Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Thanh gươm của Islam

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 409 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Thanh gươm của Islam
Rafael Sabatini
I
Bình thời Dragut Reis – được các tín đồ chân giáo biết đến với biệt danh « thanh gươm tuốt trần của Islam»- luôn yêu quý những người Thiên chúa giáo bằng một tình yêu của chó sói dành cho cừu non. Nhưng vào mùa hè đáng nhớ của năm 1550, sự khinh miệt thường ngày đã bị thay thế bằng một thái độ dữ tợn hơn nhiều. Nó đã biến thành mối thù hận không đội trời chung, một mối thù hận có lẽ chỉ kém sâu đậm hơn mối hận người Thiên chúa giáo dành cho Dragut.
Liên quân Thiên chúa giáo, do Hoàng đế của họ chỉ huy, đã hun gã như hun chuột khỏi pháo đài của gã ở Mehedia. Họ đã đánh chiếm thành phố tuyệt đẹp đó, và trong lúc này đang ra tay san bằng nó đến tận nền giống như số phận của thành Carthage gần đó.
Dragut nhìn lại tổn thất của gã với tâm trạng u ám, đầy hận thù. Gã đã mất thành phố của gã; và thế là từ một Basha hùng mạnh, đang chuẩn bị gây dựng một vương quốc riêng cho mình gã lại rơi trở lại vị trí của một tên cướp biển lang thang không cửa không nhà.
Gã đã mất ba ngàn người, trong đó là toàn bộ tinh hoa của hạm đội cướp biển kiêu hùng gã đã tốn bao công sức xây dựng. Gã đã mất mười hai ngàn nô lệ Thiên chúa giáo, chiến lợi phẩm của không biết bao nhiêu cuộc cướp phá liều lĩnh trên biển va trên bộ. Gã đã mất Hisar, đứa cháu yêu và cũng là phó tướng tin cẩn, lúc này đang bị bắt trong tay kẻ thù không đội trời chung của gã, Andrea Doria. Vậy thì cũng chẳng khó hiểu khi gã đã suýt mất trí. Tuy nhiên, gã gượng dậy rất nhanh, để có thể bắt đầu gây dựng lại tất cả. Gã không phải là loại người mất thời giờ ngồi than thân trách phận, tiếc nuối những gì đă mất. Ngày hôm qua và ngày hôm nay cũng chỉ như trò chơi trong tay định mệnh.
Gã tạ ơn Allah, đấng Nhân từ, đấng Bao dung, vì bản thân gã vẫn còn sống, vẫn tự do trên biển, vẫn còn trong tay ba chiếc galleasse, mười hai galley và năm chiếc thuyền buồm, rồi dồn cả bộ óc khôn ngoan, ranh mãnh đầy năng lực của gã vào việc dành giật lại những gì đã mất. Trong lúc đó, Sultan ở Constantinople, Thống lĩnh tối cao của Allah, đã báo cho gã hay Hoàng đế Charles, rất bất bình vì những vụ cướp phá của gã, đã tuyên bố công khai ý định truy đuổi và tiêu diệt “tên cướp biển Dragut, một tên đạo tặc bị cả Chúa trời và người đời ghê tởm “. Chưa hết, Dragut còn được biết Hoàng đế đã giao trọng trách truy lùng gã cho vị tư lệnh hải quân lừng danh nhất thời bấy giờ - Viên đô đốc ghê gớm người Genoa, Andrea Doria, và Doria đã ra khơi truy đuổi theo dấu gã.
Trong đời cướp biển của mình, Dragut đã một lần bị hải quân Genoa bắt sống. Và trong suốt bốn năm trời đằng đẵng, một khoảng thời gian Dragut chẳng thích thú gì mỗi lần nhớ lại, gã đã phải gò lưng ra đẩy mái chèo trên chiếc galley của người cháu viên đô đốc, Gianettino Doria. Gã đã biết thế nào là bị đày ải bởi cái nóng và cái rét. Trần như nhộng, gã đã bị thiêu đốt dưới ánh mặt trời, bị rét thấu xương dưới làn mưa lạnh buốt.Gã đã biết thế nào là đói, là khát, là gân cốt đau ê ẩm. Chấy rận đầy người. Đủ thứ mùi xú uế xông ra từ băng ghế dành cho nô lệ chèo thuyền. Và hai vai gã vẫn còn lằn ngang dọc vết roi da đã quất xuống để giúp gã hồi tỉnh mỗi khi gã xỉu đi vì kiệt sức.

Tất cả, Dragut đều đã nếm trải, và gã không hề có ý định thưởng thức thêm lần nữa. Vậy là gã cần phải sửa soạn để sẵn sàng ngênh tiếp người quen cũ. Và để đổ đầy hầu bao đang rỗng tuếch, để trút cơn thịnh nộ báo thù và cũng để cho thiên hạ thấy sự khinh thường của gã với những kẻ truy đuổi, gã đã bất ngờ đổ bộ lên duyên hải phía Tây Nam Sicily. Bắt đầu tại Gergenti, gã tiếp tục các cuộc cướp phá lên phía Bắc, đến tận Marsala, để lại sau lưng tro tàn, đổ nát. Sau một tuần lễ cướp phá, gã lại dong buồm ra khơi với chiến lợi phẩm từ sáu thành phố bị tấn công, cùng ba ngàn tù nhân cả nam lẫn nữ. Gã phải dạy cho bọn chó Thiên chúa giáo tà đạo biết thế nào là “tên cướp biển Dragut, một tên đạo tặc bị cả Chúa trời và người đời ghê tởm”. Gã sẽ làm như vậy, thề có chòm râu của Đấng tiên tri.
Gã nhốt tù nhân lên khoang đoàn galley do phó tướng của gã, Othmani, chi huy rồi đưa họ đến Algiers để bán tại chợ nô lệ. Sau đó bằng tiền bán nô lệ, Othmani có trách nhiệm mua thêm tàu cho hải đội. Cho đến khi hải đội của gã được tăng cường, Dragut nhận thấy tốt hơn cả là nên tránh mặt viên đô đốc Genoa. Do vậy gã đi thẳng xuống phía Nam về hướng Tripoli.
Vào ngày Othmani tách ra khỏi hải đội để đi về hướng Algiers, một cơn gió nổi lên từ hướng bắc lúc hoàng hôn đẩy vào tầm nhìn của hải đội cướp biển một chiếc thuyền nhỏ buồm nâu bị cơn gió cuốn đi băng băng chẳng khác gì một chiếc lá rụng mùa thu. Chính Dragut với cặp mắt tinh tường của một con chim ó, lúc đó đang đứng trên boong lái chiếc galley của gã, là người đầu tiên phát hiện ra chiếc thuyền lạ.
Gã vừa chỉ vào chiếc thuyền vừa nói với Biretta, một tay cải đạo người Calabria đang làm pháo thủ trên tau, lúc đó đang đứng cạnh gã.
“Thề có Allah”, gã nói,”cái vỏ hạt dẻ đang hằm hè đuổi theo chúng ta này là cái gì vậy?”
Biretta, một gã to bè, bẩn thỉu, bật cười.
“Nói cho đúng thì cái vỏ hạt dẻ này đang bị cơn gió hằm hè đuổi theo”, gã đáp lại,”Nó buộc phải đi theo hướng gió. Đây là một chiếc thuyền Italia”.

II
“Vậy thì ngọn gió đã thổi nó đến đây quả là ngọn gió của định mệnh. Hẳn những người trên thuyền biết tin tức từ Italy”.
Gã quay người lại ra lệnh cho một sĩ quan đứng phía dưới. Lập tức một tiếng kèn hiệu vang lên lanh lảnh, át hẳn tiếng mái chèo đập nước và đủ loại tiếng ồn trên boong. Gần như cùng lúc các nô lệ chèo thuyền ngừng tay chèo, từ mỗi bên mạn chiếc galley, hai mươi sáu mái chèo khổng lồ sơn màu vàng chĩa ngang ra, phần bơi chèo ướt nước lấp lánh dưới ánh nắng chiều.
Cả hải đội cướp biển Hồi giáo dừng lại chờ đợi, khẽ dập dềnh theo làn sóng biển. Từ xa cũng có thể dễ dàng đoán được lai lịch hải đội này qua lá cờ mang hình trăng lưỡi liềm màu xanh trên nền đỏ-trắng tung bay trên cột buồm chiếc galley của Dragut.
Bị cuốn theo ngọn gió mà Dragut đã gọi là ngọn gió của định mệnh, chiếc thuyền nhỏ buồm nâu tuyệt vọng bị đẩy lại mỗi lúc một gần. Cuối cùng, khi chiếc thuyền nhỏ sắp bị gió thổi trôi quá vị trí của hải đội cướp biển, Dragut lao ra chặn đầu. Khi phần mũi dài của chiếc galley vừa nằm song song với chiếc thuyền nhỏ, hàng loạt móc bám được tung ra móc chặt lấy mạn và cột buồm chiếc thuyền nhỏ, nếu không được các móc bám này giữ lại hẳn nó đã bị hàng mái chèo khổng lồ của chiếc galley đập phải.
Từ trên mũi tàu, đích thân Dragut, cao lớn, hiên ngang trong chiếc áo khoác màu huyết dụ thêu chỉ vàng dài đến đầu gối, chiếc turban trắng như tuyết đội trên đầu càng làm đậm thêm làn da rám nắng của khuôn mặt diều hâu với hàm râu quai nón đen nhánh, đứng thách thức thủy thủ đoàn của con thuyền xấu số.
Đôi mắt đen của gã cướp biển chỉ khinh khỉnh lướt qua sáu người đứng trên boong thuyền, dường như những người này vừa là thủy thủ đồng thời cũng là đầy tớ của chủ thuyền. Sự chú ý của gã bị thu hút vào một đôi nam nữ đang đứng trước cửa khoang - một chàng quý tộc trẻ tuổi, hiển nhiên là người Italia, vóc người cao ráo mảnh dẻ với dáng vẻ hào hoa và một cô gái tóc vàng duyên dáng với vẻ đẹp khiến cho đôi mắt dạn dĩ của gã cướp biển sáng lên vì thích thú.
“Các người là ai?” Gã hỏi bằng tiếng Italia.
Chàng quý tộc trẻ tuổi trả lời thay cho cả hai bằng một giọng thản nhiên, cứ như thể việc bị giữ chặt bằng móc bám với một chiếc tàu cướp biển Bắc Phi là chuyện vặt thường ngày đối với chàng.
«Tên tôi là Ottavio Brancaleone. Tôi đang trên đường từ Genoa đi Tây Ban Nha »
« Đi Tây Ban Nha ». Dragut lặp lại rồi cười phá lên. « Xem ra quý ngài chọn đường đi Tây Ban Nha hơi khác người đấy, hay là quý ngài định tìm Tây Ban Nha ở Ai Cập ? »
« Chúng tôi bị hỏng lái », chàng quý tộc giải thích« và đành trông đợi vào vận may vậy”.
“Và tôi tin là ngài nhận thấy vận may đã mỉm cười với ngài». Dragut trả lời. Gã quay sang nhìn vào cô gái.Hoảng sợ trước cái nhìn của gã, cô khẽ nép mình vào sát người bạn đồng hành. “Thế còn quý tiểu thư này, thưa quý ngài? Cô ta là ai?”
“Là…em gái tôi”.
“Chà, nếu ngài trả lời khác đi thì ngài đã là người Thiên chúa giáo thật thà đầu tiên mà tôi được biết đấy”.Dragut bông lơn với giọng điệu khá vui vẻ. «Được rồi, xem ra tôi không thể yên tâm để ngài tiếp tục cầm lái chiếc thuyền của ngài được. Tốt nhất là ngài hãy sang tàu của tôi và thử xem mái chèo có hợp với ngài hơn không».
« Tôi không hề có ý định lạm dụng lòng mến khách của ngài » , Brancaleone đáp tỉnh bơ, luôn luôn giữ vẻ điềm tĩnh đáng ngạc nhiên của chàng.
Dragut không phí thêm thì giờ vào chuyện đấu khẩu. Đó không phải là tính cách của gã. Quay xuống đám đầu trộm đuôi cướp đội turban đang hằm hè đứng chật kín cả mũi tàu, gã lập tức ra lệnh cho sáu tên cướp nhảy sang chiếc thuyền nhỏ. Brancaleone chỉ kịp hạ một tên trước khi chàng bị áp đảo bởi số đông và bị bắt sống.
Chiến lợi phẩm của thắng lợi chóng vánh này hóa ra lại vượt xa những gì Dragut có thể tưởng tượng. Ngoài tám tù nhân, trong đó cô gái thậm chí xứng đáng tiến cống cho hậu cung của Sultan, bọn cướp biển tìm thấy một chiếc rương đựng đầy những đồng ducat vàng mới tinh, nặng đến mức cần đến sáu người để khiêng lên chiếc galley, và một chiếc hộp đồ trang sức bằng vàng chạm trổ tinh vi đựng đầy đá quý. Và còn hơn thế nữa. Trên nắp hộp có khắc chìm tên chủ nhân – Amelia Francesca Doria.

Dragut vừa đóng nắp hộp vừa tạ ơn Allah Đấng Duy nhất, rồi đi vào khoang đuôi tàu, nơi cô gái đang bị giam.
“Madonna Amelia”, gã khẽ gọi để dò thử tên cô. Cô gái lập tức ngẩng đầu lên.”Tiểu thư có thể cho tôi biết quan hệ của tiểu thư với đức ông đô đốc Genoa được không?”
“Tôi là cháu gái đô đốc, thưa ngài”. Nàng trả lời, với sự kiêu hãnh ngầm chứa trong giọng nói nhẹ nhàng. «Và ngài hãy tin rằng ông tôi sẽ trừng phạt ngài tàn khốc nếu có gì không hay xảy ra với tôi.»
Dragut gật đầu khẽ mỉm cười.
“Ngài đô đốc và tôi vốn là chỗ quen biết cũ mà”. Gã đáp rồi quay lui trở ra.
Một gã Nubia lực lưỡng giương cao một bó đuốc – lúc này màn đêm miền châu Phi đã sập xuống – soi đường cho gã tới boong giữa chiếc galley, nơi bảy người tù bị trói gô nằm dưới chân cột buồm chính.
Gã cướp biển khẽ lay quý ngài Brancaleone bằng mũi chiếc hài đỏ của gã.
« Đồ chó, hãy nói cho ta những gì ngươi biết về Andrea Doria ». Gã ra lệnh.
“Chuyện này thì nhanh thôi. Tôi chẳng biết gì cả, mà cũng chẳng muốn biết”. Brancaleone trả lời.
« Tất nhiên là ngươi nói láo ». Dragut nói,« vì ít nhất ngươi biết cháu gái y. »
Brancaleone chớp mắt, va phản công lại.

III
« Đương nhiên, và tôi còn quen biết nhiều thành viên nữa trong gia đình ông ta. Nhưng tôi cho rằng ngài muốn hỏi về vị trí hải đội của ông ta. Tôi biết rằng ông ta đã ra khơi, rằng ông ta đang tìm ngài, và rằng ông ta đã thề sẽ bắt sống ngài, và khi người ta bắt được ngài rồi - tôi cầu Chúa là họ sẽ bắt được ngài- họ sẽ chăm chút ngài âu yếm đến mức ngài sẽ phải cầu xin họ vì lòng từ tâm Thiên chúa giáo mà treo cổ ngài lên. »
« Và đấy là tất cả những gì ngươi biết ư ? », Dragut thản nhiên hỏi lại, «chẳng nhẽ ngươi không tình cờ nhìn thấy hải đội của y khi ngươi ra khơi ư ? »
« Rất tiếc là không.»
« Chắc hẳn khi ngồi trên thùng thuốc súng đã châm ngòi trí nhớ của ngươi may ra sẽ hồi phục chăng?”
“Tôi có thể bịa đặt”, chàng Italia trẻ tuổi trả lời,”Tôi đã cho ngài biết sự thật, thưa ngài Dragut. Tra tấn chỉ đem lại cho ngài những lời dối trá mà thôi. »
Gã cướp biển nhìn dò hỏi vào khuôn mặt trẻ trung dễ mến, rồi quay đi như thể đã hài lòng. Nhưng khi gã định bước đi Brancaleone gọi với theo. Vẻ bình thản của chàng Italia đột nhiên biến mất. Trong giọng nói của chàng chỉ còn nỗi lo lắng gần như kinh hãi. « Ngài sẽ làm gì Madonna Amelia ?». Chang hỏi.
Dragut quay lại nhìn chàng, cười khẽ. Gã không thù ghét gì bản thân người tù binh ; trái lại, gã thầm khâm phục sự can đảm bình thản của chàng. Tuy vậy cũng không hề có chỗ cho tình cảm trong trái tim gã cướp biển. Gã là một kẻ tàn nhẫn. Ga đã nhận được một câu hỏi, và gã trả lời một cách thẳng thừng.
« Chủ nhân của ta, Suleyman quang vinh, cũng tinh tường trong việc thưởng thức vẻ đẹp như bất cứ ai. Ta sẽ cho cô gái được hưởng một diễm phúc to lớn khi coi nàng là món quà xứng đáng với Thống lĩnh tối cao của Allah. Vì thế ta sẽ chăm sóc nàng tử tế cho tới chuyến đi tiếp theo của ta tới Constantinople ».
Tới lúc này chút cố gắng cuối cùng của Brancaleone để làm chủ bản thân đã hoàn toàn rời bỏ chàng. Từ đôi môi run rẩy của chàng tuôn ra một tràng nguyền rủa thậm tệ, biểu hiện của cơn căm giận tột độ, kéo dài thậm chí cả khi gã Nubia đã đấm vào mồm chàng còn Dragut đã bỏ đi.
Ngày hôm sau một nô lệ chèo thuyền trên chiếc galley của Dragut đã gục xuống bên mái chèo và theo lệ thường, được tháo xiềng và bị ném xuống biển. Brancaleone, bị lột trần, bị xiềng thế vào chỗ gã nô lệ xấu số đã bỏ trống. Có cả thảy bảy người ở mỗi mái chèo, cả sáu người chung mái chèo với Brancaleone đều là người Thiên chúa giáo và là người da trắng, hay chí ít đó cũng đã từng là màu da của họ trước khi bị nắng gió nhuộm thành màu đồng hun. Trong số này có ba người Tây Ban Nha, hai người Italia và người còn lại là người Pháp. Tất cả đều bẩn thỉu, hôi hám đến ngoài sức tưởng tượng, và chàng quý tộc Italia mảnh dẻ đã quen ăn sung mặc sướng khẽ rùng mình tự hỏi chẳng lẽ số phận lại an bài cho chàng trở thành một kẻ như họ ?
Đi đi lại lại trên boong giữa hai dãy băng ghế của nô lệ là hai gã quản nô Hồi giáo, tay cầm roi gân bò, và chỉ một thoáng sau khi chàng quý tộc Italia yên vị đằng sau mái chèo một trong hai gã, thấy Brancaleone dường như có vẻ không nhiệt tình lắm với công việc mới mẻ của chàng, liền vung chiếc roi khủng khiếp lên tặng cho làn da quý phái nhạy cảm của chàng một roi bỏng rát. Cũng như những người chung cảnh ngộ đã bị vắt kiệt sức đến sống dở chết dở, chàng chỉ được cầm hơi không đủ no bằng vài quả chà là khô, và một chút nước uống khi khát, một cảm giác thường xuyên dày vò chàng. Chàng phải ngủ ngồi trong xiềng xích ngay trên băng ghế của nô lệ chèo thuyền, một băng gỗ chỉ rộng có bốn bộ, và bất chấp tấm da cừu phủ trên băng ghế, những cử động không ngừng khi chèo thuyền chẳng bao lâu sau đã khiến da thịt chàng xây xước, rớm máu.
Tới ngày thứ hai, cái nắng thiêu đốt của buổi trưa khiến chàng kiệt sức, ngất xỉu bên mái chèo. Chàng được tháo xiềng rồi bị lôi đến giữa boong tàu.Một xô nước biển được xối xuống người chàng để giúp chàng tỉnh lại, nước muối ngấm vào những vết trầy xước trên da làm chàng xót như phải bỏng. Chàng bị lôi trở lại mái chèo với lời cảnh cáo rằng nếu chàng tự cho phép mình làm quen với cái thói ngất xỉu xa xỉ ấy một lần nữa, thì thay vì một xô nước biển, chàng sẽ có cả Địa Trung Hải để giúp chàng tỉnh giấc.
Tới ngày thứ ba đất liền hiện ra ở phía chân trời, và đến tối đoàn galley cướp biển nối đuôi nhau qua đoạn eo thắt cổ chai Boca de Cantara vào vịnh kín rộng rãi nằm ở phía Đông Bắc đảo Jerbah và buông neo nghỉ ngơi ở đó.
Ý định của Dragut là nằm im trong nơi ẩn náu kín đáo này cho đến khi Othmani đã sẵn sàng với lực lượng tăng viện cho phép bọn cướp biển ra khơi lần nữa để đối đầu với viên đô đốc Genoa. Thế nhưng có vẻ lần này ngài đô đốc đã theo gã sát gót hơn gã tưởng . Cho dù mặt biển chẳng bao giờ để lại dấu vết, thế nhưng Andrea Doria đã bằng cách bí mật nào đó thu thập được thông tin về hành trình của Dragut,và không bao giờ bị mất dấu con mồi.

IV
Không nghi ngờ gì nữa, đám cư dân khốn khổ của vùng bờ biển Sicily bị tàn phá trơ trụi hẳn đã thông báo cho viên đô đốc đáng gờm theo hướng nào những chiếc galley cướp biển Hồi giáo đã biến mất tăm mất dạng. Thậm chí có lẽ cả chiếc thuyền nhỏ không người bị vứt bỏ lại dập dềnh trên mặt biển lặng sóng cũng đã để lộ hướng đi của bọn cướp biển, và cũng có thể từ đất liền, chẳng hạn từ Monastir, một trong những thành phố hiện nằm trong tay những người Thiên chúa giáo, hải đội của Dragut đã bị phát hiện và Doria đã được cảnh báo kịp thời. Cho dù vì lý do nào đi chăng nữa, thì chưa đầy một tuần sau khi Dragut bỏ neo ở Jerbah, vào một buổi sáng đẹp trời vài cư dân trên đảo chạy đến báo cho gã biết về một đoàn galley đang tiến về phía hòn đảo từ hướng Bắc.
Nhận được tin, Dragut vội vã lên bộ cùng một toán sĩ quan. Từ dải đất hẹp nằm ở cửa vào vịnh, gã quan sát những chiếc tàu đang tiến lại gần. Điều mà gã lo sợ giờ đây đã trở thành hiện thực. Hai mươi hai chiếc galley của hải quân hoàng gia đang thẳng tiến đến đoạn thắt cổ chai Boca de Cantara, chiếc đi đầu mang lá cờ hiệu của viên đô đốc Genoa. Dragut quay trở lại hải đội của gã để huy động đại bác và nô lệ. Dưới tiếng hò hét ra lệnh của gã và làn mưa roi của bọn quản nô, những người nô lệ đã phải dốc sức ra kéo đại bác nhanh đến mức chỉ một giờ sau, Drgut đã đặt được một pháo đội ở cửa vịnh và chào mừng hải đội Genoa bằng một loạt đạn vỗ mặt đúng lúc những chiếc galley này chuẩn bị buông neo. Sau đó hải đội của Doria lui ra ngoài tầm pháo, buông neo, tự thỏa mãn với việc chờ đợi, hiểu rõ rằng sự kiên nhẫn là tất cả những gì cần thiết về phía họ. Con sói biển đã sập bẫy, và thanh gươm của Islam lần này có vẻ đành chịu nằm yên trong vỏ.
Lập tức Doria khoan khoái báo tin cho Hoàng đế rằng ông đã nhốt chặt Dragut trong rọ, đồng thời ngài đô đốc cử tín sứ tới Phó vương Sicily và Naples yêu cầu tăng viện để nếu cần thiết có thể mở cuộc công kích. Lần này, ngài quyết không để chuyện may rủi xảy ra.
Về phía mình, Dragut ra sức củng cố việc phòng thủ Boca de Cantara. Một pháo đài được dựng lên trước mắt những người Genoa, và chỉ khiến người lính già từng trải Doria có những trận cười tiêu khiển vui vẻ. Sớm hay muộn, Dragut cũng phải thò ra khỏi cái hang chuột của gã. Và gã càng chậm trễ chừng nào, thì lực lượng chờ sẵn ở ngoài để tiêu diệt gã càng mạnh thêm chừng ấy.
Kể từ khi sa cơ dưới tay Gianettino Doria ở Goialatta ngoài khơi đảo Corse, trong trận chiến nổi tiếng mà gã đã bị bắt làm tù binh, chưa bao giờ Dragut lâm vào thế tuyệt vọng như lúc này. Gã ngồi thừ ra trên boong lái chiếc galley của gã, nguyền rủa viên đô đốc Genoa bằng tất cả vốn chửi rủa phong phú mà gã và những người anh em Hồi giáo của gã có lẽ không có đối thủ xứng tay trên cõi đời này. Gã quả quyết một cách hùng hồn về tiếng tăm đáng xấu hổ của mẹ Doria cũng như số phận đáng hổ thẹn không kém đang chờ đợi những người con gái của viên đô đốc cũng như con gái của họ. Biến thành nhà tiên tri lúc nào không biết, gã tiên đoán một cách chắc chắn rằng chó hoang sẽ bới mộ viên đô đốc, rồi gã cầu xin Allah hãy làm thối xương rữa thịt Doria, hãy hủy diệt dòng họ kẻ thù không đội trời chung của gã. Thế rồi, thấy rằng Allah vẫn dửng dưng chẳng để ý gì đến lời khẩn cầu của gã, một hôm gã bật dậy, nổi cơn thịnh nộ rồi triệu tập tất cả sĩ quan của gã.
“Ẩn nấp mãi ở đây chẳng giúp gì được cho chúng ta cả”,gã gầm gào trước mặt đám sĩ quan,”càng chờ đợi lâu, mối nguy của chúng ta càng tăng lên. Cái gì phải đến sẽ đến. Allah đã buộc số mệnh lên cổ mỗi người. Muốn ra sao thì ra, tối nay chúng ta ra khơi”.
«Và đến sáng mai ngài sẽ được dạo chơi đáy biển », một giọng nói uể oải cất lên từ sau một chiếc mái chèo.
Dragut, lúc đó đang đứng trên lối đi giữa hai dãy nô lệ chèo thuyền, vừa quay ngoắt lại vừa nguyền rủa kẻ vừa lên tiếng. Gã bắt gặp cái nhìn dửng dưng của quý ngài Brancaleone. Thời gian được nghỉ ngơi trong vài ngày trước đó đã giúp chàng Italia phục hồi sức lực, và vài ý nghĩ vừa thoáng nảy ra trong đầu đă giúp chàng lấy lại sự can đảm vốn có.
« Ngươi chán sống rồi chăng », gã cướp biển đang nổi điên vì giận dữ gầm lên,« liệu ngươi có muốn ta ra lệnh treo cổ ngươi lên trước khi chúng ta làm cỏ lũ đồng bọn của ngươi ở ngoài kia chăng ? »
« Ngài đúng là một người khùng, thưa quý ngài Dragut », vẫn một giọng nói uể oải cất lên trả lời, « Cứ treo cổ tôi lên đi, và ngài sẽ treo cổ người duy nhất trong toàn hải đội của ngài có thể giúp ngài thoát khỏi cái bẫy chuột này ».
Dragut trợn mắt lên, vừa bực bội vừa ngạc nhiên. « Bằng cách nào ?»
« Tháo xiềng cho tôi, trả lại cho tôi trang phục, và mang đến cho tôi thức ăn tử tế ».
« Ngươi biết một con đường thoát khỏi đây ư ? », gã kêu lên.
« Bằng một cách nào đó và tôi sẽ thảo luận với ngài về chuyện này »
Dragut lừ mắt.
« Chúng ta có một cách nhanh hơn khiến người ta mở miệng. », gã đáp.
Brancaleone mỉm cười lắc đầu.
« Ngài tin vậy ư ? Tôi có thể chứng minh cho ngài thấy ngài đã lầm.”

V
Trong giọng nói dửng dưng của chàng dường như có một cái gì đó lạ lùng khiến nó trở nên thuyết phục. Gã cướp biển ra lệnh cho thủ hạ rồi quay đi. Nửa tiếng đồng hồ sau, đã được ăn uống tử tế, tắm rửa sạch sẽ và ăn mặc tươm tất, một lần nữa trở lại dáng dấp một nhà quý tộc Italia mảnh dẻ, hào hoa trong chiếc áo khoác bằng nhung màu xanh ngọc va chiếc quần chẽn màu xanh và trắng rất bắt mắt, quý ngài Brancaleone bước lên boong lái nơi Dragut đang đợi chàng.
Ngồi xếp bằng trên một chiếc divan bọc lụa màu lục, xanh và vàng, gã cướp biển điển trai vân vê bộ râu quai nón một cách bồn chồn. Đứng đằng sau gã là tên cận vệ Nubia lực lưỡng, thân hình xoa dầu bóng như gỗ mun, tay cầm một thanh mã tấu tuốt trần, trên người chỉ bận độc một chiếc khố màu trắng.
« Bây giờ thưa quý ngài », Dragut gầm gừ,”Cái kế sách quý báu của ngài là gì…và làm ơn ngắn gọn cho?”
« Ngài bắt đầu ở điểm kết thúc », chàng Genoa trả lời bình thản, « Tôi không nợ nần gì ngài, thưa ngài Dragut, lại càng không hề quý mến ngài đến mức có thể tặng không ngài tính mạng và tự do của chính ngài. Đôi mắt của tôi đã nhìn thấy cái mà đôi mắt mù quáng của ngài không nhìn ra, và trí thông minh của tôi đã giải quyết được điều mà cái đầu của ngài không thể. Điều đó, thưa ngài, là để bán. Trước khi tôi trao hàng cho ngài chúng ta phải thỏa thuận thống nhất về giá cả cái đã. »
Dragut nhìn chăm chăm vào chàng, đôi lông mày cau lại. Gã không thể tin nổi trên đời lại có kẻ càn rỡ xấc xược đến thế.
“Vậy giá của ngươi là gì?” Gã gầm lên để áp đảo chàng Genoa.
« Về chuyện này, vì tôi cứu tính mạng và tự do của ngài, đương nhiên để đổi lại ngài phải trả lại tự do và tính mạng cho tôi cũng như cho Madonna Amelia và những người hầu của tôi đã bị ngài bắt; đương nhiên tôi được quyền yêu cầu ngài trả lại tất cả tiền bạc, đồ trang sức ngài đã tước đoạt của chúng tôi, và vì ngài đã làm mất chiếc thuyền của chúng tôi, đương nhiên ngài có trách nhiệm phải cung cấp cho chúng tôi một chiếc thuyền khác để tiếp tục cuộc hành trình đã bị ngài làm gián đoạn. Tính đến thời gian chúng tôi đã bị chậm trễ do hậu quả của sự gián đoạn này, cũng là hợp lý nếu tôi yêu cầu ngài đền bù bằng cách cung cấp cho chúng tôi chiếc tàu nhanh nhất trong hải đội của ngài. Về chuyện này tôi chấp nhận một chiếc galley hai mươi sáu mái chèo được trang bị đầy đủ số nô lệ cần thiết. »
«Đã hết chưa ? », Dragut gần như gào lên.
« Chưa đâu, »Brancaleone đáp nhỏ nhẹ, « đó mới chỉ là trả lại những gì vốn thuộc về tôi. Bây giờ chúng ta thỏa thuận giá cả cho sự giúp đỡ của tôi dành cho ngài. Khi ngài bị Gianettino Doria bắt, tất cả mọi người đều biết Barbarossa đã trả một khoản tiền chuộc ngài là ba ngàn ducat. Tôi sẽ tỏ ra biết điều hơn nhiều. »
« Ngươi sẽ biết điều hơn ư ? »Dragut hộc lên. « Thề có vinh quang của Allah, ngươi sẽ cần phải tỏ ra biết điều. »
« Tôi sẽ chấp nhận một ngàn ducat. »
« Cầu Allah chọc mù mắt ngươi đi, đồ khốn kiếp xấc xược trơ tráo! » Gã cướp biển gầm lên, đứng bật dậy trong cơn giận dữ.
“Ngài đã buộc tôi phải tăng giá lên một ngàn rưỡi ducat”. Brancaleone ngọt như đường. « Dù thế nào tôi cũng phải được đền bù khi bị xúc phạm, mà với ngài tôi không thể đòi hỏi sự thỏa mãn theo cách thông thường giữa hai nhà quý tộc Thiên chúa giáo chân chính được. »
Cũng may cho Dragut là lúc đó cơn giận của gã đã đến mức khiến gã không còn thốt nổi nên lời, bằng không chắc hẳn mức giá cuối cùng đã có thể vượt quá cả món tiền chuộc trứ danh Barbarossa đã trả. Như bị cấm khẩu, gã đứng sững, mắt long lên, hai bàn tay gân guốc hết nắm chặt lại xòe ra. Rồi gã quay sang tên cận vệ Nubia:
“Ali…” Gã vừa bắt đầu ra lệnh thì Brancaleone lại chen vào.
“Ấy, đợi một chút đã”, chàng nói, « bình tĩnh lại đã nào, tôi van ngài đấy. Hãy nhớ ngài đang đứng ở đâu, và đừng quên Andrea Doria đang giữ chặt ngài trong bẫy. Đừng có dại dột làm hỏng mất cơ hội duy nhất của ngài. Nếu tôi thất bại thì ngài vẫn còn thừa đủ thời gian ra lệnh cho Ali lấy đầu tôi.”
Câu nói của chàng lập tức chặn đứng cơn điên của Dragut. Gã quay lại phía chàng Genoa một lần nữa. « Ngươi chấp nhận như vậy?»
Brancaleone nhìn thẳng vào mặt gã.
“Tại sao lại không? Tôi chẳng có lý do gì để lo rằng mình sẽ thất bại. Tôi đã nói là tôi có thể chỉ ra cho ngài cách thoát khỏi cái bẫy chuột này và biến quý ngài đô đốc thành trò cười cho thiên hạ.”
« Vậy hãy nói đi ». Dragut kêu lên, đôi mắt sắc của gã sáng bừng lên.
« Nếu tôi làm điều đó trước khi ngài đồng ý với điều kiện của tôi thì tôi còn gì để mặc cả nữa. »
Dragut quay sang một bên, chậm rãi bước về phía mạn tàu. Gã phóng tầm mắt qua làn nước trong xanh về phía pháo đài ở cửa vịnh. Trong đầu gã tiếp tục mường tượng ra xa hơn, tới tận hải đội Genoa đang nằm đợi sẵn ngoài khơi, tin chắc là đã nhốt chặt con mồi trong rọ. Cái giá mà Brancaleone đòi thật là quá quắt. Một chiếc galley và hai trăm nô lệ Thiên chúa giáo để chèo thuyền, chưa kể đến một ngàn rưỡi ducat. Cộng cả lại, cái giá gã phải trả còn vượt quá món tiền mà Kheyr-ed-Din Barbarossa đã trả để chuộc gã. Thế nhưng Dragut buộc phải chấp nhận trả hoặc coi như số phận của gã đã chấm hết. Gã chợt nghĩ rằng thậm chí gã sẵn sàng trả một cách khá vui vẻ để thoát khỏi cái bẫy chuột chết tiệt này.
Gã quay trở lại. Một lần nữa, gã lại đe dọa tra tấn, nhưng lần này với một giọng gượng gạo; vì bản thân gã cũng không tin rằng tra tấn có thể lay chuyển được một người như Brancaleone.

VI
Brancaleone chỉ nhún vai cười khi nghe những lời đe dọa tra tấn.
« Nếu muốn ngài cứ treo cổ tôi cũng được, thưa ngài Dragut. Những trò man rợ tà đạo của các ngài cũng chỉ có hiệu quả tương đương trong việc khép miệng tôi lại mà thôi.”
“Chúng ta có thể tra tấn đứa con gái”, một ý mới chợt loé lên trong đầu gã cướp biển.
Lời đe dọa khiến Brancaleone trắng bệch đến tận môi; nhưng đó là một khuôn mặt tái đi vì một quyết tâm cay đắng, đau đớn chứ không phải vì nỗi khiếp sợ mà Dragut hy vọng đánh thức dậy trong chàng.
Chàng tiến lên một bước, vẻ thản nhiên hoàn toàn biến mất, dằn từng tiếng vào mặt gã cướp biển với tất cả sự cuồng nộ của một con thú hoang bị dồn đến đường cùng.
“Cứ thử xem”, chàng trả lời,”và có Chúa chứng dám, tôi sẽ bỏ mặc ngài trong tay Doria. Đúng thế, cho dù trái tim tôi có vỡ nát vì nỗi đau do sự im lặng đó gây ra. Tôi là một người đàn ông, ngài Dragut – đừng bao giờ nghi ngờ điều đó. »
« Ta không hề nghi ngờ anh, » Dragut trả lời, hoàn toàn bị thuyết phục.”Ta chấp nhận tất cả điều kiện của anh. Hãy chỉ cho ta cách thoát khỏi vòng vây của Doria, và anh sẽ có tất cả những gì anh đòi hỏi. »
Brancaleone, giọng nói vẫn còn run rẩy vì xúc động, yêu cầu Dragut triệu tập tất cả sĩ quan của gã đến để lặp lại lời hứa trước mặt họ.
«Và ngài phải thề sẽ giữ lời hứa », chàng thêm vào. « Người ta nói rằng ngài là một tín đồ Hồi giáo ngoan đạo. Tôi muốn thử xem sao. »
Dragut, hết sức nóng ruột muốn biết bí mật của người tù và không thể chịu được sự giằng dai lâu hơn nữa, liền gọi các sĩ quan của gã đến, và trước mặt tất cả, gã trang trọng thề trước chòm râu của Đấng Tiên tri rằng nếu Brancaleone có thể chỉ cho hắn đường thoát hiểm, gã sẽ, về phía mình, đáp ứng tất cả những gì chàng Genoa yêu cầu. Sau đó, Brancaleone đi lên bờ cùng Dragut và gã cận vệ Nubia. Chàng Genoa dẫn đường nhưng không phải theo hướng đến pháo đài như Dragut đã đoán mà hoàn toàn theo hướng ngược lại. Tới điểm xa nhất về phía Bắc của vịnh kín hầu như hình tròn này, Brancaleone dừng lại. Chàng chỉ tay về phía biển màu xanh lục nam phía xa, chỉ cách họ một dải đất hẹp rộng không quá nửa dặm. Một phần dải đất này ngập nông trong nước, một phần là cồn cát. Hầu như không có cây cối nào mọc, trừ vài cụm cỏ lơ thơ và vài cây cọ hình dáng kỳ dị với chùm lá khẽ đu đưa theo làn gió nhẹ.
« Thực ra thì cũng đơn giản thôi, » chàng Italia nói, «Đó là đường thoát của ngài ».
Một con bồ nông chân đỏ bay lên từ rìa đầm lầy lượn lờ trên đầu họ. Khuôn mặt của Dragut chợt tím lại vì tức giận. Rõ ràng tay trống choai đẹp mã này đang tìm cách cười vào mũi gã.
“Ngươi tưởng những chiếc galley của ta cũng có cánh như con bồ nông kia chăng, hả đồ ngu”, gã hỏi lại một cách nóng nảy,”Hay chúng có bánh xe mà ta có thể đẩy qua đất liền được?”
Brancaleone đáp trả gã bằng một cái nhìn kinh ngạc.
« Tôi phải thừa nhận », chàng trả lời, « với tiếng tăm như thiên hạ vẫn đồn về ngài thì khả năng phán đoán của ngài làm tôi thực sự ngạc nhiên đấy. Phải công nhận là đầu óc ngài khí tối tăm chậm hiểu. Tôi cũng khó tưởng tượng được là đến mức nào. Bây giờ, hãy kìm cơn giận của ngài lại. Sự thật luôn là liều thuốc an thần tốt nhất, và lúc này ngài đang cần đến nó đây.»
“Theo ước lượng của tôi thì trên các tàu của ngài, kể cả nô lệ, có tổng cộng chừng ba ngàn người. Tôi tin rằng ngài có thể dễ dàng huy động thêm một ngàn người nữa từ đám cư dân trên đảo. Vậy thử đoán xem, theo ngài sẽ mất bao nhiêu thời gian để bốn ngàn người đào một con kênh đủ sâu để những chiếc galley đáy bằng của ngài có thể sử dụng để vượt qua dải đất kia?”
Đôi mắt sắc sảo của Dragut chớp lia lịa như thể gã đang bị choáng.
« Thề có Allah », gã thốt lên, tay nắm chặt lấy bộ râu quai nón.”Thề có Allah.”
“Trong vòng một tuần lễ việc này có thể dễ dàng hoàn thành, trong thời gian đó pháo đài của ngài sẽ diễn trò nghi binh với đô đốc. Rồi sau đó, một đêm tối trời, ngài luồn qua con kênh này và đi thẳng về phía Nam, nhờ yếu tố bất ngờ đến khi trời sáng ngài đã biến mất khỏi đường chân trời, để mặc quý ông đô đốc ngồi canh một cái bẫy rỗng.”
Dragut cười phá lên gần như một chú bé con, rồi thể hiện sự vui mừng qua những lời cầu nguyện nhiệt thành ngợi ca Allah Đấng Duy nhất. Bất chợt gã dừng phắt lại, đôi mắt đầy nghi ngờ nheo lại nhìn Brancaleone.
“Ngươi quả là đã lừa ông của người đẹp một vố đau đấy!”
Chàng Genoa nhún vai.
« Ai vì người ấy, thưa ngài Dragut. Tôi nghĩ là chúng ta hoàn toàn hiểu nhau. Tôi làm việc này không phải vì quý mến gì ngài. »
« Giá mà vì điều đó. »Gã cướp biển thốt lên với vẻ chân thành kỳ lạ. Và khi cả hai quay về mọi người đều thấy Dragut khoác tay lên vai tên tà đạo và nói chuyện với y như với một người anh em.

VII
Quả thật Dragut, khâm phục tài năng của Brancaleone, đã thầm tiếc rằng một linh hồn đẹp đẽ như vậy sẽ phải chịu đày đọa dưới hỏa ngục. Gã bắt đầu nói với chàng về vinh quang của Islam, về tương lai đầy hứa hẹn luôn chờ đợi một người quý phái, tài năng như Brancaleone trong hàng ngũ của các tín đồ chân giáo. Nhưng đó là một đề nghị Brancaleone luôn kiên quyết từ chối một cách nhã nhặn, và Dragut cũng không có nhiều thời gian dành cho việc thuyết phục chàng cải đạo, cho dù đây là điều gã chân thành mong muốn. Việc đào kênh đã choán hết thời gian của gã.
Những chỉ dẫn của chàng Italia đã được thực hiện hoàn hảo. Hàng ngày pháo đài ở Boca de Cantara bắn cầm canh về phía hải đội Genoa, luôn luôn buông neo ngoài tầm pháo. Đối với ngài đô đốc những phát đạn này chỉ là những tiếng sủa bậy của một con chó nhát gan không dám thò ra cắn trộm; việc phí phạm thuốc súng của đối phương chỉ càng làm tăng thêm sự khinh miệt của ngài với tên cướp biển Dragut mà ngài đang nhốt chặt trong bẫy.
Tuy nhiên đến một ngày pháo đài cũng trở nên im ắng; sự im lặng kéo dài sang ngày hôm sau, và đến đêm hôm đó một trong các sĩ quan của ngài đô đốc bèn có ý kiến rằng dường như có chuyện gì đó không ổn. Doria cũng đồng ý rồi phá lên cười.
“Lúc này thì mọi chuyện đều bất ổn với con chó hoang Dragut”, ngài nói, « Hắn muốn chúng ta tiến vào tầm pháo của hắn. Quả là kế sách trẻ con. »
Và cứ như vậy hải đội Genoa buông neo ngoài tầm pháo của pháo đài trống rỗng, trong lúc bản thân Dragut đã đi xa hàng dặm, thẳng hướng tới bán đảo Tiểu Á và chỗ trú ẩn an toàn ở eo Dardanelles với tốc độ nhanh nhất mà đám nô lệ của gã có thể chèo.
Cứ theo lời sử gia Tây Ban Nha Marmol, người đã thuật lại sự kiện này thì Dragut đã để lại cho Andrea Doria « một con chó để bao vây. »
Lúc đầu Brancaleone cùng đi với hải đội cướp biển, nhưng lúc này trên chiếc galley mà Dragut đã trao cho chàng theo đúng thỏa thuận giữa hai người. Đi cùng với chàng Genoa là người đẹp Amelia Francesca Doria, rương tiền vàng của chàng, đồ trang sức, và một ngàn rưỡi ducat mà Dragut, vượt qua sự miễn cưỡng của bản thân, đã trả chàng. Hai ngày sau khi rời khỏi Jerbah, quý ngài Brancaleone chia tay gã cướp biển với những lời từ biệt tốt đẹp nhất từ cả hai phía, rồi chàng Genoa chuyển hướng Tây Bắc về phía bờ biển Tây Ban Nha.
Mãi mấy tháng sau Dragut mới biết hoàn toàn những bí ẩn bên trong thái độ của Brancaleone. Gã biết được câu chuyện từ một tù nhân người Genoa, thuyền trưởng một chiếc tàu buôn bị bọn cướp biển chặn bắt ở eo biển Messina. Anh chàng này cũng mang họ Brancaleone. Biết chuyện, Dragut đã hỏi người tù liệu anh ta có họ hàng gì với một người có tên Ottavio Brancaleone, người đã đi Tây Ban Nha cùng cháu gái đô đốc Doria.
«Đó là em họ tôi », người tù trả lời.
Và Dragut được biết, bất chấp sự phản đối của cả gia đình Doria, không những không nản chí bỏ cuộc, anh chàng Brancaleone ngang ngược còn tìm cách thuyết phục được Madonna Amelia cùng bỏ trốn. Ngài đô đốc nhận được tin động trời đúng vào lúc chuẩn bị ra khơi, và không chỉ để săn lùng Dragut, mà còn để bắt trở lại hai kẻ đào tẩu, đã khiến Doria truy đuổi xuống phía Nam tới tận Jerbah, vì ngài đô đốc có đủ lý do để nghi ngờ rằng cả hai cùng có mặt trên một trong những chiếc galley của Dragut. Ngài đô đốc đã thề sẽ treo cổ Brancaleone lên giằng buồm trước khi trở lại Genoa. Và sự cay đắng của ngài sau cú thoát hiểm ngoạn mục của Dragut càng tăng thêm một bậc khi cả Brancaleone cũng đã thừa cơ tẩu thoát.
Dragut trở nên nghĩ ngợi khi gã đã được nghe toàn bộ câu chuyện.
“Thử nghĩ mà xem”, sau đó gã nói với Othmani,”ta đã trả cho con chó tham lam đó một ngàn rưỡi ducat, lại còn giao cho y một chiếc galley với hai trăm nô lệ Thiên chúa giáo. Trong khi chuyện mà y gọi là giúp cứu mạng ta thực ra cũng là để cứu cái cổ của y”.
Thế nhưng gã cũng không hề bực tức. Suy cho cùng, chàng Genoa đã xử sự một cách hào phóng – cho dù là xuất phát từ nhũng lý do chẳng hào hiệp gì - khi nhường lại cho Dragut toàn bộ phần vinh quang. Sự ngưỡng mộ của Dragut với chàng quý tộc ranh mãnh thậm chí còn tăng lên. Cuối cùng thì chẳng phải chàng là người Thiên chúa giáo duy nhất đã từng qua mặt được Dragut đó sao ? Nếu có điều gì làm gã nuối tiếc, thì đó là tại sao một trí tuệ thông minh đến thế lại nằm trong thân hình một kẻ tà đạo. Nhưng Allah là Đấng Toàn Năng.

HẾT

Vài chú thích về các nhân vật lịch sử có thật xuất hiện trong truyện:
*Suleyman, hay Suleyman the Magnificient (1494 - 1566): sultan Thổ Nhĩ Kỳ từ 1520.
*Hoàng đế Charles, tức Charles-Quint (1500-1558): vua Tây Ban Nha, hoàng đế Đức. Vào lúc xảy ra câu chuyện Genoa cũng thuộc lãnh thổ của Charles.
*Andrea Doria (?-?): đô đốc hạm đội Địa Trung Hải của Charles.
*galeasse, galley: tên các loại thuyền chiến thời đó, thường chỉ có một cột buồm và khi cần di chuyển nhanh hay đi ngược gió phải dùng mái chèo do các nô lệ hay tù khổ sai điều khiển. Theo seahawk đọc được thì galeasse có kích thước lớn hơn galley.



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 667

Return to top