C. W. L. Ðây là phần I của chính quyển Dưới Chơn Thầy.
Ðứng đầu mấy đức tánh này là tánh phân biện. Thường thường, người ta hiểu tánh phân biện này là phân biện sự chơn và sự giả, nó dắt con người vào Ðường Ðạo. Hiểu như thế thật đúng vậy, nhưng còn nhiều hơn nữa, và phải thực hành đức tánh này không những khi mới bước vào Ðường Ðạo, mà phải phân biện mỗi ngày, mỗi bước cho đến khi đi mút con đường đạo.
Mấy lời sau chót này chỉ rõ những nỗi khó khăn phải vượt qua của đa số người mắt đã thấy được vẻ vinh quang và sự tốt đẹp của con Ðường Ðạo và muốn dấn thân vào Con Ðường đó để đến quỳ dưới chân Ðức Thầy. Tất cả những người ấy đều là những người tốt, đúng đắn và cần mẫn, nhưng Phàm Nhơn của họ bất tuân kỷ luật và họ chịu áp lực của dư luận quần chúng rất nặng nề, như tôi đã giảng trước đây. Chúng ta cũng không quên rằng nhân loại vừa mới vượt qua phân nửa cuộc Tuần Hoàn thứ tư và những gì mà người ta cố gắng hoàn thành trong cuộc Tuần Hoàn này sẽ trở nên dễ dàng trong cuộc Tuần Hoàn thứ bảy. Những người đợi tới thời kỳ đó thì sẽ có trong ba thể: Thân, Vía, Trí của họ chất khí phát triển hơn chất khí cấu tạo các thể của chúng ta hiện nay rất nhiều. Tất cả những vòng xoắn ốc của nó đều hoạt động chớ không phải chỉ có hơn phân nửa số vòng xoắn ốc [11] như hiện nay. Sau hết, tất cả những thần lực ở chung quanh đều phò trợ họ, thay vì nghịch với họ như bây giờ.
Các Ðấng Chơn Sư đều ở một bên với chúng ta và thần lực của các Ngài giúp đỡ chúng ta. Lực tiến hóa, dù chậm chạp nhưng vẫn liên minh với chúng ta và tương lai cũng thuộc về chúng ta. Nhưng trong thời đại này, mọi hoạt động như thế đều vô cùng khó khăn. Vào khoảng giữa cuộc tuần hoàn thứ năm tất cả những người gây ảnh hưởng mạnh mẽ cho chúng ta và theo một chiều hướng nghịch đều bị loại ra và chỉ còn lại những người cùng đi theo một đường lối với chúng ta. Như vậy, trong cuộc Tuần Hoàn thứ bảy mọi việc đều trở nên rất dễ dàng. Ở vào thời kỳ đó người ta có thể tìm được ở ngoài đời mọi sự thuận lợi mà hiện nay chỉ thấy điều đó trong một Ðạo Viện dưới sự điều khiển của một vị đã tiến hóa cao về tinh thần. Vài độc giả đã thầm nói rằng: "Nếu thế, tại sao không đợi đến cuộc Tuần Hoàn thứ bảy"? Nhiều người trong chúng ta đã bị trào lưu lôi cuốn theo sự sung sướng, sự thú vị của Trần gian từ hai hoặc ba mươi ngàn năm rồi, và những ai không có nhiệt vọng tiến hóa hay giúp đỡ nhân loại có thể còn tiếp tục sống như thế cả triệu năm nữa và chắc chắn cuối cùng mọi sự sẽ trở nên dễ dàng hơn. Nhưng những người hiện nay đương đầu với những nỗi khó khăn sẽ được đặc ân vô cùng lớn lao và tiến hóa mau lẹ, sẽ nhận được vòng chiến thắng.
Các bạn hãy nhớ lại bài Thánh ca xưa của Thiên Chúa giáo, nói về một người kia lên tới trời và nhìn chung quanh, y lấy làm lạ mình có hơi khác với mấy người đó. Sau cùng y gặp Ðức Christ và hỏi Ngài vì lẽ gì? Ðấng Christ trả lời rằng:
"Ta biết con tin ở Ta - và giao mạng sống của con cho Ta -nhưng tất cả những ngôi sao sáng rỡ này đâu rồi? - Chúng phản chiếu lóng lánh trên vương miện của con - hãy xem đám đông vui vẻ đàng kia; - tất cả đều mang trên trán những hòn ngọc; mỗi linh hồn mà họ dắt đến Ta là mỗi viên ngọc họ mang trên trán hôm nay đó".
Thánh Kinh Thiên Chúa giáo nói rằng những nhà Hiền Triết sáng rỡ như bầu trời, như ánh sáng trên bầu trời quang đãng. Nhưng mà những ai dắt được nhiều người đến với sự công bằng chính trực sẽ giống như những ngôi sao chói sáng mãi trên không gian vô tận, những ngôi mặt trời vĩ đại rực rỡ ban rải hơi nóng và thần lực cho hàng ngàn sinh vật khác nhau. Ðó là sự khác biệt giữa hoàn thành tức khắc bổn phận của chúng ta với sự chờ đợi cho trào lưu mang đến đích trong cuộc tuần hoàn thứ bảy.
Con bước vào Ðường Ðạo vì con biết rằng chỉ trong đó mới tìm được những việc đáng thâu lãnh mà thôi. Những người không hiểu biết làm lụng để được giàu sang và có quyền thế; nhưng hai cái tước lộc đó, bất quá chỉ dùng được có một đời mà thôi, thế nên chúng nó là mộng ảo. Có nhiều việc lớn lao đáng tìm lấy hơn sự giàu sang và có quyền thế; những việc đó chân thật và trường tồn, một phen người ta thấy chúng rồi thì không còn muốn gì khác nữa.
A. B. Vấn đề chơn giả thuộc về Siêu Hình Học thâm sâu, nhưng thật ra nó không phải thuộc về vấn đề ở đây, vì Alcyone là đứa học trò còn nhỏ lắm của Ðức Thầy. Hơn nữa những bài học này dạy trên cõi Trung giới. Trong những trường hợp như thế, Ðức Thầy giảng cho Hạ Trí lẫn Chơn Nhơn, nhưng trong dịp này Ngài giữ sao cho lời dạy của Ngài thích hợp với Hạ Trí của một đứa trẻ chưa phát triển đến mức trọn vẹn. Dù Chơn Nhơn đã đến tuổi nào đi nữa, ba thể vẫn còn trẻ trung, cho nên bài dạy được ban ra bằng những ngôn từ thật giản dị để khi nhập xác, đệ tử có thể hiểu được trong lúc nó thức.
Chữ giả ở đây tiêu biểu tất cả những gì không có tính cách thiêng liêng, tất cả những gì nhất thời trong thế giới hiện tượng, tất cả những gì thuộc về Bản Ngã cá nhân, luôn tất cả những hành vi cao thượng mà con người theo đuổi với mục tiêu vật chất. Chúng ta diễn tả tư tưởng của Ðức Thầy khi nói rằng tất cả đều giả, chỉ trừ những gì thuộc về Thiên Ý thôi. Những người đã đạt được tánh phân biện đều biết được những điều thật; họ làm việc như những nhân viên của Thượng Ðế và thực hiện Thiên Ý. Sự hành động thật sự vốn là của Ngài. Ðiều ấy không có nghĩa là họ xao lãng hoạt động của phần vật chất, mà họ phải làm việc giỏi hơn chớ không phải tệ hơn, vì họ là nhân viên của Thượng Ðế và là công cụ cho những hoạt động của Ngài dưới thế gian. Kinh Gita nói rằng: "Yoga là sự hành động khéo léo, lão luyện" hay là sự hiệp nhất với Thượng Ðế. Người nào đạt được sự hiệp nhất đó, hành động của y phải khéo léo, vì không phải y hành động mà chính là Trời. Khi Arjuna hỏi Ðức Shri Krishna về bổn phận phải chiến đấu, Ngài trả lời rằng chính Ngài đã giết kẻ nghịch rồi, và Ngài nói thêm rằng: "Này Arjuna, hãy chiến đấu".
Ðức Thầy nói rằng khi đã thấy những điều cao thượng rồi thì người ta không còn ham muốn điều gì khác nữa, đó là ý niệm quen thuộc đối với học giả đã nghiên cứu Kinh Gita. Trong ấy có nói rằng:
"Khi thấy được Ðấng Chí Tôn rồi thì các đối tượng của giác quan, chớ không phải sự ham muốn chúng nó, sẽ rút lui ra khỏi người giữ giới ở trong xác thân, sự ham muốn còn sót lại cũng rời bỏ y luôn. [12]
Khi một người đã thấy được Ðấng Duy Nhất, thì sự ham muốn những đối tượng của giác quan cũng tiêu tan trong lòng y".
C. W. L. Thật ra, khi được mục kích những điều cao thượng rồi, người ta không còn ham muốn những điều thấp hèn nữa, nhưng điều tối cần là sự tiết chế dục vọng phải là hiệu quả của sự thấy này. Thường lắm, ta thấy con người lầm lẫn nguyên nhân với hậu quả khi y có kỳ vọng tưởng rằng sự không quan tâm đến những điều thấp hèn nữa sẽ tức khắc nâng con người lên một bậc cao hơn trước (những điều thấp hèn vẫn tốt đẹp đứng về phương diện riêng của nó, nhưng sở dĩ gọi nó là thấp hèn khi phải đối chiếu với những điều cao thượng và thuộc về tinh thần). Chắc chắn là không phải thế đâu. Ðó là một hình thức của ảo ảnh rất lan tràn thuộc về sự tu khổ hạnh. Một số đông thực hành điều mà họ gọi là chủ nghĩa ép xác, khổ hạnh, và coi điều đó là tôn chỉ của sự tu hành. Họ lầm tưởng rằng xa lánh các sự vui vẻ tầm thường của đời sống và tìm cách làm cho mình thiếu thốn mọi tiện nghi về nhiều phương diện là việc làm rất có giá trị. Ðó là di tích của ý niệm khắc khổ Thanh giáo (Puritanisme) đã có một thời cường thịnh ở Anh Quốc và trong một số lớn những nước Âu Châu. Nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Thanh giáo đó là muốn trở nên tốt lành thì phải chịu thiếu thốn đủ thứ. Khi một người cảm thấy mãn nguyện về bất cứ điều gì, chắc chắn y đã vi phạm vài Luật Trời nào đó, vì không hề có hạnh phúc dành cho con người dưới Thế gian này. Xác thân con người là vật đáng khinh bỉ và cần phải khắc phục nó bằng muôn ngàn cách. Nếu ai thích một sự hoạt động nào đó, chắc chắn y đã phạm tội lỗi. Tất cả những điều này thật phi lý, ấy là sự đảo lộn Chân lý. Thật ra, những điều được Thế gian ưa thích và người ta xem chúng như những sự vui thú lớn lao, thì đối với người đã tiến hóa cao đã mất hết ý nghĩa vì họ khao khát những niềm vui thanh nhã hơn có thể đền bù lại gấp bội những thú vui kia.
Trên đời này người ta rất ưa đủ thứ chuyện không có ích lợi gì đối với những người mong muốn những thú vui cao cả hơn; chẳng hạn như đua ngựa, uống rượu và cờ bạc; cùng những thú vui khác như khiêu vũ và đánh bài: những cuộc vui này không đáng trách lắm. Chúng giống như những trò chơi của trẻ con. Lớn lên, trẻ con bỏ đồ chơi của chúng hồi còn bé. Khi nó lên ba hay lên bốn thì nó thích chơi những cục gạch và những búp bế. Lớn lên một chút, nó chơi những hình chiến sĩ, những diều giấy, những bông vụ và những cục đạn. Sau cùng, lớn hơn chút nữa, nó bỏ hết những thứ ấy để chơi đá banh hay đánh cầu, hoặc các trò chơi đồng loại khác cần phải vận động nhiều ở ngoài trời. Ðứa trẻ dần dần trải qua nhiều giai đoạn rất tự nhiên. Càng lớn con người càng bỏ những trò vui ở trước kia, không phải vì tinh thần nghĩa vụ, nhưng vì những trò chơi đó không còn gây thích thú đối với y nữa. Y đã tìm được những mục tiêu thích hợp hơn với giai đoạn tiến hóa của y. Người ta thấy ngay rằng một đứa trẻ lên ba không thể trở nên một chàng thanh niên khi nó quyết không biết đến những đồ chơi của thời ấu trĩ và muốn chơi đánh cầu hay đá banh.
Người tiến hóa cao không còn thấy một sự hấp dẫn nào đối với nhiều việc mà thế nhân cho là cần thiết, và người bậc trung chắc chắn sẽ thấy đời sống của vị đệ tử buồn tẻ và khó chịu, nếu y cố gắng sống như chúng ta, không còn nhắm vào lợi lộc khác mà chỉ lo cho Thông Thiên Học và những vấn đề cốt yếu của sự sinh tồn. Người đời bậc trung sẽ nói rằng: "Những người ấy chỉ làm mãi một việc, dường như họ chỉ biết và thích chuyện đó thôi". Thật ra điều đó rất đúng, vì tất cả vấn đề khác đều gồm trong đó, nhưng người đời sẽ không trở thành một kẻ tiến hóa chỉ vì họ tự phụ không quan tâm đến những thú vui của họ khi mà trong thâm tâm họ, họ vẫn không ngớt thèm thuồng những điều đó.
Trên khắp thế gian chỉ có hai hạng người: những người hiểu biết và những người không hiểu biết, và chỉ có sự hiểu biết đó mới là quan trọng.
Ðạo của một người kia giữ hay dòng giống của y là những việc không quan trọng.
A. B. Ở đây Ðức Thầy phân biệt rất rõ ràng: Ngài chia người đời ra làm hai hạng: những người hiểu biết và những người không hiểu biết. Ðó là sự phân biệt lớn lao trên phương diện huyền bí; mỗi người nên biết mình thuộc về hạng người nào. Hai hạng này gồm nhiều dòng giống và giai cấp khác nhau mà sự dị biệt bên ngoài không đáng kể. Những người không hiểu biết tìm kiếm những gì chỉ tồn tại trong một đời mà thôi. Nhưng những người đã thấy sự chân thật một lần rồi thì chỉ có một ý muốn duy nhất là làm việc cho Ðức Thượng Ðế, tuân theo Cơ tiến hóa vĩ đại của Ngài để góp phần vào sự thực hiện công nghiệp đó, dù trong một phạm vi hết sức nhỏ bé. Chúng ta có thể xác định trình độ hiểu biết của mình bằng cách nhận xét coi nó có thích hợp với công việc này hay không. Chẳng hạn như sự hiểu biết thuộc về trí óc thuần túy dùng để đàm thoại một cách thông minh hay để chỉ dạy kẻ khác thì không phải là sự hiểu biết chân thật. Chỉ có sự hiểu biết được đồng hóa với sự sống mới là sự hiểu biết chân thật mà thôi. Nhiều người có thói quen mỗi buổi tối ngồi tịnh một lát trước khi đi ngủ, để kiểm soát những hành vi của mình trong ngày. Sự thực hành công việc đó rất hữu ích; nhưng nếu bạn theo đuổi nó, bạn nên tự hỏi chẳng những điều gì bạn đã làm, đã cảm và đã nghĩ, mà bạn còn phải xét xem thái độ của bạn ra sao nữa. Nếu bạn làm việc bù đầu bù cổ, thì bạn đã bị mất gần hết thì giờ. Trái lại, nếu bạn xem những công việc đó thuộc về công việc của Ðức Thượng Ðế, như là những hành động hy sinh, chẳng những chúng không gây trở ngại cho bạn mà lại còn tạo cơ hội giúp bạn tiến bộ nữa.
Ðiều thật quan trọng là sự hiểu biết này, sự hiểu biết cơ trời đối với con người. Bởi vì trời có một cái cơ mà cơ đó là sự tiến hóa. Ngay khi con người hiểu được thiên cơ và thật sự biết rồi, thì y chỉ lo hiệp tác với thiên cơ, giúp thiên cơ thực hiện và đồng hóa với nó. Ðó là vinh diệu và sự tốt đẹp của con người.
C. W. L. Trí tuệ của những người tham gia vào những đoàn thể chính trị hay đoàn thể giới tửu [13] mà họ nói là hữu ích cho nhân loại, sẽ tăng cường cực độ khi con người thật sự nhận thức được Thiên Cơ do Ðức Thượng Ðế đã sắp đặt sẵn cho vũ trụ của Ngài; họ nghĩ rằng một ngày kia nó sẽ hoàn tất; thời giờ đó lâu hay mau tùy ở số người sẵn sàng lo lắng cho nó. Nếu trong vài tuần hay vài năm toàn thế giới có thể được dẫn dắt để hiểu biết và cộng tác với Thiên Cơ, thì tất cả những gì Ðức Thượng Ðế muốn cho các con của Ngài hưởng sẽ được hoàn thành nhanh chóng. Thiên hạ chưa mở mang khá đầy đủ để hiểu biết Cơ Trời, đó là lý do vì sao những cố gắng của chúng ta chưa đủ vào đâu và mặt trời còn soi sáng nhiều nơi buồn thảm, bất công và đồi bại.
Nhiều sinh viên Thông Thiên Học đã biết Ðại cương của Cơ Trời. Tôi không muốn nói rằng họ đã thấy, nhưng họ đã giao thiệp với những người đã thấy, do đó họ biết và hiểu được chiều hướng đặng cộng tác với Thiên Cơ. Nhưng, khi đến ngày giờ thấy được trực tiếp Thiên Cơ, người ta mới nhận ra chân lý của tất cả những lời nói ở đây về sự nhiệt thành. Trên đời này, người ta hy sinh một cách hăng say và nồng nhiệt cho những nguyên do, cho những công cuộc cải cách hữu ích, nhưng họ dễ lầm lạc ngoại trừ họ có vài ý niệm về Cơ tiến hóa, và thấy được việc làm của họ liên quan đến Cơ này như thế nào. Họ quan tâm đến vài nguyên nhân vì tính cách khẩn cấp và cần thiết của chúng nó. Chẳng hạn như lý do của sự tiết độ. Họ nhận thấy những tai hại ghê gớm của việc uống rượu và biết khi tật xấu này mất hẳn thì sẽ có lợi vô cùng cho nhân loại trên nhiều phương diện. Do đó, họ cố gắng ngăn chận nó, chẳng phải họ chỉ cho bợm rượu biết tật nghiện rượu là một sự điên cuồng và một tội lỗi, mà họ cấm bán rượu, và như thế họ bắt buộc con người phải có tiết độ. Cách này không thể diệt được sự ghiền rượu, nhưng chỉ làm cho người ta không được toại ý thôi. Tôi không có ý phê phán, chỉ trích luật cấm bán rượu này; nó có nhiều ưu thế đáng kể. Nếu chúng ta cho hạn chế sự bán thạch tín và thanh toan (acide prussique) là khôn ngoan, hữu lý thì tại sao không làm như vậy đối với một thứ thuốc độc gây ra nhiều tai hại hơn cả hai thứ kia nhập chung lại? Tôi chỉ nói rằng phương sách đó không tiêu diệt được tận gốc rễ sự xấu; nó kiếm cách cải thiện con người bằng sự cưỡng bách, chớ không phải bằng cách thuyết phục.
Cũng đúng như thế, những người đã từng thấy rõ sự đau khổ ghê rợn của "kẻ bị trầm luân thứ mười" [14] thì họ lo tìm khắp nơi một phương thuốc chữa trị bịnh xấu hổ lớn lao và hiển nhiên đó. Nhưng rủi thay, có người tìm thấy phương thuốc trong một căn bản tuyệt đối hoặc ngay trong sự hỗn loạn. Chúng ta không thể phiền trách những người chủ trương những phương cách bất vụ lợi mà họ mong rằng sẽ làm dịu bớt sự đau khổ cho những người đồng loại của họ. Trong những trường hợp như thế, chính là đầu óc nhầm lẫn chớ không phải con tim. Trái tim thúc đẩy họ chịu những sự tổn thất và hy sinh lớn lao của cá nhân để xoa dịu những nỗi đau khổ của đồng bào như họ mong muốn. Mà họ còn phải hiểu rằng sự tiến hóa của nhân loại tùy thuộc một cái Cơ, họ phải cố gắng học hỏi Cơ đó để sự hành động của họ trở nên khôn ngoan cũng như vị tha. Chính con người thiếu sự phân biện. Bởi họ chỉ thấy một khía cạnh của vấn đề, cho nên họ đi sâu vào một hệ thống mà kết quả còn tệ hại hơn những nỗi đau khổ họ mong xoa dịu.
Vậy, bởi y hiểu biết rồi nên mới thuận theo lẽ trời, khăng khăng một lòng làm lành và chống chỏi với sự ác, làm việc cho sự tiến hóa chứ không phải vì tư lợi của mình.
C. W. L. Ðó là đá thử vàng để giúp chúng ta nhận ra những người hiểu biết; vấn đề không hề liên hệ gì đến Tôn giáo hay chủng tộc của con người, nhưng chỉ xét về sự kiện duy nhất mà họ phấn đấu cho sự lành, chống lại sự ác. Mỗi khi chúng ta thấy một người trung thành với điều chi mà y biết là cao cả, và đang phấn đấu cho những điều đối với y hình như là tốt đẹp và chống lại những điều đối với y dường như là xấu xa, thì chúng ta phải xem y như là một huynh đệ làm việc theo Thiên Ý, dù cho sự hành động của y luôn luôn không phải là những điều mà chúng ta tán thành hay là những điều mà chúng ta tưởng được đẹp lòng Trời, như họ nói.
Tuy nhiên, họ có những ý tưởng hết sức nhỏ nhen và hẹp hòi, cố chấp. Trong vài trường hợp, họ chứng tỏ một tinh thần chống đối kịch liệt rất giống như sự thù hằn đối với những người mà sự tin tưởng khác hơn họ.
Một trong những đặc tính nổi bật về việc làm của Quần Tiên Hội là, trong mỗi trường hợp như thế, các Ngài thu lấy điều tốt và dẹp qua một bên điều xấu. Các Ngài lấy mãnh lực phát sinh do sự tận tụy và lòng chân thành đó rồi tận dụng nó, đồng thời gạt bỏ điều xấu chúng ngăn cản điều lành biểu lộ, ít ra cũng tại cõi Trần này. Trong nhiều cộng đồng Thiên Chúa giáo thói mê tín mạnh hơn lòng nhân từ đáng mến khiến cho kẻ bàng quan chỉ nhận thấy sự chua cay trong đó mà thôi. Các Ðấng trong Quần Tiên Hội lấy làm thương hại cho sự mê tín đó và các Ngài nhận thấy rõ rằng nó gây ra sự di hại còn hơn những tật xấu khác. Tuy nhiên, các Ngài biết rút lấy trong đó tất cả những mãnh lực của sự nhân từ đáng mến của lòng sùng tín và ý muốn tốt đẹp để sử dụng và ban thưởng những người đã sinh ra nó. Và mỗi người trong nhóm người đó cũng nhận được quả lành của lòng từ thiện của y, mặc dù, đồng thời y cũng phải đền tội đúng theo Luật Nhân Quả do sự mê tín và nóng giận của y gây ra.
Vậy chúng ta phải nhân từ trong khi giao thiệp với những người này, và trong mọi trường hợp, nên chú tâm đến những điều lành, như Ðức Thầy đã nói: "Chúng ta phải lấy những viên ngọc", chớ đừng tìm những cọng rơm như người ta thường làm.
Người mà thuận theo lẽ trời tức là một phe với chúng ta, dù ynói y là người Bà la môn, người Phật giáo, người Công giáo hay Hồi giáo, hoặc giả y là người Ấn, người Anh, người Trung Hoa hay người Nga cũng không hề chi cả.
A. B. Ðây là một tư tưởng mà những thí sinh trên Ðường Ðạo không bao giờ được quên vì nếu nó không biểu hiện trong đời sống của bạn, thì bạn còn rất xa cửa Ðạo. Ở đó không ai hỏi bạn thuộc về giống dân nào, tôn giáo nào mà chỉ cần biết những đức tánh mà bạn cố gắng tăng thêm cho tánh tình của bạn. Tất cả chúng ta đều lần lượt đầu thai qua nhiều giống dân khác nhau. Ngày nay chúng ta sinh ra trong một giống dân phụ, thuộc về giống dân chánh nào đó, vì chúng ta cần hoạch đắc những tánh tốt đặc biệt do giống dân ấy có thể cho chúng ta. Trái lại, cũng đồng thời nhiều người lo mở mang những nhược điểm của chính giống dân phụ ấy. Chắc chắn người ta có thể nói một cách hữu lý rằng: "Hiện giờ, không có một giống dân tộc nào có khả năng loại bỏ tật xấu của tôi và mở mang tánh tình của tôi được". Nhưng chúng ta không có phận sự chấp nhận, chẳng hạn như những phương pháp của người Anh và đem chúng nó lên cao đến tận mây xanh rồi loại bỏ tất cả những phương pháp khác, vì tin chắc rằng chúng nó vốn tuyệt đối, không có phương pháp nào bằng. Mỗi giống dân đều có vai trò của nó phải đóng trong sự điều hòa chung; mỗi giống dân đều góp phần vào sự tổng hợp rộng lớn vô cùng. Dù bạn thuộc về giống dân nào hiện giờ, một phần sự điều hòa do giống dân đó biểu hiện cũng hiến cho bạn việc làm dễ dàng và tự nhiên hơn hết. Khi bạn đã học xong kinh nghiệm trong giống dân đó rồi thì về sau bạn sẽ học cách thủ vai tuồng khác trong một giống dân khác. Nếu con người hiểu được điều này thì họ sẽ bớt được thói quen tự đắc một cách khờ khạo về nòi giống của mình và bớt việc chỉ trích những dân tộc khác.
Khi tôi nghe ai phàn nàn một người nào đó nếu y lỗi lầm là bởi y là người Anh hay người Ấn, tôi liền thấy cái hư ảo còn án mắt kẻ phàn nàn đó, cũng như khi một người kia bàu chữa sự bất tài của mình bằng cách nói rằng những sự bất toàn đó vốn thuộc về nòi giống của y. Phải cố gắng hoạch đắc những đức tánh hết sức tốt đẹp của giống dân chánh và giống dân phụ của bạn chớ không phải những nhược điểm của chúng. Chẳng hạn như người Ấn Ðộ phải tìm cách phát triển tâm linh, tánh không làm hại, đức khoan dung, khả năng hành động mà không quan tâm đến cái kết quả của sự hành động, bởi vì đó là những đức tánh mà gia tộc đầu tiên của giống Aryen phải biểu hiện.
Tuy nhiên, đôi khi chúng ta thấy tánh Ðoạn Tuyệt có kèm theo sự bê trễ, buông trôi, do ý nghĩ sai lầm này: "Nếu phải lãnh đạm đối với kết quả của sự hành động, chính vì sự hành động không quan trọng". Thật ra, điều cần thiết là sự hành động hoàn thiện lẫn sự lãnh đạm với kết quả, cả hai việc một lượt. Ðối với người Anh, lắm khi trái ngược lại. Thường thường họ có tài làm việc kỹ lưỡng, nhưng họ sẵn sàng tìm kết quả của hành vi mình một cách quá hăng hái, họ thường không có tánh lãnh đạm. Vậy mỗi người phải tìm lấy những điều mình thiếu sót mà làm mục tiêu. Người Ấn Ðộ phải cố gắng hoạt động và người Anh phải cố gắng lãnh đạm; cả hai không mất những đức tánh của mình đã có. Nếu mọi người đều làm như thế thì những sự dị biệt giữa các dân tộc sẽ góp phần vào sự phong phú của tất cả, vì mỗi giống dân này mượn ở những giống dân kia những điều mình thiếu sót.
C. W. L. Yêu Tổ quốc, tôn sùng giống nòi, cảm thấy bạn còn mắc nợ tổ quốc, sẵn sàng phục vụ tổ quốc, tất cả những điều này đều tuyệt đẹp. Nhưng bạn hãy khá coi chừng, đừng biểu lộ sự ca ngợi của bạn bằng cách chê bai những dân tộc khác. Sự tương quan giữa chúng ta với toàn thể nhân loại, đó là điều chúng ta đừng bao giờ quên. Chúng ta là công dân của Quả Ðịa Cầu chớ không phải riêng của một giốngdân tộc mà thôi. Tuy nhiên tình yêu tổ quốc là điều tốt, cũng như tình yêu gia đình vẫn tốt vậy. Trong cả hai trường hợp, chúng ta không cần phải phóng đại quá đáng đức tánh của chúng ta đến nỗi đem cái xấu thay thế cái tốt. Tình thương gia đình là một tình cảm tuyệt đẹp, nhưng đừng để nó đi quá lố trở thành tật xấu như những vị Nam Tước cướp bóc thời Trung Cổ, họ giết người để làm giàu cho gia tộc mình. Cũng thế, tình yêu tổ quốc cũng đáng ca ngợi; trái lại nếu nó đưa đến sự tấn công các dân tộc khác, nó thành ra đáng chê trách vậy. Nhưng nếu bằng cách nào đó, bạn có thể làm việc cho dân tộc của bạn mà không làm hại những dân tộc khác, bạn tỏ ra xứng đáng thuộc về giống nòi của bạn, sự hiện diện của bạn làm cho nó trở nên tốt đẹp hết sức, bạn có quyền được toại chí. Trên phương diện Tôn giáo, cũng đúng như thế. Tất cả chúng ta đã từng là tín đồ của nhiều Tôn giáo lớn rồi, mỗi Tôn giáo nhấn mạnh về vài đức tánh, nhưng tất cả những đức tánh đều cần thiết cho sự tiến hóa của nhân loại.
Những người nào thuận theo lẽ trời thì biết rằng tại sao họ thuận theo. Họ biết họ phải làm cái chi và họ cố gắng để hoàn thành nó. Còn những người khác không biết họ phải làm điều chi, thế nên họ thường hành động như những kẻ ngông cuồng.
C. W. L. Ðiều này nhắc lại lời dạy của Ðức Phật Cồ Ðàm khi Ngài cho rằng mọi tội lỗi đều do vô minh gây ra. Nhưng người chưa hiểu biết thường hành động một cách ít đúng đắn, do đó kẻ ác luôn luôn đáng được chúng ta thương hại, chớ không nên căm thù hay hờn ghét họ. Thường thường người ta cảm thấy y hành động vì tánh ích kỷ, vì y muốn có những sự lợi ích cho cá nhân y, như y đã tưởng vậy; cho nên người ta cũng có hơi sẵn lòng quên đi sự thiếu hiểu biết của y về những việc làm do y gây ra. Chẳng hạn như thí dụ này. Vài nhà tỷ phú đạt được một sự thịnh vượng tạm thời bằng cách bóp nghẹt và tiêu diệt một số xí nghiệp kém quan trọng. Như thế họ sẽ gây ra ảnh hưởng khiến cho nhiều người mất chén cơm và mấy nạn nhân này thù ghét, nguyền rủa họ về sự ích kỷ và tàn nhẫn của họ.
Phải, họ hành động như thế chính vì sự vô minh. Họ theo đuổi ngay những mục tiêu của họ để đè bẹp địch thủ vì họ tin rằng những kẻ ấy có thể làm việc hay hơn họ. Có thể họ đạt được những kết quả rất tốt và đồng thời làm giàu, nhưng họ sẽ không bao giờ định kinh doanh như thế nếu họ biết rằng họ sẽ đau khổ nhiều hơn tất cả những người cạnh tranh với họ, và như thế họ tự tạo cho họ trong tương lai một quả báo vô cùng tệ hại hơn cái số phận dành cho những địch thủ bị họ loại trừ. Thay vì oán ghét những người ích kỷ như thế, tốt hơn là hãy thương xót họ vì còn vô minh.
Và họ tìm cho họ con đường nào mà họ tưởng chúng làm cho họ được vui vẻ chớ không biết rằng tất cả là một (vạn vật nhất thể), do đó chỉ có điều chi Trời muốn, thì điều đó mới thật làm cho mọi người đều được đẹp lòng.
C. W. L. Những nhà thực dụng chủ nghĩa có một câu cách ngôn quan trọng như sau: "Phải tìm điều lợi lớn hơn hết của số người đông hơn hết". Câu cách ngôn này làm ra một sự tiến bộ thật sự cao hơn ý tưởng mà trước kia có ưu thế là: "Chỉ có sự lợi cho vài người là điều quan trọng, còn những kẻ khác tiêu biểu một số lượng không đáng kể". Tuy nhiên không nên bỏ quên thiểu số. Mỗi người đều đáng kể vì tất cả chỉ là Một. Khi mà Tâm Thức Bồ Ðề chưa phát triển với một mức độ nào đó, thì con người chưa hiểu được điều này, nhưng còn phải trải qua một thời gian mới hiểu được tới một điểm nào "tất cả những người trên thế gian chỉ là một". Ðối với chúng ta, tin vào Chân lý này là một thứ nghĩa vụ đạo đức, hoặc một thứ khát vọng thành kính về cái Ðơn vị cuối cùng. Chúng ta nói rằng: "Tất cả chúng ta đều sinh ra từ một Ðấng Từ Phụ chung, vậy tất cả chúng ta đều là anh em với nhau, tất cả chúng ta đều là một". Nhưng ngày nào chúng ta chưa có kinh nghiệm trong Tâm Thức Bồ Ðề về vấn đề đó thì sự thật và chỗ thâm sâu của nó vượt khỏi tầm hiểu biết của chúng ta.
Tuy nhiên, chúng ta có thể đưa ra một ý niệm về vấn đề đó khi nói rằng: "Tất cả tâm thức chỉ là một, toàn thể thế giới là một, tất cả tình thương được biểu hiện trên đời là tình Bác Ái duy nhất và thiêng liêng. Tại cõi Trần này tất cả vẻ đẹp được biểu hiện là sự Mỹ lệ duy nhất và thiêng liêng. Tại cõi Trần này tất cả thánh thiện được biểu hiện là sự Thánh Thiện của Ðức Thượng Ðế". Ðấng Christ đã diễn tả tư tưởng này với một người đến gọi Ngài là "Ông Thầy rất tốt". Ngài bèn đáp: "Tại sao gọi Ta là tốt? Chỉ có Trời mới Tốt thôi"[15]. Lòng từ thiện của mỗi người là lòng từ thiện của Trời biểu hiện nơi y thôi. Tất cả vẻ đẹp, tất cả sự vinh quang dưới Trần Thế này mà chúng ta đã chiêm ngưỡng tại quả Ðịa Cầu, ngoài biển rộng, trên trời cao, chỉ là một phần của sự Mỹ Lệ Duy Nhất và Thiêng Liêng. Nếu chúng ta đi từ cảnh dưới lên cảnh trên, từ bậc này đến bậc khác thì chúng ta càng ngày càng thấy sự mỹ lệ dần dần trải ra trước mắt. Và sau cùng chúng ta tập thấy trong sự mỹ lệ của mỗi vật "Toàn diện Mỹ Lệ" của Trời. "Tất cả là một" vậy.
Khi học xong bài học này rồi thì nhận thức được sự vinh quang của Trời biểu lộ trong mọi vật và qua trung gian của vạn vật; tất cả những sự vinh quang khác của Ngài đều ở trong mỗi người. Như một phong cảnh đẹp trải ra trước mắt chúng ta, chúng ta trầm trồ khen ngợi chẳng những cảnh vật không thôi, mà còn tất cả những gì nó khêu gợi trong trí ta; ấy là Vũ Trụ vô tận vô biên mà phong cảnh này chỉ là một phần nhỏ nhít. Lúc bấy giờ đời sống của chúng ta hữu phước vô cùng và tràn ngập tình thương; hạnh phúc này cho chúng ta một ý niệm về cái Toàn Phúc Vĩnh Cửu; và tình thương đó làm cho chúng ta hiểu được tình Bác Ái Trường Tồn Bất Diệt. Cách duy nhất để thực hiện những sự tiến bộ lớn lao là phải tin chắc rằng chúng ta chỉ là một điểm trong cái "Toàn thể". Lúc đó Tâm Thức của chúng ta mới có thể nhập vô Tâm Thức của Thượng Ðế, ngõ hầu do con mắt của chúng ta, Ngài có thể thấy được tất cả vẻ mỹ lệ đó, và chúng ta là phần tử của Ngài, chúng ta cũng đồng thời thấy và hiểu vẻ mỹ lệ đó vậy.
Họ theo đuổi sự mộng ảo, thay vì sự chân thật. Và ngày nào họ chưa học hỏi cách phân biệt hai điều này, thì ngày đó họ chưa thuận theo lẽ Trời. Và chính vì thế mà sự phân biện là bước đầu tiên phải thực hiện.
Tuy nhiên, dù khi chọn lựa đã xong rồi đi nữa, con cũng phải nhớ rằng có rất nhiều hạng trong sự chơn và sự giả và con còn phải biết phân biệt điều lành với điều dữ, cái quan trọng với cái không quan trọng, cái hữu ích với cái vô ích, cái thực với cái hư, cái ích kỷ với cái vô tư lợi.
C. W. L. Ðó là sự phân tách nhỏ của sự phân chia lớn lao giữa điều chơn và điều giả. Sự liệt kê này chỉ cho chúng ta biết nếu chúng ta muốn theo con Ðường Ðạo thì phải thực hành sự phân biện từ những chi tiết cho đến những trường hợp nhỏ nhặt nhất của đời sống. Luôn luôn có những vấn đề ít quan trọng xảy đến mà chúng ta phải giải quyết bằng cách này hay cách khác; vậy thì bao giờ chúng ta cũng phải nhớ đến tánh phân biện và luôn luôn đề phòng. Lúc nào cũng phải suy nghĩ, quả thật là mệt nhọc. Nhiều người ưu tú đã cố gắng như thế đều mệt nhọc; sự cố gắng bền bỉ, lâu dài thật là quá sức đối với họ. Ðó là lẽ tự nhiên, nhưng mọi sự ngã lòng sẽ ngăn cản việc thành công không cho chúng ta đạt được mục đích. Thế nên mặc dù phải thắng phục sự mệt nhọc, chúng ta đừng bao giờ quên điều đó trong đời sống chúng ta.
Một bên lành, một bên dữ, không khó chi trong sự lựa chọn, bởi vì những người muốn theo Chơn Sư thì đã nhất định làm lành dù bất cứ với giá nào.
A. B. Nếu một người nào đó còn do dự trước điều lành và điều dữ, tức là y chưa thực sự muốn theo Ðức Thầy. Những ai quyết tâm rồi thì phải nhất định chọn điều lành trong mọi trường hợp, dù quan trọng hay không, mà không màng đến những hậu quả. Trong Yoga Sutras có nói về năm đức tánh căn bản gọi là Yama, gồm có: tánh không làm hại, không độc hiểm, tánh chân thật, tánh chánh trực cùng những đức tánh khác đã được qui định ngay ở đoạn khởi đầu của Ðường Ðạo: "Ðó là những đại nguyện đã được phổ biến". Nói một cách khác, như thế có nghĩa là phải triệt để tuân theo chúng nó trong mọi trường hợp. Không có một mối lợi nào, dù đem đến cho mình hay cho kẻ khác, cho phép người đệ tử được vi phạm bất cứ một giới luật nào. Ai đã tiến đến trình độ ấy, thì trong lời nói hoặc trong sự hành động, không hề làm sai sự thật bao giờ, dù thấy mình sẽ được lợi, chẳng những trong vấn đề tiền bạc, mà trong tất cả trường hợp khác. Chẳng hạn y không vượt qua uy tín của y. Bạn hãy tự hỏi coi bạn có luôn luôn lựa chọn sự chân thật một cách tự nhiên không. Ngày nào bạn chưa làm được như thế, ngày đó bạn còn xa Cửa Ðạo thứ nhứt. Ðối với trường hợp đó, Ðức Thầy cho rằng nói thêm nữa vô ích. Ðã rõ rệt lắm rồi, đã hiển nhiên rồi vậy.
C. W. L. Ý kiến này chẳng những liên hệ đến hạnh kiểm mà còn có liên quan đến việc có một lượt những tánh tốt và những tánh xấu để tiến hành một công việc. Nếu không tuân theo qui luật này một cách nghiêm nhặt thì chứng tỏ rằng trong thâm tâm chúng ta không thật sự muốn thành công. Ðôi khi người ta nói rằng: "Tôi muốn có Thần Nhãn; tôi muốn thấy cõi Trung Giới! Phải khởi sự làm cái gì? Ðâu là bước đầu?". Bước đầu là phải thanh lọc [16] các thể. Bạn hãy cẩn thận cung cấp cho xác thân những thức ăn nào thích hợp với nó nhất. Nhiều người muốn có Thần Nhãn thấy được cõi Trung Giới, nhưng khi phải lựa chọn, họ thích cái mà họ gọi là bữa ăn tối thật ngon. Họ có cảm tưởng rằng bữa ăn như thế cần thiết đối với họ, vì họ có thói quen và trong lúc đó họ quên mất việc muốn có Thần Nhãn. Thế là chỉ có thói quen tạo ra ý tưởng đó thôi. Khi biết được đặc tính này thuộc về loại vật chất rồi thì chúng ta có thể cố tâm ra công khó nhọc để loại trừ những thói quen cũ kỹ, tệ hại hoặc có thể vô ích đặng tập lấy những thói quen mới. Chúng ta phải thấy một sự khích lệ trong việc thói quen có thể trở thành một người bạn liên minh với chúng ta rất có thế lực, mặc dù nó có gây trở ngại cho chúng ta lúc đầu tiên. Một khi những thói quen tốt đã tạo được rồi thì chúng sẽ hành động một cách tự động. Chúng ta có thể lãng quên chúng để chú ý đến những việc khác.
Trên phương diện hạnh kiểm, không có vấn đề lựa chọn giữa thiện và ác nữa. Ðộc giả nào xem quyển này mà thấy có thú vị hoặc ai khao khát đến quì dưới chân Ðức Thầy, thì sẽ không do dự chọn điều lành khi thấy nó. Mong rằng không có ai trong chúng ta thử làm việc gian trá - chúng ta đã vượt qua điều đó rồi - mà chúng ta cũng không hề làm sai lạc chân lý, dù cho thấy được sự ích lợi ngay trước mắt. Chắc chắn chúng ta không lựa chọn một nghề nghiệp đáng trách như sát hại thú vật. Chúng ta cũng không phải là những người mặc những y phục hay là trang điểm với những món đồ nếu không giết thú vật thì không làm được chúng nó - đôi khi trong những tình trạng thật đau lòng là tàn sát chim non còn nằm trong ổ. Tất cả những người tiếp tục ăn mặc như thế quả thật không muốn theo Ðức Thầy; họ thích theo thời trang hơn.