Thuốc bắc không trị dứt được bệnh nhiểm trùng nơi chân bà tôi. Trong suốt hai năm, chúng tôi chứng kiến tình trạng mỗi ngày một nguy kịch của bà cho đến lúc bà không còn có thể rời giường ngủ được nữa. Mỗi sáng, chúng tôi xả máu mủ vào một cái chậu. Ban đêm, những lời tụng kinh rầm rì và tiếng móng tay chạm vào những hạt bồ đề của bà dội vào tai chúng tôi. Ông thầy thuốc bắc đề nghị đưa bà tôi vào bệnh viện cưa chân. Nhưng thuốc thang rất hiếm, và khi kiếm được thì lại rất đắt, việc điều trị tại bệnh viện lại rất hạn chế vì vậy mà bà tôi đành nằm nhà chờ chết.
Một buổi chiều, tôi và mẹ tôi đi sâu vào khu rừng phía bên kia ngọn núi. Chúng tôi lần mò theo con đường đã bị cây cỏ che phủ trong mấy tiếng đồng hồ cho đến khi gặp một cây đa lớn. Những chùm rễ phụ từ cành thả thòng xuống tận mặt đất trông như những lọn tóc. Mặt đất dưới gốc cây phủ đầy vỏ đa nâu đen phập phồng dưới mỗi bước chân của chúng tôi như một giãi lụa mềm. Mẹ tôi chỉ tay lên cao, tôi nhìn theo, và thấy một cái chòi nhỏ bằng tre giống như một cái tổ chim trên ngọn cây. Đó là chỗ trú ngụ của thầy Ang, một thầy pháp nổi tiếng trong giới nghèo khổ về những cách chữa bệnh kỳ lạ của ông.
Trong rừng trời mau tối. Ông thầy pháp không mời chúng tôi lên nhà nên chúng tôi phải ngủ qua đêm dưới đất bên cạnh cây đa cổ thụ đầy rễ phụ. Trong bóng tối âm u của đêm rừng, ánh sáng đom đóm lập lòe làm cho cái chòi của ông trông như một cái hộp lửa nhờ vậy mà thú rừng không lảng vảng đến gần.
Sáng hôm sau chúng tôi đưa ông thầy pháp đó về nhà. Đến bên giường bệnh bà tôi, ông ta nheo mắt nhìn bà tôi với vẻ hiếu kỳ. Sau đó, ông nhỏ nhẹ bảo mẹ tôi cột tay bà tôi vào chân giường trong khi ông ta chuẩn bị mổ. Ông dùng một cái dao bén làm bằng xương người cắt vào chân bà tôi, máu mủ xịt ra có vòi bắn cả vào mặt ông tạ Ông ta hớp một ngụm rượu rồi phun lên khúc chân bà tôi. Rồi như một con ma cà rồng đang say sưa với con mồi, ông ta kê miệng hút lấy máu mủ trong chân bà tôi rồi nhổ vào cái chậu bên dưới. Ông thầy pháp rửa sạch vết thương bằng cách đó trong hai tiếng đồng hồ. Cuối cùng ông ta đặt chân bà tôi vào lại trên giường với vẻ hài lòng rồi ngồi xuống đất.
"Xong rồi." Ông nói với mẹ tôi. "Mẹ chị sẽ bình phục. Nhưng cái chân không xài được nữa."
Ông thầy pháp nói đúng. Mấy tuần sau thì cái chân của bà tôi lành hẳn, nhưng co rút lại như một cái que, đen thui, không sinh khí. Mầm ung thư đã lan sang những bộ phận khác trong người bà tôi. Suốt những ngày còn lại của đời bà, ngoại tôi nằm trên giường, nhìn vào khoảng không mênh mông bên ngoài cửa sổ, một phần tâm trí bà dường như đã chết trước khi thân xác bà thực sự từ giả cõi đời.
*
Sau giờ học, tôi mang cá từ bến đi giao cho các tiệm để kiếm tiền, còn Jimmy thì đi mót củi trong rừng. Để có thể vừa làm việc vừa giữ được Bé Tí, mỗi buổi chiều tôi cột nó vào một cái trụ Ở gần bờ biển, mặc kệ nó khóc lóc năn nỉ. Bé Tí đã năm tuổi nhưng chậm trí và gầy yếu. Bỏ nó một mình trên cát, tôi nhập bọn với đám trẻ đứng chờ tàu đánh cá trở về bến.
Sau khi người chủ tàu đồng ý mướn, tôi chạy ra sau sàn tàu chỗ chứa cá. Một ngư phủ xúc cá đổ vào cái thùng gỗ lớn màu đen rồi nhấc lên đặt ngay ngắn trên đầu tôi. Máu và nhớt cá theo lỗ hổng chảy xuống đầy trên lưng rồi nhỏ từng giọt ra từ chiếc quần cụt tôi đang mặc. Bước khập khểnh ra khỏi tàu, lấn vào đám trẻ nhỏ để bước ra đường, tôi vừa đi vừa liếc mắt trông chừng Bé Tí. Ngày đói ngày no của tôi tùy thuộc vào sự hên xui của các tàu đánh cá và vào số lượng trẻ con đến tìm việc. Khu chợ chỉ cách bến cá chừng hai khúc đường. Hôm nào hên, tôi có thể kiếm được bốn chuyến. Cuối ngày, tôi trở lại gặp người chủ tàu nhận tiền, rồi chạy vội về nhà để lo bữa cơm chiều cho gia đình.
Một bữa nọ, lúc tôi đang xốc cái thùng cá to tướng trên đầu cho ngay ngắn lại thì thấy một con bé chồm đến cởi sợi giây cột tay Bé Tý. Con nhỏ chừng 14, 15 tuổi, mặc một cái áo không có tay đỏ như máu. Tôi bước đến và nhận ra cái cổ của con nhỏ mướt và trắng hồng như một đài sen.
"Cô làm gì đó?" Tôi nạt với giọng hung hăng.
Con nhỏ ngước nhìn lên. Cặp mắt sáng và to trên khuôn mặt thanh tú. Những sợi tóc dài, đen nhánh phủ lên mặt. Con nhỏ nhắm mắt lại suy nghĩ tìm câu trả lời, và cả đại đương, cả bầu trời xanh trên đầu, cả những tiếng ồn ào náo nhiệt nơi bến tàu biến mất trong đầu tôi. Cái thùng cá nặng trên đầu, cái mùi hôi tanh dường như cũng không còn hiện hữu khi tôi nhìn thấy cặp môi hồng tươi như những cánh hoa hồng của con nhỏ.
"Không được cột tay nó như vậy." Con nhỏ nói với tôi. "Ác lắm!" Giọng con nhỏ the thé, đặc sệt Bắc Kỳ. Những gì liên quan tới miền Bắc đều bị người miền Nam ghét bỏ vì nó biểu hiện cho sự áp bức độc tài của cộng sản, nhưng đối với tôi lúc đó, tiếng chim hót nghe chưa chắc đã êm tai hơn.
Tôi lắp bắp: "Nhưng không cột nó sẽ đi lang thang rồi lạc mất."
"Nếu vậy thì tôi canh chừng nó chọ"
"Không được. Cô không biết chúng tôi là ai." Tôi nói.
Con nhỏ phá ra cười, phô hàm răng trắng đều đặn.
"Tôi biết anh chứ. Ngày nào tôi cũng thấy hai anh em anh ở bãi biển. Nếu tôi mua cá của anh thì anh có tin tôi hơn không?"
"Tôi không bán được, cá không phải của tôi."
Người lái cá từ trên tàu kêu réo; "Ê thằng tóc quăn, trở lại làm việc."
"Đi làm tiếp đị" Con nhỏ giục. "Đừng lọ Em anh không sao đâu."
Bé Tý nhìn tôi vẻ sợ hãi, mặt nó sưng lên vì khóc. Tôi quay lưng đi, hơi ngượng ngịu trong lòng. Khi bước ra đường hướng về ngôi chợ, tôi còn nghe tiếng con nhỏ và em tôi cười rúc rích.
Khi tôi trở lại đón Bé Tý, cô nhỏ áo đỏ đã đi mất. Mặt trời đã lặn, chiếu những tia nắng tím nhợt lên sóng biển. Bé Tý ngồi trên cát, đang ăn một chiếc chả giò. Nó cười với tôi phô cái miệng không răng.
"Bạn em đâu?" Tôi hỏi Bé Tý.
"Chị Kim về rồi." Em tôi đáp. Nó đưa tay lên, lòng bàn tay mở ra với một gói đẫm dầu trong có một cái chả giò khác.
"Cái này của anh."
Kim. Tên cô gái dội đi dội lại trong đầu. Tôi cuối xuống kéo Bé Tý ra khỏi mặt cát. "Nó có nói gì về anh không?" Tôi hỏi.
"Có." Em tôi trả lời với vẻ hứng khởi. "Nhiều lắm."