Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> HẠT SƯƠNG MONG MANH

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 7834 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đăng bởi: lanngoc 11 năm trước
HẠT SƯƠNG MONG MANH
Nguyễn Thị Ngọc Lan

phần chín
9
Vào một buổi sáng tháng hai 1984, đang lui cui làm việc ở nhà thì em gái tôi chạy vào báo tin Ba tôi bị tai nạn bên rẫy. Tôi tức tốc chạy băng qua, đến nơi thì Ba đã trút hơi thở cuối cùng. Đau đớn chồng thêm đau đớn, vành khăn tang đầu tiên trong đời lại dành cho người tôi yêu thương và kính trọng nhất. Người luôn mong muốn cho cuộc đời tôi được sung sướng, hạnh phúc nhưng bất lực nhìn đứa con gái yêu thương nhất của mình chịu hết đau khổ này đến đau khổ khác, không đủ sức dìu dắt để con được vào đời may mắn hơn.
Tôi mồ côi Ba!
Cuộc sống tôi cứ thế trôi trong những ngày đắng cay, chống chọi với cuộc sống hàng ngày. Tôi vẫn làm việc bình thường ở Ủy Ban Xã, làm nhân viên tài vụ nên đôi khi phải đi công tác đây đó. Trong các chuyến đi về Huyện thỉnh thoảng tôi gặp lại một vài bạn học cũ như Duyên, T. Hoa, H.Bình, Bỷ… bây giờ là những cô giáo, nhân viên nhà nước chững chạc. Gặp lại nhau là nhắc chuyện xưa, cười vui như trẻ con. Đó là những thời khắc hạnh phúc còn sót lại hiếm hoi của tôi trong thời gian ấy. Những kỷ niệm ùa về nhanh rồi vội vã tan biến để trở lại với thực tại.
Và kỷ niệm nhẫn tâm một lần ùa về trong tôi thật bất ngờ..
Một buổi chiều, tôi thong thả đạp xe đạp về nhà sau giờ làm việc. Hôm đó anh T, không đi núi, thay tôi lo cho hai con ở nhà nên tôi cũng không vội vã lắm, tự cho phép mình hưởng thụ một chút gió chiều, nắng nhạt. Cái cảm giác mà lâu lắm rồi tôi không có được.
Tôi nhớ hôm ấy tóc bay sau ngược gió vì tôi không kẹp lên. Một chút lãng mạn sau bao tháng năm buồn. Hôm nay tôi muốn được hưởng một tí.
Khi đạp xe về gần nhà của Ba Mẹ, nơi có quán cà phê Dung ngày trước. Tôi giật mình vì thoáng thấy một dáng người hơi cúi đầu lầm lũi bước đi bên kia đường. Dáng ấy quen thuộc đến mức tôi không thể lầm lẫn được. Hai tay tôi run run trên ghi đông xe đạp, toàn thân cứng đờ khiến hai chân không thể nhấn được bàn đạp. Chiếc xe vẫn từ từ tiến lên phía trước một cách nặng nề.
Khi đến trước quán cà phê cũ của tôi, người ấy dừng lại và nhìn vào trong rất lâu. Tôi cũng dừng lại như một sức hút vô hình từ phía bên kia đường. Ngực tôi ngộp thở, tai ù đi. Ran ran tiếng gió chiều.
Tôi bước ra khỏi xe và nhìn chằm chằm vào con người ấy. và người ấy bất ngờ quay lại nhìn tôi.
Bất ngờ, đôi mắt tôi hoà tan cùng ánh nhìn của con người ấy. Hai chân tôi như muốn quỵ xuống. Đôi mắt u buồn, xa xăm nhưng lại có ngọn lửa bùng cháy bên trong.
Trời ơi! anh đó sao? Hơn mười năm rồi, anh ốm và đen hơn nhiều. Dáng người khắc khổ. Anh nhìn tôi không hề chớp mắt. Và tôi cũng vậy. Nước mắt tôi chảy xuống má một cách bất ngờ, không kìm chế được. Tôi muốn chạy ào qua với anh nhưng hai chân tôi chôn chặt xuống lề đường. Không được! Không thể được. Tôi nhủ thầm như vậy.
Chúng tôi, người bên này, người bên kia đường chỉ im lặng nhìn nhau trong chốc lát, không ai nói một lời nào. Khi anh quay mặt bước đi cũng là lúc tôi ngồi lên yên xe, đạp về nhà. Tôi cám ơn anh đã kìm chế được trong giây phút đó. Nếu anh băng qua con đường rồi đứng trước mặt tôi, liệu điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Tôi cũng không biết nữa. Khoảnh khắc ấy, tôi tin anh vẫn còn yêu tôi.
Về đến nhà chồng con tôi ra đón, hai đứa con bụ bẫm dễ thương ôm lấy tôi, nhờ vậy tôi đã che giấu được cái cảm xúc bất ngờ với chồng tôi lúc đó.
Tôi đã quyết định đoạn tuyệt với mối tình đầu từ lâu rồi. Hơn mười năm, đôi lúc có nhớ về anh nhưng với tình yêu chồng con dành cho tôi quá lớn không cho phép tôi có những giây phút yếu lòng. Và cũng bởi tôi may mắn chưa gặp lại anh lần nào kể từ lúc anh ra đi. Nhưng chiều nay, gặp anh như vậy lòng tôi đau xót lắm. Thà anh cứ cúi đầu, đừng nhìn thấy tôi để tôi không mang nặng đôi mắt ấy, có lẽ tôi sẽ nhẹ nhỏm hơn rất nhiều. Tôi biết phải làm sao bây giờ, đã là gái có chồng, đã sinh được hai cậu con trai, trái tim vẫn không quên được anh sao?
Thật ra tôi đã dối lòng mình. Tôi nghĩ, không chỉ riêng tôi mà với bất người phụ nữ nào khẳng định rằng khi đã có chồng con, có một gia đình êm ấm thì những chuyện tình trước đó sẽ không bao giờ nhớ đến, quan tâm đến thì có nghĩa là họ chưa bao giờ yêu và được yêu. Người phụ nữ luôn yếu mềm. Tôi tin chắc chắn những người phụ nữ đã từng có một cuộc tình thật sự, họ sẽ không bao giờ quên được nó. Chỉ có thể chôn vùi nó vào trong trái tim để làm tròn bổn phận người vợ, người mẹ. Coi đó như là một kỷ niệm thiêng liêng. Một tượng đài của ký ức.
Tôi cũng chỉ là một phụ nữ yếu đuối.
Mối tình đầu luôn có một chỗ đứng trong trái tim tôi. Dù đã có gia đình nhưng tôi vẫn dành riêng cho mối tình ấy một cõi giang sơn nhỏ bé trong tâm hồn. Nó mong manh, kỳ ảo và vô thường.
Hôm sau nhìn thấy tôi xanh xao mệt mỏi, anh T. đến bên tôi:
- Em đau rồi, hôm nay xin nghỉ một ngày cho khỏe nghe em – Để việc nhà anh lo, em cứ nằm nghỉ.
- Dạ không anh, em mệt một tí thôi, đi làm được mà.
Nói với anh như vậy nhưng tôi thật sự rất mệt mỏi do cả đêm qua tôi thao thức, nằm không dám trở mình sợ anh lo lắng. Tôi hối hận và thấy thương cho chồng rất nhiều. Trong một phút yếu lòng gặp lại anh, tôi đã phản bội lại chồng mình dù chỉ trong tư tưởng.
Đôi khi nhiều chuyện cứ ngỡ đơn giản nhưng không phải vậy. Tôi ngỡ đã quên được anh lâu lắm rồi, nhưng khi nhìn ánh mắt u buồn của anh buổi chiều hôm ấy khiến cho lòng tôi vấn vương, ray rứt hoài. Nhiều năm sau này cũng vậy, cho đến ngày chồng tôi qua đời, trái tim héo khô và thân xác gầy mòn sống đơn độc một mình nuôi con, tôi mới thật sự quên được tất cả. Tôi quên hết những con người đã từng yêu thương tôi. Ba tôi, chồng tôi và cả anh. Tôi quên những con người đã làm hại cuộc đời tôi, gia đình tôi. Tôi quên hết. Không có ai, không còn ai trong tâm trí tôi nữa. Bởi một điều đơn giản. Tôi không còn thời gian để nhớ, để mộng mơ, để hận thù.
Hai con luôn khỏe mạnh, ít đau ốm nên tôi cũng đỡ lo lắng nhiều. Có lẽ ông trời thương cảm cho hoàn cảnh gia đình tôi nên ban cho hạnh phúc như vậy. Niềm hạnh phúc lớn lao nhất là mỗi chiều đi làm về được bồng ẳm, ôm chặt hai con vào lòng. Buổi tối sau khi dỗ hai con ngủ tôi tranh thủ làm sổ sách kế toán cho hoàn chỉnh. Nếu vào những ngày anh T. không đi núi thì những lúc như vậy anh sẽ ngồi ôm đàn hát khẽ cho tôi nghe hoặc cộng giúp tôi những dãy số để làm quyết toán…
Những đêm trăng đẹp, cả gia đình tôi ra ngồi bên bờ suối ngắm trăng lên. Ánh trăng xuyên qua những tán cây hai bên bờ suối trông thật lãng mạn. Trăng rơi xuống mặt nước lững lờ trôi, trăng vỡ từng mảnh nhỏ trên hồn tảng đá. Có khi trăng lại cười với chúng tôi. Hai con tôi tung tăng bên bờ suối, còn tôi và anh Trí ngồi cạnh nhau hát cho nhau nghe những bản tình ca cũ. Ôi, thời gian ấy sao mà đẹp quá!
Có những buổi sáng anh dậy thật sớm chuẩn bị bữa ăn sáng cho công việc đi kiếm củi cách đó gần 10 cây số. Cực nhọc, vất vả là vậy nhưng lúc nào anh cũng tươi cười, ngọt ngào, nhẹ nhàng với tôi và đùa giỡn với hai con. Trăm ngàn khó nhọc nhưng gia đình tôi rất hạnh phúc, đầm ấm, chỉ mong cuộc sống mãi bình yên.
Nhưng số kiếp của tôi sinh ra là để chịu mọi đớn đau trên cuộc đời này. Những ngày êm đềm, hạnh phúc không được nhiều. Cái hạnh phúc đơn giản nhưng sao với tôi nó xa vời quá.
Một lần nữa khổ đau lại ập xuống gia đình nghèo khổ của tôi một cách vô duyên cớ. Phải chăng là sắp đặt của định mệnh..
Tôi làm việc trong ủy ban xã dưới quyền anh H.B, một người bạn học cùng lớp ngày trước. Là một người đứng đắn và học thức, trong công việc B. rất nghiêm túc, nguyên tắc rõ ràng. Tôi biết tính tình của B. từ lúc còn ngồi chung lớp với nhau nên rất vui được cùng làm chung phòng, dưới quyền B. Riêng tôi cũng luôn làm tròn trách nhiệm của mình, không sai nguyên tắc, không vi phạm và luôn hòa nhã, vui vẻ với mọi người.
Nhưng số phận không cho tôi được bình yên.

Chuyện buồn xảy ra năm 1988.
Thời gian làm việc ở xã có một người đàn ông đeo đuổi tôi quyết liệt, liều lĩnh, dù người này không xa lạ gì với vợ chồng tôi bởi cùng làm chung trong xã. Tôi biết ông ấy từ lúc còn nhỏ, khi tôi đang cắp sách đến trường ông ấy đã nghỉ học để phụ giúp gia đình công việc kinh doanh. So với chồng tôi, ông ta thấp kém về mọi mặt. Biết chồng tôi là người đàng hoàng, học thức, ông ấy cũng có lòng khâm phục, nhưng ganh tỵ. Những khi cùng làm việc ở xã ông ta vẫn buông lời tán tỉnh, chọc ghẹo tôi. Luôn tìm mọi cách để tiếp cận.
Ông ta ăn nói thô lỗ lại thiếu kiến thức. Nhưng khi xã hội mới thay đổi, những người như ông ấy lại được trọng dụng. Dưới cái nhìn của mọi người, ông ta là một kẻ không đáng để tranh luận. Cách nói chuyện vô duyên, nhạt nhẽo làm tôi rất khó chịu mỗi khi ông ấy bước vào phòng tôi ngồi chễm chệ trước mặt, buông những lời khó nghe. Hoàn cảnh của tôi lúc ấy cũng chẳng dễ chịu gì. Có được một công việc làm tương đối nhàn nhã như vậy nên không muốn tranh luận hay nặng lời ông ta. Lúc nào cũng im lặng, cam chịu thái độ khiếm nhã ấy. Hơn nữa, trước đây tôi cũng đã chịu đựng gần như vậy nhiều rồi khi còn quán cà phê nhà tôi, nên quen.
Một lần ghé vào U.B để đón tôi, về đến nhà anh T. mở giỏ xách của tôi lấy chìa khóa cửa thì phát hiện ra lá thư ông ta lén bỏ vào giỏ từ lúc nào. Có lẽ khi tôi mang tờ “séc lĩnh tiền mặt” qua phòng chủ tài khoản ký duyệt, thì sự việc bắt đầu từ đó. Chồng tôi vì bực tức, không kìm chế được nên mang lá thư này đến nhà đưa cho vợ ông ta.
Thực ra trước đây vài ba lần con người ấy cũng đã nhét thư vào giỏ xách nhưng bị tôi phát hiện được và có lời nhắc nhở rồi. Tôi giấu chuyện này với chồng vì không muốn điều chẳng hay xảy ra. Đó là sai lầm rất lớn của tôi.
Khi chồng tôi đem thư qua cho vợ ông ấy đọc. Không ngờ chuyện lại xảy ra ngược lại. Vợ ông ta lại cho chồng mình là con người đứng đắn nên vu oan cho tôi dụ dỗ chồng của bà ấy.
Chồng tôi rất buồn vì chuyện này nhưng luôn tin tưởng vào sự trong sáng của tôi. Anh khuyên tôi bình tĩnh,tốt nhất là im lặng. Anh nói: “Mình là người có ăn học. Không dễ đối đầu với họ được đâu em. Thôi, mặc kệ họ,rồi mọi người sẽ hiểu"
Chuyện ầm ĩ xảy ra trong suốt hai năm. Dục Mỹ nhỏ bé. Người không thích mình cũng không thiếu. Vậy là người ta được dịp thêu dệt.
Tôi vừa tức giận vừa xấu hổ vì bị vu oan đủ thứ chuyện mà người dân ở đây nghe được. Kinh khủng nhất là năm 1990 tôi phải vào bệnh viện mổ vì u-xơ cổ tử cung, đã phải hy sinh đứa con thứ ba của mình, những con người xấu xa lại đồn rằng tôi phá thai. Giấy chứng nhận phẫu thuật lúc ấy đến nay vợ chồng tôi vẫn còn giữ như một bằng chứng nhưng chỉ để riêng mình biết.
May mắn tôi có được người chồng biết thương yêu mình. Hiểu việc gì đúng sai. Anh nhận thức được tất cả mọi việc. Trong công việc ở xã, tôi thường đi về huyện làm việc. Gặp gỡ nhiều người đàn ông khác nhưng chưa có ai suồng sã, vô liêm sĩ như vậy bao giờ.
Những tháng năm sau đó gia đình tôi phải chịu biết bao điều tiếng không hay. Tôi không còn dám gặp gỡ ai khác nữa. Đi đâu cũng nghe tiếng xầm xì bàn tán, chỉ chỏ sau lưng tôi.
Mới đây thôi, trong buổi tiệc cưới con trai tôi, anh N. (cũng là cựu học sinh trường T.H.N.H nhưng trên tôi hai lớp) vẫn còn kể về tôi với bạn bè rằng: “Nó (tôi) đã từng có con với người khác..”. Tôi nghe kể lại mà chẳng còn biết buồn tủi gì nữa, bởi buồn tủi quá nhiều nên tôi gần như miễn nhiễm với những chuyện như vậy.
Sau này gặp lại anh, nghe tôi kể lại, anh nói với tôi: “Số phận em đắng cay nhiều rồi, thêm một chút nữa cũng không sao, bỏ đi em”.
Tại sao những người trong gia đình chồng không lên án tôi mà người ngoài lại gán ghép cho tôi những chuyện tày trời như vậy? Tại sao tôi vẫn được anh Trí, chồng tôi an ủi, thấu hiểu và được sự yêu thương của anh, chị em anh T. cho đến bây giờ? Chính họ là những người đã cưu mang giúp đỡ tôi nhiều nhất chứ không phải chị em ruột tôi, ngay cả khi chồng tôi qua đời.
Tôi không cần giải thích với dư luận xấu xa. Tính tôi vẫn vậy. Dù rất căm phẫn vì chính họ đã góp phần đẩy gia đình tôi vào nơi khốn cùng sau này. Những ai còn nói gì, nghĩ gì tôi không quan tâm nữa bởi vì không cần thiết phải vậy.
Đời tôi khổ đau cũng quá đủ nhiều. Từ khi còn nhỏ cho đến bây giờ biết bao tai ương ập xuống. Đã chịu đựng biết bao sóng gió. Nhưng lần này búa rìu dư luận quả là quá sức chịu đựng của tôi, nên không còn cần thiết để mà giận hờn trách móc ai.
Tôi chỉ mong những người đã từng nghĩ không tốt về tôi, hãy suy nghĩ lại những sự việc xảy ra sẽ thấy nhiều điều vô lý. Họ chỉ nghe theo lời đồn thổi của vợ chồng ông ấy, con người ít học đã theo đuổi tôi, gái đã có chồng. Vợ chồng ông ta muốn làm nhục tôi mà không hề có một bằng chứng nào, tất cả sự việc chỉ nằm trong tâm địa của kẻ tiểu nhân và nơi miệng của những người ác ý.
Trước đây tôi được sống trong một gia đình có văn hóa, khá giả, không thiếu người vẫn cứ theo đuổi tôi ngay cả lúc xảy ra chuyện này. Vậy làm sao tôi có thể đánh đổi hạnh phúc gia đình mình để đi theo một con người tầm thường như vậy.
Riêng con người ấy tôi đã tha thứ từ lâu. Ông ấy đã mất vì lý do nào đó tôi không rõ lắm, tôi nguyện cầu cho linh hồn ông ta được siêu thoát.
Tôi cũng tha thứ cho tất cả những con người đã góp phần vùi dập cuộc đời tôi. Dư luận như vết dầu loang, gia đình tôi vất vả, khổ sở để chống chỏi lại những ác ý của những con người nhẫn tâm này. Tôi có tội tình gì đâu, gia đình tôi có oán thù với ai đâu. Sao họ lại nỡ vùi dập đến tận cùng như vậy? Tôi và chồng tôi đã đầu hàng, bất lực vì họ.
Anh T. mất khi tôi mới ba mươi tám tuổi. Nhan sắc tôi vẫn còn để cho những người đàn ông khác tìm đến. Nhưng tôi đã không làm vậy. Tôi yêu quý người chồng bất hạnh của mình. Tôi vẫn sống vậy gần hai mươi năm rồi.
Tôi tha thứ tất cả bởi vì tôi sinh ra để chịu số phận như vậy. Hơn 20 năm qua tôi âm thầm chôn kín chuyện này. Nhưng bây giờ lớn tuổi rồi tôi lại nghĩ khác. Muốn nói lên sự thật chuyện này một phần cho tâm hồn tôi được thanh thản, dù rằng đã quá muộn màng.
Áp lực xấu xa của một số người dân Dục Mỹ khiến tôi xin nghỉ việc ở Xã năm 1992. Đó là một quyết định khó khăn đối với vợ chồng tôi lúc ấy.
Đầu năm 1993 gia đình tôi phải bỏ cái vùng đất oan nghiệt ấy ra đi. Chuyển lên cây số 42 Daklak.
Anh T. không còn đi núi nữa vì sức khỏe anh càng ngày càng sa sút. Tôi mở quán nước ngay tại nhà, quay lại với việc buôn bán mà tôi không thích lắm. Nhưng cuộc sống nghiệt ngã này tôi biết làm sao hơn. Khi mua miếng đất này cất nhà, vợ chồng tôi phải đi vay mượn rất nhiều. May nhờ có những người em chồng tốt bụng.
Lúc này anh T. mở lớp dạy kèm Toán và Anh văn tại nhà nên cũng có thêm thu nhập. Tuy vậy, quần quật quanh năm suốt tháng mà cũng không trả hết nợ. Túng thiếu đeo đuổi gia đình tôi mãi.
Năm 1994, anh T. phát bệnh nặng và phải vào bệnh viện Daklak để điều trị rất nhiều lần do xuất huyết dạ dày. Sức khoẻ anh càng ngày càng sa sút. Anh xanh xao, gầy yếu nhưng vẫn phải dạy học để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Thật ra, đồng tiền anh kiếm được lúc này không đủ để lo thuốc thang, tôi làm đủ mọi công việc để nuôi hai con ăn học. May mắn nhất là hai đứa con tôi rất ngoan hiền, biết phụ giúp đỡ đần công việc trong nhà nên tôi cũng được đôi phần an ủi, yên tâm.
(xem tiếp phần mười)
<< phần tám | phần mười >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 390

Return to top