Phải biết phân biện điều chơn với điều giả, phải tập sao cho hết sức đúng đắn trong tư tưởng, trong lời nói và trong việc làm.
A. B. Chúng ta có thể tự hỏi, nếu chúng ta không noi theo tư tưởng của Ðức Thầy, cũng như lời nói của Ngài, thì tại sao ở đây lại có lời khuyên bảo này. Sự phân biệt giữa điều chơn và điều giả chẳng phải đến đầu tiên hay sao? Nếu Ðức Thầy chỉ đề cập đến điều đó ở đây mà thôi là chính vì việc đạt được sự ngay thật hoàn toàn rất khó. Ngài nói phải tuyệt đối ngay thật và rất khó mà ngay thật hoàn toàn trong tư tưởng, trong lời nói và trong việc làm. Như bạn đã chú ý đến điều này, chính là tư tưởng được kể trước nhất; theo thứ tự Huyền Bí Học, thì tư tưởng đứng đầu, rồi mới đến lời nói và việc làm. Ðức Thế Tôn, Ðức Phật của chúng ta cũng theo thứ tự đó, khi Ngài nói: Chánh tư duy, chánh ngữ và chánh nghiệp.
Trước nhất là trong tư tưởng. Việc này không phải dễ, vì trong đời có biết bao nhiêu tư tưởng lầm lạc, có biết bao nhiêu sự dị đoan phi lý, hễ người nào để cho chúng chi phối thì không bao giờ tiến bộ được.
C. W. L. Chúng ta tưởng rằng trong Thông Thiên Học; chúng ta đã xóa bỏ hẳn được sự dị đoan. Tôi không dám chắc là luôn luôn đúng như thế. Tôi thấy hình như một sự dị đoan về Thông Thiên Học vẫn có thể phát sinh. Ai tin một điều nào đó "bởi vì nó ở trong Thánh Kinh Cơ Ðốc (Bible)" chắc chắn là y mê tín, vì sự tin tưởng của y không có một nền tảng thích đáng. Mà khi nói rằng: "Chính Bà Blavatsky đã nói như thế" hoặc "Cái đó có ghi trong Bộ Giáo Lý Bí Truyền", thì cũng không thoát khỏi sự mê tín. Nhưng có một sự khác biệt, bởi vì chúng ta có nhiều bằng cớ về sự hiểu biết của Bà Blavatsky do Bà thốt ra hơn là sự hiểu biết của Thánh Paul hoặc những tác giả xưa chẳng hạn. Nhưng đây không phải là vấn đề do Bà Blavatsky nói hay do Ông Saint Jacque hoặc Ông Saint Pierre nói. Chúng ta phải hiểu một tư tưởng, rồi tự đồng hóa với nó, vươn lên tới nó và để cho nó nẩy nở trong lòng chúng ta. Ngày nào chúng ta còn đọc suôn như con két, thì ngày đó những ý niệm này là những sự dị đoan vậy. Tin tưởng vào một Chân lý có thể là một sự dị đoan, nếu sự tin tưởng đó không có một nền tảng đúng đắn cũng như căn cứ vào lời quả quyết của tác giả này hay tác giả nọ. Khi ý niệm đã thắm nhuần trong tâm trí của chúng ta rồi, chúng ta có thể nói được rằng: "Nó là thành phần của tôi; nó thuộc về tôi; tôi biết tại sao tôi tin; do đó sự tin tưởng của tôi sáng suốt chớ không phải là điều dị đoan ". Tôi e rằng, có nhiều sự tin tưởng không khôn ngoan về Chân lý trong nhiều trường hợp.
A. B. Rất khó cho con người thoát hẳn sự dị đoan và không còn lấy sự phụ thuộc làm điều chính yếu nữa (như thế cũng là sự dị đoan). Trước khi được Ðiểm Ðạo lần thứ Nhứt, con người chưa ắt bỏ được hẳn thói dị đoan. Ðiều này chứng tỏ rằng sự dị đoan là một ý kiến sâu xa và tế nhị đã thắm nhuần trọn vẹn bản tánh con người. Ðức Thầy nói: "Ai để cho thói dị đoan chi phối thì không thể tiến hoá được". Lời tuyên bố thật rõ ràng, nhưng chúng ta hãy lưu ý đến chữ "chi phối". Ðức Thầy không nói một người dị đoan ít hoặc nhiều không thể tiến hóa được, mà Ngài nói kẻ nào bị sự dị đoan chi phối mới không thể tiến hóa được. Không có chi lôi kéo con người lại đàng sau như thói dị đoan. Chúng ta biết có lắm người tử tế, mộ đạo, nhơn từ, sống một cuộc đời gương mẫu cho sự tốt lành và đúng đắn thận trọng nhưng họ lại là những người mê tín. Họ chỉ cho những lễ bái, những nghi thức cùng cách hành động của họ là quan trọng, trong khi tất cả các thứ này không có gì là thiết yếu cả.
Ta hãy lấy việc làm nhằm trợ giúp những người quá vãng làm thí dụ. Những người Công Giáo La Mã làm lễ cầu hồn; cũng ý nghĩa đó, người Ấn Ðộ lại làm lễ Shraddha; mục đích của cả hai là muốn giúp người quá vãng. Hai cách hành lễ đều công hiệu dù dưới hình thức rất khác nhau. Tuy nhiên, người Ấn Ðộ cũng như người Công Giáo, nếu bị lệ thuộc những hình thức này thì họ sẽ là người mê tín dị đoan. Ý muốn tốt đẹp và sự trang nghiêm cùng lòng thương mến người quá vãng mà cả hai biểu lộ trong việc hành lễ, đó là điều qui định cái kết quả. Ý muốn tốt đẹp là căn bản, nhưng tíùnh cách đặc biệt của hình thức bên ngoài là điều phụ thuộc, hình thức phản ảnh ý muốn bên trong có tính cách địa phương và không quan hệ gì. Hình thức bên ngoài tùy thuộc sinh quán của bạn, bởi vì bạn sinh vào một Tôn giáo nào, một chủng tộc nào hay một nơi đặc biệt nào đó. Bạn phải thoát ra khỏi tất cả những sự mê tín trong các nghi thức, trong các việc lễ bái, cũng như trong sự công hiệu của những hình thức thuần túy bên ngoài. Trong một thời gian rất lâu, sự tín ngưỡng đó đã tỏ ra rất quan trọng và có ích lợi thiếtthực. Chỉ có nó mới diệt trừ được sự uể oải, tính cẩu thả và lãnhđạm ở con người thôi. Những hình thức bên ngoài này chỉ là những chiếc nạng cần thiết cho những người còn chưa bước đi một mình được. Khi bạn có thể không cần những nạng này nữa, thì bạn hãy dẹp chúng nó qua một bên.
Bởi vậy con chớ cho một ý kiến nào là đúng đắn chỉ vì nhiều người đã cho nó là dúng đắn hay là tại thiên hạ đã xét đoán nó trong nhiều thế kỷ rồi, hoặc là thấy nó trong một cuốn sách mà người ta gọi là sách thánh, con phải dùng sự xét đoán riêng của con và con phải xem coi ý kiến đó có hữu lý hay không?
C. W. L. Những lời này của Ðức Thầy Kouthoumi. Cách đây hai ngàn năm trăm năm chúng nó vốn lời của Ðức Phật Cồ Ðàm, khi người ta hỏi Ngài: "Bạch Phật, có biết bao nhiêu vị Giáo Chủ, biết bao nhiêu giáo lý đã trình bày cho chúng tôi! Tất cả dường như tốt đẹp hết, làm sao biết được cái nào hay nhất? Làm sao chọn lựa"? Kinh Kalama Soutta de l Angouttara Nikaya có chép câu trả lời của Phật như sau:
Ðức Phật nói: "Không nên tin một điều nào chỉ vì nó được xác nhận suông. Ðừng tin những tập tục, vì lẽ chúng nó từ ngàn xưa truyền lại cho chúng ta. Ðừng tin những lời đồn đãi. Ðừng tin sách vở của các vị Thánh Hiền bởi vì lẽ các Ngài là tác giả mấy quyển đó. Ðừng tin những sự tưởng tượng mà chúng ta cho rằng do một vị Thần minh đã giác ngộ chúng ta (nghĩa là phỏng đoán một sự linh cảm). Cũng đừng tin những kết luận do chúng ta bất ngờ giả định. Ðừng tin cái gì do một sự cần thiết tương tợ bề ngoài. Ðừng tin chỉ vì sự uy tín suông của các vị Huấn Sư hoặc Tôn Sư của chúng ta. Nhưng chúng ta phải tin, khi sách vở, giáo lý hay châm ngôn được lý trí và lương tâm của chúng ta xác nhận". Ðức Phật kết luận : Bởi vì chính đó là điều ta dạy các con . Các con chớ nên tin điều chi chỉ vì các con đã nghe nói suông. Nhưng nếu đức tin của các con căn cứ trên sự tin chắc riêng của các con thì các con hãy hành động và hãy cố gắng hết sức " [28].
Một trong những việc thực tập mà Ðức Thầy bắt buộc các đệ tử của Ngài phải làm là tìm xem điều gì họ thật biết và điều gì mà họ chỉ tin theo thôi. Một việc làm rất tốt là ghi chú phần kiến thức nào chúng ta được phép nói rằng nó thuộc về quyền sở hữu thật sự của chúng ta, còn phần nào thuộc về chúng ta chỉ vì chúng ta đã hoàn toàn thấu hiểu và công nhận nó, cuối cùng phần nào mà chúng ta đã thu lãnh của kẻ khác, gần như không kịp suy nghĩ. Con người luôn luôn sinh ra trong một Tôn Giáo cũng như họ sinh ra trong một xứ sở nào đó. Ðối với nhiều phong tục thì qui tắc vẫn giống in nhau. Chẳng hạn như muốn ăn cơm tối trong thành phố thì phải ăn mặc một cách đặc biệt. Ðó là một tập quán và không ai muốn vi phạm đến một vấn đề không quan trọng gì, mà trong đó cũng không có việc liên quan đến sự lành hay dữ.
A. B. Ðây là một việc thực tập rất hữu ích cho bạn, nếu thỉnh thoảng bạn quan sát nội dung Cái Trí và trước hết ghi chú coi tất cả những điều mà bạn tin, vì lẽ nhiều người đã tin như vậy; hai là, tất cả những điều bạn tin vì lẽ chúng là những tín ngưỡng thuở xưa; ba là, tất cả những điều bạn tin, vì lẽ chúng được ghi chép trong Thánh kinh. Sau khi loại trừ ba loại này ra rồi, bạn hãy ghi nhận cái nào còn lại. Như thế bạn sẽ nhận thấy thật sự những tín ngưỡng của bạn căn cứ trên nền tảng nào? Chính đây là một trong những thắng lợi, đã trải qua trong giai đoạn tự do tư tưởng như tôi đã thực hiện điều đó. Phải có kinh nghiệm rồi mới thật hiểu thế nào là hy sinh tín ngưỡng đạo đức mà từ trước đến giờ mình đã cho là chân thật; thế nào là sự đổ vỡ cuối cùng, khi mà miếng đất dưới chân chúng ta sụp mất. Tôi suýt chết vì việc đó; thân thể tôi đã rũ liệt trong nhiều tuần. Nhưng sau khi đã kinh nghiệm triệt để như thế rồi, thì không cần một kinh nghiệm nào khác nữa. Do đó, khi tôi học hỏi giáo lý Thông Thiên Học, mặc dù trong thâm tâm tôi, tôi tuyệt đối tin chắc đi nữa, tôi cũng phải bắt Cái Trí tôi thí nghiệm lại tất cả những ý niệm mới mẻ này.
Con hãy nhớ rằng dù cho cả ngàn người đồng tán thành một vấn đề nào đi nữa, nhưng nếu họ không biết chút gì trong đó cả, thì ý kiến của họ vẫn vô giá trị.
C. W. L. Ðây là điều mà thế giới hiện tại khó lòng hiểu được. Hiện giờ người ta tưởng rằng cứ tích lũy sự dốt nát thì cuối cùng sự hiểu biết sẽ nảy sanh ra. Nghĩ như thế là sai lầm vậy. Những kẻ dốt nát phải nhờ người hiểu biết dắt dẫn.
A. B. Về vài phương diện, một số sách vở lớn lao của chúng ta là một điều bất tiện, tệ hại. Nó khuyến khích chúng ta đọc không suy nghĩ, khiến cho Cái Trí trở nên nông cạn và hay thay đổi. Do đó luôn luôn tôi khuyên người ta nên đọc ít rồi mô phỏng lại đoạn đã đọc, chẳng phải bằng trí nhớ, nhưng bằng sự hiểu biết hoàn toàn vấn đề. Ðiều gì đã thuộc về bạn khi nào nó đã được Cái Trí của bạn đồng hóa. Muốn được như thế, bạn phải suy nghĩ và hiểu biết tường tận những gì bạn đã đọc hoặc nghe. Không vậy, bạn càng đọc nhiều chừng nào thì bạn càng trở nên dị đoan nhiều chừng nấy. Bạn cứ thêm những tín ngưỡng mới vào những tín ngưỡng cũ của bạn mà không có cái nào được căn cứ trên một nền tảng vững chắc.
Tôi có một người giúp việc rất dở về kế toán. Mỗi lần y tính lộn, y bắt đầu làm lại một cuốn sổ mới với hy vọng sắp đặt lại cho có thứ tự. Hiện nay cũng thế, nhiều người luôn luôn đòi hỏi sự mới lạ vì những sự hiểu biết nông cạn mà họ đã thu thập không làm cho họ thực sự thỏa mãn. Những người trong nhóm hội viên chúng ta đi đâu cũng lấy những tác phẩm của Ðức Giám Mục Leadbeater hoặc của tôi làm dẫn chứng cũng là những người mê tín dị đoan vậy. Những sự kiện họ kể ra có thể rất đúng, nhưng chúng không đúng đối với họ, vì nếu họ thật hiểu chúng, họ không cần dựa vào uy tín của chúng tôi. Nếu họ muốn lấy chúng tôi làm dẫn chứng, thì họ phải xem lời nói của chúng tôi như là những ý kiến cá nhân và không nên tìm cách ép buộc ai nghe theo cả. Trên đời chỉ có một uy quyền mà thôi : Ðó là sự Minh Triết.
Người nào muốn đi trên Ðường Ðạo thì phải tập tự mình tư tưởng, vì thói dị đoan là một trong những tai hại lớn nhất trên thế gian. Một trong những chướng ngại phải hoàn toàn diệt trừ mới được.
C. W. L. Sự dị đoan là một sức mạnh lớn lao và tế nhị. Nó hiển nhiên là chướng ngại thứ ba trên Ðường Ðạo mà con người cần phải dứt bỏ, sau khi đã được Ðiểm Ðạo lần thứ Nhứt; tiếng Nam Phạn (Pali) gọi nó là Silabbataparamasa, nghĩa là: "Ðức tin căn cứ vào sự công hiệu của nghi thức hay là lễ bái bất cứ loại nào ".
Ðiều nào con tưởng cho thiên hạ cũng phải thật đúng. Con không nên tưởng cho kẻ khác điều nào mà con không biết rằng quả có thật như vậy.
C. W. L. Nếu điều của chúng ta nghĩ về kẻ khác chỉ là giả tưởng (ức đoán) thì chắc chắn tư tưởng của chúng ta bất cứ về phương diện nào cũng là lý luận thuần túy. Thật ra, chúng ta biết rất ít về những người ở gần mình nhất, và chúng ta còn biết ít hơn về những người mà chúng ta gặp gỡ một cách ngẫu nhiên; nhưng người ta không ngớt ngồi lê đôi mách, lắm chuyện lắm lời vô ích về những hành động, những lời nói và những tư tưởng của thiên hạ. May thay, một phần lớn những điều này vẫn hoàn toàn sai lạc.
A. B. Những dư luận về kẻ khác thường sai lầm. Chúng ta chỉ có thể phán đoán chính xác về một người nào khi chúng ta thật biết y, thấy và hiểu được tư tưởng của y. Phần đông người đời chưa đạt được trình độ hiểu biết đó. Tuy nhiên, ý kiến của họ về mấy kẻ khác đã quyết định rồi. Luôn luôn họ xét đoán mấy người này và không biểu lộ trong tư tưởng một chút nhân từ nào cả.
Sau đó một chút, Ðức Thầy có nói rằng: "Con đừng bao giờ cho kẻ khác có ý muốn này hay ý muốn nọ". Lời khuyên này hết sức quan trọng, nếu nó được người đời tuân theo, thì phân nửa sự thống khổ của Trần gian sẽ bị tiêu diệt. Nếu có ai làm một việc mà bạn không hiểu được, bạn hãy để cho y làm, đừng bịa ra những lý do. Lý do hành động của y, tất nhiên bạn không hiểu được, nhưng bạn lại tìm một lý do, thường thường thì không mấy tốt đẹp rồi bạn kết nó vào sự hành động, và sau cùng bạn khiển trách kẻ khác về cái điều mà chính là bạn đã tưởng và đã làm ra. Khi qui cho kẻ khác những lý do như thế, con người tăng cường mãnh lực xấu có thể đang hoạt động trong trí của kẻ bị chỉ trích, hoặc nếu kẻ ấy chưa có mầm xấu thì họ lại làm cho nó nảy sinh. Ðấng Christ có nói: "Chớ khá đương đầu với kẻ hung ác "[29]. Lời này có thể đem áp dụng cho trường hợp kể ra đây. Không phải bổn phận của chúng ta là tìm điều xấu trong Trí Thiên Hạ để diệt trừ; hãy cô lập sự xấu. Nó sẽ tự tiêu hủy.
Con đừng tư tưởng rằng thiên hạ hằng nghĩ đến con luôn luôn.
C. W. L. Ðiều này xảy ra mãi mãi: tất cả những gì của kẻ khác làm hay nói, chúng ta cũng đều cho rằng liên hệ đến chúng ta cả. Bởi chúng ta luôn luôn nghĩ đến mình nên chúng ta tưởng tượng rằng kẻ khác cũng phải nghĩ đến chúng ta. Nếu chúng ta luôn luôn nghĩ đến mình, thì muốn cho hợp lý, chúng ta phải tưởng rằng kẻ khác cũng luôn luôn nghĩ đến chính mình họ vậy, chớ không phải nghĩ đến chúng ta. Con người tự đặt mình vào trung tâm của cái vòng tròn của họ, mọi tư tưởng, mọi cảm xúc của họ đều quay cuồng theo vòng tròn và họ xét đoán mọi sự theo phản ứng của chúng đối với họ. Họ cứ chạy theo vòng tròn chung quanh họ. Nhưng không phải như thế đâu. Mỗi người tự nhốt mình trong vòng tròn của mình - chắc chắn vòng tròn này cũng lẩn quẩn như những vòng tròn khác. Trong chín phần mười những trường hợp mà con người bất bình về hành vi và lời nói của kẻ khác có lẽ đều phát sinh từ ý niệm này.
Nếu một người kia làm điều gì mà con tưởng là có hại cho con, hay là nói một chuyện nào dường như có can hệ tới con, thì con chớ vội nghi rằng: "Người đó có ý nhục mạ tôi ". Có lẽ đúng hơn, là người đó không nghĩ đến con chút nào, vì mỗi linh hồn đều có những việc lo lắng riêng, và thường thường chỉ lo cho một mình mình thôi. Nếu có người nào nói với con giọng quạu quọ, thì con chớ tự nói rằng: "Người đó ghét tôi và muốn nhục mạ tôi ". Có lẽ vì một người nào hay một việc chi đó làm cho y giận và bởi y gặp con, nên y mắng con xối xả cho đã nư giận. Người đó làm chuyện điên cuồng, vì sự giận hờn nào cũng là sự điên cuồng cả, nhưng không phải vì lẽ đó mà con nghĩ quấy cho y.
C. W. L. Chính đó là lẽ phải, nhưng rất ít người thực hành! Khi tôi còn là Mục Sư của Giáo Hội Anh Cát Lợi, có lần tôi thuyết về sự thử lòng hay sự cám dỗ mà tôi nghĩ rằng có thể xảy ra cho những tín đồ nông dân hay thợ thuyền, họ là những con chiên của tôi. Tôi trình bày tại sao phương thức hành động nào có thể đem đến vài hậu quả tai hại. Sau lời thuyết pháp, một người nông dân giận dữ đã xông vào Thánh Ðường và hỏi tôi vì cớ gì tôi đưa y ra làm đối tượng cho bài thuyết giáo của tôi. Thật thế, kẻ bất hạnh tự bộc lộ tâm trạng của y tức khắc. Tôi không bao giờ ngờ y có thể phạm phải hành vi đặc biệt này, nhưng hiển nhiên, nó là một mối ưu tư mà sự quan sát của tôi đã chạm vào đó. Ðến nay tôi vẫn còn tin rằng người ấy quả quyết rằng tôi nhận rõ y trong đám thính giả và đưa y ra làm đề tài cho bài thuyết giảng của tôi. Trong sự sống chung đông đúc này, không thể tránh khỏi được những sự đụng chạm đến một mức độ nào đó. Cho mấy điều này là quan hệ hay là trọng đại, thật vô ích. Khi đi đường trong một đô thị lớn, chúng ta thấy hàng ngàn người đều bận rộn công việc riêng của họ; họ đi đường họ, không nghĩ gì đến kẻ khác đang qua lại. Ðôi khi không thể tránh khỏi sự xô lấn, nhưng không ai tưởng rằng mình bị xúc phạm nên nổi nóng, vì thái độ đó thật buồn cười. Trên phương diện lý trí và tình cảm cũng xảy ra những sự đụng chạm như thế. Trong những đám đông đều luôn luôn có sự va chạm về mặt lý trí và tình cảm. Chúng ta hãy xem những sự việc này giống như điều mới nói ra đây, tức là hiểu rằng kẻ đã giẫm chân trên Thể Trí của chúng ta không hề cố ý chút nào, và y chỉ đi theo con đường của y chớ không nghĩ đến chúng ta.
Chúng ta đừng quan trọng hóa những sự đụng chạm nhỏ nhen đó, cũng như những sự xô lấn hằng ngày ngoài đường phố.
Khi chúng ta để ý đến cách của kẻ khác chăm chú vào những quyền lợi của họ, chúng ta cũng có bổn phận coi chừng, đừng cho chúng ta say mê những quyền lợi của chúng ta cho đến đỗi chúng ta quên những cử chỉ lễ độ, nhã nhặn để làm cho đời thêm tươi đẹp.
Người Thông Thiên Học phải khác hơn người thường bởi sự lễ độ cũng như sự an tịnh và bình thản luôn luôn. Các bạn hãy ở cho dễ thương, hãy kiên nhẫn. Người ta rất vội vàng mà người ta cũng không thiếu thì giờ để tỏ ra mình là người tử tế và có tình huynh đệ. Chớ để cho những triều lưu nóng giận lôi cuốn chúng ta do những dây thần kinh quá căng thẳng và thường xảy ra trong thời buổi xáo trộn của chúng ta.
A. B. Lời khuyên của Ðức Thầy ở đây thật rất sáng suốt, khôn khéo. Chớ nên nghĩ rằng mọi người đều nhớ đến bạn vì lẽ bạn vẫn nhớ đến họ. Mấy kẻ khác cũng nhớ đến họ chớ không hề nhớ đến bạn đâu. Họ lo lắng công việc riêng của họ cũng như bạn lo lắng công việc riêng của bạn. Nhiều nước sẽ được hạnh phúc hơn nếu người ta chịu chấp nhận và đem thực hành ý niệm này. Nếu một người kia chạm phải bạn trong cuộc sống náo nhiệt và xáo trộn này, thì bạn chớ tưởng rằng y tìm cách hại bạn, hoặc có tư ý gì đối với bạn. Trừ ra khi nào bạn chắc chắn rằng người ta muốn hại bạn, thì tốt hơn bạn nên nghĩ trái ngược lại là không có điều đó.
Một người nói với bạn giọng giận dữ, nếu lúc đó bạn nhớ đến điều cần thiết là đừng gán cho y thái độ thù nghịch và đừng nổi nóng như y, thì bạn sẽ tiến nhanh trong vấn đề tự chủ. Thường thường sau cơn giận người ta mới nhớ. Một người đã tự chủ hoàn toàn, thì cho đến chút tình cảm nóng giận cũng không nảy sinh ra nữa. Dầu thừa nhận rằng kẻ đối thoại với bạn sai quấy, lỗi ấy chỉ do sự yếu đuối mà ra, kẻ chí nguyện làm người Huyền Bí Học chớ nên quên bổn phận mình phải nhân từ trước sự yếu đuối của kẻ khác. Ta nên nhớ rằng cử chỉ giận dữ hay câu trả lời cộc cằn và gay gắt của một người nào thường là dấu hiệu bộ thần kinh của y bị căng thẳng quá độ bởi sự xao xuyến, lo âu ; y quá yếu đuối nên không thể chịu nổi một sự cố gắng mà không tỏ ra phản ứng gì. Thần kinh của y căng thẳng cực độ; đó là lý do khiến y hành động như thế.
Theo lời Ðức Thầy, người ấy hành động điên cuồng. Quả đúng như thế, nhưng chúng ta hãy khoan thứ cho y. Chính vì thế đa số những sự khó khăn nhỏ mọn nảy sinh. Một sự căng thẳng khó chịu khiến cho chúng ta nổi nóng trước hầu hết mọi việc. Bạn hãy nghĩ đến bao nỗi bận tâm đang chi phối Thế gian, lo lắng về mọi thứ quấy nhiễu và hành hạ con người. Ðành rằng chúng ta không biết được những nỗi khó nhọc của những kẻ sống chung quanh ta, vì không người khôn ngoan nào lại thuật cho bất cứ ai biết những nỗi khó khăn của mình. Cái tư cách tầm thường cũng không cho phép người ta làm như thế. Nhưng nếu chúng ta nhớ đến những nỗi khó khăn này và quan tâm đến chúng thì chúng ta sẽ đạt được sự yên tĩnh hoàn toàn, nó là mục tiêu của Ðức Thầy trong những bài này.
Chừng con làm đệ tử Chơn Sư rồi, con có thể thấy được tư tưởng của con đúng đắn hay không, khi con so sánh nó với tư tưởng của Ngài. Bởi vì Thầy với trò vốn là một và trò chỉ cần đem tư tưởng của y kề với tư tưởng của Thầy, thì y sẽ thấy hai tư tưởng có phù hợp với nhau hay không. Nếu như không thì tư tưởng của trò đã sai lầm và y phải lập tức sửa đổi vì tư tưởng của Chơn Sư vốn trọn lành, bởi Ngài thông hiểu hết mọi việc.
A. B. Một đệ tử chánh thức luôn luôn có thể xác định giá trị của tư tưởng của y, khi y đặt nó cạnh tư tưởng của Ðức Thầy. Nếu y cảm thấy một sự rung động không điều hòa, thì y biết rằng tư tưởng của y chẳng có giá trị gì cả. Nếu lấy một sự tương tợ ở cõi Trần mà nói, thì đó cũng như là một cung đàn lỗi nhịp. Người đệ tử không cần làm cho Ðức Thầy chú ý đến mình. Y chỉ để tư tưởng của y bên cạnh tư tưởng của Ngài. Nếu y thấy có dấu hiệu sai lệch thì y liền vứt bỏ tư tưởng của y và tức khắc cố gắng lập lại sự hòa hợp giữa tư tưởng của y với tư tưởng của Ðức Thầy. Người đệ tử không lý luận, không tìm cách cho rằng dù sao có lẽ tư tưởng của mình cũng đúng; vì nếu nó sai quấy, thì sự sai lầm hiện ra tức khắc. Trước khi được Ðức Thầy thâu nhận làm Ðệ Tử Chánh Thức thì không thể hành động như thế được, và đối với nhiều người chí nguyện thì điều này là một sự khó khăn. Bởi Tâm Thức của đệ tử phải hòa hợp làm một với Tâm Thức của Ðức Thầy, cho nên Ngài không nhận một người nào mà tư tưởng của y buộc Ngài phải làm một tấm vách để ngăn nó với tư tưởng của Ngài.
C. W. L. Người ta nói rằng người đệ tử làm một với Ðức Thầy. Ðiều này đúng trong một ý nghĩa mà chỉ có Ðức Thầy mới hiểu trọn vẹn. Người đệ tử cũng hiểu như thế, song y chỉ hiểu một cách bất toàn. Phải giao tiếp đặc biệt với Ðức Thaày, như thế mới hiểu được sự hiệp nhất này mãnh liệt là dường nào. Người đệ tử phải trở thành một tiền đồn của Tâm Thức của Ðức Thầy. Y liên hệ với Ngài cũng gần giống như Phàm Nhơn thuộc về Chơn Nhơn. Chơn Nhơn cho một phần nhỏ của mình (danh từ phân thân không đúng lắm, nhưng nó còn đúng hơn chữ phản ảnh) xuống mấy cõi dưới, sống theo những điều kiện đặc biệt ở đó, nơi mà ba thể: Xác, Vía, Trí tốt hơn hết của con người chỉ biểu lộ được Chơn Nhơn một cách thật hết sức bất toàn . . Ðiều này sẽ phấn khích chúng ta, mỗi khi chúng ta cảm thấy mình nản chí trước tất cả những sự yếu đuối của chúng ta tại cõi Trần. Người ta có thể tự nói: "Dù trong trường hợp nào, Chơn Nhơn cũng cao cả hơn mấy điều đó. Vậy tôi không có lý do gì để thất vọng. Tôi chỉ cần tăng thêm một chút sức mạnh của tôi trong sự hiểu biết thấp thỏi này để biểu lộ bản tánh thật sự của tôi ở cõi trên một cách tinh túy hơn; thế là những tật xấu của tôi sẽ giảm dần".
Cũng thế, người đệ tử không những là đại diện của Ðức Thầy, mà còn quả là Ðức Thầy thực sự; nhưng là Ðức Thầy đang bị bao vây bởi những sự hạn chế kinh hồn; nhưng hạn chế này chẳng những thuộc về những cõi thấp mà còn thuộc về Phàm Ngã của người đệ tử chưa bị hoàn toàn chế ngự. Nếu Chơn Nhơn của người đệ tử đã triệt để làm chủ được các thể thấp, chúng trở thành những phản ảnh hay những biểu hiện của các thể cao, thì nó có thể biểu lộ những đặc tính của Ðức Thầy hoàn toàn hơn. Nhưng vẫn còn một sự hạn chế mà người ta gọi là "vóc vạc" của y, người đệ tử là một Chơn Nhơn nhỏ bé hơn Ðức Thầy; y nối gót theo Thầy, và do đó y chỉ có thể đại diện cho Ngài một phần nào mà thôi. Tuy nhiên dù người đệ tử có tư tưởng nào, thì chúng cũng đều có ở trong Thể Vía và Thể Trí của Ðức Thầy. Một phần cũng vì lẽ đó mà các đệ tử phải chịu trải qua một thời gian Nhập Môn, trong thời gian này hình ảnh sống của người Ðệ Tử Nhập Môn luôn luôn ở dưới mắt Ðức Thầy. Ðức Thầy muốn biết chính xác tư tưởng, tình cảm của người đệ tử tạm thời đó; nếu không vậy, Ngài có thể thấy Thể Vía và Thể Trí của Ngài luôn luôn bị tràn ngập bởi những tư tưởng và tình cảm của người đệ tử, chúng bất hòa với công việc của Ngài đang mãi bận lo . . . Chỉ sau khi quan sát một thời gian khá lâu và nhận thấy rằng những tư tưởng và những tình cảm bất đồng của thí sinh còn rất ít, Ngài mới thu nhận y vào hàng môn đồ, và làm cho y trở thành một phần tử của Ngài.
Tuy nhiên, Ðức Thầy cũng còn phòng hờ để tùy tiện tạo một bức màn chận ngang giữa Tâm Thức của Ngài với Tâm Thức của đệ tử; vị này tha thiết muốn không có sự phân cách nào làm gián đoạn sự hiệp nhất đó; nhưng ở cõi Trần chúng ta hay lỗi lầm và thường thường chúng ta có tiếp thu một tư tưởng hay một tình cảm bất chánh nào đó, Ðức Thầy không thể chấp nhận cái đó được, Ngài điềm nhiên tự vệ, thật ra, về sau, đến một lúc kia Ðức Thầy hủy bỏ luôn luôn bức màn ngăn ngừa kia, đó là lúc Ngài nhận người đệ tử vào hàng "Con" của Ngài. Nhưng Ngài chỉ nhận như thế là khi nào Ngài hoàn toàn chắc chắn không còn cái chi phải loại ra nữa.
Nhờ sự kết hợp mật thiết với Tâm Thức của Ðức Thầy như thế, người đệ tử có thể đặt tư tưởng của y kế bên tư tưởng của Ngài. Ðệ tử không cần làm cho Ðức Thầy chú ý đến y, vì y không thỉnh cầu ý kiến của Ngài trong vấn đề đang lo lắng, y chỉ nhờ sự hiệp nhất này, mà biết được tư tưởng của Ngài đối với vấn đề đặc biệt đó. Các bạn sẽ hỏi: Vị đệ tử phải làm thế nào? Có nhiều cách, tùy theo mức độ của sự hiệp nhất này: người đệ tử tạo ra trong trí mình hình ảnh rõ rệt của Ðức Thầy , rồi dùng tất cả sức mạnh nâng tâm hồn mình lên đến tận hình ảnh này; y hiệp nhất với nó, đoạn phát triểnrõ ràng tư tưởng của mình, rồi xem coi nó có bất hòa hoặc bất đồng chút nào với tư tưởng của Thầy không, nếu có, y phải tức khắc sửa đổi tư tưởng của y.
Ở đây, quan điểm Huyền Bí Học khác với quan điểm của Thế gian rất xa. Trên đời này, nếu bạn bất đồng ý kiến với một người khác, bạn liền lập luận để binh vực ý kiến của bạn hoặc bạn cố gắng biện chính cho ý kiến đó. Trên phạm vi Huyền Bí Học, chúng ta không bao giờ tranh luận. Vì chúng ta biết rằng vị ở trên chúng ta biết rõ sự việc đó hơn chúng ta, nên chúng ta chấp nhận ý kiến của Ngài. Không bao giờ chúng ta có ý nghĩ đem lối nhìn của chúng ta mà chống lại cách thấy của Ngài, vì chúng ta biết (không phải là vấn đề suy luận nữa mà chính là sự hiểu biết trực tiếp) rằng Ngài có cả ngàn cách nghe thấy mà chúng ta không có, nên Ngài hiểu điều Ngài nói. Ý kiến của Ngài căn cứ trên nền tảng hiểu biết sâu rộng hơn chúng ta rất xa. Về sau, chúng ta có thể tìm hiểu lý do của sự kiện ấy, và đó là chuyện khác. Nhưng trong khi chờ đợi, chúng ta không chống lại Ngài, và chúng ta cũng không nghĩ đến việc đó. Khi người đệ tử đặt tư tưởng của y bên cạnh tư tưởng của Ðức Thầy, y không lý luận. Khi cây đàn của bạn cần phải lên dây hòa điệu, bạn không tự hỏi tiếng đàn này sẽ không tốt chăng, mà bạn cứ lên dây.
Trong thế giới Huyền Bí, chúng ta không hề phê phán, chỉ trích. Chúng ta xem như đã chứng minh rồi tất cả những gì mà nhân viên của Quần Tiên Hội đã làm hết lòng. Trong trường hợp này không phải là chúng ta, mà chính Ðức Thầy của nhân viên đó nhận xét sự thành công hay thất bại của y. Dĩ nhiên, đôi khi có thể chúng ta thấy trước một sự thất bại, chúng ta có thể khuyên nhủ với tất cả sự tinh tế, thanh nhã của chúng ta như sau: "Nếu người ta làm việc này hoặc việc kia, anh sẽ không nghĩ rằng điều đó khá hơn một chút sao? Những nhà Huyền Bí Học hay là những người nhiệt thành muốn trở nên nhà Huyền Bí Học đều tuyệt nhiên tránh việc chỉ trích kẻ khác một cách khinh xuất mà không biết gì đến những nỗi lo âu và khó khăn của họ. Chúng ta hoàn toàn xa lánh việc chỉ trích; đối với chúng ta, nó là một hành vi xấu xa.
Về phương diện này, những ai quyết định bước vào Ðường Ðạo nên thực hành đúng theo thói quen mà các vị đệ tử Chơn Sư đã chấp nhận. Chúng ta hãy từ bỏ thói chỉ trích những kẻ khác đang hoàn thành nhiệm vụ của họ. Phần đông họ đều cố gắng đến mức tối đa theo quan điểm riêng của họ. Có thể quan điểm chúng ta cao hơn quan điểm của họ nhiều, nhưng không phải là không đúng trong việc làm, họ chỉ theo ánh sáng riêng của họ, chớ không phải ánh sáng riêng của chúng ta. Nếu một người nào đó được Hội của chúng ta ủy thác nhiệm vụ chăng, chúng ta nên để y có cơ hội hoàn thành nhiệm vụ của y một cách tốt đẹp. Nếu y làm công việc không được chu đáo, thì sau một thời gian hợp lý, chúng ta có thể giao nhiệm vụ đó cho một kẻ khác. Nhưng trong khi chờ đợi, chúng ta chớ nên làm rộn y, phải để cho y có dịp trổ tài và thực hành những ý niệm riêng của y. Luôn luôn can thiệp vào công việc của kẻ khác là một điều sai quấy.
Thái độ chỉ trích thường xuyên, luôn luôn tìm chỗ sơ hở, luôn luôn rình rập những nhược điểm của kẻ khác là một bản tánh rất xấu xa tệ hại. Trong giới Huyền Bí, người ta không làm như thế. Chúng ta thường nghe nói rằng: "Tôi không thể nào không chỉ trích được: đó là bản tánh của tôi ". Nếu đó là bản tánh của bạn, thì thật đáng thương cho bạn. Tốt hơn hết bạn hãy cố gắng vượt lên khỏi nó. Bạn áp dụng danh từ "tự nhiên", "nhân tánh" theo cách hành động của người trung bình, nhưng khi một người đã khép mình vào khuôn khổ của kỷ luật tu thân một cách nghiêm khắc thì y cố gắng vượt khỏi mức độ trung bình. Chúng sinh ra đời để sửa đổi tâm tánh của mình. Hãnh diện vì nó thật vô ích. Người chí nguyện phải cố gắng vượt lên trên mức độ trung bình mới có thể làm cho nó tiến tới được. Nếu y chỉ ở chỗ đồng bậc hay là ở mức thấp hơn mức độ trung bình, y không thể làm cho bản tánh y trở nên tốt đẹp. Chỉ có quyết định mới trừ được tật xấu hay chỉ trích.
Ðôi khi chúng ta muốn nói với những kẻ khác rằng: "Các bạn đừng cản đường tiến hóa của Chơn Nhơn cao cả của các bạn nữa và hãy để cho Ngài có dịp tỏ ra hết sức cố gắng. Bạn để cho Phàm Nhơn thấp hèn của bạn ngăn cản Chơn Nhơn, không cho Ngài muốn làm và làm một cách dễ dàng". Mong sao không ai nói rằng: "Tôi không làm được". Nếu bạn nói như thể thì bạn xét đoán trước và tự cho mình phải thất bại. Tốt hơn là bạn nên làm ra hình tư tưởng này: "Tôi có thể làm được việc đó và tôi sẽ làm", và như thế công việc đã hoàn thành được nửa rồi. Thường thường sự cố gắng cũng không mang lại kết quả gì, đó là lẽ tự nhiên. Nhưng nếu cố gắng mãi, sức mạnh sẽ gia tăng, chẳng bao lâu chắc chắn sẽ thành công. Nếu chưa thành công, chớ tưởng rằng bạn đã mất tất cả, sức mạnh đã tạo được rồi, dù nó chưa đủ để mang đến một sự thành công tức khắc, nó cũng là một thắng lợi trước tiên và nếu chúng ta không ngừng gia tăng sức cố gắng, thì đến một lúc nào đó, sự thành công sẽ đền đáp lại công lao khó nhọc của chúng ta.
Một hố thẳm ngăn cách hai thái độ này: một bên cứ ngồi mà ngã lòng, thất vọng; còn một bên thì đứng lên và hành động. Người ta cũng nói rằng trong thiên hạ hai hạng người: hạng thứ nhất đảm đương một trách nhiệm, còn hạng thứ hai cứ ngồi và tự hỏi: "Tại sao người ta không làm khác hơn"? Chúng ta nên gia nhập vào hạng thứ nhất và đừng để ý đến lời chỉ trích của kẻ khác, họ là những người không muốn động đến bàn tay đặng làm việc.
Những người nào chưa được Ngài thâu nhận làm đệ tử chính thức thì không thể làm vậy, song nếu họ thường tự hỏi như sau đây, thì họ sẽ được giúp đỡ nhiều lắm: "Thầy sẽ nghĩ việc này ra sao? Bởi vì không nên làm, không nên nói, hay không nên nghĩ điều nào mà theo ý mình, Thầy không làm, không nói, hay không nghĩ như thế được ".
Phải chân thật trong lời nói của con; phải nói cho đúng đắn và không quá lố.
C. W. L. Nếu chúng ta luôn luôn nhớ rằng chúng ta không bao giờ được nghĩ hay nói điều gì mà Ðức Thầy không nghĩ, không nói, thì trong đời sống chúng ta ít có cái chi cần phải sửa đổi. Có thể chúng ta phạm vài lầm lỗi trong việc xét đoán những tư tưởng hay những lời nói mà ta cho là của Ngài, nhưng về phương diện chung, đời sống của chúng ta sẽ trong sạch phi thường và sẽ đến gần Ngài. Chắc chắn có nhiều người tự nói rằng: "Nếu phải mất thì giờ để nghĩ như thế, thì không bao giờ tôi nói điều gì được cả ". Nếu họ im lặng, có lẽ thế gian không vì thế mà kém tốt đẹp: vì thường thường lời nói của con người vẫn không ích lợi gì cả. Nếu một người kia mỗi khi sắp nói điều chi, y đắn đo kỹ lưỡng về lời nói của mình và tự hỏi: "Ðức Thầy sẽ nói những lời như tôi sắp nói ra chăng"?, thì y sẽ ít nói hơn. Ban đầu, việc nhớ đến tư tưởng của Ðức Thầy đặng đối chiếu có thể mất thì giờ, nhưng khi đã thành thói quen rồi thì việc đó xảy ra mau như chớp.
Tư tưởng truyền đi nhanh như ánh sáng và có thể còn nhanh hơn nữa, như các nhà Vật Lý Học cho chúng ta biết, ánh sáng truyền đi khoảng 186 dặm Anh ( milles ) trong một giây đồng hồ, còn tư tưởng chẳng hạn từ Anh Quốc, cách đây 12.500 dặm, đến nhanh như tia chớp. Sự nhanh chóng của ánh sáng trong phạm vi Vật Lý Huyền Bí Học là một trong những vấn đề mà chúng ta mới vừa biết chữ thứ nhất. Chúng ta không ngớt thu hoạch những ý niệm mới trong Khoa Pháp môn và thí nghiệm một cách mò mẫm. Về điều này chúng ta giống như những nhà luyện kim thuở xưa mà sức cố gắng đã làm nảy sinh ra Khoa Hóa Học, khoa này đã dần dần trở thành một khoa học bao la gồm muôn ngàn sự vật. Tôi tưởng những thí nghiệm không chắc chắn của vài người ngày nay sẽ đem lại với thời gian một Khoa Huyền Bí Học mà sự phát triển sẽ hữu ích cho cõi đời rất nhiều.
Thường thường những tư tưởng của chúng ta chuyển động ít nhanh chóng hơn điều nó làm được, vì chúng ta không tập sử dụng nó riêng biệt khác hơn lời nói và hành động của chúng ta. Một trong những kết quả của sự tham thiền là tập cho chúng ta sử dụng riêng biệt với lời nói và sự hành động. Sự thành công đem lại những kết quả thật phi thường. Bà Tiến Sĩ Annie Besant có nghiên cứu vấn đề này một cách đặc biệt. Bà có nói trước mặt tôi rằng, trong những lúc diễn thuyết công cộng, khi Bà vừa thốt ra câu nào, thì câu kế tiếp hiện đến cho Bà dưới ba hay bốn hình thức khác nhau, Bà điềm tĩnh chọn lựa câu nào dường như có công hiệu hơn hết, trong khi Bà thốt ra câu trước. Rất ít có người làm được như vậy. Ðây là phải tách rời cách dùng tư tưởng ra khỏi sự hành động một cách nhanh chóng khó mà tính toán trước được. Như vậy người ta mới thấy điều đó dẫn đến đâu. Thật đáng cho chúng ta ra công khó nhọc tập sử dụng tư tưởng với tính cách là tư tưởng mà thôi. Khi tập lấy thói quen hết sức tốt đẹp này là suy nghĩ trước khi nói hoặc làm thì người đệ tử sẽ thấy rằng thời gian này chẳng những làm cho đời sống của y hòa nhịp với đời sống của Ðức Thầy, mà tư tưởng của y còn hoạt động một cách nhanh chóng và hữu ích nữa.
Chớ nên cho kẻ khác có ý muốn cái này, cái kia, duy chỉ một mình Thầy nó biết được tư tưởng của nó mà thôi; và có thể y làm như vậy là vì những lý do mà con không hề biết.
C. W. L. Mỗi người là một bí ngữ, dù cho đối với những người mà y thương yêu nhất cũng vậy. Và đôi khi, sau một thời gian khá lâu, bạn biết được những lý do hành động của y, thì thường thường chúng làm cho bạn rất ngạc nhiên. Ảnh hưởng chỉ huy Cái Trí của y là một yếu tố mà bạn không bao giờ nghĩ đến. Tôi quan sát điều này thường lắm có lẽ ở Ấn Ðộ nhiều hơn những nơi khác, vì trí óc người Ấn Ðộ khác với trí óc của chúng ta trên nhiều phương diện, và đa số các bạn Ấn của chúng ta có những tư tưởng mà người Anh không hề có, họ lấy chúng làm động lực. Trí óc họ hết sức tế nhị và sinh hoạt của họ căn cứ trên những truyền thống khác hẳn lối suy tư của chúng ta. Như thế, nếu trong dòng giống của chúng ta, không một người nào được phép tìm hiểu nguyên do của những lời nói hoặc hành động của bất cứ ai, thì điều đó quả là một điều bất cẩn quá đáng đối với ngoại quốc là nơi chúng ta gặp phải một nền văn minh hoàn toàn khác lạ. Nhiều sự hiểu lầm vô phương cứu chữa đã xảy ra cũng vì chúng ta bịa đặt ra lý do những hành động của kẻ khác. Chúng ta đừng làm như thế. Lý do của sự hành động nào đó không can hệ gì đến chúng ta, bận tâm đến nó vô ích.
Khi con nghe một câu chuyện nào có hại cho kẻ khác, thì đừng lập nó lại. Có lẽ câu chuyện đó không có thật, mà dù có thật đi nữa, đừng nói đến mới là nhân từ hơn.
A. B. Nếu sau khi đọc mấy hàng này, mà bạn còn nói hành ai, như thế là bạn đã vi phạm mệnh lệnh trực tiếp của Ðức Thầy đưa ra, vì mệnh lệnh đó đã truyền đến bạn và nó liên quan đến bạn. Cũng khá dễ làm thinh. Ðiều khiển Cái Trí có lẽ khó hơn, nhưng chắc chắn là bạn có thể làm chủ được xác thân bạn. Có thể câu chuyện phiếm của bạn không có giá trị lớn lao, nhưng nếu nó không đúng mà bạn cứ lập đi lập lại mãi, tức bạn nói dối và điều này rất nguy hại cho những người đang chuẩn bị để được Ðiểm Ðạo. Danh từ nói dối quả là nặng nề, nhưng đó là một việc và chúng ta phải đương đầu với nó.
Dĩ nhiên chúng ta không thể dùng đời sống của mình để xem xét coi những chuyện nhảm nhí đó có đúng hay không. Vậy điều thận trọng hơn hết là đừng bao giờ lập lại những chuyện đó. Chúng ta cũng đừng để ý đến việc nó có hại cho chúng ta, và cho tương lai của chúng ta. Giả sử chuyện đó có thật đi nữa, chúng ta cũng đừng nói gì hết, mới thật là nhân từ hơn. Tại sao bạn muốn hại người? Tại sao muốn lập lại những câu chuyện trình diện những kẻ khác dưới một phương diện bất hảo.
Ðành rằng, nếu chúng ta biết được một người nào đó là tay gian xảo hay bịp bợm định lợi dụng lòng tin cậy của kẻ thật thà, thì chúng ta có bổn phận phải cho người ta biết điều đó, hay là ít ra cũng phải báo cho những người đang bị đe doạ biết để đề phòng. Nhưng đó là một vấn đề khác hẳn với việc nuôi dưỡng câu chuyện ngồi lê đôi mách thường tình. Muốn làm tròn bổn phận đó, chúng ta cần phải hết sức lịch thiệp, kèm theo sự suy nghĩ chính chắn và loại ra mọi thù hận và mọi phẫn nộ.
Trước khi nói, phải suy nghĩ cho kỹ lưỡng, vì e không đúng với sự thật.
C. W. L. Ðiều này đã được truyền dạy từ nhiều năm nay, tuy nhiên các bạn đồng song của chúng ta cứ khăn khăn nói những điều không đúng với sự thật. Ðôi khi người ta nói thật thái quá: "Một vật cách đây một trăm thước chăng, họ nói ngàn dặm". Khi trời nóng hơn thường lệ, họ nói: "Trời nóng như thiêu như đốt". Phải là những người không biết rành rẽ ngôn ngữ của mình mới không tìm được những từ ngữ để mô tả mức độ dị biệt của tư tưởng, và phải nhờ đến những tiếng điên rồ, quái gở và dư thừa này để chứng tỏ mình còn kém giáo dục và nói không chính xác. Tôi tưởng rằng về điểm đó, chúng ta chớ tỏ ra bơ thờ, cẩu thả. Người ta có lý do cho rằng Ðấng Christ đã nói mấy lời này: "Ðến ngày phán xét (cuối cùng), con người sẽ biện giải về tất cả những lời nói vô ích mà họ đã thốt ra" [30].
Con phải thành thật trong việc làm, đừng bao giờ kiếm thế phô trương cái mà con không thật có, vì sự giả trá ngăn cản cái tinh quang thuần khiết của chân lý, tinh quang ấy phải xuyên qua lòng con cũng như tia sáng mặt trời giọi ngang qua tấm kiếng trong trẻo vậy.
A. B. Thực hiện sự chân chánh trong việc làm là điều rất khó khăn. Sự chân chánh này có nghĩa là không bao giờ làm điều gì trước mặt kẻ khác cốt để họ có một ý kiến tốt đẹp về mình. Khi bạn trơ trọi một mình, chớ làm điều gì mà bạn phải hổ thẹn khi ở trước mặt kẻ khác. Cuối cùng luôn luôn phải hết sức ngay thật. Hãy để cho kẻ khác thấy bạn đúng như thực chất của bạn và đừng tìm cách làm ra khác hơn vẻ thường ngày. Phần đông chúng ta có một thứ lý tưởng là muốn khoe mình cho thiên hạ thấy, bởi thế khi chúng ta trơ trọi một mình, chúng ta làm mọi chuyẹân nhỏ nhặt mà chúng ta không làm trước mặt kẻ khác, vì chúng ta có cảm tưởng rõ rệt rằng họ sẽ có hơi ngạc nhiên mà thấy chúng ta hành động như thế.
Mỗi khi bạn không sẵn lòng làm một chuyện gì bởi vì bạn không ở một mình, thì bạn hãy chống lại ý định đó. Nếu hành động của bạn tốt đẹp, thì bạn đừng quan tâm đến dư luận của bàng quan. Bằng trái lại, thì bạn đừng hành động. Có một lúc, tôi tưởng tôi phải có trước công chúng cái thái độ mà người ta mong mỏi thấy ở các tác giả hay ở một diễn giả v.v. . . Ðôi khi ý định này nảy sinh từ một lý do tầm thường. Ðây là một thí dụ. Trong khi vượt biển, tôi có thói quen đánh bài, theo ý tôi, đó là sự tiêu khiển vô hại. Một ngày kia, nảy sinh ra ý tưởng khiến tôi tự hỏi rằng những người hành khách nghĩ gì về tôi khi họ thấy tôi đánh bài buổi chủ nhật vì họ biết rằng tôi dạy Huyền Bí Học, việc đó có làm cho họ khó chịu không? Rồi tôi thầm nói: "Người ta thấy tôi hay không thấy, chẳng quan hệ gì. Nếu hành động của tôi xấu, thì tôi phải từ bỏ, bằng không dư luận của kẻ khác chẳng thay đổi nó được chút nào". Về phương diện này, Bà Blavatsky thật đáng phục , luôn luôn Bà làm theo ý Bà, không chút kể đến dư luận quần chúng. Nếu người ta nói rằng cử chỉ của Bà không phải là cử chỉ của một nhà Huyền Bí Học, thì điều đó có quan trọng gì? Dù sao những quan sát viên cũng không hiểu về chuyện đó.
Nhà Huyền Bí Học không làm ra bộ nghiêm trang và trọng thể, không cố làm mọi việc với vẻ cao sang, mặc dù người ta tưởng rằng họ phải có thái độ như thế. Những quan niệm thông thường về điều đó hoàn toàn sai lạc. Nhà Huyền Bí Học hết sức tự nhiên. Tôi thiết tưởng một trong những lý do quan trọng trong thời đại này để chúng ta sống một cuộc đời hoàn toàn chân thật và ngay thẳng là chúng ta có bổn phận góp phần nhỏ nhặt trong công việc dọn đường cho Ðức Chưởng Giáo sắp lâm phàm trong một ngày gần đây, hầu cho con đường này có lẽ được bằng thẳng một đôi chút. Vì các Ðấng Cao Cả không phải luôn luôn thích hợp với chân dung do con người tạc ra cho các Ngài. Các Ngài không chấp nhận khuôn khổ nào đã làm sẵn cho các Ngài, mà các Ngài đến để cải cách thế gian và thường thường các Ngài sửa đổi một cách triệt để những tư tưởng đang thịnh hành. Các Ngài quan tâm đến tánh tình con người nhiều nhất, nhưng luôn luôn không để ý đến những thành kiến của họ. Cuộc sống chân thật và ngay thẳng của chúng ta có thể dùng để chuẩn bị cho sự sinh sản những ý kiến, như thế Ðức Di Lạc lâm phàm, con người bớt nô lệ những thành kiến của họ và họ ít bị phẫn uất vì sao họ không được khác hơn. Vậy thì sự ngay thật hoàn toàn phải là đặc tính trong trạng thái của chúng ta, luôn luôn với điều kiện là đừng bao giờ rơi xuống thấp hơn lý tưởng của chúng ta. Chúng ta đừng lầm rằng cách chúng ta hành động trước mặt kẻ khác không quan trọng, mà chúng ta phải thận trọng và thành thật trong chỗ mật thiết cũng như ở giữa công cộng.
C. W. L. Thật hết sức đúng là đừng bao giờ giả bộ, và sự tự phụ nào cũng có tính cách giả dối, nhưng trong khi chúng ta cố gắng tránh khỏi tánh đó, chúng ta lại e rằng mình sẽ ngã vào sự quá độ đối lập. Ðôi khi nhiều người nói rằng: "Tôi là thế nào, tôi muốn tỏ ra như thế đó", rồi họ để lộ ra phần xấu tệ, rất thô tục và rất tầm thường nhất của họ. Lẽ tự nhiên cái đó chẳng phải là chân tướng thực sự của họ mà là sự mô phỏng rất thấp kém, rất xấu xa và đê tiện của con người thật sự. Cái gì cao thượng nhất, tốt đẹp nhất và thanh cao nhất, trong bản chất con người, chính là cái gần nhất với Chơn Ngã. Do đó, muốn sống một cách tự nhiên, chúng ta phải biểu lộ trạng thái tuyệt đẹp của mình.
Làm bộ sùng tín là một hình thức láo xược. Một người kia trước mặt bạn tỏ ra là một nhà Huyền Bí Học, nhưng đồng thời y lại nói nhiều về địa vị cao sang của y và lòng khoan dung của y; y cho biết rằng y có nhiều quyền năng phi thường và tìm cách làm cho những người nhẹ dạ cả tin khâm phục y, cũng như những nhà đạo đức giả thuở xưa: "Họ thích cầu nguyện trong Thánh Ðường và ngồi ở mấy góc đường để cho thiên hạ trông thấy". Họ cũng giống như những nhà Luật học và Tu sĩ Do Thái, giả vờ cầu nguyện rất lâu.[31] Bạn nên tin chắc rằng họ không phải là nhà Huyền Bí Học Chân chính. Nhà Huyền Bí Học chân chính không bao giờ giả bộ sùng Ðạo, mặc dù y đã quyết sống một cuộc đời đạo đức rất cao thượng hơn kẻ tự xưng là "người tự nhiên".
Thường thường người ta không biết Ðức Thầy vì người ta khăng khăng có một ý niệm Ngài phải như thế này hay như thế nọ. Nhưng có thể Ðức Thầy thực sự Ngài sống khác hẳn với những điều họ tưởng tượng, Ngài không theo thành kiến và tư tưởng của chúng ta. Ngài vẫn là Ngài, Ngài ngự trên cõi riêng của Ngài và nếu chúng ta nô lệ những thành kiến của mình, thì khi Ngài đến, có lẽ chúng ta không biết được Ngài. Vài người nhất định rằng Ðức Chưởng Giáo sẽ nói và sẽ làm điều gì và các Ngài xử sự ra sao. Bạn không nên để cho thành kiến ngăn cách bạn với Ngài. Chúng ta biết rằng Ngài sẽ dạy về thuyết Bác Ái, nhưng chỉ có Ngài quyết định phương thức và những chi tiết mà thôi. Chúng ta phải nhất định nhận ra cho được Ngài và sẵn sàng đi theo Ngài đến bất cứ nơi nào mà Ngài dắt chúng ta đi tới.