C. W. L. Ý muốn giải thoát cho riêng mình được biểu lộ nhất ở Ấn Ðộ, vì tại đây việc tin tưởng vào sự Luân Hồi được phổ biến rất rộng rãi. Ðối với người Thiên Chúa Giáo bực trung thì Thiên Ðàng cũng là giải thoát chúng ta khỏi đời sống trần tục. Vì những bài học này để dạy một bé trai Ấn Ðộ, nên trước nhất, nó được đem áp dụng theo những tình thế đặc biệt của xứ Ấn Ðộ, mặc dù những ý niệm ấy cũng có thể giúp ích rất nhiều cho thế giới Tây Phương của chúng ta. Là người Thông Thiên Học, chúng ta không cố gắng quá sức để được hưởng hạnh phúc trên cõi Thiên Ðàng, nơi mà con người phải trải qua nhiều trăm năm hoặc nhiều ngàn năm giữa hai kiếp luân hồi. Nhiều người trong chúng ta thích từ khước trọn vẹn hạnh phúc đó và trở lại tiếp tục liền công việc dưới thế gian. Hơn nữa, đối với những người thành tâm từ khước thì nguyện ước có thể được chấp thuận. Nhưng muốn thực hiện điều này, chúng ta phải có một sức mạnh, vì chúng ta sẽ đem hai Thể Vía và Trí cũ vào trong một Xác Thân mới.
Không phải Thể Vía và Thể Trí bị mỏi mệt như cái óc xác thịt. Ở đây có một nguyên do khác xen vào là trong kiếp này Thể Vía và Thể Trí chúng ta biểu thị con người của chúng ta giống in như chúng ta lúc ở kiếp chót mới rồi. Khi tiến tới trong cuộc đời, nếu chúng ta sửa chữa chúng rất nhiều, song có lẽ chỉ đạt đến một mức độ nào đó thôi. Chúng ta hãy lấy một thí dụ: có một giới hạn mà khi vượt qua khỏi nó rồi, thì một chiếc xe hơi không thể sửa chữa được nữa hoặc sửa cho tốt hơn. Thường thường thì mua một chiếc xe hơi mới còn hay hơn là tìm cách tân trang cái cũ. Ðối với Thể Vía và Thể Trí cũng hơi giống như thế. Sự sửa đổi chúng triệt để đòi hỏi nhiều thì giờ, và có lẽ sự sửa đổi đó rốt cuộc vẫn còn bất toàn. Nếu trong kiếp này khả năng con người đã phát triển nhiều, tốt hơn vì sự tiến hóa của y, y nên lấy những Vía, Trí mới khác để phát biểu, thay vì vá víu và sửa chữa những thể cũ lại. Việc đầu thai nhanh chóng như thế không phải bao giờ cũng có thể thực hiện được. Tuy nhiên, trước tình thế hiện tại và đặc biệt cần có những người làm việc và Ðức Chưởng Giáo sắp lâm phàm, cho nên thiết tưởng những ai sống một cuộc đời siêng năng và tha thiết muốn đầu thai lại ngay để tiếp tục công việc phụng sự, đều có thể thấy ước nguyện của mình được thành tựu.
Có một đời sống bình thường ở bên kia cửa tử và những ai theo con đường đó thì không cần có những sự chuẩn bị đặc biệt. Còn trái lại, người nào không muốn ở cõi Trung Giới thì phải đệ đơn, hoặc có một vị làm đơn thế cho y. Ðơn này phải trình lên Ðấng Cao Cả có thẩm quyền, Ngài có thể chấp thuận, nếu Ngài xét thấy "được", nhưng Ngài có thể từ chối, nếu Ngài nhận thấy Ngài hành động như thế hữu ích cho đương sự. Thiết tưởng những người lo lắng về vấn đề này có thể an tâm: những ai mới làm việc giỏi chắc chắn sẽ có những cơ hội khác để theo đuổi con đường phụng sự của mình. Ai mong mỏi được đi đầu thai lại liền phải tự làm cho mình trở nên người cần thiết và phải chứng tỏ mình là người sẽ giúp đời khi được trở lại cõi Trần một cách nhanh chóng. Vả lại đây là cách hay hơn hết để tạo Thể Trí và Thể Vía có đủ điều kiện cần thiết.
Nếu con thật quên mình con trọn vẹn, thì con không còn nhớ tự hỏi lấy con, chừng nào bản ngã con mới được giải thoát, hoặc nó về ở cảnh trời nào. Con hãy nhớ rằng mỗi việc ham muốn ích kỷ, dù mục đích cao thượng thế mấy đi nữa cũng là một sợi dây ràng buộc; và ngày nào con không diệt hết những điều ham muốn, thì ngày đó con chưa được rảnh rang đặng hiến mình cho công việc của Chơn Sư.
A. B. Ðừng quên rằng hai cõi Trung Giới và Thượng Giới vẫn làm bằng vật chất, mặc dù chúng được cấu tạo bằng chất khí thanh bai hơn chất Hồng Trần. Chúng nó cũng là cõi hữu hình dẫy đầy những đồ vật kích thích sự ham muốn. Sự ham muốn về Thiên Ðàng ở cõi Hạ Thiên, cũng như sự ham muốn của Phàm Nhơn ở cõi Trần: nhưng cõi Thiên Ðàng chỉ xa xôi hơn và mịn màng hơn. Sự ham muốn thứ nhất hơn sự ham muốn thứ nhì bởi nó chống lại bản chất của dục vọng vì bản chất này không được thỏa mãn ngay tức khắc. Như thế sự ham muốn về cõi Thiên Ðàng thường giúp cho con người thoát khỏi những sự ham muốn thường tình và đồng thời nó chuẩn bị con người đi tìm kiếm những thú vui cao thượng hơn và trong lòng nghĩ đến chúng nhiều hơn là nhớ đến thú vui thô tục. Dĩ nhiên, đối với nhiều người rất vô ích mà nói với họ rằng : "Các anh hãy diệt sự ham muốn đi". Bạn muốn giúp một người bỏ những thú vui ăn uống và những thú vui xác thịt ư, bạn hãy thức tỉnh y đặng y ham muốn về cõi Thiên Ðàng, hầu giúp y không còn nuôi dưỡng những sự ham muốn thấp hèn nữa. Vì vậy tất cả các Tôn Giáo đều nhấn mạnh về thuyết Thiên Ðàng và Ðịa Ngục. Chính Ðức Phật cũng đề cập đến vấn đề này khi Ngài nói với những người thường.
Những người chí nguyện theo đuổi con Ðường Ðạo chẳng những phải dứt bỏ ý muốn lên Thiên Ðàng mà còn phải từ bỏ ý muốn riêng mình được giải thoát khỏi vòng sinh tử, luân hồi, nghĩa là ý muốn "moksha" [39]. Lý do rất giản dị và Ðức Thầy đã giải ở đây. Nếu bạn hoàn toàn quên mình, bạn không thể nghĩ đến việc này, chúng tiêm nhiễm vào bản ngã của bạn. Bạn không thể ham muốn chúng nữa, nếu bạn có ý định hy sinh cho công việc của Ðức Thầy.
Nhiều người mong mỏi có dịp để phụng sự bằng cách này hoặc bằng cách khác, nhưng vị đệ tử phải mong ước phụng sự Ðức Thầy theo ý Ngài muốn và ở nơi nào mà Ngài xét thấy sự phục vụ của y cần thiết. Không thể phụng sự vô điều kiện khi mà tấm lòng chưa được rảnh rang. Một trong những Kinh Upanishad có nói rằng: "Khi mà những sợi dây ràng buộc tấm lòng chưa bị chặt đứt, thì con người không thể được Trường Sanh Bất Tử. Câu châm ngôn này thật quá nghiêm khắc, nếu chúng ta kể vào số những sợi dây ràng buộc những tình thương mến mà chúng ta quí trọng vô cùng. Tuy nhiên, câu ấy không nói rằng trái tim phải bị tan vỡ (cõi lòng tan nát). Không; chính là những sợi dây ràng buộc phải được chặt đứt, để cho tình thương trong lòng chúng ta chiếu ra vô tận vô biên. Bạn nên hiểu thật rõ điều tôi nói và đừng làm cho tôi nói rằng tình thương không phải là một tình cảm tốt đẹp. Không phải tình thương ràng buộc chúng ta, mà chính là những yếu tố ích kỷ lắm khi trà trộn vào. Theo bản chất của nó, tình thương của Chơn Ngã trong người này đối với Chơn Ngã trong người kia thì bất diệt, dù chúng ta muốn biến đổi nó, cũng vô hiệu. Nhưng khi tình thương đối với Chơn Ngã bị tình thương hình thức xen vào thì những dây ràng buộc thắt chặt với nhau và do đó chính tình thương có thể trở thành một sự nô lệ.
Cách thế duy nhất để bạn đạt được tình trạng giải thoát hầu lo lắng cho công việc của Ðức Thầy là bạn phải không ngớt cố gắng chặt đứt hết những sợi dây trói buộc. Nếu bạn thấy trong tình thương của bạn có một yếu tố làm cho bạn đau khổ, thì chính vì nó dung dưỡng tánh ích kỷ cần phải được loại trừ. Hãy xua đuổi tánh ích kỷ đi, tình thương của bạn sẽ trở nên dũng mãnh hơn, cao thượng hơn và tinh khiết hơn. Một tình thương như thế không bao giờ có thể phương hại đến công việc của Ðức Thầy. Giả sử bạn muốn đến một chỗ kia để tìm một người mà bạn muốn gần gũi; bạn nên từ bỏ ý định này. Ðây là một thí dụ về cách chặt đứt có phương pháp những sợi dây vì ích kỷ đã ràng buộc bạn với những người và vật. Hãy chặt đứt những sợi dây trói buộc đó.
Vấn đề này chỉ nói với những người mà sự quyết định không thể lay chuyển được, chớ không phải nói với những ai muốn đi trên đường tiến hóa êm dịu và bình thản. Bạn nên nhớ kỹ, những người đó không đáng trách chút nào, Mỗi người đều có quyền tự do đi tới mau hay chậm, tùy ý. Lúc này đây tôi nói với người quả quyết, và cho vấn đề này hết sức quan trọng. Chơn Sư luôn luôn tìm kiếm những tánh tình này, nhưng không thường gặp được.
Một lần nữa, tôi nói đây là sự kinh nghiệm riêng của tôi, vì tôi đã gặp những nỗi khó khăn ở điểm đó. Lúc tôi bắt đầu luyện tập, khi tôi cảm thấy mình tha thiết muốn ở gần một người nào, thì tôi lại cố gắng dang xa ra. Nếu bạn khá khôn khéo và có nghị lực, thì bạn thường có thể cởi bỏ được những sợi dây ràng buộc trong lòng bạn mà không để cho những người chung quanh bạn hay biết điều đó. Bạn vẫn có tình thương như trước và thái độ bên ngoài của bạn cũng không thay đổi, nhưng trong lòng bạn, bạn tháo mở sợi dây ràng buộc cá nhân. Vì thấy rõ điều phải làm, rồi hoàn thành điều đó có phương pháp mà vài người đã tiến xa hơn phần đông chúng ta. Bạn sẽ thấy sự cố gắng này không khó khăn vì nhờ bạn luôn luôn nhớ rằng bạn không thể hiến thân trọn vẹn cho công việc của Chơn Sư, trước khi cắt đứt tất cả những mối dây ràng buộc.
C. W. L. Ðoạn này chỉ cho chúng ta thấy sự ham muốn về cõi Thiên Ðàng thuộc về Phàm Nhơn. Nó hữu ích cho một giai đoạn tiến hóa của con người trước khi được làm đệ tử. Nó có một vị trí trong Cơ Tiến Hóa. Người cổ sơ chỉ nghĩ đến việc ăn uống và những lạc thú tương tợ khác. Giảng cho y về việc đoạn tuyệt với sự ham muốn thật vô ích, vì trước tiên y phải trải qua giai đoạn những ham muốn thanh cao và ít thô tục hơn. Chúng ta chỉ có thể nói với y như vầy: "Bạn hãy cố gắng thanh lọc những sự ham muốn của bạn. Có nhiều việc khác rất cao thượng hơn những điều mà bạn đang suy nghĩ. Nếu bạn muốn đi đến chỗ cao thượng đó trong tương lai thì bạn chớ nên để những tình cảm của bạn được tự do phóng túng". Người đời chỉ có thể tiến bộ từng bước một. Chỉ có những người dũng mãnh hơn hết mới có thể vượt lên một cách nhanh chóng đến những cao độ trên Ðường Ðạo. Còn đối với độc giả của quyển sách này muốn noi gương Alcyone, ngay từ bây giờ, thì hãy cương quyết dứt bỏ mọi ham muốn ích kỷ, vì chúng chính là những sợi dây ràng buộc. Như tôi đã nói trước đây: Tình thương bắt tấm lòng làm nô lệ nếu nó chứa đựng một chút ích kỷ, nhưng khi không còn một tư tưởng riêng tư nào lẫn lộn, thì nó trở thành một quyền lực của tâm hồn. Trước khi cắt đứt những sợi dây ràng buộc, trước khi nhổ bật rễ tánh ích kỷ, thì tình thương cũng có thể vừa là một chướng ngại, vừa là một sự phù trợ.
Bên Ấn Ðộ và nhiều xứ khác, vấn đề này thường bị hiểu lầm, vì sự lầm lộn tình thương ( không ích kỷ) và sự ham muốn ( ích kỷ) . Vài triết gia đã cố làm cho lòng mình chai ngắt để trở nên lãnh đạm và thoát khỏi sự khổ đau bằng cách xa lánh tình yêu. Họ đã làm vậy: phương pháp này tạo ra những người phát triển có phân nửa, họ mở mang trí thức nhưng không biết cảm động. Chúng ta phải có khả năng biểu lộ ngay cả những lượn sóng tình cảm vĩ đại, nhưng những lượn sóng này phải là phản ảnh của những cảm xúc cao thượng phát sinh từ Chơn Nhơn; chúng phải thuộc quyền kiểm soát chặt chẽ của chúng ta, chớ không phải sự bồng bột của Cái Vía, lôi cuốn chúng ta để làm trò chơi của Tinh chất ham muốn. Chế ngự tình cảm bằng cách hủy diệt nó cũng phi lý như việc muốn tránh quả báo xấu bằng cách không làm gì hết. Ðức Thầy muốn cho chúng ta càng ngày càng hữu ích cho nhân loại bằng những hành động, bằng những tình cảm và bằng những tư tưởng của chúng ta. Chúng ta càng hoạt động theo ba đường lối tư tưởng đó thì mỗi người càng cảm thấy được kết quả tốt lành.
Khi tất cả những sự ham muốn thuộc về phàm ngã đã tiêu tan, cũng có thể còn lại một sự ham muốn là thấy kết quả công việc của con làm. Nếu con giúp ai thì con muốn biết con giúp người đó tới bực nào, có lẽ con cũng muốn cho y thấy điều đó và biết ơn con nữa. Mà điều này cũng vẫn còn là một sự ham muốn . . . . .và đồng thời là một sự không tin cậy.
A. B. Ðó là điều mà quyển Thánh Ca Bhagavad Gita gọi là hành động mà không vì cái kết quả. Nếu bạn thật tâm hành động, thì bạn không có thì giờ để lo lắng đến kết quả và cũng không có thì giờ để xem lại tác phẩm của bạn đã hoàn tất. Hễ việc này vừa xong, việc khác lại đến với bạn. Bạn sẽ mất thì giờ, nếu bạn xem xét những kết quả. Nếu bạn nghĩ đến công việc đã thực hiện, thì làm thế nào bạn có thể hoàn thành nhiệm vụ mới. Trong vấn đề giúp đỡ cá nhân - là vấn đề thú vị hơn hết vì nó căn cứ trên tình thương riêng tư - bạn chớ tìm hiểu người được giúp đỡ có biết ơn bạn hay không. Làm như thế chẳng khác nào bạn chạy theo sau người mà bạn mới hiến một món quà để xem coi y có biết ơn bạn không và đòi hỏi y những lời cảm tạ. Hành động như thế không phải là cho, mà chính là buôn bán vậy. Ở đây không có sự đổi chác! Chắc chắn bạn đã nhớ chuyện Ðấng Christ đã đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ, dù họ chỉ bán những lễ vật để cúng tế. Ngài nói với họ rằng: "Các ngươi chớ nên làm cho ngôi nhà của Cha ta thành ra một tiệm buôn" [40].
C. W. L. Không ai ít rảnh rang hơn nhà Huyền Bí Học. Khi vừa làm xong việc này, lại bắt tay vào việc khác, không dừng lại ngắm cái kết quả của công việc vừa hoàn tất. Giả sử bạn làm phận sự của một người điều dưỡng hay người phụ tá ngoài chiến trường. Ðối với người bị thương này bạn phải săn sóc với tất cả khả năng của bạn, rồi bạn lại lo cho một người khác tức khắc, không thể chờ đợi trong nửa giờ để chắc ý hiệu quả đã đạt được, cũng không thể xem xét coi người bệnh có cơ may mắn được bình phục không. Công việc của Ðức Thầy cũng giống như thế. Chúng ta không có thì giờ hay là ngưng lại để nghĩ đến những kết quả cuối cùng và nhất là nghĩ đến những kết quả đó đối với chúng ta. Mong ước những cố gắng của mình được kết quả tốt đẹp và vui mừng về sự thành công khi nó đến là việc thường tình của nhân loại, nhưng chúng ta phải vượt qua những nhược điểm này của loài người bởi vì mục đích của chúng ta là sự tiến đến bực Siêu Phàm. Khi một công việc của chúng ta làm hoàn thành mỹ mãn, ta có thể vui mừng, mà ta cũng phải vui mừng như vậy khi thấy kẻ khác thành công như ta.
Ðoạn này đề cập đến ý muốn cho người mà bạn giúp đỡ thấy việc làm của bạn và biết ơn bạn. Mọi cảm nghĩ như thế không mang tính chất một tặng vật, mà là một cuộc buôn bán vậy. Khoa Pháp Môn chỉ nhìn nhận có một cách cho ra mà thôi: ấy là cách Thượng Ðế ban rải tình thương, như mặt trời bủa rải sự sống.
Khi con ra sức giúp đỡ, tất nhiên phải có kết quả, dù con thấy hay không cũng vậy, nếu con thông hiểu luật trời, ắt con biết phải có như thế luôn luôn.
A. B. Trong quyển Theo gương Chúa Jésus Christ có đặt ra câu hỏi này: "Ai muốn phụng sự mà không đòi hỏi chi cả"? Người đệ tử phải làm việc vì thích làm việc, mục đích của nó không phải là kết quả đạt được, cũng không phải vì nỗi vui mừng và sự thỏa thích mà nghĩ rằng: "Tôi phụng sự". Vị đệ tử phải hy sinh cho nhân loại vì thương đời. Lẽ dĩ nhiên cái kết quả vẫn chắc chắn, vì chúng ta sống trong một thế giới do định luật cai quản. Vậy chúng ta không cần phải bận tâm đến nó. Thường thường việc làm của chúng ta không có tính cách sinh ra những kết quả tức khắc tại cõi Trần, nhưng nó đem ta đến gần lúc thành công mỹ mãn. Rồi một người khác sẽ đến để hoàn tất công việc, nhưng nếu trước đây không có những người ra công khó nhọc mà không thấy kết quả đó thì công nghiệp ấy không bao giờ thành tựu.
Chúng ta không thể thực hiện một công việc quan trọng nào được, nếu chúng ta không tin chắc ở Luật Trời, vì tất cả những công nghiệp trọng yếu đều kéo dài một thời gian rất lâu. Chúng ta hãy xem công việc của Ðức Bàn Cổ chẳng hạn. Từ hàng ngàn năm này đến hàng ngàn năm khác trôi qua, trước khi có sự biểu hiện mà bạn gọi là kết quả. Một định luật tương tợ cũng áp dụng cho công việc xây cất một ngôi nhà lớn, vì cần phải đào sâu nền móng. Một phần chính công việc của chúng ta là phải xây những nền móng vô hình. Sau này một người thợ xây cất khác đến đặt trên móng một hàng gạch. Hàng gạch này được thấy ngay. Vậy thì về điều này những nền móng có vô ích chăng ?
Kết quả thế nào cũng đến. Hãy làm việc một cách bình tĩnh và có phương pháp, không bao giờ bạn thất vọng. Mọi sự thất vọng đều do ý muốn thu gặt kết quả việc làm. Có thể bạn theo đuổi công việc một cách cương quyết và lâu ngày mà không thấy hiệu quả gì đáng kể. Tuy nhiên một ngày kia, kết quả bỗng thình lình hiện ra. Một nhà Hóa Học bỏ từ hạt muối trong một dung dịch đến độ bảo hòa [41]. Một thời gian qua trong chất lỏng kia hình như không xảy ra tác dụng gì, tuy nhiên chỉ một hạt muối sau cùng rơi vào, thì dung dịch ấy bỗng đặc lại. Công việc của chúng ta cũng giống như thế: thình lình người ta thấy nó hoàn tất. Chúng ta dọn đường cho sự lâm phàm của Ðức Chưởng Giáo. Chúng ta phải hết sức làm việc, chúng ta bình tĩnh, tin tưởng và nhẫn nại, chúng ta hy sinh cho công việc của chúng ta. Khi Ðức Di Lạc lâm phàm, Ngài sẽ thâu lấy tất cả những gì chúng ta đã làm; rồi kết quả sẽ hiện ra trên thế gian.
C.W. L. Thường thường phải có sự cố gắng liên tục của nhiều người mới đạt được một kết quả quan trọng. Nếu cần phải thực hiện một cuộc cải cách lớn lao trên Thế gian, thì thường có một người hay nhiều người nhận thấy sự cần thiết này và họ bắt đầu đem truyền bá tư tưởng ấy bằng những cuộc diễn thuyết hoặc bằng sách vở. Họ bị thiên hạ cười chê và sự cố gắng của họ dường như vô ích, nhưng họ đã thuyết phục được vài người và những người này theo đuổi công việc cho đến khi xã hội công nhận cuộc cải cách ấy. Công trình của những người gia nhập sau này không thể thành tựu nếu không có sự cố gắng dường như vô ích của những bực tiền phong.
Thường lắm khi chúng ta theo đuổi một công việc cho tới khi nó sắp thành tựu. Một người khác đến và hoàn tất nó. Công trình của người sau này được thừa nhận và y sẽ được xem như là người đã thực hiện tất cả công việc. Chúng ta đừng lo đến điều đó. Công lao của chúng ta được biết đến hay không cũng không có gì quan trọng, nhưng chúng ta hãy vui mừng vì được phép làm việc. Nghiệp quả của chúng ta sẽ dành cho chúng ta kết quả của sự cố gắng kia và hiện giờ người ta làm hoặc nói gì về việc ấy cũng không quan hệ chi. Người nào làm việc một cách khoa học, hiểu biết điều mình làm, chỉ nhớ đến kết quả của một việc làm tốt đẹp trong một lúc hoặc một phương diện nào đó, sẽ không bao giờ thất vọng.
Khi Ðức Chưởng Giáo lâm phàm, Ngài sẽ góp nhặt tất cả công việc của chúng ta để Ngài tiếp tục công việc đó và làm cho nó được hoàn bị; thế rồi tất cả công việc này dường như vốn của Ngài làm. Trong một ý nghĩa nào đó, điều này thật đúng, vì nguồn cảm hứng của chúng ta đều phát sinh từ nơi Ngài. Tuy nhiên, một phần lớn công nghiệp có thể được hoàn thành do công lao vô hình và dường như không lợi ích chi cả của một số người khiêm tốn đã đóng góp trước kia. Chúng ta có cơ hội ở trong hàng ngũ của những người này là một đặc ân lớn lao mà chúng ta có thể mong ước.
Nếu hiểu biết Luật Trời, chúng ta có thể sử dụng nó trong mọi trường hợp: điều này không những đúng đối với những sự hoạt động không ngớt của chúng ta trên những cảnh giới tinh thần, mà còn ở tại cõi Trần nữa. Mỗi tư tưởng của chúng ta đều tạo ra một hình dạng trên cõi Trung Giới hay là cõi Thượng Giới. Hình tư tưởng này đi tìm người hay vật mà ta nghĩ đến nó, nó bay lơ lửng chung quanh, hoặc truyền sang tinh lực tốt hay xấu (tùy theo bản chất và đặc tính của nó) qua người hay vật nào liên hệ đến nó. Vẫn không khó nhọc gì mà tạo nên một hình tư tưởng lành cũng như tạo nên một hình tư tưởng ác. Tất cả đều tùy thuộc vào thái độ trí tuệ. Người ta sẽ bảo: "Thái độ của tôi chỉ quan hệ đến một mình tôi thôi, và chỉ quan hệ trong lúc này đây". Không đâu, nó cũng quan hệ đến bạn trong ngày kế đó, trong tháng tới, hoặc trong năm tới, vì nó tạo ra những tư tưởng phản ứng lại bạn. Mỗi khi một tư tưởng được lập lại thì nó được tăng thêm sức mạnh. Chúng ta có bổn phận tạo ra những hình tư tưởng tốt đẹp về mọi phương diện, mặc dù chúng nó vô hình, nhưng chúng sẽ đạt được mục đích không hề sai lầm.
Vậy thì phải làm lành bởi chưng ưa thích việc lành, chớ chẳng phải trông mong được ban thưởng. Phải làm việc vì ưa thích sự làm việc, chớ chẳng phải trông mong được thấy kết quả. Con phải xả thân giúp đời, vì con thương đời và bởi tại con không còn làm cách nào khác được nữa.
C. W. L. Tình thương quả thật là một động cơ mạnh nhất. Từ đầu chí cuối của quyển sách này, cũng như những tác phẩm gần đây do nó linh cảm, người ta có thể chú ý đến việc lập đi lập lại một cách mãnh liệt và việc nhấn mạnh về sự cần thiết của tình thương, như là một giải thích tất cả mọi việc và cũng là một phương thuốc chữa mọi chứng bệnh. Tình thương sẽ là điểm chính yếu trong giáo lý của Ðức Chưởng Giáo, khi Ngài lâm phàm, vì vậy cho nên điểm ấy được nêu lên thật rõ rệt trong giáo lý của những ai cố gắng chuẩn bị cho cuộc lâm phàm này với khả năng tầm thường của mình.
Một việc khác nữa mà sinh viên phải chủ ý là: trong suốt quyển này Chơn Sư xem điều sau đây đã được chấp nhận là: Chúng ta đều sốt sắng và đối với chúng ta chỉ có sự làm việc là quan trọng duy nhất thôi. Chắc chắn đó là cách hay hơn hết để đem chúng ta đạt đến trạng thái trí tuệ này, nếu mà trong bầu không khí của chúng ta còn lưu lại vài mảnh của ý tưởng khác. Trong tâm trí của Ðức Thầy, dĩ nhiên chỉ có Một tư tưởng mà thôi: ấy là Phụng Sự. Không có gì có thể khích lệ chúng ta bằng ý Ngài muốn thấy chúng ta trở thành người phụng sự.
Thường lắm, chúng ta tự cản trở bước đường của mình. Chúng ta phải tự nép qua một bên để Chơn Ngã chúng ta có khả năng hoạt động, vì bao giờ chúng ta còn e dè, bao giờ chúng ta còn giữ lại một món gì vì không bằng lòng hy sinh nó cho công việc của Chơn Sư thì chúng ta tự cản trở bước đường của mình. Thật ít khi gặp được một người không giữ lại chút gì; y hiến thân trọn vẹn cho công việc của Chơn Sư, và không ngần ngại mà cho tất cả. Ðiều đó ít khi thấy, nhưng ai có được đức tánh nầy sẽ tiến xa và nhanh chóng vô cùng.