Trong tất cả những đức tánh cần thiết, tình bác ái là quan trọng hơn cả, bởi vì khi nó khá mạnh nơi một người nào thì nó bắt y phải đạt cho được các đức tánh khác, và nếu không có tình bác ái, các đức tánh khác cũng không đủ vào đâu. Người ta thường giải thích tình bác ái như là một ý muốn mãnh liệt được thoát khỏi vòng sinh tử và hiệp nhất với Ðức Thượng Ðế. Nhưng giải thích như thế là xen tánh ích kỷ vào và giải thích có một phần mà thôi.
C. W. L. Chúng ta đã nói rằng trong quyển sách này những đức tánh không được phiên dịch theo cách thông thường. Trong những sự khác biệt này, có một chỗ quan trọn hơn hết là dịch chữ moumoukshatva ra chữ Bác Ái. Cội rễ chữ này là mouch, có nghĩa là "phóng thích hay giải thoát". Trong hình thức được mong cầu, có phần trùng điệp và những sự thay đổi khác nữa, để thành chữ moumouksh là "muốn được giải thoát". Moumouksha là danh từ, có nghĩa là "muốn được giải thoát". Sau cùng moumoukshatva nghĩa là "tình trạng của người ước mong được giải thoát". Phần cuối twa gần giống như chữ Anh là ness, như trong chữ "eagerness". Từ cội rễ ấy sinh ra chữ Moksha, là "sự giải thoát","được tự do" hoặc "sự giải phóng".
Người ta thường hỏi có phải Moksha đồng nghĩa với Nirvâna, Niết Bàn không? Hai chữ ấy khác nghĩa nhau, nhưng chúng ta có thể dùng làm thuộc từ cùng một tình trạng của đời sống hay là cao hơn tình trạng mà chúng ta gọi là đời sống. Chữ Nirvâna có cội rễ va, gắn liền với tiếp đầu ngữ nis, là "thổi tắt" hay "dập tắt bằng cách thổi". Vậy nó được phiên dịch là "thổi tắt". Moksha là thoát vòng sinh tử. Nirvâna là do sự thổi tắt tận diệt những gì thuộc về nhân tánh, tức là những gì chúng ta thường cho là thuộc về Bản Ngã, đã trói buộc con người vào bánh xe Luân Hồi. Vài người Ấn Ðộ quan niệm Moksha như một trạng thái tiêu cực. Họ cố gắng hủy diệt mọi sự ước muốn cá nhân, mọi quyền lợi của con người. Như thế không có một sự quyến luyến những vật nào hoặc những người nào có thể kéo họ lại đời sống hồng trần. Họ đã thoát khỏi bánh xe sinh tử luân hồi, trong một thời gian lâu dài. Tuy nhiên, đa số người Ấn lại nghĩ Moksha như một trạng thái toàn phúc không thể diễn tả, theo sau trạng thái ảo ảnh của sự chia ly, được gọi là trạng thái Kaivalya là trạng thái độc lập, là đơn vị tuyệt đối. Ðối với vài người Phật Giáo, Niết Bàn hủy diệt hoàn toàn con người. Trái lại, đối với vài người khác, Niết Bàn chính là sự nhận được sự minh triết và sự thụ hưởng phúc lạc, nó xóa bỏ mọi ý niệm xưa về Bản Ngã và về những kinh nghiệm của cái Ngã, vì nó tuyệt nhiên không thể mô tả được. Vậy người ta thấy rằng cùng thuộc về một tôn giáo, con người cũng có nhiều ý kiến khác nhau.
Những người Thông Thiên Học như chúng ta, đôi khi áp dụng danh từ Niết Bàn cho trạng thái tâm thức đặc biệt trên cõi Niết Bàn hay cõi tinh thần, nhưng chúng ta hiểu Niết Bàn là một trạng thái của bậc siêu nhân hay các vị Chơn Tiên đạt được năm lần Ðiểm Ðạo. Các Ngài đã chọn một trong bảy con đường mở ra trước mắt Ngài, con đường ấy rất giống cõi Niết Bàn thật sự của người Phật Tử - chứ chẳng phải là "Sự thổi tắt" của Phật Giáo Nam Tông (Tiểu Thừa), nhưng nó là sự an nghỉ và phúc lạc vô biên của Phật Giáo Bắc Tông (Ðại Thừa).
Vị La Hán là người đã được bốn lần Ðiểm Ðạo. Vị ấy có thể đem tâm thức lên cõi Niết Bàn và thực nghiệm sự sống tràn ngập ở cõi này như tôi đã mô tả trong quyển The Inner Life (Ðời Sống Nội Tâm) và quyển The Masters and the Path (Chơn Sư và Thánh Ðạo). Tâm thức ấy siêu việt hơn tất cả những điều mà chúng ta biết ở dưới trần, cho đến đỗi người ta ái ngại gọi đó là Tâm Thức. Vị La Hán có một Tâm Thức mở rộng lớn lắm. Người không còn tánh chia rẽ nào cả. Không có sự cố gắng nào có thể diễn tả những ý niệm này bằng lời nói, vì chúng ta không có những danh từ để diễn đạt.
Thật hết sức khó mà dịch cho đúng nghĩa những tác phẩm chữ Phạn. Người nào mới tiếp xúc phớt qua Tâm Thức của cõi Niết Bàn sẽ hiểu hơn những kẻ khác về ý nghĩa của nó và những tác giả xưa đã mô tả vì đã có kinh nghiệm rồi. Người ta không thể nhờ một quyển tự điển giải nghĩa đích xác về những danh từ ấy. Bạn hãy tưởng tượng một người không biết chi về Thiên Chúa Giáo, cố gắng hiểu nghĩa một danh từ như chữ "la grâce" (ân trên, ân huệ). Nếu tra tự điển, y sẽ gặp chữ "gracile" (mãnh mai) hoặc "gracieux" (kiều diễm), chúng có nghĩa hoàn toàn khác biệt nhau. Cũng giống như chữ "dispensation" (sự miễn trừ) của Giáo Hội, có ý nghĩa thật khác xa với dispensation theo ý nghĩa thông dụng ngoài đời. Mỗi đạo giáo có một số ngôn ngữ đã mang một ý nghĩa tôn giáo đặc biệt theo thời gian. Rất khó mà hiểu biết những ý niệm ấy một cách đúng đắn, trừ phi chúng ta là người theo tôn giáo đó ngay từ thơ ấu và đứng về phương diện bên trong. Buổi đầu của phong trào Thông Thiên Học, trong chúng ta không ai biết tiếng Phạn cả. Bà Blavatsky khá thông thạo về những tôn giáo Ấn Ðộ, nhưng bà không biết chữ Pâli (Nam Phạn) cũng như Sanscrit (Bắc Phạn). Phương pháp của bà là cố gắng hết sức diễn tả những gì chính bà thấy được, rồi hỏi một bạn Ấn Ðộ nào đang có mặt: "Bạn gọi điều đó là gì trong hệ thống của bạn"?. Thường thường người ta không hiểu rõ điều bà muốn nói, nhưng y cho bà một chữ gần đúng nhất. Lần kế bà cần một danh từ, bà hỏi một người khác, nhưng bà quên người thứ nhất có thể là người Ấn Giáo và người thứ nhì là Phật Giáo, hoặc những người Ấn Giáo khác có thể thuộc về những trường triết học khác nhau.
Hơn nữa, Bà Blavatsky không phải là một giáo sư khoa học, trình bày một lý thuyết, rồi minh chứng bằng những thí nghiệm thích nghi và đưa ra những bằng cớ lần lượt theo sự diễn tiến. Bà không làm việc theo một kế hoạch nào hay một khuôn khổ nào, sẵn sàng nhận lãnh những sự hiểu biết mới. Bà đưa ra nhiều xác nhận, nhưng ngôn ngữ lại không thể phù hợp với nhau và bà trả lời với những người xin bà giải nghĩa rành rẽ như sau: "Ðừng bận tâm đến sự mâu thuẫn. Hãy suy nghĩ về những gì tôi đã nói mà thôi". Ý tưởng của bà minh bạch phi thường và sự hiểu biết của bà không ai chối cãi được.
Phương pháp của bà trái ngược với phương pháp của thời đại chúng ta là trước hết giải thích kỹ lưỡng những từ ngữ rồi sau đó mới qui cho nó một ý nghĩa cố định. Theo đó, e rằng khoa học và triết học trở thành một thứ đồ chơi như cờ tướng, mà nước đi của mỗi con cờ đều đúng theo qui tắc. Ðối với bà, ngôn ngữ là những sinh vật sống động (có thể nói là hình tư tưởng ở cõi trần) dùng để khêu gợi trong Trí của thính giả những sự hiểu biết có sẵn trong Trí của bà.
Muốn hiểu biết tất cả những mối liên hệ phức tạp giữa Chơn Nhơn và Phàm Nhơn, trước hết chúng ta phải biết đích xác những điều đó là cái gì? Vấn đề này đã được phô diễn rất dài dòng trong văn chương Thông Thiên Học lúc mới phổ biến giáo lý của Hội, cũng như trong thời gian gần đây. Tôi đã đề cập đến điều đó trong quyển Chơn Sư và Thánh Ðạo. Ðể tóm lược những ý tưởng của chúng ta một cách vắn tắt và giản dị, chúng ta có thể quan niệm trong con người ba trạng thái mà Thánh Paul đã nói từ lâu, đó là: thể xác, linh hồn và tinh thần. Danh từ Thông Thiên Học tương ứng là: Phàm Nhơn, Chơn Nhơn và Chơn Thần. Chơn Thần vốn thật là thiêng liêng, nó là tia sáng của ngọn đèn vĩnh cửu, và về tất cả các phương diện nó là một phần tử của Ðức Thượng Ðế. Thật ra, lẽ tự nhiên theo một ý nghĩa cao hơn hết, tất cả đều là phần tử của Thượng Ðế; không có gì hiện hữu mà không phải là Ngài và điều này đúng thật từ vật chất đến tinh thần. Tuy nhiên một ý nghĩa rất đặc biệt trong đó người ta có thể cho rằng Chơn Thần như một phần nhỏ của Thượng Ðế xuống cõi trần hiện ra. Tôi biết rất rõ là không đúng với triết lý, không đúng với khoa học, mà cũng không đúng khi nói đến một phần của cái bất khả phân ly nhưng vì chúng ta thiếu ngôn ngữ diễn tả những trạng thái các cõi cao, nên tất cả điều gì chúng ta có thể nói đều tuyệt nhiên không thích hợp, do đó còn đưa đến chỗ sai lầm nữa. Vài tác giả đã cho rằng Chơn Thần là phản ảnh của Thượng Ðế và Chơn Nhơn như một phản ảnh của Chơn Thần, còn Phàm Nhơn là đại diện của Chơn Nhơn. Về phương diện diễn tả theo ý nghĩa ấy có những ích lợi của nó, tuy nhiên tôi thấy dường như nó giải sự liên hệ thật sự ít đúng hơn định nghĩa sau đây: Chơn Thần có thể được xem như một phần tử của Thượng Ðế, Chơn nhơn là một phần tử của Chơn Thần, và đến lượt Phàm Nhơn, nó là một phần tử của Chơn Nhơn.
Ðức Thượng Ðế của hệ thống chúng ta vui lòng phóng ra một số lượng vĩ đại Chơn Thần từ trong lòng Ngài. Ðó là phần việc của sự phát triển vô tận. Nếu chúng ta được phép dùng sự so sánh này với tất cả tấm lòng tôn kính, thì Chơn Thần tuôn xuống từ Ðức Thượng Ðế như những tia lửa sau khi xuyên qua các cõi vật chất, rồi sẽ trở về với Ngài như vầng Thái Dương vĩ đại rực rỡ. Mỗi vầng Thái Dương có khả năng ban sự sống và ánh sáng cho một hệ thống mỹ lệ mà trong đó và nhờ phương thế đó hàng triệu Chơn Thần khác tới phiên chúng nó, có thể lần lượt phát triển.
Cái cao độ kỳ diệu đó, nguồn gốc của sự biểu hiện thiêng liêng này được gọi là Chơn Thần, không thể diễn tả được bằng danh từ của chúng ta trên một cõi nào. Nhưng dường như cõi thấp nhất mà Chơn Thần có thể xuống tới trong cuộc vận hành ly tâm của nó là cõi mà chúng ta gọi là cõi Chơn Thần. Người ta nhớ rằng trong bản danh mục của Bà Hội Trưởng tôn kính của chúng ta có kể cõi cao nhất trong bảy cõi mà người ta đã dạy chúng ta, được gọi là cõi Thiêng liêng. Cõi thứ nhì (đi xuống dưới), là cõi của Chơn Thần; cõi thứ ba là cõi Tinh Thần và cõi thứ tư là cõi Trực Giác. Nhưng muốn hoàn thành Thiên Ý, cần phải đi xuống nữa trong cõi vật chất. Dường như Chơn Thần không thể xuống thấp nữa được, song nó có thể phóng ra và thật sự nó đã phóng ra cái mà chúng ta gọi là một phần hay một mảnh của Chơn Thần, có thể đi xuống tới ba cảnh cao của cõi Trí Tuệ. Trên đường đi xuống, mảnh ấy tự biểu hiện trên cõi Tinh Thần hay cõi Niết Bàn như là Atma Tam Vị. Từ đó, vị Thứ Nhất ở lại cõi niết Bàn, trong khi vị Thứ Nhì đi xuống cõi Tực Giác và tự bao bọc bằng chất Bồ Ðề. Vị Thứ Ba, hay trạng thái hoặc sự biểu lộ thứ ba, xuống cõi thấp kế đó và ngự trị tại cảnh cao của cõi Trí Tuệ. Ta gọi đó là Manas Supérieur [92]. Vậy Chơn Nhơn (danh từ chỉ mảnh của Chơn Thần phóng xuống) gồm có Atma, Buddhi và Manas, mà chúng ta dịch một cách vụng về ra Anh văn là: Ý Chí Thiêng Liêng, Minh Triết Trực Giác và Trí Thông Minh Linh Hoạt.
Sau cùng Chơn Nhơn phóng xuống một mảnh thật nhỏ bé của nó xuyên qua cõi Hạ Thiên và cõi Trung Giới, rồi biểu lộ trong một xác thân. Mỗi lần đi xuống liên tiếp như thế là một hạn chế không thể diễn tả nổi. Như thế con người mà chúng ta gặp dưới thế gian trong cõi hồng trần này, chỉ là một mảnh vụn, là một biểu hiện hết sức bất toàn về Con Người Thật mà chúng ta không thể quan niệm nổi; dù bằng ý tưởng mơ hồ nhất, lúc con người sẽ đi đến mức cuối cùng của cuộc tiến hóa.
Những Chơn Nhơn mà chúng ta giao thiệp hằng ngày vốn thuộc nhiều giai đoạn khác nhau của con đường tiến hóa thăm thẳm lạ kỳ này. Trong tất cả các trường hợp, trước tiên Chơn Nhơn ở tại cõi của nó như chúng ta đã nói, ấy là ba cảnh cao hơn hết ở cõi Thượng Giới hay là cõi Trí Tuệ. Ở cõi này, nó hoàn toàn riêng biệt với sự biểu hiện của nó là Phàm Nhơn. Nó có thể thức tĩnh đã lâu rồi, ý thức được những gì ở chung quanh nó và sống một cuộc đời siêng năng cần mẫn. Trái lại, nó có thể nửa mê nửa tĩnh, hầu như hoàn toàn vô ý thức đối với những gì ở chung quanh nó. Vì vậy, nếu nó có thể sống một cuộc đời ít nhiều hoạt động, thì chỉ do Phàm Ngã của nó ở những cảnh rất thấp thôi. Con người càng nâng tâm thức của mình xuyên qua những cảnh giới khác nhau, thì y sẽ thấy sự rung động của mỗi cõi trên nhanh chóng hơn sự rung động của cõi dưới kế nó. Khi nói rằng Chơn Nhơn đã phát triển trên cõi của nó, chúng ta cũng muốn nói rằng nó đã đáp ứng với tất cả những sự rung động của cõi này một cách đầy đủ. Nếu nó không ý thức đúng mức, thì những rung động thật nhanh sẽ lướt qua nó và không cảm được nó. Muốn ý thức được, Chơn Nhơn bị bắt buộc xuống thấp nữa và mượn một thể bằng chất khí nặng nề hơn mới có thể nhận thức được những rung động của cõi này. Sự thực tập lâu ngày trong cõi thấp ấy, giúp nó dần dần đáp ứng được với những rung động cao hơn ở cõi ấy, rồi theo từng bực một cách thật chậm chạp, nó ứng đáp được với những sự rung động cõi trên kế đó. Như thế, tâm thức phải tự khai mở cho nó một con đường từ bậc này đến bậc khác.
Vậy trong Phàm Nhơn, tâm thức con người phải không ngớt hướng lên Chơn Nhơn, và khi tâm thức của Chơn Nhơn nhờ cách đó phát triển trọn vẹn rồi, thì đến lượt trong lúc đi lên, nó sẽ hướng về Chơn Thần. Trong toàn thể sự tiến dần xuống thấp để nhập vào vật chất, bên Ấn Ðộ gọi là Pravritti Marga hay con đường ra đi. Khi đến điểm thấp nhất cần đạt được, thì con người đi vào con đường Nivritti Marga hay con đường trở về. Sự gặt hái trong ngày đã hoàn tất, con người trở về mang theo những bó lúa. Nói một cách khác, con người đã có được một tâm thức hoàn toàn thức tĩnh. Tâm thức ấy làm cho y trở nên vô cùng hữu dụng trên cõi cao siêu mà y không thể làm được điều đó, trước khi nhập vào cõi vật chất. Trên đường trở về, phần thấp thỏi của Chơn Nhơn luôn luôn bị cám dỗ, nên nó quên mất sự liên lạc của nó với phần cao siêu, và nó hoàn toàn đồng hóa với sự biểu hiện thấp kém mà nó ý thức được một cách mãnh liệt hơn. Như thế, chính nó đã tự bít lối con đường dẫn đến sự biểu hiện cao siêu, vì nó đã tự lập nghiệp riêng cho nó ở thế gian. Tóm lại, Chơn Nhơn là một phần tử của Chơn Thần, Chơn Nhơn cũng bị cám dỗ như thế trên cõi cao hơn nhiều. Nhưng hiện giờ chúng ta chỉ xét mối liên hệ giữa Chơn Nhơn và Phàm Nhơn. Hơn nữa chúng ta xét từ quan điểm của Phàm Nhơn ngước mắt nhìn lên Chơn Nhơn để cố gắng hợp nhất với nó.
Chơn Nhơn kết hợp với Phàm Nhơn vì nó khao khát những cảm giác mãnh liệt. Nó chưa phát hiện trên cõi của nó, nó không thể ứng đáp với những sự rung động nhanh chóng của cõi ấy. Những làn rung động chậm chạp của cõi thấp cảm nó nhiều hơn nên nó trở đi trở lại nhiều lần để thưởng thức. Càng tiến hóa, khát vọng của nó càng suy giảm dần dần. Ðôi khi Chơn Nhơn đã tiến hóa cảm biết những thú vui và những hoạt động tại cõi riêng của nó, nó lại đi từ cực đoan này qua cực đoan khác và bỏ bê Phàm Nhơn bị giam cầm trong vòng Nghiệp Quả và sa lầy trong những tình trạng mà Chơn Nhơn vẫn biết mình đã vượt qua khỏi; nên Chơn Nhơn chỉ thấy những sự buồn bực sầu não thôi.
Sự khát vọng của nó về mấy cõi dưới cũng bớt dần theo sự tiến hóa của Phàm Nhơn. Khi trở nên hoàn toàn ý thức trên cõi Trung Giới, nó bắt đầu thấy đời sống ở cõi hồng trần dường như tương đối lu mờ. Khi đến cõi Hạ Thiên, thì cõi Trung Giới trở nên ảm đạm và u buồn đối với nó. Sau cùng cả ba cảnh thấp nhất này mất cả sức hấp dẫn của chúng, khi Chơn Nhơn bắt đầu thưởng thức được đời sống còn mãnh liệt và huy hoàng hơn của Nhân Thể. Nhiều người đã đi đến mức tiến hóa mà họ có thể di chuyển trên cõi Trung Giới trong lúc ngủ để hoàn thành những công việc hữu ích tại cõi ấy. Tất cả những sinh viên Huyền Bí Học đều có Thể Vía mở mang tốt đẹp và sẵn sàng phụng sự, dù phần đông chưa có thói quen sử dụng nó. Hạ Trí của họ cũng có trật tự và sẵn sàng hoạt động. Sự tham thiền thường xuyên làm cho nó phát triển và khiến cho nó biết vâng lời. Trong giai đoạn này, có thể dạy con người dùng thể ấy. Như thế trong giấc ngủ, y có thể rời bỏ Thể Vía và xác thịt một lượt. Khi công việc này đã hoàn tất, sự diễn tiến như thế được lập lại trên cõi Thượng Thiên. Như thế Chơn Nhơn thức tĩnh trên cõi riêng của nó.
Những thể thấp là những y phục tạm thời mà chúng ta khoác lấy để học hỏi cách dùng thần lực riêng biệt trên cõi của chúng. Khi chúng ta đã hoàn tất công việc này rồi và Chơn Nhơn làm việc một cách toàn vẹn trong Nhân Thể của nó, trong lúc Ðiểm Ðạo lần thứ tư, thì sự đầu thai lại trong những cõi thấp không còn cần thiết nữa. Người nào đã làm chủ được những cõi thấp thỏi này thì bất cứ lúc nào cũng có thể tạo ra một Thể Vía và một Thể Trí giả tùy thuộc những sự nhu cầu của y. Ðạt đến mức ấy, y sẽ thoát khỏi vòng sinh tử khổ nhọc và những kinh nghiệm đau buồn. Có thể chúng ta không luôn luôn thấy trạng thái đó vì cuộc đời cũng mang đến cho chúng ta vài lạc thú. Thật thế, nhưng nếu chúng ta có thể xem xét trạng thái của mình theo quan điểm của Chơn Nhơn, thì chúng ta sẽ thấy rõ những nỗi buồn phiền khôn tả của Tinh Thần vĩnh cửu bị bó buộc, giam hãm, cầm tù trong một thể xác không được làm điều này hoặc từ chối làm điều kia. Bao giờ chúng ta còn bị giam cầm trong xác thân đó, thì chúng ta phải hết sức lợi dụng nó. Nhưng xác thân ấy chỉ là một thể tạm thời dùng để hoạch đắc sự kinh nghiệm thôi. Chúng ta rất vui lòng vứt bỏ nó, khi chúng ta đã thuộc bài học của mình.
Người đã có vài kinh nghiệm tại những cảnh cao của cõi Thượng Thiên, đôi khi cảm thấy rõ rệt những sự hạn chế đè nặng của ba cõi dưới, không có tự do, không có tình thương và chân lý vô song thuộc về những lãnh vực đặc biệt của Chơn Nhơn. Vì biết được lý do y xuống đầu thai trong những cõi tăm tối ấy, sau cùng y có thể tự nói rằng: "Tôi xóa bỏ ý muốn đó, nó là nguyên nhân đầu tiên của sự tái sinh của tôi và tôi sẽ chấm dứt Nhân Quả của tôi bằng cách hành động mà không quyến luyến". Người nào có thể quyết định như thế là người đã tiến hóa. Y đã suy nghĩ nhiều về vấn đề ấy; y là nhà siêu hình học, một triết gia. Y nói một cách quả quyết rằng: "Tôi muốn diệt trừ sự ham muốn đó. Tôi muốn lập lại sự thăng bằng của đòn cân Nhân Quả một cách đúng đắn; rồi không còn cái gì có thể bắt buộc tôi trở lại cõi trần nữa". Ðiều ấy có thể làm được khi con người đã đạt được mục đích ấy - từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, bên Ấn Ðộ, đã có nhiều người thành công - y thoát khỏi vòng sinh tử triền miên. Y sống trên cõi Thiên Ðàng hoặc y có thể lên cõi Thượng Thiên, nhưng thường thường y không thể vượt lên cao hơn mức độ ấy; y đi đến bậc mà người ta gọi là Moksha.
Muốn đạt đến cõi đó, con người phải chế ngự được tất cả những dục tình, tất cả những sự ham muốn thấp hèn, không vậy, không thể thành công, nhưng trong việc ấy, y cũng đã quên một khía cạnh của sự tiến hóa. Vì đã hiểu biết hoàn toàn cách hành động của Luật Nhân Quả, y có thể tránh nó được, nhưng nếu y không hoàn toàn hiểu biết luật tiến hóa, y sẽ không tự giải thoát được. Y giống như một cậu học trò thông minh, cậu có thể tiến bộ xa hơn các bạn đồng môn của cậu và đỗ đạt nhiều khoa thi trước chúng, rồi dừng lại không làm gì cả ở ba bốn năm, trong khi đó thì những đứa trẻ khác bắt kịp cậu ta. Ðiều đó thật giống những gì đã xảy ra cho người đã đạt đến mức độ Moksha. Y không đạt được mục đích dành cho nhân loại, vì mức cuối cùng của sự tiến hóa của nhân loại là cấp bậc Chơn Tiên. Vị Chơn Tiên không những là người đã thoát khỏi vòng sinh tử, Ngài còn là một quyền lực linh động nữa. Ngài đã hiệp nhất với Chơn Thần. Rồi đến lượt Chơn Thần, nó cũng là một tia sáng của Thượng Ðế. Mà phương pháp của Ðức Thượng Ðế là nhập vào thể xác, tự ban rải ra bởi một sự hy sinh tuyệt đối cho toàn thể hệ thống của Ngài. Người nào hiệp nhất với Thượng Ðế phải thấm nhuần tinh thần hy sinh ấy. Vị Chơn Tiên làm việc lành hơn bất cứ nhà từ thiện có danh tiếng nhất và công việc của Ngài được thực hiện không ngừng nghỉ trên những cõi cao siêu, Ngài làm việc cho nhân loại và Ngài vốn là một phần tử. Như thế Nhân Quả do sự hoạt động của Ngài gây ra đều hồi hướng cho nhân loại chớ không thuộc về Ngài. Như vậy không có chi trói buộc Ngài vào sự tái sinh. Ðồng thời toàn thể nhân loại được một chút lợi ích. Ðó không phải là sự lợi ích thật rõ rệt, nhưng nếu toàn thể Nghiệp Quả ban rải khắp nơi trên thế giới chia cho mỗi người thì nó không bao nhiêu, nhưng nó cũng biểu hiện một sự giúp đỡ không ngừng cho toàn thể. Trong một ý nghĩa nào đó, mỗi người nhận được nhiều hơn một chút cái mà dường như họ xứng đáng được hưởng. Tuy nhiên không có gì bất công trong việc ấy. Giống như mưa đổ xuống trên những người công bình cũng như trên những kẻ hung ác, việc ban ân vẫn đồng đều tất cả.
Vậy khoảng hàng ngàn hoặc hàng triệu năm nữa, người đã đạt đến trạng thái Moksha sẽ thấy rằng triều lưu tiến hóa đã lên đến cao điểm của y và bao quanh y một lần nữa. Sự kiện này bắt buộc y phải trở xuống đầu thai để tiếp tục con đường tiến hóa của y. Kẻ tìm quả vị Moksha thường biết rằng sự giải thoát của y chưa được thiệt thọ, nhưng y tin rằng lúc y phải trở lại thật còn xa xăm, và khi ấy chắc chắn thế giới sẽ tiến bộ. Y nói rằng: "Tôi có thể theo đuổi việc mạo hiểm này. Chắc chắn tôi được giải thoát nhiều ngàn năm và trong thời gian đó tôi sẽ được sống trong sự hoan lạc trên cõi Thiên Ðàng".
Lý tưởng của chúng ta là được ý thức hoàn toàn trên cõi cao nhất mà chúng ta có thể đạt đến. Chúng ta không có ý muốn được mãn nguyện trên một vị trí nào cả. Mặt khác, chúng ta không muốn bỏ ý thức của chúng ta hầu đi vào trạng thái xuất thần như nhiều người đã làm để đạt đến mức độ cao hơn ý thức của họ trong lúc thức tỉnh. Ðôi khi người ta nói về "đi vào trạng thái Samadhi" hoặc khi người ta thích Phạn ngữ, lại nói đi vào trạng thái Samadhi trong lúc tham thiền. Bao giờ chưa khám phá ra nó là một danh từ tương đối, chúng ta sẽ không biết cho danh từ ấy ý nghĩa nào. Ðối với bất cứ người nào, Samadhi là điểm tiếp theo cao hơn điểm mà y có thể hiểu biết được rõ rệt. Nếu ý thức của y trên cõi Trung Giới và không phải trên cõi Trí Tuệ, thì trạng thái Samadhi của y bắt đầu trên cõi kế đó, tức là cõi Thượng Giới. Samadhi là trạng thái vượt cao hơn điểm mà người ta ý thức được, nó là trạng thái xuất thần mà từ đó người ta trở về với tất cả những cảm giác rực rỡ và tốt đẹp, nhưng thường thường thì không ý thức được một cách rõ rệt. Trong lúc tham thiền, không nên đi vào Samadhi. Phải giữ ý thức của mình để khi trở về nhớ lại được những gì đã xảy ra. Tôi biết có nhiều người đã đi vào Samadhi, để cảm thấy một sự hoan lạc sâu xa, một sự toàn phúc. Tuy nhiên, sự kiện ấy không có nghĩa là tiến hóa, vì họ đã buông thả ý thức của họ và họ không biết đích xác họ đã làm gì. Ðiều này luôn luôn có nhiều sự nguy hiểm: Người ta không biết mình có thể trở về nhập xác được không.
Một ngày kia Bà Bác sĩ Besant và tôi trông thấy có một sự sống tuôn xuống dữ dội từ những cõi cao. Ấy là những lượn sóng vĩ đại từ Ðức Thái Dương Thượng Ðế phát ra, giống như mạch nhảy. Bà nói với tôi rằng: "Chúng ta hãy lao mình vào những lượn sóng ấy xem chúng nó mang chúng ta đến đâu". Chúng tôi sẽ thực hành, nếu Chơn Sư không can thiệp và cấm chúng tôi làm điều đó. Về sau Bà Bác sĩ Besant có hỏi Sư Phụ: "Nếu chúng tôi lao vào lượn sóng ấy, chúng tôi sẽ đi về đâu"? Ngài đáp: "Có thể lối một triệu năm sau, các con bị lượn sóng ấy đưa đến hành tinh Sirius hay một Thái dương hệ nào khác". Thật hiển nhiên là không sáng suốt nếu chúng ta lao mình vào những triều lưu như thế, khi chúng ta không biết đích xác việc gì sẽ xảy ra. Mất ý thức là điều không nên khuyên. Tốt hơn, nếu có thể, chúng ta hãy làm chủ các thể thấp và nhìn qua chút ít coi chúng ta đi về đâu, ngược lại thì chúng ta có thể mất xác thân và chấm dứt sự hữu dụng tạm thời của chúng ta. Phương pháp của chúng ta là giữ được hoàn toàn ý thức trên bất cứ cõi nào chúng ta lên tới và cố gắng làm việc hữu ích tại đó. Không bao giờ Ðức Thầy của chúng ta nói đến sự trầm mặc hoàn toàn thụ động. Mục đích của chúng ta không phải là an nghỉ và thưởng thức những cảm giác tốt đẹp, mà chính là luôn luôn cần mẫn trong công việc của Chơn Sư.
Ðoạn nói về đức tánh cần thiết thứ tư là Bác Ái, được Ðức Thầy đặc biệt nhấn mạnh. Ngài vượt qua danh từ để tìm nghĩa lý trong đó. Ngài nói: "Vì lý do nào con muốn được giải thoát? Ðể có thể phụng sự đắc lực hơn, con cố gắng hiệp nhất với Thượng Ðế. Thượng Ðế là gì? Thượng Ðế là Bác Ái. Nếu con khao khát hiệp nhất với Ngài, con phải mở rộng tình Bác Ái. Vậy đức tánh cần thiết là Bác Ái. Những độc giả của quyển Con Người Từ Ðâu Ðến Và Ði Về Ðâu [93] sẽ nhớ trong tác phẩm ấy có kể lại tại sao vài nhóm người từ những dãy hành tinh khác đến hành tinh của chúng ta và vì sao có vài nhóm người trong đó được gọi là đoàn thể phụng sự. Hầu hết những Hội Viên Thông Thiên Học đều thuộc về đoàn thể phụng sự này. Vậy ý niệm phụng sự đối với chúng ta là một yếu tố rất mạnh mẽ. Chúng ta biết rằng từ bỏ những ý tưởng bao bọc chúng ta từ lúc mới ra đời thật khó khăn biết dường nào. Chẳng hạn như quốc tịch của chúng ta trình bày nhiều điểm nhỏ thật khó tránh. Ðó là quốc tịch của Phàm Nhơn, nhưng chúng ta có thể nói quan niệm phụng sự là quốc tịch của Chơn Nhơn, hay có thể là của Chơn Thần. Chơn Thần sinh ra khuynh hướng ấy và từ đó không ngừng tăng trưởng.
Thật khó cho chúng ta hiểu rằng có nhiều hạng người khác cũng có giá trị như nhóm người mà chúng ta vừa đề cập đến. Ðức Thái Dương Thượng Ðế biểu hiện dưới ba trạng thái: "Ý Chí, Minh Triết và Bác Ái". Ðó là danh từ được dùng trong quyển sách này; bởi vậy, con người tiến đến gần Ngài bằng cách ấy. Khi mỗi người theo đuổi con đường làm thỏa mãn hơn hết những nhu cầu của mình thì y phải nhớ rằng con đường của kẻ đồng loại mình cũng là con đường tốt nhất đối với họ, và sau cùng tất cả con đường đều hiệp lại với nhau. Chúng ta phải đạt được khả năng xem một lượt cả ba quan điểm này và tự nhủ rằng thật ra chúng ta chỉ là một. Theo tín điều Credo d Athanase, chúng ta phải dạy về Giáo lý Ba Ngôi đó mà không lầm lẫn với những ngôi vị và cũng không phân chia bản chất. Sau cùng chúng ta cũng phải biết rằng luôn luôn chỉ có một Ðấng Chí Tôn Duy Nhất, dù Ngài biểu lộ ra làm Ba Ngôi.
Dù lúc khởi đầu đã nói rằng nếu tình bác ái của chúng ta khá mạnh mẽ, nó sẽ cưỡng bách chúng ta hoạch đắc những đức tánh khác. Nó thúc đẩy con người hoạt động tương ứng với năng lực của nó. Chúng ta hãy lấy một thí dụ về sự kiện tốt lành và đẹp đẽ nhất này là tình mẫu tử. Hãy xem những dân tộc còn dã man, đã biểu lộ tình cảm ấy ra sao? Bà thật dốt lắm, nhưng bà sẵn sàng bảo vệ con và nếu cần, bà cũng hy sinh mạng sống của bà. Một bà mẹ văn minh của chúng ta sẽ hành động như thế ấy, trong những trường hợp giống như nhau. Thỉnh thoảng chúng ta nghe kể lại một người mẹ đã mạng vong, vì xông vào lửa để cứu con, hoặc thường hơn nữa, người mẹ bỏ mình vì săn sóc đứa con mắc bịnh truyền nhiễm. Trong đời sống hằng ngày của chúng ta, tình mẫu tử mạnh mẽ ấy khiến cho những người mẹ suy nghĩ. Lòng yêu mến thúc đẩy bà tìm học về vệ sinh, thực phẩm và những vấn đề thuộc về loại ấy. Như thế tình thương sẽ kích thích sự hoạt động tinh thần và sự hoạt động vật chất một lượt với nhau.
Muốn đến với Ðức Thầy, phải có tình thương, nghĩa là muốn thiết tha phụng sự. Thánh Jean có nói: "Chúng ta biết rằng chúng ta đi từ cõi chết đến cõi sống, vì chúng ta thương yêu những huynh đệ của mình. Kẻ nào không biết thương yêu thì ở trong cõi chết vậy[94]" . "Và kẻ không biết thương yêu thì không thể biết được Thượng Ðế " [95].
Tất cả mấy điều này hoàn toàn đúng. Biết được danh từ chuyên môn Thông Thiên Học là việc rất tốt để hiểu triết lý và khoa học của nó, để biết phân biệt và sử dụng được hai ngàn bốn trăm lẻ một tinh chất, nhưng chính tình thương mới tạo nên thật là người Thông Thiên Học.
Tôi nhớ một kỷ niệm lâu rồi, khi ông Babu Mohini Mohun Chatterji - một vị đệ tử Chơn Sư - đến dạy chúng tôi tại Luân Ðôn, lúc đầu ông nói với chúng tôi về những đức tánh cần thiết, mà trong sách Ông Sinnett không có nói đến hoặc trong quyển Isis dévoilée là quyển gần như độc nhất của chúng tôi cũng không đề cập đến, ông nói rất rõ ràng với chúng tôi rằng: Không có đức tánh cần thiết thứ tư này, thì cái ý muốn mãnh liệt được giải thoát kia (ông diễn tả như thế), hoặc được hiệp nhất với Ðức Thượng Ðế và sáu điểm [96] thuộc về hạnh kiểm tốt chỉ là "tưới nước trên sa mạc thôi". Chúng sẽ ở trong trạng thái khô khan và hầu như vô ích nếu thiếu ý chí nồng nhiệt hiệp nhất với Ðức Thượng Ðế và hoạt động như Ngài. Trong thời kỳ đó chúng tôi không biết rõ như ngày nay rằng đó là vấn đề phụng sự, dù lúc đầu các Ðức Thầy đã nhấn mạnh về tình Bác Aùi của các Ngài đối với"vô số nhân sinh, những kẻ hèn mọn và những người bị khinh bỉ". Nỗi bận tâm lớn lao của chúng tôi là cố gắng hết sức để học hỏi về Thông Thiên Học. Tất cả đều rất mới mẻ, rất thích thú, rất hấp dẫn, làm say mê, nên chúng tôi dành gần trọn thời giờ của mình - có lẽ nhiều hơn sự cần thiết - để tìm hiểu. Ấy không phải là chúng ta cần phải học hỏi; trước khi có thể thực sự giúp đỡ kẻ khác sao?
Cái đó hơn là ý muốn, ấy là ý chí, là quyết định.
C. W. L. Ý chí là đức tánh đặc biệt của Cung thứ nhất đặt dưới quyền cai quản của Ðức Thầy Morya. Ðức Thầy Kouthoumi thuộc về Cung thứ hai, là cung Bác Ái và Minh Triết. Nhưng ở đây Ngài nói như một người thuộc về Cung thứ nhất. Tôi nhớ một hôm Alcyone tỏ ý muốn hoạch đắc một đức tánh nào đó, Ðức Thầy nói: "Con đừng muốn chi cả. Sự muốn không có nghị lực. Nếu con muốn có đức tánh nào, thì con hãy quyết định hoạch đắc nó, và hãy bắt tay vào việc". Ðó chính là quan điểm của Quần Tiên Hội. Ðối với chúng ta, không có gì quan trọng hơn là tìm hiểu thái độ của Ðức Thầy và cách thế nhìn sự vật của Ngài. Ðó là những gì đã đưa Ngài đến cấp bậc hôm nay và chúng cũng có thể đưa chúng ta đến đó.
Muốn có hiệu quả thì sự quyết định này phải thâm nhập trọn vẹn bản thể con, cho đến khi không còn chỗ nào để chứa một tình ý khác nữa. Thật ra, ấy là ý chí muốn hiệp nhất với Ðức Thượng Ðế, không phải để thoát khỏi sự mệt nhọc và đau khổ, nhưng để có thể hành động với Ngài và như Ngài, vì tình thương sâu xa của con đối với Ngài. Bởi Thượng Ðế là Bác ái, còn con nếu con muốn hiệp nhất với Ngài, lòng con phải hoàn toàn vô tư lợi và tràn ngập tình thương.
C. W. L. Ðệ tử của Ðức Thầy chỉ có một ý muốn là phụng sự Ngài mà thôi. Về điều đó, y phải sẵn sàng hy sinh mọi lạc thú, mọi tham vọng cá nhân và chỉ làm một guồng máy bé nhỏ trong bộ máy vĩ đại. Người tầm thường chưa suy gẫm một cách đúng đắn cho mục đích cao thượng hơn. Cuộc đời thế nào, y sống theo thế ấy. Y ít quan tâm đến việc đem đời sống hiện tại đổi lấy một đời sống cao thượng và tốt đẹp hơn, mà chỉ lo thành công trong sự nghiệp ở đời. Nếu bạn đòi hỏi y từ bỏ tất cả những gì mà chúng ta gọi là bản ngã thấp thỏi, thì y sẽ hỏi: "Nhưng nếu tôi thực hiện việc đó, tôi sẽ còn lại điều gì"? Trong trường hợp đó, theo thiển kiến của y, thì không còn lại cho y bao nhiêu, mặc dù sự thật vẫn còn nguyên vẹn.
Rất khó giải nghĩa cho một người như thế hiểu những gì mà chúng ta nghe nói về "sự nhập vào trong Sự Sống Thiêng Liêng". Tôi biết một người nữa tử tế và thông minh, y đã nghiên cứu kỹ lưỡng Phật Giáo Bắc Tông (Ðại Thừa). Một hôm y đến tìm tôi và nói rằng: "Tôi không thể rút được điều gì trong đó. Tôi không nghĩ rằng đáng ra công học hỏi. Học Phật Giáo cũng thú vị như vấn đề khảo cổ, nhưng mục đích duy nhất được đề ra hình như là hợp nhất với Ðức Phật. Tôi không thể thấy điều này có ích lợi gì cho Ðức Phật không, nhưng đối với tôi, chắc chắn là tôi không còn sống đâu". Ðó là quan điểm của người bậc trung. Tuy nhiên tất cả điều này bao hàm một ý nghĩa chơn chánh, sáng suốt và nồng nhiệt. Hiểu được nó có thể biến đổi trọn vẹn mọi ý niệm cũ. Sự mở rộng tâm thức không cướp mất một chút tự do nào, cũng như làm hư hại cá tính chút nào. Chẳng phải tôi bị tan mất trong vũ trụ, mà chính vũ trụ thành ra tôi đây. Người ta nói: "Tôi là Chơn Ngã". Câu này đem áp dụng cho Phàm Ngã là điều lầm lạc, nhưng nếu câu "Tôi là Thượng Ðế", đối với tôi là sự thật thì lúc đó ý nghĩa "Thượng Ðế là Thượng Ðế" không có chút gì ảo tưởng cả và khi nhận thức rằng điều gì tôi tưởng có thật là sự biểu lộ của Trời, tôi không lầm lạc. Ảo tưởng là ý niệm cho rằng bất cứ cái gì đều có thể tồn tại ở ngoài Ngài hoặc chia lìa với Bản Ngã Duy Nhất.
Ðời sống hằng ngày đã cho thấy những bằng chứng sự thâm nhập của cái nhỏ trong cái lớn. Một hảng buôn quan trọng thu nhận một nhân viên trẻ. Ban đầu chàng thanh niên này nhìn bàn giấy như một nơi áp bức y. Y cảm thấy thật khó khăn vì bị bắt buộc đến đúng giờ để hoàn tất mọi công việc của y. Khoảng vài năm sau, được thăng chức, y bắt đầu nói: "Chúng ta làm việc này; chúng ta làm việc kia". Và y khởi sự đồng hóa những lợi lộc của y với những mối lợi của hảng buôn. Y tiến dần như thế đến địa vị giám đốc và sau đó trở thành một hội viên. Rồi y luôn luôn nói chuyện cho nhà buôn và trong những công việc làm ăn, lúc nào y cũng nghĩ đến "xí nghiệp". Chính y vẫn tiếp tục sử dụng tự do, sáng kiến của mình, nhưng hiện nay chắc chắn là y dùng ý chí của mình một cách chính đáng. Hảng buôn không bắt buộc y phải có thái độ đó, vì y đã tập lấy dần dần. Thí dụ nhỏ này đủ cho chúng ta thấy con người làm như thế nào tự đồng hóa với một uy lực cao siêu hơn, mà vẫn giữ được nguyên vẹn ý chí của mình.
Tới một ngày kia, chúng ta sẽ trở thành Con Ðường Ðạo, lúc ấy luôn luôn những đức tánh cần thiết sẽ được tăng cường đầy đủ trong chúng ta, vì chúng đã được chúng ta đồng hóa và hoàn toàn trở nên thành phần bản tính của chúng ta. Giờ phút nào chúng ta cũng ở gần Ðức Thượng Ðế linh thiêng. Vì Ngài luôn luôn ở trong lòng chúng ta và chung quanh chúng ta. Tuy nhiên chúng ta phải hiểu điều đó, chúng ta dần dần nâng cao Tâm Thức và dùng tất cả phương tiện vừa sức chúng ta, cho đến khi nào chúng ta có thể làm cho ý niệm này là một thành phần của chúng ta. Chúng ta phải hiệp nhất với Ðức Thượng Ðế trong sự biểu hiện cao siêu nhất của Ngài, trong những sự biểu hiện sâu thẳm của Ngài, chứ không phải ở trong hình thái vật chất mà thôi. Chất trong mình chúng ta cũng như những chất bao bọc chúng ta, là bức màn che bên ngoài của Ngài. Nhưng không phải chúng ta muốn hiệp nhất với bức màn của Ngài, mà chúng ta muốn hợp nhất với Ngài.
Khi chúng ta đạt được mục đích đó, thì về phần Ngài, Ngài nhận thức điều ấy và dùng chúng ta như những vận hà có thể truyền sang Thần lực của Ngài. Ở những cõi thấp chúng ta thật là những vận hà hiến cho thần lực thiêng liêng, nhưng chúng ta chỉ trở nên thật đắc dụng cho Ngài khi chúng ta không còn Phàm Nhơn riêng rẽ có thể chống đối Ngài. Thượng Ðế luôn luôn dùng những phương tiện như thế và những Ðấng Cao Cả đại diện cho Ngài làm ra Quần Tiên Hội cũng hành động theo lối ấy. Chắc chắn các Ngài có thể làm ra những phép lạ bằng cách tác động thẳng trên con người, nhưng làm như thế phải tiêu hao một phần lớn thần lực của các Ngài một cách vô ích. Các Ngài chọn những phương pháp đặc biệt.
Nhiều người không bao giờ thử tìm hiểu những nguyên lý chi phối sự sống. Họ cho rằng thiên nhiên phải tuân theo mệnh lệnh của họ và họ không chịu chấp nhận sự vật theo cách thức mà chúng nó đã được sắp đặt. Thái độ của họ giống như những người điều tra những hiện tượng Thần Linh Học, họ muốn qui định những điều kiện để phát sinh ra những hiện tượng. Tâm trạng đó thật phi lý, vì trên thế gian này không có một loại khảo sát nào có thể qui định bổn phận cho những luật tự nhiên. Những người dã man được cho xem hiện tượng điện khí, họ chỉ thấy đó là một sự phỉnh lừa. Tù trưởng của họ nói: "Tất cả mấy cái này đều kết hợp với nhau bằng những sợi dây. Chính nhờ những sợi dây này bạn tạo ra được hiện tượng đó. Hãy cắt nó đi rồi tôi sẽ tin bạn". Nhà điện học mỉm cười đáp lại: "Bạn không hiểu định luật. Những sợi dây để dẫn điện. Không có nó, điện lực không thể đến". Rồi người dã man nói: "Tôi đã khám phá được ảo thuật của anh rồi". Người ta cũng làm như thế trong các buổi nhóm Thần Linh Học. Người ta không chịu theo phương pháp đã định trước và muốn làm cách khác. Cái kỳ vọng bắt buộc Trời phải chiều theo ý người có thể làm hài lòng vài hạng người trí thức. Nhưng kỳ vọng này thật lạ lùng đối với tôi cũng như trong lúc cầu nguyện người ta chỉ bảo cho Ðức Thượng Ðế phải làm điều này điều nọ. Tôi tin chắc rằng Ngài hiểu biết hơn tôi vô cùng và nếu do một sự ngẫu nhiên nào hoàn toàn không giải thích được, mà lời cầu nguyện của tôi thay đổi được ý định của Ngài, thì tôi biết chắc rằng sự thực hiện Thiên Ý sẽ vô cùng lợi ích hơn là sự thực hiện ý muốn của tôi.
Có thể ít người trong chúng ta hiểu được sự cần thiết của việc hợp nhất với Thượng Ðế, nhưng điều đó rất quen thuộc đối với những huynh đệ Ấn Ðộ của chúng ta. Trong tác phẩm này, Ðức Thầy dùng những danh từ đó nhiều lần, khi Ngài nói về Ðức Thượng Ðế. Trong một kiếp trước, Ngài là vị cao tăng tên là Nâgârjuna (tức là Ðức Long Thọ) [97] và trong kiếp ấy, Ngài có làm nhiều bài thuyết pháp và viết nhiều quyển sách. Trong những sách vở của Ngài còn lưu lại, Ngài chống đối rất quyết liệt với ý niệm cho rằng Thượng Ðế có một cá tính. Ngài cũng phản đối cách dùng chữ cá nhân và Thượng Ðế và Ngài luận giải vài vấn đề Siêu Hình Học sâu xa về phương diện đó. Những người Ấn Ðộ hiểu biết toàn thể triết lý của Ðức Long Thọ thường nói:"Trong quyển sách nhỏ này của Ðức Thầy chúng ta có điều rất lạ lùng là thuở xưa, Ngài không cho rằng Thượng Ðế có một cá tính nào, mà hiện nay, Ngài lại dùng danh từ Thượng Ðế. Ðức Phật của chúng ta cũng quyết liệt chống đối ý niệm ấy trong một ý tưởng như thế". Ðây là giải đáp cho dị luận ấy: Trong tác phẩm này Ðức Thầy không đề cập đến vấn đề Vô Cực, Tuyệt Ðối. Ngài không nói đến Ðấng Chí Tôn, Ðấng Vô Thỉ Vô Chung. Trước hết Ngài nói cho em bé trai Ấn Ðộ về Ðấng Ishvara, tức là Ðức Thái Dương Thượng Ðế, là Chúa tể một ngôi mặt trời và chắc chắn chính trong ý nghĩa sau cùng ở đây, Ngài dùng danh từ Thượng Ðế. Cũng như Ðức Nâgârjuna, Ngài nói với những học giả mà đa số hiểu biết những hệ thống triết học Ấn Ðộ. Do đó, Ngài nghiêm khắc khiển trách mọi khuynh hướng hạ thấp ý niệm Thượng Ðế bằng cách gán cho Ngài một cá tính, như nhiều huynh đệ Thiên Chúa Giáo hiện nay của chúng ta quan niệm.
Rồi Ngài nói tiếp, chúng ta phải tự làm cho mình giống như Ðức Thượng Ðế. Ðiều này đưa đến vấn đề: "Chúng ta hiểu cái chi về Thượng Ðế?" Chúng ta biết rằng Ngài tự biểu lộ qua ba Trạng Thái. Nhiều người đến gần Ngài bằng một Trạng Thái này, hoặc bằng một Trạng thái khác trong ba Trạng Thái đó. Con đường của chúng ta là con đường của tình thương tích cực, vì chính đó là con đường mà các vị Sư Phụ của chúng ta đã noi theo. Ba cung vĩ đại của sự sống thiêng liêng tương ứng với bảy hạng người. Có ba con đường là: Con đường Sùng Tín, con đường Ý Chí và con đường Minh Triết. Con người tìm Ðức Thượng Ðế bằng nhiều cách khác nhau, nhưng bởi các vị Sư Phụ của chúng ta theo con đường tình thương tích cực, nên tất cả những ai muốn theo các Ngài thì phải tự hiến năng lực thuộc về cung đặc biệt của mình để phụng sự đắc lực Ðức Thượng Ðế và nhân loại. Chúng ta hãy lấy thí dụ về lòng sùng tín, mà chúng ta biết có ba thứ hay ba loại. Người thuộc về loại thứ nhất quỳ lạy trước đối tượng y tôn sùng và khao khát hiệp nhất với đối tường ấy. Tôi tưởng trong những giống dân tộc Tây Phương của chúng ta chỉ gặp hạng người này, trong nhóm nam tu sĩ hay nữ tu sĩ. Họ chỉ muốn tôn thờ Ðức Thượng Ðế mãi mãi. Ðó là sự sùng tín đáng khen, nhưng ít ra trong lúc đó, con người không nghĩ đến những kẻ khác. Y chỉ nghĩ đến việc hợp nhất với Ðức Thượng Ðế. Nếu bạn nói với y về những kẻ khác, họ sẽ trả lời với bạn rằng: "Họ hãy làm như tôi vậy". Tôi biết một người ở Ấn Ðộ, ý niệm duy nhất của y là chiêm ngưỡng Ðức Thượng Ðế và cố gắng hợp nhất với Ngài. Ðó là mục đích của y và y sẽ đạt được nó trong tương lai. Y sẽ trải qua trọn kiếp sống của y trên cõi Thiên Ðàng, chắc chắn là rất lâu (hàng ngàn năm) trong sự sùng mộ ngây ngất. Một sự sùng tín thuần túy như thế làm phát triển những thể khác của y, và một sự tiến bộ chắc chắn.
Một sự sùng tín khác xứng đáng với danh từ ấy. Ðó là thứ sùng tín thấp thỏi, trả giá với Ðức Thượng Ðế "Nếu Ngài cho tôi được giàu sang, thăng tiến và giúp đỡ tôi một cách tổng quát, thì về phần tôi, tôi sẽ tôn sùng Ngài thật nhiều".
Người sùng tín thứ ba sẽ nói rằng: "Tôi thương mến Ðấng Cao Cả này hoặc Ðức Giáo Chủ này thật nhiều. Cũng vì lẽ đó tôi phải giúp những kẻ khác biết và hiểu Ngài. Tôi phải làm lành nhân danh Ngài". Ðó là sự sùng tín rất cao thượng và rất hữu hiệu. Những người trong chúng ta thuộc về cung sùng tín, sẽ không phải chỉ sùng tín mà thôi. Họ cho thấy rằng sự hoạt động này khêu gợi ở nơi họ ý muốn làm việc vì lòng sùng tín. Cũng giống như thế, nếu những ai trong chúng ta có khuynh hướng muốn hiểu biết tất cả, thì họ sẽ có đặc tính ấy trong bản chất của họ. Có vài người chỉ muốn được khôn ngoan để biết và để hiểu suông thôi. Ðó là một đức tánh đáng phục. Nhờ nó mà nhiều người tiến bộ rất nhiều. Trái lại, những "người phụng sư" cảm thấy tình cảm phức tạp này trong lòng họ: "Tôi muốn học hỏi, nhưng chỉ để hữu ích thật sự cho kẻ khác thôi". Những người này thấy rất rõ sự sai lầm của kẻ khác, dù họ thật tình muốn phụng sự, nhưng vì sự phi lý của họ, mà họ gây ra tai hại hơn là làm lợi. Họ nói rằng: "Hãy để tôi hoạch đắc sự hiểu biết trọn vẹn rồi tôi mới có thể phụng sự một cách đắc lực".
Chúng ta muốn hiệp nhất với Ðức Thượng Ðế, chẳng phải chỉ để được hòa đồng với Ngài và được thấm nhuần trong mọi sự vinh quang và hoan lạc, nhưng để có thể hành động như Ngài. Và hành vi vĩ đại của Ngài là tự nhập vào vật chất như một sự hy sinh tuyệt đối để ban cho chúng ta sự sống. Người muốn hợp nhất với Ðức Thượng Ðế phải triệt để quên mình hầu giúp ích cho việc hoàn thành công nghiệp của Ngài, Ngài vốn Ðại Từ Ðại Bi. Chỉ một câu sau đây tóm tắt hết Con Ðường Ðạo: "Nếu bạn muốn nhập một với Ngài, thì lòng bạn phải hoàn toàn vô tư và tràn ngập tình thương". Ý Chí, Minh Triết, Bác Ái, mỗi đức tánh trong ba đức tánh này được trao dồi hoàn hảo và để dùng vào việc phụng sự sẽ kéo theo những đức tánh khác. Vậy thì quả thật: "Bác Ái là sự hoàn thành Luật Trời". [98]