Nhắc đến chứng khoán, mọi người thường chỉ nghĩ đến cổ phiếu, trái phiếu như những công cụ đầu tư hiệu quả, trong khi thị trường chứng khoán còn rất bao la, mà cổ phiếu, trái phiếu chỉ là một vài trong số những “món đồ chơi” ở đây. Còn vô số những khái niệm và công cụ đầu tư khác phải kể đến, mà chứng khoán phái sinh chính là yếu tố quan trọng đầu tiên không thể bỏ qua.
Chứng khoán phái sinh (derivatives) là những công cụ được phát hành trên cơ sở những công cụ đã có như cổ phiếu, trái phiếu, nhằm nhiều mục tiêu khác nhau như phân tán rủi ro, bảo vệ lợi nhuận hoặc tạo lợi nhuận. Các chứng khoán phái sinh sẽ là đòn bẩy, làm tăng nhiều lần giá trị các các đối tượng đầu tư như cổ phiếu, trái phiếu, để đảm bảo rằng nếu giá của cổ phiếu, trái phiếu có thay đổi bao nhiêu thì giá của các công cụ phái sinh vẫn sẽ được duy trì ở mức ban đầu. Thị trường các chứng khoán phái sinh là thị trường phát hành và mua đi bán lại các chứng từ tài chính, như quyền mua cổ phiếu, chứng quyền, hợp đồng quyền chọn. Các công cụ phái sinh rất phong phú và đa dạng, nhưng nhìn chung có bốn công cụ chính là Hợp đồng kỳ hạn (forwards), Hợp đồng tương lai (futures), Quyền chọn (options) và Hợp đồng hoán đổi (swaps).
Từ sự khởi đầu đơn giản với future và forward...
Hợp đồng tương lai (Futures) là việc thoả thuận giữa các bên về những nghĩa vụ mua bán phải thực hiện theo mức giá đã xác định cho tương lai mà không phụ thuộc vào giá thị trường tại thời điểm đó. Ví dụ: Vào đầu năm 2002, công ty A ký hợp đồng future với công ty B mua 100 tấn gạo với giá 2 USD/kg với thời điểm mua vào cuối năm 2003. Như vậy vào thời điểm mua, công ty B phải bán cho công ty A 100 tấn gạo với giá 2 USD/kg và công ty A phải mua 100 tấn gạo của công ty B với giá đó, cho dù giá gạo trên thị trường vào cuối năm 2003 là bao nhiêu chăng nữa.
Lúc đầu, đối tượng của các future trên thị trường là các mặt hàng đơn giản như lúa mì hay cà phê. Các nhà đầu tư mua và bán các hợp đồng future với mục đích nhằm giảm bớt sự lo ngại xảy ra những biến cố khiến giá bị đẩy lên cao hay xuống thấp trong những tháng sau đó. Ví dụ, công ty sản xuất sô- cô- la Hershay đã bao tiêu nguồn cung cấp ca- cao trên thị trường với các hợp đồng futures để giới hạn rủi ro nếu giá ca- cao tăng lên. Future thường được các nhà đầu tư xem là một phương thức tốt để hạn chế rủi ro trong kinh doanh. Đến thập niên 80, các hợp đồng futures bắt đầu nở rộ và phố biến trong các giao dịch thương mại và bao gồm nhiều loại khác nhau, như Hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán (index futures), Hợp đồng tương lai lãi suất (interest futures), Hợp đồng tương lai ngoại hối (currency futures), Hợp đồng tương lai nông sản (agricultural futures), Hợp đồng tương lai kim loại và khoáng sản (metal and mineral futures)...
Hợp đồng kỳ hạn (Forward) là một thoả thuận trong đó một người mua và một người bán chấp thuận thực hiện một giao dịch hàng hoá với khối lượng xác định, tại một thời điểm xác định trong tương lai với một mức giá được ấn định vào ngày hôm nay. Hàng hoá ở đây có thể là bất kỳ thứ hàng hoá nào: từ nông sản, tiền tệ cho tới các chứng khoán. Điểm khác biệt của forward với future là giá cả do hai bên tự thoả thuận với nhau dựa theo những ước lượng mang tính cá nhân và giá này vào thời điểm giao nhận hàng hoá có thể thay đổi, tăng lên hoặc giảm xuống so với mức giá đã ký kết trong hợp đồng.
… đến những công cụ hiệu quả như option và swap
Quyền lựa chọn cổ phiếu (options) là quyền của các nhà đầu tư (nhưng không phải là nghĩa vụ) được mua hay bán một số lượng cổ phiếu xác định trước theo một giá đã xác định trước và thấp hơn giá hiện hành của cổ phiếu đó trên thị trường.
Có hai loại option là option bán và option mua.
Đối với option mua, người mua option sẽ trả cho người bán option một khoản tiền, gọi là giá trị quyền chọn hay phí quyền chọn (option premium) và người mua option sẽ có quyền được mua (nhưng không bắt buộc phải mua) một lượng tài sản nhất định (chứng khoán, ngoại tệ, hàng hoá…) theo một mức giá đã được thoả thuận trước tại thời điểm đã xác định trong tương lai. Người bán option nhận được tiền từ người mua option nên họ có trách nhiệm phải bán một lượng chứng khoán nhất định theo một giá cả đã được thoả thuận trước vào một ngày xác định trong tương lai (hoặc được thực hiện trước ngày đó) khi người mua option muốn thực hiện cái quyền được mua.
Ví dụ: giá cổ phiếu của IBM trong thời điểm hiện tại là 80 USD/cổ phiếu, sau khi phân tích, bạn dự báo rằng giá sẽ tăng lên trong thời gian tới. Vậy nếu bạn muốn đầu tư 1.000 cổ phiếu của IBM bạn phải chi là 80.000 USD. Nhưng nếu một thời gian, cổ phiếu IBM giảm xuống chỉ còn 40 USD/cổ phiếu thì bạn sẽ mất trắng 40.000 USD. Trong trường hợp này, để hạn chế rủi ro và vẫn thực hiện theo dự báo, bạn nên đầu tư vào options, cụ thể là bạn đi mua option cổ phiếu IBM, giá thoả thuận trước (strike price) là 80 USD/cổ phiếu, thời gian là 2 tháng, số lượng 1.000 cổ phiếu với mức phí option là 2 USD/cổ phiếu. Trong thời gian này, nếu giá cổ phiếu IBM tăng trên 80 USD/cổ phiếu theo đúng dự báo, bạn có thể thực hiện quyền được mua chứng khoán của mình với giá thoả thuận trước là 80 USD/cổ phiếu và đem ra thị trường bán với giá 100 USD/cổ phiếu chẳng hạn, bạn sẽ có lợi nhuận là 20.000 USD, trừ đi chi phí 2 USD/cổ phiếu phí mua option, bạn sẽ có lợi nhuận 18.000 USD. Nhưng nếu giá cổ phiếu IBM không tăng lên theo dự đoán của bạn, nó giảm liên tục, cho tới ngày đến hạn trên hợp đồng giá vẫn giảm thì bạn có quyền không thực hiện việc chọn mua của mình và bạn chỉ lỗ tiền phí mua option mà thôi, tức là mất 2000 USD. Từ đó, chúng ta thấy rằng, người mua option chỉ chịu lỗ ở mức giới hạn, trong khi lợi nhuận thì rất lớn. Người bán option cũng có lợi nhuận thu được từ phí mua option.
Đối với option bán thì sao? Khi một nhà đầu tư lo lắng về giá chứng khoán sụt giảm, họ có thể sử dụng option bán để tự bảo vệ. Với 100 cổ phiếu của IBM trị giá 80 USD/cổ phiếu trong tay, bạn có thể mua option với một chút lệ phí nhất định để đảm bảo rằng trong ba tháng tới, bất kỳ lúc nào cũng có thể bán được 100 cổ phiếu đó với giá 80 USD/cổ phiếu. Do đó, nếu số cổ phần này bị mất giá thì bạn cũng không lo lắng vì mình đã có người cung cấp option bán bảo đảm mức giá cho mình. Người cung cấp option được hưởng lợi từ phí option.
Option được phát minh dựa trên yếu tố các nhà đầu tư ưa thích cảm giác an toàn khi họ chắc chắn họ sẽ được mua và bán với giá ấn định, họ thu lợi nhuận không cao nhưng bù lại sẽ rất ổn định. Đối tượng của option có thể là cổ phiếu, chỉ số cổ phiếu, trái phiếu, lãi suất, ngoại hối, kim loại quý hay nông sản. Option có thể được mua bán trên thị trường tập trung như Thị trường quyền lựa chọn cổ phiếu Chicago - CBOE, thị trường hợp đồng tương lai quốc tế London - LIFFE hay các thị trường phi tập trung OTC.
Swaps cũng là một công cụ phái sinh dựa trên sự trao đổi và thực hiện hợp đồng trong lĩnh vực lãi suất và tiền tệ. Nhiều công ty, ngân hàng muốn có swap để ấn định tỷ lệ lãi suất nhằm giảm thiểu sự bất ổn trong kinh doanh. Ngoài ra, swap cũng rất hiệu quả trong việc huy động vốn. Đầu thập niên 90, Citi Bank, ngân hàng lớn nhất tại Mỹ đã mở rộng một số hoạt động đầu tư sang Nhật bản nên cần một lượng tiền yên Nhật rất lớn trong một thời gian ngắn, trong khi vốn của Citibank lại không có đủ đồng yên. Các chuyên gia nghiệp vụ ngân hàng của Citibank lập tức nghĩ ngay đến Chifon Bank của Nhật bản. Citibank đã thoả thuận một swap với Chifon Bank, theo đó Citi Bank chuyển cho Chifon Bank một lượng USD nhất định, đổi lại Chifon Bank sẽ cung cấp đồng yên cho hoạt động đầu tư của Citibank tại Nhật bản. Nhờ vậy mà chỉ trong vòng 24 tiếng, Citibank đã có đủ vốn cần thiết cho dự án đầu tư tại đây. Như vậy, swap là một cam kết song phương, theo đó các nhà đầu tư sẽ trao cho nhau vào một ngày nhất định một số lượng nhất định đồng tiền của một quốc gia A để lấy một số lượng nhất định đồng tiền của quốc gia B đã được quy đổi theo tỷ giá ngoại tệ hiện tại trong một thời hạn xác định, với điều hứa hoàn lại vốn khi đến kỳ hạn.
Có thể nói, các công cụ phái sinh đang ngày một phổ biến và được áp dụng nhiều hơn bao giờ hết đối với tất cả các hàng hoá chính trên thị trường chứng khoán, từ cổ phiếu, trái phiếu cho đến tiền tệ và hàng hoá như sắt, năng lượng, sản phẩm nông nghiêp…. Sự phố biến của các công cụ phái sinh trên thị trường xuất phát từ tính linh hoạt và mềm dẻo của nó so với các công cụ khác. Lợi nhuận của những công cụ này được hình thành từ chính giá của những sản phẩm mà nó điều chỉnh. Điều này giúp cho các ngân hàng, các nhà giao dịch hay nhà đầu tư có thể “đánh cược” vào sự biến động về giá cả mà bỏ qua những tranh cãi về giá trị thực tế của tài sản.
Từ suy nghĩ như vậy, những ích lợi của các công cụ phái sinh luôn được các nhà đầu tư khai thác triệt để nhằm tránh những khoản thua lỗ do sự biến động của giá cả. Một cách giản đơn, với việc mua các công cụ phái sinh, các nhà đầu tư đang đánh cược rằng thị trường sẽ biến động theo chiều hướng ngược lại mong muốn sinh lời của mình, từ đó, với “một mũi tên trúng hai đích”, các nhà đầu từ vừa có được lợi nhuận nếu giá cổ phiếu lên cao, vừa đảm bảo sẽ không thua lỗ trong trường hợp cổ phiếu mất giá.
Các công cụ chứng khoán phái sinh có mặt nhiều trong các Quỹ phòng hộ (hedge-fund). Theo nhiều người, hedge fund là một phát minh lớn trên thị trường chứng khoán dùng để bù đắp lại rủi ro đầu tư. Tại quỹ này, các nhà đầu tư ưa thích sự an toàn sẽ tham gia và sử dụng các công cụ chứng khoán phái sinh để bảo vệ khoản tiền đầu tư của mình chống lại những tăng trưởng không dự tính trước cũng như sự sụt giá bất ngờ hay lên giá đột ngột của hàng hoá. Và thế là các Quỹ bảo hộ (Hedge fund) liên tục xuất hiện và được điều hành bởi một công ty đầu tư huy động vốn của cổ đông rồi đầu tư vào các chứng khoán phái sinh nhằm thu lợi nhuận ổn định và đều đặn.
George Soros, nhà đầu cơ tài chính lớn nhất thế giới, là hình mẫu thành công khi áp dụng các công cụ phái sinh trên thị trường. Ngay trong những thời điểm khó khăn nhất vào cuối thập niên 1990 khi giá cả biến động liên tục, thì các Quỹ phòng hộ của Soros vẫn luôn đạt con số lợi nhuận trên 10% nhờ biết cách mua đi và bán lại các công cụ phái sinh. Với các danh mục đầu tư dàn trải trên nhiều thị trường khắp các châu lục, Soros luôn đảm bảo các công cụ phái sinh của mình đem lại hết lợi nhuận này đến lợi nhuận khác. Nổi bật trong số những Quỹ Phòng hộ là Quantum Fund và Quota Fund thông qua công ty quản lý quỹ mang tên Soros Fund Management.
Trên thực tế, việc đầu tư vào các các công cụ phái sinh vẫn chưa được nhiều nhà đầu tư chú ý, bởi nếu các nhà đầu tư mạo hiểm mua thật nhiều cổ phiếu mà không băn khoăn về khả năng thua lỗ thì họ sẽ thu về hàng triệu USD lợi nhuận; trong khi đầu tư vào các công cụ phái sinh, tuy đảm bảo được sẽ không bị thua lỗ nhưng do các bên cung cấp công cụ phái sinh trên thị trường thường giới hạn một lượng cung cấp nhất định đồng thời yêu cầu mức phí khá cao, nên các nhà đầu tư chỉ thu về một phần lợi nhuận nhỏ hơn rất nhiều. Thông thường, thị trường sẽ không biến động nhiều như những suy đoán của các nhà đầu tư khi áp dụng công cụ phái sinh, nên đa phần các nhà đầu tư thường tiếc nuối vì đã bỏ qua lợi nhuận, hơn là mừng thầm vì đã đầu tư vào công cụ phái sinh.
Tuy vậy, tính tích cực và hình ảnh của những công cụ chứng khoán phái sinh ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư. Không ai có thể phủ nhận rằng các công cụ này đã giúp nhiều nhà đầu tư thoát khỏi các vụ thua lỗ hàng triệu USD trên thị trường chứng khoán, cũng như khiến mọi người an tâm hơn khi đến với thị trường đầy rủi ro này! Thậm chí, những thành công của nó còn gây ra những tiếng vang lớn đến nỗi được các đạo diễn tài ba của Hollywood tái hiện trong bộ phim Trading Places với sự tham gia của tài tử điện ảnh Eddie Murphy.
(Tổng hợp và dịch từ BBC và Finance Times)