2
Mùa Hè năm 1972.
Khách đến uống cà phê quán tôi thường xuyên xuất hiện người đàn ông khoảng 25 tuổi, một trung úy đang làm việc tại TTHL Lam Sơn… Đều đặn và chăm chỉ mỗi đêm, tiếp đó là cả thời gian sau giờ làm việc. Người đàn ông này nói giọng Bình Định rất khó nghe, hay chăm chú nhìn khi tôi xuất hiện trong quán hay lúc đi học về. Đâu phải tôi chưa chạm với những ánh mắt như vậy nhưng sao con người này có một cái nhìn rất khác. Nó vừa mãnh liệt lại vừa đáng sợ. Cái nhìn như nuốt chửng lấy con người tôi.Cảnh giác với cái nhìn đó vì linh tính như có điều gì không hay đang đến với tôi.
Một thời gian sau, người đàn ông này bắt đầu lân la vào nhà nói chuyện với Ba tôi, rồi với Mẹ tôi và cả anh của tôi nữa. Số lần đến ngày càng nhiều và thời gian cũng cứ kéo dài thêm ra. Tôi đề phòng ông ấy dù chưa rõ được ý đồ của ông ta lắm.
“Cậu bé” si tình cũng chăm chỉ đến uống cà phê mỗi tối, vào khoảng thời gian từ bảy đến tám giờ mỗi đêm, sau đó mới chịu về học bài. Đó cũng là lúc tôi hay ngồi học bên cửa sổ, bắt đầu chú ý đến cậu bạn học cùng lớp kỳ lạ này vì tò mò pha lẫn chút khó chịu. Không như những người khác, cậu bé hay ngồi quay lưng lại phía tôi. Đó là điều tôi ngạc nhiên muốn biết. Sau này anh mới nói vì quá lo sợ cho tôi trước những người lính mặc đủ loại quân phục này. Anh ví tôi là con mèo con và anh cũng vậy, anh đã nhiều lần nhìn thấy tôi phải chống chọi đơn độc trước những lời lẽ khiếm nhã của một số người, nhiều lần tôi phải bỏ lên lầu như trốn chạy trước hành động suồng sã của một vài người lính có học nhưng thiếu nhân cách. Anh vẫn ngồi đó nhưng chỉ biết im lặng bất lưc nhìn.
Rồi mùa hè đến, tôi phải chia tay bạn bè, lớp học – Ba tháng hè là khoảng thời gian tôi buồn chán nhất, không còn niềm vui trong cuộc sống hằng ngày. Phải ngồi quầy ban đêm, còn ban ngày trông giữ mấy đứa em. Với tôi, mỗi tối 4 tiếng đồng hồ là thời gian như bị đày đọa. Trừ những lúc phải tính tiền cho khách, tôi luôn cúi đầu đọc sách hay tờ báo nào đó để tránh những cặp mắt nhìn, những lời chọc ghẹo.
Một hôm Mẹ gọi tôi đến nói chuyện. Tôi đến bên Mẹ lắng nghe.
- Quán cà phê mình bây giờ ngày mỗi đông khách, việc làm ăn đang thuận lợi. Thôi con nghỉ học để giúp Ba Mẹ, rồi vài năm nữa lấy chồng, Mẹ đã chọn người cho con rồi.
Mọi thứ như sụp đổ trong tôi. Không nói được lời nào nhưng nước mắt tôi tuôn dài. Mẹ, Mẹ nỡ đối xử với con như vậy sao? Ba ơi! cứu con.
Đêm đó tôi vào phòng nằm úp mặt trong gối và chỉ biết thổn thức khóc thầm. Từ bên ngoài tôi nghe tiếng Ba mẹ cãi nhau. Ba tôi nói:
- Con nó còn nhỏ, em hãy để cho nó yên thân mà học hành.
Mẹ lên tiếng cãi lại:
- Nó không còn nhỏ nữa, mười sáu tuổi rồi. Gia đình người ta giàu sang, có địa vị xã hội – Rồi sau này bầy em nó cũng được nhờ.
Ba hét lớn:
- Tôi không gả nó cho ai hết - để nó đi học..
Sau đó là tiếng ly tách vỡ - Tôi sợ hãi trốn vào phòng ngồi khóc. Ba ơi! con chỉ có ba yêu thương con thôi, Ba cứu con nghe Ba.
Tôi khóc suốt đêm đó, không hề chợp mắt tí nào. Đầu óc tôi luôn quay cuồng với hình ảnh bạn bè, trường lớp – Tôi mất hết rồi sao? Đêm đó tôi biết niềm vui tuổi hồng nhường bước cho nỗi buồn tuổi trẻ, như lời anh viết trong bài “Ngỡ ngàng” cuối năm học lớp 10 Đặc San Hè 1973. Đêm đó tôi cũng đã trút hết nỗi lòng mình trong bài viết “Cho mùa Hạ Cuối”, đó là tâm trạng có thật của tôi, bài này cũng được đăng trong cuốn Đặc San năm đó.
Ba mẹ giận nhau gần cả tuần, hai người không nói với nhau một lời nào. Thỉnh thoảng Ba đến bên tôi an ủi:
- Con gái ba đừng lo nghĩ nhiều, Ba không để cho con nghỉ học đâu…
Niềm hy vọng được đến trường nhen nhúm lại trong tôi: Trái tim tôi bắt đầu vui trở lại nhưng tôi không còn những ý nghĩ ngây ngô như trước nữa. Sau sự cố đó tôi trầm lặng hơn, chỉ nói chuyện với Mẹ khi cần thiết. Ngược lại Mẹ bắt đầu chì chiết tôi từ những chuyện nhỏ nhặt nhất, tôi chỉ biết cúi đầu im lặng.
Nghỉ hè một tuần rồi nhưng tôi không thấy “cậu bé” xuất hiện nơi cái bàn gần gốc cây bông giấy. Đầu óc tôi phải đối phó với chuyện bị mẹ ép nghỉ học lấy chồng nên tôi ít quan tâm đến mọi chuyện chung quanh. Dù vậy tôi cũng cảm thấy thiếu thiếu cái gì đó nơi góc sân nhà. À! Vậy là “cậu bé” về quê nghỉ hè rồi. Tôi không biết năm học đến cậu ấy có còn vào nữa hay không? Và hơi thắc mắc, tại sao về quê lại không từ giã tôi một lời nào. Tệ vậy sao?
Mỗi đêm ra ngồi quầy, bao cặp mắt nhìn tôi, nhưng tôi vẫn thấy thiếu một cái gì đó, nó mơ hồ, trong suốt, tôi không nhận ra là cái gì. Dưới gốc cây hoa giấy đỏ, chiếc ghế ấy luôn có người ngồi nhưng không phải là dáng ngồi quen thuộc tôi hay nhìn thấy. Dáng ngồi quay lưng về phía tôi.
Giữa tháng tám năm bảy hai. Trong một tối ngồi quầy, tôi vẫn thường cúi đầu để đọc sách. Bất ngờ “cậu bé” xuất hiện trước mặt, khẽ nói: “Lan này! Quà quê mình tặng Lan”. Thoáng giật mình, tôi ngước nhìn, và cũng bất ngờ với chính mình, tôi nhoẻn miệng cười với anh. Có lẽ “cậu bé” những ngày về quê tắm biển nhiều nên đen thui, rắn rỏi hơn trước.
- Lan vẫn khỏe chứ!
- Ừ, Lan khỏe, về quê có chi vui không?
- Vui lắm, gặp lại bạn học cũ, bọn nó dẫn đi suốt ngày… mà nhớ Dục Mỹ quá nên vào.
Tôi vui vẻ nhận gói kẹo mè xửng “cậu bé” đem vào từ xứ Huế xa xôi của tôi.
- Cám ơn… nhé!
Cậu bé cười nửa miệng:
- Cám ơn… rứa thôi à? Mà thôi. Được Lan trả lời, vui rồi. Cám ơn lại nhé!
Từ đó tôi và “cậu bé” gần nhau hơn, bắt đầu trò chuyện qua lại dù chỉ vài câu ngắn ngủi trong mỗi đêm “cậu bé” đến ngồi bên gốc cây bông giấy. Tôi thật sự vui trở lại và quên chuyện buồn cũ, cởi mở hơn với mọi người, với Mẹ, đôi lúc nở nụ cười vu vơ trên môi.
Ngồi trong lớp, thỉnh thoảng tôi có cảm giác như ai đang vân vê mấy sợi tóc của mình. Thỉnh thoảng tôi lại hay nghiêng mình nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi có nhánh sầu đông đơm hoa tím rung nhẹ trong gió.
Sự gần gũi thân mật của tôi và anh không qua được cặp mắt của Mẹ. Tôi không được ngồi quầy mỗi khi anh đến nữa. Mẹ nghiêm khắc không cho tôi quan hệ với bất cứ người con trai nào, ngoại trừ một người. Ba tôi quyết liệt đấu tranh với Mẹ để tôi được đi học trở lại, đó là niềm mơ ước và hy vọng nhất của tôi. Bởi nơi đó tôi còn có được bạn bè, còn được anh vô tình vuốt những sợi tóc mà tôi cố tình để quên trên bàn học sau lưng tôi. Bởi tôi biết, chỉ cần quay lưng lại tôi sẽ có nụ cười. Tuyệt tác của Leonardo Da Vinci.
Rồi năm học mới cũng đến, tôi vui hót như chim sơn ca, líu lo với bạn bè, nhưng tận trong sâu thẳm tôi vẫn lo lắng về một ngày phải xa trường, may mắn điều đó bây giờ chưa xảy ra.
Tôi và anh không còn học chung một lớp nữa. Dốt Toán Lý nên tôi chọn ban C, văn chương. Còn anh chọn lớp B, ban toán. Học riêng hai lớp nhưng hằng ngày chúng tôi vẫn gặp nhau. Tình cảm chúng tôi chưa bộc lộ rõ ràng với nhau bằng lời nói nhưng mỗi lúc lên xe mắt lại vội vã tìm mắt, gởi đi thông điệp dại khờ của tuổi học trò… Anh luôn sôi nổi giữa đám đông, còn tôi kín đáo, rụt rè giữa hai người bạn gái.
Sau này gặp lại nhau giữa tiệc cưới con trai tôi, anh nói đùa với hai bạn tôi là ngày ấy anh ghét hai người lắm.
o O o
Người đàn ông vẫn xuất hiện thường xuyên ở nhà tôi, có thể bất cứ giờ nào trong ngày. Tôi ghét con người này, nhất là cái nhìn đắc thắng, thách thức dành cho tôi.
Một lần đang ngồi học bài, ông ấy đến sau lưng tôi tự lúc nào không biết, cúi đầu sát má tóc tôi. Nghe hơi thở nóng ran từ phía sau, tôi giật mình quay lại và bắt gặp cái nhìn nóng bỏng trên khuôn mặt như bức tượng của ông ấy. Tôi đứng phắt dậy, hét lên: “Anh làm cái trò gì vậy?”. Mẹ tôi xuất hiện đúng lúc và giải cứu cho ông ta: “G, giúp cô cái này tí”- Ông ta vội vã quay đi, còn tôi không còn tâm trí nào để học nữa.
Bóng dáng người đàn ông cứ luẩn quẩn trong nhà như bóng ma, khủng bố tinh thần khiến tôi bắt đầu cảnh giác mỗi khi ông đến. Nhiều lần ông G. lân la đến trò chuyện, nhưng tôi tuyệt đối không nhìn, không trả lời. Tôi ghét con người này và đôi lúc tỏ ra thái độ khó chịu, lẫn chút coi thường cho ông ta biết.
Không thuyết phục được tôi, ông ấy càng ngày càng tiếp cận Ba Mẹ tôi hơn. Mặc dù còn nhỏ nhưng tôi cũng nhận ra được con người này đang tìm mọi cách để chiếm đoạt được tôi. Ba tôi càng ngày càng xuôi theo ý Mẹ. Vì Ba là con người mềm mỏng, dù không muốn nhưng Mẹ quá cương quyết và cứng rắn nên Ba cũng đành buông xuôi.
Anh vẫn thường đến uống cà phê mỗi đêm. Vẫn ngồi nơi cái bàn cũ dưới giàn hoa giấy và quay lưng lại phía tôi ngồi học. Hiếm hoi lắm chúng tôi mới nói được với nhau vài câu. Thỉnh thoảng tôi và anh nhìn nhau, gửi cho nhau nụ cười.
Thời gian này tôi nghe mọi người nói anh quen một cô nữ sinh học sau tôi hai lớp. Tôi hỏi anh điều này nhưng chỉ nhận ở anh nụ cười. Nụ cười đáng ghét! Đêm đó tôi thấy nụ cười anh đểu, thật dễ ghét và không còn thánh thiện nữa. Tôi giận anh.
Sau lần hỏi ấy, cả tuần tôi không nhìn anh, không nói câu nào dù mỗi đêm tôi vẫn trông ngóng anh và anh vẫn lên ngồi bên gốc cây bông giấy, quay lưng về phía tôi.
Một buổi tối nọ, tôi nhớ vào khoảng tháng 12/1971, sau giờ học bài tôi đứng dậy nhìn ra không thấy “cậu bé” ngồi đó nữa. Trên cửa sổ có bì thư nhỏ tự gấp, tôi cầm lên và mở ra xem. Đó là bức thư đầu tiên “cậu bé” gởi cho tôi: ”Xin lỗi chuyện vừa qua. Không có điều gì xảy ra như Lan nghĩ đâu. Chỉ mong rằng nếu Lan là một loài hoa thì tôi xin làm Xuân bốn mùa để hoa nở mãi ”. Đọc thư, tôi mỉm cười, nghĩ “ Bày đặt! Bốn mùa hoa nỡ mãi…”
Có phải lá thư ngỏ lời của anh cho tôi? Tôi cố suy nghĩ mãi để tìm hiểu về ý nghĩa của lá thư của anh viết. Anh không đến quán trong mấy ngày sau đó. Tôi ghét, giận, hờn nhưng vẫn đợi chờ mỗi đêm bên cửa sổ nhìn ra. Hằng ngày đi học chúng tôi vẫn thường gặp nhau nhưng tôi cương quyết nén lòng không nhìn mặt anh lần nào, mặc dầu mỗi lần lên xe học sinh tôi vẫn có cảm giác đằng sau đang có ánh mắt kiếm tìm của anh. Tôi giận anh.
Một ngày, hai ngày, ba ngày rồi đến đêm thứ năm anh đến, vẫn ngồi quay lưng. Tôi xếp sách vở lại sớm hơn và đi ra quầy thu ngân, cố tình đi ngang qua chỗ anh ngồi nhưng giả vờ như không thấy. Anh gọi:
- Lan này!.
Tôi vẫn không quay lại. Lát sau anh đứng dậy và ra quầy tính tiền để về. Tôi ngước mắt lên nhìn anh hỏi nhỏ:
- Đúng vậy không?
- Là sao?
- Chuyện hôm trước nói đó.
- Không đúng! Còn lá thư của họ thì sao? Giận dai rứa?
- Thư viết hay. Có gì đâu mà giận. Có giận chi ai đâu.
Tôi trả lời tỉnh như không quan tâm đến câu hỏi.
- Vậy huề nhé, mai lên trường gặp nghe. Mà nè! Suy nghĩ gì không?
Tôi đáp, có vẽ khó chịu:
- Không thèm suy nghĩ. Có chi đâu bận tâm.
- Thiệt không?
- Sao lại không?
- Không mà sao lại giận? hơ..
Tôi nhìn vào mắt anh:
.- Thôi, về đi. Mẹ gần ra rồi.
- A! Hết giận rồi. Nhớ vui nghe.
Anh nói xong câu này, nở nụ cười của Mona Lisa rồi quay lưng bước đi, không thèm chúc tôi ngủ ngon... Tức lắm.
Vậy mà đêm đó, trong tim tôi rộn ràng hát ca, mong trời mau sáng để được lên xe đi học. Nụ cười của anh đưa tôi vào giấc ngủ say.
Trái tim cô gái mười sáu tuổi đang vui, hạnh phúc với tình yêu đầu đời vừa chớm nở. Tôi hay cười và nói chuyện nhiều hơn với bạn bè.
Năm học này tôi tham gia văn nghệ của trường với nhiều tiết mục nên chuyện học của tôi bị ảnh hưởng rất nhiều. Có những buổi không đi học nhưng tôi vẫn phải đến trường để tập dợt trình diễn văn nghệ sắp đến. Có lý do để thoát ra khỏi nhà, tôi rất sung sướng vì thấy mình được thật sự tự do, được thoát khỏi đôi mắt theo dõi của Mẹ và nhất là tránh được con người mà tôi ghét nhất, ông G.
Một hôm nghỉ học buổi chiều, đang quét dọn trong nhà thì ông G. đến gần tôi và nói:
- Lan cho phép anh ngồi nói chuyện với L.
Tôi nhìn thẳng vào ông, mặt nghiêm nghị không cảm xúc:
- Được, nhưng phải nghiêm túc và nói ngắn thôi.
Ông G. ngồi xuống cái ghế đối diện:
- Em ngồi đi
Tôi ngồi xuống. Im lặng lúc lâu như để lấy can đảm, ông nói nhẹ nhàng từng tiếng:
- Tôi muốn lấy em làm vợ, em có cho tôi cơ hội không?
Tôi trả lời ngay không do dự, vì cũng đã đoán được câu hỏi của ông ta:
- Tôi chưa hề nghĩ đến chuyện lấy chồng và càng không nghĩ đến chuyện sẽ lấy anh làm chồng. Tôi còn nhỏ và cần phải đi học. Anh nên suy nghĩ lại và để cho tôi yên.
Ông đứng lên nhìn tôi rồi nói:
- Thôi được, anh sẽ chờ. Anh tin rằng một ngày nào đó L.đồng ý.
Nói xong ông bước nhanh ra cửa, nổ máy xe và đi, không chào từ giã Mẹ như thường lệ. Ông ấy đi rồi, ngực tôi như khó thở, có lẽ lúc đó mặt tôi tím tái vì giận con người lì lợm đó. Câu nói của ông ấy nhắc cho tôi biết một điều là ông ta sẽ không bỏ cuộc. Ông ta sẽ dùng mọi thủ đoạn để chiếm được tôi.
Trời ơi! Tôi chỉ là con bé mười sáu tuổi.