3
Đúng như suy nghĩ của tôi. Hôm sau ông quay lại, không thèm chào hỏi gì tôi, dù rất ghét nhưng điều đó cũng làm cho tôi khó chịu. Tôi chuẩn bị đối đầu với con người đa mưu này. Đồng minh của ông là Mẹ và anh trai tôi. Ba không còn ở về phía tôi nữa mà chỉ biết im lặng nhìn con gái của Ba chống đỡ những cơn sóng dữ từ Mẹ.
Hôm sau ông ta đến mang theo gói quà gì đó tặng Mẹ, hai người nói chuyện với nhau vui vẻ nhưng không đề cặp gì đến tôi.
Mẹ cũng dịu dàng với tôi hơn, không cáu gắt như trước nữa. Tiếng “Con” thay vì “mi” như thường dùng. Một tối, sau khi đóng quán, Mẹ vào phòng tôi:
- Mấy hôm nay Mẹ thấy con đi học cả ngày, Mẹ lo lắm.
Tôi trả lời Mẹ:
- Dạ, con đi tập văn nghệ, Ba biết mà Mẹ.
- Ba không nói cho Mẹ biết nên Mẹ nghĩ là con đi chơi. Thôi được, nhưng mà xong phải lo về nghe con.
- Dạ.
Mẹ cầm tay tôi:
- Con nè! Mẹ thấy thằng G. nó cũng hiền, nhà nó giàu có, học thức.
Tôi im lặng
- Nó xin mẹ rồi. Ba Mẹ đã đồng ý, qua năm sau gia đình nó sẽ đến xin hỏi, con nghe lời Mẹ, Mẹ chỉ muốn con được sung sướng. Hơn nữa, nó đã mua nhà riêng cho con ở Sài Gòn, sau này anh H và các em con cũng có chỗ để tá túc học hành.
Nước mắt tôi chảy dài ướt cả gối. Không, tôi không thể lấy ông ta, tôi ghét ông ta. Làm sao tôi có thể làm vợ người đàn ông hơn tôi gần mười tuổi, đa mưu để chiếm đoạt cho bằng được tôi. Người mà tôi không hề có chút cảm tình chứ đừng nói là có thể yêu ông ta để làm vợ kia chứ? Không lẽ số phận cuộc đời tôi bị trói buộc trong vòng tay ông ta hay sao? Không, không thể chấp nhận được. Tôi sẽ đấu tranh đến cùng. Nhưng mà ai sẽ bảo vệ, giúp đỡ tôi đây? Ba ư? Người đã bao lần bất lực nhìn tôi khóc thầm thì làm sao có thể giúp được tôi chứ.
Còn anh chỉ là một cậu bé.
Mẹ không nói gì nữa và đi ra cửa. Lời của mẹ như đóng đinh vào trái tim tôi. Khóc suốt đêm, sáng hôm sau tôi quyết định nghỉ buổi tập văn nghệ vì không thể nào nhấc người ra khỏi phòng được. Mẹ cũng không gọi tôi dậy, cặm cụi làm việc. Trưa tôi ăn vội qua loa rồi ôm cặp đi học. Ba nhìn theo. Tôi nghe tiếng thở dài.
Chiều hôm đó tôi trao vội vàng cho anh tập Tuổi Ngọc khi chúng tôi xuống xe bước vào cổng trường. Bên trong cuốn sách có mảnh giấy tôi gởi anh: “Tối lên quán sớm nha, L.đang có chuyện buồn.”
Anh đến sớm như tôi dặn, bước thẳng vào quán, đến cửa sổ đặt lá thư xuống bên khóm Hải đường. Tôi đang ngồi bên cửa sổ học bài, mỉm cười rồi len lén thò tay qua cửa sổ với lấy bức thư. Anh không quay lưng lại như thường lệ mà ngồi nhìn tôi mở bức thư ra đọc, anh viết: “Có chi buồn vậy L. Họ chưa ăn chi hết, sốt ruột lắm” – Tôi lấy phấn viết mấy chữ vào tấm bảng nhỏ, đưa lên cho anh nhìn thấy: ”Mẹ bắt lấy chồng, buồn lắm”. Anh đến quầy xin vỏ gói thuốc, tháo tờ giấy bạc bên trong, hý hoáy viết rồi vò lại ném qua cửa sổ cho tôi “Viết kể rõ mai gởi đọc nghe. Nhớ đừng buồn!”.
Anh xoay người, quay lưng lại, quán bây giờ đông khách nên tôi không bút đàm với anh được nữa. Tôi ngạc nhiên khi thấy anh phả khói thuốc lá về phía trước mặt, điều mà tôi chưa gặp bao giờ.
Ba mươi bốn năm sau anh nói với tôi đó là điếu thuốc đầu tiên trong đời mà anh hút.
Bốn ngày nữa là Tết, bọn học trò chúng tôi được nghỉ học hơn một tuần. Năm nào cũng vậy, Tết ở Dục Mỹ rất buồn. Không như ngày còn bé gia đình tôi ở Huế, những ngày sắp Tết đám trẻ như tôi luôn cảm thấy niềm vui rạo rực, niềm hạnh phúc vô biên; không khí trong gia đình lúc nào cũng rộn ràng ấm cúng. Gia đình đã lưu lạc vào đây nhiều năm, nhưng không để lại trong tôi một chút ấn tượng nào trong những ngày Tết đến. Vẫn công việc hằng ngày của Ba Mẹ - Quán có vẻ đông hơn ngày thường nhưng đó cũng là điều khổ tâm cho tôi.
Điều buồn nhất bây giờ là tôi không được đến trường đi học, không đứng trên xe học sinh để thấy anh cười và ánh mắt của anh, không được vui đùa với bạn bè.
Tối 27 Tết anh lên quán, không ngại ngùng, sợ sệt, bước thẳng vào nhà.. Tôi đang ngồi nói chuyện Tết nhứt với ba mẹ, ngạc nhiên lẫn chút lo lắng nhìn, anh gật đầu chào ba mẹ tôi:
- Cháu chào hai bác.
Anh xoay về hướng tôi, chìa tấm thiệp chúc tết và nói:
- Gởi Lan tấm thiệp chúc Tết.
Tôi lí nhí:
- Cám ơn…
Tôi cũng có tấm thiệp chúc Tết định chờ anh lên để gởi tặng. Nhưng trong tình thế như vậy, tôi không thể vào lấy đem ra dưới con mắt giám sát của Mẹ, nên chỉ biết nhìn anh như một lời tạ tội mà thôi. Anh không nán lại để uống cà phê như mọi hôm mà đi về ngay.
Tối vào phòng ngủ tôi mới mở tấm thiệp của anh ra. Cũng một tấm thiệp có đóa hồng nhung đỏ thắm bằng vải nhung mịn rất đẹp, lớn hơn tấm thiệp anh trao tặng tôi năm ngoái. Bên trong kẹp hai mảnh giấy hồng và trắng. Bốn câu thơ ghi trên mẫu giấy trắng và lời chúc tết ghi ở giấy hồng:
Yêu em anh hái trăng mơ
Lấy mây chắp nối làm thơ cho tình
Lấy sao làm chiếc độc bình
Cắm hoa hàm tiếu cho mình yêu nhau.
Lá thư được đặt ở trong tấm thiệp, khi đó tôi vẫn chưa phát hiện ra, đến lúc đặt tấm thiệp vào lại bì tôi mới nhìn thấy và lấy ra đọc: "Sớm mai anh về. Nhớ lắm, sẽ cố gắng vô sớm. Lan hãy đợi nhé, đừng đi vội"
Sáng mùng một mặc áo dài đi lễ nhà thờ mà lòng cứ nhớ anh – Chắp tay quỳ dưới Chúa tôi cầu mong anh được bình an và những ngày Tết qua mau để chúng tôi được gặp lại nhau.
Chưa bao giờ chúng tôi nói với nhau lời yêu thương, nhưng ánh mắt nụ cười trao nhau đã nói lên tất cả rồi. Tôi nhớ anh lắm, nhớ thật nhiều dù xa nhau chỉ có mấy ngày thôi. Tôi tự hứa với lòng khi anh vào lại tôi sẽ nói với anh rằng tôi đã chờ.
Ông G. không về quê ăn Tết như tôi mong đợi – Quanh quẩn suốt thời gian trước và những ngày Tết trong nhà tôi – Trừ những lúc phải vào đơn vị ứng trực, còn không lúc nào vắng mặt khiến tôi vô cùng khó chịu – Mấy ngày Tết không ai nhăn nhó hay tỏ vẻ khó chịu ra mặt được. Phong tục của người Việt Nam mình là vậy, nhất là người Huế như gia đình chúng tôi. Cố gắng lẫn tránh cái khuôn mặt tôi ghét, nhưng cũng gắng gượng ngồi tiếp chuyện, không thường xuyên nhưng mỗi ngày phải một, hai lần như vậy. Không lẽ mấy ngày Tết mà cứ nằm hoài trong phòng. Nói chuyện với ông ấy tôi không có chút vui vẻ nào, nhưng vẫn cố gắng nở nụ cười và trả lời ngắn ngủn những câu xã giao vô duyên của ông ta và với tôi, khoảng cách càng thêm xa hơn. Mẹ thỉnh thoảng góp chuyện vài câu, nội dung cũng chỉ xoay quanh chuyện cưới hỏi và tương lai cuộc sống gia đình. Nghe những câu ấy tim tôi như ngừng đập, tôi lại nhớ anh và nghĩ đến anh nhiều hơn.
Tôi thường so sánh giữa anh và ông G. Một trẻ con và một người lớn. Ông G. có dáng người thấp đậm, dáng đi cứng cáp, cách nói ngắn dứt khoát, môi luôn mím lại khi sắp diễn đạt một lời gì. Mẫu người như ông xứng đáng đại diện cho giới quân đội. Một sĩ quan nghiêm khắc, chững chạc. Anh, một thư sinh luôn có một nụ cười mỉm trên môi. Khi cười anh biểu hiện tình cảm bằng cả khuôn mặt. Từ mắt, môi cho đến hai gò má, hai cái lúm đồng tiền làm anh tươi hơn. Nhìn anh trông như một đứa trẻ thì đúng hơn. Một đứa trẻ có tâm hồn của người lớn. Một tâm hồn lãng mạn mà anh đã biểu lộ qua cái nhìn, cách nói chuyện với bạn bè, cách đi đứng và cả những lúc đăm chiêu xa xăm. Tính cách lãng mạn của anh còn biểu hiện qua những vần thơ và bài viết của mình đăng trên báo Tuổi Ngọc ngày ấy. Anh, trẻ con mười sáu tuổi.
Người tôi không yêu thương lại ngỏ lời muốn cưỡng đoạt tôi làm vợ bằng mọi cách. Người tôi mong đợi lời ngọt ngào lại không dám nói yêu tôi, nhưng tôi không trách anh điều đó, vì điều tôi muốn nghe anh đã diễn đạt bằng cách khác rồi.
Tết rồi cũng qua, tôi trở lại với trường lớp. Không được vui như trước nữa nhưng ngày đầu năm tôi cố gắng hòa đồng với bạn bè, hỏi thăm người này người nọ ăn Tết có vui không? Điều tôi mong đợi bây giờ là được trông thấy anh, nhưng bóng dáng anh vẫn không thấy đâu? Tôi hay lo sợ vẩn vơ vì không biết anh trở về bằng phương tiện gì, có đi đến nơi về đến chốn hay có điều gì xảy ra với anh – Lòng tôi như lửa đốt. Sân trường vắng vẻ hơn. Cây bàng im lặng hơn. Mọi cảnh vật chung quanh tôi như bất động.
Rồi ngày vui cũng đến. Anh trở vào sau Tết một tuần. Người anh trông bơ phờ, hốc hác. Tối đó anh lên quán tôi muộn hơn thường ngày. Lúng túng tìm chỗ ngồi vì cái bàn quen thuộc đã có người khác chiếm hữu mất rồi. Nhưng người đàn ông này không quay lưng lại như anh.
Anh tìm hai cái ghế và kéo lại chỗ góc sân gần lối ra vào, một cái làm bàn, ngồi dựa vào tường nhìn tôi… Tôi đã nhìn thấy anh vào nhưng cố tình làm ngơ, vẫn cúi đầu học bài. Tim tôi đập liên hồi.
Anh lấy thuốc ra đốt. Giả như không thấy nhưng tôi biết anh đang chăm chú nhìn tôi. Không chịu nỗi cái nhìn của anh, lát sau tôi quay lại mỉm cười. Anh cười đáp lại và nháy mắt chỉ người đàn ông đang ngồi nơi chiếc bàn cũ của anh, dưới giàn bông giấy, tôi lắc đầu (sau này người mà anh muốn hỏi tôi là ai, đó chính là anh NPT, tôi sẽ nói rõ hơn ở phần sau). Tôi xếp sách vở lại đứng dậy, tay cầm cuốn sách kẹp lá thư gởi anh lúc đi ra quầy, tôi viết: “Họ chờ, nhớ lắm!” Lát sau anh bước đến quầy, nhẹ nhàng đẩy mãnh giấy viết vội vã:” Không còn giận anh nữa chứ?”. Tôi không trả lời anh mà chỉ lắc đầu khi anh quay về ngồi lại chỗ cũ.
Suốt buổi tối đó anh nhìn tôi và thỉnh thoảng tôi ngước mặt nhìn anh. Cả hai chúng tôi chỉ biết mỉm cười với nhau. Gần chín giờ anh đến trả tiền để về. Khi đứng trước mặt, anh nói nhỏ với tôi:
- Tí nữa vắng khách họ quay lại chừ.
- Nhớ nghe, Lan chờ.
Anh đi đâu đó khoảng nửa tiếng sau bước vào quán. Khi chỉ còn một người khách cuối cùng đang thả hồn theo khói thuốc, anh đến sát trước quầy, bất ngờ chồm người qua, kéo đầu tôi gần lại và đặt trên má tôi một nụ hôn. Quá bất ngờ và xấu hổ, tôi đẩy anh ra, mặt hơi nhăn lại nhưng vẫn mỉm cười với anh
- Khỉ…
Anh không cười mà nói:
- Nhớ quá… Ừ, khỉ hay chi cũng được..
- Về đi, khuya rồi –Mẹ ra nhìn thấy thì Lan chỉ có chết.
Sau Tết nửa tháng ông G. về thăm nhà. Ngày trở lại ông tặng tôi đủ thứ quà, từ sách vở, bút viết đến chiếc kẹp tóc… Tôi không thể không nhận nhưng chưa một lần đụng đến chúng. Thái độ bất cần của tôi, Mẹ và ông G. đều nhận ra nhưng không nói gì. Thỉnh thoảng lân la đến gần hỏi thăm chuyện học hành nhưng đều nhận được sự im lặng của tôi. Tôi càng tỏ ra lạnh nhạt, ông càng đeo đuổi quyết liệt hơn. Dù biết rằng trước sau tôi cũng phải chấp nhận làm vợ ông, hứa hẹn với tôi đủ điều nhưng không thể xoay chuyển được tình cảm của tôi, ông xoay qua lấy cảm tình với Mẹ nhiều hơn nữa. Mẹ mệt, cảm thế nào ông cũng hỏi thăm, săn sóc. Điều đó làm cho tôi khó chịu và cảm thấy áp lực vô cùng nặng nề. Đến lớp tôi hay kể lại với bạn những gì đã xảy ra, nhưng tình cảm tôi và anh dành cho nhau thì vẫn giấu biệt với mọi người. Không một ai biết được tình yêu của tôi và anh. Lúc ấy tôi nghĩ như vậy nhưng sau này nhớ lại, có thể những người bạn học của anh và cũng là của tôi có thể biết chuyện chúng tôi yêu nhau. Nhất là V.Q.T, người bạn hay đến quán uống cà phê cùng anh.
Một điều đơn giản vì lúc đó anh và tôi cùng học ngang lớp với nhau. Tôi sợ bạn bè chọc ghẹo rằng đang gởi gắm tình cảm cho một “cậu bé”. Tôi cũng không muốn cho ai biết còn một lý do khác nữa. Vì Mẹ tôi.
Về chuyện hôn nhân với ông G bạn bè nói với tôi rằng không thể thoát được con người đó đâu. Thật sự tôi không có một lối thoát nào khác để chọn lựa. Tôi không thể quyết định được cuộc đời mình. Các bạn gái cùng lớp khuyên tôi nên vui vẻ với ông G, nếu không, một ngày nào đó về làm vợ, ông ta sẽ tìm cách hành hạ mình để trả thù.
Tôi giấu tình cảm riêng của mình cũng vì sợ đến tai ba mẹ. Tôi biết anh yêu tôi rất nhiều, hằng đêm anh đến để chúng tôi được nhìn nhau, sau đó anh quay về học bài. Không nói với nhau được lời nào nên đôi khi dùng phương pháp bút đàm – Những lúc tôi ra ngồi quầy sớm, anh thay đổi chỗ ngồi đến sát quầy để chúng tôi dễ chuyền cho nhau những mảnh giấy nhỏ đó mà thôi, có lần không chọn được chỗ ngồi gần quầy, anh chọn cách đến quầy trả tiền nhiều lần để được nhìn thấy tôi. Những lúc như vậy tôi và anh chỉ im lặng, không dám nở nụ cười, không dám mở lời vì biết bao cặp mắt nhìn về phía tôi, không ít kẻ si tình đến ngồi trong quán. Sau này anh nói với tôi rằng, mỗi lần đến nhà em như bước vào hang cọp, anh nhỏ bé quá so với đám khách ở đây, anh run lắm.
Tham gia văn nghệ của trường ảnh hưởng đến việc học nên tôi sa sút, không theo kịp chương trình, may nhờ thầy cô cũng thông cảm nên châm chước cho tôi. Những ngày không đến trường tôi phải lao vào sách vở nên ít phụ giúp được việc gia đình. Điều này khiến mẹ không vui vì nghĩ tôi muốn trốn tránh để làm điều gì đó hoặc đang có tư tưởng nổi loạn chống lại Mẹ, chống lại ý định bắt tôi phải lấy chồng. Mẹ giám sát chặt chẽ thời gian ở nhà của tôi và những lúc anh lên quán, Mẹ hay ra vào để chúng tôi không thể gặp nhau. Nhưng Mẹ không ngờ rằng chỉ cần Mẹ quay lưng là chúng tôi cười với nhau và trao vội những mảnh giấy, có khi là vo tròn ném đến nhau, hay những lúc anh để trên thành cửa sổ, tôi với tay gởi lại và nhận thư anh. Nghĩ lại việc này tôi không hiểu sao lúc ấy chúng tôi ngây ngô, liều lĩnh như vậy. Có lẽ tình yêu đầu đời quá mãnh liệt nên tôi không kềm chế được cảm xúc của mình.
Một hôm, tôi nhớ ngày đó là thứ bảy, buổi tối thứ bảy vì tôi không phải học bài, xuống phụ mẹ pha cà phê cho khách. Anh đến quán sớm hơn cùng với hai người bạn. Tôi nghĩ đó là V.Q.T và một người khác, có lẽ là B.Đ.N. Nhìn ra cửa, tôi mỉm cười, anh cũng vẫy tay, cười với tôi và nói gì đó với hai người bạn. Cặm cụi làm việc nhưng trong lòng rất vui vì được nhìn thấy anh. Lúc đó tôi không để ý đến Mẹ đã bước ra quán đến bên anh. Sau đó anh theo Mẹ vào trong nhà, ngồi xuống hai chiếc ghế đối diện. Linh tính có điều gì không hay đang xảy ra, tôi đứng gần cửa lên xuống lắng nghe mẹ nói gì với anh. Mẹ nói rất nhỏ, tôi cố gắng lắm cũng chỉ nghe được vài từ mẹ nói. Tôi không hình dung khuôn mặt anh lúc đó như thế nào nhưng cũng đoán được anh và Mẹ tôi nói những gì, tôi biết anh không cần nghe, không muốn nghe gì hết vì những điều mẹ nói anh biết trước rồi Mẹ nói rất nhiều, khoảng mười phút sau tôi nghe anh xin phép mẹ để ra ngoài với bạn. Bước chân anh nặng nề đi qua khoảng sân trống, đầu anh cúi xuống và chắc là anh đang giận Mẹ, tôi nghĩ vậy.
Hai ngày sau đi học lại, lên xe tôi không nhìn thấy ánh mắt và nụ cười của anh. Nhìn dáng anh đi buồn bã, trong lòng tôi xót xa lắm nhưng không thể nào đến hỏi Mẹ đã nói gì với anh.