Còn một sự ham muốn thông thường phải bài trừ một cách nghiêm khắc là xen vào chuyện thiên hạ. Ðiều nào kẻ khác làm được, nói được hay tin được không can hệ tới con, con hãy tập cho quen tánh để y làm trọn vẹn một mình theo ý y muốn. Ngày nào y không can dự vào chuyện thiên hạ, thì ngày đó y còn quyền tư tưởng, nói năng và hành động tự do. Con đây cũng vậy, con yêu cầu được quyền tự do làm điều nào mà con tưởng rằng tốt, vậy con cũng phải để cho kẻ khác được tự do như con vậy, và nếu người ta dùng quyền tự do của người ta, thì con không được phép kích bác.
C. W. L. Ðừng can thiệp vào chuyện tín ngưỡng và hành động của kẻ khác, khi mà dĩ nhiên những chuyện ấy không trái ngược với quyền lợi chung. Nếu một kẻ nào đó làm cho những người đến gần y đều phiền hà, không chịu nổi y, đôi khi chúng ta có bổn phận đưa ra ý kiến, tuy nhiên dù trong trường hợp đó, thường thường tốt hơn là chúng ta nên rút lui và để cho sự việc tự dàn xếp một cách êm ái.
Thuộc về giống dân Anglo-Saxon (Anh Nhật-nhĩ - man) [53], chúng ta rất hãnh diện về quyền tự do của mình, nhưng thật ra chúng ta không được tự do chút nào, vì những tập quán trói buộc đến một mức độ gần như không thể tưởng tượng được. Chúng ta không ăn mặc hoặc lưu thông theo ý muốn. Chẳng hạn một người thích ăn mặc theo lối cổ Hy Lạp - có thể y phục đó là một trong những y phục đẹp nhất từ trước đến nay - nếu y ăn mặc như thế ra đường, thì đám đông có thể bu quanh y, và y có thể bị bắt giữ vì đã gây trở ngại cho sự lưu thông. Trong bất cứ xứ tự do thật sự nào, y có thể ăn mặc và hành động theo ý mình, với điều kiện là không làm phiền kẻ khác. Nhưng không, không có tự do thật sự; chúng ta không thể tách khỏi con đường của tất cả mọi người đều đi, hoặc đi lệch ra một chút mà không gây nhiều nỗi khó khăn và xáo động. Ðó là điều đáng tiếc vậy. Sự hoàn toàn tự do rất tốt đẹp đối với tất cả mọi người nhất là đối với những ai muốn can thiệp vào công việc của kẻ khác.
A. B. Ða số chúng ta đều đúng đắn và nhiệt thành, chúng ta tin chắc giá trị và sự học hỏi của chúng ta, chúng ta xác nhận một cách hợp lý sự quan trọng tối cao của nó, và chắc chắn chúng ta muốn kẻ khác chia xẻ những tình cảm của mình, đôi khi chúng ta hầu như muốn ép buộc họ nghe theo chúng ta nữa. Ðó là sự lầm lỗi chung của tất cả những người bẩm chất nhiệt thành. Một người kia có thể tiếp nhận một cách vui vẻ những gì mà chính y đã biết, mặc dù trí óc y có thể không biết điều đó và không thể tỏ bày cho y được. Trước khi chấm dứt thời kỳ dự bị ấy, y không thể thu nhận một chân lý nào từ bên ngoài đến; và muốn cưỡng bách y phải theo nó là làm hại y hơn là làm lợi.
Cũng thế, tâm thức không thể được sáng tạo nhờ một ảnh hưởng bên ngoài. Nó chỉ là kết quả của những kinh nghiệm quá khứ. Vậy chấp nhận một giáo lý nào hay một lời khuyên nào là biểu hiện sự trình bày bên ngoài đã đánh thức những ý niệm sẵn có trong con người qua bộ óc như một làn chớp. Về phương diện này, vai trò duy nhất của vị Huấn Sư là mang đến cho con người tại cõi Trần, những ý niệm mà con người đã biết ở mấy cõi khác. Một trong những Ðại Giáo Chủ đã cho biết rằng không ít bài học về Thông Thiên Học đã được giảng dạy cho nhiều người trong giấc ngủ của xác thịt họ. Vậy "con người thật" học hỏi và những ý niệm đã được thu thập rồi trong giấc ngủ có thể được một vị Huấn Sư giảng dạy lại một lần nữa tại cõi Trần, những lời giảng dạy ấy sẽ giúp cho những sự hiểu biết thâm nhập vào bộ óc. Vị Huấn Sư tại cõi Trần không thể làm gì hơn thế được.
Nhờ những sự thất vọng tiếp diễn, mà chúng ta biết rằng không thể giúp con người bằng cách muốn cho họ đi vào con đường mà họ chưa được chuẩn bị trước. Như thế chúng ta sẽ rất yên lòng, và chúng ta cũng sẵn sàng giúp đỡ khi nhận thấy điều đó có thể hữu ích, hoặc sẵn sàng tránh xa trong trường hợp biết trước sự giúp đỡ của mình vô hiệu, nghĩa là trường hợp người ta không lợi dụng được ý kiến của chúng ta. Ðứng trước thái độ này, những người không hiểu biết thường kết luận rằng chúng ta lãnh đạm, nhưng thực ra người tiến hóa cao phân biệt một cách chính xác trường hợp nào có thể giúp đỡ được và trường hợp nào nên rút lui.
Nếu không biết phải hành động thế nào cho chính đáng, thì nên áp dụng những phương thức thí nghiệm. Bạn hãy đưa ra một ý kiến. Nếu ý kiến này được tiếp đón một cách lãnh đạm hoặc bị bác bỏ, bạn nên hiểu rằng trên đường lối đó bạn không thể giúp đỡ kẻ đối thoại của bạn. Bạn hãy chờ đợi hoặc thử dùng một phương sách khác, tùy trường hợp. Làm như thế còn tốt hơn là đưa tất cả những sự kiện hiểu biết của bạn cho người ấy. Bạn đừng trấn áp hoặc đè nén tinh thần y bằng cách trút đổ toàn thể những sự hiểu biết của bạn lên y, hoặc cố gắng bắt buộc y phải thu nhận nó. Những người thường đòi hỏi phải cho họ được tự do, nhưng họ ghê tởm một cách kỳ lạ, khi họ phải để cho kẻ khác tự do. Ðó là một lỗi lầm lớn lao, vì kẻ khác cũng như chúng ta vẫn được quyền có những ý kiến riêng biệt và phát biểu như chúng ta.
Ðôi khi, đó là một lỗi lầm ngược lại. Ði từ cực đoan này đến cực đoan khác, bạn đừng nghĩ rằng bạn phải chấp nhận ý kiến của thiên hạ. Sự phê phán khác biệt nhau tuyệt nhiên là điều chính đáng. Bạn có thể nói với tất cả sự thành thật của mình: "Không, tôi không đồng ý về điều đó ", hoặc bạn có thể giữ im lặng. Nhưng có điều bạn nên tránh là công kích kẻ khác vì y binh vực ý kiến riêng của y. Ðứng trước một sự quả quyết nào đó, bạn hãy bắt đầu tự vấn lương tri của bạn và luôn luôn dùng lý trí xem xét nó. Bạn hãy để cho mọi người được tự do. Song bạn phải tự chủ, không lệ thuộc ai cả.
Nếu con tưởng rằng y làm quấy và con có dịp tỏ riêng với y thì phải nói một cách hết sức lễ phép, vì cớ nào con không nghĩ như thế. Có lẽ con làm cho y tin được, nhưng trong nhiều trường hợp, can thiệp như thế cũng không phải cách nữa. Dù thế nào con cũng đừng đem chuyện đó nói với một người khác, vì làm như thế thật sái quấy lắm.
A. B. Ðôi khi bạn có thể giúp đỡ một người mà bạn biết đang đi vào con đường sai lầm về đạo lý; nhưng ở đây cần phải hết sức thận trọng, vì trong nhiều trường hợp tương tự như thế rất dễ làm hại hơn là làm lợi. Chắc chắn sự giúp đỡ như thế phải được thực hiện một cách đặc biệt và hoàn toàn thân mật, theo lời chỉ dẫn của Ðức Thầy. Nếu kẻ đối thoại của chúng ta đã có sẵn một định kiến, chúng ta chỉ có thể để y tự học bằng sự kinh nghiệm. Mà may thay kinh nghiệm là một ông thầy hết sức giỏi.
Một người có ý tưởng sai lầm đến trình bày với bạn. Rất vô ích mà nói rằng ý tưởng đó không có giá trị chi cả, trừ phi bạn chắc chắn rằng y tin tưởng vào sự phán đoán của bạn hơn là của y, hoặc ít ra y cũng chú trọng đến lời khuyên giải của bạn. Trong nhiều trường hợp, chính người ấy phải tự khám phá chỗ sai lầm của y và tốt hơn chúng ta đừng ngăn cản y làm công việc đó. Người ta thường đến tìm tôi và báo vài điều tiên tri mà họ cho là quan trọng. Thường thường tôi lắng nghe một cách điềm tĩnh và lễ độ song không bày tỏ một ý kiến nào. Ðến khi lời tiên tri không ứng nghiệm, nhà tiên tri tự thấy rằng mình lầm lạc, nhưng phải để cho y tự kết luận. Những câu chuyện như thế không thể tránh khỏi khi có nhiều người học hỏi Huyền Bí Học. Thường thường họ bị lạc đường vì sự phán đoán của họ đã mất nền tảng cổ truyền. Họ tự hỏi vì sao bao nhiêu tiêu chuẩn của họ sắp vỡ từng mảnh trong tất cả những trận địa chấn này. Trong trường hợp như thế, việc duy nhất nên làm là không được vội vã, phải yên lặng giữ bình tĩnh và thăng bằng. Tất cả sẽ dần dần sáng tỏ, sự giả trá và sai lầm sẽ tiêu tan, và sự chân thật sẽ tồn tại.
Nếu con thấy ai làm hung ác với một đứa trẻ con hay là một con thú, thì con có bổn phận phải ngăn cản.
A. B. Sự can thiệp trong trường hợp này phải là một bổn phận, vì sức mạnh mà hà hiếp sức yếu thì y có bổn phận phải bảo vệ, bởi chính sức yếu không thể tự bảo vệ cho mình. Như thế mỗi khi một đứa trẻ hay một con thú bị hành hạ, kẻ mạnh hơn có bổn phận phải can thiệp, không cho kẻ bị hiếp đáp mất quyền của nó và khổ sở vì bị kẻ khác tước đoạt tự do. Vậy khi bạn thấy một đứa trẻ bị đối xử tàn bạo, thì bạn nên luôn luôn phản đối và cố gắng can thiệp cho có hiệu quả.
Nếu con thấy ai vi phạm phép nước, thì con phải báo cho nhà cầm quyền biết.
C. W. L. Người ta đã bàn luận nhiều về đoạn này, và do đó nhiều người đã bất bình. Ðiều này cũng là, vì thật ra, nếu bạn im lặng trước một trọng tội, thì trước hay sau sự việc xảy ra tùy theo trường hợp, bạn vẫn là kẻ đồng lỏa và luật pháp kết tội bạn như thế. Nhưng người ta có thể nói rằng: "Phải chăng chúng tôi dọ thám kẻ khác để biết họ có vi phạm phép nước hay không"? Chắc chắn không phải như thế. Bạn không phải là những cảnh binh có phận sự truy tầm kẻ thủ phạm.
Pháp luật bảo đảm sự đoàn kết trong cả nước. Nó thiết lập trật tự cho sự lợi ích chung. Vậy mỗi công dân đều có bổn phận giữ gìn luật pháp. Tuy nhiên mọi người phải sử dụng lương tri của mình. Không ai cho rằng mình phải tuân theo những luật lệ cổ hủ, dù chúng được lưu giữ trong các văn bản. Không cần phải chịu khó thông báo những sự vi phạm nhỏ nhặt. Chúng ta hãy lấy một thí dụ về việc vi phàm quyền tư hữu. Nếu bạn thấy một người nào băng ngang vườn kẻ khác đặng đi tắt, tôi tưởng rằng bạn không cần phải đi thưa gởi. Nếu người ta hỏi bạn, thì dĩ nhiên là bạn phải thuật lại sự kiện ấy. Một thí dụ khác nữa: đó là luật cấm buôn lậu. Tôi tưởng rằng một công dân tốt phải tuân theo luật đó và không nghĩ đến việc buôn lậu một thứ gì. Ðồng thời, nếu một người bạn đồng hành của tôi tìm cách buôn lậu thuốc hút hay một món hàng hóa tương tợ khác, thì ắt hẳn tôi không có bổn phận đi tố cáo với nhà chức trách, vì vấn đề vi phạm luật không làm hại đến ai cả.
Riêng cá nhân tôi, tôi không vi phạm luật ấy, vì tôi nghĩ rằng luật pháp được thiết lập để chúng ta tuân hành. Nếu nó không thích hợp, cần phải tu chính, thì phải căn cứ vào đường lối của Hiến Pháp. Có vài điều luật khó tuân giữ. Ở vài xứ việc chủng đậu bị bắt buộc. Riêng tôi [54], tôi không đồng ý và chỉ ưng thuận khi bị cưỡng ép, bởi tôi thích vào tù hơn là chủng ngừa, vì đó là việc làm không tốt. Trong mọi vấn đề mỗi người phải hành động theo ý mình.
Bên Ấn Ðộ, những án mạng được mục kích phải phúc trình bằng cách kể lại một cách chính xác. Dĩ nhiên, những tội ác này đều quan trọng. Kẻ chứng kiến một vụ sát nhân hay một hành vi cướp bóc có bổn phận phải báo cáo lại, nhưng trong nhiều trường hợp không quan trọng không cần làm như thế. Theo luật pháp Ấn Ðộ, người ta không cho mình là đồng lõa nếu không báo cáo lại một số việc nhỏ mọn.
A. B. Khi thấy luật pháp bị vi phạm, mọi người công dân đều có bổn phận phải ngăn cản. Ðó là một trong những trách nhiệm sơ đẳng. Tuy nhiên, một ngày kia lời dạy này đã bị cãi cọ. Một sinh viên đến tìm tôi và cho rằng trong sách có một câu mà em không đồng ý, vì nó biểu lộ sự tọc mạch, một sự do thám trong mọi công việc của kẻ khác. Thật ra, câu ấy không có nghĩa gì giống như thế cả, nhưng nếu bạn thấy ai vi phạm luật nước, thì phải can thiệp, vì luật pháp giữ gìn sự kết hợp của một dân tộc, nó thiết lập và bảo vệ trật tự, và tạo ra một sợi dây liên hệ giữa mọi người dân. Như vậy mọi người đều có bổn phận bảo vệ pháp luật. Không ai có quyền che giấu một án mạng sắp diễn ra. Nếu hành động như thế, người ta sẽ trở thành kẻ tòng phạm. Thường thường điều đó được mọi người công nhận, nếu ai thấy tội ác diễn ra mà không cấp báo, sẽ bị xem như đồng lõa trước pháp luật và sẽ bị luật pháp trừng trị. Tôi phải giả định rằng em sinh viên ấy không thật cân nhắc những lời nói của em, vì một nước mà người công dân không nhận thức được bổn phận sơ đẳng này và trốn tránh nó, thì nước ấy sẽ rơi vào chỗ suy vong vì không có tinh thần công cộng.
Nếu con lãnh phần giáo hóa người nào, thì con có bổn phận phải chỉ cho y biết lỗi của y một cách dịu dàng.
C. W. L. Ðó là lẽ tự nhiên. Sở dĩ một đứa trẻ, một học sinh, một người giúp việc được đặt dưới quyền chúng ta, bởi vì chúng ta trưởng thành và khôn ngoan hơn. Nếu chúng ta không chỉ những lỗi chúng đã phạm phải, chúng không thể lợi dụng được sự hiểu biết và kinh nghiệm của chúng ta. Do đó chúng ta thiếu trách nhiệm đối với chúng và xao lãng bổn phận mà chúng ta phải chu toàn vì chúng ta được đặt để trên chúng nó.
Trừ ra những trường hợp trên đây, thì con phải lo lắng việc riêng của con và tập lấy đức tánh im lặng.
A. B. Nếu lời giới răn này được tuân hành thì xã hội sẽ đổi khác biết bao! Thay vì luôn luôn đề phòng những kẻ lân cận, một người kia sống cuộc sống riêng của mình một cách tự do và cởi mở, vì những tôn trọng yên tĩnh lẫn nhau sẽ có thể hành động theo ý riêng của mình. Lòng khoan dung và thiện chí sẽ thay thế việc can thiệp vào chuyện của kẻ khác và chỉ trích nhau. Hiện nay giống dân thứ năm của chúng ta đang chi phối thế giới, là giống dân hay gây hấn, hiếu chiến và hay phê bình, chỉ trích, nhưng chúng ta phải cố gắng sống như con người trong những thời đại tương lai, tức là như giống dân chánh thứ sáu. Muốn được như thế phải thực hành đức khoan dung và lòng nhân hậu tích cực. Ðiều này dẫn đến ý niệm về tình huynh đệ đại đồng, là nguyên tắc căn bản của giống dân thứ sáu.
C. W. L. Hình như không khó khăn gì mà lo lắng cho công việc riêng của mình, nhưng rất ít người làm được. Ðoạn này có nghĩa là phải lấy thái độ chung về đức khoan dung và thiện chí thay thế cho những điều tệ hại hiện nay đang lan tràn, tôi muốn nói tinh thần hay can dự vào việc kẻ khác và hay chỉ trích. Người nào hành động một cách hoàn toàn khác lạ hơn bình thường, tôi e rằng nhiều người sẽ kết luận ngay là y làm như thế vì những lý do tồi tệ. Không phải như thế: có thể y có lý do riêng. Hơn nữa, ít ra y không phạm phải một hành động bất chính rõ ràng hoặc xen vào công việc của kẻ khác, thì chúng ta nên để y đi theo con đường của y và hành động theo sở thích của y.
Cũng giống như những thói xấu khác hiện nay, nguyên nhân chính của tật xấu ấy là sự thái quá của những tánh đặc biệt thuộc về giống dân chánh thứ năm và giống dân phụ thứ năm của giống dân này. Giống dân của chúng ta đang mở năng lực chỉ trích thuộc về Hạ Trí và sự phát triển này tiến quá xa sẽ sinh ra tánh công kích, gây gổ và lý sự. Còn những người nhắm vào sự tiến hóa về phương diện Huyền Bí Học thì phải mở Bồ Ðề Tâm, ấy là đức tánh Hợp Nhất, đó là đức tánh tổng hợp, chớ không phải sự phân tích và cố gắng tìm những sự tương đồng hơn là những điều dị biệt. Sự phát triển đức tánh này sẽ là nhiệm vụ của giống dân chánh thứ sáu, và giống dân phụ thứ sáu thuộc giống dân chánh thứ năm, hiện nay đang sinh sản ở Mỹ Quốc, Úc Châu và nhiều nơi khác.
Trong Hội Thông Thiên Học, chúng ta đề cao ý niệm về tình huynh đệ. Một trong những cách thực hiện tình huynh đệ là đi tìm những cơ hội để khen ngợi chứ không phải tìm dịp để trách móc người khác. Nếu muốn tìm điều thiện, bạn có thể tìm thấy trong tất cả mọi người, mọi vật có những điểm để khen ngợi và những điểm để chê bai. Và chúng ta có những lý do hết sức tốt đẹp trong việc tập trung sự chú ý của chúng ta vào những đức tánh tốt chứ không phải những điều đáng trách cứ. Như vậy có thể làm cho cán cân chênh lệch đi một ít. Chúng ta có thể nhường cho kẻ khác tìm lỗi của họ. Chắc chắn là họ không bỏ thói quen khiển trách và họ sẽ vui thích mà làm việc đó hơn chúng ta. Một lối thực tập hay nhất là đi tìm những khía cạnh tốt đẹp. Phải bắt đầu thực hiện công việc này trước mới có thể biết rõ những điều lành trong con người phong phú đến đâu. Rồi chúng ta sẽ khám phá được tất cả mọi đức tánh tốt đẹp trong những người mà chúng ta đối đãi không có một chút chi công bình nào cả. Nhận xét những người ít quen biết với chúng ta bằng cách chỉ căn cứ trên một hay hai sự kiện là việc làm rất dễ. Chẳng hạn, thấy họ dường như nổi cáu, chúng ta cho họ là những người nóng nảy. Một ngày kia chúng ta thấy họ không bằng lòng, rồi chúng ta kết luận họ là kẻ luôn luôn bất mãn. Có thể chúng ta gặp họ trong lúc chẳng may, và đời sống bình thường của họ có thể không giống những điều chúng ta tưởng nghĩ chút nào.
Nếu thỉnh thoảng chúng ta bị lầm lạc, thì sự lầm lạc này nên thuộc về khía cạnh tốt, chúng ta nên cho kẻ khác có tánh tốt nhiều hơn thật sự mà y đã có. Như thế chẳng thiệt hại gì cho y cũng như chẳng thiệt hại gì đối với chúng ta. Một vị Chơn Sư đã nói rằng: "Trong mỗi người đều có khía cạnh tốt và có khía cạnh xấu". Bạn chớ nên cho một người nào có tánh tình xấu xa, bạn sẽ mong cho những hành động của y phù hợp với sự xấu đó và nếu y không làm việc sái quấy, thì bạn có thể thất vọng, vì như thế chứng tỏ bạn xét đoán sai lầm. Thà đánh giá quá cao hàng trăm người còn tốt hơn là xét đoán một người theo cách quá khắc nghiệt. Cầu xin Bồ Ðề Tâm của chúng ta hoạt động để ít ra giúp cho chúng ta chỉ tìm khía cạnh tốt chớ không phải điều xấu, trước hết sẽ có lợi trên phương diện chân lý và công bằng, và sau đó đã hiểu biết về quyền năng của tư tưởng, chúng ta biết rằng khi nhận thấy điều xấu ở một người nào đó, chúng ta sẽ làm cho y trở nên xấu hơn trước, nhưng khi thấy điều tốt ở y, chúng ta sẽ giảm bớt được điều xấu và trợ giúp sự tăng trưởng điều lành.
Một trong những bài học chính yếu mà chúng ta cần phải học là đừng để cho Hạ Trí lôi cuốn chúng ta và đừng gán cho kẻ khác những lý do đê tiện. Kinh nghiệm của chúng ta cho thấy những nhân tính có thể sai lầm, và luôn luôn không phải con người hoạt động do tánh vị tha. Khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là tìm nguyên do trong tình cảm ích kỷ, thay vì trong sự cao thượng. Chúng ta không nên để cho mình rơi vào mức độ ngờ vực và ý muốn xấu xa này. Sự cần thiết có ích cho chúng ta cũng như cho kẻ khác là trước nhất phải đi tìm lý do cao thượng hơn hết; ngay cả khi chúng ta không biết được, chúng ta cũng vẫn nhìn nhận ý muốn tốt lành của kẻ khác. Khi chúng ta nghĩ đến một lý do xấu xa, tức là chúng ta tăng cường nó bằng tư tưởng, vì Cái Trí của chúng ta rất dễ cảm thụ. Nếu một người có hơi yếu đuối, chúng ta nhìn nhận cái hảo ý của y, chẳng bao lâu y sẽ hổ thẹn vì ý tưởng thấp thỏi của y và sẽ thay thế nó bằng một khuynh hướng cao thượng. Hơn nữa khi gán những lý do tốt lành cho tất cả những người bạn thân của chúng ta, chúng ta chắc chắc rằng mình có lý đến chín phần mười. Ðành rằng, thiên hạ, theo thói quen vô liêm sĩ sẽ phê phán chúng ta: "Anh chỉ là người khờ khạo, dại dột thôi". Tốt hơn là khờ khạo mà làm điều lành theo lối đó còn hơn là kẻ sắc sảo mà không thể nghĩ tốt cho ai cả.
Ðúng ra, không ai thật có ý xấu cả. Vậy hãy tránh sự sai lầm chung là gán những lý do riêng biệt cho những người làm những điều mà chúng ta gọi là xấu xa, quấy quá. Chúng ta chớ nên có thái độ bất công cho rằng những người ăn thịt nào cũng đều nghĩ rằng việc ấy không mấy quan trọng và họ đã làm điều mà họ biết là ác. Sự thật không đi ngược với những tình cảm tốt lành của họ, họ sống theo tập quán và không tưởng tới điều ấy. Ðó là những người thật tốt. Thời Trung Cổ, những người giống như họ chẳng lần lượt đưa nhau lên giàn hỏa ư, mà không có nghĩ gì hơn? Một trong các Ðức Thầy của chúng ta đã nói: "Mục tiêu của chúng ta chẳng phải là làm cho con người có đức hạnh, mà căn cứ trên sự tốt lành, tạo ra những trung tâm tinh thần mạnh mẽ".