Mùa hè năm 1975, trời mưa nhiều hơn thường lệ. Nước đọng thành vũng khắp thành phố tạo điều kiện cho muỗi mòng sanh sôi nảy nở khá nhanh. Bệnh sốt rét, kiết lỵ, lao hoành hành khắp nơi. Để giải quyết tình trạng đó, chính quyền Cộng Sản thiết lập một hệ thống săn sóc sức khỏe bằng cách huấn luyện mọi người tự bảo vệ mình. Ba lần mỗi tuần, các toán y tá thiết lập những bàn phát thuốc lộ thiên để phân phát thuốc ký ninh chống sốt rét cho mọi người. May mắn, bệnh dịch chưa lan đến xóm tôi.
Tháng tám qua đi một cách mệt mỏi giống tình trạng cả phố đang tìm cách thích ứng với đời sống mới. Một ngày nọ, dượng tôi bước vào nhà chúng tôi với vẻ vội vàng. Vì những lỗi lầm trong quá khứ, dượng tôi bị đi học tập một tuần trong trại cải tạo. Ngoại tôi may mắn được miễn đi học tập vì bị tàn phế. Ngay ngày dượng tôi được tha ra khỏi trại, ông đến thẳng nhà tôi để báo tin cho mẹ tôi những tin tức ông thu thập được trong trại.
Khắp thành phố, Cộng sản áp dụng một chính sách mới để tiêu diệt chủ nghĩa tư bản, bắt đầu bằng cái cộng đồng giàu có ở phố Tầu và lan dần về thôn xóm. Đó là một kế hoạch đơn giản. Hàng ngày, các chủ tịch phường xã chọn một khu nào đó trong xóm, rồi lục soát tất cả các nhà trong khu vực đó, đặc biệt là những nhà giàu và nổi tiếng. Mục đích là để tìm những của cải được cất giấu hoặc những bằng chứng liên quan đến quá khứ tội lỗi của từng người. Trong khi các nhân viên nhà nước bới tìm thì mọi người trong nhà bị dồn vào một góc. Tất cả những thứ gì có giá thì đều bị tịch thu hoặc tiêu hủy ngay lập tức. Nếu họ tìm thấy những chứng cớ liên quan đến những tội ác không thể chấp nhận được trong quá khứ của gia chủ, thì tùy theo mức độ nặng nhẹ, chủ nhà sẽ bị đưa đi trại khổ sai, hoặc bị giữ để đưa ra tòa. Ngay cả trẻ con cũng không thoát khỏi bị lục soát vì nhiều cha mẹ giấu của cải trên mình con cái.
Với sự giúp đỡ của các con dì tôi, mẹ tôi lục soát lại hết tất cả những đồ vật của mình, lựa riêng ra những vật có dính đến quá khứ, nhất là những vật có liên quan đến ba tôi và ba của Jimmỵ Bà bỏ tất cả, cùng với một nửa tư trang, vào một hộp đựng giày. Một nửa số tư trang còn lại vẫn còn giấu trong chiếc áo của tôi. Đêm đến, mẹ tôi một mình ra sân trước đào lỗ chôn chiếc hộp.
Gia đình Duy bên cạnh nhà tôi không được may mắn như vậy. Cộng sản lục tung căn nhà và bắt ba Duy còng tay dẫn đi. Mẹ Duy, như một con thú bị thương, khóc lóc lết theo sau chiếc xe đang chạy đi trên con đường đầy bụi, nhả lại phía sau những đám khói đen phả vào mặt bà.
Chị Ánh Nguyệt đến bên tôi, khi tôi đang đứng cạnh ông ngoại nơi sân trước nhìn cảnh hổn loạn bên nhà hàng xóm.
"Này Kiên." Chị thì thầm vào tai tôi, chỉ tay vào Tý Tòng. "Em làm ơn đưa dùm cái này cho anh Tý Tòng cho chị được không?" Chị dúi vào tay tôi một mảnh giấy nhỏ.
"Ngay bây giờ? Trong cảnh lộn xộn như vậy?" Tôi hỏi, ngỡ là hiểu lầm ý chị.
"Ừ, ngay bây giờ." Chị lập lại. Rồi chị đứng thẳng người bước ra khỏi chỗ tôi trước khi ba má chị có thể nhận ra chuyện gì.
Tôi bước sang nhà bên cạnh tìm Tý Tòng. Anh ta đang đứng bên cạnh mẹ, vòng tay ngang hông đỡ cho bà khỏi quỵ xuống. Bà ta khóc trên vai con trai, không màng đến những con mắt hiếu kỳ của người qua đường đang dòm ngó. Trong cảnh nhà tan nát đó, ông anh của Duy trông có vẻ chững chạc và kiêu hãnh. Anh ta không nhận ra tôi khi tôi tiến lại gần. Ngược lại, Duy ngưng khóc nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên.
"Chia buồn, Duỵ" Tôi nói nhỏ với nó.
Duy không trả lời. Tôi đứng giữa đám anh em đau khổ của nó, cảm thấy mình lạc lõng trong khi họ lục tục trở vào nhà. Khi Tòng đi ngang qua, tôi kịp dúi tờ giấy vào tay anh ta, nói nhỏ "Của chị Ánh Nguyệt" trước khi anh ta bỏ đi.
Anh ta cảm ơn tôi và tôi chạy về nhà. Ánh Nguyệt ngồi ở sân trước nháy mắt và cười với tôi.
Chờ được vài tuần, mẹ tôi nhận ra là từ khi mất căn biệt thự, chính quyền mới không còn coi chúng tôi là thành phần nguy hiểm nữa. Mẹ tôi cảm thấy an tâm và đi đào lấy chiếc hộp đã cất giấu lên. Trong sự hoảng hốt của mẹ tôi, nguyên chiếc hộp đã biến mất. Sau năm giờ đồng hồ bới nát cái sân cỏ tìm kiếm, mẹ tôi kết luận là có lẽ chiếc hộp đã bị nước dưới lòng đất cuốn trôi đi. Những trường hợp như vậy xảy ra cũng thường nếu chôn sâu quá.
Mấy tháng cuối cùng trong thời kỳ thai nghén của mẹ tôi, áp lực đè nặng lên toàn thể mọi người trong gia đình. Nhà không có ai làm việc, mẹ tôi buộc phải bán dần dà nữ trang để sống. Và chuyện thai nghén của bà cũng không được suông sẻ như bà mong muốn. Tháng trước, hai lần bị trục trặc. Lần ra máu sau kèm theo cơn đau quặn làm mẹ tôi tưởng là bị sanh sớm. Bà hối hả đến bệnh viện trong sự lo lắng, nhưng rồi kết quả chỉ là một sự báo động lầm. Trong hoàn cảnh tiền bạc khó khăn, mẹ tôi rất xót xa phải tiêu một số tiền vô ích như vậy.
Thời gian đó, phường kêu ông Lâm đi làm nghĩa vụ lao động nửa tháng tại một vùng rừng núi cách nhà khoảng năm mươi cây số. Ông Lâm từ chối không đi. Để tránh rắc rối cho gia đình, mẹ tôi phải bỏ tiền ra thuê mấy người con dì tôi đi thaỵ Nếu không ai để ý tới thì chuyện đó sẽ qua đi. Tuy nhiên, không may là hôm đó chủ tịch phường định cử ông Lâm làm toán trưởng và phát giác ra sự việc. Thay vì ông Lâm, thì lại là Lê, con dì tôi.
Dù chuyện đó không mang đến những rắc rối gì nghiêm trọng cho ông Lâm, nhưng sự xung đột giữa gia đình tôi và ông Qui Bá, phường trưởng, bước vào một khúc quanh quan trọng. Đối với phường trưởng, sự việc gia đình tôi có thể mướn người đi nghĩa vụ chứng tỏ là gia đình tôi còn cất giấu nhiều tài sản. Tình trạng đó làm cho mẹ tôi càng xa cách ông Lâm hơn, họ gần như không còn nói chuyện với nhau. Những người chung quanh không còn thấy họ có vẻ gì là vợ chồng nữa.
Càng ngày mẹ tôi càng trở nên bất an, bực bội. Những cơn mưa kéo dài không dứt và tình trạng thai nghén trong thời kỳ cuối làm bà dễ cáu kỉnh, khó chịu.
Một bữa vào giờ ăn chiều, chúng tôi ngồi trên nền nhà ăn cơm với cá mặn do bà ngoại tôi nấu. Từ ngày vú Loan ra đi, bà ngoại tôi phải đảm đang công việc nấu nướng, giặt giũ. Nếu bà tôi không bị bệnh viêm khớp hành hạ thì bà nấu nướng ngon lắm. Nhưng gần như là thường xuyên, giống như chiều hôm đó, chúng tôi chỉ ăn cơm với cá mặn.
Ông Lâm lên tiếng nói với mẹ tôi ngồi đối diện đang lặng lẽ ăn. "Nhìn tôi đây," Ông ta nói.
Mẹ tôi vẫn tiếp tục ăn như không có chuyện gì xảy ra. Nhưng Jimmy thì giật nảy mình sợ hãi, trố mắt nhìn hai người. Biết Jimmy sắp khóc, tôi nắm lấy tay nó.
Sự lặng thinh của mẹ tôi càng làm cho ông Lâm bực mình. Ông la lớn hơn: "Tại sao không nhìn tôi hả?" Ông ta đấm tay xuống nền nhà. "Tôi không thể chịu đựng cảnh này được nữa." Mẹ tôi đáp lại bằng vẻ lạnh lùng xa cách hơn.
"Đừng có giở trò với tao, con đĩ thúi." Trong cơn phẫn nộ, những lời sĩ nhục của ông vang lên khàn khàn như tiếng kêu khóc. Ông ta ném chén cơm đang ăn nửa chừng về phía mẹ tôi rồi bước ra khỏi nhà đốt thuốc. Những hạt cơm dính đầy trên tóc, trên mặt mẹ tôi nhưng bà không buồn phủi nó đi. Bên cạnh tôi, Jimmy bắt đầu lên tiếng khóc.
Đêm đó, ông Lâm chun vào giường tôi. Tôi ngủ nằm sấp, không biết sự hiện diện của ông cho đến khi cái thân người to lớn của ông đè nặng lên người tôi. Ông ta lấy tay bịt miệng không cho tôi lên tiếng. Tôi tỉnh ngủ mà không thật sự biết chuyện gì đang xảy ra.
Ông ta thì thầm bên tai tôi: "Mày la lên tao bẻ cổ."
Lúc đầu tôi nghĩ là đang nằm mơ, và cố gắng thức dậy. Nhưng bàn tay đang bịt miệng tôi của ông Lâm kéo tôi về thực tại. Tôi vùng vẩy để lấy hơi thở nhưng không làm sao thoát khỏi bàn tay kềm giữ của ông tạ Tôi có cảm tưởng gần như nghẹt thở, nghĩ là mình đang chết.
"Làm ơn bỏ tay rạ" Tôi la thầm trong đầu. Tôi có cảm giác như não của tôi bị căng lên như một quả bong bóng sắp nổ tung. Tôi nghĩ đến con Lulu chắc cũng phải chịu cảnh này trước khi chết.. Tôi yếu sức dần đi và không cựa quậy nữa. Ngay khi tôi ngưng cử động, ông Lâm nới lỏng bàn tay để tôi thở. Tôi hít thở vội vàng, gần muốn nghẹn nơi cổ họng.
"Nghe tao nói đây và nghe cho kỹ, cái thằng tạp chủng." Ông ta nói bằng giọng nén lại. "Mai mốt lớn lên nếu mày có trách ai về chuyện này thì trách con mẹ mày đó. Mẹ mày gây ra trước, ngay lúc nó tìm cách giết đứa con còn trong bào thai của tao." Tiếng ông ta vang lên bên tai nhưng nghe như từ một cõi xa xăm nào. Tuy thế, tôi hiểu ông ta nói gì và những lời nói đó thấm vào hồn tôi như mực thấm vào giấy.
Bên ngoài, đêm đã sâu với ánh trăng chiếu chếch qua khung cửa sổ. Ánh sáng trăng phủ lờ mờ lên khắp căn phòng, kể cả những ngón tay như gọng kềm đang kẹp ngang cổ tôi. Ông Lâm tuột quần tôi ra, rồi tự cởi áo quần bằng một tay, còn tay kia vẫn giữ cổ tôi. Tôi cảm thấy sợ hãi, và xấu hỗ chưa biết ông ta định làm trò gì. Trong cơn bối rối và hoảng hốt, tôi cảm thấy như tê liệt. Thình lình, một cơn đau như thân thể tôi bị xé rách ra, ồ ạt từng đợt khi ông Lâm càu nhàu, nhấp nhô trên người tôi. Tôi muốn hét lên nhưng không được. Nỗi mong muốn được khóc của tôi biến mất, chỉ còn lại một cảm giác trống vắng càng lúc càng lạnh lùng mênh mông.
Trước khi tuột xuống khỏi người tôi, ông Lâm giơ nắm đấm trước mặt tôi, dọa: "Chuyện này chỉ có tao và mày biết, nhớ chưa, để hy vọng lần sau tao nhẹ nhàng hơn. Nếu mày ngu đi nói với mẹ mày thì sẽ đến lượt em mày lãnh đủ."
Ông ta không cần cảnh cáo tôi phải ngậm miệng. Nỗi xấu hổ và sự cô đơn mà tôi đang gánh chịu không phải là những điều tôi muốn chia xẻ với bất cứ ai.. Tôi nằm vùi đầu vào gối, lắng nghe tiếng bước chân ông rời khỏi phòng và cố gắng xua đuổi những ý nghĩ nhục nhả đang xâm chiếm tâm hồn tôi.
Mãi lâu sau khi ông ta đi khỏi, tôi vẫn nằm trần truồng bất động trên giường. Đầu óc tôi trống rỗng. Tôi co người trong chiếc mền trắng, như đã chết, lạnh lùng hoang vắng, và đó là niềm an ủi duy nhất tôi có thể tìm được trong giây phút đó.
*
Sáng hôm sau tôi nằm lì trong giường với chiếc drap phủ kín đầu. Đến giờ ăn sáng, mẹ tôi vào tìm. Bà phát giác ra tôi nằm run nhẹ dưới tấm khăn trải giường. Bà lo lắng kéo tấm drap ra để quan sát. Tôi ngó chăm chăm vào khoảng không trên trần nhà phía sau mặt bà.
Một tay bà nắm lấy tôi, tay kia bà vỗ vào người tôi kêu lên: "Kiên, thức dậy." Khi thấy tôi không phản ứng, bà hoảng hốt: "Chuyện gì vậy? Nói cho mẹ biết. Chuyện gì đã xảy ra cho con vậy? Trời ơi, máu ở đâu đây?"
Sự khích động của mẹ tôi làm tôi giật mình ngó lại trong phòng trong lúc mọi người nhìn tôi với ánh mắt tò mò. Ông Lâm nằm vắt ngang qua giường nhìn tôi. Cái nhìn tối đen của ông ta kéo tôi ra khỏi tình trạng ngơ ngẩn:
"Con... con không sao." Tôi ngập ngừng. "Con chỉ cảm thấy hơi mệt."
"Máu này ở đâu rả Con bị chảy máu chỗ nào vậy Kiên?" Bà sờ vào dấu máu khô dính trên tấm khăn trải giường và hỏi tôi.
"Nó không sao." Ông Lâm chen vào. "Cứ để cho nó yên." Ánh mắt ông ta không rời mặt tôi khi nói. "Hồi sáng nó bị chảy máu cam một chút. Tôi giúp nó cầm máu rồi, phải không Kiên?"
Tôi gật đầu. Nhưng mẹ tôi không tin. Bà cau mày có vẻ nghi ngờ.
"Chảy máu cam à?" Bà hỏi. "Không thể nào. Từ hồi giờ nó có bao giờ bị chảy máu cam. Ông có chắc không?"
"Dĩ nhiên là chắc." Ông ta trấn an mẹ tôi. "Để yên cho nó nằm nghỉ. Nếu nó vẫn không thấy khỏe sẽ đem đi bệnh viện sau."
Những lời của ông ta hình như làm cho mẹ tôi bớt lọ Bà đặt tôi nằm lại xuống gối. Ông Lâm nắm vai mẹ tôi kéo ra khỏi phòng.
Một lúc sau ông trở lại, giật tấm khăn ra khỏi người tôi. "Ngồi dậy, ra khỏi giường ngaỵ" Ông ta nói. "Mày phải chứng tỏ cho mẹ mày thấy là mày không bệnh hoạn gì cả. Nếu không thì bả sẽ phát giác ra mày ngựa lắm hồi hôm, rồi tao không có cách nào bao che cho mày nữa đâu." Ông ta kéo tôi ra khỏi giường và đẩy ra ngoài sân trước.
Tôi ngồi ôm bụng nơi thềm cửa trước một lúc. Cơn đau như xé trong người tôi. Tôi còn cảm thấy máu ứa ra trong quần lót, và mùi máu tanh làm tôi muốn mữa. Bên kia bức tường, Duy vẩy tay ra dấu cho tôi sang chơi. Tôi rán hết sức ở chơi với Duy và con Goofy suốt ngày hôm đó cho đến bữa cơm chiều mới về nhà.
Đêm hôm đó mẹ tôi vào giường sờ tay lên trán tôi để xem tôi có bị sốt không. Trên chiếc giường bên kia, ông Lâm nằm nhìn chúng tôi qua đôi mắt khép hờ. Sự hiện diện của ông ta làm tôi bồn chồn.
"Con thấy thế nào, Kiên?" Mẹ tôi hỏi.
"Khỏe." Tôi đáp.
"Con có chắc không? Mẹ thấy con không được khỏe." Mẹ tôi im lặng một lát rồi nói tiếp với giọng lo lắng: "Cho mẹ biết chuyện gì xảy ra. Đã mấy tuần rồi không lẽ con còn giận về chuyện con Lulụ"
Thay vì trả lời, tôi nhắm mắt giả vờ ngủ.
"Con nghe mẹ nói đây." Bà nói. "Chuyện này thật khó cho mẹ nhưng mẹ hứa sẽ kiếm cho con một con chó khác ngày mai nếu con hứa với mẹ là con sẽ vui lên."
Tôi mở mắt ra nhìn. Dưới ánh đen tù mù, khuôn mặt mẹ tôi có thêm những vết nhăn mới. Những giọt lệ đọng trong mắt bà. Tôi lắc đầu.
"Con không muốn một con chó khác?" Bà hỏi.
"Không."
"Vậy thì con cho mẹ biết con muốn gì? Con chó nhà ông bán thịt mới đẻ con. Mẹ đã dặn họ để cho con một con. Nếu con không muốn thì mẹ sẽ làm gì với con chó đó?"
"Cho em Jimmỵ" Tôi đề nghị, và thêm: "Mẹ, con không muốn nuôi chó nữa."
"Được rồi, nếu con quyết định như vậy. Nhưng rán khỏe lên. Mẹ cần con."
Mẹ tôi hôn tôi rồi tắt đèn và đi ra ngoài. Khi mẹ tôi đi rồi, tôi tê người với sự sợ hãi. Trong bóng đêm, tôi hình dung ra hình ảnh ông Lâm trên từng thớ thịt trong cơ thể. Cuối cùng, tiếng ngáy của ông ta vang lên trong căn phòng vắng lặng, rồi tôi nghe ông lầm bầm một điều mập mờ gì đó trong cơn mơ.
Tôi bò ra khỏi giường, tay ôm chiếc gối, nhón gót lặng lẽ từng bước ra khỏi phòng đi ra vườn.
Bên ngoài, mây đen phủ là đà trên ngọn cây, báo hiệu cơn mưa sắp đến. Cây cối trong vườn chờn vờn trông giống hình ảnh những ác quỹ hung thần đang ca hát vui mừng. Trong trí tưởng tượng của tôi, mọi thứ trong vườn chung quanh tôi đều biến thành những sự việc huyền bí, ma quái. Nhưng dù là vậy, nó vẫn không đáng sợ bằng phòng ngủ của tôi.
Tôi nằm ngữa trên đất gần vách nhà. Phía trên, khoảng chừng ba thước, tấm phên che khuất tầm nhìn lên trời cao của tôi. Cách đó một khoảng ngắn là mộ con Lulụ Sự hiện diện của nó một cách nào đó làm tôi thấy bớt lo âu và bắt đầu cảm thấy dễ chịu. Rồi tôi ngũ thiếp đi nhưng không được lâu. Tận trong tiềm thức, tôi nhớ đến lời đe dọa của ông Lâm. "Ê, Kiên," tiếng của ông ta dội đi dội lại "Tiếp theo sẽ đến phiên thằng em mày. Tiếp theo sẽ đến phiên thằng em mày. Tiếp theo sẽ... "
Tôi giật bắn người nhỏm dậy khỏi mặt đất ẩm lạnh và chạy trở lại vào nhà. Hít một hơi dài, tôi rón rén đi ngang qua giường ông Lâm bằng hai chân không. Trong giấc ngủ say, thằng em tôi không biết tôi ở đó cho đến khi tôi đến gần nó. Tôi lay vai đánh thức nó dậy, lấy tay che miệng để nó không lên tiếng. Jimmy mở tròn mắt nhìn tôi.
"Ngồi dậy đi theo anh." Tôi thì thầm vào tai nó.
"Anh Kiên?" Nó nháy mắt nhưng không la lên, mà thì thầm hỏi: "Mình đi đâu đây?"
"Đừng hỏi. Cầm gối đi theo anh."
Tôi giúp nó ra khỏi giường rồi dắt nó đi về phía cửa. Jimmy không hỏi thêm lời nào, chỉ nhìn tôi với đôi mắt tin cậy. Tôi bảo nó nằm xuống trên nền xi măng rồi nằm xuống bên cạnh ôm lấy nó cố che cho nó bớt lạnh. Chúng tôi ôm nhau ngủ thiếp đi khi trời bắt đầu đổ mưa. Nhờ tấm phên che bớt nên suốt đêm chúng tôi không bị ướt.
Sáng hôm sau mẹ tôi điên tiết lên khi thấy chúng tôi không ngủ trong giường. Bà hét to lên làm chúng tôi giật mình tỉnh ngủ:
"Thức dậy. Tại sao tụi mày chạy ra ngủ ngoài mưa hả?"
Chúng tôi ngồi bật dậy không biết trả lời sao.
"Trời ơi, con với cái." Mẹ tôi rên rỉ. "Sao tụi mày cứ làm khổ tao như thế này? Nói đi, tao đã làm gì mà phải chịu đày đọa thế này? Còn mày," Bà quay sang tôi, "Mày không nhớ tao nói gì với mày hồi hôm hả?"
Sau lưng bà, ông bà ngoại tôi đang đứng vịn cửa nhìn chúng tôi với vẻ lo âu. Jimmy ngồi trên nền xi măng nhảy mũi, trán lấm tấm mồ hôi và mặt đỏ lên vì sốt.
""Thấy chưa con." Mẹ tôi bắt đầu khóc. "Nó bị bệnh rồi đó." Mẹ tôi bồng Jimmy lên rồi nạt tôi. "Vô nhà! Tao sẽ giết hai đứa mày."
Mẹ tôi đặt Jimmy vào giường rồi quay sang truy tôi:
"Có phải mày rủ nó ra sân ngủ hồi tối không hả?"
Tôi sợ hãi gật đầu.
"Tao biết mà." Mẹ tôi hét lên. "Mày có điên không, hay là mày muốn chống lại tao hả?" Bà chộp lấy vai tôi, những chiếc móng tay của bà bấu cứng vào da thịt tôi.
"Con xin lỗi mẹ." Tôi la lên vì đau đớn. "Hồi hôm con sợ quá."
"Tại sao sợ? Mày sợ cái gì?"
"Con không biết."
"Thả nó ra. Nó chỉ là đứa con nít." Ông ngoại tôi can thiệp vào. "Con mày nó khổ chưa đủ sao? Hãy để cho nó một thời gian thích ứng với hoàn cảnh mới. Chắc phải có chuyện gì đó làm cho nó sợ. Tại sao không tìm hiểu cho rõ mà đánh nó như đánh kẻ thù vậy hả?"
"Nó là thằng hư hỏng, ba à." Bà nạt. "Nó làm cho thằng nhỏ bệnh. Con không biết rồi đây nó còn dở trò gì ra nữa. Con phải làm sao đây?"
"Đừng có la nữa." Ông tôi nói. "Phải có chuyện gì đó nó mới nửa đêm bỏ giường chạy ra sân ngủ dưới đất lạnh lẽo như vậy. Để ba hỏi nó coi." Quay sang tôi, ông hạ thấp giọng cơ hồ như không còn nghe được. "Cháu nói cho ngoại biết tại sao hồi tối cháu chạy ra sân ngủ như người không nhà vậy? Cháu chạy trốn cái gì hả?"
Tôi không trả lời. Một cảm giác khó chịu nổi lên trong người làm tôi thấy chóng mặt. Tôi dựa vào tường cho khỏi ngã.
Ngoại tôi thở dài chán nản. Quay sang mẹ tôi, ông nói với giọng cứng rắn bất thường:
"Thế này," Ông nói. "Bắt đầu từ tối nay, thằng Kiên ngủ với ba, còn Jimmy ngủ với bà nó, thử một thời gian coi sao. Như vậy được chưa các cháu."
Tôi gật đầu. Ông bà ngoại tôi quay trở vào phòng với vẻ hài lòng. Ông Lâm từ trong giường bước ra, chắc lưỡi ồn ào. Mẹ tôi càu nhàu với vẻ bực mình. "Ba đừng làm cho tụi nó hư thêm." Rồi bà bực tức dậm chân bỏ đi.
Ông bán thịt xuất hiện trước cửa với con chó con nằm ngủ yên lành trên taỵ Không một ai trong nhà chú ý đến ông ta, trừ Jimmỵ Nó ngồi dậy, chồm ra khỏi giường nhận con chó từ trong tay ông bán thịt, miệng kêu lên một tiếng mừng rỡ.
Ngoại tôi giữ lời hứa. Đêm đêm ông ru tôi ngủ, cố gắng tìm mọi cách xua đuổi cơn ác mộng ra khỏi giấc ngủ của tôi. Phòng bên cạnh, Jimmy ngủ chung giường với bà tôi.
*
Mẹ tôi sanh em bé vào tháng Chín, sớm hai tuần, trong căn phòng dơ dáy bên cạnh khu bệnh hoa liễu trong bệnh viện. Ngay giây phút mở mắt chào đời, em tôi khóc không ngừng, cứ như em đang đau lắm. Mẹ tôi gọi em là Bé Tí, có nghĩa là "cô gái nhỏ", cái tên chứng tỏ mẹ tôi cũng yêu thương nó, không phân biệt gì cả.
Mấy ngày sau ông Lâm đến thăm. Mẹ tôi đang cho Bé Tí bú sữa. Ông Lâm khom người xuống nhìn đứa con gái của mình, không buồn đụng tay vào. Mẹ tôi tránh không nhìn vào mặt ông tạ Bà hỏi bằng một giọng mệt mỏi: "Ông đang nghĩ gì trong đầu đó?"
Ông ta nói nhỏ với mẹ tôi: "Tôi không muốn ở đây nữa. Tôi sẽ rời bỏ cái chỗ khốn nạn này." Rồi không đợi mẹ tôi trả lời, ông tiếp: "Chúng ta sống chung với nhau chỉ làm cả hai cùng bực mình. Để cho bà yên thân, tôi nghĩ ra một cách để bà có thể bỏ tôi."
"Ông nghĩ ra cách gì?" Bà hỏi.
"Tôi có đường giây." Chóp mũi ông ta suýt đụng vào mặt mẹ tôi, tiếp: "Tôi cần một số tiền. Bà hãy giúp tôi trốn đị"