Chúng tôi ngủ đêm lại ở Cam Ranh. Hôm sau xe về đến Nha Trang giữa lúc trời đang mưa. Tháng Năm trời thường đầy mây đen và có gió lớn thổi qua thành phố. Những giọt mưa tạt vào mặt khi hai mẹ con bước qua cổng nhà. Một vũng nước lớn đọng lại trên sân trước, như sắp làm ngập lụt cả mặt đất đã sũng nước. Dưới gốc cây ổi, mấy con vịt của dì tôi dấu mõ dưới cánh, đứng bất động ngắm nhìn làn mưa qua đôi mắt kép hờ. Bên dưới những song cửa sổ phòng ngủ của tôi, bầy mối tìm được một nơi trú ẩn khô ráo.
Chúng tôi vào nhà bằng cửa sau. Mẹ tôi bỏ cái xách trong bếp rồi lôi một miếng thảm nhỏ đặt trước đôi chân đầy bùn đất của tôi. Từ cửa nhìn vào, căn phòng trông có vẻ rộng lớn hơn thường lệ. Tủ, giường đã biến mất.
Như hiểu được những suy nghĩ của tôi, mẹ tôi nói: "Mẹ bán hết tất cả mọi thứ lấy tiền lo lót cho mấy tên cán bộ để đem con rạ"
Mọi người đang ngồi trong phòng ngủ của ông ngoại tôi nên không nghe tiếng chúng tôi trở về vì mưa lớn quá.
Ánh sáng yếu ớt chiếu xuyên qua khung cửa sổ làm căn phòng trông u ám ảm đạm. Ông tôi nằm dài trên nệm, có vẻ như đang đắm chìm trong những câu kinh Phật, cái ống điếu nằm hửng hở bên mép miệng.
Chiếc giường ngủ của ngoại tôi và cái bàn thờ cậu tôi cũng đã biến mất, chỉ còn lại mấy dấu chân in trên mặt nền xi măng. Căn phòng trống trơn trừ một vài vật dụng riêng của bà ngoại tôi. Cái cối ăn trầu để trên mặt gối, bên cạnh là giỏ quần áo của bà.
Em trai tôi ngồi xoay lưng lại đang đấm chân cho ông. Cách đó vài bước, em gái tôi chơi với con Lou đang nằm cuộn mình bên chiếc gối. Một tay con bé nắm cái giây đeo cổ giữ cho nó nằm im, tay kia vuốt ve bộ lông và cánh mũi con chó.
Con Lou nhận ra chúng tôi trước tiên. Nó chồm ra khỏi bàn tay của em tôi và sủa lên, vẫy đuôi mừng rỡ. Jimmmy chạy ùa đến, mặt tái xanh vì xúc động. Trong cái ánh sáng lờ mờ, khuôn mặt em tôi trông như tạc bằng cẩm thạch. Tôi ôm lấy nó, cảm nhận được thân thể nó run lên trong vòng tay ôm của mình.
Ông tôi sững người đi một chút rồi nét hân hoan lộ ra ngoài mặt. Ông ngồi dậy, dang hai tay ra dấu cho tôi chạy đến. "Cảm ơn Trời Phật cháu được bình yên." Ngoại tôi nói, giọng ướt sũng xúc động. "Lại đây cháu. Lại đây với ông."
*
Khi chúng tôi bắt đầu bữa ăn trưa thì dì tôi bước vào bằng cửa sau. Chỉ mới có mấy tháng mà dì trông già đi hàng chục năm. Mặt dì ốm và hốc hác, trông khắc nghiệt hơn thường lệ. Mái tóc vốn dài và dày bây giờ trông xơ xác như lông ngựa. Dì nheo đôi mắt sưng vù lên vì khóc nhiều quá, ngâp ngừng nói với tôi. "Dì mừng cho cháu đã trở về." Bà cúi mặt xuống nhìn vào chân mình. "Cháu làm ơn giúp dì một việc. Con gái dì nó muốn gặp cháu."
Tôi ngước lên nhìn mẹ tôi đang ngồi im lặng, mắt nhìn chăm vào chén cơm. Ngoại tôi vỗ nhẹ vào vai tôi, nói: "Đi đi, cháu. Con Ánh Nguyệt đợi cháu từ lâu. Sang thăm chị con một chút. Ngoại và mẹ con chừng mười lăm phút nữa sẽ sang."
Dì tôi hỉ mũi sồn sột vào chiếc khăn taỵ Theo lời dạy của ông, tôi đứng dậy theo sau dì. Chiếc di văng màu đen kê ngoài chái hiên chị Ánh Nguyệt thường nằm trong những ngày bệnh đã được dời vào phòng theo lời yêu cầu của chị. Một đóa sen tươi và ly sữa đặt trên chiếc bàn nhỏ bên cạnh. Ánh sáng từ bên ngoài rọi vào làm cho khuôn mặt trang điểm đầy phấn của chị trông như một con búp bê Nhật Bản.
Ngay khi nhìn thấy tôi, Ánh Nguyệt ho lên dữ dội. Người chị gập lại trong vòng tay của dượng tôi, miệng há ra để thở, hai tay ôm lấy ngực. Mọi người trong gia đình chị đang đứng rải rác ở phòng ngoài, im lặng nhìn. Cơn ho kéo dài dữ dội cho đến khi chị thổ máu ra trên cái đi văng, dính đẩy trên áo, một số rơi xuống sàn nhà. Cuối cùng, cơn ho tan đi và chị vẫy tay gọi tôi.
Tôi tiến lại gần giường. Dì tôi đứng bên cạnh. Tôi cầm lấy tay chị, cảm thấy những ngón tay chị lạnh như đá. Theo phản ứng tự nhiên, dượng tôi kéo lùi chị lại.
Ánh Nguyệt ngước đầu lên. Mí mắt chị đè nặng xuống tròng mắt. "Vậy là em được về rồi." Chị thều thào. "Cuối cùng chị cũng gặp được em. Chị không còn sống bao lâu nữa, Kiên à."
Tôi nhỏ nước mắt.
"Ba à, con nói chuyện riêng với nó một chút được không?" Chị nói.
Đôi mày rậm của dượng tôi nhăn tít. Ánh Nguyệt lập lại:
"Chỉ vài phút thôi mà bạ"
Dượng tôi đứng dậy, nói. "Ngối xuống đây. Đỡ lấy nó. Có chuyện gì thì gọi, dượng chờ bên ngoài."
Tôi ngồi bên mép giường đỡ cho chị tựa vai sát vào ngực tôi. Người chị chỉ còn da bọc xương và mong manh như một mảnh gương. Chị gắng gượng nở một nụ cười với đôi môi tái nhợt nhưng chỉ thấy khóe miệng hơi nhếch lên. Vết máu khô dần để lại một vệt xám đen trên làn da tái xanh.
Khi chỉ còn lại chúng tôi trong phòng, Ánh Nguyệt thì thầm: "Người đưa thư đến hồi sáng, nhưng vẫn không có thư của Tý Tòng."
"Chia buồn với chị."
"Chị có cái này cho em." Chị nói.
Tôi khoát tay:
"Đừng, chị Ánh Nguyệt. Chị đừng cho em gì cả. Chỉ rán mau bình phục."
"Tin chị đi, em cần cái này." Chị nói. "Nhưng trước hết hãy đỡ cho chị nằm xuống đã."
Tôi nhẹ nhàng đặt chị nằm xuống giường rồi lùi lại nhường chỗ. Chị chậm chạp luồn tay vào trong bao gối mó mẫm. Khi tìm được vật muốn tìm, chị rút tay ra, và giữ chặt nó trong lòng bàn taỵ Nụ cười buồn bã lại hiện ra trên khuôn mặt: "Chị có thể đánh đổi mọi thứ để có thể có một ngày chạy chơi trên bãi biển, bơi lội, nô đùa trên cát. Em có biết cái cảm giác đó không? Dĩ nhiên là không rồi. Những việc đó thì em muốn làm lúc nào cũng được, nhưng đừng có coi thường nó. Đời sống quý lắm, Kiên à."
Tôi gật đầu.
Chị nhìn lên trần nhà mơ màng:
"Chị nhớ em đã cầu nguyện ở chùa Linh Sơn. Em cầu nguyện những việc về ba em."
Tôi chua chát: "Em cũng có cầu nguyện cho sức khỏe của ngoại mà rồi ngoại vẫn mất. Rồi bây giờ, nhìn chị bệnh hoạn như thế này. Phép lạ không bao giờ xảy ra cho những người nghèo, chị Ánh Nguyệt à."
"Em đừng mất niềm tin." Chị an ủi tôi. "Ít ra là trong tình nhân loại. Chị biết em tức giận, và hiểu được cái cảm giác bị xua đuổi, ruồng bỏ của em. Em thấy với căn bệnh của chị đây, ngưòi ta cũng không dám đến gần... " Chị dừng lại, há miệng ra thở.
"Chị sẽ bớt bệnh, chỉ cần thời gian."
Chị lắc đầu: "Không còn quan trọng gì nữa. Chị muốn xin lỗi em về những việc gia đình chị đã làm. Chị xin em tha thứ cho họ."
Tôi tránh ánh mắt thiết tha của chị: "Em không biết chị đang nói về chuyện gì."
"Xin em tha thứ cho họ. Chị sắp sửa nói cho em biết một bí mật rất quan trọng. Hứa với chị là em chỉ dùng chuyện này vào những việc có lợi cho em thôi. Đừng dùng nó để chống lại gia đình chị. Em có thể thù ghét họ nhưng chị không muốn có thêm chiến tranh trong căn nhà này nữa."
Tôi cầm tay chị: "Bất cứ chị muốn gì em cũng hứa."
"Em phải thề trước cái chết của chị mới được... "
Tôi bật khóc và gật đầu. An lòng, chị đưa tay lên rồi mở bàn tay ra để lộ một mảnh giấy nhỏ. Những vết dầu đã biến thành màu nâu đậm và nét mực đã nhòa. Tôi thò tay cầm lấy. Nó có vẻ như là một phần của cái bao thư, với nét chữ nguệch ngoặc của mẹ tôi bằng một thứ chữ ngoại quốc.
"Cái gì đây, chị Ánh Nguyệt?" Tôi hỏi.
Chị đáp: "Đó là địa chỉ của ba em. Bây giờ nếu em muốn em có thể viết thư cho ổng."
"Làm sao chị có được?" Tôi lắp bắp trong sửng sốt. "Tất cả thư từ đã đem chôn và mất từ nhiều năm rồi. Tụi em đã đào nát cái sân để tìm mà không có."
Ánh Nguyệt muốn ngất đi. Thình lình hai gò má chị từ xanh biến ra hồng rồi đỏ thẫm, nhưng sau đó chị tỉnh lại, thở mấy hơi dài. Dì tôi thò đầu vào quan sát, nhưng Ánh Nguyệt vẫy tay ra dấu cho dì đi ra.
"Chị thành thật xin lỗi Kiên." Chị nói. "Chị không còn lời nào để giải thích. Nói gì cũng không bào chữa được cho những hành động của gia đình chị. Em biết tại sao chị đã không đưa cho em sớm hơn. Xin em vì chị mà đừng nói cho ai biết chuyện này."
Tôi nhìn kỹ tấm giấy trong taỵ "Có đúng là địa chỉ của ổng không? Một nửa cái tên đã mất... "
"Chị biết. Nhưng chị chỉ có bấy nhiêu đó. Chúc em nhiều may mắn để tìm được ba em. Và khi tìm được... " Chị dừng lại.
"Sao, chị?"
Chị sụt sùi: "Tìm anh Tý Tòng dùm chị. Nói với ảnh là chị rất đau khổ. Nói với ảnh là chị đã chờ đợi như ảnh dặn, nhưng người đưa thư không bao giờ đến... "
Tôi chùi những giọt nước mắt trên mặt chị, cúi xuống hôn lên trán chị trước khi rời phòng. Dì tôi mở rộng cánh cửa chạy vội vào. Ông tôi theo tôi trở về nhà, thắp cây nến trong bếp rồi chuẩn bị pha trà. Tôi nghe tiếng khóc thút thít của dì tôi lẩn trong tiếng mưa rơi.