C. W. L. Bây giờ chúng ta đi đến lời tựa của chính Alcyone.
Mấy lời này chẳng phải của tôi, ấy là lời của Sư Phụ tôi đã dạy tôi. Không có Ngài, tôi chẳng làm gì được, nhưng nhờ Ngài giúp, tôi mới bước vào Ðường Ðạo.
Alcyone cho rằng sự tiến hóa của em hoàn toàn nhờ ảnh hưởng và sự giúp đỡ của Sư Phụ em. Chúng ta cũng dự vào một phần lớn sự giúp đỡ mà em đã nhận được, vì chúng ta có những lời trong sách, nghĩa là lời của Ðức Thầy. Nhưng sự giúp đỡ lớn lao bằng sự hiện diện và sự dìu dắt của Ngài cũng sẵn sàng chờ đợi mỗi người trong chúng ta. Sự thật này phải khắc sâu trong tâm trí chúng ta; chúng ta phải tin tưởng vào nó như tin tưởng vào một sự kiện tuyệt đối chắc chắn: Tất cả những ai muốn chuẩn bị như Alcyone đều sẽ được giúp đỡ.
Anh cũng vậy, anh muốn bước vào Ðường Ðạo này thì những lời của Sư Phụ tôi sẽ hữu ích cho anh. Nếu anh tuân theo. Nói rằng mấy lời đó chơn chánh và tốt đẹp chưa phải là đủ. Người nào muốn thành công thì phải thực hành đúng theo lời chỉ giáo. Một người đang đói xếp ve nhìn một món đồ ăn rồi nói "ngon quá" thật vô ích với y. Y phải đưa tay lấy và ăn. Cũng thế, nghe những lời dạy của Ðức Thầy chưa phải là đủ; phải thực hành những điều Ngài nói, chăm chỉ theo từng tiếng, từng dấu.
Nói rằng: " Tôi sẽ làm theo tất cả những lời dạy trong sách" cũng chưa đủ. Lời giáo huấn phải thấm nhuần trọn vẹn đời sống của chúng ta. Phải canh chừng những cơ hội thuận tiện. Mấy câu thơ ở đàng sau chót quyển sách diễn tả thật rõ rệt ý muốn đó:
Chờ đợi tiếng nói Chơn Sư,
Rình xem ánh sáng ẩn tàng,
Lắng nghe hầu biết được mệnh lệnh của Ngài,
Dầu ở giữa chiến trận.
Chú ý từng nét dấu nhỏ nhít của Ngài,
Trên đám đông quần chúng,
Nghe tiếng thì thầm của Ngài,
Xuyên qua tiếng ca hát vang rền của quả đất.
Ai ước nguyện làm đệ tử Chơn Sư thì phải luôn luôn lắng nghe lời Thầy ở giữa những tiếng ồn ào, hỗn loạn và cuồng nhiệt của cuộc tranh đấu sinh sống. Phải nỗ lực tìm cơ hội để thực hành bất cứ lời dạy nào của Ngài. Chung qui không phải thật là khó khăn đâu; một phần lớn chính là vấn đề thói quen. Chỉ có bước đầu là đáng kể. Khi bước thứ nhất xong rồi thì thói quen đã có; rất dễ cho chúng ta giữ chừng không bỏ cuộc, chẳng khác nào một người kia trong việc kinh doanh tìm cơ hội để kiếm lợi. Người đó có lý mà giữ một thái độ chờ đợi; vì nếu y lo lắng công việc làm ăn thì y phải giữ cho trọn vẹn bổn phận của y, nhưng nếu y ra sức giải quyết những việc tạm thời thì chính chúng ta cũng rất có thể áp dụng một sự cố gắng như vậy đối với những vấn đề của đời sống cao siêu.
Ai muốn được quỳ dưới chân Ðức Thầy thì rất cần phải được hiểu rõ ý muốn củaNgài. Thái độ đó là kết quả của sự đọc sách Thông Thiên Học. Chỉ có thái độ đó mới là mục đích thật, vì Thông Thiên Học là một lối sống thật sự phải noi theo, chớ không phải là một hệ thống giáo lý chỉ để cho chúng ta học hỏi mà thôi. Vậy chúng ta phải cố gắng sao cho quan điểm của chúng ta phù hợp với quan điểm của Ðức Thầy, mà không hề có sự cưỡng bức nào cả. Không ai trong chúng ta hành động thật khôn ngoan khi thừa nhận quan điểm nào đó chỉ vì nó là quan điểm của Ðức Thầy mà không hiểu vì sao mà Ngài đạt được quan điểm đó. Chúng ta thừa nhận quan điểm của Chơn Sư mà không có sự nguy hiểm nào cả, vì sự hiểu biết của Ngài vượt xa vô cùng kiến thức của chúng ta. Nhưng Ngài không muốn điều đó. Tư tưởng của Ngài phải thuyết phục được trí khôn của chúng ta, chớ không phải chỉ ảnh hưởng đến tình cảm mà thôi.
Ðiều cần thiết trước nhất là phải tin chắc rằng những điều ấy quả có thật, trường tồn và tối quan trọng. Người Thiên Chúa Giáo bậc trung nói rằng quả thật những điều vô hình quan trọng hơn hết, còn những việc hữu hình là giả tạm. Y tin như vậy nhưng không hề làm in như điều y đã tin tưởng. Tại sao vậy? Bởi vì y không chắc chắn những điều đó có thật. Tại cõi trần, y chắc chắn rằng tiền bạc có những lợi ích và càng kiếm được tiền, càng tốt cho y. Y ít tin rằng những chuyện tinh thần có thật, chúng thuộc về loại đề mục mà y gọi là "Tôn Giáo". Theo y dường như không chắc chắn, không có tính cách thực dụng và hiển nhiên, thích hợp với công việc của đời sống thường ngày. Chúng ta đang tìm cách tiến tới trong địa hạt tinh thần, chính chúng ta phải đưa tính cách thực dụng này, sự chính xác tuyệt đối và minh bạch này vào giới vô hình. Ông Sinnett đã nói trong tác phẩm Thông Thiên Học đầu tiên của ông như sau: "Ðối với quí vị, những điều này phải thật như Thập Tự Giá". Ðiều này rất đúng, chúng phải quen thuộc với chúng ta như những điều chúng ta thấy hàng ngày.
Chúng có thể trở nên như thế, hoặc do sự suy luận, hoặc do trực giác, nhất là do kinh nghiệm trực tiếp. Khi trong trí ta tin chắc rằng việc nào đó phải có thì nó trở thành một sự xảy ra có thật đối với chúng ta. Chắc chắn đó là một ưu điểm mà sinh viên kỳ cựu hơn một sinh viên còn trẻ tuổi. Dù những người mới có nhiệt tâm đến đâu đi nữa, những người kỳ cựu cũng vẫn có đủ thì giờ làm cho ý niệm này thành ra một phần cốt yếu của đời sống họ và đồng hóa nó lần hồi, từ chút này đến chút kia. Như một thi sĩ đã nói: "Sự hiểu biết vượt lên cao, từ sự tiến bộ này đến sự tiến bộ khác". Có vài người trong chúng ta vừa nghe nói đến những sự kiện cao siêu thì liền hoàn toàn tin chắc rằng chúng nó quả có thật; cái trực giác tốt đẹp đó vốn do nghiệp quả lành của họ đã gây ra từ những tiền kiếp. Tuy nhiên đối với phần đông số phần ít may mắn, thì rất cần sự phát triển liên tục lâu dài. Thật ra một người có thể gia nhập Hội Thông Thiên Học đã ba mươi năm rồi mà không hiểu biết gì hơn lúc y mới vào. Thật đáng buồn vậy, vì mọi cơ hội tốt đều trôi qua rồi. Trái lại, đối với người không ngớt suy nghĩ về Thông Thiên Học và sống theo nó đều cảm thấy lần lần có một sự tin chắc. Những kinh nghiệm của đời sống và những tư tưởng về những vấn đề đó lần lượt đem đến cho chúng ta nhiều bằng chứng đểcho chúng ta thấy rằng những việc ấy vốn hiển nhiên.
Trong nhiều trường hợp, những tư tưởng Thông Thiên Học ban đầu dường như phức tạp và khó hiểu, nhưng về sau chúng trở nên giản dị và dễ dàng; chúng biến thành một thành phần của chúng ta. Một đứa trẻ tập viết một trương, nó rất hãnh diện nếu nó không phạm một lỗi nào, nhưng về sau, nó cũng chép một trương như vậy mà không cần để ý đến nữa, nó đã có thói quen rồi. Trong thời gian mà chúng ta còn cần phải cố gắng để hiểu biết thì chúng ta chưa thật hiểu được giá trị của những tư tưởng Thông Thiên Học. Một ngày kia, chúng sẽ trở thành một sức mạnh trong đời sống của chúng ta.
Kinh nghiệm cá nhân đem lại chắc chắn những sự tiến bộ dễ dàng hơn và nhanh chóng hơn; trong chúng ta, rất ít khi chúng ta không có sự kinh nghiệm nào cả. Về phương diện này, một ít hiểu biết trực tiếp cũng chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng không phải tất cả cái còn lại là thật cả, nhưng mà nó rất có thể đúng. Riêng về phần chúng ta, chúng ta nhận thấy một phần giáo lý chúng ta đã học phù hợp với Chân lý, nên chúng ta chấp nhận phần còn lại cũng có thể đúng. Khi toàn thể triết lý kết hợp với nhau, thì có lẽ đúng đó sẽ chắc chắn cho đến nỗi nó trở thành sự thật.
Nếu không chú ý đến một dấu và bỏ qua một tiếng, thì dấu đó và tiếng đó mất biệt vì Chơn Sư không nói đến hai lần.
A. B. Nhiều người không thể hiểu rằng những kẻ không ngớt nghe lập đi lập lại những chân lý là những người không hiểu biết gì hơn những người còn ở ngoài đời. Và Chân lý Thông Thiên học không cảm họ được, nếu họ không cố tâm tuân hành. Nên chú ý, tôi không nói: nếu họ không tuân hành - mà tôi nói: nếu họ không cố tâm tuân hành. Chính là sự cố gắng bền bỉ vốn cần thiết mà nhiều người trong chúng ta lại thường hay quên. Thật thế, Chơn Sư không nói hai lần. Ngài đưa ra một tư tưởng, nếu nó không được tiếp nhận thì Ngài không nhấn mạnh nó. Ngài không lập lại điều Ngài đã nói. Chỉ có những đệ tử của Ngài, vì phải kể đến những điều kiện của Thế gian nên cứ lập đi lập lại cả trăm lần những điều họ đã nói cho đến khi chúng sinh ra được một cảm tưởng. Nếu bạn được nhận làm Ðệ Tử chánh thức, Ðức Thầy sẽ không bảo bạn thực hành việc gì mà bạn không thể làm được. Nếu bạn bỏ qua một huấn lệnh của Ngài đưa ra cho bạn, Ngài sẽ không đưa ra cho bạn một huấn lệnh nào nữa đâu. Ðiều đó không phải vì Ngài không nhân từ, nhưng bởi Ngài không có thì giờ để lãng phí. Ngài có không biết bao nhiêu công việc phải làm. Tất cả giáo lý này đem truyền cho Alcyone vì em đã làm việc nhiều và không ngớt.[7] Chỉ có những ai ý chí cứng cỏi, không sờn lòng mới đến gần Ðức Thầy được. Tôi biết điều đó. Chính là sự cố gắng bền bỉ và không bỏ cuộc này mà nhiều người trong chúng ta cho là khó khăn, nhưng đó là điều cần thiết và nếu không làm nổi, bạn không thể nào bước vào Ðường Ðạo được.
C. W. L. Chúng ta là những người đi theo Ðức Thầy và cố gắng hoàn thành một phần công việc của Ngài ở ngoài đời, chúng ta luôn luôn phải nói hai lần; chúng ta luôn luôn lập lại những thông điệp khác nhau đã được giao phó cho chúng ta, vì những người nghe vốn vô tư lự hay lơ đãng. Chỉ khi nào một người được giao thiệp với Chơn Sư mới xem như là không thờ ơ nữa; vậy một lời nói khéo léo, bóng bẩy cũng đã đủ cho y rồi và chắc chắn nó không được lập lại, nếu nó không được tiếp nhận; không phải Chơn Sư kiêu hãnh, tự phụ, nhưng vì đệ tử chưa sẵn sàng.
Phải hiểu cách thức Chơn Sư đào tạo đệ tử. Một mạng lệnh trực tiếp của các Ngài đưa ra rất hiếm có. Cách đây đã lâu, khi tôi được vào hàng Ðệ Tử nhập Môn, câu hỏi đầu tiên của tôi là: "Bạch Sư Phụ! Con phải làm gì"? Ðức Thầy đáp: "Con hãy tự kiếm lấy điều đó"; rồi Ngài giải thích: "Thầy biết chắc chắn rằng nếu Thầy ra cho con một mệnh lệnh thì con sẽ vâng lời ngay, nhưng trong trường hợp đó con chỉ nhận được quả của một sự vâng lời mau lẹ và tức khắc, nhưng nghiệp quả của việc làm sẽ về phần Thầy.Thầy muốn nó thuộc về phần con. Thầy muốn con làm những việc lành và tạo nghiệp lành. Ý kiến phải phát sinh từ nơi con chớ không phải từ nơi Thầy".
Rất ít khi các Ðấng Cao Cả cho những mệnh lệnh trực tiếp; nhưng thường thường do một lời nói của Ðức Thầy hoặc một cái nhìn của Ngài cũng đủ cho người ta đoán được Ngài bằng lòng cách hành động nào đó hay không. Những người ở chung quanh Ngài (đặc biệt nhất là trường hợp của Ðức Thầy Kouthoumi) tập lưu ý đến sự nhận xét ấy, họ luôn luôn chú ý.
Ðức Thầy Morya là vị Vua trong giai đoạn đầu của kiếp hiện tại, nên thường Ngài nói với một giọng oai quyền của một vị Hoàng Ðế. Ngài thường ra lệnh trực tiếp và Ngài tỏ ý không bằng lòng với những lời lẽ rõ rệt. Ðức Thầy Kouthoumi hầu như không bao giờ tỏ ý không bằng lòng; các đệ tử của Ngài tập đoán ý Ngài bằng cách nhìn của Ngài, bởi vì ít khi Ngài khiển trách. Ðó là lý do tại sao các đệ tử ở trong tình trạng chờ đợi đặng nghe lời Ngài dạy dỗ họ. Khi nhận được chỉ thị của Ðức Thầy, họ cố gắng tuân theo, bởi vì họ biết rằng nếu họ xao lãng, thờ ơ thì chỉ thị đó sẽ không được lập lại. Sự không tiếp nhận chỉ thị này không hề bị khiển trách, chỉ có người đệ tử bị thiệt thòi, vì y không nhận được chỉ thị mới trong một dịp khác.
Trong quyển Chơn Sư và Thánh Ðạo, chúng tôi có trình bày rằng các Ðấng Chơn Sư đào tạo đệ tử các Ngài bằng nhiều cách khác nhau tùy theo Cung của họ và loại công việc họ phải đảm đương. Trên con đường của Ðức Bàn Cổ và Ðức Morya thì có những người Kshattriya (Sái-đế-lỵ), tức là hạng người có uy quyền như Thẩm phán, Luật gia, Quân nhân, Chính khách. Trên con đường của Ðức Bồ Tát và Ðức Thầy Kouthoumi thì có những người thuộc về hạng Brahmana (Bà-la-môn), tức là các Huấn luyện viên, các nhà Truyền giáo, các nhà Cải cách. Ngoài ra còn năm Cung lớn khác mà mỗi Cung đều có đặc tính riêng biệt. Một vị Ðế Quân ít nhất Sáu lần Ðiểm Ðạo cai quản mỗi Cung, dưới Ngài có nhiều Ðức Thầy khác. Như thế, chẳng hạn như Cung thứ hai, một vị đệ tử không cần thiết phải làm đệ tử Ðức Thầy Kouthoumi; y có thể trực thuộc Ðức Thầy Djwal Koul.