Sáng hôm sau, một giờ trước khi lên đường, một con thuyền nhỏ của người bản xứ - một chiếc thuyền thoi - ghé mạn “La Foudre”. Trong thuyền là một người lai mặc chiếc quần ngắn cũn cỡn làm bằng da sống và một tấm chăn đỏ khoác lên vai thay cho áo. Nhanh nhẹn như mèo, anh ta thoăn thoắt theo thang dây leo lên tàu và trao cho Levasseur một mẩu giấy bẩn thỉu gấp nhỏ.
Gã thuyền trưởng giở tờ giấy nhàu nát và đọc những dòng chữ xiêu vẹo nhảy nhót của cô con gái quan thống đốc viết cho hắn:
Hỡi tình lang của thiếp! Thiếp đang ngồi trên chiếc Brig “Jongvrouw” của Hà Lan. Nó đang sắp sửa ra khơi. Người cha độc đoán của thiếp quyết định chia loan rẽ thuý đôi ta vĩnh viễn và đưa thiếp về Châu Âu, có em trai thiếp đi kèm. Van chàng hãy mau mau đến cứu! Hãy giải thoát cho thiếp, hỡi người anh hùng của thiếp!
Kẻ bị chàng bỏ rơi, nhưng vẫn một lòng yêu dấu chàng.
Madeleine
Lời khẩn cầu tha thiết ấy đã rung động đến tận đáy lòng “người anh hùng” được “một lòng yêu dấu”. Hắn nhíu mày nhìn ra vịnh tìm chiếc brig Hà Lan chở thuốc lá và da thú đi Amsterdam.
Trong vịnh cảng bé nhỏ được bao bọc bởi các vách đá ấy chẳng thấy bóng dáng chiếc brig đâu cả. Thế là Levasseur phát khùng túm lấy anh chàng người lai hỏi xem con tàu đã biến đi đằng nào. Thay cho lời đáp, gã lai run rẩy chỉ tay ra mặt biển đang dồn sóng, thấp thoáng ngoài dải đá ngầm - những thành luỹ thiên nhiên bảo vệ lấy cảng.
- Nó kia kìa. - gã ú ớ nói.
- Kia à? - Bộ mặt tên người Pháp tái nhợt đi. Mất mấy phút hắn nhìn chòng chọc ra biển, sau đó, không thèm kìm giữ tính nóng nảy thô lỗ của mình nữa hắn rống lên: - Thế mày đi đây bây giờ mới vác mặt đến, hả thằng khốn? Tại sao bây giờ mới thấy mặt mày? Mày đã cho ai xem lá thư này? Nói ngay!
Hốt hoảng vì cơn giận vô lý của hắn, anh chàng người lai co rúm lại. Anh chàng không thể giải thích được gì, mà thậm chí dù có lý do đi nữa thì anh ta cũng không mở mồm nổi vì khiếp sợ.
Levasseur điên cuồng nghiến răng nắm cổ áo anh chàng người lai lắc thật mạnh mấy cái rồi lấy hết sức bình sinh xô bắn anh ta vào mạn tàu. Anh chàng người lai đập đầu vào cầu ngang sóng soài rồi nằm yên bất động. Mồm anh ta hơi há và một dòng máu đỏ trào ra.
- Ném cái đồ rác rưởi này xuống nước! - Levasseur sai bọn thủ hạ đang tụ tập trên boong giữa. - Xong rồi nhổ neo. Ta sẽ đuổi theo cái tàu Hà Lan kia.
- Bình tĩnh đã nào, thuyền trưởng. Có việc gì vậy?
Levasseur nhìn thấy trước mặt mình bộ mặt bè bè của thuyền phó Cahusac, một gã người Breton thấp đậm, chân vòng kiềng, đang bình thản đặt tay lên vai hắn.
Vừa chửi rủa bằng những lời tục tĩu, Levasseur vừa kể lại câu chuyện và cho biết hắn định làm gì.
Cahusac lắc đầu:
- Chiếc brig Hà Lan ấy à? Không, không xong đâu! Không ai cho phép chúng ta làm thế cả.
- Thằng quái nào dám cản tao nào? - Levasseur điên tiết lồng lên, không hiểu vì giận dữ hay vì ngạc nhiên.
- Trước hết là thuỷ thủ của anh. Với lại còn cả thuyền trưởng Blood nữa kia.
- Tao không sợ thuyền trưởng Blood...
- Nhưng nên sợ ông ta mới phải, ông ta có ưu thế về lực lượng, cả hoả lực lẫn sinh lực, và tôi nghĩ rằng ông ta thà đánh chìm chúng ta còn hơn là cho phép chúng ta ra tay với người Hà Lan. Tôi đã chẳng nói với anh rằng tay thuyền trưởng này có những quan điểm của mình về chuyện kaper đó sao?
- Thật à? - Levasseur rít lên, răng nghiến trèo trẹo.
Không rời mắt khỏi cánh buồm phía xa, hắn thần mặt nghĩ ngợi, nhưng chỉ trong một thoáng. Sự nhạy bén và óc sáng kiến mà Blood từng nhận thấy ở hắn bây giờ đã giúp hắn tìm ra ngay lối thoát. Trong thâm tâm hắn tự nguyền rủa mình là đã cộng tác với Blood và thầm tính xem phải bịp ông bạn làm ăn bằng cách nào. Cahusac nói đúng, không đời nào Blood cho phép tấn công chiếc tàu Hà Lan. Nhưng khuất mặt Blood thì vẫn có thể ra tay được. Còn lúc việc đã rồi thì anh ta đồng ý với Levasseur thôi vì có nói gì cũng đã muộn.
Chưa đầy một giờ sau “Arabella” và “La Foudre” cùng nhổ neo ra khơi. Blood ngạc nhiên nhận thấy Levasseur đưa tàu đi hơi chệch hướng, nhưng chỉ một lát sau “La Foudre” lại trở về đúng hướng đi đã thoả thuận trước và đồng thời cũng là hướng đi của con tàu mang những cánh buồm trắng thấp thoáng phía chân trời.
Suốt ngày hôm ấy, chiếc brig Hà Lan luôn nằm trong tầm mắt, mặc dù đến chiều thì nó chỉ còn là một chấm nhỏ ở phía bắc khoảng trời nước mênh mông. Hướng đi mà Blood và Levasseur đã chọn chạy về phía đông, dọc theo bờ bắc đảo Haiti. “Arabella” giữ đúng hướng đi ấy suốt đêm nhưng đến rạng ngày hôm sau thì chỉ còn lại một mình. Lợi dụng bóng đêm, “La Foudre” đã giương hết buồm quay mũi sang hướng đông Bắc.
Một lần nữa Cahusac cố cưỡng lại thói ngang ngược tự tiện của Levasseur.
- Quỉ bắt anh đi, - tên thuyền trưởng ngạo mạn đáp. - Tàu nào cũng là tàu, bất kể của Hà Lan hay của Tây Ban Nha. Việc của chúng ta là bắt tàu và chỉ cần giải thích cho bọn thuỷ thủ như thế là đủ.
Gã thuyền phó của hắn không nói gì thêm. Nhưng đã biết nội dung bức thư do anh chàng người lai đưa đến và hiểu rằng đối tượng ham muốn Levasseur không phải là chiếc tàu Hà Lan mà là cô gái, Cahusac cau có lắc đầu. Nhưng mệnh lệnh là mệnh lệnh, và, lắc lư trên cặp chân vòng kiềng, gã thuyền phó bỏ đi để ra các chỉ thị cho bọn thủ hạ.
Đến rạng sáng thì “La Foudre” chỉ còn cách “Jongvrouwv” một dặm. Em trai tiểu thư d’Ogeron nhận ra con tàu của Levasseur. Lòng thấp thỏm, anh ta báo với viên thuyền trưởng Hà Lan những lo ngại của mình. “Jongvrouwv” giương buồm cố bỏ “La Foudre” lại sau. Hơi đánh lái sang phải, Levasseur đuổi theo chiếc tàu Hà Lan cho tới khi có thể nổ súng cảnh cáo cắt ngang hướng đi của “Jongvrouwv”. Chiếc tàu Hà Lan quay đuôi lại bắn trả, những hòn đạn nhỏ xé gió bay lướt qua bên trên con tàu của Levasseur, gây một vài hư hỏng không đáng kể cho những cánh buồm. Còn trong lúc hai tàu tiếp cận “Jongvrouwv” chỉ bắn được một loạt pháo mạn vào đối thủ.
Năm phút sau các móc câu áp mạn đã bấu chắc vào “Jongvrouwv” và bọn cướp biển bắt đầu la hét nhảy vào từ mạn boong “La Foudre” sang boong giữa chiếc tàu Hà Lan.
Thuyền trưởng “Jongvrouwv” bừng bừng giận dữ bước lại trước mặt tên cướp. Cùng với ông ta là một chàng trai quý phái mà Levasseur nhận ra ngay đó là cậu em vợ tương lai của mình.
- Thuyền trưởng Levasseur! - viên thuyền trưởng Hà Lan thốt lên. Đây là một sự ngang ngược chưa từng có! Anh cần gì ở tàu tôi?
- Tôi chỉ cần lấy lại thứ mà người ta đã cướp đi của tôi. Nhưng vì các ông đã đánh trước, gây hư hại cho “La Foudre” và làm chết năm người trong thuỷ thủ đoàn của tôi nên tàu của ông sẽ là chiến lợi phẩm của tôi.
Đứng ở lan can trên buồng đuôi, tiểu thư d’Ogeron nín thở chiêm ngưỡng người tình của mình. Oai hùng và táo tợn, với nàng lúc ấy hắn là hiện thân của hào khí. Trông thấy nàng, Levasseur mừng rỡ kêu lên và lao bổ về phía nàng. Viên thuyền trưởng Hà Lan bước ra chặn đường và giang tay ngăn tên cướp biển.
Nóng lòng được ôm ấp tình nương, Levasseur vung gươm và viên thuyền trưởng Hà Lan gục xuống với cái sọ bị bửa toác. Gã tình lang nóng ruột bước qua cái xác và vội chạy lên buồng lái. Tiểu thư d’Ogeron khiếp đảm lùi lại. Đó là một cô gái cao dong dỏng, mảnh dẻ, hứa hẹn sẽ thành một giai nhân tuyệt sắc. Mái tóc đen bồng bềnh khuôn lấy gương mặt kiêu kỳ trắng như ngà. Vẻ kiêu kỳ càng rõ nét thêm bởi hàng mi che rợp đôi mắt đen to
Levasseur lao lên thang rồi vội quẳng vội lưỡi gươm sang bên, giang vội vòng tay chực ghì chặt tình nương vào ngực. Nhưng khi đã rơi vào vòng tay mà từ bây giờ khó lòng thoát ra, tiểu thư d’Ogeron rúm người lại, khuôn mặt méo xệch đi vì sợ hãi, vẻ kiêu kỳ thường ngày biến mất.
- Ồ, cuối cùng thì nàng đã thuộc về ta! Thuộc về ta, bất chấp mọi thứ trên đời! - người hùng của tiểu thư thốt lên bằng giọng rất hoa mỹ.
Nhưng cô gái đã tì tay vào ngực hắn, cố hết sức đẩy hắn ra và yếu ớt lẩm bẩm.
- Sao lại giết ông ấy? Để làm gì vậy?
Gã người hùng của nàng phá lên cười sằng sặc và như một thiên thần chiếu cố cho kẻ trần tục, hắn cất giọng hùng hồn:
- Hắn đã dám cản đường ta! Hãy để cái chết của hắn trở thành biểu tượng và lời cảnh cáo cho tất cả những kẻ nào dám len vào giữa đôi ta!
Cử chỉ hào hùng đó đã làm tiểu thư d’Ogeron mê mẩn đến nỗi nàng tạm quên sợ hãi, thôi không chống cự nữa mà khuất phục người tình của mình. Nhấc bổng cô gái lên vai, hắn vác món chiến lợi phẩm quý giá của mình về tàu “La Foudre” trong tiếng reo hò đắc thắng của bọn tay chân. Cậu em trai dũng cảm của cô có lẽ đã cản trở màn kịch lãng mạn ấy lại rồi nếu như Cahusac không cẩn thận quật ngã và trói gô chàng trai ấy lại.
Rồi sau đó, khi thuyền trưởng Levasseur thưởng thức những nụ cười tình tứ của giai nhân trong buồng mình thì gã thuyền phó bận bịu kiểm kê một cách tỉ mỉ các thành quả của chiến thắng. Các thuỷ thủ Hà Lan bị đẩy xuống một chiếc thuyền lớn và được phép muốn đi đâu thì đi. Rất may là thủ thuỷ đoàn của tàu Hà Lan có không quá ba chục người nên, mặc dù hơi khẳm, chiếc xuồng vẫn chở hết bọn họ. Sau khi đã xem xét hàng hoá xong, Cahusac để lại viên đội của mình cùng với hai chục người nữa trên tàu “Jongvrouwv” và ra lệnh cho họ đi theo “La Foudre” về hướng Nam đến quần đảo Cuối Gió.
Caudac thấy bực mình. Giá trị món hàng thu được không xứng tí nào với sự liều lĩnh mà chúng đã dấn thân vào để cướp chiếc tàu Hà Lan và dùng vũ lực với thân nhân của thống đốc Tortuga. Không thèm giấu giếm bực tức, gã nói thẳng chuyện ấy cho thuyền trưởng.
- Anh nghĩ thế nào mặc xác anh, đừng nói ra đây với tôi! - tên thuyền trưởng đáp. - Chẳng nhẽ anh cho tôi là thằng ngốc dám đút đầu vào thòng lọng mà không biết trước cách gỡ hay sao? Tôi sẽ đưa những điều kiện mà thống đốc Tortuga không nhận không xong. Anh hãy đưa tàu đến đảo Virgen Magra. Chúng ta sẽ ghé và lên bờ thu xếp cho xong mọi việc. À mà anh bảo dành cho thằng chó con Ogeron ấy một buồng.
Rồi Levasseur quay vào với tình nương.
Lát sau người em trai của nàng cũng bị đưa đến đó. Tên thuyền trưởng nhổm dậy đón, đầu phải cúi xuống để khỏi bị cộc vào trần. Tiểu thư d’Ogeron cũng đứng lên.
- Sao lại thế này? - nàng hỏi và chỉ vào đôi tay bị trói chặt của em.
- Ta rất lấy làm tiếc vì sự cần thiết bắt buộc ấy, - Levasseur nói. - Chính ta đang muốn chấm dứt ngay việc này. Nếu ngài d’Ogeron chịu hứa...
- Tôi không hứa hẹn gì hết! - Chàng trai tái nhợt vì phẫn nộ quát lên, anh ta là người cũng không phải bé gan.
- Đấy, nàng đã thấy chưa? - Levasseur nhún vai như muốn cho thấy là hắn cũng lấy làm tiếc.
- Henry, sao em lại thế! - Em xử sự như không còn là bạn của chị nữa. Em...
- Bà chị bé bỏng ngốc nghếch của tôi - ... chàng trai đáp, mặc dù bảo là bé bỏng thì không đúng chút nào bởi vì cô ta lớn hơn cậu em nhiều. - Bà chị bé bỏng ngốc nghếch ơi, lẽ nào em còn coi mình là bạn của chị nếu em hạ mình nói chuyện với tên cướp biển này?
- Bình tĩnh đã nào, chú trống choai! - Levasseur bật cười, nhưng cái cười của hắn không hứa hẹn điều gì tốt lành.
- Chị nghĩ lại đi,- Henry nói.- chị hãy nhìn xem sự dại dột của chị đã đưa chị đến đâu! Mấy mạng người chết oan vì thằng quái vật này rồi. Chị đã không chịu cân nhắc cẩn thận trong hành động của mình. Chẳng nhẽ chị có thể tin rằng cái giống chó má đẻ rơi dưới mương rãnh và lớn lên giữa bọn trộm cướp giết người ấy...
Cậu ta còn nói thêm nhiều điều nữa nếu không bị Levasseur đấm mạnh vào mặt. Giống như nhiều kẻ khác, hắn ít muốn biết sự thật về con người mình.
Tiểu thư d’Ogeron cố nén tiếng kêu thất thanh đang chực bật ra khỏi cổ. Cậu em nàng lảo đảo ngã nhào vào mạn tàu, môi rách toạc. Không một chút nao núng cậu ta tìm kiếm ánh mắt của cô chị và trên khuôn mặt nhợt nhạt của chàng trai hiện rõ một nụ cười giễu cợt.
- Chị hãy nhìn kỹ đi, - d’Ogeron bình thản nói. - Mời chị chiêm ngưỡng sự cao thượng của hắn đi. Hắn đánh cả người đang bị trói đấy.
Những lời nói giản dị bằng một giọng cực kỳ khinh bỉ đã thổi bùng cơn giận nãy giờ vẫn âm ỉ trong tên người Pháp nóng nảy và không biết kiềm chế
ấy.
- Thế mày sẽ làm gì nếu tao cởi trói cho mày, đồ chó ranh? - Rồi nắm cổ áo camisole của người tù trẻ tuổi, hắn lắc lấy lắc để. - Nói xem! Mày sẽ làm gì hả đồ khoác loác, đồ chó chết... và hắn tuôn ra một lô từ ngữ chối tai, mà tuy không biết là gì nhưng tiểu thư d’Ogeron vẫn hiểu được ý nghĩa bẩn thỉu và thô tục của chúng.
Mặt nàng tái nhợt như mặt người chết và nàng kêu thét lên khủng khiếp. Levasseur sực tỉnh, vội mở cửa và tống cậu em nàng ra ngoài.
- Ném thằng khốn này xuống hầm tầu cho tao! - hắn rống lên và đóng sầm cửa lại.
Levasseur cố gắng trấn tĩnh, quay lại phía cô gái, gượng gạo mỉm cười. Nhưng bộ mặt nhợt nhạt của nàng lạnh như hoá đá. Từ trước tới giờ nàng vẫn gán cho người hùng của mình những đức tính mà hắn không có, và lúc này hoang mang. Nhớ lại việc hắn đã giết viên thuyền trưởng Hà Lan một cách tàn nhẫn ra sao, nàng lập tức nhận rõ sự thực trong những lời của em trai về con người này, và vẻ khủng khiếp ghê tởm hiện rõ trên nét mặt nàng.
- Nào, sao thế, cô nương? Có chuyện gì với nàng vậy? - Levasseur vừa nói vừa tiến lại.
Tim cô gái nhói đau. Vừa cười, hắn vừa tiến đến gần và luôi tuột nàng vào lòng.
- Không... không...! - tiểu thư d’Ogeron hổn hển kêu lên.
- Có, có! - Levasseur cười to nhại lại.
Sự nhạo báng đó đối với cô gái còn đáng sợ hơn cả. Hắn thô bạo kéo nàng đến, cố tình làm nàng đau. Tiểu thư d’Ogeron tuyệt vọng chống cự, cố thoát khỏi vòng tay hắn. Hắn nổi cáu, ghì chặt lấy nàng và hôn, và những dấu tích cuối cùng của cái mặt nạ của trang anh hùng đã tuột nốt khỏi bộ mặt hắn.
- Đồ ngốc, - hắn nói. - Đúng là ngốc như thằng em cô nó bảo cô ấy. Đừng quên rằng việc cô ở đây là hoàn toàn tự nguyện. Đùa với tôi không xong đâu! Cô hiểu rõ cô đang đi đến đâu và vì thế cô hãy biết điều một chút, mèo con ạ! - Và hắn lại hôn cô gái, nhưng lần này thì gần như khinh bỉ; đoạn, hất nàng sang bên, hắn nói thêm: - Tôi mà còn trông thấy cái kiểu cau có ấy thì cô đừng trách!
Có ai đó gõ cửa. Levasseur ra mở cửa và trông thấy Cahusac. Vẻ mặt gã người Breton sa sầm. Gã đến báo cáo rằng thân tàu hư hại do đạn pháo Hà Lan đã bị rò nước. Levasseur lo lắng đi theo gã để kiểm tra chỗ rò. Lúc ấy biển đang lặng, chỗ thủng không đáng lo lắm, nhưng thậm chí chỉ cần biển hơi động hơn bình thường thôi là tình hình đã khác ngay. Đành phải thả một tên thuỷ thủ xuống bịt tạm chỗ rò bằng vải buồm và sai bơm nước ra khỏi hầm tầu...
Cuối cùng thì ở chân trời hiện ra một dải mây dài thấp là là, và Cahusac giải thích rằng đó là hòn đảo cực bắc của chòm đảo Virgin
- Phải đến đấy nhanh lên mới được, Levasseur nói. - Chúng ta sẽ ghé vào đó và sửa sang lại “La Foudre”. Tôi không khoái cái kiểu oi ả này tí nào. Chưa biết chừng còn gặp giông ấy chứ...
- Giông hay một cái gì đó còn tệ hơn kia, - Cahusac lầm bẩm. Anh nhìn thấy chưa. Và gã chỉ tay qua vai Levasseur.
Tên thuyền trưởng ngoái lại và cảm thấy nghẹn thở. Cách đấy chưa đầy năm dặm có hai chiếc tàu lớn đang tiến về phía chúng.
- Quỉ tha ma bắt chúng đi! - hắn bật chửi đổng.
- Nhỡ chúng lại tính đuổi theo ta thì sao? - Cahusac hỏi.
- Ta sẽ đánh trả, - Levasseur quả quyết nói. - Dù đã sẵn sàng hay chưa cũng mặc!
- Đánh liều thí xác đấy, - Cahusac nói, không hề giấu giếm vẻ khinh bỉ và để nhấn mạnh thêm điều đó, gã nhổ toẹt xuống sàn tàu. - Khi một thằng ngốc mê gái đi biển thì sự thể sẽ đến nước ấy! Hãy biết kiềm chế nào, thuyền trưởng! Sau cái chuyện ngu ngốc với chiếc tàu Hà Lan kia chúng ta không dễ gì giãy ra được đâu.
Đến lúc này những tơ tưởng về tiểu thư d’Ogeron mới bay tiệt khỏi đầu hắn. Levasseur bước trên boong, sốt ruột hết nhìn về phía bờ đất xa xa lại quay ra hai con tàu đang thong thả nhưng không ngừng tiến lại gần. Ở giữa biển thế này mà lẩn trốn là vô ích, và khi tàu hắn đang rò nước như vậy thì lại còn nguy hiểm hơn nữa. Levasseur hiểu rằng đụng độ là điều không thể tránh khỏi. Lúc đó trời đã về chiều, còn cách bờ ba dặm, và Levasseur đang định ra lệnh chuẩn bị nghênh chiến thì suýt nữa hắn ngã lăn ra bất tỉnh vì mừng rỡ khi nghe tên thủy thủ đứng ở vị trí quan sát trên cột buồm báo xuống:
- Một trong hai chiếc tàu là “Arabella”, - tên kia thông báo - Còn chiếc kia có lẽ là chiến lợi phẩm.
Tuy nhiên cái tin tức đáng phấn khởi ấy không làm Cahusac vui lên được tí nào.
- Chẳng có gì hay ho hơn đâu! gã cau có lẩm bẩm - Blood sẽ nói thế nào về chuyện chiếc tàu Hà Lan của chúng ta?
- Hắn muốn nói cái gì thì nói! - Levasseur phá lên cười, trong lòng hắn vẫn lâng lâng nhẹ nhõm.
- Còn hai người con của thống đốc Tortuga thì làm thế nào?
- Không được để lộ cho hắn biết chuyện ấy.
- Nhưng rốt cuộc ông ta cũng sẽ biết thôi.
- Phải, nhưng đến lúc ấy thì, mẹ kiếp, mọi việc đã đâu vào đấy cả rồi, bởi vì tôi sẽ thoả thuận xong với ngài thống đốc. Tôi sẽ có cách bắt d’Ogeron phải thuận theo tôi.
Một lát sau, bốn chiếc tàu đã bỏ neo ở bờ bắc đảo Virgen Magra. Đó là một hòn đảo nhỏ, dài mười hai dặm, rộng ba dặm, không cây cối, không nước ngọt, sống trên đó chỉ có chim và rùa. Phía nam hòn đảo có rất nhiều đầm nước mặn. Levasseur ra lệnh thả xuồng rồi cùng Cahusac và hai sĩ quan nữa sang tàu “Arabella”.
- Tôi thấy cuộc chia tay ngắn ngủi của chúng ta cũng khá có lãi đấy, - thuyền trưởng Blood đón Levasseur, cùng hắn vào gian buồng lớn của mình để kiểm kê kết quả.
“Arabella” bắt được tàu “Santiago” - một chiếc tàu lớn hai mươi sáu đại bác của Tây Ban Nha từ Puerto Rico đến, chở theo 120 tấn cacao, 40 nghìn pêxô và các thứ châu báu khác trị giá 10 nghìn pêxô nữa. Hai phần năm chiến lợi phẩm dồi dào ấy, theo như giao kèo đã ký, là thuộc về Levasseur và thuỷ thủ đoàn của hắn. Tiền bạc và châu báu được chia ngay tại chỗ, còn cacao thì tất cả quyết định sẽ đem đi Tortuga bán.
Đến lượt Levasseur thông báo về việc hắn đã làm và càng nghe những lời khoác loác của tên người Pháp. Blood càng sa sầm mặt. Câu chuyện của tên bạn làm ăn đã gây cho Blood sự bất bình gay gắt. Phải rất ngu xuẩn mới đi biến những người Hà Lan bè bạn thành kẻ thù của mình chỉ vì một món hết sức vớ vẩn là thuốc lá và da, trị giá nhiều lắm cũng không thể quá 20 nghìn pêxô.
Nhưng Levasseur trả lời chàng đúng như trước đó ít lâu hắn trả lời Cahusac rằng tàu nào cũng là tàu, mà họ thì đang cần có tàu cho chuyến làm ăn sắp tới. Có lẽ vì hôm đó là một ngày may mắn đối với thuyền trưởng Blood nên chàng chỉ nhún vai và phẩy tay. Sau đó Levasseur đề nghị “Arabella” và chiếc tàu nó vừa bắt được trở về Tortuga trước để dỡ cacao, còn Blood thì đi mộ thêm người, rất hay là bây giờ đã có cái để chở họ. Còn Levasseur thì, như hắn nói, muốn bắt tay vào sửa chữa những chỗ cần thiết rồi sau đó hắn sẽ xuống phía nam, đến đảo Saltatudos, một hòn đảo nằm rất đắc địa ở vĩ độ 11o 11’ bắc, Levasseur quyết định sẽ chờ Blood ở đấy để cùng chàng đến cướp phá Maracaybo.
May mắn cho Levasseur, thuyền trưởng Blood không những đồng ý với đề nghị của hắn mà còn tuyên bố rằng mình sẵn sàng nhổ neo đi ngay không chậm trễ.
“Arabella” vừa đi khỏi thì Levasseur đưa luôn hai tàu của mình vào một vụng nhỏ và ra lệnh cắm lều trên bờ cho thuỷ thủ ở trong thời gian sửa chữa “La Foudre”.
Đến sập tối thì trời nổi gió, sau đó chuyển thành một cơn bão với nhiều đợt gió giật. Levasseur rất mừng là đã kịp đưa người của mình lên bờ và các tàu thì được đưa vào nơi an toàn. Hắn thoáng nghĩ không biết Blood bây giờ gặp bão thì ra sao, nhưng hắn lập tức gạt ngay ý nghĩ ấy đi, bởi vì hắn không thể cho phép mình phải băn khoăn nhiều đến việc đó.