"Em nào đọc cho cô nghe lời dạy của bác Hồ được không?" Cô giáo hỏi, ngó quanh lớp học qua cặp mắt kính cận thị. Tóc cô uốn cong phủ xuống che gần hết khuôn mặt, chỉ chừa cái chóp mũi bóng lưỡng và cặp môi mỏng tô son đỏ. Da cô như có dầu và đầy những mụn đỏ. Cô ngồi thẳng lưng trên chiếc ghế gỗ, mình mặc một bộ đồ rộng thùng thình. Tên cô được viết trên chiếc bảng đen treo phía sau: Cô San. Đó là buổi học hè đầu tiên, nhưng mặt trời đã nóng như thiêu, gần như muốn nướng cả lớp học.
Ngồi ở cuối lớp, tôi rụt rè đưa tay lên làm cho mấy cặp mắt đen quay lại nhìn với vẻ lạ lùng. Tôi ngạc nhiên là hình như cả lớp không ai biết câu trả lời.
"Em?" Cô giáo chỉ tôi. Lúc cô nhìn thẳng vào mặt tôi, tôi nhận ra là tròng đen mắt cô chạy ngược lên nằm dưới mí trên, thành ra cái nhìn của cô trở nên trống vắng lạnh lùng.
Tôi đứng dậy đọc lại bài thơ mà tôi đã được anh bộ đội dạy cho trên chuyến xe về Nha Trang sau khi Sài Gòn sụp dổ:
Yêu tổ quốc, yêu xóm làng.
Làm học sinh gương mẫu, làm một công nhân tốt.
Hòa thuận với bạn bè. Tuân theo luật pháp.
Giữ gìn vệ sinh bản thân.
Khiêm tốn. Thành thật. Và quả cảm.
"Giỏi lắm!" Cô vỗ tay khen. Những giọt mồ hôi trán tôi nhiễu xuống mặt bàn và tan nhanh vào mặt gỗ sần sùi. "Em tên gì?" Cô hỏi tôi.
Tôi chưa kịp trả lời thì một giọng nói vang lên "Con lai!" Cả lớp cười ầm ĩ.
"Im lặng." Cô ra lệnh rồi nhìn về hướng vừa phát ra câu nói: "Không được nói những lời khiếm nhã như vậy với bạn học cùng lớp. Các em thật đáng xấu hỗ."
Cúi nhìn những dấu ẩm trên mặt bàn do những giọt mồ hôi của mình để lại, ngay giây phút đó tôi cho rằng cô giáo là người dễ thương nhất trong làng.
Dù bị nhạo báng, tôi vẫn được nhận chiếc khăn choàng đỏ trong ngày hôm đó, một vinh dự lần đầu tiên cho tất cả học sinh trong trường tôi. Cô giáo bảo rằng tôi thể hiện cái tính chất tốt đẹp của các thiếu nhi cháu ngoan bác Hồ. Tôi phải mang nó trên cổ cho đến khi nào nó bạt màu đi. Đến lúc đó thì tôi mới trở thành một công dân tốt mà tổ quốc mong đợi từ lâu.
Tối hôm đó, đến bữa cơm chiều, ngoại tôi mới phát giác ra là chị Loan vắng mặt và mọi người hoảng hốt đi tìm. Mãi đến sau giờ giới nghiêm chị mới trở về, mang theo một cái thùng lớn, đặt trước cửa nhà.
Chị tiến về phía ông tôi đang ngồi trên ghế xích đu đọc một cuốn sách về thiền. Chị quỳ xuống trước mặt ông tôi. Ngoại tôi ngừng đọc, ngẩng lên nhìn chị. Chiếc kính lão xệ xuống sóng mũi.
"Thưa bác." Chị nói, tay mân mê ống quần ngoại tôi. "Con có một việc xin thưa với bác."
Ông tôi gật đầu:
"Con cứ nói."
"Con trở về với mục đích là để từ biệt bác." Chị nói dịu dàng.
Mọi người trong phòng đều nhìn chị ngạc nhiên, nhưng không ai nói lời nào. Tất cả chúng tôi đều chờ ông tôi lên tiếng. Ông tôi gấp cuốn sách lại rồi đặt xuống nền nhà, nói với một giọng buồn buồn nhưng không có vẻ gì ngạc nhiên:
"Con đi đâu?"
"Thưa bác, hai ngày trước, ông Trần có đưa cho con một cuốn sách nhỏ nói về tổ chức Thanh Niên Xung Phong." Chị giải thích. "Nó làm con suy nghĩ về tương lai của con. Vì vậy mà sáng nay con có ra Ủy Ban, gặp các đồng chí ở đó để tìm biết thêm về tổ chức. Con nhận ra mục đích chính của tổ chức là kêu gọi những người trẻ cả nước tham gia vào để hổ trợ cho bộ đội. Tổ chức cơ bản là một nhánh yểm trợ bộ đội. Mặc dù không còn chiến tranh nữa, nhưng tổ quốc đang cần nhiều công sức để thu dọn những tàn phá do chiến tranh để lại. Con nghĩ công tác đó thích hợp với con lắm vì con vốn là một con ở cho nên con đã đăng ký rồi. Chỉ mất ba năm ngắn ngủi, nhưng sau đó thì lý lịch của con sẽ được nhà nước đánh giá cao."
Ông Lâm đang đứng ở cửa, nói chen vào:
"Trời đất ơi, toàn nói chuyện khùng điên."
Ông ta bước đến gần chị Loan:
"Cô đúng là một thứ khùng điên." Rồi ông ta quay sang phía ngoại tôi. "Nó không thể làm chuyện khùng điên như vậy được. Bác Nguyễn, bác nên ngăn nó lại."
Chị Loan tiếp tục nói với ông tôi như thể chị chưa hề nghe ông Lâm nói gì. "Con đã đăng ký vào tổ chức rồi, dù chưa có sự đồng ý của bác, tại vì thì giờ không cho phép. Con sẽ lên đường ngày mai. Tổ chức cho mọi người về nhà sửa soạn đồ đạc và từ giã thân nhân. Ba con chết rồi con không còn ai là thân nhân. Con chỉ có mình bác. Thưa bác, mặc dù bác chưa hề nói ra, nhưng con biết bác tự cho mình có trách nhiệm về cái chết của ba con. Có lẽ cả hai người lãnh chung một viên đạn, nhưng ba con chết còn bác may mắn sống sót. Nếu chuyện đúng như vậy thì sao? Bác đã đối xữ tử tế với con ngay từ ngày đầu tiên con bước chân vào nhà này. Con xin bác đừng ray rứt về chuyện đó nữa. Con muốn thưa để bác biết là con hiểu chuyện đó. Bác chẳng nợ nần gì với ba con cả, ba con chết là vì số phận của ổng như vậy thôi. Con xin cảm ơn bác bằng cả tấm lòng của con. Thưa bác, con xin từ biệt với bác ngay bây giờ vì sáng mai con sẽ ra đi lúc ba giờ sáng. Cảm ơn bác đã đùm bọc cho con trong suốt thời gian con ở đây. Khi mãn công tác, con sẽ trở về thăm bác ngaỵ"
Ngoại tôi cầm lấy hai bàn tay Loan và chớp mắt nhiều lần: "Bác hiểu. Nhớ giữ gìn sức khỏe và tránh những chuyện rắc rối."
"Con sẽ nghe theo lời bác dạy."
Ông tôi ôm chị Loan, nhưng chỉ một giây ngắn ngủi và không có hồn. Chị Loan quay sang bà tôi mĩm cười. Những ngón tay của chị sờ vào lớp da mặt nhăn nheo của bà tôi với sự trìu mến:
"Xin bác giữ gìn sức khỏe. Con thương bác lắm." Chị nói.
"Con có biết là sẽ đi đâu không? Có thể viết thư về được không?" Bà tôi hỏi.
Chị đáp:
"Con chưa biết gì nhiều, thưa bác. Con chỉ được cho biết là sẽ đi Huế, đi bộ. Trên đường đi, chúng con sẽ giúp đỡ dân chúng xây dựng nhà cửa, phá rừng để lấy thêm đất đai canh tác, và dọn dẹp những hư hại sau chiến tranh. Việc này là một thử thách trọng đại với con, và con sợ là trong thời gian đầu sẽ không có địa chỉ chắc chắn. Nhưng con sẽ viết thư về nhà thường xuyên."
"Có vẻ như con đã tính toán mọi việc cả rồi." Bà tôi chắc lưỡi. "Nhưng bác tin con có thể làm được. Con giỏi lắm. Khi nào xong việc thì trở lại với hai bác ngaỵ"
Chị quay sang mẹ tôi đang đứng giữa phòng. Chị cúi nhìn xuống sàn nhà tránh ánh mắt mẹ tôi. Mẹ tôi lên tiếng phá tan sự im lặng ngột ngạt: "Phải nói cho rõ, tôi chưa bao giờ đuổi em ra khỏi nhà. Tôi chỉ muốn em hiểu như vậy."
"Dạ, thưa bà chủ, em biết như vậy. Em cũng không bao giờ muốn bỏ đi, nhất là lúc bà chủ sắp sanh. Nhưng em có lý do riêng phải ra đi. Xin bà giữ gìn sức khỏe."
"Đừng vì ông Lâm mà bỏ đị" Mắt mẹ tôi lóe lên khi bà liếc nhìn ông nhân tình của mình.
Loan quay sang ông Lâm, nhỏ giọng nói:
"Tạm biệt. Mong ông đổi xử tử tế và săn sóc bà chủ, vì bà chủ đang mang thai đứa con của ông. Nếu ông làm điều gì sai quấy, khi tôi trở về thì ông sẽ phải trả một giá đắt đó, ông coi chừng, đừng nghĩ đây chỉ là lời dọa suông. Ông và tôi đúng ra từ đầu không nên ở chung với nhau. Trong quá khứ tôi không có chọn lựa nào khác nhưng bây giờ và sau này, tôi chọn bỏ đi để ông có thể ở lại."
Ông ta không trả lời, nhưng nhếch môi cười khó chịu.
Loan quay sang tìm hai anh em tôi. Chị quỳ xuống dang tay ra dấu cho chúng tôi chạy đến.
"Sao thế này!" Chị thì thầm, chạm tay vào những chỗ bầm trên mặt tôi. "Em làm gì vậy? Đánh lộn hả? Chị chỉ xa em có một ngày là em đã gây phiền phức rồi. Em nghe chị nói đây. Chị sẽ không còn ở bên em để săn sóc cho em nữa. Bắt đầu từ bây giờ em phải tự lo lấy và lo cho em của em nữa. Phải giúp đỡ mẹ khi mẹ sanh em bé, nhớ không? Và nhất là đừng có quên chị."
"Em không quên chị đâu. Em nhớ chị lắm." Tôi bảo chị.
"Chị biết, em ngoan." Chị mỉm cười. "Chị mang cho em một món quà sinh nhật. Một thứ hay lắm có thể giúp em chuẩn bị để mai mốt giữ em cho giỏi. Muốn coi không?"
Tôi gật đầu. Chị chạy ra ngoài rồi một lát sau trở vào tay ôm một chiếc thùng giấy. Chị hạ thấp chiếc thùng ngang tầm mắt tôi. Thùng không có nắp. Tôi và Jimmy cùng nhìn vào và nhận ra một con chó nhỏ đang cuộn mình trong một góc thùng, ngước nhìn chúng chúng tôi bằng đôi mắt to đen láy. Lông nó màu nâu nhạt, hai tai cụp xuống và một cái mũi ướt, bóng lưỡng như một hột nút mới tinh. Nhìn thấy chúng tôi, con chó rên ư ự Tôi mừng quá ôm chị hôn lên khắp mặt mũi.
"Em rờ nó đị" Loan thì thầm. "Của em đó, Kiên."
Tôi thò tay sờ vào mình con chó nhỏ. Lông nó mịn, êm như nhung. Rồi tôi bồng nó lên ngang ngực, nghe tiếng tim nó đập rộn ràng. Con chó nhìn lên lè lưỡi liếm vào mũi tôi, và như vậy là chúng tôi thân nhau. Tôi nhìn xuống mặt con chó nhỏ đang nép vào lớp áo vải mỏng và cảm thấy một cảm giác ấm cúng tỏa lan khắp người.
"Nó mới hai tháng, Kiên ạ." Loan nói. Tôi mãi chú ý đến con chó nhỏ đang ôm trong tay nên nghe giọng chị như mãi ở đâu xạ "Chị có một tin vui và một tin buồn cho em." Chị tiếp: "Tin vui là nó đã bỏ sữa cho nên em có thể bắt đầu cho nó ăn vào ngày mai. Tin buồn là nó có một tật bẩm sinh. Như em thấy đó, bàn chân trước của nó bị trẹo. Nó chỉ có thể đi bằng ba chân. Chị chọn con này cho em vì nó cần phải chăm sóc nhiều, như vậy sẽ giúp em thực tập để mai mốt chăm sóc cho em bé. Em tìm cho nó một cái tên thật đẹp đi Kiên."
Chị quay sang Jimmỵ "Chị không quên Jimmy đâu. Con chó nhỏ này cũng là của em nữa. Em có thể giúp anh Kiên để chăm sóc cho nó. Em còn nhỏ chưa có thể nuôi một con được. Trong thời gian này em tạm chơi chung với anh Kiên vậy."
Jimmy gật đầu mà mắt vẫn nhìn vào con chó nhỏ.
Chị Loan hỏi mẹ tôi: "Thưa bà chủ, bà cho phép các em nó giữ con chó chứ? Em xin lỗi không hỏi bà trước nhưng vì em muốn để lại một vật gì cho các em nhớ."
Mẹ tôi gật đầu một cách miễn cưỡng. Một ý tưởng thoáng qua trong đầu, tôi bảo chị Loan: "Em có tên cho nó rồi. Tên Lulụ"
"Tên Lulu đẹp lắm," Loan nói. "Em lấy ở đâu ra vậy?"
"Nó giống Lulụ"
"Cô ca sĩ người Anh?"
"Đúng rồi. Em thích những bài hát của cô ta lắm."
"Được rồi, nó là Lulụ Có lẽ một ngày nào đó nó có thể sủa bản nhạc "Tình yêu cho ngài" để kiếm ăn." Chị Loan nói làm cả nhà bật cười, trừ mẹ tôi.
Đêm đó con Lu lu ngủ trong chiếc hộp giấy đặt bên cạnh giường ngủ của tôi. Nó nằm cong người lại giấu mõm dưới hai bàn chân trước. Sáng hôm sau khi tôi thức dậy, chị Loan đã ra đi.