Khu vực chờ lên tàu trống trơn, trừ mấy người dân thường và toán công an. Chứng tích một buổi sáng bận rộn còn lưu trên mặt họ cùng với những rác rến vương vãi trên sàn nhà. Món đồ đạc duy nhất trong phòng là dãy bàn nhôm kê ngay ở giữa, phía sau mỗi bàn có một tên công an đang đứng. Không thấy bóng một người nào trong gia đình tôi. Cả ba trăm hành khách khác cũng không thấy. Tôi là người khách duy nhất hiện diện trong phòng.
Một bà gác cửa tiến lại. Nét mặt tò mò soi mói của bà biến mất khi tôi trình tờ giấy xuất cảnh.
"Ở đâu giờ này mới tới?" Bà ta nạt rồi đẩy tôi tới chiếc bàn thứ nhất. Ở đó tôi được khám xét vũ khí cất giấu trong người, bàn thứ hai đóng dấu vào giấy xuất cảnh. Sau đó tôi ký vào danh sách lên tàu. Liếc nhìn vào tờ giấy, tôi nhận ra chữ ký của thân nhân tôi ngoằn ngèo bên cạnh tên họ viết taỵ Tôi thở phào nhẹ nhỏm, ngó quanh căn phòng. Những cánh cửa đóng kín không thấy được gì, nhưng ở đâu đó phía sau những dãy nhà kia, gia đình tôi đang chờ đợi. Tôi hít một hơi dài, bước đến chiếc bàn thứ ba, lòng cầu mong cho phép lạ hiện ra.
Tên công an ngước nhìn lên: "Giấy tờ đâu?"
Tôi nhìn anh ta, lòng chết điếng: "Thưa ông, ở trong xách."
"Lấy rạ"
Tôi mò trong xách lôi ra một xấp giấy. Mấy năm chạy đôn chạy đáo, giấy tờ gom lại thành một chồng cao hai tấc. Tôi cẩn thận luồn tờ giấy nhà đất chưa ký vào giữa rồi đưa tất cả cho tên công an. Tôi rán giữ một bộ mặt tự nhiên nhưng lòng thì lo muốn xỉu.
Tên công an chộp lấy chồng giấy, rồi bất ngờ ném tung lên trời, không thèm ngó mắt đọc một chữ. Những tờ giấy chao lượn chung quanh tôi như những cánh bướm trước khi rơi xuống đất. Tôi la lên một tiếng nhỏ. Hình tôi, hình gia đình tôi và những giấy tờ khác sửa soạn trong ba năm trời ròng rả tất cả nằm phơi trên mặt đất cùng với giấy tờ của nhiều gia đình khác.
"Xong rồi." Tên công an nói. "Vào trong đó với gia đình cậu." Anh ta chỉ tay vào cánh cửa nhỏ ở cuối phòng.
"Nếu các thứ giấy tờ này không cần thiết thì tại sao các ông bắt chúng tôi phải làm?" Tôi cự nự, vẫn không tin được những việc vừa xảy ra.
Anh ta nhún vai, đẩy tôi về phía cửa. "Đi đi, đừng làm mất thì giờ của tao. Không ai muốn giữ cái thứ rác rến như mày ở trên xứ sở này đâu."
Tôi nhặt cái xách, tay sửa lại quần áo. Những lời thô bỉ, tục tằn của anh ta không còn làm tôi đau đớn, khó chịu nữa. Trái lại, nó còn giúp tôi thêm sức mạnh để tiến tới.
Từ ngoài cổng, một người nào đó gọi tên tôi. Tôi quay lại nhìn và thời gian như ngừng trôi. Kim đang đứng giữa hai người lính gác, mặc chiếc áo cánh đã làm tôi run rẩy xúc động trong lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau. Mái tóc đen tuyền của nàng ánh lên như bầu trời giữa đêm khuya và hàm răng trắng đều đặn như được đúc bằng sứ. Tôi buông chiếc xách, hai chân run rẩy muốn quỵ xuống khi cảm xúc ào ạt dâng lên trong lòng như những đợt sóng đại dương xô vào bờ cát.
Nàng chạy lại. Một trong hai người lính gác níu lấy cánh tay, kéo nàng ra khỏi phòng. Nàng giảy giụa, ngoái mặt lại nhìn tôi, tay vẩy chào từ giả.
Tôi chạy theo, miệng la lớn: "Dừng lại. Cho tôi từ giả cô tạ"
Họ buông nàng ra. Chúng tôi chạy lại với nhau. Tôi siết chặt nàng.
"Anh xin lỗi." Tôi lắp bắp. "Anh xin lỗi đã làm khổ em. Đáng lý anh không nên làm những chuyện đó. Tha lỗi cho anh."
Nàng ngước nhìn lên. "Không sao cả, anh Kiên. Em rất vui anh là người đầu tiên em hiến dâng tất cả."
"Anh... Ý anh không phải vậy. Anh cũng là lần đầu tiên. Ý anh muốn nói là anh xin lỗi đã đối xữ với em không tốt. Ngay từ đầu làm quen em, vì nguồn gốc của em, anh đã có những ý tưởng không đúng đắn."
"Đừng nghĩ nhiều về chuyện đó." Nàng cười, ngón tay trỏ gỏ nhịp vào thái dương, tiếp. "Em chỉ có những kỷ niệm đẹp với anh chứa trong này."
Tôi thở một hơi dài nhẹ nhỏm. "Cảm ơn em. Nếu được vậy thì anh rất mừng. Này, mà làm sao em vào đến đây được, ai đưa em đỉ"
Nàng tựa đầu vào ngực tôi. "Em đi với dì anh." Nàng đáp. "Dì ấy ở trên lầu, chờ gia đình anh ở hành lang. Anh sẽ thấy em với dì ấy khi đi ra phi đạo. Bố mẹ em chưa biết em đang ở Sài Gòn. Em vào đây vì không muốn anh xa em với những ý tưởng đó trong đầu. Nếu giữa chúng ta chẳng có gì, ít ra em cũng muốn được là bạn anh."
Tôi hôn lên khắp mặt mũi nàng. "Anh đã suy nghĩ rất nhiều về chuyện chúng mình." Tôi thì thầm vào tai nàng. "Ngày nào còn sống, anh sẽ không bao giờ quên em."
"Cảm ơn anh." Nàng nói, khuôn mặt sáng lên với một nụ cười tinh nghịch. "Anh vẫn còn hy vọng mà Kiên."
Người lính canh thúc vào sau lưng tôi. "Thôi đi chứ." Anh ta giục, đẩy cái xách vào tay tôi.
Chúng tôi buông nhau ra. Tôi sờ vào mặt nàng, rán thu lấy hình ảnh của chiếc cổ thanh tú, làn da mịn màng, cái nốt ruồi đặc biệt trên gò má. "Anh sẽ viết thư cho em. Anh sẽ kể tình cảnh của anh cho em hàng tuần, à không, hàng ngày cho đến khi nào chúng ta gặp lại nhau thôi."
Nàng ôm lấy hai vai, như đang lạnh. Nước mắt tràn mi, nhưng miệng mỉm cười đứng nhìn tôi đi khuất vào khung cửa.
"Tạm biệt, Kim." Tôi nói với nàng lần cuối.
*
Căn phòng chật ních với hàng trăm trẻ em, hò hét rượt đuổi nhau giữa các hàng ghế giống như trong một lớp học khổng lồ. Hai bức vách làm bằng kính nhìn ra phi đạo. Bên ngoài, ba chiếc phi cơ đậu cách nhau chừng trăm thước, lóe sáng lên dưới ánh nắng mặt trời. Tôi ngó quanh tìm gia đình. Họ đang ngồi xúm xít gần chỗ cửa ra, sửa soạn bữa ăn trưa. Jimmy nhảy lên nhảy xuống vẩy tay ra dấu cho tôi thấy. Tôi vừa vẩy tay đáp lại vừa len lỏi đi qua đám con nít. Người lớn ngó tôi chằm chằm, nhưng chẳng một ai chịu nhúc nhích nhường lối..
Tôi nhận ra cô gái có mái tóc bạch kim tôi gặp hôm đi phỏng vấn đang ngồi một mình trên chiếc băng ghế bên phải tôi. Bà mẹ mập phì và đám mười bốn anh chị em của cô chẳng thấy đâu. Một tay cô cầm cái giỏ, tay kia giữ chiếc xách mang trên vai. Mắt sưng đỏ vì khóc.
"Này, em khỏe không?" Tôi hỏi.
Cô gái gật đầu, tránh cái nhìn của tôi.
"Anh thấy em hôm phỏng vấn. Gia đình em đâu cả rồi?"
"Mấy người đó không phải là gia đình thiệt của em. Mẹ em bán em cho bà đó để em đưa cả gia đình bà ta sang Mỹ. Nhưng khi đi phỏng vấn, người ta khám phá ra, rồi chỉ cho một mình em đi, từ chối tất cả những người khác." Cô trả lời, rồi khóc lớn hơn.
"Thôi, đừng khóc nữa." Tôi an ủi cô gái. "Tới Mỹ rồi em có thể bảo lãnh gia đình thực của em sang. Chỉ mất chừng một năm em sẽ được gặp lại họ."
"Em không biết họ Ở đâu bây giờ. Mẹ em bán em rồi đổi chỗ ở liền."
Tôi vỗ vào bờ vai mảnh khảnh của cô gái, nói. "Em đừng lọ Có rất nhiều trường hợp như em. Anh nghe nói, khi sang Mỹ sẽ có gia đình đàng hoàng nhận em làm con nuôi. Em muốn đến ngồi chung gia đình anh không? Coi như người trong nhà cho vui."
Cô bé gật đầu, chùi nước mắt rồi thu lấy hành lý. Chúng tôi cùng nhau bước qua những dãy người, tiến về phía mẹ tôi.
Bé Tí ngồi bệt trên nền nhà, tay cầm chiếc bánh chuối bể nát. Nó nhìn tôi chớp mắt cười.
"Con vẫn còn nguyên đây mẹ à." Tôi nói lớn qua tiếng ồn ào chung quanh.
Mẹ tôi để tay lên ngực, mặt tái đi vì lo lắng. "Mẹ lo quá. Mẹ không biết phải làm sao nếu con bị kẹt lại. Mẹ cầu trời khẩn Phật suốt cả buổi sáng." Bà nhìn sang cô gái đang đứng sau lưng tôi với ánh mắt dò hỏi.
Tôi giải thích. "Chuyện dài dòng lắm. Cô ta cần nhập chung với chúng ta một thời gian."
Mẹ tôi lại dựa lưng vào khung cửa kính, trông có vẻ mệt mỏi. "Vậy thì mời bạn con ngồi xuống đây. Mẹ có để dành cơm trưa cho con."