Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tôn giáo, Chính Trị >> Giảng Lý Dưới Chân Thầy

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 17535 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Giảng Lý Dưới Chân Thầy
ANNIE BESANT & C. W. LEADBEATER

Chương 23

Con phải có lòng tin cậy Ðức Chơn Sư của con và con cũng phải tin cậy con nữa. Nếu con đã thấy Ngài rồi, thì trải qua nhiều kiếp luân hồi sinh tử, con cũng vẫn tuyệt đối tin tưởng Ngài, ít ra con phải cố gắng tưởng tượng Ngài và tin cậy Ngài, bằng không vậy thì Ngài cũng không thể giúp con được.

 

C. W. L.  Một phần những lời này là của Alcyone, em đang nói về Ðức Thầy của em, nhưng Ðức Thầy cũng nói như thế về  các Ðấng Cao Cả hơn Ngài. Những gì chúng ta nói và nghĩ đến Ðức Thầy, thì cũng giống như điều mà các Ngài đã nói và nghĩ đến Ðức Phật, Ðức Bồ Tát Di Lạc và các Ðấng khác cao cả hơn Ngài. Chúng ta gần như không thể nào hiểu được thực sự một vị Chơn Sư  ra sao. Chúng ta có thể ướm thử. Chúng ta có thể gợi lên lý tưởng cao cả nhất mà chúng ta có thể biết, nhưng Chơn Sư tập  trung vào Ngài những sự cao thượng; mà chúng ta không thể tưởng tượng nổi, ý niệm cao nhất mà chúng ta có thể hình dung về Ngài cũng không bao giờ đầy đủ. Trong những trường hợp như thế chỉ có một lẽ phải duy nhất là tin cậy hoàn toàn ở sự Minh Triết của Ngài.

Niềm tin tuyệt đối này tùy thuộc một phần lớn ở quá khứ  của  chúng ta. Khi đọc quyển Những kiếp sống của Alcyone, chúng ta có thể thấy các trường hợp của Alcyone vẫn như thế, Alcyone đã liên kết chặt chẽ với Sư Phụ của em trong nhiều kiếp trước. Cũng trong những kiếp trước đó, tôi cũng nhận thấy tôi vẫn liên kết với Sư Phụ tôi. Và những người khác cũng  trong trường  hợp  ấy. Tôi  thiết nghĩ tôi phải kể sự thật này vì đó là lý do khiến tôi khi đọc một trang sách nói đến Ðức Thầy, tức khắc tôi cảm thấy bị một  mãnh lực vô biên lôi cuốn tôi đến với Ngài. Khi tôi được đặc ân thấy Ngài, thì không có lúc nào tôi mất lòng tin cậy Ngài. Trong  trường hợp như thế, người ta có thể nói rằng Chơn Nhơn biết, hoặc nó thấy sự hiện diện của Ðức Thầy trên các cõi trên, hoặc nó nhớ lại những tiền kiếp, thuở nó đã biết Ngài. Ðôi khi Chơn Nhơn biết nhưng không thể truyền sự hiểu biết của nó xuống cõi trần cho Phàm Nhơn. Thỉnh thoảng sự hiểu biết của nó truyền xuống một cách bất toàn hay sai lệch. Sau cùng, trong những trường hợp khác thì Chơn Nhơn chỉ biết thôi. Chơn Nhơn không thể sai lầm. Dường  như nó không hề lầm lẫn. Nhưng không ai cãi được là Chơn Nhơn  còn dốt lắm chuyện. Vả lại  mục đích  sự tái sinh của nó là phá tan sự vô minh này.

Những người không có bằng chứng nào về sự hiện hữu của các Ðấng Chơn Sư ắt sẽ chấp nhận tính chất hợp lý của quan niệm này và chắc chắn rằng: Nếu con người tiến hóa và đã trải qua nhiều giai đoạn, thì có những đoạn tiến hóa khác hơn dành cho con  người trong tương lai. Chúng ta không thể xem mình như là sự hoàn mỹ của những thời đại! Sau cùng sự hiện hữu của các Ngài được xác nhận bởi nhiều nhân chứng gặp gỡ các Ngài và hầu  chuyện với các Ngài [90].

Có nhiều người đã thấy các Ngài, nhưng về sau họ mất đi một phần tin cậy ở các Ngài. Quả nhiên, điều đó không thể hiểu được. Chẳng hạn như tôi nhớ rõ ràng Ông Brown ở Luân Ðôn. Vì ông có viết một quyển nhỏ tự thuật tiểu sử của ông, nên không có chi ngăn cản những điều chúng ta nói về ông. Ông đến Ấn Ðộ vào một thuở kia rất lâu, tại đó ông  được đặc ân lạ thường là gặp một trong hai Ðấng Chơn Sư đã thành lập Hội Thông Thiên Học, trong xác phàm của Ngài. Các Ngài ít khi rời khỏi tịnh thất [91] của các Ngài ở Tây Tạng, hai Ngài có đến Ấn Ðộ lúc phong trào Thông Thiên Học  khởi xướng; khi đó tôi là hội viên. Trong quyển Thế Giới Huyền Bí có thuật lại một sự viếng thăm của Ðức Thầy Kouthoumi tại Amritsar, nơi ấy có một ngôi đền lớn bằng vàng của người Sikhs. Ðức Thầy nói: "Ta thấy có những người Sikhs của chúng ta say sưa nằm trên thềm của ngôi đền của họ. . . . Ngày mai Ta sẽ trở về tịnh thất của Ta".

Tôi thiết nghĩ, càng ngày các Ngài càng thấy rằng các Ngài dùng thần lực của các Ngài một cách tuyệt hảo trên những  cõi cao,  các Ngài bèn giao phó công  việc  dưới trần cho những người còn ở tại thế gian hiện nay đã tụ hợp dần dần chung quanh các Ngài. Ông Brown hồi còn trẻ, trước hết đã thấy Ðức Thầy Kouthoumi trong thể vía của Ngài. Rồi sau này ông đi du lịch lên miền Bắc Ấn và làm thơ ký cho Ðại Tá Olcott. Lúc  ông ngủ  trong chiếc lều của Ðại Tá, nhưng khác buồng, thì Ðức Thầy trong thể xác đến thăm Ðại Tá. Ðức Thầy nói chuyện một lát với Ðại Tá rồi Ngài bước sang qua phòng khác. Tôi không hiểu tại sao ông Brown lại kéo tấm "ra" trải giường phủ đầu ông, vì ông sợ giáp mặt với Ðức Thầy. Trong trường hợp đó, ai cũng có mặc cảm về tội lỗi của mình, nhưng lối bắt chước  con đà điểu và dấu  mình  dưới tấm "ra" thì  theo tôi, hình như  không ích chi lắm, vì hiển nhiên nó cũng là một vật trong suốt trước nhãn quang cao siêu. Tuy nhiên, Ðức  Thầy vẫn nhẫn nại nói rằng; "Con hãy thò đầu ra khỏi tấm "ra" đi. Ta muốn con xem coi Ta có phải là người mà con thấy trong Thể Vía của con chăng? Rốt cuộc Ðức Thầy không nói thêm nữa và để lại một mảnh giấy cho ông, lúc ấy ông mới tỉnh lại. Một cơ hội mà nhiều  người khác phải trả giá rất đắt đã đến với ông. Dĩ nhiên là ông xứng đáng, nhưng ông không lợi dụng nó. Sau này, ông đâm ra nghi ngờ sự hiện hữu của Ðức Thầy. Cũng có nhiều người khác được đặc ân thấy Ngài, nhưng họ lại tìm thế rút lui.

Có nhiều người do sự  khinh  nghiệm ở những tiền kiếp của họ đã tạo cho họ một tính hoài nghi, còn kẻ khác lại quá nhẹ dạ nên tin càn. Hai thái độ cực đoan này đều không giúp ích cho sự tiến hóa. Cả hai đều thiếu tinh thần khoa học. Mỗi người đều có trong  trí sự thấy tổng quát. Nếu có những điều kiện mới mẻ nào được trình bày cho y phù hợp với sự thấy đó, thì y sẵn sàng nhìn nhận là đúng chứ không đòi hỏi những bằng chứng rõ ràng, chắc chắn: "Phải, chúng ta nói, điều này dường như rất đúng. Nó phù hợp!  Chắc chắn nó như thế". Một mặt khác, nếu người ta nói với một người bình thường những gì không phù hợp với sự hiểu biết trước của y, thì y tuyệt đối phủ nhận nó. Nếu chúng ta đã có kinh  nghiệm nghiên cứu khía cạnh bên trong của sự vật, chúng ta sẽ bỏ ngay thái độ từ chối một việc xác nhận nào đó vì  lẽ nó không phù  hợp với điều mà chúng ta đã biết trước kia. Người ta tập ngưng phán đoán, không chấp nhận mà cũng không phủ nhận; người ta chỉ nói rằng : "Theo chỗ tôi thấy, từ đó đến giờ, điều ấy hình như không đúng lắm. Tuy nhiên tôi không phủ nhận chi cả. Tôi để ý  tưởng ấy qua một bên, chờ đến khi nó được tỏ rõ hơn nữa". Thật là nông nỗi mà trả lời rằng mọi sự vật mà người ta chưa thí nghiệm thì không  thể có được. Ðiều đó chứng tỏ sự dốt nát của mình.

Nói một cách  tổng quát, dưới cõi hồng trần này những người càng biết ít, thì càng tin nhiều. Trong khoa học, những người nói một cách vô đoán tự thị là những sinh viên. Những nhà đại thông thái có thói quen nói rằng: "Tôi đã thí nghiệm sự kiện này, sự kiện kia, nhưng tôi không tự hào suy ra được đinh luật". Một ngày kia Lord Chancelier có nói rằng: "Vị trạng sư trẻ tuổi nơi đây cũng không chắc chắn hơn tôi". Sự  chắc chắn của những người trẻ tuổi do việc họ không học hỏi đặng biết rằng có nhiều  điều có thể có, họ không hiểu rằng, nên cẩn thận, đừng bày ra định luật quá rõ ràng. Sau nhiều năm học hỏi, chúng ta tập chọn lựa những danh từ của chúng ta dùng một cách kỹ lưỡng hơn. Có không biết bao nhiêu sự thật không ngớt bao phủ chúng ta mà chúng ta không biết. Nói một cách tổng quát, thế hệ trước đây, người ta chế nhạo và cho là không thể có được nhiều việc mà ngày nay là chuyện tầm thường trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Tốt hơn là nhận  thức sự kiện đó từ lúc đầu và chờ đợi những phát minh mới, luôn luôn có thể xảy ra, việc ấy chứng tỏ sự tiến bộ của nhân loại.

Ðiều rất hữu ích cho chúng ta là được giải thoát ra khỏi những thành kiến, chúng ta là những người nghiên cứu các vấn  đề cao siêu. Chúng ta phải đủ sức uyển chuyển  để chấp nhận những chân lý có tính cách phá hoại khi chúng phù hợp với lương tri. Bằng  không, chúng ta chỉ nên gác chúng nó qua một bên và nói rằng chúng ta chưa tin chắc. Chúng  ta không kết án chúng, cũng không kết án những người cổ vũ chúng. Chân lý biểu hiện nhiều mặt, thế nên thường thường không phải một người hay một nhóm người thấy hết những khía cạnh của nó một lượt. Do đó những gì hôm nay đối với chúng ta dường như phi lý, luôn  luôn có thể chứa đựng một mảnh  chân  lý.

Khốn nỗi nhiều người không biết chi cả về vấn đề nào đó, mà tưởng rằng mình đã hiểu nó triệt để. Nhất là về tôn giáo, những người ít hiểu biết lại làm ồn ào để người khác chấp nhận ảo tưởng đã hiện  ra trong Trí họ. Ðôi khi họ nói rằng lương tâm là hướng  đạo của chúng ta.

Nếu trong vài trường hợp có thể xảy ra như vậy, chúng ta cũng không thể luôn luôn tin cậy vào lương tâm, vì Chơn Nhơn mà nó là biểu hiện chưa phải là toàn tri. Lịch sử đã cho thấy rằng vì tuân  theo lương tâm nên người ta mới thiêu đốt, tra tấn đồng loại của mình. Chơn Nhơn nào xúi dục làm những việc như thế, hiển nhiên là dốt về những điểm rất quan trọng. Rõ ràng là người ta phải lắng tai nghe tiếng  nói của  lương tâm khi chắc rằng nó nói, nhưng luôn luôn nên nhớ câu trả lời rất hay của vị Giám Mục South với một người Tin Lành ly khai như sau: "Chắc chắn là bạn phải theo sự hướng dẫn của lương tâm bạn, nhưng nên giữ sao cho lương tâm của bạn không phải là lương tâm của một thằng ngốc".

Sự tin cậy là điều tốt, tuy nhiên, người ta không thể tự bắt buộc mình phải tin, cũng như không thể tự bắt buộc mình phải yêu. Chúng ta chỉ quan sát những đức tánh của một người, rồi chúng ta có thể  dần dần  đạt được những lý do để thương yêu y. Cũng như  chúng ta có thể suy gẫm về những lý do để tin và như thế, có thể dần dần đi đến đức tin. Nói cho đúng, tự nhiên người ta không nên tin tất cả, mà chỉ tin những  điều gì  là sự  thật mà thôi. Vả lại chơn  lý này đòi hỏi nhiều năm nghiên cứu nếu những tiền kiếp không mang đến cho chúng ta một sự tin chắc nào.

Phương pháp của những vị Ðại Sư trong các tôn giáo không phải là làm cho mọi việc trở nên dễ dàng đối với chúng ta. Lần  đầu tiên tôi biết được Huyền Bí Học nhờ Bà Blavatsky. Thỉnh thoảng bà ban cho những môn sinh của bà vài sự hiểu biết về Huyền Bí Học, nhưng bà không ngớt đưa đến cho họ những cuộc thử lòng nghiêm khắc. Bà dùng phương pháp tẩy mạnh. Nhưng  những người nào thật tâm chí quyết vẫn  tiếp tục  ở lại với bà, còn những kẻ khác thì bỏ bà ngay. Bà sửa chữa những thành kiến của chúng tôi, nhưng đối với những môn sinh của bà có biết bao sự tự xét mình cần phải thực hiện.

Nhiều người nói rằng bà đã làm những việc mà một vị Ðại Sư sẽ không được phép làm. Ý kiến riêng của tôi luôn luôn như sau:   "Bà Blavatsky có những sự hiểu  biết về  Huyền Bí Học; và tôi sẽ nhận được những điều đó, nếu bà bằng lòng ban  cho tôi. Ngoài ra  tất  cả những gì bà làm đều là việc riêng  của bà. Chính Sư Phụ của bà phán đoán những hành vi của bà, chứ không phải tôi. Bà có thể  có những lý lẽ riêng để hành động. Như thế những lý lẽ đó tôi không biết được. Bà hiểu biết mấy việc đó, bà nói về những vị Chơn Sư ấy - Tôi muốn đạt được những sự hiểu biết như thế, và nếu sức người có thể làm được, tôi đến quỳ dưới chân các Ngài". Tôi từ  bỏ  tất  cả  để theo bà và tôi không bao giờ luyến  tiếc sự tin cậy mà tôi đã đặt nơi Bà Blavatsky. Tánh ưa chỉ trích là một hiệu  quả của nghiệp báo nó không  cho con  người học hỏi mau  lẹ như việc sẵn sàng chấp nhận điều gì hợp lý.

Nên nhớ rằng chúng ta không thể cho Huyền Bí Học là một trò chơi, hành  động như thế, không có lợi chi cả và chúng ta còn mất ngày giờ. Nếu Huyền Bí Học không tạo thành sự ích lợi lớn lao hơn hết trong  đời sống, thì nó vô giá trị. Chúng ta không thể liệt  nó vào hạng thứ nhì, thứ ba, hay hạng thứ mười bảy trong đời sống, như nhiều người tử tế cố gắng làm. Nó phải chiếm hàng đầu trong đời sống và nhiên hậu trong tất cả những cái khác phải tùy thuộc nó. Sự tin chắc rằng Ðức Thầy biết đích xác những điều ta phải làm và những lời nói của Ngài diễn đạt đúng đắn tư tưởng của Ngài, đó là sự biểu thị lòng tin cậy của ta đối với Ngài. Vậy nếu trong sách này, Ngài đưa ra vài nguyên tắc chính xác, thì chúng ta phải hết sức tuân theo. Tôi biết điều đó hình như khó khăn. Ấy cũng là một điều rất khó bảo người ta chấp thuận. Người ta nói rằng: "Phải, Ngài đòi hỏi chúng ta phải thân cận với nhau hoặc cái gì giống như thế". Lời nói của Ðức Thầy diễn đạt tư tưởng của Ngài. Nếu chúng ta không  tin Ngài, chúng ta sẽ thất bại, chúng ta phải tự trách lấy mình. Trong khoa Huyền Bí Học, chúng ta phải tự  bỏ sự trả giá của cõi trần để đi vào ánh sáng của chân lý, vượt ra khỏi thế giới của chúng ta để đi vào thế giới của các Ngài.

 

Nếu không có lòng tin cậy hoàn toàn, thì tình thương và thần lực không thể tuôn xuống một cách trọn vẹn.

 

C. W. L.  Nếu còn nghi ngờ về sự hiện hữu của Ðức Thầy,  hoặc nghi ngờ chúng ta không bao giờ đi đến Ngài được hay là không tiến bộ được, thì chỉ một mình sự ngờ vực này cũng đủ khiến cho những sự rung động chuyển sang một chiều hướng xấu và người hoài nghi đó không thể thành một vận hà  hữu dụng. Vậy thì đệ tử phải tin cậy Ðức Thầy và thương yêu Ngài. Ðồng thời y phải  thương yêu nhân loại với một tình thương hoàn toàn vô tư. Ý muốn không thay đổi của Ðức Thầy là đạt được mục đích mà ít hao tổn thần lực, hầu Ngài có thể tích trữ nó nhiều đặng dùng vào những việc khác. Người nào ở trong tình trạng như tôi đã mô tả, thì không phải là một vận hà tốt; và y không thể hữu dụng cho Ðức Thầy. Thật đáng tiếc cho chúng ta không được Ngài dùng lúc Ngài cần sự giúp đỡ của chúng ta và những thể của chúng ta rung động  nghịch với ảnh hưởng của Ngài, thay vì phải đem nó truyền sang cho kẻ khác.

Tôi nhớ đến trường hợp của một người kia vô cùng mong muốn được là đệ tử của một Ðức Chơn Sư. Y đã phụng sự Ngài bằng nhiều cách và ước muốn lớn lao của y là được thấy Ngài. Tôi đang ở nơi nhà y  khi Ðức  Thầy trong xác thân đến thành  phố y  cư  ngụ. Tuy nhiên, Ngài không vào nhà. Tôi gặp Ngài ở ngoài và nói chuyện lâu với Ngài, nhưng Ngài không thể vào thăm người muốn làm đệ tử của Ngài, vì đúng lúc ấy Thể Vía của người này đang kích động mãnh liệt vì bị vài thứ dục tình đê tiện xâu xé. Thế là mất cơ hội duy nhất của một kiếp sống, mà cũng có thể là cơ hội trong nhiều  kiếp  nữa. Nếu  người này biết được Ðức Thầy ở gần một bên, tôi chắc chắn rằng tất cả dục tình sẽ rơi xuống tức khắc. Nếu Ðức Thầy dùng quyền năng của Ngài phá tan dục tình ấy để cho y thấy Ngài, thì phải tốn nhiều thần lực của Ngài.

Ðừng nghĩ  rằng  Ðức Thầy phiền  trách  chúng ta vì chúng  ta không tin cậy hoặc có những cảm tưởng khác tương tợ, hay vì Ngài tỏ ra khó khăn không chịu phí thì giờ để phá tan trận bão lòng của người chí nguyện để giúp y. Ngài chỉ làm những gì hữu ích nhất cho công việc của Ngài mà thôi. Không có  một lý do tình cảm nào làm cho Ngài thay đổi chiều hướng. Trong những tình trạng nghiêm trọng, phải dùng người giỏi nhất,  dù y có phải là bạn hữu hay là không phải cũng thế, nếu gạt người ấy qua một bên để chọn một kẻ kém khả năng hơn vì lẽ y là bạn thân của chúng ta, thì chúng ta không làm tròn bổn phận. Chẳng hạn trong một trận đại chiến, muốn điều khiển những cuộc hành quân hoặc để điều khiển Bộ nào hay Ban nào đặc biệt thì phải dùng viên tướng giỏi nhất  hay là những người có biệt tài. Ðây không phải là lúc dùng chính sách thân thích để tìm một chỗ cho con  cháu của một nhân vật nào đó. Phải có người làm việc giỏi nhất, vì quyền lợi tối cao cho mọi người là công việc  phải được thực hiện hoàn hảo, tốt đẹp.

Trong Huyền Bí Học cũng thế: nếu  công việc phải được hoàn thành thì các Ðấng điều khiển nó sẽ dùng người có đủ tư cách nhất. Nhiều năm làm việc cho Ngài cũng không tạo thành quyền đòi hỏi được Chơn Sư  giúp đỡ, hoặc được các Ngài để ý đến. Bổn phận của Ðức Thầy là chọn người có thể hoàn  thành  công việc, dù y là người mới đến  với Ngài hay đã phụng sự Ngài nhiều năm.

Bất cứ là ai khi để việc làm lên trên tất cả lại không vui mừng  khi thấy kẻ khác thực hiện được nó tốt đẹp hơn  mình? Ðã lâu lắm rồi Ông Ruskin  có nói về một công việc nào đó như sau: "Dù đó  là  công việc của tôi, việc của bạn hoặc của một kẻ khác, thì có quan hệ gì? Nó đã thành công". Bạn đừng do dự tuyên bố việc đã thành công, dù chính bạn thực hiện nó, bạn cũng đừng quên nhìn nhận tác phẩm toàn hảo hơn do kẻ khác hoàn thành vì cá nhân của tác giả không có gì là quan trọng. Trong tác phẩm của Ông  Ruskin người ta nhận thấy nhiều đoạn rất đặc sắc. Tôi nghĩ rằng ông không biết chi về Huyền Bí Học cả; vả lại tôi cũng dốt về khoa ấy trong thời kỳ tôi biết ông, nhưng nhiều trang trong tác phẩm ông đã  mang thực sự tính  cách của khoa Huyền Bí Học.

 

Con cũng phải tin cậy con nữa. Con nói rằng con tự biết con quá rõ rệt về điều đó ư ? Nếu đó là tình cảm của con, thì con không tự biết con đâu. Con chỉ biết lớp vỏ bên ngoài thường dính bùn dơ, còn con, thật con, là một Ðiểm Linh Quang của Ðức Thượng Ðế và Ðức Thượng Ðế toàn năng ngự trong  mình con, và vì lẽ đó mà không có điều gì con không thể làm được, nếu con có ý chí. Con phải tự nói: "Ðiều gì con người đã làm rồi, thì con người có thể làm lại được. Tôi là con người, mà tôi cũng là Thượng Ðế ở trong con người nữa. Tôi có thể làm được việc nào đó và tôi muốn làm". Nếu con muốn bước vào Ðường Ðạo, thì ý chí của con phải cứng rắn như thép đã trui.

 

A. B.  Khi đem những lời giáo huấn mà chúng ta mới bình luận  trình  bày cho vài người và khuyên họ từ bỏ những sự điên rồ, những sự lầm lạc về hạnh kiểm của họ thì đôi khi họ đáp lại rằng: "Tôi không thể làm gì được, đó là bản tính của tôi". Nhiều người dùng lời cáo lỗi này để né tránh. Nếu bạn viện lẽ như thế, thì bạn  sẽ không thật đúng đắn, nhưng bạn phải thật đúng đắn. Bạn không thể đùa giỡn với những vấn đề nghiêm trọng đó. Dẫu mục đích mà  bạn chọn lựa thế nào chăng nữa, sớm hay muộn bạn sẽ đạt được nó.

Nếu bạn nói: "Tôi không thể làm được điều gì" thì chắc chắn  bạn không làm được, bởi vì tư tưởng này làm tê liệt bạn. Ðó là một lỗi lầm rất tai hại, nó ngăn cản mọi sự tiến bộ và làm cho bạn đứng  yên lại một chỗ trong nhiều tháng hay nhiều năm. Như thế chẳng khác nào một người tự cột chân mình vào một sợi dây rồi nói:"Tôi không đi được". Dĩ nhiên, đúng như thế, vì y đã ra sức  tự trói mình y.  Hãy tháo dây ra, nếu y không muốn ngồi một chỗ, rồi y sẽ sử dụng được đôi chân khá dễ dàng. Bạn có thể làm được. Bạn hãy từ bỏ tư tưởng lầm lạc mà bạn đã để nó làm cho bạn tê liệt. Bạn hãy nghĩ  trong trí là bạn có thể hành động và bạn có thể hành động hữu hiệu, rồi sự tiến bộ nhanh chóng của bạn sẽ làm cho bạn ngạc nhiên. Nếu bạn không đồng ý như thế, chỉ vì bạn không đúng đắn, hoặc ít ra không được đúng đắn như ý Ðức Thầy muốn. Bạn chỉ giả vờ là người đúng đắn. Tôi không nói rằng bạn không cố gắng, nhưng sự cố gắng đó không có gì đáng kể.

Bạn sẽ hiểu ý tôi khi áp dụng mấy sự nhận xét trên đây vào những vấn đề thuộc về đời sống xã hội, vào nghề nghiệp để nuôi vợ con. Bạn biết rất rõ rằng trong vấn đề này nếu có một chướng ngại nào chận đường bạn, thì bạn nhất định vượt qua nó tức khắc và bạn sẽ dùng hết sức mình vào việc đó. Bạn sẽ không ngồi xuống và nói: "Tôi không thể làm gì được". Bạn hãy lấy một ít sự đúng đắn để áp dụng vào vấn đề này, bạn sẽ đúng đắn trong tất cả những việc ít  quan  trọng. Một công việc, nếu có vẻ nghiêm trọng là tại người ta làm công việc đó không thật sốt sắng.

Rất vô ích mà cầu xin Ðức Thầy trợ giúp bạn, nếu bạn không cố gắng thoát ra khỏi sự khó khăn. Như thế giống như việc bạn  cầm cái tách mà bạn lấy tay đậy kỹ lại rồi cầu xin nước. Khi nước rót xuống nó chảy trên bàn tay của bạn, rồi tràn ra chung quanh  cái tách, bạn không hứng được miếng nước nào cả. Bao giờ một người cố gắng làm hết sức y, tức là y hành động theo cách thức Huyền Bí Học vậy. Có lẽ kết quả của sự cố gắng không biểu hiện ngay trong ngoại giới, nhưng y đang súc tích năng lực, cuối cùng nó sẽ qui định  sự thành công.

Ðiều gì bạn  phải làm vốn đã được hoàn thành rồi và còn có thể thực hiện lại nữa, khi nào bạn tự cho rằng bạn bất tài, thì bạn thật sự bất lực. Trái lại, nếu bạn tự nói rằng: "Những việc này phải  làm, tôi sẽ làm", rồi bạn sẽ thực hiện được. Hãy quyết định như thế. Tư tưởng của bạn sẽ thành một vị thần hộ mạng luôn luôn ở bên cạnh bạn để bảo đảm sự thành công. Trái lại, như  người Công Giáo đã nói: Ở kề bên  bạn có một con quỷ do tư tưởng của bạn đã sinh  ra nó.  Sinh ra những con quỷ như thế thật vô ích. Tốt hơn nên sinh ra một vị Thiên Thần, một hình tư tưởng lớn: "Tôi làm được và tôi muốn làm".

 

C. W. L.  Quả thật là con người có thể hoàn thành tất cả những gì mà y muốn, nhưng không thể nói rằng y sẽ thành công  tức khắc. Ðó chính là điều mà đôi khi người ta lầm lạc. Tôi biết điều này rất rõ, vì tôi nhận được nhiều bức thư gởi đến cho tôi do  những người lâm vào những hoàn cảnh khó khăn, nghiêm trọng, thí dụ thành ra nô lệ của rượu chè hay là những chất ma túy khác, những ám ảnh khác. Thường thường họ nói với tôi rằng: "Tôi không còn nghị lực nữa. Nó đã mất rồi. Tôi không thắng nổi những khó khăn của tôi. Phải làm sao bây giờ"? Phải gặp những trường hợp như thế mới biết được những nỗi khủng khiếp của những sự mê sa ấy ảnh hưởng đến con người như thế nào, chúng nó tiêu diệt ý chí con người và không cho con người làm được việc chi cả.

Trong những trường hợp đó đôi khi người ta nghĩ đến sự hủy mình. Ðó là định kiến rất tai hại. Một người dù bị cụt tay cụt chân, tàn phế suốt đời, y cũng phải lợi dụng những dịp may có thể còn lại, phải thu góp toàn lực và tiếp tục dũng cảm phấn đấu. Sự tự  tử  sẽ đem đương sự trở  lại tình  trạng mà y muốn trốn tránh, chưa kể Quả Xấu do hành động ấy gây ra. Kẻ thất vọng phải tự nói rằng ý chí của mình vẫn tồn tại, nó là ý chí của Ðức Thượng Ðế biểu hiện trong mỗi người. Song nó cần phải được khai thông, phát triển, điều đó có thể thực hiện dần dần. Sự tâïn tụy của một người bà con hay một người bạn thân thật giàu tình thương và nhẫn nại trong một trường hợp như thế có thể hành động như một ân huệ thật sự.

Người ấy đã làm gì để rơi vào tình trạng như thế? Có lẽ trọn trong kiếp này, hay có lẽ trong một hai kiếp trước, y đã tự ý nhượng bộ tinh chất dục vọng, chiều theo sự cảm dỗ của bản tánh thấp hèn và bằng lòng làm nô lệ cho nó. Trước nhất, có thể chống  chọi lại, nhưng khi thế lực xấu không gặp sự  kháng cự nào cả, sức mạnh của nó gia tăng đến đỗi y không thể nào ngăn chận nó lại được tức khắc. Tuy nhiên y có thể bắt đầu làm việc đó. Chúng ta hãy lấy một thí dụ một người kia đẩy một toa xe lửa. Trong một  nhà ga ở tỉnh, nơi người ta có đủ thì giờ, bạn có thể thấy một người phu đẩy một toa xe lửa từ đường rầy này sang đường rầy khác. Bạn thấy y làm như thế nào? Ðồ vật cồng kềnh và nặng đến hàng tấn, y đẩy liên tục, nhưng ban đầu nó không nhúc nhích. Nhưng kìa, nó đã bắt đầu chuyển động. Y cứ đẩy luôn và sự chuyển động tăng dần. Bây giờ người ta lại tìm cách dừng xe lại, nhưng không thể làm cho nó dừng ngay được. Nếu  y không tránh, thì nó đụng y té nhào và cán nát y. Y tiếp tục cố sức chống lại nó, và thuận theo chiều của nó, cuối cùng y làm cho nó dừng lại được. Y đã tiêu hao một số năng lực nào đó mà y không thể lấy lại được, nhưng y có thể trung hòa nó bằng một năng lực tương đương.

Người nào tự nộp mình cho tinh chất dục vọng sẽ rơi vào  tình trạng  như  thế. Y đã truyền vào nó một sức mạnh lớn lao, bây giờ y phải kháng cự lại nó. Người ta sẽ nói: "Sức mạnh này quá lớn". Ðúng thế, nhưng nó không phải là vô biên. Nếu con người có thể  xét việc đó không phải theo tình cảm, nhưng theo quan điểm trừu tượng như một bài toán, thì y sẽ không nói: Tôi là một con sâu thấp kém và mãnh lực này quá lớn đối với tôi", nhưng ra sức chống lại nó. Y có thể tuyệt đối chắc chắn rằng sức mạnh mà y đã truyền vào tinh chất dục vọng chỉ có giới hạn. Nhưng hiện giờ, y có một sức  mạnh vô lượng, vô biên dành cho y. Vì chúng ta là những Tia Lửa Thiêng, toàn lực của Thượng  Ðế giúp đỡ chúng ta, chỉ có chút ít lực đó truyền qua chúng ta một lần thôi, nhưng nó tuôn xuống không ngừng.

Tất cả những điều này phải được xét theo quan điển của Chơn Nhơn, Chơn Nhơn có thể làm những chuyện đó và Ngài sẽ làm. Trong địa hạt phát triển Huyền Bí Học không có công việc nào đáng  làm mà  lại có thể thành  đạt ngay được. Âm nhạc trong tâm  hồn trổi lên cũng chưa đủ, mà lỗ tai và đôi bàn tay phải luyện tập có phương pháp mới làm cho chúng  ta thành một vận hà thích hợp cho quyền năng của âm nhạc. Vậy Chơn Nhơn phải bền chí luyện tập những thể của nó.

Ðôi khi người ta nói: "Nếu bây giờ tôi không thắng được thói xấu đó, tôi sẽ chờ đến ngày tôi thay đổi thể xác khác". Nói như thế là quên rằng xác thân kiếp sau sẽ có tính khí và tư chất y như xác thân hiện giờ, nếu người ta không chịu làm gì để sửa đổi nó, và tình trạng đáng  tiếc sẽ tiếp tục trong thể xác kiếp sau đó. Trái lại,  quyết định chiến đấu với chúng bây giờ, và thí dụ chúng nó thống trị con người đến ngày cuối cùng của kiếp này đi nữa, trong kiếp tới con người cũng sẽ được một thân xác thật tốt đẹp hơn. Ðối với các  cõi cao cũng giống  như thế. Vì hạnh kiểm xấu xa, một người kia có  thể làm tổn  hại Thể  Trí của y nặng nề đến  đỗi nó không phục hồi được tình trạng cũ của nó nữa, tuy nhiên, nếu nhất quyết phấn đấu chống lại tật xấu, trong kiếp tới y sẽ được một Thể Trí tốt đẹp, thay vì một thể đầy những tật xấu đã làm cho y đau khổ. Trong trường hợp này, cũng như trong trường hợp khác, sự phấn đấu chính yếu vốn ở ngay buổi đầu; sự tin cậy tăng trưởng và sau đó phát triển.

Nếu có nhiều người muốn đem yếu tố tình cảm vào sự tương giao giữa họ với Ðức Thầy, thì những người khác lại muốn thoát  khỏi những sự báo ứng của định luật thiên nhiên. Họ muốn tức khắc được giải thoát mọi tội lỗi, mọi sự khổ nhọc của họ. Người Công Giáo thuộc hạng đa cảm sẽ nói  rằng: "Chính ngay giờ phút này bạn được  cứu rỗi  nhờ máu  của Ðức Jésus. Bạn sẽ được tuyệt  đối thoát khỏi mọi phiền não và nó hình như không bao giờ có đối với bạn. Viễn ảnh ấy có phần hấp dẫn về vài phương diện, nhưng nó đã sai lầm. Sự thật như thế này: Khi bạn  quay về đường khác,  bạn thuận theo chiều hướng tốt lành của Thiên Ý, thì bạn giải thoát được tất cả những sự khốn khổ, phiền não trong lòng bạn do sự chống lại Thiên Ý mà sinh ra. Nhưng không phải vì thế mà những hậu quả bên  ngoài của những hành động đã qua của bạn được xóa bỏ. Bạn đã hoàn thành sự biến đổi, bạn là con người đã cải hoán và giờ đây bạn đang dấn thân vào con đường tốt đẹp.  Nhưng bạn  còn phải chịu hậu quả tai hại do chiều hướng sai lầm của bạn trước kia.

Chỉ trong chốc lát cũng đủ thay đổi thái độ của bạn. Dĩ nhiên bạn được ân xá rồi. Trên phương diện tinh thần, không có chi  chống đối lại bạn nữa. Bạn đã được miễn tố. Nhưng một linh mục chính thống giáo không ngần ngại mà nói với bạn rằng: "Tôi không tự phụ xóa được hậu quả của những hành vi xấu. Nếu bạn đã sống một cuộc đời truỵ lạc, nếu bạn đã làm sức khoẻ của bạn suy kém, tôi không  thể  làm gì được. Nhưng hậu quả này vẫn còn lưu lại và sự sám hối của bạn là sự rán sức bổ chính lại những sự hư hỏng. Ðiều mà tôi có thể tu chính lại được là sự phạm tội lỗi. Nói theo danh từ của Giáo Hội, bạn đã chống lại Ðức Chúa Trời; tôi có thể chấm dứt việc đó. Ở  đây sự ân xá của tôi sẽ đem lại sự lợi ích cho bạn. Ðó là quyền năng của ý chí cao siêu đã thay thế cho dục vọng thấp kém. Nó sẽ dẫn dắt bạn đến chỗ bạn muốn đến; nó sẽ giúp bạn ở lại trong con đường chơn chánh. Nhưng những hậu quả vật chất vẫn  tồn  tại". Riêng cá nhân bạn, bạn có thể sửa đổi thái độ của bạn. Vị linh mục có thể đem bạn về với chánh đạo trên cõi cao hơn, là nơi bạn không có quyền năng. Tôi không nói chúng ta không thực hiện điều này một mình được, nhưng chúng ta sẽ làm với một sự cố gắng lớn lao, một cách vụng về và thiếu khoa học. Ðó là ảnh hưởng xâu xa của sự xá tội. Nhưng nó không thể miễn trừ  cho con người hậu quả của tội lỗi do y đã gây ra. Ðịnh luật thiên nhiên chống đối lại điều đó.

Còn một  nhận xét khác cần phải thêm vào : Bao giờ chúng ta chưa khai mở  được ý chí và tự  chủ được, thì chúng ta chưa thể thực hiện sự hiến mình cho Ðức Thầy. Người ta nói rằng: "Tôi hiến mình trọn vẹn cho Ðức Thầy". Nhưng phải chăng là hiển nhiên người ta không thể nào hiến dâng hoàn toàn khi một phần nào cái Ngã  đã bị những tánh xấu xâm nhập. Ðây còn là một lý do để cho  chúng  ta mở mang ý chí. Ðức Thầy nói rằng ý chí phải giống như thép đã trui. Tôi nhớ rất rõ trong một dịp, vì Alcyone không biết nghĩa mấy chữ này, nên cần phải cụ thể hóa một chút để giải nghĩa cho em hiểu. Chẳng phải có một  ý chí như sắt đá, mà phải có một ý chí bằng thép, một ý chí không có gì lay chuyển nổi. Ý chí đã sẵn sàng; quyền năng thiêng liêng cũng ở trong mình ta. Chúng ta chỉ cần khai mở và tự điều khiển lấy mình. Lúc ấy chúng ta mới có thể đặt dưới chân Ðức Thầy cái ý chí đó như một món quà tuyệt đẹp vô cùng vinh quang.

 

<< Chương 22 | Chương 24 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 929

Return to top