Con đừng ham những phép thần thông, con sẽ có, khi Chân Sư xét thấy đã đúng ngày giờ.
A. B. Nên hiểu rằng danh từ "phép thần thông" là tất cả những năng lực ý thức lấy vật chất tạo thành Xác Thân, Thể Vía, hay là Thể Trí làm trung gian để biểu lộ ra. Vậy tất cả những năng lực trí tuệ đều là những phép thần thông. Sự phân biệt giữa quan năng thường của trí tuệ phát sanh do từ bộ óc và nhiều thứ Thần Nhãn hoặc những quan năng tương tợ, đều sai lầm. Nhiều người nổi lên phản đối việc hoạch đắc những phép thần thông, trong khi hằng ngày họ sử dụng chúng do xác thịt làm trung gian. Họ trách cứ Thần Nhãn, mà họ dùng con mắt của xác thịt. Trách cứ Thần Nhãn là vô lý, trừ phi họ theo quan điểm của những người Yogi bên Ấn Ðộ; đối với mấy vị này những giác quan của xác thịt cũng như giác quan tinh thần đều là một chướng ngại. Lập luận của mấy người này thật đúng. Họ không thừa nhận giá trị giác quan nào của chúng ta, vì theo ý họ, thì chúng ta đưa họ tiếp xúc chặt chẽ với những thế giới của ảo mộng mà họ muốn vượt khỏi. Tôi không đồng ý với họ. Tôi thiết tưởng tốt hơn phải được tinh khiết và sử dụng quan năng của chúng ta trên tất cả những cõi Trời, nhưng trong khi chờ đợi cho thái độ căn bản của những nhà Yogi này được nhìn nhận, chúng ta thấy một phần lớn của những lời phản đối về phép thần thông đều phi lý.
Thật ra, khi bắt đầu dùng những giác quan của Cái Vía, luôn luôn có thể xảy ra sự sai lầm. Vả chăng những giác quan của xác thịt cũng có thể gạt gẫm chúng ta. Chẳng hạn vài ảo ảnh thị giác do sự tiêu hóa không được điều hòa và bệnh gan sinh ra, tôi vẫn không kể vào loại này, như các y sĩ đã làm, nhiều hiện tượng quả thật thuộc về thị giác của Cái Phách hay của Cái Vía. Một thí dụ dễ nhớ về việc giác quan gạt gẫm chúng ta là hiện tượng mặt trời mọc; bạn biết rằng mặt trời không mọc, nhưng bạn vẫn thấy nó mọc như thường.
Giác quan luôn luôn cần phải được lý trí điều chỉnh, vì lý trí cao hơn tất cả mọi nhận thức của giác quan. Thần Nhãn (sự thấy của Cái Vía) luôn luôn lừa gạt bạn khi bạn bắt đầu sử dụng nó. Vì vậy cho nên người nào được Ðức Thầy chỉ dạy cũng phải luyện tập một cách có phương pháp và đầy đủ. Người ta hỏi y về những điều đã thấy thì ban đầu những câu trả lời đều sai. Sau đó người ta chỉ cho y biết những chỗ sai lầm và giải thích cho y hiểu. Giả sử một người không được Ðức Thầy hướng dẫn, nhưng Thần Nhãn của y lại hoạt động. Ðó là trường hợp thường xảy ra. Sự mở mang những quan năng của Cái Vía phù hợp với trào lưu tiến hóa thường lệ, nên nhiều người đã bắt đầu có những giác quan này. Người có Thần Nhãn lên cõi Trung Giới cũng giống như đứa bé ở dưới cõi Trần. Bạn biết một đứa bé đưa tay lấy cây đèn cầy đang cháy đặt tận đầu phòng. Dĩ nhiên, sự lầm lạc của em được người lớn sửa chữa. Khi em đến gần vật ấy em sẽ thấy rằng vài vật hấp dẫn em vẫn ở xa em. Chúng ta có thể gọi người mới sử dụng những giác quan của Cái Vía là một đứa bé trên cõi Trung Giới, y bị lầm lạc nhiều lắm. Ðiều này không quan hệ gì nếu em ở chung với những bậc đàn anh, và cũng không có tai hại gì nếu chánh lý là một đức tánh phổ biến. Nhưng rủi thay! Người nhận được một sự truyền đạt từ cõi Trung Giới đưa xuống hay là có Thần Nhãn thường tưởng rằng mình đã cao hơn nhân loại do sự tiết lộ đặc biệt đã ban cho y. Về phương diện này y không học hỏi giáo lý như một đứa bé sẵn sàng tuân theo những lời chỉ dạy của các bậc đàn anh, cho nên do đó mới sinh ra nhiều điều phiền muộn.
C. W. L. Những vị đệ tử mới được Ðức Thầy thâu nhận thì thường thường phải chịu sự huấn luyện dài lâu về nhãn quan cao siêu và những cảm giác thuộc về cõi trên. Chắc chắn nhiều người nhận thấy công việc luyện tập này rất buồn chán. Một vị đệ tử cao cấp lãnh phần chỉ bảo cho vị tân tín đồ, đưa cho vị này xem một số đồ vật trước mắt và hỏi y thấy những gì. Ban đầu, hầu như y trả lời sai hết, vì y không nhắm đúng tiêu điểm của thị giác. Y không phân biệt được sự dị biệt của Cái Vía của một người chết với Cái Vía của người còn sống, giữa Cái Vía của người còn sống với hình tư tưởng của một người bạn phóng ra. Trên các phương diện này và nhiều phương diện khác, người quan sát thiếu kinh nghiệm không sao tránh khỏi sự sai lầm. Với sự nhẫn nại, vị huấn luyện viên chỉ cho y thấy nhiều lần những vật ấy và dạy y nhận biết chúng bằng cách chú trọng đến những điểm dị biệt nhỏ nhoi.
Một sự huấn luyện như thế rất cần thiết, nhưng bạn chớ kết luận rằng những giác quan của Cái Vía đặc biệt không chắc chắn, không tin được. Người ta không thể tin được bất cứ một giác quan nào khi nó không được huấn luyện, mà trí khôn thuần túy không được huấn luyện một lượt với nó. Mỗi ngày, nếu trời đẹp chúng ta dậy sớm, chúng ta có thể xem cảnh mặt trời mọc. Chúng ta biết rõ ràng rằng mặt trời không mọc, tuy nhiên, chúng ta lại thấy nó mọc. Những người ít suy luận đôi khi nói về những điều hơi quá mức kinh nghiệm bình thường như vầy: "Tôi không thể tin những điều tôi không thấy, chừng nào tôi thấy, tôi mới tin". Vài người đi xa hơn nữa nói: "Tôi tin chắc, nếu tôi rờ mó được". Chúng ta hãy lấy ba cái chén, rồi đổ vào đó ba thứ nước nhiệt độ khác nhau: nước thật nóng, nước đá và nước lạnh. Hãy ngâm một bàn tay này vào nước nóng và một bàn tay kia vào nước đá vài phút, rồi ngâm cả hai bàn tay vào nước lạnh. Bàn tay lúc trước ngâm trong nước nóng sẽ làm cho bạn biết rằng nước trong chén thứ ba thật lạnh, còn bàn tay kia lại cho rằng nước đó nóng lắm. Sự kiện này chứng tỏ rằng người ta không thể luôn luôn tin vào sự chứng tỏ của giác quan, mà cần phải kiểm soát lại bằng lý trí. Ðối với giác quan của Cái Vía và những giác quan của Cái Trí, cần phải được kiểm soát cũng như đối với giác quan của xác thịt.
Nếu một người kia ưa thích những phép thần thông, thì y phải chịu khó mở mang chúng, và thường thường phải trải qua nhiều năm luyện tập, mới có thể chắc chắn rằng quan sát của y rất đúng trong mọi trường hợp. Người ta khó tưởng tượng được trường hoạt động của nhãn quan này mở rộng đến đâu. Hãy lấy một thí dụ cũng đủ rõ. Trên cõi Trung Giới có 2401 loại Tinh Chất khác nhau và nếu muốn trở nên một chuyên viên thành thạo có thể làm việc giỏi và nhanh chóng, thì phải học cách phân biệt chúng và biết cách sử dụng chúng đúng lúc. Người ta có thể làm việc mà không có sự kinh nghiệm này, nhưng đó là một cách lãng phí, chẳng khác nào người ta xối một thùng nước trên mình một người để rửa ngón tay nhỏ của y.
Tuy nhiên, chúng ta được dạy rằng sự phung phí năng lực chính là một trong những điều lỗi lầm cần phải tránh. Năng lực là số vốn mà chúng ta có bổn phận phải gia tăng càng nhiều càng tốt. Chúng ta có trách nhiệm về sự phung phí nó, cũng như chúng ta sẽ có trách nhiệm trong việc để cho năng lực đó nằm yên vô dụng.
Một người đệ tử của Chơn Sư sẽ không nói như vầy đâu: "Tôi đã biết cái đó rồi". Chúng ta học hỏi điều đó trong một tinh thần khác. Sự khao khát hiểu biết của chúng ta vốn luôn luôn tột bậc, nhưng luôn luôn nhắm vào mục đích được phụng sự đắc lực hơn và được hữu dụng hơn. Ðó là nguyên tắc, chúng ta hãy tin chắc như thế, không có sự hiểu biết nào vô ích cho công việc của chúng ta phải đảm nhận. Tất cả những sự học hỏi đã hoạch đắc đều thường giúp nhà Huyền Bí Học đưa ra những dẫn chứng và thấu hiểu điểm này hoặc điểm khác, không vậy thì mấy vấn đề này sẽ không được rõ ràng. Người ta nói rằng khi cuộc tiến hóa này chấm dứt chúng ta sẽ hiểu biết tất cả; ít ra chúng ta cũng được giải thoát khỏi sự vô minh. Ðó là mục đích của tất cả những cố gắng của chúng ta và chắc chắn rằng chúng ta cần phải được học hỏi đến mức thâm diệu để đến lượt chúng ta, chúng ta sẽ thực hiện những công việc cao thượng một cách tốt đẹp. Trong khi chờ đợi, tốt hơn là nên sử dụng triệt để những quyền năng sẵn có của chúng ta và không nên ao ước những phép thần thông trước khi được Chơn Sư xét thấy đúng ngày giờ cho phép chúng ta khai mở chúng.
Sự cưỡng bách luyện tập để mở mang những phép đó, thường sinh ra đủ thứ phiền não. Người nào có những phép ấy thì thường bị bọn tinh linh [42] gạt gẫm làm cho lạc đường hoặc trổ tánh khoe khoang và tưởng mình không thể lầm lẫn. Dù thế nào, ngày giờ và năng lực của y bị hao tổn để luyện tập mấy phép đó, nên để làm việc giúp đời còn tốt hơn.
C. W. L. Những Tinh Linh gồm nhiều loại khác nhau, chúng đóng một vai trò quan trong trong thiên nhiên. Chúng thường có thân hình khá nhỏ bé [43] và cảm thấy thật thích thú khi khiến cho một người to lớn mạnh mẽ làm những điều chúng nó muốn. Khi chúng lừa phỉnh y, chúng chỉ tự xưng là Jules César, Napoléon Bonaparte hoặc bất kỳ một nhân vật nào quan trọng và vang danh mà chúng chợt nhớ đến và chúng rất thích thấy những người lớn, tiến hóa hơn chúng, lại tuân theo những lời khuyên của chúng. Thật vậy, những người này cũng đáng thương hại, nhưng lẽ ra họ phải dùng lý trí và lương tri để kiểm soát chỗ thấy của mình.
Nếu thỉnh thoảng bạn nghe một tiếng nói từ cõi Trung Giới đưa đến, bạn đừng vội kết luận rằng đó là tiếng nói của Chơn Sư hay của vị Ðại Thiên Thần. Những người chết thường tìm phương tiện để giao thông với chúng ta và cho những lời khuyên bảo. Cũng bởi những Tinh Linh (hay Ngũ Hành) luôn luôn thích đóng hài kịch, cho nên thường thường thì chắc chắn một trong bọn chúng đã thốt ra lời ấy. Vậy bạn hãy lắng nghe tiếng nói một cách thật bình tĩnh. Ðó là hiện tượng đáng chú ý, chẳng phải nó cần thiết vì có ích lợi cho chúng ta, nhưng bởi vì mỗi cơ hội khác thường đều có thú vị. Vả lại thường thường những chuyện thú vị như thế có tính cách giáo dục chúng ta. Nhưng bạn đừng khởi sự phủ nhận rằng không có sự giao thông, vì làm như thế không đúng lắm. Ðiều nào có thể không chắc có, nhưng tuyên bố là không thể có được thì tỏ ra không thận trọng. Bạn hãy kính cẩn lắng nghe sự tiệt lộ đó, nhưng đừng để nó ảnh hưởng chút nào đến hạnh kiểm của bạn, trừ phi có những lý lẽ chính xác về việc ấy. Hành động của chúng ta phải là kết quả của sự quyết định căn cứ trên tư tưởng và sự suy luận chớ không phải căn cứ trên lời nói của kẻ khác mà ta không biết là ai.
Nhiều người tiếp nhận được sự tiết lộ này, họ tưởng rằng chúng phải đổi mới thế gian. Ða số những tiết lộ này thật tốt, song nói một cách tổng quát, không có gì rõ rệt lắm. Chiều hướng chung là một hình thức mập mờ, một giáo lý viễn vông, bất định. Trong giới hạn này,thường thường những lời tiết lộ đó còn có giá trị hơn những giáo huấn chính thống quá thiển cận và hẹp hòi. Người ta thường thấy trong đó những dấu vết Thông Thiên Học hoặc Tư Tưởng Tân Tiến. Nhưng đó là Thông Thiên Học pha lẫn với nước, nhất là nước rất nhiều. Thường thường những sự thông báo này vốn do một hồn ma có lòng tốt đưa ra, vì y vừa học được vài sự kiện quan trọng có liên hệ với đời sống Dương trần nên y muốn chỉ bảo cho bà con thân thích còn ở Thế gian. Tin chắc rằng nếu những quan niệm cao siêu đó được người đời dung nạp, thì Thế gian sẽ trở nên thật tốt đẹp: y bèn tìm cách in sâu vào trí họ những quan niệm này, y giống như một người giàu trong truyện ngụ ngôn[44] đã nghĩ rằng: "Nếu có ai trở về từ cõi tử, thì thiên hạ sẽ ăn năn hối hận". Nhưng hồn ma ấy lại quên câu trả lời của ông Abraham rất khôn ngoan như sau: "Nếu họ không nghe Ðức Moises và các nhà tiên tri, thì họ cũng chẳng tin ai nữa, dù kẻ đó là một người chết đi sống lại" [45]. Hơn nữa, hồn ma quên rằng chính y hồi còn sinh tiền cũng không chú ý chút nào đến những thông điệp Thần Linh Học. Nếu những sự thông báo thuộc loại này gởi đến do theo đường lối của chúng ta - thì có thể tin chúng nó được, hoặc nhiều, hoặc ít, nếu chúng ta được gọi là những nhà tâm linh - chúng ta hãy nhận lấy với tất cả sự kính cẩn của mình, nhưng đồng thời không nên quá xao động. Có nhiều người, sau khi nhận được các thông điệp tưởng rằng chúng sẽ biến đổi được quả địa cầu! Nhưng việc đó thật là khó vậy. Khi các thông điệp ấy đến với chúng ta, chúng ta áp dụng vài phương sách để kiểm soát sự chân thật và giá trị của chúng nó. Phần đông người đời không có những phương tiện kiểm chứng tức khắc, nhưng nếu họ chịu lấy lương tri của họ xem xét những kinh nghiệm siêu linh đó, thì thường thường cũng tốt lắm rồi. Hầu như luôn luôn người ta chọn một trong hai thái độ này: hoặc người ta chấp nhận một cách mù quáng các thông điệp trên, hoặc họ nhạo báng chúng nó và cho là chuyện buồn cười. Hai thái độ cực đoan này đều vô lý. Miễn là ai có học hỏi những vấn đề đó thì biết được cái khả năng của những bức thông điệp ấy và cũng biết rằng hầu hết những thông điệp này xuất xứ từ những người không thể nói với chúng ta một điều gì mới lạ hay chính xác. Một hồn ma, nếu khá khôn ngoan, có thể hoạch đắc được vài điều hiểu biết mà hồi còn sinh tiền y không được phép học, nhưng hầu hết những người quá vãng đều bỏ qua cơ hội học hỏi này và đành chịu những sự hạn chế, có những thành kiến như lúc còn ở Thế gian.
Những kinh nghiệm trong địa hạt siêu linh đã trở nên thường xuyên hơn vì Ðức Chưởng Giáo sắp lâm phàm và sự kiện này trên các cõi trời đều biết. Tại cõi Trần, người ta sốt sắng trông đợi Ngài, ngay cả những người hoàn toàn ở ngoài hàng ngũ Thông Thiên Học. Nhiều người cảm thấy tính cách cấp bách của sự giáng lâm này, nên thái độ mong đợi của họ đã khiến họ có thể nhận được các thông điệp nhiều hơn trước. Vậy chắc chắn có nhiều ý kiến được loan ra, hoặc đúng hoặc sai, có liên hệ đến sự lâm phàm của Ðức Chưởng Giáo. Ðã lâu rồi, chính Ngài đã nói: sẽ có nhiều Ðấng Christ giả xuất hiện. Chắc chắn những người Thiên Chúa Giáo bậc trung cho rằng những Ðấng Christ giả này là những người nghịch với Chúa nhắm mục đích phỉnh phờ, lừa gạt thiên hạ. Nhưng không phải vậy; nhiều người trong đám những "Ðấng Christ giả" ấy là những người có ý muốn tốt đẹp, họ thành thật tưởng rằng bóng của Ðức Christ đã phủ trên mình họ, và chính hảo ý đó làm cho họ trở nên nguy hiểm hơn, vì thiên hạ cảm thấy sự chân thành của họ, nên nghe theo họ.
Thái độ của Thông Thiên Học đối với những "Chúa giả" có thể được bày tỏ như sau: "Tiếc thay cho ai để bị lừa gạt đến đỗi cho một người quá ư tầm thường là Ðấng Chưởng Giáo". Tuy nhiên, nếu lời chỉ dạy có chút ít giá trị và nếu thiên hạ hăng hái tuân theo thì đời sống của họ sẽ được tốt đẹp. Nếu trên vài điểm nào đó, những giáo lý ấy có những cảm tưởng sai lạc, thì mặc dù hạnh kiểm của họ có tốt đi nữa, họ cũng phải nhận lãnh Quả Báo của sự lỗi lầm. Tốt hơn là họ phải thấy rõ sự thật, nhưng chúng ta chớ nên phạm lỗi lầm là cho rằng sự sai lạc đối với một Chân lý quan trọng nào đó thì ắt phải kéo theo tất cả sự sai lạc của những điểm khác. Không hề đúng như thế.
Tuy nhiên, tôi hy vọng rằng chúng ta là sinh viên Thông Thiên Học, chúng ta sẽ tránh được lỗi lầm đặc biệt này, vì chúng ta chờ đợi sự lâm phàm của Ðức Chưởng Giáo một cách chính chắn và rõ rệt mà đa số giáo phái khác không có điều đó. Ngày giờ giáng lâm càng gần, chúng ta càng nên tỏ ra biết lẽ phải. Chớ nên bao giờ bác bỏ điều gì có thể có được, mà luôn luôn chúng ta phải sử dụng sự suy luận và lý trí của mình. Chúng ta phải chấp nhận thái độ của ông Gamaliel: "Nếu công việc này hay sự nghiệp này do con người làm ra, thì nó sẽ tự đổ vỡ, nhưng nếu nó do Trời tạo nên thì bạn không thể nào phá hủy nó được. Bạn chớ liều lĩnh chống lại Trời" [46]. Chúng ta hãy chấp nhận tất cả những gì tốt lành, dù cho nó bắt nguồn từ đâu.
Các Ðấng Chơn Sư ảnh hưởng đến nhiều người. Những khí cụ mà các Ngài dùng có biết được các Ngài hay không, điều này không mấy quan trọng. Vậy chúng ta hãy mong mỏi có những lực lượng hoàn toàn ngoài những tổ chức Thông Thiên Học cũng chuyên tâm lo lắng cho mục đích lớn lao chung. Chúng ta hãy theo con đường của mình, hãy cương quyết phụng sự Thông Thiên Học một cách vững vàng, trung thành và ngay thật. Khi chúng ta hiến mình cho công việc của Hội, hiển nhiên đó là công việc của chúng ta, nhưng hãy thận trọng và đồng thời đừng kết án hoặc chống đối với một tổ chức nào ngoài Hội. Chiều hướng chung của các tổ chức đó có thể giống nhau, nhưng chúng ta đừng đòi hỏi tất cả những sự biểu hiện tương tự phải được hoàn toàn trong sạch. Thần lực sẽ tuôn xuống cõi Trần bằng nhiều cách từ đây cho đến ngày Ðức Chưởng Giáo lâm phàm. Chính là Quần Tiên Hội đã rải xuống thế gian những nguồn thần lực chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất ít đối với những ai bận rộn trong vấn đề vật chất, và rất nhiều đối với những người nhạy cảm, còn đối với những người sẵn sàng lợi dụng nó, thì ấy là sự biến đổi trời, đất. Chắc chắn những biến cố đặc biệt sẽ xảy ra. Quyển Ánh Sáng Phương Ðông lại rất đúng với những bản Kinh Phật Giáo, khi đề cập đến cuộc đời của Ðức Phật. Quyển này lập đi lập lại nhiều lần tại sao các sinh vật khác nhau không thuộc về loài người lấy làm vui mừng khi biết được sự giáng lâm sắp tới của Ngài, và tại sao các vị Thiên Thần và các Tinh Linh (Ngũ Hành) cảm được ảnh hưởng từ điện phi thường của Ngài, nên mới hợp nhau lại lúc biến cố vĩ đại đặc biệt sắp xảy ra, như lúc Ngài ra đời, lúc Ngài đắc quả Phật và lúc Ngài chuyển pháp luân [47]. Ý nghĩ này chứa đựng một phần lớn chân lý. Mỗi khi xảy ra sự biểu hiện vĩ đại của uy lực cao siêu, thì những loại tiến hóa khác nhạy cảm hơn chúng ta đều cảm biết điều đó hơn chúng ta. Vì con người từ lâu lo mở Hạ Trí nên xao lãng việc học hỏi khía cạnh bí ẩn của tạo vật, họ chỉ rút vào bản thân, nên trong lúc này họ thường ít nhạy cảm hơn một số sinh vật thấp kém hơn họ. Tôi đã biết nhiều mèo và chó đã đáp ứng được những ảnh hưởng từ cõi trên ban xuống hơn con người, không phải chúng lợi dụng được ảnh hưởng đó đồng một mức độ với loài người, nhưng chúng cảm biết được, trong khi con người không hay biết chi cả.
Khi Ðức Chưởng Giáo đến, Ngài sẽ điều khiển công việc của những người đã chuẩn bị cho sự giáng lâm của Ngài và hoàn tất nó. Vậy chắc chắn Ngài vẫn giữ khuôn mặt dị biệt của thế giới trên mọi phương diện, như trước khi Ngài đến. Chẳng những Ngài giảng về Tôn Giáo Ngài, mà tất cả những sự cải cách khác đều có thể trở nên hoàn mỹ như là hậu quả của giáo lý Ngài. Dĩ nhiên, chúng ta không biết chính xác về vấn đề ấy, vì lần này cũng như ngày xưa, chắc là Ngài gặp sự chống đối.
Không có gì cho phép chúng ta nói rằng Ngài sẽ thuyết phục được toàn thể thế giới. Chắc chắn có nhiều nhà truyền giáo xuất hiện trước khi giáo lý thuần túy của Ngài được công nhận khắp nơi. Hai ngàn năm trước, khi Ngài giáng lâm, người ta nghe nói chút ít về Ngài. Chúng ta mong cho đời sống của Ðức Chưởng Giáo và những vị làm việc chung quanh Ngài, gặp toàn những việc dễ dàng. Người đời luôn luôn dễ đón tiếp và truyền bá những tiếng xấu. Do đó chúng ta sẵn sàng chịu đựng không biết bao nhiêu nỗi phiền muộn nhỏ nhen và những bực tức, khó chịu, nếu không phải quá tệ. Lẽ tự nhiên sẽ có lắm kẻ vì tư lợi chỉ trích những đề nghị cải cách của Ngài. Lần trước chính những kẻ vụ lợi ấy đã giết Ngài, sau khi Ngài truyền Ðạo mới vừa được ba năm. Chúng ta không thể biết được những gì sẽ xảy ra trong lần này, nhưng ít ra chúng ta cũng hy vọng rằng trong mỗi xứ có một người có thể làm cho Ngài quyết định ở lại với chúng ta lâu hơn ba năm. Hội "Ngôi Sao Phương Ðông" [48] đã đảm nhận nhiệm vụ đặc biệt là chuẩn bị cho sự lâm phàm của Ðức Chưởng Giáo. Hội biết rõ ý nghĩa của sự giáng lâm ấy và có lẽ cũng biết được những điểm chính của giáo lý Ngài. Có thể có nhiều cá nhân khác cũng như nhiều tổ chức khác cũng được cảm hứng và được dẫn dắt làm việc đồng chung một quan niệm, nhưng thường thường họ không có trong tay tất cả sự hiểu biết như chúng ta đã được đặc ân thọ lãnh. Chúng ta hy vọng rằng công việc của chúng ta khả dĩ mang lại những gì mà trước kia không có. Chúng ta mong như thế, nhưng không biết được điều đó sẽ ra sao. Chúng ta chỉ rán làm hết sức mình.
Những người có duyên lành cộng tác với Ðấng Ðại Từ Bi lẽ tự nhiên được đi đầu thai. Do đó chúng ta thường nghe nói đến những đứa trẻ phi thường ra đời. Những trẻ này phải sinh ra bây giờ, để đến tuổi trưởng thành là khi Ðức Chưởng Giáo đến. Trên vài phương diện có thể chúng không giống với những đứa trẻ khác. Vậy bạn đừng ngạc nhiên khi nghe người ta nói đến những đứa trẻ nhớ lại được tiền kiếp của chúng hoặc thực hiện được những kinh nghiệm siêu linh đặc biệt. Tất cả những việc này thật tự nhiên. Chúng ta phải trông đợi những việc ấy, vì chúng ta đang sống trong một thời đại đặc biệt. Có lần Bà Tiến Sĩ Besant đã giải thích cách chúng ta phải cư xử, khi biết được những trường hợp ấy. Bà nói rằng: "Bạn chớ để một sự việc nào như thế làm bạn mất bình tĩnh và đừng tin quá dễ dàng những lời tự nhận của những đứa trẻ này, vì rất ít người được biết chúng là ai trong những kiếp trước. Bạn nên nhớ rằng tất cả những trẻ ấy đều nhạy cảm lạ thường. Vậy bạn hãy đối đãi với chúng thật dịu dàng và hết sức tử tế. Dù trong trường hợp nào cũng đừng nói với chúng một lời thô lỗ hoặc tỏ ra một cử chỉ cộc cằn nào. Cũng đừng bao giờ làm chúng giật mình hoặc kinh sợ, vì chúng thụ cảm những điều này mau lẹ hơn những trẻ khác. Bạn hãy giữ gìn chúng đừng cho tiếp xúc với đám đông và gần gũi những kẻ xấu xa. Chớ cho chúng quen biết với nhiều người. Bạn hãy bao bọc chúng trong một luồng từ điển điều hòa và không quá thay đổi thường xuyên. Bạn đừng đưa chúng vào trường mà hãy bao quanh chúng trong bầu không khí thân ái đặc biệt của gia đình.
A. B. Nơi đây Chơn Sư còn đưa ra thêm một lý do để đừng ham muốn những phép thần thông: thời giờ và năng lực dành cho việc mở mang chúng có thể dùng để làm việc giúp đời. Bạn hãy để ý: thường thường những lời khuyên của Ngài đều căn cứ trên sự cần thiết phải phụng sự và loại bỏ sự ích kỷ dưới mọi hình thức. Thay vì dùng thì giờ và sinh lực của bạn để luyện những phép thần thông cho mình, thì bạn hãy dùng nó để giúp đỡ những người xung quanh. Nếu Ðức Thầy của bạn nhận thấy tất cả những năng lực của bạn đã được dùng vào việc phụng sự kẻ khác và nếu Ngài xét rằng có thể giao cho bạn những phương tiện hoạt động phụ thuộc khác và chắc ý là bạn sẽ dùng nó với mục đích vị tha như trước, thì chừng ấy Ngài sẽ giúp bạn. Nếu bạn có thể nói một cách hết sức thành thật rằng tất cả những quan năng của bạn đều được sử dụng, thì bạn hãy tin rằng đã sắp đến ngày giờ bạn được trao cho những phép thần thông mới lạ. Nhưng rất ít người có thể nói được như thế, và nếu bạn không thuộc vào những hạng người này, thì bạn hãy gắng công đạt cho được điều kiện đó.
Ðây là ý nghĩa của bài ngụ ngôn "những tiền tệ" (talents) danh từ tiền tệ được áp dụng như nhau theo ý nghĩa đời nay cũng như đời xưa, tức là để ám chỉ một sức nặng hay là một số tiền nào đó. Một người kia đi du lịch và giao cho những người giúp việc một số tiền: người này lãnh năm đồng, người khác thì hai đồng và một người nữa thì một đồng. Khi trở về người chủ mới hỏi cách chi dụng các món tiền đó. Những người nắm giữ năm đồng và hai đồng biết làm sinh lợi và hoàn lại cho chủ với số lời. Còn người giữ một đồng lại giấu đi, rồi đem trả lại. Thế rồi người chủ thu hồi đồng tiền đó lại, còn những người kia được giao cho những số tiền quan trọng hơn và vị chủ nhân nói rằng: "Người ta cho thêm kẻ nào có, và y được dư dả, còn kẻ nào không có, người ta sẽ lấy ngay cái gì y đã có" [49]. Câu này có vẻ trái ngược với chánh lý, nhưng theo Huyền Bí Học, ý nghĩa của nó lại rõ ràng. Kẻ nào sử dụng triệt để quyền năng của mình sẽ được giao phó thêm những quyền năng khác nữa. Kẻ nào không sử dụng quyền năng của mình, kẻ nào trên phương diện Pháp Môn không có quyền năng thì y sẽ mất luôn khả năng sử dụng chúng. Chúng sẽ hao mòn suy nhược.
Không ai được than phiền sao mình không nhận được mọi sự giúp đỡ của Ðức Thầy mà mình tự cho là có quyền thọ lãnh. Nếu bạn muốn giao thiệp với những vị Ðại Giáo Chủ, thì chỉ có một phương sách duy nhất là phải hữu ích cho đồng loại. Ðó là quyền độc nhất được các Ðấng Chơn Sư nhìn nhận. Các Ngài không kể tài năng mà chỉ nhắm vào sự hữu dụng. Tôi đã được giao thiệp với Ðức Thầy trong kiếp này, mà trước đó tôi không biết sự hiện hữu của Ngài nên tôi không thể nghĩ đến việc gặp Ngài. Quả thật tôi là đệ tử của Ngài trong nhiều kiếp rồi, nhưng không phải vì lẽ đó mà Ngài hiện đến với tôi. Nhưng Ngài hiện đến vì tôi đã đem tất cả năng lực của tôi để giúp đỡ những người chung quanh - những người nghèo khổ, những người khốn cùng, những người bị áp bức - vì Ngài xét thấy đáng ban thần lực xuống cho tôi, để tôi chuyển di cho cả ngàn người khác.
Bởi đó, thay vì trong lúc tham thiền bạn cầu khẩn Ðức Thầy bạn, xin Ngài hiện đến với bạn, thì bạn hãy tìm công việc nào hữu ích trong làng xóm hoặc đô thị của bạn, rồi bạn đảm nhận và hoàn thành việc ấy. Ðối với Ðức Thầy, việc công cụ của Ngài [50] có biết Ngài dùng nó hay không thì không quan trong mấy. Khắp nơi trên thế giới đều có những vị đại ân nhân của nhân loại được Ðức Thầy giúp đỡ và linh cảm. Nhiều người ở ngoài Hội Thông Thiên Học cũng nhận được nguồn cảm hứng như thế.
Những phép thần thông sẽ đến với y theo trào lưu tiến hóa. Thế nào chúng cũng phải đến với y. Nếu Chơn Sư thấy những phép ấy hữu ích cho con sớm hơn, Ngài sẽ chỉ cách cho con luyện tập mà không tai hại gì cả. Từ đây đến đó, tốt hơn là con đừng có mấy phép ấy.
C. W. L. Người ta thường nói: "Tôi nghe rằng ai luyện được những phép mầu thần thông thì thành ra người hết sức hữu ích. Tôi muốn giúp ích cho đời, tôi muốn có những phép ấy". Sự ao ước này không có chi đáng trách cả. Nhưng tốt hơn là nên tuân theo lời khuyên bảo của Ðức Thầy ở đây và chờ cho những phép thần thông đến một cách tự nhiên, hoặc chờ cho chính Ngài dạy ta cách mở mang chúng nó. Mà Ngài sẽ thực hiện điều đó không? Dám chắc như thế, khi nào bạn đã sẵn sàng. Chính sự kinh nghiệm riêng của tôi cho phép tôi tin như thế. Tôi không có một phép thần thông nào cả và tôi cũng không nghĩ đến chúng, bởi lúc phong trào Thông Thiên Học bắt đầu hoạt động, chúng tôi tưởng rằng việc hoạch đắc những phép thần thông chỉ dành riêng cho những người lúc sinh ra đã có một mức độ nào đó về năng khiếu tâm linh, chớ không phải trường hợp của tôi. Tuy nhiên, một hôm Ðức Thầy đến viếng Adyar, Ngài đề cập đến vấn đề đó và khuyên tôi thử thực hành một lối tham thiền và nói rằng: "Thầy tưởng con sẽ đạt được kết quả tốt với lối tham thiền ấy". Tôi đã cố gắng và có kết quả sau đó. Ðức Thầy sẽ đưa ra lời chỉ dạy như thế đối với những người làm việc cho Ngài, khi Ngài xét rằng đúng ngày giờ. Chúng ta có thể xem như điều này chắc chắn sẽ xảy ra. Chúng ta không thể tiên đoán Ngài diễn tả ý muốn của Ngài dưới hình thức nào, nhưng Ngài sẽ cho chúng ta biết bằng cách này hay bằng cách khác.
Phương thức tốt hơn hết giúp chúng ta thực hiện được sự cố gắng đó, chắc chắn là sự hy sinh trọn vẹn tất cả tài năng của mình vào việc phụng sự. Những người làm như thế mà không còn nghĩ đến chính mình, nhất định sẽ nhận được những quyền năng mới khác.
Ðó cũng là bài ngụ ngôn xưa về tiền tệ. Những kẻ tôi tớ nào sử dụng khôn ngoan số tiền của mình thì sẽ thấy mình có thể tiếp tục như thế và sẽ được giao phó phần việc quan trọng hơn. Người ta nói về họ như vầy: "Ngươi đã trung thành trong việc nhỏ, Ta sẽ uỷ thác cho ngươi nhiều hơn. Ngươi hãy hòa mình trong sự hoan lạc của Thầy ngươi" [51] . Ít người chịu khó tìm hiểu ý nghĩa mấy lời này: Thế nào sự hân hoan của Thượng Ðế, sự hân hoan của Ðức Thầy? Hân hoan ấy không phải là sự vui thú hay hạnh phúc mơ hồ hay là việc vào cõi Thiên Ðàng. Sự hân hoan của Ngài là việc tạo lập các thế giới. Ðó là trò chơi của Bacchus trong chuyện thần thoại Hy Lạp, đó là trò chơi của Krishna theo người Ấn Ðộ. Ðức Thượng Ðế thích đảm trách sự tiến hóa, là công trình vĩ đại này. Ðó là sự hân hoan của Ngài, sự hân hoan trong việc thực hiện một chương trình cao cả của Ngài và việc ban rải tình thương của Ngài khắp vũ trụ. Nếu chúng ta muốn tham dự vào sự hân hoan của Ðức Thượng Ðế, chúng ta phải tham gia công nghiệp này và hạnh phúc do công việc ấy tạo nên. Nếu chúng ta không sử dụng tất cả những năng lực sẵn có của mình thì Chơn Sư sẽ không giúp chúng ta đạt được những quyền năng khác. Ngài chờ đến lúc Ngài thấy chúng ta sử dụng một cách tốt đẹp nhất những gì chúng ta đã có. Luôn luôn người ta vẫn hiểu như thế. Họ muốn thành những người cứu trợ vô hình. Chúng ta luôn luôn nói với họ rằng: "Trước hết bạn phải là những người cứu trợ hữu hình. Nếu tại cõi Trần là nơi bạn hoàn toàn có ý thức, bạn đã hy sinh trọn vẹn đời bạn cho công việc phụng sự, thì chừng đó chắc chắn bạn cũng sẽ là người hữu ích ở mấy cõi khác".