Chỉ có một công việc mà con phải nhớ luôn luôn là công việc của Ðức Thầy. Dù công việc nào khác có thể đến với con đi nữa, thì ít ra con không hề quên công việc đó.
C. W. L. Trong đời sống hằng ngày, việc chú định vào mục đích là điều cần thiết để được thành công thực sự. Người kiên nhẫn cuối cùng luôn luôn chiến thắng, vì tất cả quan năng của y đều đồng thời làm việc, trong khi những người khác nhắm vào nhiều mục đích và thay đổi không ngừng. Chẳng hạn người quyết làm giàu, y vận dụng tất cả tư tưởng và ý chí của mình vào mục tiêu ấy, y luôn luôn cẩn thận và thảo kế hoạch, chắc chắn y gần thành công. Một người kia quyết định để tất cả thì giờ của mình phụng sự Ðức Thầy với năng lực không ngừng gia tăng và y chịu gác bỏ tất cả công việc khác, đương nhiên y sẽ tiến bộ nhanh chóng.
Kỳ thật, không có việc gì khác hiện đến được, vì mọi việc hữu ích và vô tư lợi đều là công việc của Ðức Thầy, và con phải làm cho Ngài. Phải hết sức chú ý vào mỗi phần việc của con làm và rán hết sức con để làm việc đó cho khéo léo.
C. W. L. Công việc của người đệ tử, một phần lớn gồm có sự luyện mình để một ngày kia thực hành cho Chơn Sư một công việc có những trách nhiệm nặng nề. Và công việc này không phải tất cả đều giúp ích trực tiếp những ý muốn hiện tại của Ðức Thầy. Nó hơi giống công việc một học sinh trung học khi học chữ La Tinh chẳng hạn, em không làm gì nổi bật, nhưng em đang mở mang và phải mở mang những năng khiếu trí thức về những đức tánh để trở nên hữu ích cho đời em sau này. Ðôi khi những bổn phận của đời sống hằng ngày mang đến hai sự lợi ích này, vì chẳng những nó bảo đảm cho những người hoàn thành công việc một phương tiện tuyệt hảo để luyện mình và học hỏi, mà còn mang đến nhiều cơ hội giúp đỡ kẻ khác phát triển tính tình và lý tưởng của họ. Về điểm cao hơn hết đó là công nghiệp của Ðức Thầy. Mọi hoạt động khác nhau của đời sống hằng ngày vẫn phù trợ những sự cố gắng kiên trì của chúng ta hiến dâng cho công việc của Ðức Thầy, khi chúng ta hoàn thành chúng vì Ngài và nhân danh Ngài. Công việc của Ðức Thầy đối với chúng ta không phải là một điều đặc biệt và xa lạ với đồng loại của chúng ta. Khéo dưỡng dục con cái để tới phiên chúng nó, chúng nó phụng sự Ngài một cách xứng đáng, làm lụng cho có tiền để dùng vào công việc của Ngài, có quyền thế để hỗ trợ ý định của Ngài, mọi việc này đều thuộc về công nghiệp của Ðức Thầy. Nhưng trong khi thực hiện những điều này: chúng ta phải luôn luôn đề phòng những sự nguy hiểm của ảo ảnh có thể dùng thanh danh của Ðức Thầy để che đậy một ý muốn ích kỷ đặng chiếm được uy quyền hay là tiền bạc.
Cũng vị Giáo Chủ vừa rồi có viết như vầy: "Dù con làm việc chi cũng vậy, con phải vui lòng mà làm, như con làm cho Ðức Thượng Ðế, chứ không phải làm cho con người". Con hãy tự hỏi: Con phải làm việc như thế nào, nếu con biết Ðức Thầy sẽ đến xem nó, con phải làm mọi công việc của con với ý nghĩ đó. Những người thật khôn ngoan hơn hết mới hiểu được ý nghĩa của đoạn này. Còn một đoạn khác cũng giống như thế, nhưng xưa hơn nhiều: "Dù tay con làm việc gì, con cũng phải hết sức chú ý vào đó".
C. W. L. Trọn cả thế giới đều nằm trong Tâm Thức của Ðấng Chúa Tể quả địa cầu, ấy là Ðấng Duy Nhất Thế Tôn Cầm Quyền Ðiểm Ðạo [85], mọi hành động của chúng ta đều diễn ra trước sự Hiện Diện của Ngài. Do đó mới nảy sinh cái ý niệm xưa của Thiên Chúa Giáo về sự Toàn Tri, Toàn Thông, Vô Sở Bất Tại của Ðức Thượng Ðế mà người ta nói rằng: "Chúng ta sống, hoạt động và tồn tại trong lòng Ngài". Ðây không phải là một sự tưởng tượng thi vị, mà là một sự kiện khoa học: Chúng ta sống trong hào quang của một Vị Vua [86] của Thế gian, vẫn còn là một vấn đề nan giải và bất khả tri, đối với chúng ta. Tuy nhiên, một ngày kia chúng ta sẽ đi đến vị trí cao tột đó.
Quan niệm thuở xưa về Trời làm cho sự Vô Sở Bất Tại của Ngài có một tính cách khủng khiếp. Người ta cho rằng Trời luôn luôn tìm kiếm đặng khám phá những lỗi lầm, Ngài hăng hái quan sát để xem ai phạm luật của Ngài, đặng Ngài trút cơn thịnh nộ lên kẻ phạm tội khốn nạn kia. Nhiều đứa trẻ đau khổ ghê gớm vì chúng nói rằng Trời thấy tất cả những hành vi của chúng. Chúng cảm thấy hình như không có sự công bình, khi tất cả những gì thuộc về chúng đều bị vạch trần ra. Ðó là điều đặc biệt, bởi vì đứa trẻ sợ hãi không hề biết vị dẫn đạo của nó phán xét nó như thế nào về mọi hành vi của nó. Trái lại khi hiểu được lòng bác ái vô biên của Trời, người ta bắt đầu thấy rằng sự Vô Sở Bất Tại của Ngài là một sự bảo hộ và ban ân huệ lớn nhất cho chúng ta.
A. B. Sự thử thách mà Ðức Thầy nêu lên ở đây phải được áp dụng cho mọi hoạt động của chúng ta. Chẳng hạn như bạn viết một bức thư, nếu bạn biết rằng Ðức Thầy sẽ đến và sẽ đọc nó, bạn sẽ viết một cách thật cẩn thận về cả hai phương diện nội dung lẫn hình thức. Bất cứ công việc nào của bạn cũng là công việc của Ðức Thầy, nếu bạn làm hết mình, dù đó là một cố gắng mà Ðức Thầy đòi hỏi vì một mục đích cấp thời hay là để chuẩn bị bạn cho công việc sau này. Nếu chúng ta thuộc về Ngài, thì mọi việc đều thực hiện cho Ngài, chứ không thể ai khác. Cầu xin đó là thái độ tinh thần thường hằng của bạn và bạn sẽ tạo ra một bầu không khí trong đó việc chú định vào đối tượng sẽ phát triển.
Nếu chúng ta thực sự có một đối tượng, mọi việc sẽ diễn tiến một cách đẹp đẽ biết bao! Chỉ làm việc để phụng sự Ngài. Ðó là ý tưởng mà tôi luôn luôn duy trì trong trí như những môn đồ trẻ tuổi hơn tôi đã làm. Tuy nhiên tôi nhờ sức mạnh của thói quen nhiều hơn ý tưởng đó giúp tôi. Có khi tôi tự hỏi: "Tại sao tôi trả lời bức thư này"?, và trong trí tôi liền xuất hiện câu trả lời : "Tôi gặp công việc này trên bước đường của tôi, vậy nó chính là công việc của Ðức Thầy".
Bạn hãy tiếp tục dành cho ý tưởng đó một vị trí quan trọng nhất trong trí bạn suốt cả thời gian bạn còn làm đệ tử. Mọi người phải tập lấy thói quen đó và khi đã tập xong phải tăng cường nó. Thói quen ấy đã giúp chúng ta áp dụng tất cả những phương tiện của chúng ta vào công việc của chúng ta đang làm bất cứ việc nào: Tất cả những phương tiện, bởi vì nó có như thế công việc của chúng ta mới trở thành một phần của công việc thiêng liêng và là một phương pháp luyện tập hữu ích cho sự mở mang tánh tình. Bạn hãy tìm sự hoàn toàn đừng để xảy ra một điều xấu xa nào.
Ði thẳng đến mục đích duy nhất cũng có nghĩa là khi con bước vào Ðường Ðạo rồi, thì không có cái chi làm cho con chuyển hướng lìa khỏi Ðạo được, dù chỉ trong chốc lát thôi. Không có sự cám dỗ nào, thú vui nào ở thế gian, cũng như những sự luyến ái nào trên cõi đời có thể làm cho con lạc bước. Bởi vì con phải nhập một với Ðạo. Trên quan điểm này, Ðạo phải là bản tính của con, con bước trên Ðường Ðạo mà con không cần nghĩ đến Ðạo và cũng không thể nào rời Ðạo được nữa. Con là Chơn Thần, con đã nhất định như thế. Nếu con tự lìa khỏi Ðạo, tức là con tự chia lìa con vậy.
C. W. L. Những bản Thánh Kinh khác cũng nói rằng mỗi người phải trở thành "một" với con Ðường Ðạo. Ðấng Christ đã nói với các môn đồ của Ngài rằng: "Ta là Ðường Ðạo" [87]. Ðức Shri Krishna cũng dùng những lời lẽ giống hệt như thế: "Ta là con đường mà khách lữ hành phải noi theo". Cũng ý niệm như thế vẫn có trong quyển Tiếng Nói Vô Thinh, trong đó nói rằng: "Con không thể đi trên con Ðường Ðạo trước khi trở thành con đường đó".
Thật ra, việc đang diễn tiến là mỗi người đều trở thành Chơn Ngã của mình. Trong định nghĩa về Yoga, Ðức Patanjali có nói rằng: "Khi con người làm chủ được Cái Trí của mình rồi thì y ngự trị trong trạng thái của y". Chơn Thần là Chơn Ngã thật sự của chúng ta, ấy là Ðức Thượng Ðế ẩn tàng bên trong, nhưng Ðức Thượng Ðế ấy phóng xuống cõi trần một cái bóng của mình để tạo thành Chơn Nhơn, và đến lượt Chơn Nhơn, lại hóa thân một Phàm Nhơn, thì sự tiến hóa con người phải khá cao, còn trước đó, Chơn Nhơn chỉ nhìn xuống Phàm Nhơn thôi, cái may mắn được thành công rất ít cho đến đỗi Chơn Nhơn không làm gì quan trọng cả. Rồi tới cuộc Ðiểm Ðạo lần thứ nhất là lúc Phàm Nhơn không còn ý chí riêng của nó nữa, nó chỉ sống để phụng sự Chơn Nhơn thôi, trừ ra lúc nào nó quên. Bây giờ Chơn Nhơn hoạt động xuyên qua Phàm Nhơn ở các cõi dưới và bắt đầu thực hiện đời sống của Chơn Thần và sống theo ý muốn của Ngài. Chơn Thần đã chọn con đường mà Chơn Nhơn phải noi theo trong khi nó tiến hóa. Nhưng Chơn Nhơn có thể chọn một con đường khác, vì chính nó trở thành nguyên bổn và tự giải thoát ra khỏi mọi ràng buộc, dù là những ràng buộc thuộc về cõi tinh thần [88]. Trên Ðường Ðạo người đệ tử phải luôn luôn nghiêng qua bên này hay nghiêng qua bên kia, nhưng khi y chú định vào đối tượng của mình, thì cuối cùng y trở lại con đường tốt đẹp nhất.
A. B. Con người thường quên rằng mình là biểu hiện của Chơn Thần, vậy thì, tất cả những gì bạn thực hiện dưới thế gian này đều do ý chí riêng của bạn, chứ không bị ý muốn nào khác buộc bạn. Ý chí của Chơn Thần là ý chí của bạn. Nhưng dục vọng của bạn không phải là ý chí của bạn chút nào. Bạn bị những vật ở bên ngoài lôi cuốn vì thế này hay thế khác của bạn muốn thỏa mãn cách này hay cách kia. Không phải bạn muốn thưởng thức sự vui đó, nhưng Tinh Chất Ham Muốn [89] hưởng thụ và kinh nghiệm điều đó. Về điều này, bạn phải dùng "Chơn Ngã" của bạn chống lại nó, Chơn Ngã chỉ nhắm vào chỗ tối thượng không hề lệch lạc. Chúng ta phải giống như cái địa bàn từ điện cực mạnh, cây kim có thể đổi hướng, nhưng luôn luôn nó trở lại đúng vị trí của nó. Bao giờ bạn chưa có đủ sức mạnh để chống lại mọi cám dỗ bên ngoài, thì bạn phải luôn luôn tập luyện đặng trở lại con đường ý chí duy nhất.
Bạn không phải là vật chất. Bạn phải sử dụng vật chất, bắt nó làm công cụ cho bạn. Thật vô lý khi bạn tự nép mình trước những vật liệu mà bạn đã góp nhặt để tạo ra công cụ cho bạn dùng. Thật giống như cái búa trong tay người thợ làm sườn nhà chọn chỗ đóng đinh vào, mà cái búa lại đập nát ngón tay người thợ, thay vì phải đóng vào đinh. Ðôi khi xảy ra việc một người thợ tự gây thương tích cho mình, đó là tại y vụng về. Bạn hãy tập trung thành với quyết định của bạn, ý chí thật sự của bạn và tới một ngày kia bạn sẽ không thể tách rời nó được.
Người ta cũng đạt được sự chú định vào đối tượng bằng cách tập trung tư tưởng. Bạn hãy chú ý vào một khoảng có giới hạn, trong một lúc nào đó. Bạn hãy chú ý vào một việc thôi để làm cho có hiệu quả. Một số khối nước nào đó, nếu chảy vào con kinh nhỏ hẹp đủ sức tạo nên một dòng nước mạnh, còn nếu người ta để nó tràn ra một khoảng rộng lớn, thì nó trở thành một vũng nước thôi. Ðối với tinh lực của bạn cũng thế. Hãy tuần tự thực hiện công việc của bạn. Hãy hoàn thành mỗi việc một cách chính chắn và cương quyết thay vì làm tất cả mà không đúng đắn. Nếu bạn theo lời khuyên này một cách nhẫn nại, chẳng bao lâu bạn sẽ thấy kết quả. Chắc chắn là có thể rất ít, trong mỗi tuần, nhưng nhiều tuần trôi qua, những kết quả sẽ được súc tích và không bao lâu, chúng sẽ trở thành một số lượng to tát của công việc đã được hoàn thành, và cũng như một số sức lực đã được thâu nhận vậy.