Con phải hết lòng khoan dung cho tất cả mọi người và có thiện cảm một cách chân thành đối với những tín ngưỡng của kẻ khác cũng như tín ngưỡng của con vậy, bởi vì Ðạo của họ cũng như Ðạo của con chỉ là một con đường dắt đến Ðức Thượng Ðế. Và muốn giúp đỡ tất cả mọi người, thì con phải hiểu biết tất cả.
A. B. Ðức khoan dung có thể là một trong những đức tánh mà người ta đề cập đến nhiều nhất hiện nay, nhưng mà lại thực hành ít nhất. Ðó là một trong những đức tánh khó đạt được hơn hết, vì một tín ngưỡng càng ăn sâu vào trí não thì càng được xem là cao quí, và lẽ tự nhiên người ta càng muốn ép buộc kẻ khác phải tin theo. Sự gây hấn này phát sinh ra tất cả những sự ngược đãi và những chiến tranh tôn giáo công khai hay riêng rẽ. Nhưng sự gây hấn ấy còn khá hơn tánh lãnh đạm, thường được xem như là đức khoan dung. Tánh lãnh đạm không phải là đức khoan dung. Chớ nên lầm lẫn điều đó. Hiện nay, trong chính quyền rất ít xảy ra những sự ngược đãi; nhưng trong gia đình và ngoài xã hội vẫn còn nhiều. Ở vài xứ, sự tự do tư tưởng được thịnh hành thì chính quyền vẫn còn ngược đãi tôn giáo. Những nhà tự do tư tưởng bị ngược đãi đến nỗi ý định trả thù của họ trở nên quá mạnh. Lẽ dĩ nhiên, họ vi phạm những nguyên tắc của họ. Tôi hy vọng rằng đó là một phản ứng suông, hậu quả những sự ngược đãi của giáo phái đối với họ sẽ sớm chấm dứt.
Tinh thần ngược đãi vẫn còn nhiều trên thế giới và đôi khi chính phủ bắt buộc phải thực hiện sự khoan dung, như ở Ấn Ðộ chẳng hạn, để ngăn cản những sự rối loạn và bạo động. Tinh thần khoan dung lẫn nhau vẫn có giữa tín đồ của các giáo phái trong những xứ mà những tôn giáo khác nhau được quân bình ít nhiều. Lý do của sự khoan dung này là sự sợ sệt lẫn nhau. Như vậy sự khoan dung, dù đã có, hầu như luôn luôn bắt nguồn từ một tình cảm không mấy chính đáng.
Sinh viên Huyền Bí Học phải tìm cách phát triển lòng nhân từ; vả lại người ta đạt được nó nhờ biết rằng Chơn Nhơn trong mỗi người tìm con đường riêng biệt của mình. Chỉ có thái độ đó mới hợp lý thôi, vậy nên thừa nhận nó để cho đức khoan dung trở thành một đức hạnh được phổ cập khắp nơi. Chúng ta phải nhìn nhận rằng mỗi người có cách thức riêng của họ để tìm kiếm chân lý tối cao và họ phải được tuyệt đối tự do trong sự hành động đó. Ðiều ấy có nghĩa là chẳng những bạn không được cố gắng lôi cuốn một người nào theo tôn giáo của bạn, mà bạn cũng không được cố gắng bắt ai phải theo những lập luận và ý kiến của bạn hoặc bạn làm lay chuyển những tín ngưỡng thích ứng với nhu cầu của họ. Lòng hoàn toàn quảng đại này phải là mục tiêu của bạn. Những cực đoan không xa cách nhau đâu - một mặt là đại lượng, một mặt khác, người đời thường có ý khinh bỉ và cho rằng những vấn đề tôn giáo không có tầm quan trọng lớn lao, chúng chỉ đóng vai trò cảnh sát để giữ gìn con người trong vòng trật tự, họ cho điều đó là khoan dung. Tôn giáo của kẻ khác phải thiêng liêng đối với bạn, vì lẽ nó thiêng liêng đối với y. Các Ðấng Cao Cả trong Quần Tiên Hội sẽ không nhận vào hàng Huynh Ðệ của các Ngài bất cứ ai chưa có cái thái độ thật gần giống với nguyên tắc này.
C. W. L. Hiện giờ có lẽ sự khoan dung có nhiều hơn thời đại Ðế Quốc La Mã và nó rất giống như sự khoan dung đã có hồi xưa. Người ta nhắc lại nhiều chi tiết lạ lùng về cách những người La Mã đối đãi với những người Thiên Chúa Giáo đầu tiên. Những sự sưu tầm thận trọng đã cho thấy rằng sự ngược đãi tàn ác nhất mà người ta đã nói đến nhiều thật không hề có. Nhưng quả thật người Thiên Chúa Giáo thường gây phiền phức cho mình. Tôi không muốn nói là trên vài phương diện, những ý niệm trong thời đó không phải là không dã man, nhưng những người Thiên Chúa Giáo đầu tiên hầu như có tinh thần hỗn loạn, vô chính phủ và khi họ xung đột với nhà cầm quyền, thì chẳng phải do tôn giáo của họ gây nên, mà do những lời nói và sự hành động của họ. Những người La Mã không thừa nhận tình huynh đệ theo kiểu người Thiên Chúa Giáo đầu tiên thuyết giảng. Nó gần giống với những hình thức này: "Hãy làm anh em với tôi hoặc tôi sẽ giết chết anh". Trong vài trường hợp, họ từ chối tham dự vào những cuộc lễ nhỏ được xem như một bổn phận của người công dân. Họ không chịu rải một nhúm hương trên bàn thờ hoặc rót một giọt rượu để tỏ lòng tôn kính đối với Hoàng Ðế. Những cử chỉ này cũng giống như việc giở nón chào tại Luân Ðôn khi nhà vua đi qua. Ðế Quốc La Mã khoan dung nhất trên đời đối với những tôn giáo khác. Người La Mã rất ít thắc mắc để tìm hiểu người ta thờ vị Thần Thánh gì, vì họ không tin vào sự hiện hữu của vị nào cả. Họ có xây một Vạn Thần miếu vĩ đại nơi đó họ lập đền thờ tất cả những Thần Thánh và khi họ thấy Ðấng Christ được người ta tôn thờ, họ lập tức dựng hình Ngài. Nói chung sự khoan dung của họ chỉ là tánh lãnh đạm mà thôi.
Ða số những người La Mã thuở xưa đầu thai vào giống dân của nước Anh. Hiện nay có nhiều người khoan dung đối với mọi hình thức tín ngưỡng, vì họ không tin tưởng cái gì cả. Họ xem tôn giáo như một huyền thoại lý thú để giúp vui cho nữ giới, còn đối với phái nam, thì dĩ nhiên tôn giáo không phải là chuyện đứng đắn. Mục đích của chúng ta không phải là sự khoan dung như thế ấy. Ðức khoan dung của chúng ta phải căn cứ trên sự thừa nhận rằng những tín ngưỡng của kẻ khác cũng đưa đến chỗ cao siêu. Khi vào đền thờ hay giáo đường của một tôn giáo khác với tôn giáo của mình, người thật có tinh thần khoan dung sẽ tuân theo những nghi thức đã được đặt ra, chẳng phải chỉ vì kính trọng tục lệ mà thôi, nhưng còn vì sự kính trọng đối với những tín đồ khác và đối với tôn giáo khác với tôn giáo của y. Có nhiều người khi vào nhà thờ lại từ chối việc bái chào trước bàn thờ và họ còn cẩn thận quay lưng lại. Tôi biết có những người thử đi vào một giáo đường Hồi Giáo mà không cổi giày. Người ta không có gì phải làm trong nhà thờ hoặc đền thờ của một tôn giáo khác, nếu người ta từ chối việc giữ gìn hạnh kiểm cách nào mà không làm mếch lòng những tín đồ. Nếu bạn nghĩ rằng quì gối trước bàn thờ Chúa là việc không hay, thì không ai cấm bạn ở ngoài, nếu bạn cảm thấy việc cổi giày là một cái tội, thì không ai ép buộc bạn phải bước vào giáo đường của người Hồi Giáo.
Tất cả những người trên thế gian là những biểu hiện của Ðại Ngã Duy Nhất. Vậy thì cái hình thức sự hoài vọng của kẻ khác đều phải được kính trọng. Lắm khi sự biểu lộ này có tính cách trẻ con, nhưng không một người nào tánh tình tốt mà lại nghĩ đến việc đưa nó ra giễu cợt hoặc cho nó như một điều tệ hại. Làm sao một trí khôn kém mở mang chia sớt được cái thấy tự nhiên của một trí khôn đã phát triển cao hơn nó nhiều. Ðức khoan dung khiến chúng ta nói theo quan niệm của người La Mã thuở xưa như sau đây: "Tôi là người, thì không có cái chi thuộc về người lại xa lạ với tôi" và nó cũng khiến chúng ta cố gắng tìm hiểu quan điểm của kẻ đồng loại với mình. Ở đây như là sự luyện tập có tính cách cá nhân, nhưng phương pháp này chẳng bao lâu sẽ cho chúng ta thấy rằng Cái Trí con người có thể phản chiếu ánh sáng chân lý với nhiều khía cạnh khác nhau. Thế gian sẽ trở nên buồn tẻ, nếu mỗi việc đều phải làm một cách như nhau! Nó sẽ giống như cái ngục tù mà tất cả đều chỉ hoạt động cùng một giờ và cùng một cách thức.
Như bạn đã biết, chẳng hạn có vài điều phân biệt chính yếu giữa tâm trạng của người Thiên Chúa Giáo và người theo đạo Tin Lành. Mỗi bên xem xét Ðạo của Chúa theo quan điểm riêng của mình, và đa số tín đồ hai phe đều hoàn toàn không hiểu nhau. Người Thiên Chúa Giáo áp dụng nguyên tắc cho rằng sự thờ phượng cử hành với nhiều nghi thức, về mọi phương diện, nó phải được uy nghiêm đúng mức để làm vinh hiển Ðức Chúa Trời mà họ tôn thờ và cũng để gây sự cảm xúc trong lòng các tín đồ. Họ có cảm tưởng rất rõ rệt rằng lễ giáo, những nghi thức và vẻ huy hoàng của khung cảnh chung quanh đều có tác dụng trợ giúp mạnh nhất cho lòng sùng tín. Trái lại, những tín đồ đạo Tin Lành cho rằng tất cả những điều này xấu xa và ghê tởm, vì làm như thế trí khôn con người hiểu sai lầm ý nghĩa thâm sâu. Có lẽ, nếu phải dự tất cả những nghi lễ này, tâm trí của những người, theo đạo Tin Lành không thể giữ được ý niệm bên trong. Ðiều nào có thể gây tác dụng sâu xa đối với người Công Giáo, thì có thể là một sự phiền phức, một sự xáo trộn, một nguyên nhân hỗn loạn cho lòng sùng tín của người tín đồ đạo Tin Lành.
Nhiều người nhận rằng lòng sùng tín và sự khát vọng của họ còn mơ hồ, không vững chắc khi họ chỉ sử dụng phương thức thờ phượng trong tâm tư. Ðối với họ hình thức bên ngoài là một sự trợ giúp lớn lao, tại sao không lợi dụng nó? Những người tìm thấy trong nghi lễ, hình tượng tranh ảnh, trong sự biểu lộ vật chất, một sự thỏa thích, một nguồn cảm hứng tuyệt vời, thì chắc chắn họ thuộc về một trong bảy cung vĩ đại của sự sống, một trong bảy con đường lớn lao đưa con người đến ngôi Thượng Ðế. Những người nào không thích chi cả trong mấy chuyện ấy, chỉ thấy trong đó sự bứt rứt phiền hà và giải trí, thì họ theo đường riêng của họ. Vậy họ hãy vui thích với con đường riêng của họ. Tại sao lại khuấy rối họ?
Mỗi người vẫn nói ngôn ngữ của mình từ thời thơ ấu. Người ta cũng có thể nói, mỗi người diễn đạt ngôn ngữ đạo đức riêng của họ. Ðó chính là phương thức mà những tư tưởng, tình cảm và khát vọng của y tự biểu lộ một cách dễ dàng nhất. Khinh khi một người Pháp, vì ngôn ngữ của y khác với ngôn ngữ của chúng ta là một thái độ vô cùng phi lý. Ðiều này cũng phi lý như việc khinh khi một người khác tôn giáo với chúng ta. Người Pháp gọi "cái nhà" là "maison" thay vì "house". Ý nghĩa vẫn đồng nhất. Nếu y cho rằng danh từ này hay hơn danh từ kia thật là vô nghĩa. Ðiều này khiến chúng ta nhớ đến ông Lillyvick, nhân vật nổi tiếng trong truyện Nicolas Nickelby; sau khi học tiếng Pháp thấy water có nghĩa là "nước", thì ông tuyên bố rằng tiếng Pháp là ngôn ngữ nghèo nàn. Người ta cũng thuật lại trong thời kỳ chiến tranh Nã Phá Luân, một bà lão kia cầu xin Chúa cho người Anh thắng trận, và có một người kia nhắc bà rằng bên kia trời, người ta cũng cầu xin cho người Pháp được thắng trận, thì bà đáp rằng: "Cái đó không nghĩa gì hết. Làm sao Chúa hiểu họ được, khi họ nói những điều ngu xuẩn như thế"?
Không có lý do gì mỗi người không thể theo đuổi con đường thích hợp nhất với mình. Ðó chính là con đường hay hơn hết đưa họ đến Thượng Ðế. Sự bằng an và điều hòa chỉ có được khi nào cả đôi bên điều chấp nhận sự kiện này. Mỗi người phải nói rằng: "Tôi thích con đường của tôi, nhưng tôi hoàn toàn muốn mọi người cũng có đặc quyền như tôi và chọn lựa con đường tốt nhất đối với họ. Ðòi hỏi điều ấy dường như không đáng kể, nhưng ít người bằng lòng như thế. Mỗi người phải tin rằng cái gì tốt nhất cho mình cũng phải tốt nhất cho kẻ khác. Một cái tâm trạng rộng rãi hơn phải nhận thấy rằng có nhiều con đường dẫn tới đỉnh núi và mọi người phải được tự do chọn con đường hấp dẫn nhất đối với mình.
Tôi phải thú nhận rằng, có một tâm trạng mà riêng cá nhân tôi, tôi khó lòng hiểu được, đó là lòng sùng tín hướng về Thượng Ðế một cách rườm rà với đủ thứ danh từ mơn trớn lấy trong thi ca tình tứ và tiểu thuyết. Ðiều đó làm cho tôi khó chịu, và tạo ra một cảm tưởng bất kính, vô lễ trong lòng tôi, dù tôi biết rõ những điều đó vốn chân thành và có dụng tâm tốt. Những người ưa thích sự sùng tín đó chắc chắn là cho tôi lãnh đạm và không hiểu ý nghĩa của câu văn vì tôi suy xét mọi việc theo lương tri, tôi suy luận và tìm hiểu về chúng.
Trong mọi tôn giáo, những tác phẩm viết về lòng sùng tín cho một hạng người tư tưởng cao siêu đều giống nhau rõ rệt. Chẳng hạn bạn so sánh những tác phẩm quen thuộc của người Công Giáo La Mã với tác phẩm thường dùng của những tín đồ Ðức Ramanou-jacharya thì bạn sẽ nhận thấy chúng thật giống nhau. Vả lại, đời sống của một người Thiên Chúa Giáo tốt lành cũng giống như đời sống của một người Ấn Giáo, Phật Giáo, Hồi Giáo hay đời sống của một người tốt thuộc về bất cứ tôn giáo nào. Tất cả đều thực hành những đức tánh tốt giống nhau và chừa bỏ những tật xấu như nhau.
Nhưng muốn có lòng hoàn toàn khoan dung, trước hết con hãy tự giải thoát ra khỏi thói mê tín [72] và tin dị đoan.
A. B. Mê tín là cho ý kiến riêng của mình có giá trị chứ không đếm kể đến ý kiến kẻ khác. Một lần kia, có một bà thật tử tế nhưng cũng rất mê tín, vì thuộc phái Tân Giáo hẹp lượng nhất, nói vơi tôi rằng bà không bao giờ đọc một tác phẩm viết không đúng với những ý niệm của tôn giáo bà. Ðó là sự tin tưởng của người mê tín: không hề đọc một ý kiến nào khác và e rằng nó sẽ làm lung lay ý kiến của mình. Kẻ đi tìm chân lý muốn sống một cuộc đời cao thượng phải có một quan niệm trái hẳn lại. Y cố gắng đọc tất cả những tác phẩm thuộc về vấn đề nào đó, để thấy bao nhiêu khía cạnh khác của ánh sáng chân lý chiếu vào trí óc con người và do nó mà bị khúc xạ. Muốn đạt được chân lý, bạn phải nghiên cứu tất cả những quan điểm, tất cả những ý kiến dị biệt, rồi đồng hóa ít nhiều yếu tố chân lý chứa đựng trong đó.
Học hỏi những sự dị đoan cũng là điều tốt, vì Kinh Upanishad có nói một câu rất hay như sau: "Sự chiến thắng chỉ thuộc về chân lý mà thôi, chớ không phải thuộc về sự giả trá". Sức mạnh của sự dị đoan do một mảnh chân lý mà nó chứa đựng bên trong tạo nên. Chúng ta phải khám phá mảnh chân lý đó. Dĩ nhiên, kẻ mê tín chỉ thấy sự giả trá mà thôi. Còn quí bạn, quí bạn phải biết những khái niệm của tất cả những tôn giáo và phải nghiên cứu chúng không phải như nhà truyền giáo, nhưng với tinh thần thiện cảm. Bạn cũng nên tuân theo nguyên tắc này trong các vấn đề chính trị và xã hội.
Phải diệt trừ sự dị đoan được xác nhận trong phần cuối của quyển sách này như một trong ba trọng tội, gây tai hại nhất cho con người, vì nó là tội trái nghịch nhất với tình thương. Ở dưới trần thế tôn giáo và sự dị đoan vẫn bị lầm lộn, nên cần phải có sự phân biệt trong trí óc chúng ta bằng một định nghĩa rõ rệt. Ðịnh nghĩa mà tôi thích nhất - dù nó không được khá tổng quát - là thế này: tính dị đoan lấy cái không cốt yếu mà làm điều cốt yếu, lấy cái phụ thuộc mà làm điều quan trọng. Trong cuộc tranh luận về tôn giáo, người ta biện bác về một điểm không trọng yếu và mỗi bên thường tiêu biểu cho một sự hiểu lầm chân lý khác nhau.
Một định nghĩa khác về sự dị đoan như sau - định nghĩa này cũng không được hoàn toàn - Sự dị đoan là một niềm tin không có căn bản hợp lý. Thế nên nhiều chân lý trở thành dị đoan đối với những ai có sẵn chúng nó bởi vì họ không có một lý do chính đáng và tốt đẹp để tán đồng chúng nó.
Ðức Thế Tôn có nói rằng chỉ có một lý do đáng cho bạn tin tưởng một việc gì là khi nào nó phù hợp với lý trí và lương tri của bạn và như thế người ta mới có thể nói rằng riêng bạn đã hiểu được điều đó. Chúng ta hãy áp dụng tiêu chuẩn này, chúng ta sẽ thấy phần lớn tôn giáo của hầu hết nhân loại phải gọi là dị đoan, Ðối với những người này thì không quan hệ mấy, nhưng đối với những người cố gắng đi tới Ðường Ðạo, tất cả những gì không được kiểm chứng bằng trực giác hoặc lý trí phải tạm thời gác qua một bên. Khi nào quan năng siêu việt của bạn phát triển thì nó liền nhận ra Chân lý ngay, bạn còn có thể đồng hóa với Chân lý luôn luôn nhiều hơn. Bây giờ một sự tin chắc sâu xa nảy sinh ở bạn và khi một Chân lý hiện đến với bạn, bạn sẽ nhận ra nó. Quan năng Bồ Ðề [73], ấy là lý trí thuần túy. Chúng ta phải lấy tiêu chuẩn này kiểm soát tất cả những sự tin chắc của mình, bởi vì phần lớn những gì chúng ta đã thừa hưởng đối với chúng ta đều là dị đoan. Rồi khi mà đối với chúng ta cách tư tưởng này trở thành thói quen thường lệ, thì chúng ta sẽ thoát khỏi sự dị đoan và phát triển đức khoan dung.
C. W. L. Ðôi khi trí độ con người bị sự dị đoan chi phối mãnh liệt, nên có khi người ta nói rằng sự dị đoan không thể tách rời khỏi tôn giáo. Thật ra, có nhiều sự lầm lẫn trong tư tưởng đạo đức mà đa số đều phi lý, nhưng một tín ngưỡng được truyền bá rộng rãi, thì chắc nó dựa vào một mảnh nhỏ chân lý. Nói một cách tổng quát, những sự dị đoan chẳng phải chỉ là những điều bịa đặt, ấy là những sự kiện bị biến dạng hay bị phóng đại quá lố. Một hôm, Bà Chánh Hội Trưởng của chúng ta có kể một thí dụ về sự dị đoan ở Ấn Ðộ mà người ta đều biết. Một Thánh nhân kia có nuôi một con mèo, nó rất mến ông, đến đỗi mỗi khi hành lễ ông phải cột con vật dưới chân giường để nó đừng quấy rầy ông. Thấy thế, người ta kết luận rằng sự thận trọng đó là một phần cốt yếu của việc hành lễ. Thời gian qua, sự hành lễ bị lảng quên và chỉ còn lại một di tích là theo tục lệ phải cột con mèo dưới chân giường.
Những Pháp Sư và những tu sĩ Do Thái Pharisiens bị Ðấng Christ tố cáo là nhà đạo đức giả và vì họ như những ngôi mộ trắng tinh chứng tỏ sự dị đoan của họ về loại đó. Ðức Chúa nói họ trả thuế thập phân cho cây bạc hà, cây hồi hương và cây chà là, vì họ buộc phải trả thuế thập phân tất cả những gì họ có, họ tính tỉ mỉ những món thực phẩm vụn vặt như tiêu, muối, nhưng họ hoàn toàn quên đi phần quan trọng hơn cả qui luật công bằng, lòng trắc ẩn và đức tin.
Sự dị đoan trong ngày chúa nhật làm hại vài vùng ở Anh Quốc, nhất là tại xứ Tô Cách Lan; ở đây ngày chúa nhật buồn không thể tả. Ý định đầu tiên là giảm đến mức tối thiểu công việc làm ngày chúa nhật để biến ngày ấy thành ngày hiến dâng cho sự lợi ích tinh thần. Tuy nhiên, vấn đề phụng sự Thiêng liêng đã đi vào hậu cảnh, người ta thường thấy ngày này là ngày say sưa, phóng túng nhiều hơn trong tuần. Ðây đúng là lấy việc phụ thuộc làm điều trọng yếu. Bởi vì ít nhất là có một ngày mà người ta cho là ngày đạo đức, nên người ta thường tin rằng những ngày khác không tuân theo những giới răn và lý tưởng đạo giáo thì cũng không quan trọng gì cả. Tôi để ý những người không theo luật ngày chúa nhật - như người Ấn Ðộ, người Phật giáo và những kẻ theo tôn giáo khác - họ sống một cuộc đời đạo đức đến một mức độ mà người ta không thấy điều đó ở những người Thiên Chúa Giáo. Tôi không nói rằng tất cả những người này đều có đức hạnh mà tất cả những người Thiên Chúa Giáo cũng không phải đều có đức hạnh, nhưng tôn giáo có ảnh hưởng đối với họ mạnh hơn người Thiên Chúa Giáo trung bình. Người Công Giáo bậc trung thường chỉ nghĩ rằng việc đi nhà thờ một lần mỗi tuần thì đã làm tròn bổn phận đạo đức của mình rồi.
Bà Chánh Hội Trưởng của chúng ta cũng cho một định nghĩa về sự dị đoan như sau: đó là sự tin tưởng không có nguyên do hợp lý. Tin vào sự xoay tròn của quả địa cầu, sự hiện hữu của những miền xa xôi mà chúng ta chưa thấy, sự thật về những nguyên tử và điện tử hoàn toàn vượt khỏi tầm nhãn quan của chúng ta, là điều thật hợp lý, vì chúng ta có những lý do vững chắc để tin tất cả điều đó. Nhưng mà những sự tin tưởng của người bình dân không thuộc về loại này. Niềm tin thông thường của người Thiên Chúa Giáo về hỏa ngục đời đời là hình phạt vĩnh viễn chỉ là một sự dị đoan độc hại đặc biệt. Nó không căn cứ trên một nền tảng hợp lý nào, nhưng nếu bạn đề cập điều đó với người Thiên Chúa Giáo trung bình, thì y sẽ cho bạn là kẻ vô thần và sẽ trách bạn chế nhạo tôn giáo y. Người đầu tiên gây sự tin tưởng đó có thể tin như thế không? Nhưng sau y, hàng triệu người đã tin tưởng và bởi đó chắc chắn họ tin dị đoan.
Theo quan điểm Thiên Chúa Giáo điều quan trọng duy nhất do vấn đề này trình bày là nó căn cứ vào lời của Ðấng Christ đã nói. Tôi tưởng có tám đoạn trong đó người ta cho rằng Ngài đề cập đến sự hình phạt đời đời. Vậy rất dễ mà chứng tỏ rằng không có một đoạn nào đề cập đến tư tưởng của dân chúng về hỏa ngục. Về vấn đề này có một quyển sách nổi tiếng nhan đề Salvator Mundi, do một Mục sư người Anh là Samuel Cox viết. Vị này phân tích thật kỹ lưỡng bản văn Hy Lạp đầu tiên thuật lại lời của Ðấng Christ và chứng minh một cách dứt khoát rằng không có một bản kinh nào cho phép chúng ta tin tưởng về một sự hình phạt đời đời. Chắc chắn việc này không có một nền tảng hợp lý nào cả, vì nếu Ðức Chúa Trời là một Ðấng Cha Lành, thì sự tin tưởng như thế không thể chấp nhận được.
Người ta có thể nghĩ rằng với thời gian, những người Thiên Chúa Giáo ngày nay đã tự giải thoát khỏi sự dị đoan khủng khiếp ấy đã từng gây tại hại vô cùng cho nhân loại, nhưng có hàng triệu người còn tin tưởng sự dị đoan đó và nó còn được giảng dạy. Gần đây tôi có thấy cuốn giáo lý cương yếu Công Giáo La Mã để cho trẻ con dùng, những ý tưởng xưa liên hệ đến địa ngục, nơi xảy ra những hình phạt đời đời cũng được trình bày một cách điên rồ ở quyển đó cũng như trong thời quá khứ. Về những gì giảng dạy cho thiếu nhi, chúng ta có thể tưởng rằng chúng ta đang ở vào thời trung cổ còn thô tục hết sức. Thật không có gì đáng buồn hơn nữa. Nhiều dòng Thiên Chúa Giáo tự vượt lên khỏi những ý niệm như thế, nhưng những dòng cổ kính và quan trọng nhất còn giữ kỹ những giáo điều thời Trung Cổ. Ðôi khi người ta may mắn gặp được những vị linh mục biết giải thích tất cả những điều này giống như chúng ta giải bày giờ đây, nhưng nguyên văn mà họ dạy những thiếu nhi thì hoàn toàn ghê tởm và phạm thượng. . . . Chính lúc chúng mới bắt đầu bước vào cuộc đời, người ta dạy chúng một ý niệm hết sức đáng buồn về Chúa Trời; đó là làm cho đời sống và trí khôn của chúng bị nhiễm đầy sự sợ hãi và hung ác làm hại tánh tình và sự tiến hóa của chúng.
Giáo lý của Ðức Phật về đức tin và lý trí mà tôi đã kể ra là một giáo lý tuyệt đẹp. Sau khi Phật tịch diệt, Giáo Hội nhóm họp để lựa chọn trong tất cả những câu chuyện mà người ta gán cho Ngài, những lời nào đáng gọi là xác thực. Và trước tiên Giáo Hội đề ra nguyên tắc này: "Cái gì trái với lý trí và lương tri, thì không phải là giáo lý của Phật". Những nhân viên của Giáo Hội bác bỏ tất cả những gì không thỏa mãn trên phương diện này, và nói rằng: "Ðiều này hiển nhiên là trái với lương tri. Phật không hề nói như thế đâu". Có thể họ đã gạt bỏ một hai điều mà họ không hiểu, nhưng họ tránh được cho tôn giáo của họ không biết bao nhiêu điều dị đoan. Những vị khai sáng các tôn giáo lớn, trừ Mahomet, không hề viết lại giáo lý của mình. Tuy nhiên, người ta nói Ðức Phật có viết một quyển sách hiện giờ được Tiên Thánh giữ gìn chớ không có truyền bá ra ngoài đời [74]. Thường thường, ba bốn thế hệ trôi qua, các giáo lý mới được trình bày dưới hình thức sách vở, vả lại sách này là sự sưu tập từ nhiều nguồn tài liệu. Chẳng hạn, như trong sách Isaie, các học giả uyên bác đã khám phá tám truyền thông nhập lại, có ba ông Isaie liên tiếp, một ủy ban và còn nhiều việc khác nữa. Một tôn giáo suy tàn khi nào các nhà biên soạn không viết ra những điều họ biết, mà viết lại những điều họ nghe, rồi sinh ra tranh luận về những điểm nhỏ nhặt.
Còn một nguyên nhân lộn xộn khác nữa là khi một tôn giáo mới xuất hiện, nó bao phủ tôn giáo đã có trước như một lượn sóng chinh phục nhưng không làm cho chúng phải phai mờ. Một vị tướng khôn ngoan, khi chinh phục một xứ mới, ông tìm cách làm cho những luật lệ của ông thích ứng với dân tộc bại trận hầu tránh sự xáo trộn đến mức tối thiểu. Vậy những tôn giáo mới cũng phải thích ứng với nhiều dân chúng dị biệt, họ sẽ thừa nhận chúng. Thế nên người Trung Hoa và Nhật Bản vẫn thờ phượng tổ tiên và giữ sự cúng tế cổ truyền theo lối Thần Ðạo (Shinto) của họ, nhưng thêm vào đó luân lý của Ðức Phật. Còn ở Tích Lan, tôn giáo đã mang một tính cách duy vật, người ta cho rằng không có cái chi trong con người được truyền lại từ kiếp này qua kiếp khác, trừ ra nghiệp quả của y. Tuy nhiên, người ta lại nói về những tiền kiếp và họ hy vọng được nhập Niết Bàn trong một kiếp tương lai. Người Thiên Chúa Giáo cũng thừa nhận các ngày lễ đặc biệt của những quốc gia mà tôn giáo của họ được truyền bá, họ tìm tên những vị Thánh Công Giáo đặng đặt cho chúng.
Vậy truyền thống xưa đã lưu lại những di tích ở khắp nơi: vũ điệu ma quái ở Tích Lan, sự thờ phượng Nữ Thần Kali bên Ấn Ðộ, vân vân. . . . Ðôi khi chúng được xem như là những tôn giáo chơn chánh và thành ra một nguồn dị đoan to tát. Người ta có thể nhận ra chân lý trong một ý niệm không thể giải thích bằng lý luận: đó là khía cạnh khác của vấn đề, Chơn Nhơn biết và các Ngài có những lý do vững chắc. Nhưng luôn luôn không có thể ghi những lý do này vào bộ óc xác thịt, chỉ có một sự việc đã thu thập được: Ấy là Chơn Nhơn biết. Một chân lý mới đem trình bày cho chúng ta, chúng ta có thể biết tức khắc là mình có thể tiếp nhận nó hay không. Ðây không phải là sự dị đoan, mà chính là một sự tin chắc sâu xa mãnh liệt. Tôi không tin rằng có người cảm thấy sự tin chắc như thế về vấn đề âm phủ. Những người tin về hỏa ngục đời đời vì người ta đã dạy họ như thế. Nhưng người ta nói phải chăng điều này có phải là hy sinh lý trí cho trực giác chăng? Và cũng nên nhớ rằng ở đây danh từ Bồ Ðề mà chúng ta dịch là "trực giác", thì ở Ấn Ðộ được gọi là "lý trí thuần khiết". Ðó là lý trí riêng biệt của Chơn Ngã, cao hơn lý trí của chúng ta ở dưới những cảnh thấp.
Rồi Ðức Thầy nhắc lại cho những thí dụ liên hệ đến vấn đề dị đoan như sau:
Con phải tập hiểu rằng chẳng có sự cúng tế nào cần thiết cả, bằng không, con sẽ tưởng rằng con giỏi hơn những người nào không cúng tế. Nhưng con cũng đừng lên án những ai còn thích cúng tế. Hãy để họ làm theo ý họ muốn. Nhưng họ cũng phải để cho con được tự do vì con đã biết chân lý rồi. Họ không nên dùng cường lực ép con phải trở lại chỗ con đã vượt qua khỏi. Hãy rộng lượng và nhân từ trong mọi việc.
C. W. L. Nếu Ðức Thầy đã nói một cách nghiêm khắc về vấn đề lễ bái, có lẽ đời sống của những thanh niên thượng lưu - thuộc về giai cấp Bà La Môn - mà Alcyone thuộc về giai cấp ấy - bắt đầu trải qua dẫy đầy những lễ bái, đúng vào lúc chúng đồng một tuổi với Alcyone bấy giờ. Trong thời kỳ đó, người thanh niên tự cho mình là quan trọng trong những cuộc tế lễ này, bởi vì nó được chú ý rất nhiều trong khi hành lễ Upanayana hay lễ điểm đạo để ban cho nó tất cả đặc quyền của giai cấp nó. Ðời sống của một người Bà La Môn chính thống đầy những lễ bái, chẳng hạn như phải làm những cử động, phải đọc những đoạn kinh trong lúc thức dậy, lúc tắm, lúc ăn và hầu hết trong mọi hành vi hằng ngày. Có lẽ những người thân cận với Alcyone tìm cách bắt em phải tuân theo tất cả những điều này một cách cẩn thận vì sợ rằng sự giáo dục tân tiến và những người bạn Âu Châu của em làm em chuyển hướng đối với lễ bái cổ truyền của quốc gia. Thế nên Ðức Thầy muốn bảo vệ đệ tử của Ngài nên Ngài nói rằng những lễ bái này không tuyệt đối cần thiết. Dù Alcyone có tuân theo hay không tuân theo, em cũng phải giữ mình đừng để lầm lạc và ngông cuồng tưởng rằng điểm này em cao hơn kẻ khác.
Sự hành lễ bên Thiên Chúa Giáo khác với sự hành lễ của người Ấn Ðộ và Phật Giáo, vì thường thường có nhiều người dự vào. Bên Ấn Giáo và Phật Giáo sự hành lễ hầu như luôn luôn có tính cách cá nhân, còn bên Thiên Chúa Giáo đặc biệt nhất là có tính cách tập thể. Tất cả những sự hành lễ này đều không cần thiết (chỉ trừ những người thấy chúng nó cần thiết cho bẩm tính mình). Tuy nhiên chúng là một hình thức khoa học, và áp dụng những phương thức hoàn toàn chính xác đối với những mãnh lực thiên nhiên thuộc về cõi tinh thần.
Thần lực có thể ban rải xuống cõi trần bằng nhiều cách. Phương thức áp dụng trong lúc hành lễ Mi-Sa, lễ Ban Thánh Thể hay lễ dâng mình Thánh Chúa do Ðấng Khai Sáng Thiên Chúa Giáo [75] đã tạo ra để phân phát cho con người qua Giáo Hội của Ngài những thần lực ở mấy cõi cao mà người ta gọi là ân điển của Thiên Chúa. Những thần lực này thuộc về các cõi trên, dĩ nhiên chúng nó là những lực Siêu Phàm nhưng không phải vượt qua ngoài thiên nhiên. Ngài muốn cho vị linh mục, dù bản tính thế nào, cũng phải làm một con kinh ban rải thần lực trong lúc hành lễ. Nếu vị linh mục thật sự là người có đức hạnh hết lòng sùng tín và phụng sự thì điều đó rất tốt. Nhưng trong mọi trường hợp các sự xếp đặt đều phải bảo đảm cho cuộc hành lễ mang lại một hiệu quả tốt đẹp cho những người dự lễ. Sự thiết lập toàn thể Thiên Chúa Giáo gồm nhiều nhà thờ rải rác khắp nơi trong xứ để ân huệ tuôn xuống được ban rải cho mỗi người. Việc hành lễ này vô cùng hữu ích cho hằng triệu người, nhưng nói rằng nó cần thiết cho sự cứu rỗi linh hồn, thì sẽ là điều dị đoan.
Những cuộc tế lễ khác nhau thu hút được nhiều thứ thần lực. Dầu mức độ tinh thần của chúng ta thế nào đi nữa, tất cả đều tuân theo những định luật thiên nhiên. Vậy nếu sự hoạt động tốt đẹp của chúng tác động tại cõi trần, thì chúng phải có một cơ cấu vật chất để hành động. Về điện khí cũng vậy. Ðiện lực bao giờ cũng hiện hữu ở khắp nơi chung quanh chúng ta, nó luôn luôn hoạt động, nhưng nếu bạn muốn dùng nó vào một công việc đặc biệt, trong những điều kiện riêng và ở một nơi nào đó, thì bạn phải chuẩn bị một cái máy vật chất sẵn sàng để dùng cho sự hoạt động của nó.
A. B. Ðức Thầy nói rằng những cuộc tế lễ không cần thiết. Tất cả tôn giáo đều nhìn nhận sự thật này. Bên Ấn Ðộ, người cao cả nhất và được mọi người tôn trọng nhất là tu sĩ Sannyasi, y không thực hành một cuộc tế lễ nào cả. Y cắt đứt và xóa bỏ sợi Kim Thằng [76] - mà trước đây là vật quí báu nhất của y nhận được trong thời kỳ tráng niên, lúc chứng lễ thụ pháp của giai cấp y - sợi dây mà y phải mang suốt đời như một biểu hiện linh thánh nhất cho tới khi nào y trở thành tu sĩ Sannyasi.
Sự tế lễ chỉ cần thiết khi nào con người chưa đạt được sự hiểu biết, chưa có kiến thức chân thật và còn nhờ nó tạo ra những cảm xúc tốt lành, một tinh thần an tĩnh và những sự phấn khởi thanh cao. Ðại đa số người đời chưa tiến hóa, họ cần được sự giúp đỡ bằng mọi phương tiện. Vậy không một vị Hiền Triết nào lên án sự tế lễ, dù nó không cần thiết đối với họ. Quyển Thánh Ca Bhagavad Gita là phúc âm của tu sĩ Sannyasi, mà chúng ta thấy trong đó mấy lời này: "Bậc hiền nhân không nên làm rối trí kẻ vô minh còn quyến luyến sự hành động nhưng nếu họ hành động trong sự hòa hợp với Ta, thì họ phải làm cho mọi sự hành động đều được vui thích, hấp dẫn" [77]. Trẻ con mới tập đi phải nương tựa vào tất cả những gì khá vững chắc như ghế, chân bàn hay là vách tường, để đứng lên được. Vậy sự tế lễ cũng giống như chỗ nương tựa để giúp người còn yếu đuối đứng một mình. Sự tế lễ càng trở nên tinh vi hơn, đẹp đẽ hơn và có tính cách tượng trưng hơn đặng cân xứng với sự tiến hóa dần dần của con người. Sau cùng, con người tiến đến giai đoạn mà sự tế lễ không còn hữu ích nữa; rồi y bỏ rơi nó luôn. Muốn đừng tế lễ thì có hai điều, hoặc cao hơn chúng, hoặc thấp hơn chúng.
Trách nhiệm chọn lúc từ bỏ sự tế lễ không thể quyết định với người nào cả; mỗi người phải quyết định lấy. Không ai chịu trách nhiệm chỉ định lúc nào một người kia phải trở thành một đạo sĩ Du Già (Yogui). Ðối với sự tế lễ cũng thế chúng ta không được chỉ trích một người quyết định từ bỏ sự tế lễ hoặc còn thích theo đuổi công việc đó. Ðôi khi, biết rằng sự tế lễ không cần thiết đối với mình nữa, nhưng một người kia vẫn tiếp tục hành lễ, chỉ vì địa vị y trong Giáo Hội. Chỉ có y mới chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của y. Vậy chúng ta không nên khiển trách những người hành lễ, cũng như những người không tham dự.
Sự tế lễ vừa nguy hiểm, vừa trợ giúp. Ấn Ðộ Giáo cổ đại nghiêm cấm đọc vài thứ thần chú trước đám đông người; chẳng phải không cho họ hưởng một lợi lộc nào, mà để tránh sự tai hại cho một số người do vài cách rung động của thần chú tạo ra. Ðó là lý do tại sao Ðức Bàn Cổ lập ra luật chỉ cho những người Bà La Môn trí thức và có đạo hạnh mới được mời dự lễ Shraddha thôi. Một người kia sẵn có một quyền năng nào đó, nhưng không rõ lúc nào nên dùng và lúc nào nên giữ, nếu y tham gia một cuộc tế lễ, y sẽ truyền thần lực vào những câu thần chú có thể làm hại những người tham dự. Vậy nên cẩn thận, nếu quyền năng này bắt đầu biểu hiện, thì phải tránh xa họ đi. Chẳng hạn như khi tôi dự lễ Shraddha ở Gaya, tôi nhận thấy nếu tôi thêm thần lực của tôi vào thì có thể làm hại các tăng sĩ, vì họ đọc nhiều câu thần chú vô cùng mạnh mẽ. Còn riêng phần họ, họ không tạo được ảnh hưởng nào cả vì thiếu sự hiểu biết và sống không có qui củ lắm. Bà Blavatsky khuyên các sinh viên huyền bí học chớ nên dự vào đám đông, trừ khi nào họ có thiện cảm hoàn toàn với quần chúng, không phải vì đám đông ảnh hưởng đến hào quang của họ, mà vì thần lực của họ có thể làm hại đám đông hơn là làm lợi. Trong những trường hợp đó, một người hiểu biết có thể xét đoán rằng tốt hơn mình nên xa lánh vài thứ lễ bái, còn người không hiểu cách đọc thần chú để cho thần lực hoạt động; thần lực này có thật trong lời nói, thì có thể dự lễ mà không làm hại chút nào những người tham dự dù họ là hạng người nào.
Bây giờ con đã sáng mắt, vài tín ngưỡng và vài cách tế lễ của con trước kia có thể dường như phi lý. Có lẽ chúng nó phi lý thật. Tuy nhiên, dù con không thể tham dự vào việc cúng lễ nữa, con cũng phải kính trọng chúng, vì tình thương đối với những linh hồn từ thiện còn cho những việc ấy là quan trọng. Những sự tế lễ này có chỗ hữu dụng và lợi ích của chúng. Chúng giống như những hàng đôi đã giúp con hồi con còn bé viết cho ngay hàng và đều đặn, cho tới khi nào con viết tốt hơn và dễ dàng hơn mà không nhờ đến chúng nữa. Hồi trước có một lúc con cần dùng chúng, nhưng bây giờ , thời kỳ ấy đã qua rồi.
A. B. Khi chúng ta càng lớn tuổi và càng hiểu biết, vẫn có vài chuyện mà trước kia chúng ta tin tưởng, thì bây giờ lẽ tự nhiên chúng có vẻ hư ảo và cũng phi lý nữa. Tuy nhiên chúng ta còn có thể nhìn chúng một cách nhân từ và có thiện cảm, như chúng ta nhìn một em bé gái vui đùa với bó giẻ rách mà em cho là con búp bê. Về một phương diện nào đó, hành vi ấy khá khôi hài, nhưng nó mang đến cho em một sự lợi ích lớn lao, vì nó làm nẩy nở mẫu tính của em. Em bé gái không nhìn thấy giẻ rách, mà lại thấy một đứa trẻ. Trong khi nâng niu, săn sóc đứa con tưởng tượng của em, em tập phát triển tình âu yếm và sự che chở của một bà mẹ, sự săn sóc những kẻ yếu đuối, thế cô. Vậy khi chúng ta mỉm cười với em bé này tức là chúng ta đã cười một cách rất âu yếm, và rất dịu dàng. Ðối với những tín ngưỡng, những cuộc tế lễ của chúng ta lúc trước cũng thế, chúng có một vị trí trong đời sống của chúng ta và chúng ta có sự lợi ích riêng của chúng.
Một bộ lạc dã man cử hành sự tế lễ dường như hoàn toàn phi lý đối với chúng ta - như Ấn Ðộ người ta thường thấy một miếng giẻ treo trên một nhánh cây trong một làng thay thế cho vật cúng tế - chúng ta đừng khinh khi cách biểu lộ lòng sùng tín chất phác của người dã man hay người dân làng đó. Dưới con mắt họ, những đồ tế lễ hèn mọn này cũng quan trọng như những đồ vật cung hiến quí giá nhất của chúng ta. Kỳ thật, cũng là đồng một tinh thần.
Những lễ vật bên ngoài đều không cần thiết. Chỉ có một thứ đáng được thu nhận là lễ vật của tâm hồn. Và sau khi lễ vật tâm hồn đi đôi với lễ vật hèn mọn nhất, thì sự hiến dâng này đáng thu nhận. Do đó quyển Thánh Ca Gita nói rằng: "Bất cứ là cái gì người ta cúng dường cho ta với lòng sùng tín như một lá cây, một cái bông, một trái cây hay một chén thuốc, ta cũng thâu nhận như lễ vật của một người tôi hiến dâng với tình thương" [78].
Thật là khắc nghiệt và thiếu tình Huynh Ðệ khi mà làm cho những người cúng dường này ngã lòng, thí dụ như giựt miếng giẻ trên cây liệng đi mà đôi khi người ta đã làm. Thái độ này chứng tỏ rằng chúng ta không có tinh thần thuần nhất.
C. W. L. Phải luôn luôn tỏ ra dịu dàng và tử tế với tuổi thơ, tuổi thơ của cá nhân cũng như tuổi thơ của loài người trong thời kỳ hiện tại. Bà Chánh Hội Trưởng của chúng ta có nói đến một em bé gái chăm nom một bó giẻ và nó cho rằng nó cầm trong tay một con búp bê. Dĩ nhiên, đây chính là một sự dị đoan, nhưng đồng thời không ai nghĩ đến việc nổi giận hay la rầy đứa trẻ. Tại cõi trần, quả thật là một bó giẻ, nhưng trong trí tưởng tượng của trẻ con có thể là một sinh vật, có đủ các thứ tánh tình. Chúng ta không thể làm xáo trộn tư tưởng trong trí của trẻ con mà không làm hại đến sự mở mang những tình cảm tốt đẹp của nó đang phát khởi.
Bà cũng nhắc đến tập quán của người dân Ấn Ðộ, đôi khi cột một miếng giẻ vào một cái cây để hiến dâng cho Thượng Ðế. Mục kích việc ấy, nhà truyền giáo Thiên Chúa bậc trung sẽ vô cùng phẩn nộ và thái độ ấy chỉ chứng tỏ sự thiếu hiểu biết của họ, vì vật tế lễ được hiến dâng với tất cả lòng chân thành. Xét một cách tương đối, linh hồn còn non nớt và trẻ trung hành động theo một ý hướng tốt lành. Vậy chúng ta hãy xem việc làm đó như con búp bê bằng giẻ rách đúng với ý nghĩa của nó. Người dân làng rải một chút nước thay vì rải rượu hoặc dâng một cái hoa - quả thật đó là một vật hiến dâng hèn mọn - nhưng tại sao khinh rẻ nó? Chính Ðấng Christ đã nói: Kẻ nào nhân danh Ngài mà cho một ly nước lạnh thì cũng sẽ nhận được sự ban thưởng của nó. Cũng nên nhớ rằng một dân tộc nào dù sơ khai nhất, cũng không được xem tượng cốt hoặc hình thể là sự thật, mà tất cả đều có ít nhiều cảm giác về Ðấng Thiêng Liêng do chúng biểu hiện.
Ngày kia, một vị Ðại Huấn Sư có viết như sau: "Hồi tôi còn trẻ con , tôi nói như đứa trẻ con, tôi suy nghĩ như đứa trẻ con, nhưng khi tôi thành người lớn, tôi bỏ hết các thói trẻ con"[79]. Tuy nhiên, kẻ nào quên thời thơ ấu của mình và mất thiện cảm với trẻ con thì không thể dạy dỗ chúng và giúp đỡ chúng được. Vậy con hãy xem mọi người với lòng nhân từ, dịu dàng và khoan dung, và xem ai nấy như nhau, dù họ là người Phật Giáo, người Ấn Giáo, người Hỏa Thần Giáo (Djainistes) hoặc người Do Thái, người Công Giáo hay là người Hồi Giáo cũng vậy.
A. B. Bạn sẽ thấy ở đây một định nghĩa chính xác về nhà Huyền Bí Học ấy là người không quên tuổi ấu thơ của mình. Khi đã trưởng thành, y nhớ những kinh nghiệm đã thực hành và như vậy y có thể giúp đỡ mọi người. Muốn phát triển năng lực thiện cảm đối với mọi người và sẵn sàng giúp tất cả, thì việc làm tốt nhất là hãy biến đổi tư tưởng đạo đức của bạn thành những ngôn từ của một tôn giáo công truyền nào đó rồi cho tư tưởng của bạn nhập vào trong những dụng ngữ đặc biệt của nó. Tất cả chúng ta đều có một ngôn ngữ để dùng riêng cho mình, cho đến khi nào chúng ta có một ngôn ngữ chung, mà mọi người đều hiểu. Các sinh viên nên học một ngôn ngữ hay một tiếng nói khác với tiếng nói của mình. Những ai thụ hưởng nền giáo dục của Thiên Chúa Giáo có thể tập nói hoặc suy tư theo danh từ Ấn Giáo. Rồi họ tập xét đoán nhiều vấn đề theo quan điểm Ấn, và họ sẽ ngạc nhiên mà thấy biết bao sự sai biệt với ý tưởng của họ trước kia. Cũng thế, người Ấn Giáo cũng có thể tập nói và suy tư theo những danh từ mà người Công Giáo đã dùng.
Ðức Ramakrishna Paramahamsa là Ðạo Sư của ông Swami Vivekananda, đã luyện mình theo qui luật ấy. Ông liên tiếp chọn nhiều tôn giáo rồi tuân theo phương pháp và sự thực hành theo mỗi tôn giáo trong một thời gian. Chẳng hạn khi chọn Thiên Chúa Giáo, ông cầu nguyện như một người Công Giáo, suy tư theo danh từ Công giáo, ăn mặc theo người Công Giáo. Theo lối đó, ông đã đi từ tôn giáo này sang tôn giáo khác để tập hòa đồng với mỗi tôn giáo và lợi dụng tất cả phương tiện tưởng tượng bên ngoài hầu dễ bề cố gắng. Khi ông chuyên tâm tìm hiểu về phương diện mẫu tính trong thiên nhiên mà ở Tây phương tượng trưng bởi Ðức Mẹ Ðồng Trinh, ở Ấn Giáo tượng trưng bởi Thánh Mẫu Shaktis, thì ông xem mình như người phụ nữ, ông mặc y phục phụ nữ và suy tư như một người phụ nữ. Chắc chắn sự luyện tập này đem đến cho ông một kết quả tốt đẹp, vì không còn một sự dị biệt bề ngoài nào của một tôn giáo còn có thể ảnh hưởng đến ông được nữa.
Ðó là phương pháp thật khác biệt với phương pháp của người ta thường dùng! Tuy nhiên phương tiện duy nhất mà người đệ tử phải thực hành là tập hòa đồng với tất cả những người chung quanh chúng ta. Trước hết Ðức Ramakrishna là một vị Bhakta, tức là một nhà sùng tín nhiệt thành và ông tập tôn sùng như thế là nhờ tình cảm.
Vậy thì trong một thời gian nào đó, người chí nguyện phải tự nói rằng tôi là người Ấn Giáo, tôi là người Phật Giáo, hay là người phụ nữ hoặc là cái gì không phải là y. Thật hiếm có những người đàn ông luôn luôn ướm thử suy nghĩ hoặc cảm xúc như người đàn bà, và thấy những sự vật như người đàn bà đã thấy! Tôi cũng tưởng rằng rất hiếm có những người đàn bàthật sự ướm thử để thấy những sự vật theo quan điểm của những người đàn ông. Nhưng sự khuyết điểm thấy rõ ràng hơn ở phái nam; là người đàn ông luôn luôn tự thấy mình là "người đàn ông". Tôi thấy hình như giữa người Thông Thiên Học, việc không phân biệt nam hay nữ vì tình Huynh Ðệ. đôi khi cũng bị lảng quên.
Vậy bạn phải tập hiểu biết những sự vật sẽ hiện ra cho bạn như thế nào nếu bạn nhìn thấy chúng trong một bầu không khí đặc biệt và không quen thuộc đối với bạn. Bạn nên bỏ thói quen chỉ nhìn sự vật theo quan điểm riêng của bạn. Ðó là điều trái nghịch với khoa Huyền Bí Học. Bạn làm điều đó thì bạn sẽ bị đời trách móc. Sự vô tư và lòng thiện cảm của bạn sẽ bị xem như sự lạnh nhạt. Vả lại điều đó không có là gì quan trọng. Tại Tây phương tôi bị tố cáo là "quá Ấn Ðộ", và tại Ðông phương, tôi bị tố cáo là "quá Công Giáo" vì bên Tây phương tôi nói theo ngôn ngữ Tây phương, mà dân Ấn Ðộ lại không thích, còn bên Ðông Phương tôi dùng những từ ngữ Ðông phương, mà người Tây Phương không ưa. Người ta phiền hà tôi, luôn luôn tôi lập lại rằng: "Tôi nói với mọi người bằng một thứ tiếng mà họ hiểu được".
Những lời phàn nàn và trách móc này vốn do người ta đứng ở vị trí thấp chớ không phải ở vị trí cao nhất để phán đoán. Tập nói nhiều ngôn ngữ đạo đức là một trong những bài học cho ai có bổn phận mang thông điệp đến nhiều xứ. Chân lý này không phải là điều mới mẻ. Sự trách móc về cách thức thuyết giáo trên đây cũng không phải là mới lạ. Thánh Paul (Phao Lồ) bị trách móc nhiều vì Ngài làm vừa lòng tất cả mọi người. Ngài có viết như vầy: "Dù tôi được tự do đối với mọi người, tôi tình nguyện làm tôi tớ cho tất cả, như thế tôi mới có thể được lòng của một số đông hơn. Ðối với người Do Thái, tôi như người Do Thái, như thế tôi được lòng người Do Thái. Ðối với người tuân theo luật pháp, tôi vẫn tuân theo luật pháp (dù chính tôi không còn ở dưới luật pháp nữa) như thế tôi thu phục được họ. Ðối với những người không tuân luật pháp, tôi không tuân theo luật pháp (mặc dù tôi không hề bỏ luật của Ðức Chúa Trời, bởi vì tôi đang tuân theo luật của Ðấng Christ), như thế tôi được lòng họ. Ðối với người yếu đuối, tôi trở thành yếu đuối, như thế tôi có thể cứu vớt được vài người bằng mọi phương tiện" [80].
Trước kia, Thánh Paul là người hẹp hòi nhất, bây giờ Ngài trở thành người rộng lượng nhất. Sau khi, thuộc về một trong những phái nghiêm khắc nhất của người Do Thái, Ngài trở thành vị sứ đồ của những người Ngoại Giáo - một sự thay đổi phi thường.
Nhà Huyền bí học không thuộc về một tôn giáo nào, hoặc thuộc về tất cả tôn giáo, tùy ý bạn - không riêng biệt thuộc về Ðạo nào, mà thuộc về tất cả. Ít ra điều đó là đức khoan dung. Nếu phải tránh sự tranh luận là điều tốt, ấy là tại người ta có thể tạm thời thành ra hẹp lượng, thiếu khoan dung; nếu muốn thành công; thì trong khi tranh luận để đánh đổ một tư tưởng hẹp hòi, thật khó giữ được một thái độ hoàn toàn vô tư. Hãy luôn luôn phát biểu chân lý theo quan điểm Nhất Thể, chứ đừng theo quan điểm dị biệt, chỉ như thế, bạn mới có khả năng giúp đỡ mọi người một cách như nhau. Và chỉ như vậy mới có thể thấy những yếu tố tốt đẹp trong mỗi người và trong toàn thể, đồng thời bạn sẽ dẹp bỏ những điểm bất toàn qua một bên hay là biết thấy xa hơn nữa.
C. W. L. Mục đích của người Thông Thiên Học là tình Huynh Ðệ, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, nam nữ hay màu da. Phương thức tuyệt hảo để đạt được sự hòa hợp đó trong đời sống của chúng ta là chia sớt tình cảm, tư tưởng của những dân tộc khác cũng như của phái giống [81] khác. Người đàn ông quên rằng y đã sinh ra nhiều lần dưới hình dáng phụ nữ. Người đàn bà cũng quên rằng mình đã đầu thai nhiều kiếp trong thân xác nam nhi. Người đàn ông cố gắng dùng tư tưởng đặt mình vào địa vị của người đàn bà để hiểu cách nhìn đời của họ; còn phái nữ cũng nên cố gắng tìm hiểu quan niệm đời sống của phái nam, mặc dù điều đó không phải là chuyện dễ làm; nhưng ấy là một cách luyện tập tuyệt hảo. Hai phương diện đó khác nhau một cách lạ kỳ ở nhiều trường hợp. Một người nào có thể tập hòa đồng tâm thức của kẻ khác phái tức là y đã tiến một bước đến tình huynh đệ, điều này vượt lên trên ý niệm của phái tính. Sau cố gắng tìm hiểu của người chị, người mẹ hay vợ mình, người đàn ông có thể mở rộng sự thực tập ấy đến những người thuộc về tôn giáo và những chủng tộc khác với y. Ðó là trong những sự tập luyện hữu ích nhất, vì người ta không thể hiểu quan điểm của kẻ khác và có thiện cảm với y, mà không mở rộng quan điểm riêng của mình như thế.
Về đức khoan dung, kinh điển Talmud có thuật lại câu chuyện lý thú như sau đây: Có một người hành khách đến tìm ông Abraham, trong khi theo phong tục của sa mạc, y được thết đãi ăn uống. Ông bảo y hãy ca tụng Ðức Chúa Trời trước khi dùng bữa, nhưng người khách lạ ấy đã từ chối và nói rằng y không hề biết chi về Ðức Chúa Trời cả. Ông Abraham nổi giận, đứng dậy, đuổi y ra khỏi trại và không cho y cái gì cả. Lúc ấy Ðức Chúa Trời đi qua - trong thời ấy Ngài thường đi như thế - và Ngài hỏi: "Tại sao con đuổi y"? Abraham bực tức trả lời: "Bạch Chúa, y không chịu biết danh hiệu Chúa. Y là một người ngoại giáo xấu xa nhất". Ðức Chúa Trời đáp: "Phải, nhưng Ta đã chịu đựng nó sáu mươi năm rồi. Chắc chắn con có thể chịu đựng được nó trong một giờ chớ"?
Trong chúng ta, có vài người Thông Thiên Học còn bị ràng buộc với hình thức bên ngoài của tôn giáo. Tuy nhiên, tôi tưởng chúng ta có thể tự nói rằng chúng ta không riêng biệt thuộc về tôn giáo nào mà thuộc về tất cả. Chẳng hạn, chính tôi là người Thiên Chúa Giáo và là Giám Mục, nhưng tôi cũng là một Phật Tử, vì tôi đã phát nguyện và lãnh những nhiệm vụ do đó tôi thừa nhận Ðức Phật là vị hướng đạo của tôi. Như thế tôi không bị bắt buộc phải từ bỏ tôn giáo nào khác. Về phương diện này, Ðạo Phật có thể là một tôn giáo khoan hồng hơn hết. Nó không đòi hỏi bạn phải tin tưởng điều gì, mà chỉ đòi hỏi bạn có quả quyết theo giáo lý của Ðức Thế Tôn và có sống với nó càng nhiều càng tốt hay không. Một người Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo hay là người của một tôn giáo nào khác có thể nói: "Giáo lý này tốt, tôi muốn tuân theo", thế rồi y trở thành một Phật Tử mà không từ bỏ tôn giáo trước của y. Thông Thiên Học là một chân lý mà tất cả các tôn giáo đều dựa vào đó. Nếu chúng ta học khoa tôn giáo đối chiếu, chẳng phải chỉ để nhận thấy chân lý Thông Thiên Học trong tất cả các tôn giáo, mà còn để hiểu Chân lý tự biểu lộ ra nhiều cách thế khác nhau, và do đó chúng ta đạt được khả năng giúp đỡ bằng cách sử dụng tất cả.
Bà Chánh Hội Trưởng của chúng ta đã chỉ cho chúng ta thấy nguyên tắc này: Ðối với dân Ấn Ðộ, bà nói chuyện như thể người Ấn. Ðể viện chứng cho lời nói của mình, bà kể ra những bản Thánh Kinh và dùng vài danh từ Phạn ngữ mà người dân Ấn quí trọng cũng như người Thiên Chúa Giáo La Mã quí trọng tiếng La Tinh vinh diệu. Khi nói với các hàng Phật Tử, bà trình bày giáo lý đúng với ý tưởng của họ. Bà còn dẫn chứng Phật ngôn và dùng những danh từ Phật giáo. Bên Tây Phương bạn nghe Bà nói chuyện với người Thiên Chúa Giáo bằng ngôn ngữ của họ. Bà không sửa đổi chút nào về tín ngưỡng của Bà hay là tôn giáo riêng của Bà, Bà chỉ nói bằng ngôn ngữ của họ.Thật ra bà đã hiểu biết tất cả những tôn giáo này. Khi chúng ta biết chân lý ẩn tàng trong mỗi tôn giáo, dù trí thức và tài hùng biện của chúng ta chưa thể sánh kịp với Bà nhưng đa số trong chúng ta nhờ học chút ít trong sách khải luận của bất cứ tôn giáo nào đó, cũng có thể hiểu rõ tôn giáo ấy và trình bày chân lý bằng những danh từ đó, để giải thích ý nghĩa của nhiều điểm còn mờ tối cho những kẻ khác. Ðại tá Olcott đã làm như thế rất nhiều lần trước sự hiện diện của tôi. Ông không thuộc về mẫu người hiếu học hay nhà uyên bác, thông thái, mà ông là một diễn giả bậc nhất, ông thành công trong khi nói trước các thính giả gồm cả người Ấn Giáo, Hỏa Giáo và Phật Giáo. Những người hiểu biết nhiều về các tôn giáo này đều công nhận rằng ông đã rọi một thứ ánh sáng mới mẻ vào tôn giáo của họ. Ðiều này chứng tỏ tại sao Thông Thiên Học là chìa khóa mở được cửa của các tôn giáo.
Trong những cuộc Ðại Hội Nghị của Hội chúng ta cử hành tại Adyar, sự kiện này cũng nhận thấy dưới một hình thức khác: Có những người thuộc nhiều tôn giáo và chủng tộc khác nhau nhóm họp ở đây. Và những ai dự Ðại Hội đều không khỏi cảm động sâu xa, khi nhận thấy nơi đây không những biểu hiện đức khoan dung mà còn bộc lộ một tình huynh đệ thân ái nữa.