14
Mười giờ sáng mồng bảy tết, Quang, con trai út từ NhaTrang về cùng cô con dâu tương lai của tôi. Anh đang ngồi dưới bếp nhìn tôi làm thức ăn trưa, nhìn thấy Quang, anh vội vàng đứng dậy, bước ra ngoài sân đón. Tôi nghe anh nói:
- Quang, Hằng phải không?
Anh tự giới thiệu:
- Chú là bạn của Mẹ từ thời còn đi học, ở xa về thăm gia đình Quang.
- Dạ, con chào chú. Nghe Mẹ nói có bạn đến chơi Tết nên con và bạn gái về thăm mẹ. Chúng con muốn Mẹ được vui.
Thêm một lần nữa không có khoảng cách giữa anh và con trai tôi. Anh hòa nhập rất nhanh và lấy được tình cảm của tất cả mọi người.
Trưa hôm đó cả nhà cùng ăn cơm, chuyện trò vui vẻ - Duy nói:
- Thời gian sau này con thấy Mẹ vui nhiều hơn – Có lẽ Mẹ gặp lại được nhiều bạn học cũ phải không chú?
- Đúng rồi con, chú đã cố gắng lôi kéo Mẹ trở lại với bạn bè, chú cũng cảm thấy vui lắm.
Quang tính tình ít nói nên chỉ hỏi thăm anh vài câu thôi. Riêng tôi vẫn yên lặng lắng nghe mọi người trò chuyện. Thỉnh thoảng ngước mắt nhìn anh. Hằng, bạn gái của Quang cười, nói với tôi một cách rất tự nhiên:
- Tết năm nay vui nhiều phải không cô? Con hỏi thật lòng cô chú đừng giận. Con nghĩ là giữa cô Chú ngày xưa chắc có một tình cảm đặc biệt lắm?
Câu hỏi này mở đầu cho thắc mắc của các con tôi. Điều mà hai con trai nhút nhát của tôi cũng rất muốn biết.
Anh cười vui vẻ:
- Mấy con không biết đâu. Mẹ con ngày xưa đẹp lắm. Mẹ hiền, dịu dàng, không hề trang điểm nhưng Mẹ có sức hút kỳ lạ. Ai cũng yêu Mẹ..trừ chú (nói câu này anh nhìn tôi)
Duy cười:
- Ai cũng yêu, trừ chú... hì hì. Như vậy chắc chú là một con người kỳ lạ lắm mới vậy?
- Ồ, không đâu con. Chú cũng chỉ là con người bình thường thôi. Nếu chú có hơi kỳ lạ thì… ai chịu cho nỗi.
Tôi vào phòng đem ra những kỷ vật ngày trước mà tôi đã có với anh. Hai lá thư đã cũ, có một cái rách hết phần đầu do những năm tháng lưu lạc tôi bảo quản không kỷ nên bị chuột cắn. Hai tấm thiệp có hình hoa hồng nhung rất đẹp, còn như mới. Những bài thơ anh làm tặng tôi lúc ấy đều được con trai và con dâu tôi đọc say mê. Chúng nó có vẻ lạ lắm khi nhìn những kỷ vật của tôi.
Chỉ biết những gì ngày xưa anh tặng, tôi vẫn còn giữ. Khi cầm lá thư của anh trên tay, Duy thốt lên:
- Sao mà thời của Mẹ đẹp quá. Con không nghĩ là Mẹ còn giữ những kỷ vật này lâu như vậy.
Hằng cầm tấm thiệp anh tặng lên xem.
- Tấm thiệp đẹp quá. Người tặng có lẽ cũng lãng mạn, đa tình lắm và người nhận dù có trái tim bằng đá cũng phải mềm lòng, phải không cô?
Tôi chỉ biết cười. Hằng quay sang Quang:
- Em chưa được ai tặng cho tấm thiệp như vậy bao giờ, tủi thân quá.
Nói xong rồi cười.
Anh an ủi Hằng:
- Tuổi trẻ chúng con bây giờ cần gì tặng thiệp cho nhau. Chỉ cần vài thao tác là có ngay tấm thiệp đẹp gởi cho người thân rồi.. Nhờ ngày trước không có điện thoại di động, máy tính nên bây giờ mới có những thứ này cho các con xem đó.
Chiều hôm ấy anh lên Dục Mỹ thăm người thân, không ở lại với chúng tôi. Đêm đó các con tôi bàn luận về anh rất nhiều, một con người bình dị, đơn giản dễ gần “Mẹ cần những người bạn như vậy để chia sẻ những buồn vui, chúng con ở xa Mẹ, không gần gũi Mẹ được”.
Trong lòng tôi cảm ơn các con vô cùng. Chúng nó đã lớn và hiểu được tình cảm của Mẹ mình.
Sáng hôm sau anh quay lại nhà tôi thật sớm. cả nhà cùng ăn sáng và chia tay nhau.
Mọi người cùng ngồi uống cà phê ở ngã ba ngoài quốc lộ. Trong giờ phút cuối cùng sau ba mươi lăm năm gặp nhau, anh im lặng ngồi nhìn tôi cúi đầu. Tôi và anh cùng hai con trai và con dâu tôi không ai nói với nhau lời nào. Thỉnh thoảng Quang lén nhìn nét mặt anh rôi xoay sang nhìn tôi, quan sát. Anh dứt khoát không chịu đi trước mà chờ đón xe cho tôi.
Khi ngồi trên xe khách nhìn xuống, tôi nhìn anh và hình dung như anh đang lướt qua hành lang lớp học, nhìn tôi với đôi mắt buồn rười rượi rồi mất hút ngoài cổng trường.
Tôi đã nhìn thấy giọt nước mắt lăn trên má gầy guộc của anh buổi sáng hôm đó. Anh khóc! Trời ơi! anh đã che dấu đi cảm xúc hai ngày qua mà tôi không hay biết gì.
Cuộc gặp gỡ đầu tiên sau ba mươi lăm năm đã diễn ra như vậy. Nó nhẹ nhàng và nhiều cảm xúc. Nó xảy ra như ngày xưa anh chợt đến rồi bất ngờ ra đi.
Chuyến xe chở tôi về lại phố núi hôm đó như dài vô tận.
o O o
Những ngày gặp nhau không nói được gì nhiều. Cả anh và tôi đều ý thức được rằng bây giờ cả hai cũng đã lớn tuổi rồi, không còn bồng bột như ngày xưa nữa, phải biết tự kềm chế cảm xúc từ trái tim mình. Hơn nữa, con cái chúng tôi giờ đã lớn khôn, không thể cứ chơi vơi theo tình cảm mặc định được.
Công việc đầu năm của tôi như thường lệ, từ 3 giờ sáng đến 5 giờ chiều, nhưng điều đáng mừng là từ ngày gặp lại anh, tôi thấy tâm hồm mình nhẹ nhỏm, thanh thản hơn. Nhớ thương anh nhiều nhưng phần nào cũng giải tỏa được phiền muộn trong tôi.
Như anh đã hứa, không có gì phải lo sợ khi chúng tôi gặp nhau. Mọi chuyện diễn ra tốt đẹp ngoài mong đợi của tôi. Tất cả là nhờ ở anh. Anh đã biết mình cần phải làm gì, phải xử sự như thế nào cho đúng. Tôi thầm cám ơn anh.
Anh vẫn thường hay gọi điện thoại cho tôi. Nhất là vào những khi tôi chuẩn bị làm việc lúc ba giờ sáng. Tôi luôn có cảm giác anh ở bên cạnh mình. Tôi phải mang earphone để vừa làm việc, vừa nghe anh nói. Anh kể cho tôi nghe đủ thứ chuyện. Thường là hay chọc cho tôi cười để quên đi cái mệt và sự sợ hãi trong khuya vắng. Thi thoảng gởi cho anh vài tin nhắn. Kể anh nghe chuyện việc làm trong ngày.
Chúng tôi xem nhau như hai người bạn rất thân. Tôi biết anh cũng như tôi, trách nhiệm với gia đình luôn đè nặng đôi vai, nên mặc dù tình yêu xưa vẫn còn nhưng chúng tôi tự biết cách dừng lại.
Một hôm, có ba người trung niên vào quán tôi ăn uống. Họ than phiền về việc kinh doanh buôn bán khó khăn, và nhắc đến tên một người như anh. Tôi lắng nghe và biết người đó đang sống ở thành phố của anh, lân la đến hỏi chuyện và đúng là anh thật. Tôi giới thiệu là bạn học của anh hồi phổ thông. Nghe vậy họ rất mừng và kể cho tôi biết đã mang ơn anh như thế nào.
Sau này thường xuyên đến quán ăn, tôi biết tên họ là Thái, Thảo và Nhân. Ba người này khâm phục và ngưỡng mộ anh. Họ nói anh là một người nhân hậu, anh đã cưu mang giúp đỡ rất nhiều khi họ gặp khó khăn. Trong thời gian làm ăn cùng anh, họ đã được giúp đỡ rất nhiều.
Từ đó tôi biết anh có một xưởng cơ khí sản xuất một loại phụ tùng gì đó trong ô tô, cung cấp cho các tỉnh miền Trung và cao nguyên. Các chủ xe tải và xe khách biết đến anh.
Thời gian sau này, Tâm, em trai tôi thỉnh thoảng có chở khách du lịch về thành phố nổi tiếng của anh. Đôi lần ghé thăm và ở lại nhà anh, về kể lại với tôi:
“Anh ấy là một người kỳ lạ, gia đình anh cũng vậy. Mọi người sống hạnh phúc và tốt bụng. Em không hiểu sao anh ấy lại yêu chị lâu như vậy?” Tôi mỉm cười vì biết rằng có giải thích, em tôi cũng không thể hiểu.
Ba năm sau ngày gặp lại anh. Gia đình tôi đón cô dâu út. Tôi sống xa gia đình, chuẩn bị đơn thân với những công việc trọng đại như thế này khiến tôi vô cùng lo lắng, lúng túng không biết phải làm như thế nào. Từ chuyện đi thăm nhà gái đám hỏi, mọi điều nhờ anh tư vấn cho tôi. Anh chị em của tôi không giúp được gì, thỉnh thoảng hỏi thăm rồi thôi, may nhờ có anh nên mọi chuyện cũng suôn sẻ.
Đám cưới con trai, tôi không định mời bạn bè vì hoàn cảnh của tôi bây giờ không thể tổ chức một buổi tiệc đầy đủ được. Hơn nữa đã từ lâu lắm rồi, khi trôi dạt về phố núi này cũng chẳng còn ai nhớ đến tôi, không ai biết tôi sống như thế nào và ở đâu. Chỉ có một lần khi Mẹ tôi đau phải vào Bệnh Viện Chợ Rẫy. Anh đã âm thầm nhắn tin cho một vài người bạn biết. Lần đó, T.H và chị T. có đến thăm tôi tại bệnh viện.
Vài tháng trước ngày tổ chức đám cưới, anh động viên và khuyến khích tôi rất nhiều. Anh muốn tôi mời tất cả bạn học cũ, xem như đây là cơ hội để gặp nhau. Tôi phân vân không biết có nên như vậy không vì xa cách lâu ngày rồi chắc gì đã có người nhớ đến mình mà nhận lời dự tiệc. Anh thuyết phục mãi tôi phải xiêu lòng. Một tháng trời gọi điện thoại thăm dò và cuối cùng là gởi thiệp đi.
Một hạnh phúc bất ngờ. Gần 30 bạn học cũ đến dự. Có người mà tôi chưa gặp lại sau hơn ba mươi lăm năm.
Món quà tôi nhận được ngày cưới con trai tôi giá trị nhất chính là anh.
Khi anh đến tiệc đã vào nửa tiếng. Khách đến đã đông, nhất là bạn bè củ ngày còn đi học. Anh đến khiến mọi người bất ngờ về người khách lạ. Khuôn mặt rạng rỡ nụ cười, anh chào hỏi mọi người thân của tôi rồi ngồi cùng bạn bè. Có những người gần bốn mươi năm anh mới gặp. Đúng như anh nói, một cuộc hội ngộ bất ngờ. Ngày hôm đó thật vui với tôi.
Tan tiệc anh về cùng bạn bè và hứa đêm đó sẽ quay lại để vui cùng gia đình tôi, nhưng không may hôm ấy Cô anh bệnh nặng, đi cấp cứu ở NhaTrang, anh phải vào theo nên không quay lại được, vợ chồng con trai tôi quí anh nên rất buồn.
Hôm sau tôi vào NhaTrang tiễn anh về. Chuyến bay của anh vào lúc một giờ ba mươi phút. Anh đón tôi ở bến xe, cùng đi Taxi đến một quán cà phê. Tôi không còn nhớ rõ ở trên đường nào. chỉ biết đó hình như là một con đường dẫn xuống biển mà ngày xưa hai đứa tôi đã đi qua
Chúng tôi có cả buổi sáng bên nhau..
Trong đời tôi chưa bao giờ đi giữa phố với một người đàn ông nào, kể cả với chồng tôi để vào quán cà phê nên tôi lúng túng, vụng về bước theo anh.
Đây là lần đầu tiên tôi thật sự ở bên anh. Chúng tôi kể cho nhau nghe rất nhiều chuyện đã xảy ra từ ngày chúng tôi xa nhau. Những ngộ nhận vô lý và cả sự sắp đặt của ông trời để chúng tôi không được gặp nhau.
Anh kể về cuộc sống gia đình anh. Một người vợ tuyệt vời đã cưu mang tâm hồn anh từ ba mươi năm qua, một người vợ hiền chung thủy, giỏi giang. Anh tự hào về hai đứa con của mình. Con trai anh dù có hơi khuyết tật trong lúc sinh nhưng vẫn cố gắng học hết cấp 3. Cô con gái lớn là giảng viên đại học kiến trúc – Thạc sĩ kiến trúc sư, hiện nay đang làm việc cho một công ty nước ngoài. Ngày đi học anh mơ ước trở thành một nhà văn hoặc một kiến trúc sư nhưng số phận đưa đẩy anh theo ngành cơ khí, cái nghề mà anh ghét vô cùng nhưng cũng nhờ nó mà anh làm nên sự nghiệp.
Anh kể tiếp, giọng đều đều, chậm rãi như xoáy vào tim tôi
Ngồi nghe anh kể mà nước mắt tôi chảy dài. Anh nói nhiều lắm…
Năm 2012.
Tôi trở về nhà ăn Tết sau hai tháng quay lại buôn bán. Quán phở “Hương Quê” bây giờ do tôi trực tiếp quản lý, không làm ăn chia với em gái tôi như trước nữa nên thoải mái hơn. Tôi thật sự may mắn khi cả gia đình chồng và vợ chồng em gái tạo cơ hội cho tôi có nơi chốn và công việc làm ăn. Nhờ đó mà tôi đã tạm ổn định cuộc sống.
Gia đình tôi bây giờ ấm cúng hơn vì có thêm cô con dâu mới.
Đêm giao thừa tôi thức dậy đón năm mới, Anh là người đầu tiên gọi điện thoại chúc Tết tôi. Cảm thấy vui như anh đang ở trong ngôi nhà này cùng với tôi, ngồi uống trà và nhận lời chúc cho nhau.
Chiều mồng 4 Tết bạn bè chúng tôi họp mặt ở nhà Phạm Lánh. Tuy không đông đủ nhưng đầy ắp tình thân, tiếng cười khi những kỷ niệm thời đi học được nhắc lại.
Năm nay tôi không vội vã trở lại công việc anh khuyên tôi nên ở lại chờ đến ngày giỗ anh Trí xong (14/tháng giêng âm lịch) rồi lên cũng được. Tôi có một thời gian dài với con cháu, có dịp đi thăm bà con, bạn bè.
Những ngày sau, tôi chỉ biết đi lên xuống trong ngôi nhà vắng vẻ, không biết chuyện trò với ai. Ngồi nhớ lại hôm tiễn anh sau đám cưới, nhớ nụ cười, nhớ ánh mắt. Nhớ lại buổi sáng uống cà phê với anh. Hôm đó tôi hỏi anh:
- Vì sao anh bỏ đi mà không nói gì với em?
- Vì sao em không biết? Em còn nhớ cái buổi chiều sau khi mình ở Nha Trang về. Em vào lớp học còn anh ngồi suốt buổi ở quán nước bà N. trước cổng trường chờ em. Giờ tan học em bước ra cổng, anh bên kia đường. Chiếc xe Jeep quân đội chạy đến, em và ông trung úy ngồi trên xe nói gì với nhau đó mà anh không nghe được…
Anh bỏ đi bắt đầu từ chiều hôm đó. Anh đã đi thẳng vào Trung tâm nhập ngũ, đói lắm vì không có tiền, Tại đây anh gặp Bùi Đắc Nam (quán nhậu Kim Hồng ở Dục Mỹ), Vũ Minh Chính (anh của Vũ Quốc Thắng). Sau này ra trường mỗi đứa một nơi, anh về đặc khu Cam Ranh. Anh nhớ Vũ Minh Chính là thủ khoa, Bùi Đắc Nam làm việc ở Nha Trang. Năm bảy tư anh và Nam cùng thi tú tài IBM một lần, cùng một Trung tâm. Sau này anh và Nam vẫn thường xuyên liên lạc với nhau.
- Em đã có lần vào Cam Ranh trình diễn văn nghệ với đơn vị Ba em, nhưng không nghĩ là anh đi lính ở đó.
Lời Tự Tình Của Anh
Sau buổi vào Nha Trang cùng em trở về, anh không vào lớp học như thường lệ mà ngồi ở quán nước bên kia đường. Chiều hôm đó anh rất buồn vì cuộc tranh luận của anh và em lúc sáng. Em không hiểu anh hay là anh không hiểu được em, anh cũng không biết nữa nhưng giận ghét em ghê lắm.
Chờ đến lúc tan trường cùng về với em. Nhưng mọi chuyện như đã sắp đặt sẵn rồi. Chúng ta không có duyên nợ với nhau. Chiếc xe jeep của ông trung uý ấy là giọt nước làm tràn ly.
Mấy đêm sau anh đã lên quán nhà em ngồi như một người điên. Anh điên thật sự. Em đã nhìn thấy anh lúc đó rồi phải không? Đầu anh muốn vỡ tung trong những đêm đó, suy nghĩ rất nhiều. Anh yêu em đến mức có thể nỗi loạn lên nếu lúc đó có ai đụng vào anh. Nhưng may là không ai cả.
Anh còn nhớ nợ em ba ly cà phê chưa trả. Lúc đó không phải anh quên chuyện này. Anh cố tình như vậy. Không phải để gây hấn với em đâu. Anh muốn nợ em suốt đời với chỉ ba ly cà phê. Tấm hình của em tặng anh đêm đó, đi theo anh suốt ba mươi lăm năm. Nó luôn ở bên cạnh anh.
Ngày cuối cùng anh ra đi là một ngày thực sự kinh hoàng trong đời anh. Ngồi trong lớp học anh suy nghĩ chuyện của mình không thể có một kết thúc đẹp được, nhìn ra ngoài cửa sổ có nhánh sầu riêng nở hoa tím nhạt đẹp quá. Nó làm dịu bớt sự căng thẳng trong đầu anh lúc đó. Khi cơn gió thổi mạnh, một hoa tím ấy rơi vào phòng học. Không hiểu sao lúc ấy anh quyết định đột ngột, đứng dậy và ra khỏi phòng. Ngang qua phòng em học, thấy em nước mắt chảy xuống, anh càng hốt hoảng bước thật nhanh.
Anh không biết mình đi đâu lúc đó. Đi để làm gì? Chỉ biết cần phải xa em thật nhanh. Thật xa.
Anh định tìm bến xe để về nhà. Không còn ý thức được bến xe nằm ở đâu nữa. Cứ lang thang như vậy cho đến buổi chiều. Không còn tiền trong túi nữa. Khi anh ý thức được điều này có nghĩa là đường về nhà không còn nữa. Anh thất vọng chán chê. Buồn, hận. Cảm thấy thân phận mình chơi vơi lúc đó nhưng anh không quay lại Dục Mỹ. Nhất định là như vậy. Anh muốn thật xa em, tránh để không còn nhìn thấy em bên những gã đàn ông ấy nữa.
Còn một điều anh không thể quay lại nhà Cô anh. Trước đó hai ngày Cô anh bị mất một số tiền khá lớn. Mọi nghi ngờ đều dồn vào anh!
Nơi có thể cho anh chỗ trú ngụ là trung nhập ngũ. Anh đi thẳng vào đây mà không biết mình đang làm gì. Anh chẳng ý thức về việc làm của mình lúc ấy.
Ra trường anh được về Đặc Khu Cam ranh làm việc. Thỉnh thoảng có về Dục Mỹ nhưng cương quyết không đến gặp em nữa. Anh giận em! Anh ghét tất cả những gì là của Dục Mỹ.
Thật ra, giận em chỉ là một lý do nhỏ thôi để anh không đến tìm em. Anh mặc cảm vì thua thiệt với mọi người. Những con người luôn quanh em. Họ tặng những món quà giá trị cho em, tán tỉnh em, làm thơ yêu em. Anh biết hết! Họ là những sĩ quan có học thức và kinh nghiệm sống. Còn anh là gì đâu. Thằng bé con học đòi.
Cũng nhờ mặc cảm vậy mà anh lao vào học. Anh học như điên. Từ trong quân trường anh đã học rồi. Học bất cứ nơi đâu anh có thể cầm được cuốn sách. Anh còn nhớ, cuối năm bảy mươi ba, một lần đến thăm Ngô Nhị, em cô cậu với anh đang trọ học ở Nha Trang. Anh đã đánh cắp cuốn Vạn Vật lớp mười hai của nó. Nó không nghi anh lấy vì nghĩ rằng anh lấy cũng chẳng để làm gi.
Tháng sáu năm bảy tư anh dự thi Tú Tài cùng với Bùi Đắc Nam. Đây là kỳ thi IBM đầu tiên. Không biết may mắn thế nào anh lại đậu. Vậy là ngay tức khắc anh nộp đơn vào Thủ Đức. Ý định của anh sau khi ra trường sẽ trở về tìm em, ra sao cũng mặc. Chuyện đã không mong muốn như anh nghĩ.
Thời cuộc thay đổi, anh trở về với tấm thân tàn tạ sau cuộc chiến.
Anh đi lao động trên một công trường nơi vùng rừng núi gần biên giới Lào hai năm. Tháng tám năm bảy lăm anh xin phép về để tang cho Ba anh. Trong buổi chiều nắng nhạt, buồn nhớ. Anh viết lá thư đầu tiên cho em sau hơn hai năm bỏ đi. Lúc đó anh mặc cảm với thân phận mình ghê gớm. Nghèo khổ vì sau chiến tranh Ba mất, nhà cửa tan hoang. Một số phận chưa biết đi về đâu. Anh nghĩ em có lẽ bây giờ đã yên phận chồng con rồi. Người ta giàu có, học thức mà. Chắc chắn em đã đồng ý về làm vợ ông G. để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Anh chẳng là cái quỷ quái gì hết. Trong suy nghĩ anh lúc đó, chẳng là gì với em cả. Anh mặc cảm!
Lá thư viết cho em, anh rất dè dặt trong cách xưng hô. Biết em có đón nhận và đọc không? Hay là chỉ nhìn thấy tên người gởi đã xé vụn rồi vất đi. Ngoài bì thư anh không ghi tên người gởi là vì vậy. Nội dung thư anh chỉ dám nhận mình là một người bạn củ. Kèm theo thư còn một lá thư khác nữa, cũng chỉ là bạn.
Lá thư anh gởi đi không có hồi âm.
Gần một tháng sau. Từ trong rừng sâu anh đã viết cho em lá thư thứ hai. Mùa Đông ở rừng núi khắc nghiệt lắm. Cái lạnh xuyên suốt thân thể mình. Cheo leo trên sườn núi đá, hơi lạnh toả ra ngấm thấu xương. Đó là những tháng ngày đời anh tuyệt vọng. Không có gì để gọi là là vui. Trong sâu bạt ngàn cây rừng, mưa rơi xuống từng hạt từ trên ngọn cây cao vút. Tiếng gió rít. Tiếng vượn hú. Buồn thê lương. Anh nhớ em quay quắt, nhớ điên cuồng nhưng không biết phải làm cách nào. Lúc ấy anh nghĩ em xa vời với anh quá. Có đứng trước mặt thì em cũng không phải là của anh. Tuyệt vọng cùng cực. Thêm nỗi đau của thể xác lẫn tâm hồn, anh chẳng biết làm gì hơn là viết thêm cho em một lá thư nữa. Cũng là để vơi bớt nỗi buồn thôi.
Lúc ấy anh nhớ em, em biết không?
Lần này cũng vậy, chỉ dám viết như một người bạn. Kèm theo lá thư gởi cho cô ấy.
Không có một âm vang nào vọng lại. Nó như viên sỏi ném vào biển khơi. Anh tuyệt vọng, buồn chán.
Ngày tháng rồi cũng trôi qua. Hai năm sau anh được về nhà.
Anh nhớ khi trở về đến thành phố, người ta nhìn bọn anh như những người xa lạ. Như một bọn người rừng thì đúng hơn. Mình là người thành phố chính gốc. Sinh ra và lớn lên từ nơi này. Vậy mà khi trở về mình như xa lạ tất cả. Những người trước đây ở nông thôn, bây giờ ra đây, tràn ngập thành phố lại xem mình như trên núi xuống. Họ thản nhiên nhìn, thản nhiên quay mặt đi. Bọn anh tủi thân lắm!
Hai hôm sau khi quay về, anh tức tốc vào Dục Mỹ tìm em. Số phận trớ trêu. Em vừa đi lấy chồng trước đó nửa tháng. Anh chậm hơn anh Trí mười bốn ngày để cuối cùng thật sự mất em mãi mãi. Lúc đó anh mới tin rằng không còn em để anh hy vọng nữa. Mối tình của anh đã theo em trong một chiều mùa Thu năm bảy mươi bảy. Anh hận em từ đó.
Anh Trí đã đưa em đi mất rồi! Anh còn nhớ cảm giác đau buồn của anh lúc đó. Nhớ suốt đời. Đau khổ còn hơn lần anh bỏ đi. Lần trước anh mất em một nửa còn lần này anh đã mất hẳn em.
Anh trở về mà không kịp đợi Cô anh để xin tiền xe vì cô đã đi Buôn Mê Thuột. Vào chợ Đầm bán chiếc áo lạnh vừa đủ tiền cho chuyến xe – Đó là ngày 26/7/1977. Anh chậm hơn anh Trí nửa tháng. Anh mất em thêm lần nữa. Mất hẳn thật rồi.
Anh bắt đầu uống rượu. Chất men giúp cho anh quên đi. Khi say người ta thấy mình trẻ con hơn. Anh muốn được là đứa trẻ để khỏi phải cảm nhận điều gì nữa. Anh say suốt ngày.
Rồi cũng có lúc phải bừng tỉnh. Anh làm con người lương thiện ban đêm. Ban ngày anh học cách lừa lọc để sống.
Anh viết văn! Một truyện dài ra đời. Một câu chuyện tình buồn.
Anh đốt bỏ vì nó buồn quá.
Anh lao vào những cuộc tình. Mượn những cô gái khác để trả thù em. Những cô gái trẻ măng, xinh đẹp, mơn mỡn. Anh xấu xa đến mức Mẹ phải can ngăn.
Rồi anh lấy vợ, một người con gái không đẹp bằng em lắm. Cô ấy sau này là một người vợ hiền, đảm đang và rất yêu anh. Cuộc đời anh vẫn còn cái may là gặp được cô ấy. Nếu là người phụ nữ khác chắc đã bỏ anh ra đi lâu rồi. Anh mang ơn người vợ đã thương yêu anh, giúp đỡ anh những lúc khó khăn nhất. Đã cưu mang tâm hồn anh cho đến tận bây giờ.
Nhưng anh không quên được em! Đó là điều bất hạnh nhất đời anh.
Em có biết anh đã vào tìm em bao nhiêu lần không? Một ngàn lần!
Vài ba năm một lần
Năm một chín tám mươi anh vào Dục Mỹ. Tháng mười hai năm đó, anh đứng bên cạnh hàng rào nhà em nhìn vào trong. Nơi đó em và chồng em cùng nhau ôm đứa con trai mới sinh đùa dỡn cùng nhau. Lúc ấy em đẹp rực rỡ còn con trai em là một thiên thần. Đứng lặng nhìn như một tên trộm, anh mừng cho hạnh phúc của em. Chồng em xứng đáng được nhận tình yêu của em. Anh ấy là một người có học thức và khá giả, anh nghĩ như vậy.
Anh lặng lẽ quay về. Một tháng sau anh cưới vợ.
Năm một chín tám tư anh vào thăm em lần nữa. Cũng đứng nhìn hạnh phúc của em như vậy rồi lặng lẽ ra về. Buồn vui lẫn lộn. Anh yêu em nhiều nên luôn cầu nguyện cho em được hạnh phúc mãi mãi. Cầu mong anh T. đừng ruồng bỏ em. Cầu mong em được sống sung sướng bên người chồng của mình.
Rồi một lần khác vào thăm em. Như những lần khác, anh đã lên quán cà phê nhà em. Đứng ngẫn ngơ nhìn. Mỗi lần như vậy buồn lắm. Anh cố tìm lại giàn bông giấy nhưng cũng chỉ có trong ký ức mà thôi. Anh tìm nơi em đã ngồi học, tìm gốc cây hải đường, nơi anh nhét vội lá thư. Anh tìm mái tóc em bên ánh đèn màu. Anh đi tìm kỷ niệm..
Chiều hôm đó chưa tìm được gì đã phải chạm đôi mắt u buồn của em bên kia đường. Anh chơi vơi, hụt hẫng. Anh ngậm ngùi tiếc nuối. Anh hận em!
Nhưng chính lúc ấy anh nhận ra em vẫn còn yêu anh. Làm sao có thể dấu anh được điều đó. Đôi mắt em đã nói cho anh biết như vậy. Nhưng rồi khi quay lại nhà, anh chợt nghĩ, chỉ là một cảm xúc bất ngờ nên em vậy thôi.
Năm tám mươi chín, anh vào thì nghe tin không vui, buồn và giận em lắm. Người ta nói đủ thứ về em. Anh không tin nhưng anh vẫn giận em. Anh biết em là một cô gái nhút nhát, ngoan hiền. Em không như vậy đâu, chắc chắn là vậy
Đến năm chín mươi hai anh vào lần nữa để nhìn được em. Gia đình em đã chuyển qua bên kia núi Phượng Hoàng rồi. Anh quay về chết lặng trong người. Sẽ không bao giờ còn được nhìn em nữa..
(xem tiếp phần cuối)