Tối hôm đó ăn cơm xong, tôi lẻn vào giường lôi mấy tờ giấy xuất cảnh mới nhận được từ Hà Nội ra quan sát. Tờ giấy khổ 4x8, được xếp làm tư, cùng độ dày và mong manh như những tờ giấy bình thường khác. Trang đầu màu trắng, có đóng dấu hiệu quốc gia Việt Nam: một lá cờ màu đỏ sao vàng, viền chung quanh bằng một bông lúa chín. Phía dưới dấu hiệu đó, một bó lúa vàng cột bằng tấm băng đỏ, cùng hàng chữ "Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam" in ngang trên mặt. Dưới hết, có hàng chữ: "Giấy xuất cảnh, số 40783ATH1."
Bên trong, tấm hình chụp tôi nhìn thẳng vào ống kính, cùng với một chỗ trống để ký tên vào. Phần còn lại của tờ thông hành in màu xanh nhạt, đóng dấu đỏ, hầu hết được ghi là ngày 30 tháng 5 năm 1984. Cái phần hấp dẫn nhất là hàng chữ "Người mang giấy thông hành này được phép rời khỏi nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam trước ngày 30 tháng 5 năm 1984, để đến Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ." Tôi đọc đi đọc lại câu đó cho đến thuộc lòng.
Bên ngoài, tiếng mẹ tôi kêu tôi ra phụ bà rửa chén. Tối gấp tờ thông hành lại cất, đứng dậy vươn vai rồi bước ra ngoài. Cái phòng ăn không có mái đã gần khô sau cơn mưa hồi chiều, nhưng vẫn còn một vài vũng nước đọng lại đó đây trên sàn nhà phản chiếu bầu trời không một chút mây. Mẹ tôi đứng đợi trong bóng tối, ngó sang bên nhà của dì tôi. Gió lạnh thổi vi vu qua căn phòng, dán lên bộ quần áo mẹ tôi. Tiếng bước chân tôi làm bà giật mình.
"Suỵt." Mẹ tôi để một ngón tay lên môi ra dấu cho tôi im lặng, rồi thì thầm. "Đừng lên tiếng. Mẹ đang chờ bả."
Tôi đứng lại. Tiếng nước xối trong phòng tắm dội lại trong dãy hành lang dài. Một lát sau tôi nghe tiếng cửa mở rồi đóng lại, rồi tiếng guốc của dì tôi đến gần. Dì hiện ra trong cái ánh sáng tù mù của chiếc đèn trong nhà bếp, tay đang thắt sợi giây lưng quần.
Mẹ tôi tằng hắng. "Chị."
Dì tôi giật mình ngước lên: "Ô, chà." Trong bóng tối dãy hành lang, hai mắt dì tạo thành hai điểm sáng lớn trông giống như khuôn mặt của một con gấu. "Tao không thấy mày đứng đây. Mày làm tao hết hồn."
"Xin lỗi chị. Chắc chị đã nghe tin rồi. Giấy thông hành của tụi em mới đến."
"Ừ, tao có nghẹ" Dì tôi sửa lại quần áo, trả lời. "Chúc mừng."
"Cảm ơn chị. Em có chuyện này muốn bàn với chị. Em định bán căn nhà để dọn vào Sài Gòn. Tụi em sắp đi Mỹ và muốn bán căn nhà lấy ít tiền để chuẩn bi... "
Dì tôi ngắt lời. "Đừng nói với tao chuyến đó bây giờ. Chờ nói chuyện với ổng."
"Tại sao? Đây là nhà của em và em muốn bán nó. Em chỉ muốn cho chị biết vì mình là chị em với nhau. Em không cần phải hỏi ý kiến chồng chị."
Dì tôi ngáp lớn. "Tao nghĩ là cần. Thôi sáng mai gặp rồi tính."
"Cũng được." Mẹ tôi gật đầu. "Nếu chị muốn, mấy giờ?"
Dì quay lưng đi: "Chín giờ, bên phòng khách nhà tao."
*
Sáng hôm sau mẹ tôi dậy sớm dù không phải sửa soạn hàng ra chợ. Bà ngồi im lặng trong bếp trên chiếc ghế nhỏ nấu nước pha trà gừng cho ngoại tôi. Tôi vẫn nằm trong giường, thức giấc vì luồng gió lạnh thổi vào xuyên qua lở hổng lớn trên vách chỗ trước đây là khung cửa sổ. Lớp vải bao gạo sần sùi cứa vào da thịt tôi một cách khó chịu. Tôi luồn tay vào giữa hai lớp vải bao gạo lôi xấp giấy thông hành ra đọc lại lần nữa, lòng phân vân tự hỏi không biết chúng tôi có thực sự sẽ rời khỏi Việt Nam vào hạn chót 30 tháng 5 năm 1985 hay không. Jimmy thức dậy ra khỏi giường, đi ào ào ra phía ngoài hướng về nhà bếp, vừa đi vừa gãi đầu. Mẹ tôi đưa cho nó ly nước và cái bàn chải đánh răng có phết ít muối trộn với bột sô đạ Nó đánh răng rồi phun ra bên ngoài qua cái lỗ trên tường.
Bên ngoài, xóm làng bắt đầu thức dậy. Nhà nhà vang lên những tiếng khua gõ. Tiếng gà gáy, tiếng cửa khép mở, tiếng con nít ôn lại bài vở trước khi đến trường. Mọi vật dường như sạch sẽ hơn, bóng láng hơn sau cơn mưa. Mùi đất ẩm bốc đầy trong không gian.
Chiếc đồng lớn ở nhà dì tôi điểm chín tiếng, âm thanh vang ra tận khu vườn. Mẹ tôi mặc một chiếc áo lụa màu xanh đậm gần như đen, có vẽ những cánh hoa nhỏ đã bạc màu, và một chiếc quần ny lông màu đen. Đó là bộ đồ tươm tất duy nhất còn lại của mẹ tôi, chỉ được dùng vào những trường hợp quan trọng. Tóc bà được búi gọn ra sau. Thân thể bà cứng đơ, mắt nhìn thẳng phía trước, lạnh lùng và khó chịu. Bà hít một hơi dài rồi bước ra khỏi bếp, băng ngang qua khu vườn. Tôi và Jimmy ngồi đợi bên cửa sổ. Bóng mẹ tôi khuất vào sau mấy cái trụ lớn phủ đầy rêu dẫn đến nhà dì tôi.
Không đầy hai phút sau, bà xô cánh của nhà dì tôi bước ra đầy vẻ giận dữ. Bà giơ cánh tay lên khỏi đầu trong một dáng điệu chán chường bực tức, miệng hét lớn: "Ba, ba ra đây coi."
Ngoại tôi thò đầu ra khỏi phòng với vẻ mặt hoang mang. Tóc trên đầu ông rối bù chỉa ra như lông nhím. "Chuyện gì vậy?" Ông hỏi.
Mẹ tôi tông cửa nhà bếp bước vào. Bà đá chiếc ghế nhỏ sang một bên, hét lên: "Ba phải xử vụ này cho con. Ba qua bên đó với con được không?" Bà quay sang chúng tôi ra lệnh. "Hai đứa mày mặc đồ vào theo tao."
Chúng tôi chưa kịp mặc xong quần áo, mẹ tôi đã túm lấy hai đứa kéo đi trở lại phòng khách nhà dì tôi. Ngoại tôi theo sau cách vài thước. Dượng tôi đang ngồi dựa lưng vào bàn thờ Phật, bên cạnh chiếc bàn nhỏ. Hai tay khoanh trước ngực, qua cặp kính dày, hai mắt ông nhìn chúng tôi bằng cái nhìn báo hiệu nhiều phiền phức. Sau lưng ông, tám người con trông như một tiểu đội lính sắp ra trận, đứng yên lặng, mặt lầm lì như chạ Phía sau tượng Phật, tấm hình Ánh Nguyệt được lồng trong một khung đen đặt bên cạnh khung hình bà ngoại tôi. Trên bàn thờ, mấy cây nhang thả những làn khói quyện trong không khí căng thẳng trong nhà. Trong sự im lặng ngột ngạt đó, chúng tôi nghe những tiếng tích tắc không ngừng của cây kim đồng hồ.
Mẹ tôi nói lớn, trống không:
"Bà chị yêu quý khả kính của tôi đâu rồi?"
Dượng tôi đáp lại, cũng bằng cung cách đó:
"Vợ tôi không có mặt được. Có chuyện bất ngờ xảy rạ"
"Còn chuyện gì quan trọng hơn chuyện ở đây? Sợ không dám gặp mặt tôi hả?"
"Chuyện này đối với vợ tôi không quan trọng gì." Ông ta nói. "Cô hẹn gặp chúng tôi ở đây có chuyện, tại sao cô không nói thẳng ra chuyện gì rồi đi về?"
Ngoại tôi lên tiếng:
"Mày không mời ai ngồi hết à?"
"Xin lỗi." Ông quay sang Lê, con trai lớn, ra lệnh. "Lấy ghế cho ông ngoại mày."
Lê bước ra khỏi hàng như người máy, nhưng mẹ tôi vẩy tay cản lại.. "Thôi đừng bày trò giả dối đó nữa." Bà tiếp. "Tôi chỉ cần một phút để báo cho các người biết là tôi sẽ bán căn nhà của tôi."
"Xin lỗi." Dượng tôi nói. "Cô không bán được."
Mẹ tôi nhướng mắt: "Tại sao? Nhà đó là nhà của tôi, có đúng không? Tôi đứng tên làm chủ."
Dượng tôi quay sang người con cả, ra hiệu bằng mắt. Lê mở cánh cửa nhỏ phía sau bàn thờ rút ra một xấp giấy đưa cho cha.
"Sao?" Mẹ tôi nói khích.
"Cô Khuôn." Dượng tôi bắt đầu, tay lật từng trang trong tập hồ sợ "Cô đứng tên làm chủ cái nhà là đúng. Tuy nhiên cô không thể bán nó được vì căn nhà đó nằm trên miếng đất của tôi. Giấy tờ còn đây. Khi nào cô hết giận cô có thể coi lại nếu cô không tin tôi."
Mẹ tôi giận tím mặt. "Tôi đã mua miếng đất đó từ nhiều năm trước." Bà nói. "Dượng mang thằng con trai lớn của dượng đến gặp tôi lúc nó vừa đúng mười lăm tuổi. Tôi nhớ đã mua cho nó chiếc xe đạp, và trả tiền miếng đất cho dượng cùng tiền sửa lại căn nhà. Ba má tôi và con trai dượng chứng kiến chuyện này. Tại sao bây giờ dượng lại nói ngược? Chưa kể, trên thực tế tôi đã mua toàn khu này qua số tiền tôi trả cho dượng trong suốt bao nhiêu năm trời."
Ngoại tôi trầm ngâm gật đầu: "Tao cũng chưa lẫn. Tao còn nhớ rất rõ ràng những việc xảy ra trong ngày hôm đó. Cháu còn nhớ không Lể"
Lê tránh ánh mắt ông tôi. Mẹ tôi đè một tay lên ngực rán giữ bình tỉnh, rồi nói: "Tôi phải làm sao đây? Tôi cần tiền để đi. Dượng nghĩ tôi phải làm sao đây?"
Dượng tôi nhịp nắm đấm xuống mặt bàn bằng kính sau mỗi tiếng, y như đang nói chuyện với một đứa bé lên năm cứng đầu cứng cổ. "Tôi không cần biết cô phải làm sao. Nhưng cô không bán miếng đất của tôi được. Đó là lời cuối cùng của tôi." Ông ta gấp mạnh tập hồ sơ.
Căn phòng trở lại yên tỉnh.
Cuối cùng, mẹ tôi hất mái tóc ra sau, nói. "Được lắm, cái quân ăn cướp. Cả một đám ăn cướp. Tao không bán nhà được, tao sẽ đập nát nó ra. Tao còn sống thì tụi mày đường mong cướp được." Mẹ tôi tông cửa đi ra, ra dấu cho tôi và Jimmy theo sau. Tiếng cười chế nhạo của đám con dượng tôi rượt đuổi theo sau.
*
Năm phút sau, Tín xuất hiện ở cửa bếp nhà tôi. Ánh sáng mặt trời rọi xuyên qua lỗ hổng trên vách tường phòng ngủ của tôi chiếu lên khuôn mặt đầy mụn của Tín. Cặp mắt lé của nó chớp chớp vẻ lo lắng.
Mẹ tôi bước ra khỏi phòng ngủ nói như nạt. "Mày muốn gì nữa đây?"
Tín lắp bắp: "Tui tới lấy cái bao gạo. Ba tui cần để đựng đồ."
"Lấy giường hả?" Jimmy phản đối. "Rồi tụi tôi ngủ ở đâu?"
"Đừng cãi, Jimmỵ" Mẹ tôi nói. Bà quay sang Tín, nói với giọng khàn khàn: "Mày lấy đi. Lấy mấy cái thứ khốn nạn đó ra khỏi nhà tao."
"Mẹ à, nền xi măng lạnh lắm." Bé Tí khóc.
Mẹ tôi ôm lấy mặt Bé Tí bằng hai tay, rưng rưng: "Kiếm giấy báo, con à. Thật nhiều giấy báo. Chúng ta không cần mấy cái bao bẩn thỉu đó."