Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Cuộc đời chìm nổi của thuyền trưởng Blood

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 7570 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Cuộc đời chìm nổi của thuyền trưởng Blood
Rafael Sabatini

Chương 28

Suốt trong thời gian thành phố đầu hàng và sau đó, thuyền trưởng Blood  chiếm lĩnh cao điểm của Nuestra Segnora de la Popa, không hề hay biết gì  những chuyện xảy ra ở Cartagena. Bọn cướp biển biết rõ vai trò của mình  trong việc đánh chiếm thành phố rất mực giàu có ấy. Thế mà thuyền trưởng  thậm chí còn không được mời đến họp hội đồng quân sự, nơi nam tước de  Rivarol định ra điều kiện đầu hàng.
Giá là trước kia thì thuyền trưởng Blood không đời nào lại chịu để người  ta coi thường mình như vậy. Nhưng bây giờ, sau khi đã đoạn tuyệt với nghề cướp biển, chàng chỉ cười khẩy khinh bỉ là đủ. Song các sĩ quan của chàng  vẫn tiếp tục theo đuổi nghiệp cướp biển, thì có thái độ hoàn toàn khác. Blood  chỉ có thể trấn an bọn cướp biển bằng cách hứa sẽ nói chuyện ngay với nam  tước de Rivarol.
Chàng tìm thấy tên tướng tại một trong những ngôi nhà lớn của thành  phố, nơi đang ồn ào như ong vỡ tổ. Đó là văn phòng do tên nam tước mới lập  ra để thống kê các báu vật được đưa đến và kiểm tra sổ sách thu chi của các  cơ sở buôn bán để xác định chính xác số tiền phải nộp. Vây quanh bởi một lô  thư lại, de Rivarol ngồi chễm chệ như một gã lái buôn đối chiếu các sổ sách  và cộng trừ các con số, xem những kẻ chiến bại có giấu đi đâu một đồng peso  nào không. Việc ấy nói trắng ra là không xứng đáng với một viên tư lệnh lục  hải quân triều đình Pháp tại Châu Mỹ, nhưng những tính toán kiểu con buôn  ấy hấp dẫn de Rivarol hơn việc quân cơ rất nhiều. Hắn bực bội phải gác  những việc ấy lại lúc Blood xuất hiện trong văn phòng.
- Xin chào ngài nam tước! - Blood chào hắn, - tôi phải nói thẳng với  ngài, dù ngài có bực mình đến đâu đi nữa, rằng người của tôi đang sắp nổi  loạn đấy!
De Rivarol ngạo mạn nhướn mày.
- Thuyền trưởng Blood, tôi cũng phải nói thẳng với ông, dù ông có khó chịu đến đâu nữa. Ông và các sĩ quan của ông sẽ phải chịu trách nhiệm nếu có  bạo loạn. Ngoài ra ông đã nhầm nếu nói chuyện với tôi bằng cái giọng bằng  vai phải lứa ấy. Ngay từ đầu tôi đã báo cho ông biết rằng ông chỉ là kẻ dưới  quyền tôi. Và như ông biết đấy, tôi rất không ưa nói suông.
Thuyền trưởng Blood phải khó nhọc lắm mới kìm được mình. Nhưng  chàng hiểu rất rõ rằng sớm muộn gì chàng cũng phải cho con gà trống kênh  kiệu kia một trận cho hắn hết vênh váo.
- Ngài muốn qui định thứ bậc của tôi thế nào thì tuỳ ngài, thưa tướng  quân, - chàng nói. Tôi cũng không thích nói suông. Chuyện phải nói ở đây là  bản giao kèo được ký kết bởi hai bên. Người của tôi đang bất mãn.
- Họ bất mãn về việc gì? - tên nam tước kinh mạn hỏi.
- Về việc thủ tín của ngài đấy, nam tước de Rivarol ạ.
Một cái tát cũng chưa chắc đã gây tác động mạnh đến như vậy đối với de  Rivarol. Hắn chồm dậy, mắt long sòng sọc, mặt mũi tái nhợt. Bọn thư lại ngồi  bên bàn hoảng sợ chờ đợi một trận sấm sét. Im lặng kéo dài mấy phút. Cuối  cùng, vừa cố nhẫn nhịn, de Rivarol quát lên:
- Ông dám nghi ngờ lòng trung thực của tôi? Ông và bọn trộm cướp bẩn  thỉu đồng bọn của ông! Ông sẽ phải trả lời tôi vì sự lăng mạ đó, tuy rằng tôi  không thèm bẩn tay mà đi đọ kiếm với ông đâu!
- Xin nhắc lại cho ngài biết, - Blood bình thản đáp, - rằng tôi không nói  về mình mà nhân danh người của chúng tôi. Người của chúng tôi không hài  lòng. Họ doạ rằng nếu những yêu cầu của họ không được thoả mãn một cách  tự nguyện thì họ sẽ thoả mãn chúng bằng vũ lực.
- Bằng vũ lực? - De Rivarol run rẩy điên giận, thét lên. - Cứ thử xem  rồi...
- Đừng có bộp chộp thế, nam tước. Người của tôi có lý, và ngài cũng  thừa biết điều đó. Họ đòi ngài phải trả lời bao giờ sẽ tiến hành chia chiến lợi  phẩm và bao giờ thì họ sẽ nhận được một phần năm của mình theo đúng thoả thuận.
- Lạy Chúa hãy cho con kiên nhẫn! Chúng ta làm thế nào mà chia chiến  lợi phẩm được một khi nó còn chưa thu xong?
- Người của tôi có căn cứ để nói rằng tất cả chiến lợi phẩm đã gom xong.  Ngoài ra họ rất có lí khi ngờ rằng chúng đã nằm hết dưới các tàu của ngài và do ngài toàn quyền định đoạt. Họ tuyên bố rằng vì thế mà họ không thể xác  minh được số lượng toàn bộ chiến lợi phẩm.
- Ô, Trời đất quỉ thần! Nhưng tất cả đều được ghi chép đầy đủ trong các  sổ sách và bất kỳ ai cũng đều có thể thấy rõ kia mà.
- Họ sẽ không thèm kiểm tra sổ sách của ngài đâu, vả lại trong chúng tôi  cũng chẳng có mấy người biết chữ. Nhưng họ thừa biết - ngài đã buộc tôi phải  nói thẳng không kiêng dè, - rằng các thống kê của ngài là giả mạo. Theo các  sổ sách của ngài thì trị giá chiến lợi phẩm thu được ở Cartagena là gần mười  triệu livre. Trong thực tế thì nó vượt quá bốn mươi triệu livre. Đó là vì sao  người của tôi đòi ngài phải đưa ra toàn bộ các của cải và cân đong ngay trước  mặt họ theo lệ của “hải hồ huynh đệ”.
- Tôi không biết những luật lệ của bọn cướp biển! – De Rivarol khinh bỉ nói.
- Nhưng ngài đã học được rất nhanh đấy, nam tước.
- Mẹ kiếp, ông định ám chỉ cái gì? Tôi là tư lệnh quân đội chứ không  phải là trùm hải tặc!
- Thế à? - Blood không giấu nổi sự châm biếm. - Nhưng dù ngài có là ai  đi nữa, tôi cảnh cáo trước rằng nếu ngài không thoả mãn các yêu cầu của  chúng tôi thì ngài sẽ gặp những chuyện phiền toái đấy. Tôi sẽ không ngạc  nhiên chút nào nếu ngài bị kẹt lại ở Cartagena và không thể gửi về Pháp dù  một peso.
- A, a! Ông lại còn doạ tôi nữa?
- Ồ, đâu có, ngài nam tước! Tôi chỉ đơn giản báo trước cho ngài những  phiền phức mà nếu muốn ngài có thể dễ dàng tránh được. Ngài đang ngồi trên  miệng núi lửa mà không hề hay biết đấy. Ngài vẫn còn chưa rõ hết các luật lệ giang hồ đâu. Cartagena sẽ biến thành núi xương sông máu, và chưa chắc vua  Pháp đã được lợi gì trong chuyện đó.
Hiểu ra rằng hắn đã đi quá xa, de Rivarol cố gắng lái câu chuyện sang  hướng đỡ nguy hiểm hơn. Giằng co thêm một lúc nữa, rốt cuộc tên nam tước  đành phải đồng ý thoả mãn các yêu cầu của bọn cướp. Rõ ràng là tên tướng  chỉ chịu như vậy sau khi Blood đã chứng minh cho hắn thấy rằng càng dây  dưa với việc chia của chừng nào càng nguy hiểm chừng nấy. Cuộc đụng độ vũ trang có thể kết thúc bằng sự thất bại của bọn cướp, mà chưa biết chừng cũng không phải như vậy. Nhưng cho dù de Rivarol có trị được bọn cướp đi nữa thì  hắn phải trả một giá rất đắt - hắn sẽ không còn đủ lực lượng để giữ nổi những  của cải chiếm được.
Cuối cùng de Rivarol phải hứa sẽ xua tan mối ngờ vực của bọn cướp  biển. Hắn hứa danh dự rằng sẽ chia bôi sòng phẳng. Nếu sáng mai Blood cùng  các sĩ quan của mình đến tàu “Victorieuse” thì tất cả vàng bạc châu báu sẽ được đưa ra cân trước mặt họ, sau đó họ có thể đưa phần chiến lợi phẩm của  mình về tàu mình.
Tối hôm ấy bọn cướp biển vui chơi thoả thích để chờ đợi đống của dồi  dào mà chúng sẽ nhận được ngày mai và cay độc chế giễu tính cả nể bất ngờ của de Rivarol. Nhưng khi trời vừa rạng trên Cartagena thì những nguyên  nhân của sự nhượng bộ ấy mới trở nên dễ hiểu. Trong vụng tàu chỉ còn  “Arabella” và “Elizabeth” đang thả neo, còn “Lachesis” và “Atropos” thì  đang nằm phơi mạn trên bờ để vá những lỗ thủng trên thân tàu bị đạn trong  trận đánh hôm trước. Không còn một chiếc tàu Pháp nào trong bến nữa.  Chúng đã lặng lẽ rời cảng từ hồi khuya. Chỉ có ba cánh buồm nhỏ tí thấp  thoáng ở mãi tít cuối chân trời hướng tây là còn nhắc nhở đến những người  Pháp và de Rivarol mà thôi. Nằm lại ở Cartagena với hai bàn tay trắng không  chỉ có bọn cướp bị mắc lỡm mà cả de Cussy cùng với những người tình  nguyện và lính da đen của đảo Haiti nữa.
Cơn điên cuồng man dại đã gắn bó bọn cướp với những người của de  Cussy lại.
Dự cảm những cuộc cướp bóc mới, dân chúng Cartagena thấy lo sợ hơn  cả những gì họ đã phải chịu đựng từ ngày hải đội của de Rivarol kéo đến.
Riêng thuyền trưởng Blood bề ngoài vẫn bình thản như không, nhưng  được vậy cũng chẳng phải dễ dàng gì. Chàng phải khó khăn lắm mới nén  được trận lôi đình đang bùng lên trong chàng. Chàng đã định bụng lúc chia  tay sẽ tính sổ cho sòng phẳng với tên de Rivarol đê tiện vì tất cả những xúc  phạm và sỉ nhục. Nhưng cuộc tính sổ ấy đã không thành.
- Ta phải đuổi theo chúng! - Chàng nóng nẩy tuyên bố.
Thoạt đầu tất cả đều hưởng ứng lời kêu gọi ấy nhưng lập tức họ nhớ ra  rằng chỉ có hai tàu có thể ra khơi được, vả lại trên các tàu cũng không có đủ dự trữ lương thực cho một chuyến đi dài. Các thuyền trưởng “Lachesis” và  “Atropos” cùng với thuỷ thủ đoàn của chúng từ chối không tham gia rượt đuổi de Rivarol. Thành công của cuộc đuổi bắt ấy ra sao thì chưa biết, nhưng  ở Cartagena vẫn còn có khả năng gom góp được kha khá của cải. Vì thế chúng quyết định ở lại sửa chữa tàu và đồng thời tiến hành những cuộc cướp  bóc. Còn Blood, Hagthorpe và những ai theo hai người muốn làm gì thì cứ việc.
Chỉ đến lúc đó Blood mới hiểu ra rằng ý định đuổi theo hải đội tàu Pháp  là nông nổi thế nào. Suýt nữa thì chàng đã gây ra những cuộc ẩu đả giữa hai  nhóm cướp bất đồng ý kiến với nhau trong khi thảo luận đề nghị của chàng.  Còn những cánh buồm của các tàu Pháp thì cứ ngày càng nhỏ dần. Blood bối  rối tuyệt vọng. Nếu chàng ra khơi và bỏ đám cướp ở lại đây thì có trời biết  chuyện gì xảy ra đến với thành phố. Còn nếu chàng ở lại thì đội tàu của chàng  và của Hagthorpe sẽ cùng các đội tàu kia bắt tay vào một cuộc cướp phá  khủng khiếp trong thành.
Nhưng trong khi chàng đang mải suy nghĩ thì người của chàng đã cùng  với đội tàu của Hagthorpe đã giải quyết xong vấn đề ấy thay các thuyền  trưởng của chúng: de Rivarol đã hành động như một tên lừa đảo đê mạt và vì  thế hắn đáng bị trừng trị: nghĩa là được quyền lấy không phải một phần trăm  mà toàn bộ số chiến lợi phẩm đoạt được ở Cartagena từ tay tên tướng Pháp đã  láo xược bội ước ấy.
Bị giằng co bởi những ý nghĩ trái ngược nhau, thuyền trưởng Blood do  dự, và bọn cướp biển gần như đã phải lôi tuột chàng lên tàu.
Một giờ sau, khi các thùng nước ngọt đã được chuyển lên xong,  “Arabella” và “Elizabeth” nhổ neo đuổi theo.
“Khi đã ra đến ngoài khơi, - Pitt viết trong nhật ký của mình, - và hướng  đi của “Arabella” đã được tính toán xong, tôi xuống chỗ thuyền trưởng vì biết  anh đang khổ tâm trước những sự kiện vừa qua như thế nào. Blood ngồi một  mình trong buồng, hai tay ôm lấy đầu và ánh mắt anh toát lên một vẻ đau khổ vô bờ.
- Có chuyện gì với anh thế, Peter? - Tôi hỏi. - Cái gì dằn vặt anh thế?  Nhẽ nào lại là những ý nghĩ về de Rivarol?
- Không phải đâu, - Blood đáp bằng giọng khản đặc rồi nói hết cho tôi  biết tất cả những gì đang xâu xé lòng anh: tôi là bạn chí cốt của anh và chắc  chắn là xứng đáng với sự tin cậy của anh. - Nếu như nàng biết! Ôi, nếu như nàng biết được! Lạy Chúa tôi! Thế mà tôi cứ ngỡ rằng mình đã đoạn tuyệt hẳn với nghề cướp biển rồi chứ! Cái thằng khốn kiếp ấy đã lôi kéo tôi vào những  cuộc cướp bóc, phá phách, bạo ngược, giết chóc! Hãy nhớ lại Cartagena mà  xem! Bọn quỷ sứ chúng ta lúc này đang làm những chuyện gì ở đấy! Và tôi  phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc đó!
- Không, không phải đâu, Peter! - tôi an ủi anh - Chịu trách nhiệm về việc đó không phải anh mà là de Rivarol. Tên trộm cướp hèn hạ ấy là nguyên  nhân của tất cả mọi chuyện đã xảy ra. Anh có thể làm gì để ngăn chặn những  sự kiện ấy nào?
- Tôi có thể ở lại Cartagena.
- Chính anh cũng tự hiểu rằng làm như vậy chỉ vô ích mà thôi. Thế thì  việc gì anh lại phải dằn vặt mình?
- Nhưng mọi việc không chỉ có thế. - Blood rên lên. - Còn tiếp theo đây  thì sao? Biết làm gì nữa bây giờ? Tôi đã không thể phụng sự vua Anh. Việc  đầu quân cho nước Pháp đã dẫn tôi đến đâu thì anh thấy rồi đấy. Thế thì còn  lối thoát nào nữa đây? Tiếp tục theo đuổi nghề cướp biển ư? Nhưng tôi đã dứt  bỏ hẳn nghề ấy rồi. Vĩnh viễn! Nói có Chúa, tôi tưởng chỉ còn một cách duy  nhất - đem gươm theo phò vua Tây Ban Nha!
Nhưng hoá ra lại còn một lối thoát khác mà anh ít ngờ đến nhất. Và  chính bây giờ là lúc chúng tôi đang đi tới gần lối thoát ấy trên những con tàu  rong ruổi giữa biển cả ngập tràn ánh nắng mặt trời nhiệt đới”.
Bọn cướp biển đi lên hướng bắc, về phía đảo Haiti, tính rằng trước khi  trở về Pháp de Rivarol phải ghé vào đó để sửa sang tàu bè. Gặp gió thuận thổi  đều, suốt hai ngày “Arabella” và “Elizabethh” rong ruổi trên biển và trong  thời gian đó không một lần nào các thuỷ thủ trực canh trông thấy bóng dáng  kẻ địch đâu cả, dù chỉ từ xa. Đến rạng sáng ngày thứ ba, hai tàu đi vào một  màn sương nhẹ, tầm nhìn chỉ còn hai ba dặm. Bọn cướp vừa lo vừa bực rằng  de Rivarol có thể tuột hẳn khỏi tay chúng.
Theo các ghi chép của Pitt trong nhật ký tàu, lúc ấy hai tàu đang ở vị trí  75°30’, kinh tây và 17°45’, vĩ bắc. Jamaica nằm bên mạn trái, chừng ba mươi  dặm về phía tây. Lát sau, ở hướng tây bắc hiện lên dãy Nũi Xanh hùng vĩ,  trông tựa như một dải mây nhạt. Những đỉnh núi xanh mờ tựa hồ như treo lơ lửng giữa không gian trong suốt bên trên màn sương thấp. Hai chiếc tàu đi  ngược gấp hướng gió và bọn cướp nghe văng vẳng có tiếng gì đó mà giá như những tay đi biển mới tập tọng vào nghề thì chắc sẽ cho rằng đó là tiếng sóng vỗ từ xa vọng đến.
- Đại bác! - Pitt lúc ấy đang đứng bên Blood trên boong thượng kêu lên.
Blood lắng tai nghe rồi gật đầu.
- Theo tôi thì ở cách đây chừng mươi mười lăm dặm, đâu gần Port Royal  thì phải, - Pitt nhìn thuyền trưởng nói thêm.
- Pháo bắn ở gần Port Royal... - Blood đăm chiêu nói. - Chắc đại tá  Bishop đang đánh nhau với ai đó. Hắn còn đánh ai nữa ngoài anh em chúng  ta? Dù có thế nào chúng ta cũng phải đến gần hơn mới được. Anh ra lệnh cho  người lái tàu đi.
Họ tiếp tục giữ hướng, nhằm theo tiếng súng nghe mỗi lúc một to chứng  tỏ họ đang đến gần nơi xảy ra trận đánh. Cứ như thế có lẽ gần một giờ đồng  hồ. Blood soi ống nhòm nhìn xoáy vào sương mù, hi vọng sắp sửa nhìn thấy  các tàu đang giao chiến. Bỗng nhiên tiếng súng ngừng bặt.
Bọn cướp biển vẫn tiếp tục đi theo hướng cũ.
Tất cả những người không phải trực canh đều trèo lên boong và lo lắng  nhìn ra xa. Lát sau chúng trông thấy một chiếc tàu lớn đang cháy bùng như một bó đuốc. Càng đến gần, hình thù con tàu cháy trông càng rõ. Sau đó giữa  đám khói lửa đã hiện rõ những cột buồm đen thui và qua ống nhòm thuyền  trưởng Blood đã nhận ra lá cờ đuôi nheo mang hình chữ thập thánh George  bay phấp phới trên đỉnh cột buồm giữa.
- Tàu Anh! - chàng kêu lên và vẫn tiếp tục quan sát mặt biển, cố tìm cho  được kẻ chiến thắng đã đốt cháy chiếc tàu chàng đang thấy trước mặt mình.
Và mãi lúc đến gần chiếc tàu đang chìm bọn cướp biển mới nhận ra hình  dáng của ba chiếc tàu lớn đang tiến về hướng Port Royal. Chúng lập tức nhận  định rằng đó là ba chiếc tàu của hải đội Jamaica và chiếc tàu cháy là tàu cướp  biển. Chúng vội vàng tiến lại phía đó để cứu các thuỷ thủ đang ngồi chật như nêm trên ba chiếc xuồng chở khẳm dập dềnh trên sóng. Còn Pitt thì vẫn tiếp  tục theo dõi qua ống nhòm ba con tàu đang mỗi lúc một xa: cặp mắt từng trải  của anh nhận ra một vài đặc điểm của chúng, và lát sau anh lớn tiếng thông  báo cái phát kiến hoàn toàn bất ngờ của mình. Chiếc tàu lớn nhất trong ba tàu  ấy là “Victorieuse” - kì hạm của de Rivarol.
Hai tàu cướp biển tiến lại gần những chiếc xuồng và các mảnh vỡ mà các  thuỷ thủ của chiếc tàu đắm đang bám vào để cứu những người trên các xuồng và những người sắp chết đuối dưới nước, “Arabella” và “Elizabeth” đã hạ buồm và thả trôi.

<< Chương 27 | Chương 29 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 237

Return to top