Ðừng ham muốn những việc nhỏ mọn thường xảy ra trong đời sống hằng ngày. Chớ nên tỏ ý khoe mình xuất sắc hay là tỏ vẻ thông minh.
C. W. L. Hầu hết thiên hạ thích làm cho kẻ khác chú ý đến mình, thích trình diện dưới hình thức tốt đẹp nhất, nhưng không một ai sau khi đối diện với Ðức Thầy rồi thì lại có thể nghĩ đến việc khoe mình. Khi y được chiêm ngưỡng ánh sáng huy hoàng của Ngài thì tức khắc y biết rằng tất cả sự sáng chói của cá nhân chỉ là ánh sáng của ngọn đèn dầu nhỏ xíu bằng đồng tiền Anh trước mặt trời. Như thế, ý tưởng khoe khoang không thể nảy sinh ra, hoặc trước kia y có ý tưởng đó thì bây giờ đây nó tiêu mất rồi.
Người nào tin rằng ánh sáng nhỏ bé của mình sẽ gây một ảnh hưởng lớn lao cho thế gian là người chưa thấy ánh sáng cao cả, nên không có danh từ gì để so sánh.
Tuy nhiên, muốn phụng sự Ðức Thầy, chúng ta phải biết lợi dụng tất cả đức tánh mà chúng ta đã có. Dù ánh sáng của chúng ta như thế nào đi nữa, chúng ta cũng không nên che giấu nó. Không phải chỉ có ngọn đèn pha rực rỡ của Ðức Chưởng Giáo là cần nhất mà thôi. Trên bãi biển phải có những ánh sáng nhỏ bé chiếu ra. Ánh sáng vĩ đại chiếu ra rực rỡ cho đến đỗi nhiều người chóa mắt; những kẻ khác lại không bao giờ ngước lên, nên không ngờ rằng ánh sáng này có thật. Những ánh sáng yếu hơn, vừa sức hiểu biết của họ, có thể làm cho họ chú ý. Chúng ta có thể giúp đỡ nhiều người chưa sẵn sàng để nhờ những Ðấng Cao Cả bảo trợ. Vậy mỗi người phải ở tại vị trí của mình. Nhưng bạn đừng bao giờ muốn khoe mình chỉ vì thích sự khoe mình, như thế thật phi lý vậy.
Ðừng ham nói, nói ít thì tốt. Không nói cái chi lại càng quí hơn nữa, trừ ra khi chắc rằng những điều muốn nói ra vẫn chân thật, dễ thương và hữu ích. Trước khi nói, con hãy tự hỏi con xem điều con muốn nói có ứng đáp với ba đức tánh đó không, nếu không thì phải làm thinh.
A. B. Những người muốn nói mãi không ngớt, sẽ không có chi để luôn luôn nói cho đúng. Do đó họ nói những điều không đáng cho ta chủ ý và như thế họ gia tăng sức mạnh những luồng nói hành dữ dội đang trải qua trên thế gian. Họ gây ra tai hại khôn lường, nếu họ để cho cái lưỡi họ làm theo ý muốn của nó, thay vì họ phải làm chủ nó. Ở đây đúng là trường hợp tôi đã nghe lời huấn thị mà Ðức Thầy thường lập đi lập lại: Trước khi nói, con hãy tự hỏi con xem lời con sẽ nói có chơn chánh, dễ thương,hữu ích không. Nếu thiếu ba đức tánh này thì đừng nói gì hết. Ðiều này làm chậm lại cuộc đàm thoại của con. Dần dần con sẽ nhận thấy con ít nói lại và đó là một điều tốt vậy.
Những người nhạy miệng hay nói phung phí khí lực của họ, mà đáng lẽ họ phải để dành cho những hoạt động hữu ích. Người nói nhiều thường làm việc rất ít. Có lẽ bạn nghĩ rằng những nhận xét về việc sử dụng lời nói có thể áp dụng cho chính tôi. Ðược lắm, vì tôi diễn thuyết luôn luôn. Nhưng ngoài công việc của tôi, tôi nói rất ít. Tôi không biết nói gì nữa cả, nên người ta thường trách cứ sự im lặng của tôi. Ở Tây phương, thường khi tôi bị bắt buộc phải nói, vì sự im lặng được xem như là một sự buồn bực, thói kiêu hãnh hoặc là không muốn tỏ ra vui vẻ, dễ thương. Như thế dĩ nhiên tôi không nói dễ dàng trừ phi tôi có vài điều đặc biệt và hữu ích để nói. Hẳn nhiên là bạn phải nói, khi bạn có những lý do chính đáng, khi bạn có điều đáng nói, khi bạn làm điều đó với thiện chí. Không phải chỉ có những lời nói vô ích thuộc về loại này phải tránh. Một lời nói vô ích chẳng khác nào một viên gạch ngăn cách bạn với Ðức Thầy. Còn nghiêm trọng hơn đối với những ai muốn đến gần Ngài?
Người nói nhiều không thể nào chân thật được. Tôi không muốn nói rằng y đã hữu lý và cố tâm chối bỏ sự thật, nhưng y không thể luôn luôn đúng đắn và sự không chính xác đó là một thái độ trái nghịch với chân lý. Không có gì tai hại hơn tự tạo chung quanh mình một bầu không khí giả dối, luôn luôn do những câu chuyện không xác đáng sinh ra. Chẳng hạn tôi thường nhận được những bức thư chỉ là những lời lẽ dài dòng bao bọc những chuyện nhỏ xíu làm nồng cốt. Trong tất cả những công việc thường ngày ở đời, chúng ta tập giảm bớt tánh quá lố. Cũng như khi tôi nhận được một bức thư phiền trách người nào - thường có những bức thư như thế - và theo tánh tình của tác giả tôi đoán được cái nào có lý và định được thái độ của y khi viết bức thư đó.
Ðức Bàn Cổ nói rằng người nào làm chủ được cái lưỡi của mình thì làm chủ được tất cả. Và một vị Huấn Sư Thiên Chúa Giáo đã nói rằng: "Cái lưỡi là một bộ phận nhỏ bé; nhưng nó khoe khoang những điều vĩ đại. Hãy xem đóm lửa có thể làm cháy cả một khu rừng lớn! Cái lưỡi cũng vậy, nó là một ngọn lửa. Nó là thế giới của sự bất công. Vậy cái lưỡi cũng là một bộ phận của thân thể, nó làm nhơ bẩn trọn cả thân mình" [52]. Làm chủ được cái lưỡi tức là làm chủ được bản ngã thấp hèn. Những nỗi ưu phiền nhỏ mọn thường là hậu quả của những câu chuyện không ra gì và sự phản ứng của chúng. Những chứng bệnh nhức đầu chút ít, bần thần, suy nhược . . . không có nguyên nhân nào khác hơn nữa. Nếu những ai bị khổ vì mấy chứng bệnh đó mà tập lặng thinh, họ sẽ thấy khỏe mạnh hơn trước. Ðầu tiên, vì họ không mất tất cả năng lực của bộ thần kinh đã hao tổn khi nói và sau đó họ lại khỏi trả một cách thường xuyên những quả nhỏ nhặt mà họ đã gây ra do những lời nói vô vị tầm ruồng của họ. Bạn nhớ rằng Ðức Pythagore đã bắt buộc các đệ tử của Ngài phải giữ im lặng trong hai năm. Ðiều này đáng cho chúng ta suy nghĩ, vì Ðức Pythagore hiện nay là Ðức Thầy Kouthoumi, Ngài là Sư Phụ của Alcyone và Giám mục Leadbeater.
Bên Ấn Ðộ có nhiều người Yogi gọi là Muni (Munis) tức là những người đã phát nguyện giữ im lặng, tịnh khẩu. Giá trị của lời khấn nguyện đó luôn luôn được nhìn nhận ở đây. Tôi biết một người đàn ông đã phát nguyện tịnh khẩu trong mười năm và y đã đạt được một sự an tĩnh và một phẩm cách phi thường. Nhờ đó y có thể đi vào một đời sống tinh thần vô cùng phong phú hơn trước kia. Dĩ nhiên, đa số chúng ta không thể khấn nguyện như thế, vì chúng ta đang sống trong một thế giới mà chúng ta có đủ thứ bổn phận phải chu toàn. Nhưng chúng ta có thể sống theo nguyên tắc này: giữ im lặng mỗi khi có thể thực hiện được mà không làm mếch lòng những người chung quanh ta.
Sự cần thiết phải thường xuyên tập tánh cẩn thận và phán xét còn mang lại một điều lợi ích, nó tập cho chúng ta tự giữ mình. Phải nói, nhưng hãy nói với một sự cương quyết không vượt quá mức mà qui luật của Huyền Bí Học cho phép về sự hữu ích và lòng nhân từ. Một bài học hay đối với chúng ta là giữ quyết định này trong ngày. Bạn hãy nhất định rằng từ sáng đến tối bạn sẽ không nói một lời nào có tính cách khinh xuất. Ngày ấy, ít ra sẽ là một bước tiến của bạn. Huynh đệ Jain của chúng ta cũng tập như thế để đạt được tánh cẩn thận và khắc kỷ. Sớm mai, họ quyết định trong ngày sẽ không làm một điều nào đó, có lẽ nó không có gì quan trọng. Họ kiêng cữ và như thế thói quen cẩn thận diệt trừ tánh cẩu thả. Chính Ðức Phật cũng nói một cách cương quyết về tánh cẩu thả, về sự vô ý thức làm cho con người phạm phải nhiều lỗi lầm tai hại.
C. W. L. Những người nói luôn luôn không ngừng nghỉ thì không thể nói một cách chính xác và hữu ích. Hơn nữa, họ không thể chân thật nếu họ luôn luôn quen nói một cách cẩu thả. Vài câu chuyện của họ chắc chắn không đúng với sự thật, dù họ không có ý muốn gạt gẫm. Sau khi đã thốt ra tất cả những lời quả quyết không đúng với sự thật, họ nói rằng: "Tôi không cố ý nói sai thì cái đó không có gì là quan trọng". Ðó không phải là ý muốn của bạn, nhưng đúng là việc làm của bạn sẽ sinh ra những hậu quả. Nếu bạn làm một việc sai quấy, dù bạn có chủ ý tốt cũng không thay đổi được bản chất sự sai lầm của bạn và cũng không thể che chở cho bạn thoát khỏi sự báo ứng tuần hoàn. Một người đã nói điều gì đó, rồi sau cải chính rằng: "Tôi thấy tôi lầm, câu chuyện không hoàn toàn đúng như thế". Y đã nói trái với sự thật, chắc chắn là không cố ý, nhưng y đã nói một điều không có thật rồi cáo lỗi là mình vô tình. Người ấy cũng giống như một kẻ vì rủi ro làm nổ súng gây ra thương tích cho người khác rồi nói rằng: "Tôi tưởng súng không có nạp đạn". Tới bao giờ bạn không có bằng chứng chắc chắn, thì bạn phải xem như súng đã nạp đạn rồi.
Chỉ trong một ngày thôi chúng ta quả quyết nói toàn những chuyện chân thật, khả ái và hữu ích. Ngày ấy sẽ lặng lẽ trôi qua, mà có lẽ thế gian sẽ không mất mát điều chi lớn lao, và điều đó rất tốt cho chúng ta. Ðành rằng mọi cuộc đàm thoại mau lẹ và hứng thú không thể diễn ra, vì chúng ta cần phải dừng lại để suy nghĩ. Những qui tắc này vốn căn cứ trên những định luật của đời sống cao siêu. Muốn tiến hóa nhanh hơn, phải cố gắng tuân theo những qui luật này. Phải tự sửa đổi, dù những qui luật này có vẻ làm cho con người xung đột với đời sống thường nhật và những phương pháp của nó. Ðiều này dường như khó khăn, nhưng nếu đã suy nghĩ kỹ lưỡng, một người kia cảm thấy rằng những sự đòi hỏi của một đời sống cao thượng đối với y quá lớn lao, thì y có thể chờ trong một, hai kiếp nữa trước khi muốn thực sự tiến hóa. Chúng ta không thể đồng thời sống một cuộc đời dễ dàng, không cố gắng, không cực nhọc, mà lại tiến hóa nhanh chóng. Nhưng chúng ta có thể lựa chọn và không được khiển trách ai đã cảm thấy mình chưa chịu đựng nổi sự căng thẳng cực độ này.
Bây giờ tốt hơn là tập thói quen suy nghĩ cho kỹ lưỡng trước khi nói: Bởi vì khi con được Ðiểm Ðạo rồi, con phải giữ gìn từ lời nói, sợ e không được kín miệng.
C. W. L. Ðiều này có thể gây ra sự ngộ nhận đối với một độc giả không hiểu biết những sự kiện liên hệ đến sự Ðiểm Ðạo. Nếu người nào có ý muốn tiết lộ những sự bí mật thực sự về sự Ðiểm Ðạo, y chưa mở miệng thốt nên một lời nào, thì y đã quên mất rồi, không có chi mà phải phản bội. Vậy thì những bí mật thực sự được hoàn toàn giữ kín. Không bao giờ có những việc lọt ra ngoài, không thế nào có điều đó được. Còn một sự nguy hiểm lớn lao cho người được Ðiểm Ðạo mà tánh cẩu thả, bất cẩn. Y có thể lâm vào một hoàn cảnh hết sức khốn khổ. Chính tôi đã biết nhiều tài liệu, dù có công bố trên các nhật báo hình như chẳng có tai hại gì, nhưng người ta xin tôi đừng lập lại, thì tôi vẫn im lặng, không biết vì lẽ nào. Lời hứa là lời hứa. Phải xem nó như một sự cam kết thiêng liêng. Nếu ai không đồng ý với quan niệm này thì tốt hơn nên bỏ ngay ý nghĩ tiến triển trên con đường Huyền Bí Học.
Ðừng ham nói những chuyện tầm phào; nó vốn phù phiếm và vô vị. Khi nó kéo ra chuyện nói hành thiên hạ, thì lại trở thành độc ác.
C. W. L. Những lời nói mà chúng ta phải gọi là vô ích, thật ra thường có lý do để tiêu khiển thì giờ một cách vui vẻ. Trong thời đại chúng ta thịnh hành thói quen có thể đáng tiếc, là phí nhiều thì giờ để đàm thoại, đáng lẽ dùng để suy nghĩ còn có ích hơn. Chắc chắn có những lúc chúng ta nói những chuyện hoàn toàn không cần thiết chỉ để làm vui lòng người khác, họ sẽ có thể ngạc nhiên nếu chúng ta cứ im lặng mãi. Nhưng ngoài trường hợp đó ra, biết bao câu chuyện vô ích mà dường như lý do duy nhất là chỉ nói để mà nói thôi! Ðó là một điều lầm lỗi. Những người bằng hữu chân thật có thể rất hữu phước gặp gỡ nhau trong sự im lặng, họ được kết hợp chặt chẽ với nhau trong tư tưởng. Trái lại, nếu vì sợ cuộc đàn thoại mất hứng thú, nên phải tiếp tục nói, thì khốn thay, người ta lại nói nhiều điều mà tốt hơn là phải im lặng. Kẻ hay nói nhiều chẳng phải là người khôn ngoan nhất và thường chỉ là người khôn ngoan bực trung.
Vậy thì con hãy tập cho có thói quen nghe hơn là nói. Ðừng tỏ bày ý kiến của con, nếu người ta không ân cần hỏi con.
C. W. L. Vài người không thể nghe phát biểu một sự xác nhận nào mà họ cho là sai lầm hay thiếu sót mà không cãi lại ngay. Do đó sinh ra sự bất hòa và tranh luận. Chúng ta nên hiểu rõ rằng chúng ta không có bổn phận sửa chữa ý kiến của kẻ khác hoặc đưa kẻ lầm lạc vào đường ngay nẻo chánh. Bổn phận của chúng ta là giúp đỡ kẻ khác tùy khả năng mình và một cách êm thắm. Nếu người ta có hỏi ý kiến chúng ta, chúng ta hãy bày tỏ một cách thật trầm tĩnh và ôn hòa mà không có một tinh thần chống đối nào cả. Cho rằng ý kiến chúng ta có lợi hơn cho những kẻ ở chung quanh ta là điều vô ích, vì đôi khi nó chẳng ích lợi chi cả, mà bắt kẻ khác phục tòng là điều lỗi lầm. Có thể một người nào đó biết đích xác về một sự kiện nào đó mà chúng ta quả quyết rằng không phải thế, nhưng tốt hơn nên để y nói. Chắc chắn điều này làm cho y thích ý và cũng không có gì hại đến chúng ta chút nào. Dù y tin rằng trái đất dẹp hay mặt trời xoay chung quanh quả đất, thì đó là chuyện riêng của y. Còn ai lãnh chức vụ của một nhà giáo dục, có bổn phận phải dạy dỗ một số học sinh, thì phải sửa đổi chúng một cách dịu dàng và bình tĩnh: Ðó chính là bổn phận của những người giáo hóa trẻ con, nhưng không ai có trách nhiệm làm nhà giáo dục của quảng đại quần chúng.
Thật ra, nếu chúng ta nghe ai nói xấu người nào, chúng ta có bổn phận phải nói: "Xin bạn thứ lỗi. Bạn không hoàn toàn có lý. Ðiều đó không đúng với sự thật", rồi bạn cố gắng hết sức lập lại các sự kiện. Một người không được ai binh vực đã bị công kích thì bổn phận của chúng ta là phải bàu chữa cho y.
Có một câu gồm hết các đức tánh phải tập là: tri, cảm, nguyện, mặc, mà đức tánh chót là khó hơn hết.
C. W. L. Những người thuộc về phái Hoa Hồng Thập Tự Giá có đưa ra nguyên tắc này: người nào đã cương quyết tiến trên đường Huyền Bí Học thì nhất định phải hiểu biết, phải dũng cảm, phải quyết chí và phải trầm mặc. Phải hiểu những định luật thiên nhiên và có gan áp dụng chúng nó. Muốn sử dụng những quyền năng cao siêu đã ban cho chúng ta trên Ðường Ðạo, thì phải có một ý chí dũng mãnh, có khả năng chủ trị được những quyền năng đó cũng như tự kiềm chế lấy mình vậy. Và sau khi thành công, ta dè dặt đặng đừng nói ra điều đó.