Đối với những cá nhân đầu tư vào chứng khoán thì các công ty môi giới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Những phi vụ thành công phụ thuộc rất nhiều vào các thao tác mua bán rành mạnh và kịp thời của họ. Thêm nữa, lời khuyên của những công ty môi giới có ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận của các khách hàng. Giám đốc Hãng ảnh Commercial – Eddi Opp chia sẻ với bạn một kinh nghiệm đầu tư mà ông đã phải trả giá đắt.
Giống như bất cứ một người Phương Tây, Eddi có một khoản tiền để dành. Và cũng như bất cứ một người Mỹ bình thường khác, ông đầu tư tiền rỗi vào cổ phiếu, trái phiếu... Đối với ông đây là cách nhân tiền đầy hứa hẹn và thông minh.
Thông thường, các giao dịch cổ phiếu ở Phương Tây đều thông qua các công ty môi giới chuyên nghiệp. Có thể chia sơ bộ các công ty này thành hai loại: công ty thu phí hoa hồng và công ty dịch vụ trọn gói. Các công ty thu phí hoa hồng cung cấp các dịch vụ mang tính kỹ thuật thuần túy. Bạn mở tài khoản, vào web site của họ và tự nghiên cứu, tự đưa ra quyết định và bấm nút, lập tức bạn trở thành chủ sở hữu của một số lượng cổ phiếu nào đó hoặc bạn vừa thực hiện thao tác bán một phần những cổ phiếu mà mình nắm giữ. Mỗi một thao tác như vậy bạn phải trả cho các công ty thu phí hoa hồng khoảng 8-15 USD. Đơn giản và rẻ tiền.
Hoạt động của các hãng dịch vụ trọn gói hoàn toàn khác. Những công ty này, không chỉ cung cấp những dịch vụ mang tính kỹ thuật mà còn giống như một công ty tư vấn, họ sẵn sàng giúp bạn xác định mục tiêu tài chính cũng như mức độ mạo hiểm mà bạn có thể chấp nhận. Theo những đánh giá của họ, bạn có thể đi đến những quyết định kiểu như “nên mua những cổ phiếu X ngay bây giờ” hoặc “chưa phải lúc để bán những cổ phiếu Y”. Các công ty dịch vụ trọn gói, thậm chí, sẵn sàng giúp đỡ bạn cả về mặt tinh thần. Nhưng hiển nhiên là phí dịch vụ của họ là không nhỏ, có thể lên đến 2% tổng tiền giao dịch của bạn trong một năm. Đặc biệt, nếu bạn so sách mức phí này với chỉ số tăng trưởng kinh tế của Mỹ là vào khoảng 10%/một năm.
Theo lời Eddi, thì ông từ lâu đã sử dụng dịch vụ của các hãng thu phí hoa hồng. Dựa trên những nghiên cứu kỹ càng của bản thân, Eddi đầu tư phần lớn tiền của mình vào những công ty “nóng nhất” (có độ tăng trưởng cao nhất và thường số vốn hóa của các công ty này nhỏ hơn 2 tỷ USD), nhưng đồng thời đây cũng là lĩnh vực đầu tư mạo hiểm nhất. Tuy nhiên, kết quả mà ông thu được trong vài năm gần đây là không tồi chút nào.
Cũng nên lưu ý rằng nền kinh tế từ cuối năm 2002 đến nay tương đối ổn định và tăng trưởng đều đặn. Và nếu như cách nói của một người bạn Eddi - ông này cũng là một người chơi chứng khoán nhưng có phần lão luyện hơn Eddi - thì khi thị trường tăng trưởng, tất cả những nhà đầu tư chứng khoán đều là những thiên tài. Mà đúng là, Eddi cũng tin rằng mình là một “thiên tài” thật. Eddi cảm thấy không cần thiết phải sử dụng dịch vụ trọn gói, trong khi bạn ông thì ngược lại.
Theo đà tăng trưởng của nền kinh tế, với mức lợi nhuận tăng nhanh chóng đã đưa Eddi đến một quyết định “vĩ đại”. “Nếu nền kinh tế tăng trưởng tốt và tôi cũng đã thu được những kết quả không tồi, có lẽ cần phải đầu tư nhiều hơn nữa chăng? Nhưng tất cả số tiền mà tôi có đã biến thành cổ phiếu hết rồi, vậy lấy thêm tiền ở đâu ra bây giờ? Và việc này cũng được giải quyết rất đơn giản. Thậm chí là với những công ty thu phí hoa hồng, họ thường cho khách hàng của mình vay tiền và lấy lãi 9%/một năm. Vật bảo đảm chính là cổ phiếu của bạn. Nếu lợi nhuận của bạn lớn hơn 9%, thì có nghĩa đây là một phi vụ có lợi. Và thế là tôi quyết định. Sau khi tiến hành nghiên cứu kỹ, tôi vay một số tiền lớn để đầu tư vào cổ phiếu của 10 công ty “nóng” rất triển vọng “, - Eddi kể lại.
Người bạn của Eddi can: liệu có mạo hiểm quá không, vì tất cả các cổ phiếu của Eddi đều thuộc khu vực mạo hiểm, thêm vào đó là một khoản tiền nợ khá lớn...
Tuy nhiên, kết quả trả lời thay Eddi. Ba tháng sau khi ông quyết định đầu tư thêm, thị trường chứng khoán tiếp tục tăng trưởng, trị giá cổ phiếu của Eddi tăng lên 23%! Và ông quyết định vay thêm tiền để mua nữa. Đến tháng sau, số vốn đầu tư đã tăng lên gần 50%. “Ngôi sao may mắn tưởng chừng như không bao giờ rời bỏ tôi. Nó làm cho tôi trở nên tự mãn quá mức. Và mọi việc cứ tiếp diễn như vậy cho đến một ngày”, - ông buồn rầu nói.
Lúc đó mọi việc chỉ mới bắt đầu. Xuất hiện những thông tin cho thấy lạm phát đang đe dọa nước Mỹ. Những nhà đầu tư dân dần trở nên mất bình tĩnh, thị trường chứng khoán giảm đột ngột. Tâm trạng của Eddi cũng u ám theo diễn biến của thị trường. Nhưng Eddi quyết định phải kiên nhẫn. Dẫu sao thì một nhà đầu tư dày dạn không được phản ứng vội trước những dao động ngắn hạn của thị trường và không nên để cảm xúc chi phối.
Tuy nhiên, Eddi cũng không thể không do dự. “Những cổ phiếu ‘nóng’ của tôi rất nhạy cảm trước sự thay đổi của thị trường. Và chúng giảm giá một cách nhanh chóng giống như lúc tăng giá trước đây. Hơn nữa, tôi không chỉ đầu tư bằng tiền của mình mà còn bằng cả tiền đi vay nữa. Chỉ trong vòng có vài ngày, từ số phần trăm lãi là 50% giảm xuống còn 40% và sau một tuần chỉ còn có 30%”, - Eddi nói. Nhưng ông vẫn cố kiên nhẫn. Tâm trạng hiển nhiên là rất tồi tệ. Sau một tuần nữa, con số này chỉ còn là 15%, đã đến lúc cần phải thu lại số tiền đã vay.
Điều này phần nào giảm được sự nghiêm trọng của vấn đề. Sang đến tuần thứ ba, thì số lợi nhuận của Eddi đã tan thành mây khói. Đến lúc này, ông mới sáng mắt ra: mình đâu phải là một “thiên tài” gì đặc biệt. Eddi kết luận: cần phải nhờ cậy đến những nhà tư vấn. Người bạn thân giới thiệu Eddi với công ty môi giới chứng khoán mà ông ta vẫn sử dụng. Eddi đồng ý với mức phí bằng 1% tổng giao dịch trong một năm. Ông mở tài khoản và bắt đầu vào một cuộc chơi mới.
Công ty dịch vụ trọn gói lập tức chuyển tài liệu về các chiến lược đầu tư cho Eddi. Trong các tài liệu có rất nhiều mô hình nhằm đa dạng hóa vốn đầu tư vào nhiều khu vực khác nhau. Eddi được biết có những khu vực đầu tư khác nhau. Khu vực “Mạo hiểm trung bình”, hay còn gọi là Middle Caps (giá trị vốn hóa của công ty phát hành cổ phiếu trên 2-10 tỷ); khu vực “Ít mạo hiểm” - Large Caps (giá trị vốn hóa của công ty phát hành cổ phiếu trên 10 tỷ USD) và khu vực “Mạo hiểm cao” - Small Caps (giá trị vốn hóa của công ty phát hành cổ phiếu nhỏ hơn 2 tỷ USD) và cổ phiếu của những nước đang phát triển cũng thuộc khu vực Small Caps.
Các nhà tư vấn cho biết: điều quan trọng là phải xác định được mức lợi nhuận mà bạn muốn đạt được cũng như bạn sẵn sàng mạo hiểm ở mức độ nào. Sau đó, họ cùng bạn tìm ra mô hình đầu tư thích hợp và cuối cùng mới là việc mua các cổ phiếu chiếu theo mô hình vừa xác định. Tóm lại, bạn phải đầu tư theo nguyên tắc.
Có tất cả 12 mô hình đầu tư. Mô hình mạo hiểm nhất №12 và trong đó chỉ có 15% vốn đầu tư là dành để mua cổ phiếu thuộc khu vực Small Caps và các nước đang phát triển. Vậy mà trước đây, 85% số cổ phiếu của Eddi thuộc khu vực “Mạo hiểm cao” và phần còn lại là cổ phiếu của Nga. Công ty dịch vụ trọn gói đề nghị Eddi phải chuyển đổi ngay lập tức. Hơn nữa, hiện tại thị trường chứng khoán không được sáng sủa cho lắm. Họ cho rằng, Eddi đang đầu tư theo phong cách của “một chàng cao bồi thực thụ” tức là rất mạo hiểm.
“Thì tất nhiên, tôi nghĩ, chẳng gì thì tôi cũng sinh ra ở Texas và hiện đang sống ở Nga. Chả hiểu họ muốn gì? Nhà tư vấn bắt đầu nói về những kế hoạch dài hạn. Những điều này đối với tôi chả có gì thú vị và thú thực là cũng không hợp lắm với con người tôi. Nhưng đã quyết định thì phải làm thôi”, -Eddi nói. - Chúng tôi dừng lại ở mô hình №12 và bắt đầu bán dần các cổ phiếu ở khu vực Small Caps. Mặc dù, tôi rất tiếc. Cũng không hẳn là mô hình №12 mà một dạng của mô hình này. Hiện tại, chúng tôi vẫn tiếp tục thảo luận tiếp về vấn đề này”.
Để nói đến kết quả đầu tư của Eddi với sự trợ giúp của công ty dịch vụ trọn gói thì vẫn còn quá sớm, vì từ lúc đó đến giờ thị trường lại tăng trưởng trở lại. Đặc biệt là khu vực Small Caps, nơi mà số cổ phiếu sở hữu của Eddi đã giảm hẳn so với trước. Từ đầu năm tới giờ, tổng số vốn đầu tư của Eddi tăng 8%.
Còn người bạn của Eddi thì nói rằng: “Thị trường nhiều biến động khôn lường, những cổ phiếu mà tôi nắm giữ phần lớn nằm trong khu vực ‘Ít mạo hiểm’. Vì vậy, kết quả đầu tư của tôi rất tốt. Năm ngoái, tôi thu được 8% lợi nhuận từ số vốn đầu tư”.