còn làm thơ, viết văn. Nói một cách khác là tôi chọn Hà Nội, chứ cũng chả phải chọn cái nghề mổ xẻ con tằm, soi kính hiển vi các bệnh gai của tằm, hay là ngồi hàng giờ bên tổ ong theo dõi con ong chúa đẻ trứng, và các con ong thợ tha phấn về tổ. Tuy vậy cái chuyên môn tằm tang và ong mật cũng phù hợp với cái thú thôn dã của tôi đã có từ bé. Trong lúc chờ đợi để nghiên cứu tại Sở ở Hà Nội, thì tôi phải thực tập ba tháng ở đồn điền, để biết công việc chung của một kỹ sư canh nông, từ trồng trọt cho đến chăn nuôi. Anh Đức thì sẽ về làm việc ở Sở canh nông Bắc Bộ. Anh đi sâu nghiên cứu môn trồng trọt các cây công nghiệp ở đồn điền: mía, cà phê, chè, trầu,... và anh cũng xem xét việc chăn nuôi bò, lợn, gà ở đồn điền. Tất nhiên tôi cũng theo dõi, tìm hiểu các môn trên, và được anh Đức giúp đỡ rất nhiều, gần như là phụ đạo cho tôi trong chuyến thực tập này. Đồn điền có một ông giám đốc và một anh phó giám đốc người Pháp. Tay giám đốc mà tôi quên mất tên thì suốt ngày uống rượu, và cứ chiều thứ năm, thứ bảy và chủ nhật là sang thị xã Tuyên Quang vào câu lạc bộ Tây để uống rượu và chơi bài. Bà vợ không đẹp lắm, nhưng cũng có duyên, và luôn luôn đi cặp kè chồng, cả những khi tay giám đốc đi thăm các vườn chè, vườn cà phê hay ruộng mía. Mỗi lúc tôi gặp lão giám đốc, thường là gặp ở bến đò đi sang thị xã, thì tôi nói chuyện với lão về văn thơ, nhất là văn thơ Pháp nhiều hơn là về trồng trọt chăn nuôi. Hai vợ chồng nghe tôi nói chuyện cũng tỏ ra thích thú, và hình như câu chuyện của tôi cũng gợi lại sự nhớ nhà nhớ nước của hai vợ chồng, gợi lại những kỷ niệm tuổi nhỏ của họ qua những liên tưởng mà câu chuyện văn thơ Pháp của tôi dẫn đến. Còn tay phó giám đốc, trẻ hơn, thì không biết gì về chuyên môn, đại khái anh ta như là một người cai đồn điền ở bên Pháp được cử về đây để “quản lý” công việc làm của công nhân đồn điền ở đây. Thế nhưng thỉnh thoảng anh ta cũng tỏ ra có lắm chuyên môn, cũng có nhận xét này nọ trước các vườn thí nghiệm, bằng cách học lỏm các thầy tham biện canh nông ở đồn điền như ông Tri, ông Điền... Nhưng anh ta làm ra điều có hiểu biết thế thôi để ra oai với đám công nhân, chứ không dám lên mặt với chúng tôi, nhất là với các ông ở lâu năm trong đồn điền như ông Tri, ông Điền, ông Tuy.
Anh phó giám đốc này tên là Mulra, có một cô vợ trẻ và khá đẹp Mụ vợ này chiều thứ bảy nào cũng đi về Hà Nội, và chiều tối chủ nhật mới trở về đồn điền. Thỉnh thoảng lắm tay phó giám đốc Mulra mới cùng vợ đi về Hà Nội. Người ta kể nhiều chuyện lắm xung quanh những chuyến đi thăm Hà Nội mỗi cuối tuần của bà phó giám đốc, hình như tay Mulra cũng đoán biết đường đi lối về của vợ, nhưng cũng lờ đi, và chấp nhận những sự bất thường trong cuộc sống, miễn là nó không xáo động quá mức cuộc sống yên phận của anh... Những nhân vật có bản lĩnh độc đáo, có cá tính hay ở đồn điền lại là những ông tham biện canh nông mà tôi đã kể tên ở trên. Ông Điền là một nhà chuyên môn giỏi, đặc biệt giỏi về sự lai giống của cây cà phê, và trong các cách lai giống thì ông là bậc thầy trong việc ghép giống “gteffage”. Có thể nói ông ghép một trăm cành thì sống một trăm phần trăm.
Anh Đức và tôi học được ở ông nhiều lắm. Khi nào ông nói đến lão giám đốc và phó giám đốc đồn điền, thì có khi ông văng tục, vì ông cho họ dốt, nhưng vì có quyền cho nên làm oai. Nhưng điều mà tôi nhớ người về ông Điền là mối tình dai dẳng của ông với chị T. Chị T. là một công nhân làm ở đồn điền đã lâu năm, có nhan sắc tính tình rất thuỳ mị. Ở hoàn cảnh khác có thể chị đã có một cuộc đời nếu không lộng lẫy thì cũng êm đẹp. Nhưng vì hoàn cảnh nghèo, và vì nhiều sự không may khác nữa chị phải buộc chân vào cái nghề làm cỏ, hái cà phê, bón phân các đồi chè, ruộng mía. Trong sự buộc chân chị lại đồn điền cũng có phần trách nhiệm của ông Điền, vì mối tình của ông đối với chị đằm thắm, bền chặt, nhưng sự bền chặt này cũng là một sự khống chế. Các chị em công nhân đều thông cảm với chị T., và thường tránh đi để cho chị T. và ông Điền được thoải mái tâm sự trong các vườn thí nghiệm, hoặc ở trong kho phân phát các thứ phân hoá học... Lúc anh Đức và tôi thực tập ở đó, chị T. đã hơi đứng tuổi, nhưng còn đẹp, và dáng đi của chị có một vẻ gì âm thầm, gần như ngượng ngùng; và chị rất ít nói, chỉ thỉnh thoảng mỉm cười, mà sao cái mỉm cười của chị nó buồn và héo thế! Chị T. không có con, sống cuộc đời âm thầm, “bên cạnh” ông Điền, chắc là an phận trong sự héo mòn. Ở đồn điền Tuyên Quang rất nhiều nắng, rất nhiều gió nhất là những ngày cuối năm, hoặc đầu xuân, nhưng tâm tình của chị T. thì gợi lên trong tâm trí tôi một buổi chiều mù sương se lạnh...
Ông Tri cũng là một nhà chuyên môn giỏi của đồn điền, nhưng tính tình ông chất phác, không tài ba như ông Điền. Suốt ngày ông chỉ chăm lo làm việc trong các vườn thí nghiệm, tham gia mọi công việc trồng trọt hay chăn nuôi với công nhân, không nề hà chân lấm tay bùn... Ngày chủ nhật thì ông cặm cụi làm việc gia đình cùng vợ con, ít khi đi chơi, ngay thị xã trước mặt đồn điền ông cũng ít sang.
Còn ông Tuy là một chuyên gia về cơ khí của đồn điền, các máy móc của đồn điền hư hỏng đều qua tay ông chữa, kể cả hệ thống điện nước. Mắt ông hơi kèm nhèm, nhưng vẫn rất tinh để xem xét và điều chỉnh các chi tiết trong các ổ máy. Anh Đức và tôi được phân công ở một cái phòng bên cạnh mấy gian gia đình ông ở nên rất rõ tính nết của ông. Ông cũng chăm làm, và được giám đốc và phó giám đốc đồn điền rất nể. Bà Tuy buôn bán ở bên chợ Tuyên Quang, và thu hoạch cũng khá, nên gia đình ông bà sống khá sung túc, nuôi một cô con gái và cậu con trai ăn học đến nơi đến chốn. Không may cho các gia đình, bom Mỹ thả xuống hồi Mỹ Nhật đánh nhau đã sát hại cả ông bà. Trong kháng chiến chống Pháp tôi có gặp lại cô con gái và cô kể lại thảm hoạ xảy đến với gia đình cô; cô và người em giai phải tự lập, và đã can đảm xây dựng cuộc sống rất có phẩm chất trong kháng chiến.
Một ông bạn nữa ở đồn điền là ông Q. Ông này không giỏi chuyên môn lắm nặng về việc hành chính, nhưng có được học ít nhiều ở cấp thành chung nên sự giao dịch của ông cũng gây được cảm tình với mọi người, kể cả với lão giám đốc và tay phó giám đốc. Chỉ có một cái tội là ông nghiện thuốc phiện và làm khổ vợ con về cái nghiện ngập của ông. Nhiều lần ông định bỏ hút, nhưng rồi tính nào lại tật ấy cơn nghiện lên nó vật vã ông, ông như người sắp chết, thì bà vợ lại tất tưởi đi tìm xái về cho chồng ngậm cho đỡ cơn...
Kỷ niệm tốt đẹp nhất mà các nhân vật ở đồn điền để lại cho chúng tôi là ông giáo Tr. Ông Tr. là một vị giáo học có trình độ văn hoá, được bổ nhiệm về đồn điền để dạy văn hoá cho học sinh trường trung cấp canh nông đặt tại đồn điền. Ông rất nho nhã, và ham đọc sách báo. Chính anh Đức và tôi đã đến nhà ông để mượn các số tạp chí Nam phong và một số sách quốc văn khác để đọc trong những tháng chúng tôi ở đó... Những tháng anh Đức và tôi thực tập ở đồn điền canh nông, là những tháng đẹp trong đời sinh viên. Ngoài việc nghiên cứu tại ruộng và vườn thí nghiệm, chúng tôi còn giao du với nhiều bạn quanh vùng, với các thầy giáo, với các thầy ở bên cái mỏ than nhỏ gần thị xã nữa. Riêng tôi những ngày chủ nhật, hay đi chơi những cảnh đẹp gần đó, như có lần tôi đã ở suối Yên Lĩnh suốt một ngày, anh Đức sợ tôi lạc đi đâu phải mang súng săn đi tìm. Nhưng chính ở suối Yên Lĩnh tôi đã có dịp viết mấy câu thơ tình: “Trưa nay suối biết nỗi niềm - Vui này đã nguyện đến tìm nước đưa - Lòng vui lừng suối ban trưa - Nghìn năm rồi lại mơ hồ chiêm bao... Đã 45 năm qua từ buổi trưa Yên Lĩnh ấy. “Nghìn năm rồi lại mơ hồ chiêm bao!”...

Xuân Diệu với hai nữ thi sĩ Amrita Pritam và Blaga Dimitrova
Anh Xuân Diệu thường nói đùa: “Không biết tôi sinh dưới dấu hiệu của ngôi sao nào, mà thường tôi được sự che chở của phụ nữ. Đó cũng là lời đoán bói bài của anh Nguyễn Xuân Khoát cho tôi năm 1939”.
Quả thế, trong đời Xuân Diệu đã gặp rất nhiều phụ nữ tốt bụng giúp đỡ anh một cách tận tình, mà cũng có thể nói là đã che chở anh, che chở cái vận mệnh của anh trên đường đời. Có những trường hợp không phải là che chở, cũng không phải là giúp đỡ, mà là một mối tình cảm bền chặt qua bao nhiêu năm tháng nó cũng là một nỗi an ủi lớn cho tấm lòng dễ cảm thấy cô đơn của anh.
Năm 1956 anh đi họp Ban chấp hành Hội nhà văn Á Phi (cùng đi với Nguyễn Công Hoan), tại Niu Đê li, Ấn Độ. Sau cuộc họp anh còn đi tham quan một số nơi, những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất nước Ấn Độ mấy nghìn năm văn hiến. Trong chuyến đi này anh đã gặp và làm quen với nữ thi sĩ Ấn Độ Amrita Pritam, một nữ thi sĩ khá nổi tiếng. Hai người trao đổi câu chuyện thơ văn, và sau đó dịch thơ của nhau in trên báo mỗi nước. Bà Amrita Pritam có lẽ cũng trạc tuổi anh Xuân Diệu (tôi đoán thế vì còn giữ bức ảnh hai người chụp tại Hội nghị) có một cảm tình nồng thắm với nhà thơ Việt Nam, và bà rất thích mấy bài thơ của anh Diệu trao tay cho bà (Bản dịch ra tiếng Anh): Xuân không mùa, Lời kỹ nữ, Chỉ ở lòng ta, Thơ duyên... Bà Pritam đã sửa sang lại chút ít bản dịch mà anh Diệu đưa và đã cho đăng mấy bài thơ ấy ở trên báo Văn học Ấn Độ. Sau đó bà thỉnh thoảng gửi thư cho anh Diệu, và có dịp ai sang Việt Nam là bà gửi các tập thơ của bà tặng người bạn thơ Việt Nam. Mối duyên văn tự ấy kéo dài cho đến ngày anh Diệu mất. Tôi không biết bà Pritam có nhận kịp thời cái tin người bạn thơ Việt Nam từ trần không. Tôi đang định sẽ nhờ Sứ quán ta tìm địa chỉ muộn. Đây là một mối duyên thơ đẹp nồng thắm giữa hai nhà thơ trữ tình bên bờ Ấn Độ Dương nước trong xanh và sâu thẳm.

Nữ thi sĩ Blaga Dimitrova
Là người Bungari, đã đến Việt Nam những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1965 nếu tôi không nhớ nhầm). Chị sinh năm 1923, lúc sang Việt Nam chị đang ở cái tuổi thanh niên thứ hai của chị, còn giữ cái đẹp lộng lẫy của tuổi thứ nhất.
Gặp chị lần đầu chúng tôi cứ ngỡ là chị mới ngoài ba mươi. Nhưng cái đẹp Blaga là một cái đẹp có thể nói là một cái đẹp lắng đọng mặc dầu lộng lẫy, vẫn có nhiều nét thuỳ mị bên cạnh những làn sắc sảo, cái đẹp vừa của phương Bắc, vừa của phương Nam, có chút gì như pha mầu Tiểu Á. Bởi vì chị đẹp nên tôi không thể không nhắc đến điều đó, nếu tôi làm lơ không giới thiệu chân dung hình thể của chị thì cảm thấy như thiếu lễ độ với một giai nhân. Nhưng điều làm chúng tôi ngay phút đầu cảm mến sâu sắc người bạn thơ của xứ “hoa hồng” là tình cảm sâu xoáy của chị đối với Việt Nam, đối với cuộc chiến đấu anh dũng và đầy hy sinh của nhân dân ta. Trong cuộc tiếp xúc chị không nói nhiều, chị đặt những câu hỏi để nghe những câu trả lời của chúng tôi, của những người chị gặp dọc đường, của những bộ đội, dân quân chị gặp trên đường hay trong địa đạo. Blaga cũng như Monica Varnenska, đã sống hết lòng mình cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam, hai chị cũng đau xót tận đáy lòng mình những hy sinh mà các chị đã chứng kiến. Có thể nói thật sự các chị đã vận vào mình cái số mệnh đau thương và anh dũng của dân tộc Việt Nam. Hai chị và Sara Lidman (nữ sĩ Thuỵ Điển) tự nhiên đã có một cảm tường gần giống hệt nhau về những ngày sống ở Việt Nam. Các chị nói: “Ở đây tôi ngủ giấc ngủ dưới một bầu trời đầy bom đạn, một giấc ngủ thật sự là dưới bom đạn. Nhưng chưa bao giờ tôi lại thấy yên với lòng mình đến thế, yên với lương tâm đến thế. Đây thật là mảnh đất của lương tâm loài người”.
Riêng Blaga Dimitrova đã viết hơn 100 bài thơ ca ngợi cuộc chiến đấu đầy hy sinh và anh dũng của nhân dân Việt Nam. Tập thơ này anh Xuân Diệu đã dịch ra tiếng Việt và xuất bản với nhan đề Vây giữa tình yêu. Tôi xin nhắc ra đây vài ý thơ trong tập thơ nặng tình nghĩa ấy:
Người đàn bà mang thai: Chị nông dân ơi, chị đang đi trên đường đê kia, cái bụng to tròn đi trước chị. Việt Nam ơi, người sắp sinh thành một thế giới mới nào đây!...
Chiếc đàn bầu: đàn bầu một dây, dây đàn căng căng mãi, căng đến lúc gần như sắp đứt. Và trên dây căng thẳng ấy dội lên những âm thanh thiết tha huyền diệu. Việt Nam ơi, trên dây đàn của Việt Nam đang nổi lên những giai điệu thiết tha tân kỳ, huyền diệu làm giàu cho giai điệu của loài người.
Hương biệt ly: ở thị xã Phủ Lý, trong bóng tối đầu hôm, anh chị nhìn nhau, không nói một lời. Chị hít thở mái tóc của anh, hít tận sâu đáy phổi cái mùi hương tóc đẫm mồ hôi và bụi đường. Hít thật sâu để rồi mai đây xa nhau chị thở cái hương biệt ly ấy để mà sống, để mà chờ cho đến ngày gặp lại...
Anh Xuân Diệu và tôi đã hết sức xúc động khi được đọc những bản thảo đầu các bài thơ mà chị dịch cho chúng tôi nghe qua tiếng Pháp. Có cái gì đau xé xoét đắng trong giọng thơ của chị, mà chan chứa lòng tin tường, cháy bỏng lửa căm thù. Cứ ngày ngày, chị tâm sự với Xuân Diệu về những nỗi đau của chị, về những phấn chấn của chị và thế là hai người bạn thơ như cùng nhau sáng tạo lại những bài thơ đầy tâm huyết kia ra tiếng Việt.
Có hôm chúng tôi đang ngồi nói chuyện với nhau ở khách sạn Thống Nhất (Hà Nội), thì máy bay Mỹ ập tới và ba chúng tôi chạy gấp xuống hầm. Chị Blaga hồi hộp, nhưng không chút sợ hãi nói với chúng tôi:
“Chắc chắn là không chết, nhưng nếu có sập hầm mà cùng nhau chết trong niềm tin thì cũng là sống mãi....
Tất nhiên là chúng tôi đã không chết, và tối hôm đó Blaga đã viết một trang nhật ký dài. Nhớ lại những ngày kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sống với đồng bào, sống với bạn trong chiến đấu hy sinh, sao mà đẹp thế, sao mà nức lòng thế! Đôi lúc bản thân tôi nhớ lại những giờ phút ấy như hít thở thêm ôxy vào tim phổi mình.
Blaga Dimitrova yêu thương Việt Nam đến nỗi muốn có một em bé Việt Nam ở với mình suốt đời, và như vậy là chị đã xin bé Hà, con một đồng chí công chức nghèo ở Hải Phòng làm con nuôi. Theo chị việc nuôi con nuôi là vật thể hoá sợi dây tình cảm của chị nối với đất nước đau thương và dũng cảm này. Chị đã kể câu chuyện của chị với bé Hà trong một quyển tự sự dài mà chúng ta đã dịch ra bằng tiếng Việt với cái tên Sự phán xét cuối cùng. Quyển này đã được dịch ra tiếng Pháp và tiếng Anh, và độc giả đều đọc quyển tự sự với một niềm cảm thông sâu sắc với tác giả và với cuộc chiến đấu của Việt Nam. Tôi kể về Blaga Dimitrova cặn kẽ như vậy, cũng là kể về mối tình bạn sâu sắc đầy tình nghĩa giữa chị và nhà thơ Xuân Diệu. Trong những năm gần đây Blaga Dimitrova có lúc ốm nặng có lúc bệnh nguy kịch tưởng như không qua khỏi, thì anh Diệu đã nhiều lần viết thư động viên an ủi bạn động viên với tất cả cái suy ngẫm của anh về cuộc sống, về số mệnh của mỗi con người, về sự phấn đấu của bản thân anh để vượt qua những lúc đau yếu, những lúc buồn nản nữa... Nghĩa là anh chia xẻ với bạn những lo âu và những kinh nghiệm sống của mình. Chính Blaga Dimitrova đã nói với tôi và với anh Tế Hanh rằng những bức thư của anh Diệu thật sự đã giúp chị vượt qua những lúc khó khăn, vượt qua những phút mà chị tưởng như cụt đường trước mắt. Blaga Dimitrova đã viết một bài thơ tặng Xuân Diệu, để vào tập thơ của anh Diệu được dịch ra tiếng Bungari và đã xuất bản tại Sofia năm 1983. Ngày được tin anh Xuân Diệu mất, Blaga Dimitrova đã tập hợp một số văn nghệ sĩ Bungari cùng chị mang hoa và hương đến viếng bạn tại sứ quán Việt Nam tại Sofia (tiếc rằng ở sứ quán không thiết lập bàn thờ cho nhà thơ vừa mất, nên hương và hoa chị trao tay cho đồng chí đại sứ với những lời chia buồn đầy nước mắt của chị Blaga).
Blaga đang có ý định viết một quyển sách về nhà thơ Xuân Diệu, nói về đời và đời thơ của nhà thơ, và cũng để kể lại tình bạn, duyên thơ của hai nhà thơ Bun - Việt.

Anh Diệu hát Huế, hát cải lương và ngâm sa mạc
Như đã kể lại trong chương Tuổi nhỏ của Xuân Diệu, anh Diệu hát Huế, hát cải lương rất hay đến nỗi thầy trò trường Qui Nhơn liệt anh vào hàng đào kép cải lương. Lúc chúng tôi mới kết bạn với nhau ở trường Quốc học, một cái thú của tôi là nghe anh Diệu hát Huế (Nam ai, Nam bằng, Tứ đại cảnh, Phú lục..., nhất là hát nam bằng) và tôi rất mê cái giọng ngâm sa mạc của anh. Tôi đã từng nghe ngâm sa mạc trong các đĩa hát Bé ka (các bài anh Khoá, các đoạn Kiều...). Nhưng đến lúc nghe anh Diệu ngâm thì tôi khám phá ra một chân trời giai điệu mới, tất cả cái xa vắng nghìn đời tất cả cái mênh mông của cuộc sống thật sự đã được thể hiện qua giọng luyến láy của anh, và tôi cảm thấy cái sa mạc của cảnh đời của tình đời qua giai điệu và giọng ngâm. Và tôi cũng thấy cái mênh mông bát ngát của câu thơ lục bát mà tôi đã thấm nhận qua truyện Kiều và ca dao, một lần nữa lại được thể hiện lên qua giọng ngâm đầy sáng tạo của bạn. Có mấy lần anh Diệu lười làm luận Pháp văn (lúc đó anh Diệu học năm thứ ba, tôi học năm thứ nhất tú tài) nhờ tôi làm hộ, thì tôi mặc cả đùa: “Diệu phải ngâm mấy bài sa mạc cho Cận nghe thì mới có bài luận làm thay”. Thế là tôi lại được nghe bao nhiêu là bài sa mạc buổi chiều, buổi tối và khích lệ cho tôi là anh lấy những bài thơ lục bát của tôi mà ngâm... Tất nhiên là tôi phải làm bài luận thay anh, và những bài ấy cũng được điểm khá cao, cũng là ngang giá với cái giọng mê ly của anh. Đến tháng 5-1946 anh được cử tham gia phái đoàn quốc hội sang thăm ngoại giao nước Pháp, thì anh lại nhờ một bà con Việt kiều ghi vào một đĩa hát bài thơ Ngậm ngùi của tôi mà anh ngâm sa mạc với một giọng hết sức xúc cảm, thương nhớ, có lẽ một phần do nội dung của bài thơ, mà một phần cũng do nhớ nước và nhớ bạn ở nhà.
Tiếc rằng cái đĩa hát ghi giọng sa mạc ấy đã bị cháy cùng cái rương của tôi gửi ở Hương Khê hồi đầu kháng chiến. Bây giờ Diệu mất rồi, tôi chỉ còn tìm lại trong trí nhớ, trong tin nhớ cái giọng ngâm mê ly, sâu thẳm của bạn.

<< Tập 2-K | Tập 2- M >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 642

Return to top