Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> HẠT SƯƠNG MONG MANH

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 7832 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đăng bởi: lanngoc 11 năm trước
HẠT SƯƠNG MONG MANH
Nguyễn Thị Ngọc Lan

phần mười hai
12
Mùa hè năm 2003 chị T. gọi cho tôi từ Sài gòn:
- Lan phải không? Chị T. đây. Còn nhớ chị T. ở Dục Mỹ không em?
Tôi nhận ra chị ngay. Chị T. là một trong những mỹ nhân ngày ấy làm sao có thể quên chị được. Dục Mỹ có được bao nhiêu cô gái xinh đẹp, nỗi tiếng đâu.
- Dạ, em nhớ! Em nhận ra mà chị. Ngày xưa chị đẹp, lại có nét giống ca sĩ Thanh Lan, chị hiền lại hay cười. Chị khỏe không? Lâu quá rồi em mới được một người quen gọi hỏi thăm, mừng lắm chị.
Chị T. cười vang trong điện thoại.
- Mới gọi cho em đã chọc chị rồi! Em cũng đẹp, cũng nỗi tiếng nhất Dục Mỹ còn gì. Vào SàiGòn được không? Có nhiều bạn bè và người quen muốn gặp em lắm.
Tôi nghe chị T. nói mà ngạc nhiên lắm. Ai là người còn nhớ đến tôi? Một phụ nữ bất hạnh, sống âm thầm bao nhiêu năm nay rồi. Còn ai nữa để nhớ đến mình. Có chăng là một chút hoài niệm củ mà thôi, những ai đó muốn gặp lại tôi có lẽ họ nghĩ tôi vẫn như xưa chăng? Vậy thì buồn và tủi thân tôi lắm.
Chị T. cố thuyết phục tôi cho bằng được. Chị nói “Có những con người đặc biệt muốn gặp một người xưa đặc biệt. Em phải vào. Không được từ chối nhé!”
Tôi vui thật sự khi nghe giọng nói của chị T. Như bản năng của con người tìm về với đồng loại của mình, tôi hạnh phúc lắm!
Cuộc sống càng khó khăn, càng đau khổ tôi càng muốn quên đi tất cả cho nhẹ lòng. Nhưng thật sự giờ phút này, khi nghe lại một người quen cũ ngày xưa, tự nhiên tôi rất mong được gặp lại bạn bè thân yêu của tôi. Dù vậy vẫn thấy có chút gì ái ngại, đắng cay.. Hơn 20 năm qua rồi, có được gặp gỡ ai đâu. Tôi do dự không biết có nên đi hay không? Liệu những người thân xưa có còn nhớ đến tôi, gặp lại có được ôm nhau hàn huyên như thuở học trò hay chỉ là những cái nhìn lạnh lùng.
Chiều hôm đó anh gọi, tôi kể lại cho anh nghe chuyện này và hỏi ý kiến anh. Không ngờ anh khuyến khích tôi nên đi, nên tìm lại bạn bè để được nhớ về thời cắp sách. Anh nói: “Bạn bè là chỗ dựa tốt nhất của em bây giờ. Cố gắng đi và giữ liên lạc với mọi người để lúc buồn phiền mà còn có người lắng nghe, than thở.
Nghe lời anh, tôi chuẩn bị hành trang. Không ngờ lại có những ngày vui như vậy.
Chuyến đi vào SàiGòn thật bất ngờ. Hôm đó tôi về Ninh Hòa ở lại nhà Duyên, rồi cùng Bỷ, Hồ Hoa lên đường… Đến SàiGòn, chúng tôi về nhà T.Hoa nghỉ lại. Hôm sau, một cuộc hội ngộ thật ý nghĩa và cảm động tại nhà hàng Đất Phương Nam. Được gặp lại thầy xưa, bạn cũ, cùng nhau ôn lại kỷ niệm của một thời, tôi không khỏi ngậm ngùi rưng rưng nước mắt.
Sau chuyến đi, tôi trở về nhà lòng bồi hồi xúc động. Không ngờ mọi người vẫn còn nhớ đến tôi như vậy...Những ý nghĩ không vui về bạn bè đã không còn trong tôi, tôi thật sự ấm lòng.
Trong chuyến đi đó tôi còn gặp một người quen củ. Anh N.P.T. Một người sĩ quan từng sống ở Dục Mỹ nhiều năm. Người trước đây rất yêu quý tôi và đã tặng cho tôi bức tranh vẽ cô gái dưới ánh đèn. Anh nghe tin tôi vào Sài gòn họp mặt bạn bè, anh đã đến tìm tôi. Đó là lần họp mặt đồng hương Ninh Hoà - Dục Mỹ ngay ngày hôm sau. Anh đến nhà hàng Đất Phương Nam nhưng không vào dự mà ngồi chờ tôi bên ngoài. Khi có người nhắn tôi ra ngoài sãnh gặp người quen, tôi bất ngờ thấy anh đợi tôi. Nếu anh không gọi tên có lẽ tôi đã không nhận ra anh rồi.
Tôi và anh chỉ nói chuyện trong chốc lát. Anh nói với tôi: “Em có thể cho anh xin số điện thoại để sau này liên lạc với em không?” Tôi trả lời rằng mình không có điện thoại. Tôi đã nói dối anh điều đó. Anh có nhã ý mời tôi đi ăn cơm cũng bị tôi từ chối. Đó là lần từ chối đầu tiên của tôi với anh. Sau này tôi đã hối hận rất nhiều.

o O o

Năm hai ngàn lẽ năm.
Hoàng Yến, một nữ bác sĩ làm việc tại Sài gòn. Cô học trò của chồng tôi tặng cho tôi chiếc điện thoại di động. Từ đó anh và tôi hay liên lạc với nhau nhiều hơn. Anh dặn dò:” Lúc nào buồn em cứ nhắn cho anh, không cần phải chờ anh gọi. Anh sẽ gọi lại cho em tiện hơn.”

Chúng tôi như được gần nhau nhờ cái điện thoại di động. Nhiều lần anh “dụ dỗ” tôi để được gặp mặt nhau nhưng tôi cương quyết không đồng ý. Nhất định là như vậy rồi. Tôi nói với anh: “Nếu anh còn đòi hỏi phải gặp nhau, em nhất quyết không liên lạc với anh nữa”. Một thời gian dài anh không nhắc đến chuyện này nữa.
Thực ra chúng tôi đã có thỏa thuận sẽ không bao giờ gặp nhau rồi. Bao nhiêu năm xa cách. Chịu biết bao nỗi đau nhưng cuối cùng đã tìm được nhau như vậy đã là hạnh phúc cho cả hai. Gặp nhau đâu có giải quyết được vấn đề gì. Chỉ thêm đau khổ cho nhau mà thôi.
Tôi còn nghĩ xa hơn nữa. Chúng tôi đều có gia đình hạnh phúc riêng. Có nên phá vỡ đi những cái đã tự gầy dựng lên không? Nếu gặp nhau, chúng tôi sẽ quyến luyến nhau. Điều đó có nên không? Sau đó chuyện gì sẽ xảy ra? Chắc chắn chúng tôi sẽ khó mà rời xa nhau được. Tôi nghĩ như vây nên mỗi lần anh nói đến điều này đều khiến cho tôi hoảng hốt.

o O o

Đầu năm 2005 dì tôi, nay đã 80 tuổi rồi, bất ngờ gọi điện thoại cho tôi
- Cháu sắp xếp ra dì chơi. Lâu rồi, dì nhớ mấy cháu lắm!
Lời mời gọi của dì thật tuyệt. Tôi không đắn đo suy nghĩ gì. Và có lẽ cũng vì anh. Đó là khoảng cuối tháng 3 dương lịch.
Tôi muốn về thăm thành phố của anh chứ không phải anh.
Tôi về ở lại nhà dì 5 ngày, cô em họ chở đi khắp phố phường. Thành phố này rộng lớn và đẹp hơn Nha Trang nhiều, đó là cảm nhận của tôi về nơi này. Có lẽ không công bằng với mọi người lắm nhưng tôi vẫn cho ở đây rất đẹp, con người rất thân thiện gần gũi.
Tôi lang thang khắp nơi. Không muốn cho anh gặp nhưng lại có một ý nghĩ muốn gặp anh tình cờ trên phố ngay chính thành phố của anh. Hai ngày tôi đi dạo khắp nơi. Đi bộ một mình qua các ngóc ngách phố xá. Xe cộ đông đúc, người qua lại đến chóng mặt.
Lúc đó tôi ước ao được gặp khuôn mặt quen thuộc ngày xưa tôi đã yêu thương. Mà chắc gì tôi đã nhận ra khi chạm mặt anh trên phố chứ. Mặc kệ. Tôi vẫn cứ đi như vậy suốt hai ngày.
Đến ngày thứ ba là ngày hội pháo hoa.
Chuyến đi này tôi thật may mắn. Năm nay ở đây có một lễ hội rất lớn. Tôi đã chứng kiến ngày hội bắn pháo hoa của thành phố anh, cũng là kỷ niệm trong tôi.
Chiều hôm đó, mọi người trong nhà dì tôi cùng nhau ra phố, hướng về bờ sông. Hàng chục ngàn người từ các tỉnh lân cận đổ xô về đây để chứng kiến bắn pháo hoa. Tôi chen chúc đi giữa dòng người, xô đẩy nhau để được đến gần chiếc cầu nổi tiếng mới xây xong. Cầu Xoay. Chiếc cầu thơ mộng bắt ngang con sông Hàn nối liền hai bờ. Trước đây khi chưa có chiếc cầu này, muốn qua bên kia phải đi vòng cả chục km mới đến.
Ai cũng náo nức muốn đặt chân lên cầu (lúc này đã cấm các loại xe) muốn được hưởng cái cảm giác lâng lâng, rộn ràng nhìn xuống giòng phẳng lặng và những chiếc thuyền hoa. Hơn nữa, nếu được ở đó sẽ xem pháo hoa rõ hơn.
Bước lên cầu, hai chân tôi run rẫy. Cầu dốc cao, khó nhọc lắm mới được chỗ đứng đầu cầu. Người nằm ngồi la liệt. Tất cả đang chờ đợi giờ phút thưởng ngoạn pháo hoa. Chỉ nửa tiếng thôi sẽ đến giờ khai mạc.
Tôi chợt nghĩ, giữa giòng người xô đẩy kia có anh ở đó không? Người thành phố anh ai cũng ra đường, đến đây tìm một đứng. Có lẽ anh cũng không ngoại lệ. Tôi ao ước được gặp anh bất ngờ, dù tôi biết rằng đã ba mươi ba năm rồi chắc gì tôi đã nhận ra anh – Nhưng một nỗi khao khát, thôi thúc trong tôi cứ muốn gặp anh dù anh đang đi cùng một người đàn bà khác, vợ anh.
Tôi không nhìn xuống giòng sông như mọi người mà cứ lắc lư, xoay phải, ngước trái. Tôi tìm anh. Chẳng có ai để tôi nhận ra đó là anh. Tôi không tìm được gì cả ngoài một khối người đang chuyển động liên tục chung quanh.
Tôi cảm thấy xây xẩm mặt mày. Mắt tôi bắt đầu hoa lên. Lúc này mọi chuyển động như dừng lại, mọi cặp mắt ngước nhìn lên.
Tiếng nổ lớn. Pháo hoa - pháo hoa nở trên bầu trời, xanh, vàng, đỏ, tím, đủ màu sắc. Tiếng đạn pháo bắn lên náo nhiệt, liên tục. Màu sắc rực rỡ trên cao.
Tai tôi điếc đặc, mắt không còn nhìn thấy được gì nữa. Tiếng nổ vang trời và ánh sáng muôn màu.
Tôi tức ngực quá! Không thể đứng vững được nữa rồi!
Thời khắc ấy tôi cảm thấy giống như buổi trưa hè nóng nực năm 1974. Trong buổi lễ hỏi.
Hai tay vịn thành cầu cho khỏi ngã. Tôi tưởng tượng anh đứng đó, trước mặt tôi, hai tay khoanh trước ngực, mặt buồn rười rượi với tiếng thở dài.
Tôi quay về cùng mọi người với hai giòng nước mắt.
Sau chuyến đi, tôi trở về và quyết định bán nhà, quay lại Dục Mỹ sống. Một quyết định khó khăn nhưng tôi đã quyết định sau nhiều đêm suy nghĩ.
Dục Mỹ hất hủi tôi nhưng ở đó tôi có tuổi thơ. Tình yêu đầu đời vẫn còn đâu đó trên những con đường, hàng cây, góc phố mà ở đây tôi không có được.
Ở đó có căn nhà tôn rách nát nhưng là nơi tôi đã chung sống những ngày hạnh phúc với chồng con mình. Tôi muốn quay lại giòng suối thơ mộng của thời áo trắng. Mười hai năm sống ở nơi này với tôi đắng cay, chua xót vậy là đủ lắm rồi. Chia tay nơi này thôi. Nơi đã cưu mang Mẹ con tôi trong những ngày tháng nhọc nhằn nhất.
Căn nhà ọp ẹp bán không được bao nhiêu, cũng tạm gọi là đủ để về mua lại mảnh đất ở Ninh- Xuân. Tôi nhờ người đến tính toán, xây dưng một căn nhà mới lợp tole bình thường, có đủ phòng cho vợ chồng con trai lớn, một phòng cho con trai út và phòng riêng cho tôi. Trước phòng khách có khoảng sân rộng để con trai lớn làm nghề cơ khí. Cuối nhà là bếp và sân sau. Nơi đây tôi có thể trồng cây và chăn nuôi được.
Nhà mới tôi nằm trên con đường lên Khánh Vĩnh, ở đây buồn hiu hắt, cách núi Đeo khoảng 5km. Đêm đêm nghe tiếng côn trùng hát ca mà buồn, nhớ về những ngày vui Dục Mỹ với vang vang tiếng nhạc từ quán cà phê nhà tôi.
Căn nhà chưa làm xong, tôi giao lại cho con trai lớn tự lo liệu, còn tôi theo lời gọi của T.H vào SàiGòn tìm việc làm. Tôi và con trai út, là bộ đội vừa xuất ngũ, ra đi sau.
Nhờ T.H giúp đỡ, giới thiệu cho tôi đến giúp việc cho nhà trẻ Hoa Sen do bà chủ tên là Kim Liên, khoảng ngoài bốn mươi tuổi quản lý. Nằm trong một con hẽm đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh. Công việc chính của tôi là nấu ăn cho các em bé và lo cơm nước riêng cho bà chủ nhà. Bắt đầu từ bốn giờ sáng cho đến khi không còn đứa trẻ nào nữa, vào chiều tối. Ngoài công việc nấu ăn, tôi còn phải dọn dẹp nhà cửa, lau chùi bàn thờ cho sạch sẽ.
Thời gian này vì cần tiền để trang trải nợ nần sau khi làm nhà nên tôi làm việc luôn ngày chủ nhật, giữ con cho một phụ nữ buôn bán ngoài chợ. Thằng bé ba tuổi khó tính khiến tôi khổ sở, cực nhọc vô cùng. Nhất là những lúc bồng ẳm cho nó ăn. Vì vậy tôi không có nhiều thời gian, cũng ít khi được đến thăm T.H.
Đêm ngủ lại một mình trong gian phòng rộng mênh mông của lớp học, trải hai chiếc chiếu nhỏ của mấy cháu dưới nền nhà làm chỗ ngủ cho mình. Chung quanh vắng vẻ đến rợn người, căn phòng thì hôi thối vì mùi nước tiểu trẻ con, nhưng cũng đành chấp nhận vì không thể khác hơn được.
Đó là những ngày không cực khổ hơn trước nhưng lại buồn và tủi thân ghê gớm. Buổi tối, tôi tranh thủ làm thêm việc ngoài để có thêm thu nhập. Tôi nhận đính hạt cườm lên quai guốc cho một người buôn bán giày dép ngoài chợ, thu nhập mỗi đêm như vậy cũng được vài ba ngàn, mỗi tháng được gần trăm ngàn nữa. Nhưng rồi cũng không được bao lâu. Bà chủ thấy tôi thức đêm chong đèn, tốn điện nên nói xa nói gần, tủi thân, tôi bỏ luôn công việc này.
Lo việc cơm nước cho các cháu không khổ tâm bằng việc lo cái ăn cho bà chủ nhà khó tính. Bà là một người theo Đạo Phật, hay đi lễ chùa và vì vậy mà quen biết với T.H, bạn tôi. Nhờ sự quen biết này nên tôi có được một công việc làm để kiếm tiền.
Hằng ngày, sau khi nấu ăn cho hơn bốn mươi cháu nhỏ ngày hai buổi xong, tôi lo nấu tiếp cơm nước cho bà chủ và cậu chủ nhỏ. Mỗi buổi dọn cơm lên lầu cho bà, trên mâm cơm lúc nào cũng phải có vài múi bưởi cho bà ăn tráng miệng. Bà dặn tôi:
- Khi nào nấu ăn có canh chua thì đừng đem bưởi lên làm gì, vì đã có chất chua rồi, nhé.
Vậy là tôi nghe theo lời bà sai bảo thế nào thì làm như vậy, không dám trái lời.
Một hôm, ăn trưa đã có món canh chua cá lóc, tôi nhớ lời bà nên không mang lên múi bưởi nào. Bà liếc qua mâm cơm, không nhìn thấy món tráng miệng mình ưa thích nên hỏi vặn tôi:
- Tại sao cô không dọn cho tôi món tráng miệng hằng ngày.
Tôi rụt rè trả lời:
- Dạ, chị dặn em khi nào nấu canh, có món chua rồi thì đừng đem bưởi lên nữa, nên hôm nay em không mang lên cho chị dùng.
Bà ta nghe tôi nói, liền nguýt một hơi dài.
- Tôi muốn cô phải biết vâng lời!
Tôi nhận ra được một điều. Chân lý của kẻ bề trên bất cứ điều gì họ cũng phải đúng. Còn những loại thấp hèn, giúp việc như tôi có đúng cũng phải nhận mình sai. Tôi sai lầm ở chỗ không biết nói lời xin lỗi vì lỡ quên đem món tráng miệng cho bà chủ, mà dám ngang ngược nói như vậy.
Tôi quay xuống mà nước mắt chảy dài. Vì nghèo khó tôi phải đi làm người giúp việc. Tủi cho thân phận của mình nên mấy ngày tiếp theo đó lúc nào mắt cũng rưng rưng. Bà chủ nhìn thấy vậy, gọi tôi lại nói trước mặt mấy cô giáo:
- Cô định trù tôi chết hay sao mà cứ nước mắt suốt ngày vậy? Nếu cô không muốn làm việc nữa thì để tôi kiếm người khác.
Tôi cần tiền nên nghe bà nói vậy, thôi không khóc nữa. Tôi không cho nước mắt chảy nữa chứ không phải không còn khóc. Thực ra tôi khóc nhiều hơn trước đó. Tôi khóc cho thân phận mình, khóc cho sự đời ngang trái, khóc cho sự dối trá, bạc bẻo của con người.
Bà chủ là một người theo đạo Phật, đi làm công đức khắp nơi. Trong nhà bà chủ, trên sân thượng có một tượng Phật Bà Quan Âm thật lớn, hằng tuần tôi phải bắt ghế để lau chùi bụi băm. Nơi bà chủ hằng đêm hay ngồi niệm Phật vậy mà không hiểu sao bà lại nỡ đối xử như vây?
Tôi còn biết, khi ra ngoài bà là một con người rất lịch lãm, nói những điều tâm phước. Bà còn là một nhà thơ rất hay, nỗi tiếng trong hội thơ thành phố.
Hai con người trong con người bà đối nghịch nhau. Một bên của đạo đức, của tâm hồn. Còn bên kia là sự toan tính, ích kỷ. Lương của tôi lúc đó chỉ có tám trăm ngàn một tháng. Tôi cần tiền trả nợ, cần việc làm nên bao nhiêu với tôi cũng đều rất lớn.
(xem tiếp phần mười ba)
<< phần mười một | phần mười ba >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 508

Return to top