Việc cứu thoát tiểu thư d’Ogeron dĩ nhiên càng cải thiện thêm mối quan hệ vốn đã rất tốt đẹp giữa thuyền trưởng Blood với thống đốc Tortuga. Thuyền trưởng trở thành vị khách quý trong toà nhà trắng đẹp đẽ với những cửa sổ xanh lá cây mà d’Ogeron xây cho mình ở phía đông Cayon, giữa một khu vườn rộng rãi, huy hoàng. Quan thống đốc cho rằng món nợ ngài phải trả Blood không chỉ là hai chục ngàn pêxô mà chàng đã bỏ ra để chuộc Madeleine. Là một nhà kinh doanh thông minh và sành sõi nhưng ngài không thiếu tính cao thượng và lòng biết ơn.
Ông lớn Pháp đã chứng minh điều đó bằng mọi cách, và dưới sự bảo hộ của ngài, uy tín của Blood trong đám cướp biển đã lên đến tột đỉnh.
Đến khi phải trang bị một hải đội để tập kích Maracaybo như trước đây Levasseur đã chủ trương thì Blood đã có trong tay đủ người và tàu bè. Chàng dễ dàng tập hợp được năm trăm tay giang hồ, nhưng nếu muốn thì chàng có thể mộ tới cả năm nghìn. Cũng hệt như vậy, chàng chẳng phải khó nhọc gì vẫn có thể tăng được gấp đôi số tàu, nhưng Blood chỉ cần đến ba chiếc mà thôi. “Arabella”, “La Foudre” với thuỷ thủ đoàn Pháp do Cahusac cầm đầu và “Santisago”, đã được trang bị lại và đổi tên thành “Elizabeth”. Họ đặt cho con tàu cái tên đó để tưởng nhớ đến nữ hoàng Anh, người mà trong thời trị vì, các thuỷ thủ Anh đã dạy cho Tây Ban Nha những bài học, điều mà bây giờ thuyền trưởng Blood đang muốn lặp lại.
Chàng chỉ định Hagthorpe làm thuyền trưởng “Elizabeth” và sự chỉ định ấy đã được toàn thể các tay anh chị cướp biển nhất trí tán thành.
Tháng tám năm 1687, cái hải đội nhỏ bé của Blood sau một vài đụng độ trên đường đi mà tôi sẽ không kể ra ở đây, đã tiến vào hồ Maracaybo rộng lớn và đột kích vào thành Main Maracaybo trù phú.
Trận này diễn ra không được trôi chảy như Blood nhận định, và toán cướp của chàng đã rơi vào một tình thế nguy hiểm. Sự phức tạp của tình huống ấy được thể hiện rõ nhất qua lời Cahusac - mà Pitt đã chịu khó ghi chép lại đầy đủ - trong lúc nóng mặt cãi nhau trên bậc thềm nhà thờ Neustra Senora del Carmen, mà Blood không chút nể nang đã biến thành lao thất. Như tôi đã nói ở trên, chàng Ailen này chỉ nhớ mình là tín đồ công giáo mỗi khi chàng thích mà thôi.
Tham gia vào cuộc cãi cọ đó, một bên là Hagthorpe, Wolverstone và Pitt, còn bên kia là Cahusac, và chính sự nhút nhát của hắn là nguyên nhân cuộc cãi vã. Trước mặt các đầu lĩnh cướp biển, trên khoảng sân rộng lấm bụi bị mặt trời thiêu đốt, xung quanh là những cây cọ hiếm hoi héo hắt dưới ánh nắng, một đám đông hỗn độn các tay anh chị đao búa của cả hai đội tàu đang ồn ào như chợ vỡ.
Xem ra không ai ngăn cản Cahusac, và giọng nói cộc cằn chói tai của hắn át hẳn tiếng ồn ào thô lỗ của đám đông. Mỗi khi gã người Pháp lớn tiếng kết án Blood vào đủ thứ trọng tội mà chẳng đâu vào với đâu cả thì tiếng la ó lại lắng đi. Pitt khẳng định rằng Cahusac nói tiếng Anh không ra gì và vì thế anh không muốn dẫn lời hắn ra đây. Quần áo của gã thuyền trưởng Pháp cũng kệch cỡm và xác xơ như bài nói của hắn, toàn bộ vẻ ngoài của Cahusac trái hẳn với dáng dấp khiêm nhường của Hagthorpe trong bộ quần áo sạch sẽ tinh tươm và phong thái gần như hào hoa của Pitt với chiếc áo camisole rất diện và đôi giầy bóng lộn. Cái áo chẽn lấm tấm vết máu bằng thứ vải mộc màu xanh rộng thùng thình trên người Cahusac mở phanh để lộ bộ ngực lông lá bẩn thỉu của hắn, chiếc thắt lưng thít chặt cái quần da của hắn có giắt một con dao và một xâu súng lục, lại thêm cả một lưỡi gươm cong cận chiến đeo lủng lẳng bên dưới. Chiếc khăn đỏ chít quanh đầu như cái khăn xếp thòng đuôi xuống bộ mặt to bè nổi bắp như mặt một gã Mông Cổ của hắn.
- Chẳng phải tôi đã báo trước cho các người rằng mọi việc quá suôn sẻ, quá thuận buồm xuôi gió rồi đó sao? - hắn rống lên, điên cuồng nhảy chồm chồm trên cặp cẳng vòng kiềng. - Tôi không phải thằng ngốc đâu, anh em! Dù sao thì tôi cũng không mù cơ mà! Lúc vào hồ chúng ta đã trông thấy gì nào? Một pháo đài bị bỏ trống! Anh em còn nhớ chứ? Chẳng có ma nào trong đó cả. Đúng không? Không đứa nào bắn vào chúng ta cả. Tất cả cá khẩu pháo đều im lìm. Lúc ấy tôi đã nghi ngay là có chuyện chẳng lành rồi. Mà ở vào địa vị tôi bất kỳ ai có tai để nghe, có óc để suy xét cũng đều nghĩ ngay như thế. Vậy mà chúng ta vẫn cứ tiến lên. Và chúng ta đã thấy gì? Một thành phố bị bỏ ngỏ, hệt như pháo đài, dân chúng đã chạy hết, khuân theo tất cả những gì đáng giá. Tôi lại cảnh cáo thuyền trưởng Blood, tôi bảo anh ta rằng đó không phải là chuyện chơi, rằng đấy là cạm bẫy. Nhưng anh ta nào có nghe tôi đâu, chẳng thèm nghe gì cả. Chúng ta lại tiếp tục tiến, không hề gặp một sự kháng cự nào. Rốt cuộc thì ai cũng phải nhận thấy rằng nếu đi thêm tí nữa rồi chẳng tài nào quay lại được cho mà xem. Tôi lại cảnh cáo một lần nữa nhưng vẫn không ai thèm nghe tôi. Lạy Chúa, thuyền trưởng Blood cứ phải tiến lên mới nghe! Thế là chúng ta lại tiến lên và đã đến tận Gibraltar. Ừ thì rốt cuộc ở đấy chúng ta đã tóm được lão phó thống đốc, buộc lão phải nộp tiền chuộc cho thành phố, nhưng giá trị của tất cả những gì chúng ta chiếm được chỉ vẻn vẹn có hai nghìn pêxô! Anh em có thể cho tôi biết thế là thế nào không? Hay là tôi phải giải thích cho anh em nghe? Đó là một miếng mỡ, anh em nghe ra chưa nào? Một miếng mỡ đặt trong bẫy chuột! “Thế thì ai là chuột?”. Các anh nghĩ như thế chứ gì? Chuột ấy là chúng ta đây, mẹ kiếp! Còn mèo thì đâu rồi? Ồ, chúng đang rình chờ chúng ta đấy! Mèo - đó là bốn chiếc tàu Tây Ban Nha đang đợi chúng ta ngoài cửa bẫy kia. Lạy Chúa! Chúng ta đã sa bẫy vì sự bướng bỉnh ngu xuẩn của thuyền trưởng Blood tài giỏi của chúng ta đấy!
Wolverstone bật cười. Cahusac càng nổi khùng.
- A, mẹ kiếp! Mày còn cười nữa hả, đồ súc sinh! Tao thử hỏi mày: làm thế nào chúng ta ra khỏi đây được nếu không chấp nhận những điều kiện của lão đô đốc Tây Ban Nha kia?
Bọn cướp biển đứng ở các bậc thềm phía dưới nhao nhao hưởng ứng. Lão hộ pháp Wolverstone hằm hằm nhìn chúng bằng con mắt độc nhất, nắm tay xiết chặt như chực nhảy xổ vào nện cho gã người Pháp đang kích động làm loạn một trận. Nhưng cái đó không làm Cahusac nao núng. Được khích lệ bởi sự đồng tình của bọn cướp biển, hắn nói tiếp:
- Chắc mày nghĩ rằng thuyền trưởng Blood của mày là thánh sống và hắn có phép màu chăng? Tay thuyền trưởng Blood được ca tụng ầm ĩ của mày ấy nực cười lắm, mày có biết không...
Hắn chợt im bặt bởi vì đúng lúc ấy thuyền trưởng Blood từ trong nhà thờ thong thả bước ra. Bên cạnh chàng là Yberville, một anh chàng người Pháp cẳng sếu. Tuy còn trẻ nhưng anh ta đã nổi tiếng là một cướp biển liều lĩnh, được coi là một con sói biển chính cống trước khi tàu anh bị đánh chìm và anh ta buộc phải về theo Blood. Thuyền trưởng đội mũ rộng vành đính ngù lông đà điểu bước tới trước mặt đám cướp biển, khẽ tì lên cây can dài bằng gỗ mun. Trông bề ngoài thì không ai dám bảo chàng là một tên cướp biển. Chàng như một tay chơi nhàn rỗi ở đường Pall Mall hay Alameda. Địa điểm sau có vẻ đúng hơn bởi vì chiếc áo camisole sang trọng được may theo mốt mới nhất của Tây Ban Nha. Nhưng nếu nhìn kỹ thì cái ấn tượng ấy sẽ khác ngay. Thanh gươm dài hờ hững hất ra sau và ánh thép trong cặp mắt Blood cho thấy chàng chính là một kẻ tìm kiếm phiêu lưu.
- Anh thấy tôi là một thằng thộn nực cười à, Cahusac? - Chàng hỏi, dừng lại trước mặt gã người Breton lúc này đã như quả bóng xuống hơi. - Vậy thì tôi phải gọi anh là gì? – Chàng nói bằng giọng nhẹ nhàng mệt mỏi. - Anh than phiền rằng sự nấn ná của chúng ta đã gây ra mối hiểm hoạ. Nhưng ai có lỗi trong việc chậm trễ ấy? Chúng tôi đã mất gần một tháng trời để làm một việc mà đáng ra chỉ phải làm trong một tuần lễ nếu như không có sai lầm của anh.
- Ôi, lạy Chúa! Nghĩa là tôi lại có còn có lỗi vì…
- Nhưng có phải tôi đã đưa tàu “La Foudre” lên cạn ngay giữa hồ không nào? Anh đã tự phụ từ chối không lấy hoa tiêu. Việc ấy đã làm chúng ta mất đứt ba ngày vàng ngọc để dỡ hàng và kéo tàu anh ra khỏi bãi cạn. Trong ba ngày ấy dân chúng Gibraltar không chỉ biết tin về chúng ta mà còn kịp cao chạy xa bay rồi. Chính đó là điều đã bắt chúng ta phải đuổi theo viên thống đốc và mất gần một trăm người với hai tuần lễ ở chân pháo đài! Đấy, nguyên nhân chậm trễ của chúng ta đấy! Và trong khi chúng ta đang bận rộn với việc đó thì hải đội Tây Ban Nha đã nhận được tin cấp báo từ La Guayra do tàu tuần phòng bờ biển đưa tới và đã kịp đến nơi. Nhưng ngay cả bây giờ chúng ta vẫn có thể thoát ra biển được nếu không mất “La Foudre”. Thế mà anh còn dám lên án tôi trong những việc mà chính anh, hay đúng hơn là sự ngu xuẩn của anh có lỗi nữa!
Chắc bạn đọc cũng đồng ý với tôi rằng sự tự chủ của Blood không thể không coi là kỳ lạ nếu lưu ý tới một chi tiết là hải đội Tây Ban Nha đang canh giữ lối ra khỏi hồ Maracaybo do kẻ tử thù của chàng - don Miguel de Espinosa y Valdez, đô đốc Tây Ban Nha - chỉ huy. Ngoài nghĩa vụ đối với tổ quốc, như các bạn đã biết viên đô đốc còn có những lý do riêng để mong gặp Blood - đó là chuyện đã xảy ra gần một năm trước trên tàu “Encarnacion” và kết thúc bằng cái chết của em trai hắn là don Diego. Đi theo don Miguel còn có cháu hắn là don Esteban, người còn khao khát báo thù hơn cả chính tên đô đốc nữa.
Tuy nhiên thuyền trưởng Blood vẫn ung dung như không còn chế nhạo thái độ hèn nhát của Cahusac nữa.
- Bây giờ không phải là lúc đem mọi chuyện đã rồi ra mà nói! - Cahusac rống lên. - Bây giờ vấn đề là chúng ta sẽ làm gì đây?
- Vấn đề ấy hoàn toàn không có! - Blood ngắt lời.
- Sao lại không? - Cahusac cáu tiết. - Đô đốc Tây Ban Nha don Miguel đã hứa bảo đảm an toàn cho chúng ta nếu chúng ta chịu rút ngay mà không đụng đến thành phố, nếu chúng ta chịu giải thoát tù binh và trả lại tất cả những gì ta đã chiếm được ở Gibraltar.
Thuyền trưởng Blood mỉm cười, thừa biết giá trị những lời hứa hẹn của don Miguel, nhưng Yberville thì không hề giấu giếm sự khinh bỉ của mình đối với Cahusac, lên tiếng:
- Cái đó một lần nữa chứng tỏ rằng, tên đô đốc Tây Ban Nha dù có trong tay tất cả mọi ưu thế vẫn sợ chúng ta.
- Đó là vì hắn không biết chúng ta đã kiệt quệ đến mức nào! - Cahusac gào lên. - Chúng ta buộc phải chấp nhận điều kiện của hắn bởi vì không còn lối thoát nào khác. Ý kiến của tôi là thế đấy.
- Nhưng không phải là ý kiến của tôi. - Blood bình thản nói. - Vì thế tôi bác bỏ những điều kiện ấy.
- Bác bỏ? - Bộ mặt bè bè của Cahusac đỏ rần. Tiếng la ó của bọn đứng phía sau càng khích lệ hắn. - Bác bỏ mà không thèm hỏi ý kiến tôi?
- Anh có từ chối cũng không thể thay đổi được gì hết. Chúng tôi chiếm đa số bởi vì Hagthorpe cũng có ý kiến như tôi. Nhưng nếu anh và những người Pháp theo anh muốn chấp nhận điều kiện của bọn Tây Ban Nha thì chúng tôi không ngăn trở. Anh hãy cho người đi mà báo với tên đô đốc. Tôi không nghi ngờ gì rằng quyết định đó của anh chỉ càng làm don Miguel thêm hả lòng hả dạ mà thôi.
Cahusac bực tức nhìn chàng, rồi sau khi đã trấn tĩnh lại, hắn hỏi:
- Vậy anh đã trả lời đô đốc như thế nào?
Vẻ mặt và ánh mắt của Blood ngời lên một nụ cười.
- Tôi đã trả lời hắn rằng nếu trong vòng 24 giờ hắn không để chúng ta tự do ra khỏi đây và không trả năm chục ngàn pêxô tiền chuộc thành phố Maracaybo thì chúng ta sẽ biến thành phố tuyệt diệu này thành đống gạch vụn, rồi khi ra khỏi đây sẽ tiêu diệt nốt hải đội của hắn một thể.
Nghe thấy câu trả lời ngang ngược như vậy Cahusac cấm khẩu luôn. Thế nhưng trong đám cướp biển người Anh thì nhiều tên thấy khoái cái kiểu khôi hài táo tợn của con người mặc dù đã nằm trong cạm bẫy vẫn tiếp tục ra điều kiện cho kẻ bẫy mình. Toán cướp ha hả cười và reo hò đồng tình, nhiều tên người Pháp bên phe Cahusac cũng lây cơn say sưa phấn khích ấy. Cahusac còn lại một mình với sự ương ngạnh rồ dại của hắn. Hắn tức tối bỏ đi và mãi hôm sau vẫn không hết cáu. Đó là ngày báo thù của hắn.
Ngày hôm ấy don Miguel đã sai người đem thư đến. Viên đô đốc Tây Ban Nha trịnh trọng thề rằng vì bọn cướp biển đã bác bỏ đề nghị độ lượng của hắn nên hắn sẽ đón chúng ở lối vào hồ Maracaybo để tiêu diệt. Còn nếu bọn cướp biển cứ nấn ná không chịu thò mặt ra thì, Miguel cảnh cáo, một khi hải đội của hắn được tăng viện một chiếc tàu thứ năm – “Santo Nino” - đang từ La Guayra đến, hắn sẽ thân chinh dẫn quân vào hồ và tóm sống chúng ở Maracaybo.
Lần này thì Blood không thể giữ bình tĩnh được nữa.
- Đừng có quấy rầy tao! - Chàng mắng Cahusac lúc này lại mò đến kêu ca. - Cứ bảo với tên đô đốc rằng mày đã ly khai chúng tao, mẹ khỉ, rồi hắn sẽ để cho mày và người của mày đi. Hãy lấy một chiếc thuyền rồi cút đi đâu thì cút!
Dĩ nhiên Cahusac đã làm theo lời khuyên ấy nếu như bọn Pháp đồng tâm nhất trí trong vấn đề này. Chúng bị xâu xé bởi một bên là lòng tham và bên kia là nỗi sợ hãi: nếu theo Cahusac bỏ đi thì chúng sẽ mất trắng phần mình trong số của cải chiếm được, cũng như phải bỏ các tù binh và nô lệ đã bắt được, còn nếu tay thuyền trưởng Blood ranh ma kia mà thoát ra khỏi đây bình yên vô sự thì tất nhiên chàng có quyền chiếm trọn tất cả những gì chúng để tuột khỏi tay. Chỉ một ý nghĩ về cái triển vọng quá quắt ấy thôi là đã đủ cay cú rồi. Và thế là, bất chấp những lời dụ dỗ của Cahusac, bọn đồng minh của hắn dần dần bỏ theo phe Blood. Chúng tuyên bố rằng chúng đã đi cùng với Blood thì chúng chỉ trở về với chàng nếu chúng may mắn sống sót. Quyết định ấy do chính Cahusac báo lại cho Blood biết.
Blood lấy làm mừng trước quyết định đó và mời luôn gã người Breton tham dự cuộc hội ý đúng lúc ấy đang bàn đến những hành động trước mắt. Hội nghị được tiến hành ở khoảng sân trong rộng rãi của dinh thống đốc. Ngay giữa sân là vòi phun mát mẻ trên nền một bệ đá với những mái vòm bao bọc xung quanh, nước từ dưới phun lên qua những khóm dây leo. Quanh đó trồng những khóm cam, và bầu không khí im lìm buổi chiều tràn ngập hương thơm của chúng. Đó là một trong những kiến trúc đáng yêu kể từ trong ra ngoài, mà các kiến trúc sư Moorish đã xây dựng ở Tây Ban Nha theo lối Châu Phi, và sau này người Tây Ban Nha lại truyền bá sang Tân Thế Giới.
Tham dự hội nghị cả thảy có sáu người và kéo dài mãi đến khuya mới xong. Hội nghị đã bàn bạc kế hoạch hành động do Blood đưa ra.
Hồ nước ngọt Maracaybo rộng lớn chạy dài 120 dặm, nhiều chỗ bề rộng cũng bằng ngần ấy. Mấy con sông từ những dãy núi tuyết hai bên bờ đổ nước vào nuôi nó. Như tôi đã nói, hồ này có hình dáng như một cái chai khổng lồ, cổ chai đổ ra biển ở thành phố Maracaybo.
Qua hết cái cổ chai ấy mặt hồ lại phình ra và đến gần cửa biển thì có hai hòn đảo dài là Vigilias và Lat Palomat án ngữ lối ra đại dương. Lối đi duy nhất cho tàu bè mọi trọng tải là một eo nhỏ giữa hai hòn đảo ấy. Bờ đảo Lat Palomat chỉ cho phép các loại tàu bè nhỏ có mớm nước thấp ghé vào, từ mỏm phía đông của nó. Nhưng ở đây lại có một pháo đài kiên cố dựng lên sừng sững án ngữ cái luồng hẹp ra biển. Cái pháo đài này đã bị bỏ ngỏ khi bọn cướp kéo vào. Bốn chiếc tàu Tây Ban Nha bỏ neo ngay trên mặt hồ nằm giữa hai hòn đảo ấy.
Kỳ hạn “Encarnacion” mà chúng ta đã được làm quen là một chiếc galion rất mạnh, trang bị 48 khẩu pháo lớn và tám khẩu nhỏ. Tiếp theo là chiếc tàu 36 pháo “Salvador”, còn hai chiếc tàu nhỏ - “Infanta” và “San Felipe”- thì mỗi tàu có 20 khẩu pháo và một trăm năm mươi thuỷ thủ.
Đó là cái hải đội mà Blood phải nhận lời thách đấu khi trong tay chàng, ngoài “Arabella” với 40 khẩu pháo và “Elizabeth” với 26 khẩu chỉ còn có hai chiếc hải thuyền bắt được ở Gibraltar, mỗi cái được trang bị bốn khẩu pháo cổ lỗ dài nghêu. Đối đầu với một nghìn lính Tây Ban Nha, bọn cướp biển chỉ vẻn vẹn không quá bốn trăm tên.
Kế hoạch do Blood đưa ra nổi bật sự táo bạo của ý đồ mà người ngoài sẽ thấy dường như là thí mạng, và Cahusac lập tức phát biểu ngay những lo ngại của mình.
- Đúng, tôi công nhận, - thuyền trưởng Blood nói, - nhưng tôi đã từng làm những việc liều lĩnh hơn nhiều, - chàng khoan khoái phì phèo chiếc tẩu nhồi thứ thuốc Gibraltar thơm ngon có tiếng. - Và một điều quan trọng hơn nữa là những việc ấy đã kết thúc tốt đẹp. Audaces fortuna juvat, (vận may trợ giúp kẻ có gan) - chàng nói thêm bằng tiếng La Tinh rồi kết luận: - Quả là các cụ La Mã ngày xưa thâm thuý thật.
Niềm tự tin của chàng đã lây sang cả Cahusac đa nghi và nhút nhát. Tất cả đều hăng hái bắt tay vào việc, và suốt trong ba ngày liền từ sáng sớm đến tối mịt, họ chuẩn bị cho trận đánh đầy hứa hẹn thành công. Thời gian không chờ đợi. Họ phải ra đòn trước khi chiếc galion thứ năm “Santo Nino” từ La Guayra kịp đến tăng viện cho don Miguel de Espinosa.
Phần lớn công việc của họ được xúc tiến trên chiếc thuyền lớn hơn trong hai chiếc đoạt được ở Gibraltar. Chiếc thuyền này đóng vai trò chủ yếu trong việc thực hiện kế hoạch của Blood. Tất cả các vách ngăn trên đó đều bị phá bỏ và chiếc thuyền biến thành một cái thùng rỗng che bên trên bởi những tấm ván mặt boong, rồi khi hai bên mạn của nó bị khoan thủng hàng trăm lỗ thì nó đâm ra giống nửa cái vỏ hạt dẻ rỗng bị sâu đục lỗ chỗ. Sau đó trên boong lại được khoét thêm mấy cửa khoang nữa, còn trong khoang thì nhồi đầy tất cả dự trữ nhựa thông, hắc ín và diêm sinh tìm thấy trong thành phố. Thêm vào đó là sáu thùng thuốc súng đặt hai bên mạn, kê vào các lỗ khoét sẫm giống như những khẩu pháo.
Đến tối ngày thứ tư, khi mọi việc đã hoàn tất, bọn cướp biển rời bỏ thành phố Maracaica thú vị nhưng không một bóng người. Tuy thế, họ chỉ nhổ neo lúc đã quá nửa đêm hai tiếng đồng hồ, lợi dụng triều xuống để tàu trôi lặng lẽ về hướng bãi bồi cửa biển. Đoàn tàu kéo đi, buồm cuốn hết chỉ trừ những lá buồm chính mũi được giương lên để đón làn gió nhẹ thổi hây hây trong màn đêm tím sẫm miền nhiệt đới. Dẫn đầu là chiếc thuyền bộc phá làm vội do Wolverstone cùng sáu tên cảm tử điều khiển. Mỗi tên trong số đó, ngoài những phần thưởng đặc biệt còn được hứa hẹn thêm 100 pêxô vào phần của cải được chia. Theo sau thuyền bộc phá là “Arabella”, sau một đoạn nữa là “Elizabeth”, dưới sự chỉ huy của Hagthorpe, Cahusac cùng bọn cướp biển người Pháp cũng đi trên tàu này. Đi đoạn hậu gồm có chiếc hải thuyền thứ hai và tám chiếc thuyền thoi chở tù binh, nô lệ cùng phần lớn của cải chiếm được. Trông coi tù binh là hai thuỷ thủ điều khiển và bốn tên cướp biển vũ trang bằng súng hoả mai.
Theo kế hoạch của Blood, toán này phải ở lại tuyến sau và bất luận thế nào cũng không được tham dự vào trận đánh sắp tới.
Khi ráng hồng vừa xua tan màn đêm, bọn cướp biển dõi mắt nhìn ra phía xa và nhận thấy hình dáng đám thiết bị buồm dây của những chiếc tàu Tây Ban Nha bỏ neo cách đó một phần tư dặm.
Cậy có quân số áp đảo, bọn Tây Ban Nha không hề tỏ ra cảnh giác hơn chút nào so với thói chủ quan cố hữu của chúng và chỉ phát hiện ra hải đội của Blood sau khi hải đội này đã trông thấy chúng từ lâu. Nhìn thấy những chiếc galion của Tây Ban Nha qua màn sương mờ buổi sớm, Wolverstone liền hạ lệnh giương hết buồm của thuyền bộc phá và trong lúc bọn Tây Ban Nha chưa kịp trở tay thì chiếc thuyền đã đến sát chúng rồi.
Hướng con thuyền của mình vào chiếc kỳ hạn “Encarnation” khổng lồ, Wolverstone buộc chặt cứng cần lái rồi vớ lấy cuộn bùi nhùi đang âm ỉ để gần đấy đốt cây đuốc bện bằng rơm tẩm dầu. Cây đuốc cháy bùng lên đúng vào lúc con thuyền đâm sầm vào mạn chiếc kỳ hạm. Vướng buồm vào những dây lèo của chiếc tàu lớn, nó bắt đầu chòng chành. Sáu người của Wolverstone cởi trần trùng trục đứng tại vị trí của mình bên mạn trái: bốn bên đứng ở cầu ngang và hai tên trèo lên đứng trên giằng buồm, tay lăm lăm những móc bấu. Khi chiếc thuyền bộc phá đâm sầm vào mạn tàu Tây Ban Nha, chúng liền tung ngay những chiếc móc bấu sang mạn tàu địch móc chặt hai tàu vào nhau. Những móc bấu ném từ giằng buồm xuống có tác dụng làm dây buồm hai tàu thêm rối và không cho bọn Tây Ban Nha kịp gỡ thoát những vị khách không mời.
Chiếc galion Tây Ban Nha nổi hiệu báo động, và thế là cơn hoảng loạn bắt đầu. Bọn Tây Ban Nha mắt nhắm mắt mở vì ngái ngủ, chạy ngược chạy xuôi lộn xộn và kêu gào inh ỏi. Chúng định kéo neo nhưng rồi đành phải từ bỏ ý định tuyệt vọng ấy vì đằng nào cũng không đủ thời gian để làm việc đó. Quân Tây Ban Nha ngỡ rằng bọn cướp sẽ áp mạn và vội vàng chộp lấy vũ khí chờ sẵn. Hành động kỳ dị của quân tấn công làm thuỷ thủ đoàn “Encarnaction” bối rối bởi vì nó không giống chiến thuật bọn cướp biển hay dùng. Chúng càng sửng sốt hơn khi trông thấy lão hộ pháp Wolverstone vừa vung vẩy bó đuốc cháy rực vừa chạy trên boong thuyền của mình. Lúc bọn Tây Ban Nha đoán ra rằng Wolverstone đang chạy đi đốt các ngòi nổ thì đã quá muộn rồi. Một trong các sĩ quan Tây Ban Nha vì quá hoảng hốt đã ra lệnh cho nhóm áp mạn nhảy sang thuyền bọn cướp.
Nhưng cả cái mệnh lệnh ấy cũng chậm nốt. Sau khi thấy rõ sáu tay chiến hữu của mình đã thực hiện xong mọi việc được giao và đã lao xuống nước, Wolverstone chạy đến lỗ cửa khoang gần nhất, ném bó đuốc cháy rực xuống hầm tàu rồi cũng nhào xuống biển lặn đi luôn. Một chiếc xuồng từ “Arabella” thả xuống đã đón lão. Trước khi Wolverstone được đưa lên xuồng, chiếc tầu đã cháy rực như một bó đóm khổng lồ với những tiếng nổ làm bắn tung toé lên “Encarnaction” những khối chất cháy nghi ngút lửa. Những lưỡi lửa dài quét ngang mạn chiếc galion hất ngược trở lại một vài kẻ liều lĩnh hiếm hoi, mặc dù đã muộn nhưng vẫn cố sống cố chết đẩy rời chếc thuyền ra.
Trong khi chiếc tàu mạnh nhất của hải đội Tây Ban Nha ngay từ phút đầu trận đánh đã nhanh chóng bị loại ra khỏi vòng chiến thì Blood tiến đến gần chiếc “Salvador”. Lướt ngang qua mũi nó, “Arabella” nổ một loạt pháo mạnh khủng khiếp đến nỗi quét sạch mặt boong chiếc tàu Tây Ban Nha. Rồi “Arabella” vòng lại, lướt dọc theo mạn “Salvador” và nhằm thẳng thân nó bắn một loạt thứ hai bằng tất cả các nòng pháo trên tàu. Để mặc “Salvador” gần như bị loại khỏi vòng chiến, “Arabella” thẳng hướng đi tiếp, nổ mấy phát vào mũi gây lúng túng cho thuỷ thủ đoàn “Infanta” rồi xô hẳn vào cặp mạn chiếc tàu Tây Ban Nha. Trong khi đó thì Hagthorpe cũng làm như vậy với chiếc “San Felipe”.
Suốt thời gian đó bọn Tây Ban Nha không kịp nổ một phát súng nào, chúng bị đánh phủ đầu quá đột ngột và miếng đòn bất ngờ của Blood lại quá mãnh liệt.
Bị áp mạn và khiếp đảm trước ánh thép nhoang nhoáng của những lưỡi gươm trong tay bọn cướp, thuỷ thủ đoàn của “Infanta” và “San Felipe” không hề kháng cự gì cả. Cảnh tượng chiếc kỳ hạm ngập trong biển lửa và chiếc “Salvador” bị loại khỏi vòng chiến làm chúng kinh hoàng đến nỗi đã phải vội vàng hạ vũ khí.
Nếu như “Salvador” đánh trả thật quyết liệt để làm gương cho các tàu chưa bị tổn thất thì rất có thể hạnh vận trong ngày hôm ấy sẽ nghiêng về phía Tây Ban Nha. Nhưng chuyện ấy đã không xảy ra vì tính bủn xỉn cố hữu của Tây Ban Nha: “Salvador” còn phải cứu kho bạc của hải đội để trên đó. Lo lắng trước hết là làm sao năm chục nghìn pêxô khỏi rơi vào tay bọn cướp biển, don Miguel lúc này đã cùng đám tàn quân chuyển sang “Salvador”, ra lệnh rút về pháo đài trên đảo Lat Palomat. Dự kiến trước cuộc đụng độ không thể tránh khỏi với bọn cướp biển, viên đô đốc đã bố trí lại lực lượng trong pháo đài và để lại đó một toán quân đồn trú. Nhằm mục đích ấy, hắn đã chuyển từ pháo đài Cojero nằm sâu trong vịnh ra mấy khẩu “Vua pháo” tầm xa, mạnh hơn pháo thường rất nhiều lần.
Không hề hay biết chuyện đó, thuyền trưởng Blood đưa “Infanta”, lúc này đã bị bọn cướp biển chiếm và do Yberville chỉ huy, đuổi theo bọn Tây Ban Nha. Mấy khẩu pháo đuôi của “Salvador” rời rạc đáp lại hoả lực mạnh mẽ của bọn cướp. Tuy nhiên, vì bị hư hại quá nghiêm trọng nên vừa vào tới vùng nước nông dưới tầm yểm hộ của những khẩu pháo trên tiền đồn là chiếc tàu bắt đầu chìm, để lại một phần thân tàu nhô lên khỏi mặt nước. Thuỷ thủ đoàn đứa ngồi xuồng, đứa bơi lội bì bõm, rốt cuộc cũng vào được đến bờ.
Khi thuyền trưởng Blood tưởng là đã nắm chắc phần thắng và lối ra khơi đã được khai thông thì pháo đài đột nhiên biểu dương sức mạnh hùng hậu nhưng đến nay vẫn giấu kín của mình. Một loạt “vua pháo” dội lên. Những viên đạn nặng nề đã đánh bay một mảng mạn và giết chết mấy tên cướp biển. Sự hoảng loạn bắt đầu lan trên tàu.
Loạt thứ hai tiếp theo loạt đầu, và nếu Pitt, hoa tiêu của “Arabella”, không kịp chạy đến bẻ lái cho tàu ngoặt gấp sang phải thì “Arabella” đã nguy rồi. “Infanta” còn bị thương nặng hơn. Nước biển ùa vào những lỗ thủng trên vạch mớn nước mạn trái của nó và con tàu chắc chắn đã chìm nếu Yberville dày dạn và quyết đoán không ra lệnh ném hết pháo mạn trái xuống biển.
“Infanta” vẫn giữ được nổi trên mặt nước mặc dù con tàu bị nghiêng rất mạnh về mạn phải, nhưng vẫn cố gắng lết theo sau “Arabella”. Pháo trên tiền đồn vẫn tiếp tục bắn đuổi theo những chiếc tàu đang quay lui, nhưng không gây cho chúng những hư hại đáng kể. Thoát khỏi vùng hoả lực của pháo đài. “Arabella” và “Infanta” nhập vào với “Elizabethh” và “San Felipe” rồi thả trôi, mãi đến lúc ấy thuyền trưởng của bốn con tàu mới có thể ngồi lại bàn bạc tình thế khó khăn của mình được.