Tuổi lên năm, lên sáu tôi được thấy những người đàn ông làng Cọp Râu Trắng quê tôi xăm hình Cọp trên cánh tay.
Sau mùa đâm tôm hùm, hình đầu Cọp trên cánh tay chú Tư Doanh làm ai cũng tin là thiêng thật. trời sắp chuyển thu, mặt biển se cuốn, trời xanh cao vút, một loại chim gì như ảo giác bất chợt ào ào bay qua. Đó là mùa vào tục xăm hình Cọp trên cánh tay.
Vào tuần thứ nhất, chú Tư Doanh đứng ra lựa bảy thanh niê để xăm gọi là lễ Thất tinh đăng quang. Tuần thứ hai, thứ ba mười bốn thiếu niên tuổi 12, 13 vào lễ xăm gọi là lễ Thập tứ tinh thục quang. Ai được chọn xăm, trong bảy ngày phải kiêng ăn năm. Đêm đến miếu Ông Cọp chịu lễ "xuống tóc" thắt khăn nhiểu đỏ. Vào lễ, làng lập bàn thờ, trên bàn mười bốn cây kim để mang miệng bát phẩm đỏ.
Người ngồi nhận lễ xăm hết sức nghiêm trang hương khói quang mình. Già làng vừa cầm kim xăm. Từ trên cao một đàn chim ào xuống bay trên đầu mọi người như đám mây. Chim đến là điềm lành. Hỏi chim ấy là chim gì, thì ai cũng ngơ ngác.
Sau đó có người lên núi tìm tông tích về cho biết, đó là loài chim nhồng nói được tiếng người. Máu chim nhồng pha với phẩm đỏ thành màu ửng đỏ trong da thịt. Mỏ chim nhồng là ngòi bút để vẽ phác hình sắc nét nhất. Lưỡi chim nhồng hong lửa lên màu đỏ tươi. Người đượx xăm ngậm lưỡi chim nhồng để sau này lặn xuống biển được dài hơi.
Làng Cọp Râu Trắng dành riêng một tuần lên núi bắt được ba con chim nhồng về cho ngày lễ.
Bắt đầu vào lễ xăm, một già làng cầm mỏ chim nhồng phác hình Cọp Râu Trắng trên cánh tay Con trai cầm kim chấm vào phẩm. Con gái cầm bút lông tô theo những đường nét phác hình. Người chịu xăm, máu chảy đỏ không sợ, kim chích không đau.
Xăm xong, người chịu lễ ngồi hai ngày nắng, hai đêm xoa rượu mạnh và bóp nước mắm nhĩ để hình xăm có độ bền. Xong lễ, cả làng Cọp Râu Trắng mừng tiệc cá nhám, không uống rượu mà uống từng bát nước mắm tôm hùm.
Sau lễ, thân thể người được xăm rất cường tráng. Giọng nói người được xăm sang sảng của người làng biển, đặc biệt sức nhịn thở đến mức kỳ lạ.